T
ư Mã Quang là nhà chính trị, nhà văn và nhà sử học nổi tiếng thời Bắc Tống.
Hồi còn nhỏ, Tư Mã Quang không thông minh, ông thường chậm chạp hơn người khác trong lúc học bài văn và nhớ từ mới. Vì vậy, ông đã đọc đi đọc lại nhiều lần; người khác đọc hai, ba lần thì ông sẽ đọc năm, sáu lần, thậm chí là chín, mười lần. Ông đọc cho đến khi có thể thuộc lưu loát thì mới chịu nghỉ ngơi.
Để có thể học thêm kiến thức, sau khi tan học, Tư Mã Quang thường dành thời gian để đọc sách. Đặc biệt là buổi tối, ông thường đọc sách đến rất khuya. Tuy vậy, ngày hôm sau, ông vẫn dậy sớm hơn các bạn và bắt đầu đọc sách buổi sáng sớm. Có những khi ban ngày học quá mệt, buổi tối lại ngủ muộn nên hôm sau ông thường ngủ quên và bỏ lỡ việc đọc sách buổi sáng, những lúc đó ông thường tự trách bản thân. Ông thầm nghĩ: “Mình nên dùng cách nào để giải quyết vấn đề này đây?” Ông muốn nhờ mẹ gọi dậy, nhưng mẹ ông thương con nên thường không nỡ nhìn con mình học hành vất vả như vậy.
Có một hôm, Tư Mã Quang nhìn thấy một khúc gỗ ở sau vườn, trong giây lát, ông thốt lên: “Có cách rồi!”
Tư Mã Quang cưa một đoạn gỗ to bằng miệng bát, bóc hết phần vỏ cây, cắt đi mấu cây rồi đặt lên giường làm gối. Khúc gỗ vừa tròn vừa cứng, khi gối nó để ngủ, cứ xoay người là khúc gỗ sẽ lăn xuống đất, đầu sẽ đập xuống giường và giật mình tỉnh dậy. Như vậy, ông sẽ có thể tiếp tục đọc sách. Sau một thời gian dài, Tư Mã Quang và chiếc gối gỗ trở nên thân thiết, ông còn đặt tên cho chiếc gối là “Gối báo thức”.
Không lâu sau, mẹ ông phát hiện ra chiếc gối gỗ liền hỏi Tư Mã Quang xem ông đã dùng nó làm gì. Ông nói với vẻ tự hào: “Mẫu thân, đây là chiếc Gối báo thức của con đấy!”
Mẹ ông nghe xong thì cảm động, nói: “Con ngoan, con chăm chỉ học tập là chuyện tốt, nhưng cũng đừng để mệt quá nhé!” Cứ như vậy, Tư Mã Quang đã dùng chiếc “Gối báo thức” để thức khuya dậy sớm, nỗ lực học tập, có được hiểu biết phong phú. Ông đã có kiến thức uyên bác khi chỉ mới mười lăm tuổi. Tiếp đó, sau mười chín năm nỗ lực, Tư Mã Quang đã chủ trì biên soạn một kiệt tác lịch sử dài 294 tập với khoảng 3 triệu chữ, đó là cuốn biên niên sử nổi tiếng “Tư trị thông giám”.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Đừng tự ti khi bạn không thông minh. Thay vào đó, hãy nỗ lực nhiều hơn, bạn vẫn có thể đuổi kịp, thậm chí vượt lên những người khác. Trong học tập, người giỏi nhất chưa chắc đã trở thành người thành công nhất. Đôi khi, bạn không may mắn có được trí tuệ như họ, nhưng nếu chịu khó bỏ công sức gấp nhiều lần, bạn cũng có thể đạt được những thành tích mà chính bạn không ngờ tới.