GIA ĐÌNH CÓ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
Ông Vương Nghĩa Toàn, bố của Vương Kiện Lâm, là một cựu Hồng quân xuất thân nông dân, từng tham gia cuộc trường chinh và 14 năm kháng chiến, nhưng về thân thế sau khi xuất ngũ của ông thì có nhiều đồn thổi chưa ngã ngũ, rằng ông là Phó Ban tổ chức tỉnh ủy Tứ Xuyên, hoặc Phó Chủ tịch Khu tự trị Tây Tạng.
Vương Kiện Lâm hiếm khi lên tiếng thừa nhận hoặc phủ nhận trước những lời đồn, tuy nhiên, sự kiệm lời ấy lại vô tình thổi bùng ngọn lửa. Các kiểu suy đoán về gia thế của ông cứ thế lan tỏa theo sự phát triển mạnh mẽ của đế chế Vạn Đạt.
Thật ra, ông Vương Nghĩa Toàn không phải quan chức cấp cao như mọi người đồn đại, ông chỉ làm việc tại Phòng Công - Lâm nghiệp của huyện Đại Kim (sau đổi tên thành huyện Kim Xuyên), giữ chức Phó phòng.
Dù không phải quyền cao chức trọng như lời đồn, nhưng ông Vương Nghĩa Toàn lại có hàm “đội cờ đỏ”, được vinh dự góp mặt trong cuộc viễn chinh lên phía Bắc năm 1930 và trở về với thắng lợi vẻ vang năm 1949. Tuy thế, trong nhóm “đội cờ đỏ”, chức vụ của ông quả thật không cao.
Ngay từ năm 1958, khi nhậm chức ở Phòng Công - Lâm nghiệp huyện Đại Kim, ông Vương Nghĩa Toàn đã có uy tín rất cao, hơn cả Trưởng phòng và Bí thư. Ông không quan cách, được mọi người rất kính trọng, nhưng mức lương 80 tệ một tháng của ông cũng khiến không ít người “nóng mắt”. Năm 1956, Trung Quốc tiến hành cải cách chế độ tiền lương; điều kiện tự nhiên, vật giá, mức sống, lương bổng đều trở thành thước đo. Hồi đó, cả nước chia thành 11 khu vực tiền lương, cao một bậc thì hơn 2 tệ, huyện Đại Kim thuộc khu vực loại 9, lương cơ bản cao. Cử nhân đại học trên huyện mỗi tháng cũng được tới 60 tệ. Trong huyện, người lương cao nhất là Bí thư huyện ủy, Chính ủy ban Vũ trang, tiếp theo là ông Vương Nghĩa Toàn.
Nhà họ Vương luôn được “cơm no, áo ấm”, quả thật là may mắn vô cùng ở thời đó. Ông Vương Nghĩa Toàn thậm chí còn dành ra được ít tiền để mua đồng quà tấm bánh cho những đứa trẻ nghèo khó nông thôn. Hồi còn là học sinh, Lý Hồng Hữu và đám bạn học đã ăn không ít bánh kẹo ông Vương Nghĩa Toàn mua cho. Lý Hồng Hữu hình dung ông Vương Nghĩa Toàn là “ông lão” tốt bụng, sôi nổi, dí dỏm và rất hiền lành.
Người Tứ Xuyên thích tán gẫu, những lúc trà dư tửu hậu luôn rôm rả chuyện phiếm. Ông Vương Nghĩa Toàn thích kể cho con em công nhân viên nghe kinh nghiệm trận mạc của mình. Ông còn mời trà lũ trẻ, tập hợp cả một đám đông cử tọa ngay bên đường, rồi kể tỉ mỉ từ cách tháo lắp súng cho đến đâm lưỡi lê thế nào. Ở huyện Đại Kim hầu như ai cũng biết bố của Vương Kiện Lâm là cựu Hồng quân, từng đánh giặc Nhật.
Ông Vương Nghĩa Toàn dành cho chủ nghĩa cộng sản một đức tin không gì lay chuyển. Ông thích giáo huấn cánh sinh viên về lòng yêu nước, yêu Đảng, rồi sau này cống hiến hết mình xây dựng tổ quốc. Lý Hồng Hữu và bạn cậu ấy có một dạo thấy ông Vương Nghĩa Toàn quá cổ hủ.
Đặc điểm này của ông Vương Nghĩa Toàn cũng ảnh hưởng đến việc ông dạy dỗ con cái, ông luôn rất nghiêm khắc, luôn miệng nói phải nỗ lực, học hành tử tế, có cơ hội phải đọc nhiều sách và phấn đấu trở thành Đảng viên. Xuất thân cán bộ quân đội nên ông nói chuyện thẳng thắn, dứt khoát.
Danh tiếng của bố khiến Vương Kiện Lâm lúc nhỏ luôn cảm thấy hãnh diện. Trong thời đại sôi sục nhiệt huyết ấy, những cựu binh Hồng quân được mọi người tôn kính, sùng bái. Có “cây cao bóng cả” che chở, Vương Kiện Lâm cũng nhận được sự ủng hộ và yêu mến của bạn bè đồng trang lứa.
Tết Nguyên đán năm 1953, ông Vương Nghĩa Toàn lấy vợ, người làm mối là Bí thư quận ủy, vợ là Tần Gia Lan, trẻ hơn Vương Nghĩa Toàn 18 tuổi. Tần Gia Lan rất hài lòng về cuộc hôn nhân do tổ chức giới thiệu, câu nói cửa miệng của cô là: “Ông ấy lo cho tôi hết, cả đời chưa bao giờ bắt nạt tôi.”
Những năm 50 của thế kỷ 20, nhà họ Vương chuyển nhà đến thị trấn Đại Kim châu Ngawa. Tần Gia Lan thấy đây là một việc may mắn. “Ngoài kia đang có người chết đói, nhưng chúng tôi mỗi tuần vẫn được ăn thịt thỏ một lần.” Huyện Đại Kim có rất nhiều núi hoang, không ai chăm nom. Để cải thiện cuộc sống, Tần Gia Lan một mình vượt cầu treo, trồng rau, nuôi thỏ, không thua kém cánh mày râu.
Sau này, mỗi khi nhớ lại những cây củ cải Liên Xô lá xanh củ to, cụ Tần Gia Lan hơn 80 tuổi vẫn tỏ ra vô cùng mãn nguyện. Một cây củ cải hai, ba cân đủ bữa cho cả nhà. “Gọt vỏ, thái lát, sao thành củ cải khô, bọn trẻ ăn ngon lành.” Lá củ cải già còn có thể cho thỏ ăn.
Sống ở khu vực rẻo cao tài nguyên phong phú tách biệt với thế giới bên ngoài, cộng thêm sự lao động tảo tần của mẹ và chế độ đãi ngộ đặc biệt của bố, Vương Kiện Lâm trải qua thời thơ ấu vô cùng đủ đầy, êm ấm. Những năm tháng ấy, Vương Kiện Lâm không chỉ là con trai cả trong gia đình, mà còn là “thủ lĩnh” của đám bạn. “Vị thế” đó chính là cơ hội đầu tiên để Vương Kiện Lâm rèn luyện năng lực lãnh đạo mà sau này, ngày càng thêm “dày dạn”, từ đám trẻ con 9, 10 đứa đến cả một tập đoàn với hơn 100 nghìn nhân viên, Vương Kiện Lâm đều lãnh đạo rất tài tình.
Không ai biết liệu có phải ngay từ nhỏ Vương Kiện Lâm đã có tham vọng xông pha gây dựng sự nghiệp lớn hay không, nhưng có thể khẳng định một điều là thế giới kinh doanh thương mại vô cùng xa vời với ông. Thuở nhỏ, Vương Kiện Lâm cùng gia đình sống ở phố huyện yên tĩnh, cách xa những ồn ào và hỗn loạn chốn phồn hoa đô hội.
Ông Vương Nghĩa Toàn làm ở Phòng Công - Lâm nghiệp huyện Đại Kim, phụ trách phát lương, lập bảng lương, phát văn phòng phẩm, Tần Gia Lan thì ngày ngày bận rộn việc nhà, tối tối lại ra đồng cày cuốc khai hoang. Là con trai cả trong nhà, Vương Kiện Lâm từ lâu đã là cánh tay đắc lực của bố mẹ. Lao động nặng nhọc làm mờ ranh giới giữa trẻ con và thanh niên. Cũng giống như phần lớn các bạn cùng trang lứa, Vương Kiện Lâm đã gánh vác trách nhiệm gia đình ngay từ nhỏ, vì vậy mà được rèn giũa và chín chắn hơn nhiều so với tuổi.
Bà Tần Gia Lan thường nhắc đến không biết chán, Vương Kiện Lâm là con cả trong nhà, dưới còn có 4 em trai, các em đều rất nghe lời anh. Nếu theo truyền thống cũ, huynh trưởng như cha, thì trọng trách mà Vương Kiện Lâm phải gánh vác còn lớn hơn. Năm anh em nhà họ Vương từ nhỏ đã là lao động chính trong gia đình, lớn nhất nên Vương Kiện Lâm cũng thường làm việc ngoài đồng vất vả nhất. Bà Tần Gia Lan thấy an ủi trong lòng vì anh cả biết làm gương cho các em. Ngoài ra, Vương Kiện Lâm còn kiêm luôn cả nhiệm vụ kèm các em học bài.
Sau này, khi về già, bà Tần Gia Lan đã không còn nhớ rõ chi tiết chuyện cũ, nhưng vẫn không quên nhấn mạnh, có được cuộc sống dễ chịu như thế là nhờ vào con trai cả. Vương Kiện Lâm có lần nói đùa với mẹ: “Ai bảo mẹ sinh cho con nhiều em trai như vậy chứ?”
Thanh xuân còn chưa đến, nhưng Vương Kiện Lâm đã vững vàng đảm đương vai trò “con trưởng”, bản lĩnh lãnh đạo được rèn giũa qua thời gian dài đó đã đưa Vương Kiện Lâm trở thành đại ca của đám trẻ con cùng lứa như một lẽ tự nhiên.
Thời niên thiếu, Vương Kiện Lâm nghịch ngợm, độc lập và có chủ kiến. Cậu khoái giữ vai trò thủ lĩnh trong các trận ẩu đả của đám con trai.
Sân vườn rộng rãi và môi trường trong lành thích hợp cho đám con trai thừa năng lượng chơi trò đuổi bắt, oánh lộn. Giống như những cậu bé khác thời túng thiếu, những trò chơi của Vương Kiện Lâm chỉ là bịt mắt bắt dê, trèo cây, bắn súng cao su. Vương Kiện Lâm thường “cầm đầu” các em của mình lẫn đám trẻ cùng trang lứa chơi vui đến quên cả đường về.
Khi đến tuổi đi học, Vương Kiện Lâm vào học tại trường tiểu học Đông Phương Hồng huyện Đại Kim giống như nhiều con em công nhân viên của Phòng Công - Lâm nghiệp. Trường tiểu học Đông Phương Hồng là trường hạng nhất nhì ở châu Ngawa, kỷ luật rất nghiêm. Ngoài hai môn chính là ngữ văn và toán, học sinh còn phải học thêm các môn mỹ thuật, nhạc, thể dục. Hoạt động ngoại khóa cũng rất phong phú, có vẽ, cắm trại, leo núi. Vào mùa vụ, học sinh còn ra đồng giúp nông dân cuốc đất và gặt lúa mì. Việc ấy cũng chiếm gần hết thời gian rảnh.
Hồi nhỏ, Vương Kiện Lâm không có biểu hiện gì đặc biệt so với chúng bạn, dù luôn làm lớp trưởng. Vương Kiện Lâm thích chơi bóng rổ, nhưng rồi sau này ông lại gắn bó sâu sắc với một môn thể thao khác, là bóng đá. Trong các trận đấu, Vương Kiện Lâm thường rất xông xáo, nhưng dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ, chưa có điểm gì nổi bật.
Hết cấp 1, Vương Kiện Lâm vào học trường cấp 2 Kim Xuyên, trường cấp 2 duy nhất ở địa phương, chất lượng dạy học vượt trội; đội ngũ giáo viên rất được khen ngợi, tới 1/5 đạt trình độ cử nhân, cao đẳng.
Vương Kiện Lâm học 7 năm ở Đại Kim. Sau đó, đúng dịp phòng Công - Lâm nghiệp tuyển dụng nội bộ con em công nhân viên đến làm tại ban Trồng rừng, Vương Kiện Lâm bước ra khỏi trường học, trở thành nhân viên của đội trồng rừng. Khi ấy, trẻ em thành phố đa phần đều không muốn xông pha nơi rừng sâu núi thẳm, số công nhân tuyển được đều đến từ nông thôn, Vương Kiện Lâm là một trong những người cần cù chịu khó nhất.
Vương Kiện Lâm được phân đến đội trồng rừng Mã Nhĩ Túc. Cuộc sống của công nhân phòng Công - Lâm nghiệp rất quy củ, 7 giờ dậy, 7 giờ 30 nghe giảng về an toàn, 8 giờ đi làm, 5 giờ chiều tan tầm. Đi và về mất hơn một tiếng đường núi. Vương Kiện Lâm ở căn nhà mái ngói của lâm trường. Mã Nhĩ Túc nằm sâu trong thung lũng, cách Đại Kim khoảng 10km. Từ cơ sở chính đến Mã Nhĩ Túc, phải đi 4 - 5 cây số đường cái đến cửa thung lũng, sau đó trèo tiếp 3 - 4 cây số đường núi đến đội trồng rừng, tổng cộng mất khoảng 4 tiếng đồng hồ. Nếu gặp may, Vương Kiện Lâm có thể bắt được xe trên đường, nếu đen đủi thì chỉ có thể “đo đất” bằng hai chân. Ở đây, mỗi tháng Vương Kiện Lâm được lĩnh 3 - 4 chục tệ.
Công việc chính của Vương Kiện Lâm là trồng cây, công việc này được cho là không vất vả lắm, mỗi ngày được phát 100 gốc cây non, trồng xong có thể xuống núi.
Ngoài trồng cây, Vương Kiện Lâm còn làm công việc khác cực nhọc hơn, đó là đốt củi lấy than. Chặt cây thành từng đoạn, cho vào lò than, khi nào thành than thì lấy ra, đóng lò. Làm xong mỗi mẻ than, khắp người đen thui; sau đó lại ôm than củi vừa đốt xong đưa đến từng nhà công nhân.
Trong mắt đồng nghiệp, Vương Kiện Lâm khi 15, 16 tuổi rất khác biệt so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Ngày nào Vương Kiện Lâm cũng phải trèo hơn một tiếng đường núi để đi làm, cứ như vậy kéo dài gần một năm. Không ai biết được Vương Kiện Lâm nghĩ gì suốt thời gian đó.
Năm 1969, khi Vương Kiện Lâm vừa được nếm trải bước ngoặt cuộc đời, từ môi trường học hành bước ra xã hội thì nổ ra xung đột đảo Trân Bảo, tình hình chiến sự cam go buộc Trung Quốc phải tăng quân. Lúc này, Vương Kiện Lâm đã làm việc ở đội trồng rừng được hơn một năm, cậu quyết định nhập ngũ. Một trang khác trong cuộc đời của Vương Kiện Lâm bắt đầu từ đây.
LÍNH MỚI
Số liệu chính thức của Vạn Đạt cho thấy, năm 1969 là thời gian nhập ngũ của Vương Kiện Lâm. Chắc tháng 12 năm đó Vương Kiện Lâm chính thức nhập ngũ, tham gia Sư đoàn 3 Quân khu Thẩm Dương, nhưng theo chế độ của bộ đội, chỉ được tính là lính năm 1970. Vương Kiện Lâm với bầu nhiệt huyết hy vọng góp sức cho đất nước, sự nhiệt tình này đáng khen ngợi, nhưng con đường tham gia quân đội của Vương Kiện Lâm cũng lắm chông gai.
Châu Ngawa thuộc vùng dân tộc thiểu số, ở đây không tuyển thanh niên hộ khẩu thành phố không có sổ gạo tham gia quân đội, để Vương Kiện Lâm có thể suôn sẻ nhập ngũ, bà Tần Gia Lan đành phải gửi cậu về quê ở Thương Khê, ở đó rèn luyện xong mới vào quân đội.
Khi Vương Kiện Lâm vừa nhen nhóm ý định nhập ngũ, bà Tần Gia Lan ủng hộ rất nhiệt tình, bà cho rằng, lớp trẻ nên kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, con cả đi lính cũng hợp tình hợp lý. Hồi đó, con em cán bộ nhân viên cùng Vương Kiện Lâm vào làm việc ở Phòng Công - Lâm nghiệp có 9 người. Vương Kiện Lâm không có gì nổi bật. Trong ấn tượng của phần lớn người quen cũ thời niên thiếu, Vương Kiện Lâm của ngày ấy không có gì liên quan tới vị tỷ phú hàng đầu của Trung Quốc hôm nay. Thậm chí có người còn đoán, nếu Vương Kiện Lâm không nhập ngũ mà cả đời sống ở Đại Kim, thì cùng lắm cũng chỉ làm đến cán bộ trung cấp, thành tựu chưa chắc đã vượt qua bố mình.
Sau khi rời khỏi Đại Kim, Vương Kiện Lâm “về nông thôn lao động” ở quê nhà Thương Khê, chẳng bao lâu sau thì đi lính ở đây, rồi đến Cát Lâm. Trong một cuộc phỏng vấn ông từng tiết lộ, lúc mình rời quê, mẹ đã nói với ông: nhất định phải làm “Chiến sĩ 5 tốt”, phải nỗ lực vượt qua bố con. Ghi nhớ lời dặn ấy, năm đầu tiên nhập ngũ, Vương Kiện Lâm được nhận danh hiệu “Chiến sĩ 5 tốt”, không phụ lòng mong đợi của mẹ.
Sau khi nhập ngũ, Vương Kiện Lâm luôn giữ thói quen viết thư cho mẹ, lúc mới đi lính mỗi tháng viết 2 lá, sau ít dần, nhưng thói quen này duy trì cho đến khi đi Đại Liên. Trong chiếc hộp lưu giữ dấu ấn thời quân ngũ của con trai bà Tần Gia Lan, tổng cộng có hơn 300 lá thư.
Một chiến hữu của Vương Kiện Lâm năm đó, về sau từng viết trên trang weibo của mình thế này khi nói về biểu hiện của Vương Kiện Lâm ở một nơi xa lạ: “Đầu Xuân năm 1971, doanh trại nằm sâu trong núi bên dòng sông Áp Lục huyện Tập An, tỉnh Cát Lâm đón một tốp lính mới, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Vương Kiện Lâm. Tốp này thuộc tiểu đội trinh sát đại đội đặc nhiệm, lính mới có người Tứ Xuyên và Phủ Thuận Liêu Ninh. Lúc Tiểu đội trưởng chọn lính mới, anh ấy chọn hai người Phủ Thuận Liêu Ninh, sau đó đến trước mặt một cậu lính vừa bé vừa gầy hỏi cậu ấy có muốn làm lính trinh sát không, cậu ấy nói ‘Có ạ!’” Cậu lính đó chính là Vương Kiện Lâm.
Vương Kiện Lâm hồi nhỏ không được cao lớn như bây giờ, bộ quân phục quá khổ so với vóc người, cái mũ da cũng quá rộng và đôi giày ống thì không vừa, tất cả những thứ này cùng đặt lên thân hình gầy gò, nhìn rất buồn cười. Nhưng bất kể ngoại hình “khó coi” đó, Vương Kiện Lâm hiểu rõ đây là thời cơ hiếm có và quyết không bỏ lỡ. Trong cuộc đời làm lính trinh sát ở Sư đoàn 3 Quân khu Thẩm Dương, Vương Kiện Lâm đã rèn giũa được đức tính “nhắm” chuẩn thời cơ, dám đương đầu với thách thức.
Là một lính trinh sát chuyên nghiệp, ngoài việc huấn luyện dã ngoại bình thường, khả năng loại bỏ trở ngại, bí mật thâm nhập vào nơi ở của địch để thu thập văn kiện cơ mật, dùng mật mã vẽ bản đồ quân sự… đều là những tố chất cơ bản cần phải có. Ngoài ra, nếu cần thiết, lính trinh sát còn phải đến một nghĩa trang được chỉ định trong đêm chỉ để tìm một tờ giấy được giấu kín trong một ngôi mộ. Tất cả đều nhằm rèn luyện lòng dũng cảm và gan dạ cho họ.
Là lính mới, Vương Kiện Lâm luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng tham gia những đợt huấn luyện vượt ngoài sức tưởng tượng. Sau này, khi trả lời phỏng vấn ông có nói, trước khi nhập ngũ, ông từng nghiên cứu một cuốn sách về tử vong học (khoa học và nghiên cứu xã hội học về cái chết), nhờ vậy đã giúp ông dự liệu được mọi điều có thể gặp phải trong tương lai. Thói quen này khiến ông không ngừng trưởng thành và nổi trội trong quân ngũ, bứt phá hẳn lên so với người khác. Vài chục năm sau, khi thế giới nghiên cứu kỹ lưỡng về chàng thanh niên gia nhập quân đội khi mới chỉ 15 - 16 tuổi này, người ta nhận ra ông đã rèn luyện để luôn sẵn sàng đón nhận mọi thay đổi khôn lường, đồng thời nhanh chóng đưa ra phản ứng đúng đắn.
Vương Kiện Lâm ghi lòng những nguyên tắc tổ chức quan trọng trong quân đội, không ngừng học hỏi, từ đó nâng cao năng lực bản thân. Để đến một ngày, khi gây dựng đế chế thương mại khổng lồ, những quy tắc ăn sâu trong đầu ông đã phát huy tác dụng.
Vương Kiện Lâm khi đó hăm hở lên đường nhập ngũ, từ một thiếu niên lơ ngơ đến lính trinh sát trong quân đội, cuộc đời ông ở một góc độ nào đó đã có sự thay đổi mang tính bước ngoặt, cho dù bản thân ông cũng không nhận ra, nhưng đó là sự thật không thể phủ nhận. Vương Kiện Lâm đã vận dụng hết những kỹ năng vốn được mài giũa sắc bén trong quân đội vào hoạt động kinh doanh sau này, “copy” vào thương trường, có thể nói là nhờ thế mà liên tiếp “làm đâu thắng đó!”
CÓ KẾ HOẠCH; KHÔNG TẦM THƯỜNG
Những năm Vương Kiện Lâm đi lính, Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ kinh tế kế hoạch. Là một người dân bình thường, đi lính được “ăn no”, thế đã là một việc rất hạnh phúc rồi, còn yêu cầu gì nữa chứ? Tuy nhiên, so với bà con địa phương, cuộc sống trong quân ngũ dẫu dễ thở hơn một chút, nhưng sinh hoạt lúc rảnh rỗi lại vô cùng nhàm chán. Mọi người tập trung lại tán gẫu, hát quân ca là hoạt động giải trí duy nhất và quy mô nhất, ngoài ra hầu như không có bất cứ thú tiêu khiển nào khác. Thế nhưng, cũng chính vì cuộc sống trong quân đội đơn điệu như vậy nên Vương Kiện Lâm và các chiến hữu mới học thêm được nhiều kiến thức và kỹ năng, không để phí thời gian vào vui chơi.
Vương Kiện Lâm lúc này đã lên kế hoạch cho cuộc đời mình: học tập. Bây giờ phương tiện hỗ trợ học tập nhiều vô kể, còn thời đó, chỉ đơn giản là học qua sách vở. Sau đó, Vương Kiện Lâm và vài chiến hữu cùng đăng ký học lớp hàm thụ của Đại học Liêu Ninh. Tuy trường cách chỗ họ không xa, nhưng thân phận quân nhân lại khiến họ không thể đến trường học, thậm chí ngay cả cơ hội tới lớp nghe giảng một lần cũng không có.
Hồi đó, ngoài nhiệm vụ cần phải làm như huấn luyện ban ngày ra, Vương Kiện Lâm và các chiến hữu đều dành hết thời gian rảnh rỗi vào việc học. Họ tranh thủ từng giây từng phút, ngấu nghiến hấp thu kiến thức.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn, thậm chí là khá gian khổ, Vương Kiện Lâm dồn hết tâm trí vào việc học hành, nhờ thế ông không cảm thấy trống trải và cô đơn khi trải qua cuộc sống đơn điệu trong quân ngũ, ngược lại, còn cảm thấy cuộc sống vô cùng phong phú. Thật ra, không chỉ Vương Kiện Lâm mà các chiến hữu của ông cũng có tâm trạng như vậy.
Vương Kiện Lâm và các chiến hữu của ông chính là những thanh thiếu niên tràn đầy nhiệt huyết điển hình, sở dĩ họ chọn nhập ngũ là vì trong lòng chất chứa đam mê của tuổi trẻ, muốn làm nên sự nghiệp trong quân đội, vì thế họ học tập rất say sưa. Ai ai cũng đều khát khao tri thức. Để nâng cao hiệu quả học tập, họ tự lập nhóm cùng học, hễ gặp phải vấn đề khó hiểu, mọi người xúm lại trao đổi.
Năm 1974, Vương Kiện Lâm hoàn thành toàn bộ giáo trình tự học của Đại học Liêu Ninh, lấy bằng tốt nghiệp, cùng năm, ông vinh dự được vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những thành tích đạt được đương nhiên khiến Vương Kiện Lâm thấy rất phấn khởi, nhưng ông không vì thế mà hài lòng với chính mình. Trong suy nghĩ của Vương Kiện Lâm, những thành tích này chỉ có thể chứng minh một điều, đó là ông đã thực hiện được ước mơ của mình và khẳng định giá trị bản thân ở một giai đoạn nào đó, chứng minh có vun trồng sẽ được hái quả ngọt.
Việc tự học trong thời quân ngũ vô hình trung đã tạo cho Vương Kiện Lâm thói quen tự học, nhờ đó mà được lợi cả đời. Bất kể lúc nào, trong sâu thẳm trái tim Vương Kiện Lâm luôn vang lên tiếng vẫy gọi mình, khích lệ mình, khiến ông luôn cảm nhận được những khiếm khuyết của bản thân, từ đó không ngừng vươn lên.
Sau khi nhận chứng chỉ tốt nghiệp lớp hàm thụ của Đại học Liêu Ninh, Vương Kiện Lâm không hề tỏ ra tự đắc với những thành tích đạt được nhờ vào nỗ lực của bản thân, mà ngược lại, càng sốt sắng theo đuổi ước mơ. Sau 4 năm tôi luyện trong quân đội, Vương Kiện Lâm đã lột xác từ một cậu lính “mới tò te” thành một quân nhân chính cống.
Những nỗ lực không mệt mỏi trong công việc của Vương Kiện Lâm luôn được cấp trên ghi nhận. Không lâu sau, Vương Kiện Lâm được bổ nhiệm làm cán sự phụ trách công tác tuyên truyền. Vương Kiện Lâm hoàn toàn lạ lẫm với vị trí này, học hết cấp hai là vào bộ đội, chưa từng làm bất cứ việc gì liên quan tại địa phương, song, dù không hề có kinh nghiệm, Vương Kiện Lâm chưa bao giờ chịu lùi bước, mà dốc hết bầu nhiệt huyết vào công việc.
Nếu có chỗ nào không hiểu, không biết, Vương Kiện Lâm đều học hỏi các chiến hữu. Chẳng bao lâu sau, ông đã quen với công tác tuyên truyền. Bất cứ việc gì, Vương Kiện Lâm đều làm với tinh thần kiên nhẫn bền bỉ. Cũng chính vì vậy, ông lại đứng đầu trong số cán sự tuyên truyền toàn quân khu, nhiều lần được nhận phần thưởng của quân khu; hơn nữa hàng năm đều mang về vài tấm bằng khen của phòng Chính trị quân khu, thậm chí còn lập công với những thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền.
Nếu như nói thành công đến một lần là ngẫu nhiên, vậy thì Vương Kiện Lâm liên tiếp thu được thành công, tất có liên quan đến năng lực nổi trội của ông. Đối với Vương Kiện Lâm, năng lực phi thường có thể bồi đắp được thông qua học tập không ngừng. Cho đến tận khi gây dựng nên đế chế Vạn Đạt ông vẫn cho rằng, một người nếu không chịu học hành thì cuộc đời ắt cũng chỉ tầm thường mà thôi.
Năm 1978, Học viện Lục quân Đại Liên tỉnh Liêu Ninh bắt đầu tuyển sinh, ngày ấy, Học viện này chỉ tuyển sĩ quan và binh sĩ xuất sắc của Quân khu Thẩm Dương. Năm đó, Vương Kiện Lâm được giới thiệu học lớp 8 Khu đội 2, Trung đội 2, Đại đội 1 Bộ binh Học viện Lục quân với tư cách là trung đội trưởng. Ở Học viện Lục quân, Vương Kiện Lâm để lại ấn tượng sâu sắc cho các thầy cô và chiến hữu. Nói về ông, mọi người luôn dùng các từ khóa: cần mẫn chăm chỉ, hiền lành và thích tư duy độc lập.
Tháng 8 năm sau, Vương Kiện Lâm tốt nghiệp Học viện Lục quân Đại Liên với thành tích xuất sắc, đồng thời được giữ ở lại đại đội của Học viện làm tham mưu. Thời đó, Vương Kiện Lâm có thể nói là nhân tài xuất chúng. Cả Học viện có đến vài nghìn sĩ quan tham gia huấn luyện, ở lại trường chỉ có ba người, Vương Kiện Lâm là một trong số đó, điều này đủ để nói lên tất cả.
Trong thời gian làm tham mưu, Vương Kiện Lâm đã bộc lộ tài hoa của mình, đó là viết văn và làm thơ.
Ngày ấy, lúc mọi người ngồi tán gẫu, Vương Kiện Lâm luôn cầm cuốn sổ nhỏ ghi chép lại, vài ngày sau là có tác phẩm đăng trên báo, gồm tin bài, tùy bút hoặc bình luận. Đại Liên Nhật báo, Nhân dân Nhật báo, Giải phóng Nhật báo đều từng là những tờ báo “ruột” của Vương Kiện Lâm. Hồi đó, Quân khu Thẩm Dương có riêng một tờ, đó là báo Tiền Tiến, tờ này gần như là “chuyên mục riêng” của Vương Kiện Lâm.
Không chỉ có tài viết văn, làm thơ, mà kéo đàn nhị cũng là sở trường của Vương Kiện Lâm.
Vương Kiện Lâm rất thích các nhà văn như Hải Tử, Cố Thành, Xích Thư và các tác phẩm của họ, tuy nhiên ông rất thích viết chuyện thực tế, tác phẩm của ông đa phần viết về cuộc sống trong quân ngũ và huấn luyện chiến sĩ, thậm chí còn hô khẩu hiệu trong thơ.
Vương Kiện Lâm không làm theo lối mòn nhưng vẫn rất bài bản, luôn xuất sắc theo cách học của mình.
GIẤC MƠ TƯỚNG QUÂN
Cùng với thời gian, tài hoa của Vương Kiện Lâm cũng dần được thể hiện trong quân ngũ.
Để không làm mai một nhân tài, sau khi đơn vị báo cáo lên cấp trên, Vương Kiện Lâm được điều về làm cán sự phòng tuyên truyền của Học viện. Công việc chính của Vương Kiện Lâm là phụ trách liên hệ với các trường đại học bên ngoài, giúp các học viên trong Học viện Lục quân được đào tạo nâng cao.
Thông qua không ngừng học tập, chỉ trong một thời gian ngắn, Vương Kiện Lâm trong mắt các chiến hữu không chỉ từ một cậu lính “mới tò te” lột xác thành một quân nhân chuyên nghiệp, mà còn trở thành một sĩ quan quân đội được cấp trên khen ngợi. Năng lực ngày một nâng cao, Vương Kiện Lâm từ tham mưu, cán sự được đề bạt làm cán bộ trung đoàn tương đương cấp Trưởng phòng.
Năm 1982, Vương Kiện Lâm 28 tuổi, cuộc đời đang từng bước thăng hoa, tiềm năng phát triển trong tương lai vô cùng rộng mở. Nhưng Vương Kiện Lâm không hề tự mãn, chưa bao giờ ngừng theo đuổi giấc mơ. Khi đó, do yêu cầu công tác, ông lại được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Theo ông, miễn là công việc cần, bất kể cấp trên sắp xếp cho làm gì ông cũng đều tìm mọi cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Liền hai năm như thế, Vương Kiện Lâm vùi đầu vào công việc.
Trong hai năm này, Vương Kiện Lâm vừa tìm tòi trong công việc, vừa nghiêm túc học hỏi những kiến thức liên quan nên ngày càng hiểu biết sâu hơn về quản lý hành chính và quản lý tài vụ. Từ đây, ông đã xây dựng được một nền tảng vững chắc để sau này, dẫn dắt hơn 100.000 thành viên Vạn Đạt. Chính việc liên tục thay đổi công tác thời kỳ đó đã vô hình trung giúp ông mở rộng kiến thức.
Năm 1983, trong lớp chuyên tu chính trị Đại học Liêu Ninh xuất hiện bóng dáng Vương Kiện Lâm, 3 năm sau, với thành tích xuất sắc, ông có trong tay tấm bằng chuyên ngành quản lý kinh tế. Lớp chuyên tu hồi đó giống như đại học bây giờ, cũng có các chuyên ngành, phần lớn học viên đều chọn chuyên ngành quản lý liên quan đến quân sự, để sau này học xong có thể dùng được. Còn các ngành như kinh tế, công thương, văn học thì ít được quan tâm, hầu như không có người đăng ký học.
Năm 1986, Vương Kiện Lâm trở thành Phó trưởng phòng Quản lý Học viện Lục quân, tương đương Trung đoàn phó. Tuổi trẻ đã ở vị trí cao là điều hiếm thấy. Công việc chính của Vương Kiện Lâm là phụ trách công tác hậu cần của cả Học viện, nhờ thế, ông được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Năng lực xã giao của Vương Kiện Lâm không ngừng được bồi đắp, ông quen biết thêm nhiều nhân vật cấp cao, công việc phải xử lý cũng phức tạp hơn.
Vương Kiện Lâm hồi đó trong tay “có quyền” nhưng lại không hề quan cách, không bao giờ làm mếch lòng ai, luôn để lại ấn tượng tốt với mọi người. Mỗi khi có ai muốn liên hệ với Học viện, ông đều hết lòng sắp xếp. Có lẽ từ lúc đó, trong thâm tâm ông đã manh nha ý định rời khỏi quân đội.
Cùng với năng lực trình độ ngày một nâng cao, “giấc mơ tướng quân” trong lòng Vương Kiện Lâm cũng ngày càng rõ rệt. Thế nhưng khi Vương Kiện Lâm bắt đầu lên kế hoạch hiện thực hóa “giấc mơ tướng quân” và cả cơ hội để học tập, phát triển rộng mở hơn thì một thử thách xuất hiện. Việc này đến quá đột ngột, Vương Kiện Lâm không hề được chuẩn bị về tâm lý.
Năm 1985, Quân ủy Trung ương đưa ra một quyết định được mọi người hết sức quan tâm: cắt giảm 1 triệu quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Quyết định này đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Vương Kiện Lâm. Trong dòng thác cuồn cuộn cắt giảm 1 triệu quân ấy, là một quân nhân, Vương Kiện Lâm sẽ đưa ra lựa chọn thế nào?
CHUYỂN NGÀNH: CAN ĐẢM GÁNH VÁC
Sau khi lệnh “Cắt giảm 1 triệu quân” được đưa ra, đơn vị của Vương Kiện Lâm như ong vỡ tổ. Cắt giảm quân lần này khác với giải ngũ chuyển ngành bình thường: quân nhân giải ngũ hoặc chuyển ngành đều được thông báo trước, được chuẩn bị về tâm lý. Còn lệnh cắt giảm quân quá đột ngột, hơn nữa các Quân khu sẽ căn cứ vào tình hình thực tế đơn vị mình để thi hành quyết định, tức là ai cũng có khả năng bị cắt giảm.
Đột nhiên không biết lúc nào sẽ phải cởi bỏ quân phục, tâm trạng của các chiến sĩ rất nặng nề, Vương Kiện Lâm cũng vậy: ông vào bộ đội với ước mơ và hoài bão; sau một thời gian nỗ lực, ước mơ đã từng chút được thực hiện, đúng lúc đang dấn bước lên đỉnh thì lại rơi thẳng từ trên mây xuống, thật không khác gì bước hụt.
Vương Kiện Lâm đã tự hỏi mình: Nếu không mặc quân phục nữa, mình có thể làm gì đây? Nỗi băn khoăn này là vấn đề rất khó trả lời với một người mới 15 tuổi đã vào bộ đội. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông đã thông suốt: bố cũng chuyển ngành mà, hơn nữa sau khi chuyển ngành bố đã làm rất tốt công việc mới.
Vương Kiện Lâm đã nghĩ rất nhiều, cũng nghĩ xa hơn so với người khác, ông muốn làm rõ mục đích chính của việc Nhà nước đưa ra quyết định “cắt giảm 1 triệu quân” lần này. Ông biết, Nhà nước đang chuẩn bị đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhưng không đủ lực. Đối với một quốc gia mà nói, cơ quan phải chi tiêu nhiều nhất tất nhiên là quân đội. Quân đội là sự đảm bảo cho ổn định quốc gia, nhưng quân đội trong thời bình phải tinh gọn chứ không thể chạy theo số lượng. Nếu Nhà nước chi một khoản tiền khổng lồ cho quân đội thì đương nhiên sẽ không còn đủ lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Mà một quốc gia nếu không thể đạt tới phồn vinh giàu mạnh thì mỗi cá nhân cũng khó mà thực hiện “lý tưởng nhỏ bé” của mình.
Khi đã có nhận định sâu sắc như vậy, Vương Kiện Lâm dứt khoát đưa ra quyết định khiến mọi người đều cảm thấy bất ngờ: Hưởng ứng lời kêu gọi “cắt giảm 1 triệu quân” của Nhà nước, làm đơn xin chuyển ngành.
Một người lính chủ động đưa ra quyết định rời khỏi quân ngũ đòi hỏi phải rất dũng cảm, quyết định này của Vương Kiện Lâm lại vô cùng quyết đoán. Khi đó, có không ít lãnh đạo từng làm công tác tư tưởng riêng với ông, nhưng Vương Kiện Lâm sau khi suy nghĩ thấu đáo vẫn không thay đổi quyết định. Trong thời khắc đó ông đã hiểu rằng, sở dĩ mình có ý định chuyển ngành, một là xuất phát từ đại cục của đất nước, hai là ông tin rằng, cho dù có chuyển ngành về địa phương công tác thì cũng vẫn sẽ làm tốt công việc.
Năm 1986, với ý tưởng này, Vương Kiện Lâm cởi bỏ bộ quân phục đã mặc suốt 17 năm, tuy doanh trại kiên cố không giữ được một Vương Kiện Lâm xuất chúng, nhưng 17 năm trong quân ngũ đã cho ông quá nhiều, chẳng hạn như một cơ thể cường tráng và ý chí sắt đá, sự kiên cường và chính trực, tinh thần không chùn bước trước khó khăn, dũng cảm học tập để có kiến thức uyên bác cũng như năng lực xử lý công việc quyết đoán. Những thứ này đều là tài sản vô giá của Vương Kiện Lâm, thậm chí có thể nói đó là nguồn nội lực mạnh mẽ giúp ông tạo nên sự huy hoàng của Vạn Đạt sau này.
Con đường Vương Kiện Lâm phải đi sau khi xuất ngũ không hề bằng phẳng, song dòng máu của một quân nhân đang chảy trong người ông lại là nguồn động viên khích lệ, giúp ông từng bước gây dựng “đế chế” bất động sản của mình.