Mục đích sống của con người trên hành tinh này không chỉ là sống sót mà là sống với niềm tin và khát vọng mạnh mẽ. Sẽ ra sao nếu chúng ta không có một tinh thần bất khuất để đối mặt với biến đổi và thất vọng? Và phải chăng bị động trước cuộc đời là một sai lầm lớn? Tôi đã tự đặt nhiều câu hỏi cho chính mình sau khi đọc Vượt lên trật tự – 12 Quy tắc cho cuộc sống của Giáo sư Jordan B. Peterson.
Là một người theo đuổi sự nghiệp giáo dục đã mười mấy năm, cũng đã trải qua nhiều thử thách cùng những quyết định trước những ngã rẽ quan trọng, nhưng khi nhìn về quá khứ, tôi chưa bao giờ hối tiếc. Dẫu biết bất kỳ sự thử thách nào cũng luôn tiềm ẩn rủi ro, nhưng tận sâu trong tôi luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng, nếu chúng ta không dám khai phá giới hạn của bản thân, làm sao biết được cơ hội mới mẻ luôn ẩn náu ở những nơi tưởng chừng đầy mạo hiểm? Với hệ niềm tin này, tôi luôn tâm niệm làm sao để truyền dạy và tạo điều kiện cho các bạn sinh viên khai phóng năng lực khám phá bản chất vấn đề, làm chủ bản thân, biết cách rút ra bài học từ những va vấp ngay khi còn trên ghế nhà trường; để các bạn luôn ghi nhớ rằng những điều không dự đoán trước và cả những thất bại sẽ là “tấm bằng” đắt giá để giúp các bạn đứng lên được và trưởng thành hơn khi bước vào “trường đời”. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng của tinh thần giáo dục khai phóng mà các trường học muốn hướng đến.
Trong cuốn sách trước, 12 Quy luật cuộc đời, Giáo sư Jordan B. Peterson đã đưa ra các quy luật để xác định vị trí của mọi người trong xã hội, thừa nhận các hệ thống và cấu trúc đã tồn tại từ lâu; và thay vì tìm cách phá bỏ chúng, ông đã khuyến khích người đọc tìm thấy vị trí thiết thực nhất của mình trong đó. Tôi hoàn toàn đồng ý cách Giáo sư Jordan B. Peterson đề cập về “Sự thật là thế giới luôn tồn tại những điều ta không biết và không thể dự đoán trước”. Nhưng con người chúng ta thường có khuynh hướng bẩm sinh thích những thứ “mang tính xác định”, chúng ta luôn cố áp đặt trật tự lên thế giới mặc dù những hiểu biết của con người về cách thế giới vận hành chưa bao giờ là đủ. Điều này vô hình trung khiến ta chìm trong hốt hoảng, thậm chí có thể là bất lực mỗi khi rơi vào hỗn loạn trong một thế giới luôn biến đổi không ngừng. Cuốn sách này giúp tôi nhận ra, để có khả năng chống lại những đả kích của biến đổi, chỉ có một cách duy nhất đó là: vượt ra khỏi trật tự để đối diện với hỗn độn.
Hãy đọc và ngẫm sách bằng tâm thế cởi mở với những lập luận sâu sắc của tác giả, biết đâu các quy tắc của ông sẽ là kim chỉ nam giúp mỗi người chúng ta tìm thấy mấu chốt cho câu hỏi: “Ta phải làm gì khi rơi vào nghịch cảnh?”. Vì suy cho cùng, có bao nhiêu người dễ dàng đi qua những đau khổ, tai ương, gian truân mà vẫn học được cách vượt lên và đối diện với nó? Cách duy nhất đó là hãy chuẩn bị trước cho những hỗn độn sẽ có thể xuất hiện vào lúc chúng ta mất cảnh giác nhất, để từ đó, bạn biết cách “giữ được lòng biết ơn giữa nghịch cảnh”.
– PGS. TS. Võ Thị Ngọc Thúy
Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen (HSU)