T
heorell sinh ra ở Linkoping - Thụy Điển. Cha cậu là bác sĩ chủ nhiệm khoa Ngoại của Bệnh viện Thực tập Lục quân số 1 Linkoping.
Theorell từ nhỏ đã có nhiều sở thích, rất tò mò, ưa khám phá, táo bạo nhưng thận trọng. Những đứa trẻ bằng tuổi cùng đi chơi với Theorell khi nhìn thấy côn trùng hình thù đáng sợ thì kinh hãi không dám động đến, còn cậu thì bắt ngay lấy và cầm dao giải phẫu. Cậu muốn xem trong bụng con côn trùng đáng sợ đó có gì khác với những con côn trùng bình thường? Biết được điều đó, cha cậu đã đánh giá rất cao năng lực của con trai.
Cậu nhìn thấy dưới con dao phẫu thuật bé xíu của cha những năng lực siêu nhiên giúp bệnh nhân sớm được tháo băng, ngồi dậy, đi lại, hồi phục sức khỏe. Điều này làm cho trái tim bé nhỏ của cậu nhen nhóm mong ước học y.
Sau khi tốt nghiệp tại một trường trung học công lập ở Linkoping, năm 1921, Theorell đã thi đỗ vào Học viện Y Karolinska với kết quả xuất sắc. Tại môi trường đại học, như cá gặp nước, sự thông minh, tài trí của Theorell được phát huy thêm một bậc nữa.
Bình thường, anh trầm tính, ít nói, khi trả lời câu hỏi, tuy chỉ là hai, ba câu, nhưng Theorell luôn nhắm trúng chỗ trọng yếu. Anh cần cù, hiếu học, giỏi tư duy, thường đưa ra những câu hỏi mà thầy cô khó có thể trả lời ngay. Anh yêu thích thí nghiệm, thích tự mình thiết kế các thí nghiệm, điều chỉnh máy móc, vì thế thường làm đến quên ăn quên ngủ. Sức khỏe của Theorell cũng rất tốt, anh là thành viên của đội hàng hải nổi tiếng ở trường. Năm 1924, anh tốt nghiệp Học viện Y Karolinska với thành tích giỏi toàn diện, và giành được học vị Tiến sĩ ngành y vào năm 1930. Chính vào lúc Theorell như đại bàng đã mọc đủ lông cánh để bay vào không trung, phát huy sự thông minh tài trí của mình, thì bi kịch xảy ra. Vị tiến sĩ mới chỉ 27 tuổi này đã tàn phế đôi chân vì bạo bệnh. Nhìn đôi chân không còn lành lặn của mình, anh chìm vào bóng đêm của sự đau khổ. Tuy nhiên, ngay sau đó, anh đã lấy lại niềm tin yêu vào cuộc sống. Dù bị tàn phế đôi chân nhưng ngọn lửa của lý tưởng vẫn bùng cháy trong tim Theorell. Anh nghĩ: “Không thể bước đi thì khó có thể làm bác sĩ, nhưng mình có thể làm công việc nghiên cứu hoặc giảng dạy ngành y và sinh học. Từ điều căn bản đó, mình vẫn có thể cứu giúp ngàn vạn bệnh nhân trên thế giới.”
Khi cơ thể chưa hồi phục, vẫn phải nằm trên giường bệnh, Theorell đã vội vàng đọc và tra cứu tài liệu. Anh thề sẽ cống hiến cả đời mình cho việc giải câu đố của y học sinh lý.
Năm 1930, Theorell trở thành trợ giảng môn hóa của Đại học Uppsala. Đầu tiên, anh nghiên cứu về Myoglobin - sắc tố mang oxy chính của các mô cơ , đồng thời nhanh chóng thể hiện tài năng của mình trong công trình nghiên cứu khó này. Anh không những làm rõ những điểm giống nhau về cấu trúc và chức năng giữa myoglobin và hemoglobin, mà còn chỉ ra được điểm khác nhau rất lớn giữa chúng. Anh làm việc hết mình và đạt được thành tích tuyệt vời, năm 1932, anh được đề đạt lên phó giáo sư y khoa và sinh lý của đại học này.
Tuổi trẻ của Theorell khác với người thường, ông biết đương đầu với khó khăn. Để giải đáp câu đố về bản chất của sự xúc tác trong cơ thể, ông bỏ ngoài tai lời khuyên của người thân và bạn bè, bỏ qua nỗi đau tàn tật, kiên quyết lặn lội đường dài tới Berlin, tìm gặp người tiên phong trong việc nghiên cứu chất xúc tác số 1 của thế giới - Warburg, cùng họ nghiên cứu kết cấu của enzym.
Theorell, từ trong di sản quý báu của người đi trước, từ kinh nghiệm của Warburg đã nhận thức được những khó khăn trong việc nghiên cứu enzym bằng phương pháp hóa học. Ông nghĩ, cần phải dùng phương pháp vật lý để thử. Đóm lửa ý tưởng vừa nhen nhóm trong đầu ông, lập tức biến thành ngọn lửa bùng cháy trong lồng ngực. Ông quên ăn, quên ngủ, tìm đọc tài liệu, thiết kế phương án mới.
Bông hoa sặc sỡ mang tên enzym được ươm bằng những giọt mồ hôi ấy cuối cùng cũng nở. Thí nghiệm của ông đã thành công. Ông dùng máy móc mà mình tự thiết kế, kết hợp với phương pháp siêu ly tâm, chứng minh enzym mà lần đầu tiên tách được là đồng nhất và tinh khiết. Sau đó, ông lại thành công tách enzym thành hai phần có enzyme và protease.
Với một nghị lực phi thường, vượt qua nỗi đau tàn tật, Theorell đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho việc nghiên cứu enzyme, trở thành nhà khoa học đạt giải Nobel Y sinh.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ chào đón chúng ta. Trên đường đời chúng ta đang đi, đôi khi sẽ phủ đầy gai của những cụm hoa hồng. Chúng ta phải luôn làm chủ được bản thân, nắm bắt cuộc sống của mình để vượt qua mọi chông gai. Khi chúng ta kiên định đến cùng với những ước mơ, dự định của mình, không bị dao động bởi những khó khăn, trắc trở, chính là chúng ta đã nắm bắt được vận mệnh của bản thân.