L
ý Bạch là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời xưa, ông được mệnh danh là “Thi tiên”. Nguyên quán của Lý Bạch ở một huyện thuộc tỉnh Cam Túc. Khi ông năm tuổi thì cả gia đình dời đến làng Thanh Liên, huyện Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay.
Vì cha ông kiếm sống chủ yếu bằng nghề kinh doanh nên kinh tế gia đình rất khá giả. Từ khi năm tuổi, Lý Bạch đã theo cha học chữ, đọc sách. Ông là một đứa trẻ thông minh, chỉ cần dạy một lần là đã hiểu. Đến khi mười tuổi, ông đã đọc được rất nhiều sách. Có một lần, cha Lý Bạch phải đi xa, bèn gọi ông đến và dặn: “Con trai, con rất thông minh và đã có những thành tích đáng kể, nhưng con vẫn phải nỗ lực hơn nữa mới được!”
Lý Bạch nghe xong liền nói: “Con biết rồi ạ!”
Sau khi cha đi khỏi, Lý Bạch liền lấy cuốn “Lão Tử” ra đọc. Đọc mãi, đọc mãi nhưng vẫn không hiểu gì nên ông đã chạy ra ngoài chơi. Ra ngoài nhìn trời đất mênh mông, không khí trong lành, cây cỏ tươi tốt, chim chóc bay nhảy, tự do tự tại. Lý Bạch thốt lên: “Ô, thế này sung sướng hơn nhiều lần so với việc cả ngày ở trong phòng đọc sách.”
Lý Bạch chơi cùng các bạn và sớm đã quên lời cha dặn, cả chuyện đọc sách cũng không màng đến nữa. Đến khi trở về, cha ông bèn cho ông đi học ở trường. Lý Bạch thông minh, lanh lợi, nhận thức rất nhanh nên những sách thầy giáo dạy, ông chỉ cần đọc một lượt là sẽ nhớ mãi. Ông học nhanh hơn những học sinh khác, lại sẵn có nền tảng tốt hơn người khác, vì vậy thành tích của ông rất nổi trội. Tuy nhiên, do Lý Bạch có đầu óc linh hoạt, tính tình hoạt bát, hiếu động nên thường không ngồi yên được. Một hôm, sau khi thầy giáo giao bài tập, ông cảm thấy hơi khó làm và rất rắc rối nên đã nghĩ: “Về nhà chơi một lát có khi sẽ tốt hơn việc phải ngồi làm những bài tập khiến mình đau đầu này.” Thế là nhân lúc thầy giáo không để ý, ông liền trốn về nhà.
Trên đường về nhà, ông nhìn thấy một bà lão tóc bạc trắng ngồi trên mỏm đá bên bờ suối. Trong tay bà cầm một thanh sắt và liên tục mài xuống tảng đá. Lý Bạch cảm thấy rất kỳ lạ liền vội vàng chạy đến, hỏi: “Bà ơi, bà đang mài cái này để làm gì vậy?”
Bà lão liền trả lời: “Bà muốn mài nó thành một cây kim!” Lý Bạch lại hỏi: “Thanh sắt to thế này mà mài thành kim thì phải mài đến bao giờ ạ?” Bà lão nghe xong liền đáp: “Có công mài sắt, có ngày nên kim. Chỉ cần bỏ công sức mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm liên tục mài thì thanh sắt to như vậy cũng có ngày sẽ biến thành kim thôi.”
Lý Bạch nghe xong chợt tỉnh ngộ, ông nghĩ: “Lời nói của bà lão thật có lý. Chuyện này giống như việc đọc sách vậy, sách hay trong thiên hạ rất nhiều, nhưng chỉ cần ngày nào cũng đọc thì mười năm, hai mươi năm, ắt sẽ có một ngày đọc hết tất cả các quyển sách!” Lời nói của bà lão giống như một cái búa nặng trịch đập trúng vào trái tim Lý Bạch. Ông nghĩ lại những việc làm của mình trong mấy ngày nay, tự kiểm điểm và cảm thấy đã phụ lòng mong mỏi của cha.
Sau đó ông đã quay trở về trường, tiếp tục học tập. Ông quyết tâm dùng tinh thần “Có công mài sắt, có ngày nên kim” để nhắc nhở mình phải nỗ lực hơn nữa. Từ đó trở đi, cho dù thầy giáo có giao bao nhiêu bài tập thì ông vẫn hoàn thành đúng hạn.
Ngoài ra, ông còn không ngừng đọc thêm sách, cuối cùng đã đọc hết tất cả các tác phẩm kinh thư của các học giả cổ đại.
Sau này, Lý Bạch đến chùa Đại Minh ở núi Đới Thiên Sơn học và viết bài “Phỏng Đới Thiên sơn đạo sĩ bất ngộ”, một trong những bài thơ nổi tiếng thời còn trẻ của ông. Khi đó, ông chỉ mới mười mấy tuổi.
Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực của mình mà Lý Bạch đã trở thành một đại thi hào nổi tiếng, được người đời suy tôn là “Thi tiên”.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Thông minh mà không nỗ lực thì cũng khó đạt được mục tiêu. Ngược lại, người không có quá nhiều tài năng nhưng nếu nỗ lực thì vẫn có thể tạo nên sự nghiệp. Tinh thần vượt khó, sự nỗ lực là điều vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta tự kiểm soát được bản thân, có ý chí vững vàng, sự kiên trì để vượt qua những cám dỗ của thế giới bên ngoài. Chỉ cần bạn tin vào chính mình và không ngừng nỗ lực thì chắc chắn sẽ gặt hái được thành công.