C
ậu bé nọ có một tính xấu là rất dễ nổi nóng, vậy nên cha cậu đã đưa cho cậu một túi đinh và nói rằng: “Cứ khi nào nổi nóng, con hãy đóng một chiếc đinh này lên hàng rào phía sau vườn kia.”
Ngày đầu tiên cậu bé ấy đóng 37 chiếc đinh lên hàng rào. Những ngày tiếp sau đó, số lượng đinh mà cậu đóng giảm dần.
Cậu bé phát hiện ra rằng khống chế tính khí còn dễ hơn cả việc đóng những chiếc đinh kia. Thế là từ đó, cậu luôn chú ý để khống chế cảm xúc và những cơn nóng giận vô cớ.
Đến một ngày, cậu bé cũng khống chế được tính khí nóng nảy của mình. Cậu đem kết quả này nói cho cha mình biết. Cha cậu nói với con rằng: “Từ bây giờ, mỗi một lần khống chế được tính khí của mình, con hãy rút một chiếc đinh ra.”
Từng ngày trôi đi, đến một hôm, cậu bé vui vẻ thông báo với cha rằng cuối cùng cậu cũng đã rút hết được số đinh trên hàng rào ra rồi.
Người cha cầm tay cậu, dắt ra sau vườn, nói: “Con làm tốt lắm, con trai ngoan của cha. Nhưng con nhìn những lỗ hổng trên hàng rào kia, hàng rào mãi mãi không thể trở về hình hài như trước đây được nữa. Những lời con nói ra mỗi khi nổi nóng cũng sẽ để lại những vết sẹo giống như những chiếc đinh kia. Nếu con dùng dao đâm người khác một nhát thì cho dù sau đó con có nói bao nhiêu lời xin lỗi, vết sẹo cũng không bao giờ biến mất. Nỗi đau mà lời nói đem lại cũng không khác gì so với nỗi đau da thịt, thực sự có khả năng sát thương rất lớn. Cho nên, con trai ngoan của cha, nhất định con phải học được cách khống chế cảm xúc của bản thân, đừng đem đến cảm giác khó chịu cho người khác!”
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
“Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Mỗi người cần biết làm chủ cảm xúc của chính mình để không vô tình gây tổn thương cho những người xung quanh. Đặc biệt, khi làm chủ được cảm xúc của bản thân, chúng ta sẽ sống tích cực hơn, cuộc sống cũng từ đó mà trở nên có ý nghĩa hơn.