T
ìm kiếm sai lầm của người khác là một trong những việc dễ dàng nhất trong cuộc sống.
Với thói quen cầu toàn, nhiều người luôn cố tìm kiếm sai lầm, khuyết điểm của người khác để phê bình, chỉ trích. Họ luôn cảm thấy khó chịu, nóng giận với tất cả mọi người. Dần dần, mối quan hệ giữa họ và những người xung quanh trở nên căng thẳng, nặng nề.
Cách đây vài năm, tôi nhận được lá thư của Kerry, một cô gái 17 tuổi. Trong thư, Kerry tự nhận mình là người hay bắt lỗi người khác và luôn bị chi phối bởi những việc xảy ra trong cuộc sống của mình. Cô bé luôn cảm thấy bực bội, khó chịu với mọi người; cô thường tỏ ra cáu gắt, phê bình họ, đồng thời lôi kéo thêm một vài người khác tham gia cùng. Không biết tự bao giờ, Kerry trở nên cộc cằn, thô lỗ và hậu quả là cô bé bị nhiều người xa lánh.
Thế rồi một hôm, cô bạn thân nhất của Kerry bị thương nặng trong một vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân là do cô ấy bị kích động nghiêm trọng bởi những lời phê bình, chỉ trích của Kerry trước đó. Đến lúc này, Kerry mới suy nghĩ lại cách ứng xử của mình, đồng thời nhận ra sai lầm từ cách xử sự này. Dần dần, Kerry hiểu được rằng cuộc sống không bao giờ hoàn hảo và vì vậy, không nên quá xét nét trong mọi vấn đề.
Tuy không phải lúc nào chúng ta cũng muốn phê bình, chỉ trích người khác nhưng có thể trong một vài tình huống nào đó, ta không kiểm soát được suy nghĩ và cảm xúc của mình dẫn đến mất bình tĩnh. Chúng ta lên án những người xung quanh mà thiếu cái nhìn khách quan để có thể đánh giá một cách công bằng. Tất nhiên, tôi cũng không có ý khuyên bạn làm ngơ mọi sai trái hoặc lý tưởng hóa cuộc sống. Tất cả những gì tôi muốn khuyên bạn ở đây là hãy để mọi việc tuân theo bản chất vốn có của nó, đồng thời không nên quan trọng hóa vấn đề. Khắc phục được thói quen không tốt này sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều. Hãy kiên nhẫn luyện tập, tôi tin rằng kết quả mà bạn nhận được sẽ xứng đáng với những nỗ lực mà bạn bỏ ra hôm nay.