C
âu chuyện thiếu nhi kinh điển Chú Thỏ Bông (The Velveteen Rabbit) kể về hành trình một chú thỏ nhồi bông khám phá xem như thế nào mới là “đồ thật”. Khi câu chuyện bắt đầu, Thỏ Bông đang gặp khó khăn trong việc hòa đồng với những món đồ chơi khác của cậu chủ nhỏ. Cậu bé được cha mẹ mua cho chú Thỏ Bông nhưng không lâu sau đó, cậu bắt đầu hết hứng thú với nó. Thỏ Bông bị những món đồ chơi khác trong nhà chế giễu, đa số chúng đều là những món đồ chơi hiện đại có thể cử động hoặc di chuyển như thật. Suy cho cùng, Thỏ Bông được làm từ vải và bông gòn nên khó mà trông giống như một chú thỏ thật sự.
Sau đó, Thỏ Bông tìm được một người bạn thông thái là bác Ngựa Da, bác đã ở trong phòng trẻ con này lâu hơn bất kỳ đồ chơi nào khác. Một ngày nọ, Thỏ Bông hỏi bác Ngựa Da: “ĐỒ THẬT là gì ạ? Đó có phải là có cái gì đó kêu rù rù bên trong mình và có một tay vặn ở ngoài không?”.
Bác Ngựa Da trả lời: “Đồ thật không nói về cách cháu được tạo ra, mà là một chuyện xảy ra với cháu. Khi một đứa trẻ yêu quý cháu lâu thật lâu, không chỉ chơi với cháu mà còn THẬT SỰ yêu quý cháu thì lúc đó cháu sẽ trở thành ĐỒ THẬT”.
“Chuyện đó có đau không ạ?”, Thỏ Bông hỏi.
“Có”, bác Ngựa Da thừa nhận. “Nhưng khi cháu là thật, cháu sẽ không ngại bị đau”. Bác Ngựa Da nói tiếp: “Trở thành đồ thật là chuyện không thường xảy ra với các bạn dễ vỡ, có cạnh sắc hay luôn cần được giữ cẩn thận từng ly từng tí. Để trở thành đồ thật, cháu sẽ phải hơi cũ một chút, thậm chí là hơi sờn rách”.
Một đêm nọ, cậu chủ nhỏ không tìm được chú chó sứ yêu thích của mình để ngủ cùng. Vì vậy, cô bảo mẫu đã lấy Thỏ Bông ra khỏi tủ đồ chơi và đưa cho cậu bé. Sau đó thì cậu bé yêu quý Thỏ Bông đến mức trở nên gắn bó không rời. Cậu ôm Thỏ Bông khi ngủ, hôn lên chiếc mũi hồng của Thỏ Bông và đi đâu cũng đem Thỏ Bông theo. Cậu bé thậm chí còn đem Thỏ Bông ra vườn và từng có một lần vô tình để quên Thỏ Bông bên ngoài cả đêm. Sau tất cả những chuyện đó, Thỏ Bông ngày càng cũ kỹ và sờn rách. Cuối cùng, đến chiếc mũi hồng của Thỏ Bông cũng dần bạc màu.
Có lần cô bảo mẫu đã muốn đem bỏ chú thỏ bông quá cũ ấy đi, nhưng cậu bé đã phản đối và khăng khăng giữ lại Thỏ Bông. Cậu còn nhấn mạnh rằng Thỏ Bông là THẬT. Đó hiển nhiên là những âm thanh du dương nhất mà đôi tai được làm bằng vải nhung nay đã bung chỉ của Thỏ Bông từng nghe được.
Cuối cùng, nhờ phép màu của Cô Tiên mà Thỏ Bông đã trở thành một chú thỏ thật và tung tăng nhảy vào trong rừng. Theo lời Cô Tiên, trước đây Thỏ Bông đã trở thành đồ thật đối với cậu bé, nhưng từ bây giờ trở đi, Thỏ Bông sẽ “là Đồ Thật với tất cả mọi người”.
*
Chúng ta, những người sống trong thế giới “thật”, không thể dùng chiếc đũa thần để lập tức biến mình thành con người mà mình muốn trở thành nhất. Nhưng nếu thực hành các nguyên tắc của sự linh hoạt cảm xúc thì chúng ta không cần đến phép màu. Khả năng linh hoạt trong cảm xúc sẽ giúp chúng ta được làm con người đích thực của mình mỗi ngày.
Linh hoạt cảm xúc nghĩa là không giả vờ và không cố “diễn xuất”. Khi bạn có sự linh hoạt này, các hành động của bạn sẽ có sức mạnh lớn hơn bởi vì chúng xuất phát từ các giá trị và sức mạnh cốt lõi của bạn, vốn là những yếu tố vững chắc và rất chân thật.
Chúng ta đạt được đẳng cấp THẬT và khả năng ứng phó linh hoạt với cảm xúc không phải nhờ vào phép màu, mà là thông qua hàng loạt hành động nho nhỏ mỗi ngày trong suốt cuộc đời mình. Sau đây là những hành động bạn có thể làm để bắt đầu hành trình “trở thành đồ thật” của mình:
• Làm chủ cuộc sống của mình và chịu trách nhiệm cho sự phát triển bản thân, sự nghiệp, tinh thần sáng tạo, công việc và các mối quan hệ.
• Chấp nhận toàn bộ bản thân mình - chiếc mũi bạc màu, đôi tai sờn rách, các cảm xúc “tích cực” lẫn “tiêu cực”, tất cả - với tình yêu thương, lòng can đảm và một chút hiếu kỳ.
• Đón nhận các trải nghiệm nội tâm, dấn thân vào đó và học hỏi chứ không vội vàng tìm lối thoát.
• Hiểu rằng bản thân mình đang trong hành trình phát triển và buông bỏ những suy nghĩ không còn có ích cho mình nữa.
• Bỏ đi các mục tiêu phi thực tế - các “mục tiêu của người chết” - bằng cách chấp nhận rằng sống có nghĩa là đôi khi sẽ bị tổn thương, thất bại, bị căng thẳng và phạm sai lầm.
• Giải phóng bản thân khỏi việc theo đuổi sự hoàn hảo để có thể tận hưởng quá trình yêu và sống.
• Cởi mở đón nhận những tình yêu đến cùng nỗi đau, những nỗi đau đến cùng tình yêu, cũng như những thành công đi kèm thất bại và thất bại đồng hành với thành công.
• Bỏ đi ý định trở thành người không biết sợ, và thay vào đó, hãy đối mặt với nỗi sợ, dùng những giá trị của mình như các bảng dẫn đường và hướng đến những gì quan trọng đối với bạn. Can đảm không có nghĩa là không sợ hãi; can đảm là đối diện và vượt qua nỗi sợ.
• Chọn lòng can đảm thay cho sự thoải mái bằng cách đón nhận các cơ hội mới để học hỏi và phát triển, chứ không thụ động chịu sự khống chế của hoàn cảnh.
• Nhận ra rằng vẻ đẹp của cuộc sống không thể tách rời với sự mong manh của nó. Chúng ta trẻ, cho đến khi chúng ta không còn trẻ nữa. Chúng ta khỏe mạnh, cho đến khi chúng ta không còn mạnh khỏe nữa. Chúng ta ở bên những người chúng ta yêu thương, cho đến khi chúng ta không thể làm vậy nữa.
• Học cách lắng nghe động lực và lý tưởng của mình.
• Và cuối cùng, hãy nhớ “nhảy múa nếu bạn có thể”.