K
hả năng tư duy là công cụ tuyệt vời nhất mà con người có được. Không chỉ giúp con người giải quyết và vượt qua những khó khăn, thử thách một cách dễ dàng mà nó còn tỏ ra rất hiệu quả trong vai trò nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người. Hiểu rõ những đặc điểm của tư duy là việc làm cần thiết và hữu ích đối với mỗi người. Dưới đây, tôi sẽ lần lượt giới thiệu đầy đủ về những đặc điểm đó.
* Đối tượng của tư duy
Đặc điểm đầu tiên chính là đối tượng của tư duy. Mỗi người có một khả năng tư duy khác nhau nên đối tượng mà họ nghĩ đến cũng không giống nhau. Tuy nhiên, tác động của những suy nghĩ này đối với con người thường tương tự nhau. Nếu lúc nào bạn cũng chỉ nghĩ đến những điều khiến mình khó chịu, bực bội thì hẳn nhiên, bạn sẽ luôn có cảm giác như cuộc đời mình bị bao phủ bởi một màu đen u tối. Ngược lại, khi sống với suy nghĩ tích cực, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái và theo đó, cách nhìn nhận cuộc sống của bạn cũng thay đổi rất nhiều.
Rõ ràng, đối tượng của tư duy chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Thế nhưng, đáng tiếc là không phải ai cũng biết dành thời gian, công sức để tìm hiểu những suy nghĩ của mình. Đã bao giờ bạn tự hỏi những suy nghĩ tích cực và những suy nghĩ tiêu cực chiếm bao nhiêu phần trăm trong tâm trí mình?
Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn đang chuẩn bị nấu một món canh truyền thống. Bạn sẽ làm gì để có được một món canh vừa ý? Đầu tiên, bạn sẽ phải lựa chọn nguyên liệu với những loại rau củ phù hợp. Đây là công đoạn rất quan trọng bởi nếu không loại bỏ những lá sâu, những quả bị hư, nồi canh của bạn sẽ không thể ngon như mong muốn.
Ở khía cạnh nào đó, việc tư duy cũng tương tự như việc nấu một nồi canh vậy. Những điều bạn suy nghĩ hàng ngày chính là những yếu tố quyết định chất lượng cuộc sống của bạn. Khái quát hơn, những suy nghĩ đó ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và hành vi ứng xử của bạn.
Điều này tuy đơn giản nhưng lại tác động không nhỏ đến cuộc sống của mỗi người. Có thể nói, chỉ khi nhận thức được mối quan hệ giữa những điều bạn nghĩ với chất lượng cuộc sống, bạn mới có thể kiểm soát những điều mình tư duy cũng như biết cách loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
Thực hành lời khuyên này, Jason, một học sinh trung học, vui vẻ thông báo với tôi rằng: “Chọn lọc những suy nghĩ đã giúp cháu rất nhiều chú ạ! Cháu nhận ra rằng chỉ cần một chút thay đổi về những gì mình nghĩ cũng đủ làm cuộc sống của cháu tốt hơn rất nhiều”.
Nhưng tại sao những suy nghĩ mang tính tiêu cực lại có thể phá hỏng cảm xúc của bạn? Chúng ta sẽ có được câu trả lời khi tìm hiểu đặc điểm thứ hai của tư duy.
* Thời gian thích hợp để tư duy
Chúng ta đã đề cập về những trạng thái của con người. Trong trạng thái ổn định, con người có khả năng giải quyết được hầu hết các tình huống khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Khi đó, bạn sẽ bình tĩnh hơn cũng như sẽ có được cái nhìn toàn diện hơn khi giải quyết vấn đề. Ngược lại, trong tâm trạng mệt mỏi, chán nản, bạn sẽ không thể có được cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách khách quan, chính xác và thậm chí còn có thể suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, bi quan.
Tóm lại, cuộc sống của bạn diễn ra suôn sẻ hay gặp nhiều rắc rối là phụ thuộc vào tâm trạng của bạn ở thời điểm đó như thế nào.
Giả sử bạn đang cảm thấy giận dữ, bực bội vì một điều gì đó diễn ra không như mong muốn. Cùng lúc đó, anh trai của bạn (hay một người thân nào đó) cũng đang ở trong tâm trạng tương tự. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc này, bạn lại muốn thảo luận với anh trai một vấn đề quan trọng nào đó? Chắc chắn đây không phải là thời điểm thích hợp để bạn làm việc này vì lúc đó, cả hai đều không đủ tỉnh táo để giải quyết nó một cách tốt nhất. Không những vậy, trong tâm trạng buồn bực, việc phát sinh thêm những rắc rối mới là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, ngoại trừ những yêu cầu thúc bách, bạn chỉ nên nghĩ đến việc giải quyết vấn đề khó khăn khi bạn và tất cả mọi người đang trong tâm trạng thoải mái, thư thái nhất.
Thế nhưng, vấn đề đáng nói ở đây là chúng ta thường chỉ nghĩ đến những khó khăn đang chờ đón mình khi cảm thấy chán nản, tuyệt vọng. Khi đó, ta quên mất rằng, đây là thời điểm mà chúng ta kém sáng suốt nhất trong việc nhìn nhận, đánh giá và giải quyết những vấn đề rắc rối. Ngược lại, khi đang trong tâm trạng phấn chấn, vui vẻ thì hầu như rất ít người trong chúng ta muốn nghĩ đến những khúc mắc, vướng bận mình gặp phải. Lúc đó, ta tin rằng cuối cùng mọi việc cũng sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa mà không cần phải tỏ ra vội vã hay lo lắng thái quá.
Việc lựa chọn thời điểm thích hợp để suy nghĩ là điều hết sức quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người. Việc lựa chọn này không chỉ thể hiện sự chín chắn, trưởng thành của bạn mà còn giúp bạn tránh được những rắc rối không đáng có trong cuộc sống của mình.
* Quá trình tư duy diễn ra như thế nào?
Sau khi tiếp nhận thông tin, con người chúng ta thường có hai cách để suy nghĩ và xử lý. Cách đầu tiên là chúng ta nhìn nhận và phân tích vấn đề tựa như một chiếc máy tính xử lý những số liệu phức tạp. Đây là cách chúng ta thường dùng khi tiếp thu một sự việc mới, hoặc khi cố gắng tìm ra giải pháp cho một vấn đề nào đó. Với cách suy nghĩ này, chúng ta thường lấp đầy tâm trí mình bằng những dữ kiện cùng những trải nghiệm đã qua. Tất cả trở thành động lực thôi thúc chúng ta suy nghĩ nhiều hơn.
Cách thứ hai là chúng ta suy nghĩ về mọi chuyện thật đơn giản. Những suy nghĩ này đến với chúng ta một cách tự nhiên, tình cờ khi mà tâm trí ta đang trong trạng thái thư giãn, thoải mái. Đây còn được gọi là “những suy nghĩ bất ngờ”.
Khi suy nghĩ theo cách thứ hai, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy và nắm bắt được những ý tưởng mới. Cách suy nghĩ này giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, thư thái hơn rất nhiều. Chẳng hạn, bạn đang cố nhớ tên một người nào đó nhưng không tài nào nhớ được. Thế nhưng, khi bạn quyết định không cố nghĩ đến nó nữa thì bạn lại nhớ ra tên người đó. Hoặc khi giữa bạn và một người nào đó phát sinh mâu thuẫn, bạn suy nghĩ mãi nhưng vẫn chưa thể tìm ra giải pháp tối ưu để giải quyết nó. Điều ngạc nhiên là giải pháp sẽ nhẹ nhàng tìm đến bạn trong lúc tinh thần bạn thoải mái nhất, chẳng hạn như khi đang ngâm mình trong bồn tắm hoặc khi thả bộ tới trường.
Việc nhận ra sự khác biệt giữa hai cách suy nghĩ là điều rất quan trọng. Mỗi cách suy nghĩ đóng một vai trò khác nhau trong cuộc sống của chúng ta nên rất khó khi so sánh và rút ra kết luận về tính thiết thực của chúng. Tuy nhiên, các bạn cũng đừng quá lạm dụng lối suy nghĩ phân tích vấn đề cũng như lo lắng thái quá khi tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề nào đó.
Suy nghĩ thường đến với chúng ta tự nhiên như việc ta hít thở hàng ngày vậy. Và hẳn bạn cũng đồng ý với tôi rằng, suy nghĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên chất lượng sống của mỗi người. Khi cứ mải lo nghĩ về những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên nặng nề và mệt mỏi vô cùng.
Lời khuyên mà tôi đưa ra ở đây là bạn hãy biết điều chỉnh suy nghĩ của bản thân để có thể có được những thay đổi tích cực trong đời sống tinh thần. Tôi hy vọng bạn cũng sẽ tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu và khám phá tư duy của mình để nhận ra những điều kỳ diệu trong cuộc sống.