Buổi sáng ngày 5 tháng 2 năm 2020, tôi tỉnh dậy trong phòng hồi sức ở một nơi không ngờ tới: Moscow, thủ đô nước Nga. Tôi bị buộc chặt vào giường bằng mấy sợi dây dài bởi vì trong cơn mê sảng, tôi đã vật lộn để tháo những thiết bị y tế gắn trên người mình ra và còn cố gắng đi ra ngoài. Tôi cảm thấy bối rối và bực bội vì không biết mình đang ở đâu và xung quanh toàn là những người nói tiếng nước ngoài xa lạ thay vì người thân. Con gái tôi, Mikhaila và chồng của con bé, Andrey, chỉ được phép vào thăm một lúc và không có mặt bên cạnh khi tôi tỉnh dậy. Tôi rất tức giận về điều đó và đã phóng ngay về phía Mikhaila khi con bé đến thăm tôi vài giờ sau. Tôi cảm thấy bị đối xử tàn tệ, dù suy nghĩ này là hết sức sai lầm. Mọi người đều đã làm hết sức để giúp đỡ tôi, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn của việc điều trị y tế ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. Tôi không nhớ được tí gì về khoảng thời gian vài tuần trước đó, và chỉ nhớ một ít từ lúc đó đến lúc tôi được chuyển về một bệnh viện ở thành phố Toronto, Canada vào khoảng giữa tháng 12. Một trong những điều ít ỏi tôi nhớ được trong năm đó là quãng thời gian tôi dành để viết quyển sách này.
Tôi đã viết và biên tập gần như toàn bộ quyển sách này trong khoảng thời gian mà gia đình tôi liên tiếp gặp phải nhiều vấn đề trầm trọng về sức khỏe. Và bởi vì điều này là một đề tài được công chúng bàn tán sôi nổi nên tôi muốn giải thích chi tiết hơn. Vào tháng 1 năm 2019, Mikhaila phải phẫu thuật thay cổ chân nhân tạo bởi vì cổ chân nhân tạo cũ của con bé đã được lắp gần một thập kỷ trước nên bắt đầu có vấn đề, gây ra đau đớn cũng như khó khăn khi cử động. Tôi đã ở cùng con một tuần trong một bệnh viện ở thành phố Zurich, Thụy Sĩ. Đây là quãng thời gian cần thiết cho cuộc phẫu thuật cũng như việc hồi sức sau đó.
Vào đầu tháng 3 năm đó, vợ tôi, Tammy, phải trải qua một cuộc phẫu thuật ở Toronto để chữa chứng ung thư thận, căn bệnh vốn rất phổ biến và cũng tương đối dễ trị. Khoảng một tháng rưỡi sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ gần một phần ba quả thận, chúng tôi được thông báo rằng cô ấy thực ra đã mắc phải một khối u ác tính cực kì hiếm với khả năng tử vong gần như 100% trong vòng một năm.
Hai tuần tiếp theo sau, bác sĩ phẫu thuật tiếp tục cắt bỏ nốt hai phần ba còn lại của quả thận bị ung thư cùng với một phần lớn hệ bạch huyết liên quan. Mặc dù ca phẫu thuật dường như đã ngăn chặn được ung thư di căn, nó lại khiến hệ bạch huyết tổn thương và rò rỉ chất dịch ra ngoài (đến gần 4 lít/ngày) – một triệu chứng gọi là tràn dịch màng bụng vốn cũng nguy hiểm không kém ung thư. Thế là chúng tôi phải bay đến Philadelphia, Mỹ để điều trị với một nhóm bác sĩ ở đó. Trong vòng 96 giờ sau khi được tiêm thuốc nhuộm từ dầu hạt anh túc (thường dùng để chụp ảnh CAT hoặc MRI), triệu chứng tràn dịch của Tammy đột nhiên biến mất. Và điều kì diệu này xảy ra ngay đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày cưới của chúng tôi. Sau đó, vợ tôi đã hồi phục nhanh chóng và gần như hoàn toàn khỏi bệnh, một minh chứng sống động cho sự may mắn mà ai cũng cần trong lúc nguy cấp cũng như sức mạnh bền bỉ đáng khâm phục của cô ấy.
Đáng tiếc là khi sức khỏe vợ tôi tốt lên thì sức khỏe của tôi lại dần chuyển biến xấu. Tôi bắt đầu dùng thuốc chống lo âu vào đầu năm 2017, sau khi hệ miễn dịch của tôi phản ứng tiêu cực với một số thức ăn trong mùa Giáng sinh trước đó(*). Sự phản ứng thái quá của hệ miễn dịch khiến tôi cảm thấy lo âu không ngớt, đồng thời tôi cũng cảm thấy lạnh buốt dù đã mặc không biết bao nhiêu đồ ấm cũng như đắp lên người hàng đống chăn. Hơn nữa, nó còn làm huyết áp của tôi giảm đến mức mỗi khi tôi đứng lên, tôi đều thấy choáng váng và phải ngồi xuống nhiều lần rồi mới đứng lên được. Và tôi cũng hầu như hoàn toàn mất ngủ. Bác sĩ đã phải kê cho tôi thuốc an thần và thuốc ngủ. Tôi đã ngừng dùng thuốc ngủ chỉ sau vài lần bởi vì dường như thuốc an thần là quá đủ để trị mọi triệu chứng của tôi, kể cả chứng mất ngủ. Trước tác dụng thần kì của thuốc an thần, tôi tiếp tục dùng nó trong ba năm tiếp theo, một phần bởi vì những căng thẳng bất thường trong cuộc sống (khi cuộc sống bình lặng của tôi – một giáo sư đại học và nhà tâm lý lâm sàng – bị chuyển sang cuộc sống hỗn loạn của người nổi tiếng), và một phần bởi vì tôi nghĩ rằng thuốc này tương đối vô hại (như nhiều người thường nghĩ).
Chú thích:
(*) Căn bệnh khiến con gái tôi phải thay cổ chân nhân tạo (và hông) cũng liên quan đến hệ miễn dịch. Vợ tôi cũng có một số triệu chứng viêm khớp liên quan đến hệ miễn dịch. Tôi đề cập đến điều này để cho thấy vì sao tôi nghĩ bệnh của mình cũng có liên quan đến hệ miễn dịch.
Thế nhưng mọi thứ thay đổi vào tháng 3 năm 2019 khi vợ tôi vật lộn với căn bệnh của cô ấy. Sự lo âu của tôi tăng vọt rõ rệt sau khi Mikhaila trải qua đợt phẫu thuật cổ chân. Vì thế, tôi đề nghị bác sĩ tăng liều lượng thuốc an thần để giảm nỗi lo âu của tôi cũng như để tôi khỏi phải làm phiền người thân. Rủi thay, lần này những cảm xúc tiêu cực lại vẫn tăng lên đáng kể. Thế là tôi tiếp tục đề nghị bác sĩ tăng liều lượng thuốc cao hơn nữa (đây cũng là quãng thời gian mà vợ tôi trải qua đợt phẫu thuật lần hai), nhưng nỗi lo âu của tôi vẫn cứ tăng lên không ngừng. Tôi nghĩ nguyên nhân của điều này là do sự tái phát chứng trầm cảm mà tôi mắc phải nhiều năm trước đó (chứ không phải một phản ứng nghịch lý nào đó với thuốc như bác sĩ của tôi chẩn đoán)(*). Dù sao đi nữa, tôi đã quyết định dừng hẳn thuốc an thần vào tháng 5 năm 2019 và thử hai liều thuốc ketamine trong vòng một tuần như lời đề nghị của một bác sĩ tâm thần mà tôi quen biết. Ketamine, một chất gây mê và gây ảo giác, đôi lúc có tác dụng tích cực với bệnh trầm cảm. Thế nhưng, với tôi nó chẳng có tác dụng gì ngoài hai chuyến du hành dài 90 phút xuống địa ngục. Tôi ngã khuỵu xuống đất cứ như thể đang cảm thấy cực kì tội lỗi và xấu hổ về mọi thứ tôi đã làm.
Chú thích:
(*) Tôi đã dùng thuốc chống trầm cảm như Celexa gần hai thập kỷ và thuốc có tác dụng rất tốt. Vào năm 2016 thì tôi dừng hẳn Celexa khi tôi thay đổi chế độ ăn và dường như không còn bị trầm cảm nữa.
Vài ngày sau khi dùng thuốc ketamine, tôi bắt đầu trải qua những triệu chứng cấp tính của việc cai thuốc an thần. Đó là một trải nghiệm mà tôi gần như không chịu đựng nổi: sự lo âu vượt hơn hẳn tất cả những gì tôi trải qua trước đó, sự bồn chồn bứt rứt không kiểm soát nổi khiến tôi cứ đi qua đi lại không ngừng (tên khoa học là chứng bồn chồn không yên – akathisia), tâm trí tràn ngập những suy nghĩ tự hủy hoại mình và hoàn toàn không có bất kì niềm hạnh phúc nào. Một người bạn là bác sĩ đã cho tôi biết tác hại của việc ngưng dùng thuốc an thần một cách đột ngột, nên tôi bắt đầu dùng thuốc an thần trở lại nhưng với liều ít hơn trước đó. Thế là hầu hết những triệu chứng trên bắt đầu giảm đi. Với những triệu chứng còn lại, tôi dùng thuốc chống trầm cảm vốn đã có hiệu quả với tôi trước kia. Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm lại khiến tôi kiệt sức đến mức cần ngủ thêm bốn giờ mỗi ngày (một điều không dễ dàng chút nào khi vợ tôi đang bệnh nặng), đồng thời mức độ thèm ăn của tôi tăng lên gấp hai đến ba lần.
Sau khoảng ba tháng chịu đựng sự lo âu khủng khiếp, cơn buồn ngủ triền miên, sự giày vò của chứng bồn chồn không yên và sự thèm ăn quá mức, tôi quyết định đến khám tại một bệnh viện ở Mỹ chuyên điều trị những triệu chứng của việc cai thuốc an thần. Mặc dù các bác sĩ ở đó đã cố gắng hết sức, tất cả những gì họ có thể làm là giảm dần lượng thuốc an thần tôi đang dùng. Trong suốt thời gian điều trị ở đó, các triệu chứng của tôi vẫn không thể được kiểm soát tốt.
Mặc dù vậy, tôi vẫn ở lại bệnh viện từ giữa tháng 8 (chỉ vài ngày sau khi vợ tôi hồi phục) đến cuối tháng 11 rồi mới trở về nhà mình ở Toronto, nhưng những triệu chứng khủng khiếp ấy vẫn còn dai dẳng. Vào lúc đó, chứng bồn chồn không yên của tôi đã tồi tệ đến mức tôi không thể ngồi hoặc nằm nghỉ trong bất kì tư thế nào mà không cảm thấy cực kì khó chịu và mệt mỏi. Vào tháng 12 năm 2019, tôi vào nằm viện ở một bệnh viện địa phương, và tôi bắt đầu mê man cho tới khi tỉnh dậy ở Moscow. Sau đó, tôi được biết rằng vợ chồng con gái tôi đã quyết định chuyển tôi đến Nga để điều trị vào đầu tháng 1 năm 2020 vì chúng nghĩ rằng quá trình điều trị ở Canada chỉ khiến tình hình tệ hơn (một điều mà tôi hoàn toàn đồng ý).
Khi tỉnh dậy ở Nga, tình trạng bệnh của tôi càng trở nên phức tạp hơn khi tôi được chẩn đoán bị sưng cả hai lá phổi từ lúc ở Canada nhưng đã không được phát hiện và điều trị. Tuy nhiên, lý do chính tôi được đưa đến Nga là vì ở đây họ có thể thử một cách điều trị triệu chứng cai thuốc an thần vốn không được phép dùng ở Bắc Mỹ. Bởi vì tôi không chịu đựng được việc giảm liều lượng thuốc an thần nên bệnh viện ở Nga đã chủ động đưa tôi vào trạng thái hôn mê trong giai đoạn tệ nhất của việc cai thuốc. Quá trình điều trị bắt đầu vào ngày 5 tháng 1 và kéo dài khoảng 9 ngày. Trong thời gian đó, tôi được kết nối với một máy thở để đảm bảo quá trình hô hấp được kiểm soát tốt. Vào ngày 14 tháng 1, quá trình điều trị chấm dứt và tôi tỉnh dậy được khoảng vài giờ để nói với Mikhaila rằng tôi không còn bị chứng bồn chồn không yên nữa (mặc dù tôi không thể nhớ được chi tiết đó sau này).
Vào ngày 23 tháng 1, tôi được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt chuyên về phục hồi chức năng thần kinh. Tôi nhớ rằng mình đã tỉnh dậy được một khoảng thời gian ngắn vào ngày 26 trước khi mê man trở lại cho đến ngày 5 tháng 2. Sau đó, tôi được chuyển đến một trung tâm phục hồi chức năng nhẹ hơn ở vùng ngoại ô thành phố Moscow. Tại đây, tôi phải tập lại những động tác cơ bản như lên xuống cầu thang, tự mặc đồ, tự nằm xuống giường và dùng bàn phím máy tính. Dường như tôi gặp khó khăn trong việc cảm nhận và tương tác với đồ vật xung quanh. Vài tuần sau đó, khi khả năng nhận thức và cử động của tôi đã khá lên nhiều, tôi mới cùng với con gái, con rể và đứa cháu ngoại bay về bang Florida để tịnh dưỡng một cách yên bình dưới ánh mặt trời ấm áp (một điều hết sức dễ chịu sau mùa đông u ám lạnh lẽo ở Moscow). May mắn thay, điều này xảy ra ngay trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ trên thế giới.
Ở Florida, tôi cố gắng giảm dần những loại thuốc đã dùng ở Moscow mặc dù tôi vẫn còn một số triệu chứng khó chịu như bị tê tay và chân trái, cảm thấy run ở tay chân và cơ trán, trải qua những cơn động kinh và sự lo âu đến tê liệt. Nhưng khi tôi giảm dần liều lượng thuốc thì tất cả các triệu chứng đó lại tăng lên đáng kể, và hai tháng sau tôi đã phải dùng lại lượng thuốc giống như lúc còn ở Nga. Tôi cảm thấy mình thất bại thảm hại vì đã trải qua một quá trình điều trị khủng khiếp mà vẫn không cai được thuốc. May mắn thay, người thân và bạn bè đã ở bên tôi suốt khoảng thời gian đó và sự có mặt của họ đã khích lệ tôi tiếp tục mặc dù những triệu chứng càng lúc càng trở nên không chịu nổi, đặc biệt là vào buổi sáng.
Vào cuối tháng 5, tức ba tháng sau khi rời khỏi Nga, dường như bệnh tình của tôi càng lúc càng nặng, và việc phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người thân khiến tôi (và người nhà) cảm thấy không ổn. Mikhaila và chồng con bé, Andrey, đã liên hệ được với một bệnh viện ở Serbia có dùng một phương pháp mới cho việc cai thuốc an thần. Và chúng đã sắp xếp để đưa tôi đến đó, chỉ hai ngày sau khi Serbia mở cửa trở lại sau Covid-19.
Tôi không muốn khẳng định rằng những sự kiện xảy đến với vợ tôi, bản thân tôi và những người thân đều mang lại những lợi ích nào đó. Những gì xảy ra cho vợ tôi thực sự rất khủng khiếp. Tammy đã trải qua căn bệnh trầm trọng và gần như liên tục chạm ngưỡng cửa tử thần trong suốt hơn nửa năm, và sau khi hồi phục thì cô ấy còn phải đối mặt với việc tôi bị bệnh và phải đi chữa trị thường xuyên. Về phần tôi thì lại bị đe dọa trước viễn cảnh mất đi người bạn đời tôi đã quen được 50 năm và chung sống 30 năm qua cũng như hệ quả khủng khiếp với những người thân khác, như con gái tôi, nếu điều đó xảy ra. Hơn nữa, tôi còn phải hứng chịu hệ quả đáng sợ của việc phụ thuộc quá nhiều vào thuốc an thần. Tôi sẽ không hạ thấp giá trị của tất cả những điều đó bằng cách tuyên bố rằng chúng tôi đã vượt qua và trở thành những con người tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng trải nghiệm cận kề cái chết đã thúc đẩy vợ tôi chú tâm nhiều hơn và khẩn thiết hơn đến sự phát triển một chiều hướng tâm linh cho riêng mình. Còn với tôi thì nó lại khiến tôi chỉ viết ra và giữ lại những điều quan trọng nhất cho quyển sách này khi bản thân còn đang chịu đựng những nỗi đau khổ cùng cực của triệu chứng cai thuốc. Tôi biết ơn bạn bè và gia đình đã giúp đỡ vợ chồng tôi vượt qua cơn khủng hoảng, nhưng sự thật là những trải nghiệm khổ đau mà đầy ý nghĩa này đã giúp tôi có thêm động lực để sống cũng như một cơ hội để kiểm chứng các khái niệm khiến tôi trăn trở khi viết quyển sách này.
Trong quyển sách trước và ngay cả quyển sách này, tôi không bao giờ có ý định nói rằng chỉ cần sống theo những quy tắc mà tôi đề ra là đủ để vươn tới một cuộc sống có ý nghĩa. Điều tôi muốn nói là khi bạn bị sự hỗn độn nuốt chửng, khi bạn hoặc người thân hứng chịu một căn bệnh đáng nguyền rủa, hoặc khi hoàn cảnh khắc nghiệt làm sụp đổ một điều có giá trị mà bạn xây dựng, điều quan trọng là bạn cần phải nhìn thấy mặt còn lại của vấn đề. Tất cả những điều kém may mắn bạn nhìn thấy chỉ là một nửa vấn đề, và nửa còn lại là sự giải thoát dũng cảm cũng như sự cao quý của tinh thần con người khi dám đối mặt với những trách nhiệm nặng nề đó. Điều đáng tiếc là chúng ta thường không thấy được khía cạnh anh hùng này và kết quả là ta dễ dàng gục ngã trước những thử thách của cuộc sống. Không ai trong chúng ta muốn điều đó xảy ra cả. Vì thế, ta cần trấn tĩnh lại và dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề một cách cẩn trọng và đúng mức. Chỉ có như thế ta mới có thể sống một đời sống thật xứng đáng và đầy ý nghĩa.
Trong bạn luôn có nguồn sức mạnh tự thân lớn lao và mặc dù chúng không giúp giải quyết được mọi vấn đề một cách hoàn hảo, chúng vẫn đủ để bạn vượt qua mọi thử thách. Bạn luôn có thể học hỏi từ những thất bại bằng cách chấp nhận chúng. Bạn luôn nhận được sự hỗ trợ xung quanh khi gặp khó khăn, như những bác sĩ và y tá lúc nào cũng thật tâm và tận tình chăm sóc cho bạn mỗi khi bạn bệnh. Hơn nữa, bạn còn có thể khai thác những phẩm chất cá nhân và lòng dũng cảm của bản thân trước mọi khó khăn. Nếu tất cả những điều đó đều tơi tả và bạn đã sẵn sàng để thua cuộc, hãy nghĩ tới nhân cách và lòng dũng cảm của những người mà bạn quan tâm cũng như những người quan tâm đến bạn. Và có thể, với tất cả những điều đó, bạn sẽ vượt qua được. Tôi có thể nói cho bạn về những gì đã nâng đỡ tôi lúc khó khăn: tình yêu tôi dành cho gia đình, tình yêu của gia đình dành cho tôi, lòng dũng cảm mà họ (và những người bạn của tôi) đã thể hiện, và sự thật rằng tôi vẫn có những việc đầy ý nghĩa mà mình còn có thể làm lúc nguy cấp. Tôi đã ép mình phải ngồi vào bàn làm việc. Tôi đã bắt mình phải tập trung, phải thở, và phải tránh những từ ngữ và ý nghĩ bỏ cuộc trong những ngày tháng dài vô tận của nỗi sợ hãi và đau khổ tột độ. Và có những lúc tôi gần như buông xuôi. Nhiều lúc tôi đã nghĩ rằng mình chắc sẽ qua đời khi đang điều trị ở bệnh viện. Tôi tin rằng nếu như tôi đầu hàng trước những cảm xúc tiêu cực như sự oán giận, có lẽ tôi đã không cầm cự được đến ngày hôm nay. Và tôi cảm thấy thật may mắn vì đã tránh được một số phận như thế.
Mặc dù không phải là giải pháp hoàn hảo nhưng phải chăng ta có thể đối mặt được với sự bất định, với thiên nhiên khắc nghiệt, với sự tàn bạo của xã hội, của những người khác và của bản thân mình nếu ta trở nên tốt hơn và dũng cảm hơn? Hoặc nếu ta hướng đến những giá trị cao đẹp hơn? Hoặc ta trở nên thành thật hơn? Liệu giá trị của kinh nghiệm có giúp đỡ chúng ta và đóng góp cho xã hội không? Phải chăng nếu mục tiêu của ta đủ cao quý, tinh thần ta đủ kiên cường và lòng quyết tâm theo đuổi sự thật của ta không lay chuyển, thì những điều tốt đẹp mà chúng mang lại sẽ đủ để bù đắp cho những thử thách khủng khiếp ta phải trải qua? Mặc dù những điều đó không đúng hoàn toàn, chúng vẫn rất gần với sự thật. Những thái độ sống và hành động như thế ít nhất cũng có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống đủ để giúp ta khỏi bị lầm lạc và đau khổ trước những khó khăn khủng khiếp của cuộc đời.
Có lẽ bạn sẽ hỏi tại sao tôi viết tiếp một quyển sách với tựa đề Vượt lên trật tự? Về mặt nào đó, lý do rất đơn giản. Trật tự là lĩnh vực đã được khám phá. Chúng ta sống trong trật tự khi hành động của mình và người khác đưa đến kết quả như mong đợi. Ta thường nhìn trật tự dưới khía cạnh tích cực vì chúng giúp ta tiến tới gần hơn điều mình mong muốn đồng thời xác nhận rằng thế giới quan của ta vẫn còn tương đối chính xác. Thế nhưng, tất cả những trạng thái trật tự đều có khuyết điểm dù chúng có ổn định và an toàn đến mấy. Tri thức của ta về thế giới vẫn còn và sẽ mãi mãi không đầy đủ, một phần vì sự thiếu hiểu biết của ta về thế giới rộng lớn đầy bí ẩn, một phần vì sự mù quáng cố ý, và một phần bởi vì thế giới luôn biến đổi một cách bất ngờ, đầy hỗn loạn. Hơn nữa, trật tự mà ta áp đặt lên thế giới có thể chết cứng và phản tác dụng khi ta cố gắng quá mức để xóa sạch những điều chưa biết. Khi những cố gắng đó đi quá xa, chủ nghĩa độc tài sẽ ngự trị dựa trên ước muốn được kiểm soát mọi thứ của con người. Điều đó cũng có nghĩa là xã hội loài người sẽ bị ngăn cấm khỏi những thay đổi cần thiết để tiếp tục thích nghi với thế giới vốn thay đổi không ngừng. Vì thế, có những lúc ta phải đối mặt với nhu cầu vượt qua trật tự để đến với mặt đối lập của nó: sự hỗn độn.
Nếu trật tự là khi những điều ta mong muốn đều rõ ràng và khi ta hành xử theo những điều thông thái đã được học, thì sự hỗn độn là khi những điều ta không mong đợi hoặc không biết lại đột nhiên xuất hiện xung quanh ta. Khi một điều gì đó xảy ra nhiều lần trong quá khứ, không có gì chắc chắn rằng nó sẽ tiếp tục diễn ra như thế trong tương lai1. Sự thật là thế giới luôn tồn tại những điều ta không biết và không thể dự đoán trước. Hỗn độn là sự bất thường, sự mới mẻ, sự bất định, sự biến đổi, sự đột biến, và sự thoái hóa khi những gì ta xem là hiển nhiên bỗng trở nên lung lay, nghiêng ngả. Đôi lúc, sự hỗn độn lại hiện ra một cách nhẹ nhàng và tiết lộ những bí ẩn khiến ta tò mò, thích thú và say mê. Điều này đặc biệt đúng khi ta tiếp cận với những điều chưa biết một cách chủ động, cẩn thận và nghiêm túc. Trong những lúc khác thì sự hỗn độn lại hiện ra một cách khủng khiếp, bất thình lình, và bất ngờ đến nỗi ta cảm giác như bị hủy hoại nặng nề và hoàn toàn sụp đổ, và sau đó ta chỉ có thể gượng dậy một cách cực kì khó khăn.
Về mặt bản chất, cả trật tự lẫn hỗn độn đều có tầm quan trọng như nhau. Thật sai lầm nếu ai đó tuyên bố cái này quan trọng hơn cái kia. Tuy nhiên, trong quyển sách trước của tôi, 12 Rules for Life: An Antidote to Chaos(*), tôi đã chú trọng đến những cách thức giải quyết hệ quả của sự hỗn độn quá mức2. Chúng ta thường phản ứng với một thay đổi bất ngờ bằng cách chuẩn bị sẵn sàng về cả thể chất lẫn tinh thần cho tình huống xấu nhất. Và bởi vì chỉ có Chúa mới biết được tình huống xấu nhất sẽ như thế nào nên chúng ta gần như phải luôn chuẩn bị cho mọi tình huống. Vấn đề là sự chuẩn bị sẵn sàng thường xuyên như vậy có thể khiến ta kiệt sức. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng sự hỗn độn cần phải được loại bỏ hoàn toàn (vốn là điều không tưởng) mà nó chỉ có nghĩa rằng những điều chưa biết cần được quản lý một cách cẩn thận. Những gì không được cái mới mẻ chạm tới sẽ trở nên trì trệ và khô cứng, và một đời sống thiếu vắng óc tò mò thúc đẩy ta khám phá những điều bí ẩn là một sự tồn tại thấp kém của con người. Những điều mới lạ thường sẽ thú vị, hấp dẫn và đầy kích thích, miễn là nó không xảy ra quá nhiều đến nỗi cuộc sống của ta bị đảo lộn.
Chú thích:
(*) Tựa tiếng Việt: 12 Quy luật cuộc đời, Saigon Books, NXB Thế Giới. (Chú thích của biên tập viên Saigon Books – BTV)
Cũng như cuốn 12 Quy luật cuộc đời, cuốn sách này phát triển dựa trên 42 quy tắc tôi đã đăng trên trang Quora. Nhưng trái ngược với cuốn sách trước, cuốn Vượt lên trật tự sẽ khám phá những tác hại của sự an toàn và kiểm soát quá mức cũng như những lợi ích của sự hỗn độn vừa phải. Bởi vì hiểu biết của chúng ta không bao giờ là đủ (khi những thứ ta muốn kiểm soát bắt đầu có vấn đề), nên ta vừa phải giữ chắc một chân trong trật tự, vừa phải thận trọng bước chân còn lại vào trong hỗn độn. Và như thế, ta luôn được thúc đẩy để khám phá và tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc sống bằng cách giữ vị trí dẫn đầu vừa đủ an toàn để ta không quá sợ hãi, nhưng cũng vừa đủ thử thách để ta tiếp tục học hỏi và thích nghi với những điều mới lạ. Chính ý nghĩa sâu thẳm của cách sống đó (vốn sâu sắc hơn tư duy đơn thuần) sẽ hướng dẫn ta theo con đường chân chính, giúp ta không bị choáng ngợp bởi những gì ngoài tầm với của mình, và quan trọng hơn nữa là bảo vệ ta khỏi những hệ giá trị và niềm tin lạc hậu, hạn hẹp, cứng nhắc và đầy nguy hiểm.
Sau đây tôi sẽ tóm tắt nội dung những quy tắc trong quyển sách này.
Quy tắc 1 mô tả mối quan hệ giữa cấu trúc bền vững, ổn định của xã hội với sức khỏe tinh thần của con người, đồng thời chứng minh rằng chỉ khi cấu trúc xã hội được đổi mới bởi những con người sáng tạo thì nó mới có thể giữ vững sức sống của mình.
Quy tắc 2 phân tích một hình ảnh giả kim hàng trăm năm tuổi và dùng những câu chuyện cổ xưa lẫn hiện đại để làm sáng tỏ bản chất và sự phát triển của nhân cách hoàn chỉnh.
Quy tắc 3 cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tránh né thông tin hữu ích (vốn thiết yếu cho sự trẻ hóa liên tục của tinh thần con người) khi ta rơi vào tâm trạng tiêu cực như đau khổ, lo âu và sợ hãi.
Quy tắc 4 lý luận rằng để giúp con người vượt qua giai đoạn khó khăn thì bản thân niềm hạnh phúc không bao giờ là đủ (vì nó rất mong manh) mà chúng ta còn cần chủ động gánh vác trách nhiệm cho mình cũng như cho người khác.
Quy tắc 5 dùng một ví dụ duy nhất từ kinh nghiệm hành nghề của tôi để minh họa cho sự cần thiết của việc chú ý đến tiếng nói lương tâm.
Quy tắc 6 mô tả sự nguy hiểm của việc xem một yếu tố đơn lẻ nào đó (như giới tính, giai cấp hoặc quyền lực) là nguyên nhân duy nhất của những vấn đề phức tạp ở cả cấp độ cá nhân lẫn xã hội.
Quy tắc 7 nói đến mối quan hệ mật thiết giữa việc cố gắng nghiêm túc theo đuổi một điều gì đó với sự rèn luyện phẩm chất bền bỉ trước mọi khó khăn.
Quy tắc 8 tập trung vào tầm quan trọng của cái đẹp trong việc hướng ta đến những điều chân, thiện và bền vững trong thế giới tinh thần của con người.
Quy tắc 9 cho thấy ta có thể loại bỏ sự khủng khiếp của những trải nghiệm đau khổ trong quá khứ bằng cách chủ động khám phá và diễn dịch lại chúng theo tư duy ngôn ngữ của mình.
Quy tắc 10 nói đến tầm quan trọng của việc thương lượng thẳng thắn nếu ta muốn giữ vững lòng tốt, sự tôn trọng cũng như sự hợp tác chân thành trong một mối quan hệ tình cảm.
Quy tắc 11 mô tả trải nghiệm của con người theo hướng có thể giải thích được động lực đằng sau ba phản ứng tâm lý phổ biến và hết sức nguy hại, đồng thời giải thích những hệ quả khủng khiếp của chúng và cách thức để tránh rơi vào những trạng thái tâm lý đó.
Quy tắc 12 chứng tỏ rằng lòng biết ơn trước những bi kịch khó tránh khỏi của cuộc sống chính là biểu hiện của lòng dũng cảm đáng khâm phục về mặt đạo đức, và đó là điều cần thiết để chúng ta tiếp tục vươn lên trong cuộc sống(*).
Tôi hi vọng rằng mình đã khéo léo hơn trong việc trình bày những quy tắc trong cuốn sách này so với cuốn đầu tiên ra mắt cách đây bốn năm, đặc biệt là khi tôi đã nhận được những phản hồi hữu ích từ bạn đọc trên khắp thế giới và cả những khán giả trên kênh YouTube, trang blog hoặc podcast của tôi(**). Vì thế, tôi hi vọng rằng mình có thể làm rõ được một số vấn đề chưa rõ ràng và còn dang dở trong cuốn sách trước, cũng như trình bày được nhiều vấn đề mới mẻ. Cuối cùng, tôi hi vọng bạn đọc sẽ tìm được nhiều điều bổ ích cho bản thân từ cuốn sách này cũng như cuốn sách trước. Tôi cảm thấy một nguồn khích lệ lớn lao khi nhiều người tìm thấy sức mạnh tự thân từ những ý tưởng và câu chuyện mà tôi chia sẻ qua tác phẩm của mình.
Chú thích:
(*) Một điều thú vị là cuốn sách này và cuốn trước đó được thiết kế sao cho chúng thể hiện được sự cân bằng của hai thái cực mà mỗi cuốn đại diện. Vì thế mà cuốn đầu tiên có bìa màu trắng và cuốn thứ hai này có bìa màu đen. Chúng cũng giống như hai cực âm dương trong biểu tượng thái cực của đạo Lão.
(**) Bạn có thể truy cập kênh YouTube của tôi ở www.youtube.com/user/JordanPetersonVideos. Còn podcast và trang blog của tôi ở jordanbpeterson.com.
Gã khờ, lấy cảm hứng từ Pamela Colman Smith,
thẻ bài The Fool trong bộ bài Tarot Rider-Waite, Rider & Son (1910).