Bạn thân mến, không phải bạn không tốt
Trong tình yêu không thể nói đến công bằng, hai người giống như ốc và vít, vừa vặn mới là tốt nhất. Bạn thân mến, đừng oán hận, cũng đừng tự trách mình. Không phải bạn không tốt, cũng không phải đối phương sai, chỉ là hai người không hợp nhau. Nhưng rất nhiều đôi tình nhân lại không phải là không hợp nhau, chỉ là kết nối chưa hiệu quả. Vậy làm sao mới có thể thực hiện kết nối hiệu quả đây?
Tình yêu không thể nói đến công bằng
Mỗi buổi tối, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của độc giả, Diệp Tử là một người trong số đó. Từ tin nhắn có thể biết được Diệp Tử và bạn trai một đôi “thanh mai trúc mã”. Hai người sống ở một thị trấn nhỏ, từ tiểu học đến cấp ba đều học chung trường, sau đó lại thi vào cùng một trường đại học trọng điểm. Chuyên ngành học của Diệp Tử là tài chính, của bạn trai là khoa học vật liệu. Mặc dù cùng trường, nhưng ở hai khu khác nhau, thời gian hai người bên nhau không nhiều như họ mong muốn.
Bạn trai của Diệp Tử thích kết giao, năm thứ nhất đăng kí tham gia hội sinh viên, hiện nay đã là hội phó. Mỗi khi đến tìm bạn trai, Diệp Tử đều không gặp được. Bạn trai cô nếu không chạy việc cho giáo viên phụ trách thì cũng giải quyết vô số việc của hội sinh viên.
Diệp Tử rất quan tâm đến bạn trai. Tuy thỉnh thoảng cũng phiền lòng vì sự vắng mặt của cậu ấy, nhưng vẫn toàn tâm toàn ý ủng hộ. Cảm thấy bản thân mình không giúp được gì cho người yêu nên cô ấy cũng không muốn làm phiền.
Trong chuyện tình cảm, bên nhận thường vô tâm. Tình cảm của Diệp Tử với bạn trai như dòng nước, lặng lẽ mà da diết. Theo lời của Diệp Tử, bạn trai cảm thấy hai người ở bên nhau không có cảm xúc mãnh liệt, chẳng bao lâu sau cậu ta thành đôi với một cô em khóa dưới.
Diệp Tử muốn níu kéo tình cảm, yêu cầu bạn trai nói cho cô ấy biết mình không tốt ở điểm nào, chỉ cần cậu ta nói ra, cô đều sẵn lòng thay đổi.
Người bạn trai tự biết mình có lỗi, an ủi Diệp Tử: “Xin lỗi, Diệp Tử, không phải em không tốt, đều là lỗi của anh. Chúng ta thực sự không hợp nhau. Hãy tha thứ cho anh! Sau này anh sẽ xem em như em gái, việc của em cũng là việc của anh!”
Chỉ là một câu “không hợp nhau”, càng khiến người ta bất lực, khiến người ta muốn khóc mà không khóc được. Bất luận bạn tranh đấu thế nào cũng sẽ không giải quyết được vấn đề. Diệp Tử cảm thấy cuộc sống không còn hi vọng, không thể nghĩ ra bản thân mình rốt cuộc sai chỗ nào, tình cảm hơn mười năm giữa hai người cuối cùng không bằng một năm ở bên cô em gái khóa dưới. Người con gái xưa nay ấm áp, dịu dàng như Diệp Tử cuối cùng đã chọn cách tự sát, may mà bạn cùng phòng kịp thời ngăn cản.
Tôi không trả lời Diệp Tử ngay lập tức, đợi Diệp Tử kể xong, tôi mới đáp: “Không phải bạn không tốt, chỉ là tình yêu đích thực vẫn chưa đến. Mẹ bạn nuôi bạn hơn hai mươi năm, không phải để bạn vì một người nào đó mà chết đi sống lại. Còn bạn trai kia nói sẽ coi bạn như em gái, bạn chỉ cần đáp lại một câu ‘Thôi khỏi!’ rồi cho cậu ta vào danh sách đen không liên lạc là xong.”
Không phải bạn không tốt, là do thời điểm bạn gặp người ta quá sớm, người ta chưa chuẩn bị tốt, bạn đã muốn cho đi tất cả. Tình yêu rất quan trọng duyên phận, đúng người, đúng thời điểm, tình yêu mới có thể hạnh phúc viên mãn. Dưa chưa héo cuống đã hái ăn sẽ không ngọt – đạo lí đơn giản này rõ ràng ai cũng hiểu, nhưng cuối cùng không ít người vẫn để bản thân vật lộn trong đau khổ.
“Không phải em không tốt” chỉ là một cách từ chối khéo léo. Chúng ta đều sợ làm tổn thương lẫn nhau, chuyện chia tay đã định trước sẽ làm tổn thương một bên. Khi một bên đưa ra lời chia tay, tình yêu của hai bạn cũng đã đi đến điểm kết thúc. Hãy thông minh một chút, hiểu chuyện một chút! Quấy rầy sẽ chỉ làm cho đôi bên rạn nứt thêm. Yêu được tất cũng bỏ được! Không phải là bởi vì sau này còn có thể làm bạn. Chỉ là không nhất thiết cứ phải vì một người không có kết quả mà lãng phí thời gian.
Trong tình yêu không thể nói đến công bằng, hai người giống như ốc và vít, vừa vặn mới là tốt nhất. Bạn thân mến, đừng oán hận, cũng đừng tự trách mình. Không phải bạn không tốt, cũng không phải đối phương sai, chỉ là hai người thật sự không hợp nhau.
Tình yêu không phải là tất cả cuộc sống. Dù một mình, bạn cũng phải chăm sóc tốt bản thân, làm cho bản thân trở nên ưu tú, làm bản thân trở nên đủ mạnh mẽ. Bài hát Hương vị của cỏ chanh của ca sĩ Thái Y Lâm có câu:
“Em đã từng nếm hương vị ngọt ngào của tình yêu; chúng ta đều không sai, chỉ là không hợp nhau; giờ đây em mới hiểu mình cần những gì; niềm vui là của riêng em chứ không phải anh trao cho; cô đơn cũng phải tự gánh vác; giờ đây em mới hiểu mình cần những gì; lựa chọn là của em, không phải anh trao cho; hạnh phúc phải tự mình gánh vác; thứ anh đã bỏ lỡ, xin anh hãy nắm chắc.”
Thứ bạn cần, bạn có thực sự hiểu không?
Nhiều khi, trong khoảnh khắc nào đó, chúng ta lí trí đến đáng sợ – đó chẳng qua là cảm xúc bị bản thân che đậy. Tất cả hồi ức đẹp đẽ trong chốc lát bị xóa sạch. Không phải không muốn nhớ, chỉ là không muốn gợi lại mà thôi.
Chỉ là do các bạn đã gặp vấn đề trong khi kết nối
Thế giới thì rộng lớn, duyên phận lại nhỏ bé. Vô tình gặp nhau giữa nhân gian muôn trùng, lại có may mắn dắt tay nhau đi qua một đoạn hành trình. Có người nói, tình yêu đích thực không phải cứ mệt mỏi là buông tay, không phải cứ không hợp là chia cắt, mà là ngay cả mệt mỏi nữa cũng muốn ở bên nhau, dù không hợp cũng cố gắng nắm lấy.
Ý kiến này tôi chỉ đồng ý một phần. Quả đúng là, nhiều khi sự “không hợp” của hai người chỉ là do cách kết nối có vấn đề.
Tiêu Uyển là một độc giả của tôi, mới tốt nghiệp cấp ba. Đọc bài viết của tôi xong dường như đã ghiền luôn, cho rằng những “tên cặn bã” phải bị lên án. Bạn trai của cô ấy chính là một “tên cặn bã” đúng nghĩa, nhưng cô ấy vẫn không thể buông được, cô muốn biết phải làm thế nào.
Tôi hỏi: “Bạn trai của em cụ thể ‘cặn bã’ như thế nào?”
“Anh ấy quá hướng nội! Trên phố, anh ấy không muốn nắm tay em; em bảo anh ấy đưa em đi xem phim, phim rất cảm động, em ghé đầu vào vai anh ấy, nhưng anh ấy không cho. Anh ấy chắc chắn không yêu em! Bạn trai người ta đều muốn ôm bạn gái trong vòng tay, nhưng anh ấy chưa từng muốn thể hiện sự âu yếm nơi công cộng. Bạn trai người ta đều…
Cái “tên cặn bã” này, mỗi lần em nói như thế, anh ấy đều gào lên bảo em đi với người khác đi, em liền đáp “không”, em chỉ muốn dựa vào anh ấy, khiến anh ấy tức chết!”. Tiêu Uyển trút ra một tràng, cơ bản đều là bạn trai người ta như thế này, như thế kia, còn bạn trai mình chỉ là một tên đầu đất, cái gì cũng không hiểu.
Tôi đùa: “Thế mà em vẫn thích anh ấy đấy thôi, anh ấy có gì đáng để thích sao?”
Tiêu Uyển hơi tức giận: “Sao anh lại hỏi như vậy?! Anh ấy thật ra cũng không tệ, em bị ốm anh ấy luôn bên em; ngày sinh nhật, anh ấy giấu em âm thầm tổ chức cho em một buổi tiệc đặc biệt lãng mạn; anh ấy còn…”
Tôi ngắt lời Tiêu Uyển, đáp: “Em và bạn trai ‘cặn bã’ đó không phải là không hợp. Hai người chỉ chưa biết cách kết nối thôi.”
Rất nhiều cặp tình nhân không phải không hợp nhau, chỉ là không biết cách kết nối có hiệu quả. Từ lời Tiêu Uyển, có thể biết rằng bạn trai của cô ấy là một chàng trai khép kín, cách biểu đạt tình yêu có thể không giống trong tưởng tượng của Tiêu Uyển, khiến cô ấy cảm thấy chưa thỏa mãn.
Lúc đó, nếu điều Tiêu Uyển nói với anh ta không phải là bạn trai người ta như thế nọ, bạn trai người ta như thế kia, mà bày tỏ rằng cô ấy cũng muốn được thế này thế kia, có lẽ bạn trai cô ấy sẽ không phản ứng như vậy.
Từ nhỏ chúng ta thường nghe phụ huynh nói “Con nhà người ta như thế nọ... con nhà người ta như thế kia...” – luôn là “con nhà người ta” tốt. Bây giờ chúng ta đã thoát khỏi những lời so sánh với “con nhà người ta” từ miệng bố mẹ, nhưng lại áp đặt cảm giác đó cho người chúng ta yêu thương.
Bạn trai người ta như thế nào, bạn trai người ta ra sao, mãi mãi chỉ là điểm tốt của người khác. Trong tình yêu, điều đáng sợ nhất là so sánh, như thế bạn sẽ mãi mãi không thỏa mãn, mãi mãi sống dưới cái bóng của người khác. Bạn chỉ cần nói với người yêu những điều bạn muốn, nói ra ý nghĩ chân thật nhất của bạn. Phương thức kết nối hiệu quả có thể giảm thiểu mâu thuẫn không đáng có giữa hai người, góp phần hiện thực hóa kết quả mà bạn mong muốn.
Làm sao kết nối có hiệu quả
Vậy rốt cuộc kết nối có hiệu quả là như thế nào?
Nhà xã hội học nổi tiếng người Đức - Jürgen Habermas trong tác phẩm “Lí luận hành vi giao tiếp” đã chỉ rõ, kết nối có hiệu quả nhất thiết phải đáp ứng bốn điều kiện: (i) tính lĩnh hội, (ii) tính chân thực, (iii) tính chân thành, và (iv) tính đúng đắn.
Ví dụ, giáo viên yêu cầu bạn làm bài tập:
(i) Xét về tính chân thực, sách giáo khoa của chúng ta hiển nhiên đều có câu hỏi luyện tập cuối bài;
(ii) Xét về tính đúng đắn, giáo viên đóng vai trò người dẫn dắt môn học của chúng ta, có quyền yêu cầu chúng ta làm bài tập;
(iii) Xét về tính chân thành, giáo viên yêu cầu bạn làm bài tập là vì muốn tốt cho bạn, giúp bạn có thể học được kiến thức;
(iv) Xét về tính lĩnh hội, khi bạn cảm thấy độ chân thực, chân thành và đúng đắn của giáo viên, thì bạn sẽ làm bài tập. Nhưng khi bạn nghi ngờ bất kì điều nào trong ba điều này, thì bạn sẽ không lĩnh hội, bạn sẽ từ chối làm bài tập.
Tiếp đó, để kết nối có hiệu quả, còn cần hai điều kiện thiết yếu: Thứ nhất, người bày tỏ có thể biểu đạt chi tiết những điều mình nghĩ, sao cho người tiếp nhận có thể hiểu;
Thứ hai, trong quá trình biểu đạt, phải quan sát sự thay đổi cảm xúc của người tiếp nhận, xem đối phương có thể tiếp nhận cách thức biểu đạt hiện tại hay không.
Ví dụ, Tiêu Uyển muốn bạn trai và mình có nhiều cơ hội thể hiện sự âu yếm nơi công cộng hơn. Ban đầu cách làm của Tiêu Uyển là trách móc bạn trai không giống bạn trai người khác, cô ấy đúng là đã bày tỏ mong muốn của bản thân, nhưng không để ý đến sự thay đổi cảm xúc của bạn trai, vì vậy cơ bản không thể kết nối có hiệu quả.
Nếu ban đầu Tiêu Uyển không trách móc bạn trai, mà chân thành nói ra suy nghĩ, mong muốn thật sự của mình thì: xét từ tính chân thành và tính đúng đắn, Tiêu Uyển muốn tình yêu của hai người vững chắc, là hợp tình hợp lí; xét từ tính chân thực, biểu hiện của bạn trai thực sự khiến Tiêu Uyển không hài lòng, như vậy là có chuyển biến. Lúc này nếu bạn trai Tiêu Uyển chấp nhận suy nghĩ của cô ấy, sẽ tạo ra hiệu quả là yêu cầu có thể lĩnh hội, hình thành kết nối có hiệu quả. Nếu bạn trai cảm thấy lời Tiêu Uyển nói hoàn toàn chỉ là vô cớ gây sự, thì tính đúng đắn của kết nối sẽ không tồn tại, kết nối cũng mất hiệu lực.
Hãy thử nghĩ về ý định ban đầu của bản thân, ngoài việc phải xem xét lại mình, cũng phải xem xét đối phương có thể tiếp nhận và chấp nhận đề nghị của mình không. Cho nên, xét về mặt kết nối, nhiều khi không phải các bạn không hợp, mà chỉ là kết nối có vấn đề. Đừng kì vọng thay một người khác là sẽ hợp, hãy quý trọng chàng trai trước mắt bạn!
Đương nhiên, tình yêu cũng không phải hoàn toàn do kết nối không hiệu quả mà dẫn tới không hợp. Như trường hợp Diệp Tử, trước sự thay đổi tình cảm của bạn trai, không nhất thiết phải làm phiền quá nhiều, càng không nhất thiết làm tổn thương bản thân mình. Không phải bạn không tốt, chỉ là tình yêu đích thực vẫn chưa đến.
Trắc nghiệm: Khảo sát khả năng kết nối của bạn
Hãy làm một bài trắc nghiệm nhỏ để thử xem khả năng kết nối của bạn như thế nào nhé!
1. Bạn có thể sống hòa hợp với người bên cạnh bạn không?
A. Có
B. Không
2. Bạn có tận dụng ngôn ngữ cơ thể hỗ trợ bản thân biểu đạt chính xác hơn không?
A. Có
B. Không
3. Bạn có biết lắng nghe ý kiến của người khác, đứng trên lập trường của người khác suy nghĩ không?
A. Có
B. Không
4. Bạn có thể gọi chính xác tên của hầu hết bạn học hoặc đồng nghiệp không?
A. Có
B. Không
5. Khi bạn nói chuyện với người khác, bạn có chú ý đến sự thay đổi cảm xúc của đối phương không?
A. Có
B. Không
6. Bạn có phải là một người biết lắng nghe, không tùy tiện ngắt lời người khác?
A. Có
B. Không
7. Bạn có sở hữu năng lực chuyên môn tốt không?
A. Có
B. Không
8. Bạn có phải một người tâm lí, bao dung người khác không?
A. Có
B. Không
9. Bạn có phải người chọn thỏa hiệp, cho rằng bầu không khí ôn hòa quan trọng hơn cả?
A. Có
B. Không
10. Có phải trong trường hợp người khác không thể giúp đỡ, bạn vẫn bày tỏ lòng biết ơn?
A. Có
B. Không
Phân tích kết quả trắc nghiệm:
(1) 7 câu trả lời “có” trở lên
Chúc mừng, bạn là một người kết nối cởi mở. Sẽ có người cho rằng bạn thuận lợi mọi bề, nhưng không có nghĩa bạn sành đời. Chỉ là bạn biết trong một vài trường hợp, tranh luận với người có quan điểm khác biệt không có tác dụng gì, nhưng trong lòng đã sớm có hướng giải quyết. Bạn biết sử dụng linh hoạt các cách thức để có thể biểu đạt chính xác quan điểm của bản thân mà vẫn duy trì kết nối với người khác một cách hiệu quả.
(2) 4 - 6 câu trả lời “có”
Kết nối đối với bạn mà nói giống như một chiếc lò xo, gặp người thích hợp luôn có thể giãi bày tâm sự một cách vui vẻ, nhưng gặp phải người bản thân không thích, khả năng kết nối cũng lập tức giảm. Cần biết rằng trong cuộc đời này, bạn sẽ luôn gặp phải người không có duyên với mình, thậm chí là kẻ khiến người ta ghét. Ngoài học cách nói chuyện với người bạn thích, cũng cần học cách kết nối với người bạn không thích.
(3) 3 câu trả lời “có” trở xuống
Bạn là một người kín kẽ, việc kết nối đối với bạn khá khó khăn, bạn luôn lo sợ bị người khác hiểu lầm, nhưng lại không thể biện minh. Bạn cũng thường lên án mạnh mẽ quan điểm sai lầm của người khác. Nắm rõ kĩ năng kết nối thiết yếu rất quan trọng với bạn, không phải để chứng tỏ mình sành đời, mà là để xây dựng bầu không khí kết nối tốt hơn, góp phần xúc tiến công việc của bạn.
Si tình vĩnh viễn không phải là lựa chọn tối ưu nhất để giữ một người
Tình yêu vốn là một canh bạc, dám chơi dám chịu, không oán không hận. Tuyệt đối không nên nói với một người, tôi đã đợi anh (em) nhiều năm như vậy, tôi vì anh (em) đã hi sinh nhiều như vậy. Đừng quên anh ấy (cô ấy) không mắc nợ gì bạn cả, là bạn cam tâm tình nguyện đó thôi.
Tình yêu giống như một canh bạc
Cuộc đời này ít nhất phải có hai lần xốc nổi: một lần “xách ba lô lên và đi” và một lần “yêu không hối tiếc”. Cái thứ nhất dễ dàng thực hiện, không có tiền thì cố gắng làm việc, không có thời gian thì xin nghỉ, thậm chí thôi việc - tóm lại tất cả quyền quyết định đều nằm ở bạn. Còn cái thứ hai thì không dễ như vậy.
Điểm tốt đẹp nhất của tình yêu đó là trước khi yêu thì thầm thương trộm nhớ, yêu rồi thì quấn quýt anh anh em em, kết hôn thì có phúc cùng hưởng có họa cùng chia. Khi đã có được hạnh phúc vô bờ, để mất đi khó tránh khỏi sẽ tổn thương.
Có những người lựa chọn chấp nhận, buông tay, cảm thán trò đùa của duyên phận. Cũng có những người khóc lóc, đau khổ, ầm ĩ đòi tự tử, không đạt được mục đích quyết không buông xuôi, cho dù hi sinh cuộc đời cũng không hối hận.
Suy cho cùng, trong canh bạc tình yêu này, người nào càng cố chấp thì tổn thương càng lớn.
Tôi có một người bạn quen nhau từ nhỏ, cao một mét tám, mắt to mày rậm, đầu húi cua rất đặc trưng, vẻ đẹp trai không gì che lấp nổi. Còn nhớ hồi mẫu giáo, cậu ấy đã biết ngắt một bông hoa ven đường để tặng cho cô bé mà cậu ấy thích. Những người chưa quen biết đều cho rằng cậu ấy là một bậc thầy trong chuyện yêu đương, nhưng thực tế cậu ấy là một kẻ ngốc trong tình yêu.
Thời cấp ba, cậu ấy có tình cảm với cô bạn lớp bên cạnh. Chẳng buồn quan tâm con gái người ta có đồng ý hay không, ngày nào cũng đúng giờ đưa bữa sáng tới. Ngoài những việc cá nhân không thể giúp được như đi vệ sinh ra, tất cả những việc có thể giúp đỡ, cậu ấy đều chủ động đảm nhận. Đương nhiên, việc phụ đạo bài tập thì không cần, vì cô gái này là một thần đồng học tập.
Để ở bên cạnh người mình yêu, cậu ấy nỗ lực học tập, thời gian chơi bóng rổ trước đây giờ được dùng để học thuộc từ vựng, còn thời gian ăn thịt xiên nướng bên hồ thì dùng để làm bài. Cuối cùng cậu ấy đã đủ tư cách thảo luận và học tập cùng cô gái.
Nhưng cô gái không muốn yêu sớm, còn khuyên cậu ấy nên suy nghĩ lại.
Cậu ấy thường gọi điện thoại cho tôi vào lúc nửa đêm, kéo tôi ra ngoài uống rượu, uống đến mức nôn thốc nôn tháo ra mới thôi, dùng cách tự làm tổn thương mình để hi vọng đối phương động lòng, hoặc trong lòng thấy thương hại mà chấp nhận mình.
Bất ngờ là cô gái lại trượt trong kì thi đại học, cậu ta vì cô ấy mà đã từ bỏ ngôi trường tốt hơn. Cậu ấy cho rằng làm như vậy có thể khiến cô gái cảm động, thế nhưng rốt cuộc chỉ để lại ấn tượng ấu trĩ.
Trong canh bạc tình yêu, bất cứ lúc nào cũng đừng kì vọng dùng việc hi sinh để đánh đổi sự đồng cảm, tình yêu như vậy từ khi mới bắt đầu đã định trước thất bại.
Cậu ta cuối cùng học cùng trường đại học với cô gái như mong muốn. Cô gái thật sự đã bị cậu ấy làm cảm động, cũng có thể đã thật sự tội nghiệp cậu ấy, chấp nhận cậu ấy.
Không bao lâu sau tôi nghe nói hai người chia tay. Cậu ấy tự trách bản thân mình chưa đủ tốt, hối hận rằng những lúc nửa đêm khi bạn gái kêu đói đã không thể đi khắp các con phố tìm mua ô mai mà cô ấy thích nhất, hối hận rằng lúc cô ấy cảm thấy trong người khó chịu đã không thể là người đầu tiên ở bên cô ấy... Cảm thấy tất cả đều là lỗi của bản thân. Cậu ấy nhiều lần cầu xin, hi vọng cứu vãn mối tình này, đã gọi vô số cuộc điện thoại, đã gửi hàng trăm tin nhắn, cho đến khi đối phương hủy kết bạn mới thôi.
Cô gái biết quan hệ giữa tôi và cậu ấy, bèn giấu cậu ấy nhắn tin cho tôi: “Xin cậu hãy giúp tôi khuyên cậu ấy. Cậu ấy rất tốt.” Dành thời gian bốn năm theo đuổi một cô gái, cuối cùng chỉ là nhận về một “tấm thẻ người tốt”. Tôi nhắn tin trả lời: “Thật sự hai người không thể nữa sao? Cậu ấy thực sự yêu bạn mà.”
Một hồi lâu sau, tôi nhận được hai chữ “Xin lỗi”.
Tôi cho cậu ấy xem đoạn tin nhắn, cậu ấy không nói gì, gọi người phục vụ mang đến một chai rượu. Tôi không cản cậu ấy. Uống chưa được hai li, mắt cậu ấy bắt đầu ứa lệ, cuối cùng không kìm được òa lên khóc nức nở. Hai thằng đàn ông uống rượu với nhau, một thằng khóc lóc thảm thiết, người không biết có lẽ lại cho rằng tôi đã làm gì cậu ấy.
Cậu ấy đã uống là uống say đến mức không thể dừng lại. Trách móc một hồi lâu, rằng bản thân đối tốt với cô ấy như vậy, cô ấy tại sao không tiếp nhận. Rằng bản thân đã cho cô ấy hết những gì có thể, vậy mà vẫn không nhận được bằng một phần trăm sự ấm áp mà cô ấy dành cho người khác. Cậu ấy cảm thấy thế giới này thật bất công, mà quên mất tình yêu vốn là một cuộc chơi không công bằng như vậy, hoàn toàn không có sự công bằng.
Đỡ anh chàng đã say bí tỉ ấy dậy, tôi mượn một câu “hot trend” trên mạng để cổ vũ cậu ấy: “Con gái tốt rất nhiều, tại sao cứ nhất định phải treo cổ trên một cái cây. Hai mươi tuổi là lúc để thoát nghèo, không phải lúc để thoát độc thân.”
“Cút!” cậu ấy vừa hét vừa dùng hết sức lực toàn thân gạt tôi ra, lảo đà lảo đảo rồi ngã chổng vó trên mặt đất.
Vài ngày trước nói chuyện lại với cậu ấy, tôi được biết cô bạn gái mà cậu ấy theo đuổi bao nhiêu năm đã chọn người khác rồi.
Tôi đùa: “Thế thì đã làm sao, trai chưa vợ gái chưa chồng, yêu đương cũng là chuyện bình thường. Sao rồi, vẫn chưa bỏ cuộc à?”
“Đâu có, chuyện cô ấy thích người khác liên quan đếch gì đến tôi, yêu ai mặc kệ.” Dáng vẻ phớt lờ của cậu ta thật sự quá giả tạo.
Có một báo mạng đưa tin: Có một sinh viên đã dành 212 ngày để viết một bức thư tình dài 160 nghìn chữ mà cuối cùng vẫn bị đối phương từ chối. Ngay dưới bài viết là vô số bình luận của độc giả.
Một bộ phận độc giả “ném đá” chê bai người con gái kia ngốc nghếch, bỏ qua một người yêu mình sâu đậm như vậy, để rồi chọn độc thân hoặc theo đuổi một người hoàn toàn không yêu mình.
Nhưng nếu là bạn, liệu bạn có chấp nhận một người mà bản thân mình không thích không? Cho dù bạn biết họ rất yêu bạn, dù đó là kết cục mà đông đảo cư dân mạng mong muốn nhất, nhưng liệu bạn có chấp nhận không?
Hãy dành chút thời gian yêu thương bản thân mình
Trong bộ phim “Điều tuyệt vời nhất của chúng ta”, tình yêu giữa Cảnh Cảnh và Dư Hoài khiến rất nhiều người phải xuýt xoa. Cũng không ít người chê Cảnh Cảnh ngốc, đã thờ ơ với Lộ Tinh Hà - người cầu hôn mình tới 56 lần, để chọn Dư Hoài - người đã bỏ đi 10 năm không nói một tiếng. 56 lần cầu hôn cuối cùng không thắng được câu nói của Dư Hoài: “Xin lỗi, anh đến muộn rồi.”
Tình yêu chung quy là một canh bạc, dám chơi dám chịu, không oán không hận. Tuyệt đối không nên nói với người ta: Em/anh đợi anh/em bao nhiêu năm như vậy, em/anh đã vì anh/em mà gắng sức nhiều như vậy. Đừng quên anh ấy (cô ấy) không mắc nợ gì bạn, đây là việc bạn tự cam tâm tình nguyện mà thôi.
Cũng rất tình cờ, vài ngày trước có một độc giả tới kể khổ với tôi, rằng người bạn trai cô ấy đã theo đuổi rất lâu đột nhiên phớt lờ cô ấy. Cô ấy nổi giận đùng đùng, tìm đến thành phố mà bạn trai ở hòng truy ra kẻ thứ ba phá hoại quan hệ của họ. Cuối cùng, cô ấy không những không tìm được kẻ thứ ba, ngược lại còn chôn vùi hoàn toàn tình yêu của mình.
Cô ấy kể cho tôi tất cả những gì cô ấy đã từng làm cho bạn trai, thậm chí khi ở bên nhau, nội y của bạn trai cô ấy cũng giặt giúp. Tôi không biết nên trả lời cô ấy thế nào. Cô ấy thấy tôi không hùa theo trách mắng chàng trai kia là “tên cặn bã”, cảm thấy mất hứng, thế là sau khi bực tức một hồi đã bỏ đi.
Sau đó tôi thấy cô ấy đăng trên mạng xã hội mười mấy câu mắng chàng trai kia là đồ cặn bã. Rồi từng dòng liệt kê ra những hi sinh mà cô đã phải đánh đổi cho mối tình này. Nhưng dòng đầu tiên của bài viết lại là: “Em vẫn đợi anh.” Cô ấy biết rằng không quay lại được nữa, nhưng vẫn không cam tâm.
Có một bài hát có ca từ khá hay:
“Anh hỏi em rằng em sợ điều gì
Em sợ không thể gặp được anh.
Yêu tha thiết không dứt ra được.
Nhưng có khi, yêu một người, quá trình đó đã là một kết quả.”
Khi yêu một người, hãy cho đối phương và cũng cho bản thân mình một chút không gian. Người ta nói món bò bít tết chín bảy phần là ngon nhất. Yêu một người cũng vậy, bảy phần là vừa đủ.
Giữ lại ba phần cho bản thân, học cách yêu bản thân mình, trau dồi bản thân, hoàn thiện bản thân, nỗ lực trở thành con người mà mình mong muốn, thậm chí cố gắng trở thành thần tượng của cô ấy hoặc anh ấy.
Cần phải biết rằng, quá yêu một người cũng là một gánh nặng đối với người được nhận tình yêu đó. Đừng coi cô/anh ấy là trung tâm vũ trụ nếu không muốn bị dắt mũi, để rồi đánh mất chính mình. Khi bạn không còn trân trọng bản thân mình thì tình yêu của bạn cách điểm kết thúc cũng không còn xa nữa.
Trên đời này, không phải bạn cứ nỗ lực đủ nhiều là có được thành quả, tình yêu càng không như vậy. Tình yêu là duyên phận, thời điểm khác nhau, gặp người khác nhau, kết quả sẽ khác nhau. Không nên gượng ép, điều cần đến nhất định sẽ đến. Cưỡng cầu chỉ làm cho sự việc tồi tệ hơn.
Cuối cùng, tôi có một câu nói hay tặng bạn: “Tôi sẽ không thích một người không thích tôi. Không phải vì tôi tự yêu mình. Chỉ bởi vì phẩm chất của chúng tôi không tương xứng với nhau.” Có một người thật sự xứng đáng trọn đời bên bạn vẫn đang đợi bạn. Đừng lãng phí thời gian của bản thân, hãy giành chút thời gian yêu thương chính mình, giành chút thời gian cho tình yêu chân thành. Mong bạn và tôi đều có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Thời đại học không yêu thì sẽ không trọn vẹn sao?
Tình yêu, xưa nay đều không phải là thứ có thể học được. Đó chỉ là vào đúng thời điểm, bạn gặp đúng người, hai người yêu mến nhau, chấp nhận nhau, có mong muốn được nắm tay nhau đi suốt quãng đời còn lại. Nếu mỗi hành động của bạn dành cho cô ấy đều xuất phát từ tình yêu, thì căn bản không cần bạn phải cực khổ rèn luyện theo nguyên tắc của những người đàn ông hoàn hảo.
Tình yêu trong tháp ngà
Tình yêu trong tháp ngà là kiểu tình yêu không quá chú trọng vật chất, cần nhiều sự lãng mạn hơn. Người ta theo đuổi tình yêu này giống như muốn leo lên bức tường thành vậy. Người bước vào rồi thì muốn ra ngoài. Người chưa bước vào lại liều mình xông vào, chỉ sợ rằng nếu bỏ lỡ sẽ hối tiếc cả đời.
Rất nhiều người nói: Sinh viên đại học chưa từng trốn tiết, chưa từng nợ môn, chưa từng yêu thì đó là thời sinh viên không trọn vẹn. Yêu đương thời đại học dường như đã trở thành một “môn học bắt buộc”, một trào lưu.
Năm thứ nhất, giữa bạn bè với nhau đã không còn nhiều những trao đổi về kì thi đại học nữa. Các nhóm chat trở thành nơi các cặp đôi “thả thính”, khiến cho hội độc thân không khỏi “chạnh lòng”.
Ngày lễ tết về nhà, lúc gia đình sum họp, người lớn trong nhà đa phần không tiện hỏi trực tiếp, các anh chị lớn tuổi hơn một chút bèn tự nhận nhiệm vụ thúc giục đàn em “yêu đương”. Nếu trả lời đã yêu, những người trong gia đình lập tức ồn ào náo nhiệt giục đưa người yêu về ra mắt; nếu trả lời chưa yêu, các anh chị lại tỏ ra ngờ vực. Các bậc cha chú dù cố gắng ngăn đám anh chị “càn quấy” lũ em, nhưng trên mặt không giấu được nụ cười. Nếu học đại học bạn không yêu, cứ như là bạn đã biến thành một người lập dị vậy.
Yêu có cần mánh khóe không?
Có người cho rằng tình yêu thời đại học không thể gọi là tình yêu, cùng lắm chỉ có thể coi là kiểu sơ khai của tình yêu, tốt hơn nên quy về tình cảm. Có nhiều người còn nói tình yêu không lấy hôn nhân là mục đích, chính là giở trò lưu manh! Tranh luận về vấn đề này rất nhiều, nhưng đại ý chính là muốn nhấn mạnh, đối với tình yêu chúng ta nên thật lòng.
Có lần một người bạn học đến trường thăm tôi, đương nhiên cậu ta dẫn theo người yêu. Chúng tôi cùng đi ăn, tôi khó tránh khỏi bị gạt ra rìa.
Tôi không khỏi tò mò hỏi cậu ấy: “Cậu giỏi thật, hai người yêu nhau khi nào vậy?”
“Quen nhau khi mới khai giảng và tham gia câu lạc bộ ngoại khóa, từ cái nhìn đầu tiên tôi đã thích cô ấy” – cậu ta vừa nói vừa nhìn cô bạn gái say đắm.
Bạn gái cậu ấy hiển nhiên rất hài lòng với câu nói này, mặt bỗng nhiên đỏ ửng như quả cà chua. Tôi ngước mắt lên trời, thốt lên một câu: “Thật hạnh phúc!”
Sau đó một thời gian, tôi chat với cậu ấy, cũng tiện hỏi về mối tình của cậu ấy với cô bạn kia. Cậu ấy chỉ trả lời qua loa một câu: “Yêu chơi thôi mà, mọi người đều yêu cả.”
Chơi thôi? Chỉ là yêu chơi? Chỉ là vì mọi người đều yêu, chỉ là vì được yêu mà yêu, vì lấp đầy quãng thời gian trống vắng của thời đại học mà yêu? Nghe có chút nực cười, nhưng tình trạng này không hề hiếm gặp.
Tình yêu như vậy đa phần chỉ do những yếu tố kích thích nhất thời. Nó đến vội vàng, đi cũng chóng vánh.
Những năm tháng đại học của bạn, sẽ không vì bạn thiếu một cuộc tình mà trở nên ảm đạm, giống như sẽ không vì một cuộc tình mà khác biệt với số đông. Yêu và không yêu chỉ là hai cách lựa chọn, hoàn toàn không phân tốt xấu.
Buổi tối nằm trên giường kí túc xá, bạn cùng phòng thường hay tán gẫu, chủ đề bàn tán của nam sinh ở kí túc chung quy vẫn là về nữ sinh.
Tôi thật lòng hỏi một câu: “Rốt cuộc như thế nào mới là yêu?” Câu trả lời không hẳn giống nhau, nhưng chung quy không nằm ngoài các kĩ năng để cưa đổ chị em như giúp xách đồ khi dạo phố, đi xem phim tự giác mua bỏng ngô, thường xuyên nói những lời đường mật… Đó chẳng qua là những mánh khóe tán tỉnh. Yêu đương biến thành một hành động có “quy tắc tiêu chuẩn”, thậm chí có thể học cấp tốc. Chỉ cần bạn tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc đó, bạn nhất định sẽ có một mối tình. Đương nhiên, đó chỉ là một cuộc yêu đương, không phải là tình yêu.
Tình yêu, xưa nay đều không phải là thứ có thể học được. Đó chỉ là vào đúng thời điểm bạn gặp đúng người, hai người yêu mến nhau, chấp nhận nhau, có mong muốn được nắm tay nhau đi suốt quãng đời còn lại. Nếu mỗi hành động của bạn dành cho cô ấy đều xuất phát từ tình yêu, thì căn bản không cần bạn phải cực khổ rèn luyện theo nguyên tắc của những người đàn ông hoàn hảo.
Một mình vẫn sống tốt
Trong chương trình “U Can U Bibi”, người dẫn chương trình Hayes nói: “Điều lạ nhất trong cuộc đời con người nằm ở chỗ, những thời khắc cảm động nhất lại xuất hiện vào lúc bạn vẫn chưa chuẩn bị tốt.”
Tôi có một cậu bạn thân, tướng mạo khôi ngô tuấn tú, từ nhỏ đã có không ít con gái theo đuổi. Cậu ấy cũng là kiểu người hiểu tâm lí phụ nữ, nhưng trước nay chưa từng thấy cậu ấy một lòng một dạ với cô gái nào. Vì không học cùng trường đại học, nên ngoài những cập nhật trên mạng xã hội, tôi có rất ít tin tức của cậu ấy.
Kì nghỉ cùng về quê, hai chúng tôi gặp mặt, nói chính xác hơn là ba người. Khi tôi gọi đồ ra, cậu ấy ôm điện thoại liên tục nhắn tin cho bạn gái. Khi ăn thịt xiên, thấy tay cậu ấy không ngừng bấm điện thoại. Tôi liền chủ động đưa cho cậu ấy xiên thịt nóng hổi, nhưng cậu ấy vẫn mải mê trò chuyện với người ở đầu kia điện thoại, hoàn toàn không chú tâm. Cậu ta giơ tay chỉ vào cái đĩa của mình, ra hiệu tôi cứ bỏ xiên thịt vào đĩa, rồi tiếp tục nhắn tin. Lúc cụng li, mắt cậu ta thoáng rời màn hình điện thoại, đầu ngẩng lên một chút, nhíu mày, tỏ vẻ đang bận, rồi lại chúi đầu vào nhắn tin. Tôi đành uống một mình!
Tình yêu mãi mãi không thể nói đến công bằng. Không phải bạn nỗ lực bao nhiều sẽ được đáp lại bấy nhiều. Đến cuối cùng, người hi sinh nhiều nhất luôn là người tổn thương sâu sắc nhất. Bạn cho đi càng nhiều thì tổn thương càng nhiều. Một cái cau mặt, một nụ cười tươi của cô ấy cũng khiến bạn lên bổng xuống trầm.
Mấy hôm trước tôi xem mạng xã hội mới biết cậu ấy và bạn gái đã chia tay. Nhưng cậu ấy vẫn không muốn buông tay, có lẽ là đã hi sinh quá nhiều, cũng có thể là yêu thật lòng.
Yêu xét cho cùng là một hành trình khám phá bản thân. Chỉ có người từng trải qua mới biết cái mình thật sự cần là gì. Không nhất định có được người mình yêu, nhưng ít nhất cũng tìm ra phương hướng. Một mối tình lành mạnh sẽ giúp hai người thu được rất nhiều, có thái độ sống tích cực hơn.
Nhưng nếu vì được yêu mà yêu, thì tôi sợ rằng sẽ chỉ là chuyện làm tổn thương cả người ta lẫn bản thân mình.
Vì tìm cảm giác an toàn mà yêu, tôi nghĩ không cần thiết. Cảm giác an toàn gửi gắm vào người khác có thể tan biến bất cứ lúc nào. Dựa vào bản thân mình mới là sự bảo đảm tốt nhất.
Có rất nhiều người phản đối sinh viên đại học yêu đương, với lời cảnh báo rằng: “Các bạn sẽ không có kết quả gì.” Phản đối như vậy lại thành ra quá cực đoan. Không phải tất cả mọi việc cứ nhất thiết phải có kết quả thì mới dám thử, mới kiên kì. Hơn nữa, con người sống trên đời có ai có thể thật sự biết trước tương lai? Nếu gặp được người mình thích thì cứ mạnh dạn yêu, mạnh dạn theo đuổi.
Tôi vẫn ngưỡng mộ những tình yêu chân thành ở đại học, thuần khiết đẹp đẽ, có lúc đơn giản chỉ là nụ cười hướng về nhau. Tôi cũng tôn trọng những bạn vì được yêu mà yêu. Kết cục dù không phải bao giờ cũng như ý muốn, nhưng ít nhất bắt đầu một giấc mộng đã là sự tươi đẹp. Ít nhất trong một mối tình, bạn miệt mài tìm kiếm, bỗng nhiên phát hiện ra hình mẫu cô gái mà mình mong muốn và con người lí tưởng mà chính bạn muốn trở thành.
Nhưng, tôi vẫn muốn khuyên bạn tuyệt đối đừng yêu để cho có. Nếu không gặp được đối tượng mình thích, thì một người độc thân như bạn cũng không nhất thiết phải quá ngưỡng mộ những cặp tình nhân, càng không cần buồn tủi. Bạn chỉ cần, khi trời lạnh nhớ mặc thêm áo, khi vấp ngã đừng quên ráng sức đứng dậy. Một mình bạn, cũng có thể chăm sóc tốt bản thân.
Một mình vẫn có thể sống cuộc sống tuyệt vời. Trong khoảng thời gian đó, điều bạn và tôi cần làm là không ngừng trau dồi bản thân, để khi cô ấy đến, chúng ta sẽ có đủ tư cách đồng hành cùng cô ấy, có tư cách nói với cô ấy một câu: “Anh nghĩ rằng, anh xứng đáng với em!”
Ôi, tôi muốn yêu rồi!
Áp lực mà xã hội tạo ra cho chúng ta quá lớn, mỗi người khi yêu, rồi kết hôn đều bị điều kiện vật chất chi phối. Thứ mọi người muốn tìm không còn là những điều tốt đẹp tình yêu mang đến, mà là cảm giác an toàn do cuộc sống vật chất đem lại.
Tình yêu đơn phương giống như đóa hoa hồng có gai
Là người theo chủ nghĩa độc thân, tôi từng nghĩ ra rất nhiều lí do để biện hộ cho việc từ chối yêu đương của mình. Không có thời gian, không có sức lực, không có tiền, không quen ở chung với một người khác...
Thế nhưng thời trung học, khi các bạn đều đang tập trung tinh thần bước vào biển kiến thức, ra sức vật lộn để ứng phó với đủ loại bài kiểm tra, tôi đã bắt đầu có những rung động đầu đời.
Nỗi tương tư đơn phương của tôi lúc ấy xét cho cùng không được coi là tình yêu đúng nghĩa, đối phương hoàn toàn không biết suy nghĩ của tôi. Nhưng tôi cảm thấy tình yêu này vô cùng cháy bỏng, hoàn toàn chân thành, dù là không ai hay biết.
Yêu đơn phương là cất giấu tình cảm của mình tận sâu nơi đáy lòng, không để đối phương biết. Từ góc độ tâm lí học mà nói, yêu đơn phương là giai đoạn chuẩn bị cho tình yêu thực sự của một người. Nhưng bắt đầu từ thời khắc tình yêu đơn phương bắt đầu, chúng ta đã lờ mờ có cách lí giải của bản thân về tình yêu rồi. Lần này, chúng ta đã trở thành nhân vật chính.
Tình yêu đơn phương giống như một đóa hồng có gai, có thể giúp người ta hướng về phía trước, nhưng cũng có thể khiến người ta nguội lạnh tựa tro tàn. Mỗi người trong giai đoạn đầu yêu đơn phương đều có một kiểu hưng phấn và niềm vui khó tả, nhưng lại đều ôm sự thấp thỏm và bất an. Tình yêu đơn phương và tình yêu đúng nghĩa đều có thể hoàn thiện một con người, cũng có thể hủy hoại một con người.
Đừng để vật chất trói buộc
Tiểu Khải bạn tôi là một chàng trai có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng nội tâm ấm áp. Bắt đầu từ khi lên đại học đã đem lòng yêu một cô gái cùng khoa, thực sự có thể gọi là trai tài gái sắc.
Hai người đều có tình ý với nhau, nhưng không ai dám thổ lộ. Cô gái muốn tiến thêm một bước, nhưng chần chừ đợi mãi không thấy động tĩnh của Tiểu Khải. Trở ngại về tình cảm và cái tôi cá nhân khiến cô phải tìm một người bạn thân của cả hai tên là R, nhờ R thăm dò giúp xem Tiểu Khải rốt cuộc có ý định như thế nào.
Người nhiệt tình như R đương nhiên là hăng hái với chuyện này. R vui vẻ chấp nhận lời đề nghị của cô gái, cười tinh nghịch vỗ vai cô gái nói: “Yên tâm đi, việc này cứ giao cho tôi!” Sau đó bỏ đi với nụ cười bí hiểm.
Tôi và Tiểu Khải cùng đi ăn, lúc ấy R đi đến, chuyện của Tiểu Khải và cô gái mọi người đều biết, cũng không phải bí mật gì, khi gặp chúng tôi, R hỏi thẳng Tiểu Khải: “Rốt cuộc cậu có thích người ta không, thích thì đừng chần chừ. Đàn ông trưởng thành rồi, hãy chủ động lên. Sao, cậu còn đợi người ta thổ lộ với cậu à?! Nếu thích thì chớp lấy thời cơ, nếu không thích thì đừng mập mờ với người ta nữa.”
Tiểu Khải nhún vai nói: “Tôi thích cô ấy, nhưng hiện tại tôi đã có gì đâu. Tốt nghiệp đồng nghĩa thất nghiệp, tôi không dám nghĩ sau này sẽ lo nhà ở, xe cộ như thế nào. Đến bản thân tôi cũng không nhìn thấy tương lai của chính mình thì lấy tư cách gì mà thích người ta chứ. Vẫn cứ là không làm lỡ người ta thì hơn.”
Tôi lập tức hùa với R trêu chọc: “Thôi nữa mà, đừng có làm bộ làm tịch. Nếu thích thì theo đuổi đi, đâu ra nhiều lí do như thế.”
Tính toán đến xe, nhà làm gì chứ, bạn nghĩ quá nhiều rồi. Đừng rơi vào cái quy ước ngầm cứng nhắc của xã hội này. Tình yêu không phải là gắn bó với người phù hợp nhất với mình, mà là khi gặp được người phù hợp hơn với mình, vẫn có thể giữ trọn lời thề với người mình yêu. Tình yêu cũng không phải là hai người nhìn về phía nhau, mà là hai người nhìn về cùng một phía. Kết hôn đúng là cần có sự bảo đảm vật chất nhất định, nhưng tình yêu vẫn cần chút thuần khiết. Bản thân việc đơn thuần tận hưởng tình yêu đã là điều tốt rồi.
Yêu một người tuyệt đối không phải là chuyện có được lợi ích gì đó từ đối phương, cũng không nhất định bạn phải công thành danh toại rồi mới xứng đáng được yêu. Yêu một người, chân thành đối tốt với họ, có tinh thần trách nhiệm là điều tốt, nhưng tuyệt đối đừng để nó trở thành khoảng cách cản trở hai bạn. Trong những năm tháng đẹp nhất, có thể gặp được một người mình yêu đã là hạnh phúc lớn của đời người rồi.
Nhà thơ lãng mạn người Anh nổi tiếng đầu thế kỉ XIX, Lord Byron từng nói: “Niềm vui và sự đau khổ trong tình yêu thường xuất hiện luân phiên.”
Kevin Tsai, đạo diễn nổi tiếng người Đài Loan cũng từng đưa ra một kết luận thế này: “Kỉ vật của tình yêu, xưa nay không phải những chiếc đồng hồ và dây chuyền bạn tặng, thậm chí cũng không phải những lời mật ngọt và những tấm ảnh chụp chung. Kỉ vật đáng quý nhất của tình yêu là cái bạn để lại trong lòng tôi, giống như con sông để lại địa hình, là những thay đổi mà bạn đã tạo ra cho tôi.” Mục đích cuối cùng của tình yêu không hẳn là kết hôn sinh con. Vì yêu nhau mà sẵn lòng học cách suy nghĩ cho nhau, học cách tạo nên niềm vui cho nhau, học cách hiểu và cảm thông với nhau, học cách tìm kiếm sự bình đẳng trong thế giới của mình và người đó. Có thể kết quả cuối cùng là li biệt, nhưng cũng phải nghiêm túc học cách buông bỏ, sau đó tiếp tục tiến về phía trước.
Điều quan trọng nhất trong tình yêu là sự trưởng thành. Không phải tất cả các cặp tình nhân đều có thể bước vào lễ đường, cũng không phải tất cả các đôi vợ chồng đều có thể bên nhau đến đầu bạc răng long. Chuyện tương lai có quá nhiều yếu tố không thể kiểm soát. Sau khi kết hôn, hai người chỉ cần một lòng bên nhau, trở thành chỗ dựa và niềm tin của nhau, cùng hướng về một mục tiêu mà phấn đấu, như vậy đã là đủ rồi.
Mở rộng vòng tay đón nhận tình yêu
Áp lực mà xã hội tạo ra cho chúng ta quá lớn. Mỗi người khi yêu rồi kết hôn đều phải chịu sức ép về điều kiện vật chất. Có người kết luận rằng: “Khi cái nghèo bước vào cửa chính, thì tình yêu chạy mất qua cửa sổ.” Thứ mà người ta muốn tìm kiếm không còn là những điều tốt đẹp do tình yêu mang đến, mà là cảm giác an toàn do cuộc sống vật chất đem lại.
Nói như vậy có thể quá lời, có người sẽ phản bác, lẽ nào tình yêu và cuộc sống vật chất đủ đầy không thể cùng song hành với nhau sao? Bạn dựa vào cái gì để khẳng định rằng tôi không thể vừa có được tình yêu, vừa có sự đảm bảo vật chất đầy đủ chứ? Đương nhiên, tôi tin tình yêu và vật chất có thể đi đôi với nhau. Tôi cũng tin rằng hiện nay chúng ta ngày càng có khả năng có được cả tình yêu và vật chất. Nhưng tôi chỉ muốn nói với mọi người rằng, nếu bạn thích một ai đó, mà hiện tại bạn lại không có nền tảng vật chất tốt, thì cũng đừng lo lắng đau khổ, đừng sợ rằng bản thân mình không thể đem đến cuộc sống hạnh phúc cho người mình yêu.
Tình yêu không thể trở thành cơm gạo, nhưng tình yêu có thể trở thành động lực để hai người tiến về phía trước. Chỉ cần hai người một lòng bên nhau, cùng nhau nỗ lực hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực của mình, thì cuộc sống vật chất mà các bạn mong muốn sớm muộn cũng sẽ đến.
Này bạn, nếu gặp được người mình thích thì cứ mạnh dạn theo đuổi đi. Khi tình yêu đến, đừng vì quá băn khoăn mà từ chối đón nhận, cũng đừng vì tự ti mà trốn tránh. Hãy dang rộng vòng tay ôm lấy nó. Thật lòng mong bạn và tôi đều có thể tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình.
Dù em thay đổi thế nào anh cũng vẫn yêu em
Hai người yêu nhau cùng nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu chung, bạn nhìn thấy sự trưởng thành của anh ấy, anh ấy chứng kiến sự lột xác của bạn. Hai người nắm tay nhau trở thành những con người tốt hơn, đó mới là một mối tình hoàn hảo. Khi có người nói bạn đã thay đổi, bạn vẫn là bạn, chẳng qua là bạn không còn sống theo cách của họ mà thôi. Nếu không hổ thẹn với lòng mình, xin hãy kiên định là chính con người bạn.
Liệu có còn thứ tình yêu sống chết có nhau
Buổi tối trên tuyến xe cuối về nhà, khoang xe vắng tanh, toa hành khách không bật đèn, trong bóng tối chỉ có ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại. Tôi ngồi ở gần cửa xe, nghe thấy vài tiếng nức nở vọng lại từ đằng sau. Quay lại nhìn thì ra là một cô gái, nước mắt đầm đìa, ngồi bên cạnh có lẽ là bạn cô ấy. Bạn cô gái không ngừng an ủi: “Còn lưu luyến gì cái tên ‘cặn bã’ đó nữa, chia tay thì chia tay!”
Cô gái cố gắng điều chỉnh giọng nói của mình: “Tớ không thể buông tay, anh ta từng nói với tớ rằng ‘dù em thay đổi thế nào anh cũng vẫn yêu em’ mà.”
Tôi thật sự sốc, cúi đầu giả vờ nghịch điện thoại, nghe cô gái nói tiếp: “Anh ta bây giờ ngày càng xem tớ như kẻ thù, động một tí là cáu gắt với tớ. Nhưng tớ thật sự không thể buông bỏ.”
Bạn của cô ấy có lẽ cũng không chịu được nữa, bóp chặt trong tay tờ giấy đã đưa cho cô ấy, vo tròn ném xuống đất: “Cậu bị điên à! Còn khóc vì hắn ta đến nông nỗi này?”
Đoạn đối thoại sau đó tôi nghe không rõ, chỉ là câu “Dù em thay đổi thế nào anh cũng vẫn yêu em” khiến tôi suy nghĩ rất lâu. Tình yêu thật sự có thể tươi mới mãi không? Tình yêu thật sự có thể đảm bảo bất luận thay đổi thế nào vẫn yêu nhau không?
Luôn có một kiểu tình yêu gọi là “kính nhau như khách”. Cũng có một kiểu tình yêu gọi là “sống chết vì nhau”. Nhưng dường như những người trẻ chúng ta không chấp nhận được những ngày tháng nhàn nhạt bằng phẳng, càng không muốn rơi vào tình trạng chưa được trải nghiệm đã già đi. Khao khát mỗi ngày đều có những điều mới mẻ kích thích, mỗi ngày đều tràn đầy cảm xúc mãnh liệt. Tình yêu sống chết có nhau chỉ có ở thế hệ cha mẹ hoặc những người trưởng thành hơn.
Tình yêu cần hai người cùng nhau vun đắp
Những người con trai khi yêu thường nói với con gái rằng: “Em yêu, bất luận em thay đổi thế nào, anh vẫn sẽ yêu em như bây giờ, mà không, anh sẽ càng yêu em hơn.” Các cô gái nghe vậy, lòng dạ phơi phới, mặt mày rạng ngời hạnh phúc.
Một cô gái tôi quen có nick name Khoai Tây, được bố mẹ nuông chiều nên không được biết điều cho lắm. Khoai Tây là kiểu con gái ngốc nghếch điển hình trong tình yêu, trước mặt bạn trai thường thích gây sự một cách vô cớ.
Nửa đêm đòi ăn bánh Donuts mà không được bạn trai đáp ứng, hay khi bạn trai tăng ca không thể đến đúng giờ, Khoai Tây liền cho rằng bạn trai không còn yêu mình. Cô ấy còn tìm những bài viết trên mạng nói về tiêu chuẩn một người bạn trai để gửi cho chàng trai kia, yêu cầu anh ta làm theo. Hễ bạn trai nổi giận, Khoai Tây liền giở trò làm nũng, khiến cơn giận của chàng trai chẳng thể nào “bốc” lên được.
Mới đầu bạn trai thấy Khoai Tây đáng yêu, nhưng dần dần những hành động “đáng yêu” của Khoai Tây càng trở nên tùy tiện, thậm chí có thể gọi là gây sự vô cớ. Do tính chất công việc khác nhau, thời gian rảnh rỗi của Khoai Tây khá nhiều, lúc không có việc gì, Khoai Tây thích gọi điện thoại cho bạn trai, chàng trai thấy nếu cứ tiếp tục như thế sẽ không ổn, bèn thử giảng giải cho Khoai Tây, nhưng đáp lại chỉ có một câu: “Chẳng phải anh đã nói bất luận em như thế nào anh cũng yêu em sao?”
Về sau bạn trai của Khoai Tây không tranh luận nữa, mặc cho Khoai Tây cằn nhằn, dần dần trở thành chiến tranh lạnh. Chẳng bao lâu sau, Khoai Tây không chịu nổi, bèn đề nghị chia tay. Tiếng là đá bạn trai, nhưng thực tế là tự giết chết tình yêu của mình.
Bạn bè đều nói Khoai Tây quá ngốc, dễ dàng tin lời nói dối của bạn trai, đám bạn chí cốt cũng về hùa với Khoai Tây rủa người bạn trai kia là “cặn bã”. Nhưng người bạn trai kia có thật sự “cặn bã” không?
Tình yêu là hai bên tình nguyện, là chấp nhận, không phải là chịu đựng; là quan tâm, không phải là lừa gạt. Hai người, một bên không thể mãi hi vọng sự nhún nhường tạm bợ của bên kia, càng không thể ỷ vào tình yêu của đối phương mà gây sự vô cớ. Em thay đổi như thế nào anh vẫn yêu em, nhưng không bao gồm sự ngu ngốc của em.
Hai người cùng hướng về một mục tiêu nỗ lực phấn đấu, bạn nhìn thấy sự trưởng thành của anh ấy, cô ấy chứng kiến sự lột xác của bạn. Cả hai nắm tay nhau trở thành những con người tốt hơn, đó mới là một tình yêu hoàn hảo.
Với các cô gái, khi có người nói với bạn rằng “Dù em thay đổi như thế nào anh vẫn yêu em” thì tuyệt đối đừng lấy lời này làm cái cớ ép buộc đối phương, để rồi tự biến bản thân thành người tùy tiện, thích vô cớ gây sự. Tình yêu đòi hỏi hai người phải dụng tâm vun đắp. Hãy bớt nghi ngờ, dò xét lẫn nhau và đối xử với nhau chân thành hơn.
Câu nói ban đầu của chàng trai “Dù như thế nào anh vẫn yêu em” không hẳn là nói dối. Chỉ có điều nó không thể vượt qua thăng trầm của cuộc đời. Khi hormone tình yêu nhạt đi, yếu tố chủ yếu khiến hai người ở bên nhau lâu dài không còn là vẻ bề ngoài nữa, càng về sau càng là sự đồng cảm, đồng chí hướng, bạn đồng ý cách nghĩ của người ta, người ta tán đồng quan điểm của bạn, hai người có cùng chung một chủ đề, có mong muốn thổ lộ và chia sẻ với nhau.
Khi quan điểm của hai người khác nhau, khi hai người không còn chủ đề chung, vào khoảnh khắc người ta nói bạn đã thay đổi, thì bạn không còn là công chúa của anh ấy, anh ấy cũng không còn muốn làm hoàng tử của bạn nữa. Lúc này bạn đừng biện minh, bất luận bạn thay đổi như thế nào đều đã không còn hợp với tiêu chuẩn của người ta, giữa bạn với hình mẫu bạn gái trong tưởng tượng của người ta đã xuất hiện sự chênh lệch rồi.
Khi người ta nói bạn đã thay đổi, bạn vẫn là bạn, chẳng qua là bạn không còn sống theo cách mà họ mong muốn. Nếu không hổ với lòng mình, xin hãy kiên định là chính mình.
Xin đừng cứ nghe một người nào đó nói với bạn “Dù em thay đổi thế nào anh cũng vẫn yêu em” là mở cờ trong bụng. Ngoài bố mẹ luôn bao dung chúng ta, bất luận thế nào cũng yêu thương chúng ta, thì thực sự không có căn cứ gì để nói rằng ‘dù bạn thay đổi như thế nào tôi vẫn yêu bạn’ đâu.
Thất tình không đáng sợ như bạn nghĩ
Thất tình là một trải nghiệm đau khổ. Để thực sự bước ra khỏi thất tình, không phải là quên đi một ai đó. Mà là khi bạn gặp lại người ấy, trong lòng đã không còn xao động, không còn lưu luyến, chỉ muốn hỏi một câu hàn huyên đơn giản: “Anh/em vẫn ổn chứ?”
Thất tình chẳng qua là quen với sự đổ vỡ
Trong cuộc đời hiếm có người gặp được tình yêu đích thực ngay lần đầu. Đa phần chúng ta phải trải qua vô số lần thất bại trong quá trình tìm kiếm mới có thể gặp được người trong mộng của mình.
Xã hội ngày nay không còn người mai mối như ngày xưa, khát vọng với tình yêu đích thực càng cao, thì càng ít người bằng lòng với sự tạm bợ, thất tình cũng đã trở thành môn học thiết yếu cho mỗi người.
Có người nói con gái vốn thích chứng tỏ sức hấp dẫn của bản thân, nhưng lại sợ thất bại, thường sẽ nảy sinh cảm giác tự ti. Họ lo lắng bản thân không đủ ưu thế để có thể sánh với người mình yêu, càng lo lắng bị đối thủ cạnh tranh đánh bại, chưa dám dũng cảm theo đuổi tình yêu, đã bị những rào cảm tâm lí do bản thân tạo ra bao vây rồi.
Chưa yêu đã “thất tình”, tình yêu chưa từng trải qua cũng có thể khiến tan nát trái tim bạn rồi.
Thường thấy không ít nam thanh nữ tú trẻ tuổi vì tình yêu mà coi nhẹ mạng sống của mình. Dường như đối với họ, thất tình chính là ngày tận thế. Cuộc đời không còn một nửa bên mình dường như không còn trọn vẹn nữa. Nhưng cần hiểu rõ rằng, không phải tất cả tình yêu đều có thể trở thành tình thân, không phải tất cả người tình đều sẽ bên cạnh bạn đến khi già.
Không biết đã có bao nhiêu người từng dùng cách tự tử để cứu vãn tình yêu?! Nhớ hồi trung học, khi đó đang trên lớp, chúng tôi đột nhiên nghe thấy một tiếng hét lớn: “Jasmine muốn tự tử!” Lớp học nhốn nháo cả lên, thầy giáo nhảy xuống khỏi bục giảng, các bạn học lập tức vây quanh Jasmine, máu tươi từ cổ tay cô ấy tuôn ra, con dao rọc giấy dính đầy máu đặt bên cạnh.
Tôi không dám tưởng tượng, một người bình thường yếu đuối như Jasmine lại có thể ra tay với bản thân như thế. Sau đó mới biết được nguyên do là bạn trai mà Jasmine thích đã có bạn gái. Nam sinh đó thậm chí còn không biết có một cô gái vì mình mà muốn quyên sinh.
Tự tử thật sự có tác dụng sao? Không hề! Tự tử hoàn toàn không thể chứng tỏ cho họ biết bạn yêu họ bao nhiêu, chỉ cho thấy bạn không yêu bản thân nhường nào. Trước khi yêu người khác, phải biết yêu bản thân mình. Đừng yêu đến mức hèn mọn, hãy sống để thể hiện sự xuất sắc của bản thân, bạn mới có được tình yêu đích thực.
Thất tình chẳng qua là một tương lai tốt đẹp được tưởng tượng ra đột nhiên bị dập tắt hoàn toàn mà không hề báo trước.
Nhưng đừng lo lắng, chỉ cần bạn đừng cố chấp, thời gian sẽ chữa lành vết thương.
Thất tình qua góc nhìn của người lạc quan
Phi Nhi là một độc giả của tôi, với tinh thần lạc quan sẵn có, thất tình đối với cô ấy dường như còn là một chuyện tốt.
Phi Nhi bị bạn trai “đá”. Khi chia tay, bạn trai hẹn Phi Nhi đến rạp chiếu phim, kết thúc buổi chiếu, dưới ánh đèn lờ mờ, cậu ấy nói lời chia tay với Phi Nhi, giải thích rằng: “Không phải em không tốt, em rất tốt, chỉ là chúng ta không hợp nhau.”
Tôi hỏi Phi Nhi: “Lúc ấy, nghe vậy bạn có buồn không?”
Phi Nhi đáp: “Buồn chứ, nhưng buồn thì đã sao, không hợp thì chẳng nên miễn cưỡng nữa. Hơn nữa, thất tình không nhất thiết là chuyện xấu, ít ra tình yêu đích thực đã gần tôi hơn một bước.”
Nhà văn Nhật Bản Junichi Watanabe trong tác phẩm “Cái thứ đàn ông” (tên tạm dịch) có nói: “Đàn ông khi chia tay, vì không muốn giáng một cú bất ngờ cho phụ nữ, họ thường có thái độ mập mờ, đó là mặt dịu dàng của đàn ông. Đồng thời, dụng ý của họ là không muốn để bản thân trở thành người xấu, không muốn chịu tội danh bỏ rơi người khác, đó gọi là giảo hoạt. Quay lại khía cạnh ban đầu, để không làm tổn thương đối phương, họ không muốn nói ra những lời tàn nhẫn, có thể thấy, họ cũng là loài động vật yếu mềm.”
Thất tình nhưng vẫn có thể cởi mở tâm sự như Phi Nhi, quả là không dễ dàng. Phần lớn mọi người sau khi thất tình khó tránh khỏi ủ rũ chán nản, không ăn không uống, tha thiết cứu vãn quan hệ, dầu trong lòng biết rõ không thể cứu vãn được nữa.
Nhưng bạn à, cho dù bị bỏ rơi, cũng không nhất thiết phải chửi mắng ầm ĩ, càng không phải ăn năn hối hận. Không nhất thiết phải khóa chặt trái tim, càng không nên đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Sớm từ bỏ một mối tình không có kết quả, đối với bản thân bạn và người ta đều là chuyện tốt.
Người ta nói “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng.” Có lẽ vì thế nên khi chia tay, những hồi ức hai người đã có với nhau trở thành nỗi giày vò lớn nhất. Con đường đã đi qua, phong cảnh đã từng ngắm... Tất đều trở thành con dao găm cứa vào lòng người ta thành sẹo. Cố gắng hết sức muốn thoát khỏi, nhưng lại chẳng ăn thua gì.
Nhưng hà tất phải để hồi ức biến thành đau khổ chứ?!
“Thiên vương” cũng có thể thất tình
Tôi từng xem qua một đoạn phỏng vấn của Lỗ Dự với “Thiên vương” Châu Kiệt Luân.
Lỗ Dự hỏi Châu Kiệt Luân: “Cậu đã từng thất tình chưa?” Châu Kiệt Luân cười đáp: “Đương nhiên rồi, ai mà chưa từng thất tình?”
Lỗ Dự nói: “Nhưng cậu là Châu Kiệt Luân mà, đến cậu cũng từng thất tình sao?”
Đúng vậy, đến “Thiên vương” cũng còn thất tình cơ mà! Ai trong chúng ta mà chẳng phải trải qua vô số lần thất bại trên hành trình tìm kiếm, mới có thể gặp được tình yêu đích thực. Trải nghiệm nhiều hơn một chút, chúng ta mới có thể biết thứ bản thân thực sự muốn là gì.
Thất tình căn bản không đáng sợ như chúng ta nghĩ, không nhất thiết phải nhấn chìm bản thân trong hồi ức.
Một nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc từng nói: “Nỗi đau khổ của người thất tình không phải vì sự xa cách người yêu, mà là sự thương xót cho cảnh ngộ của bản thân. Điều đáng sợ không phải là không thoát ra được, mà là không muốn thoát ra, cam chịu vùng vẫy trong vũng bùn của cảm giác thương thân, không hề muốn thử thay đổi.”
Chúng ta sau khi thất tình có thể dốc bầu tâm sự, có thể kể khổ, nhưng đừng oán hận, đừng tự trách mình, để rồi chuốc lấy khổ đau. Rất nhiều cô gái thất tình, lòng tự tôn và niềm tin đều bị tổn thương nặng nề, bắt đầu hoài nghi bản thân, thậm chí là tự trách mình. Chia tay chẳng qua là kết thúc sự bất đồng của hai người, để suy nghĩ lại những chuyện đã qua. Xin đừng đem mình ra dày vò!
Làm cách nào thoát khỏi vũng lầy thất tình
Có người nói cách tốt nhất để thoát khỏi tâm trạng khổ đau khi thất tình chính là bắt đầu một mối tình mới, tìm kiếm sự ấm áp từ một vòng tay khác. Nhưng những người yêu để khỏa lấp vết thương đến cuối cùng đều phát hiện ra bản thân mình thật sự không hề yêu người mới, muốn nói lời chia tay, song lại cảm thấy hổ thẹn vì đã bắt đầu. Nhận ra bản thân mình càng tổn thương sâu sắc hơn. Vậy nên tuyệt đối không nên vì quên đi vết thương tình cũ mà yêu bừa ai đó.
Thật ra việc bắt đầu một cuộc tình mới chẳng qua cũng là để chuyển mục tiêu chú ý, không để mình đắm chìm trong quá khứ, làm cho cuộc sống của bản thân phong phú trở lại. Thế thì thay vì lao vào một cuộc tình mới vội vàng, bạn nên tìm việc gì đó để làm, đặt ra cho bản thân mục tiêu mới, lên kế hoạch mới, bước vào một cuộc sống mới.
Phi Nhi chính là người như vậy, sau khi thất tình, cô đã âm thầm đăng kí lớp học thêm, lớp dạy cắm hoa, lớp tin học, mỗi tuần đều sắp xếp kín lịch, căn bản không còn thời gian để bản thân suy nghĩ linh tinh. Cảm nhận những điều tốt đẹp khác trong một cuộc sống mới, mới thấy những chuyện vui vẻ trong cuộc đời thật sự quá nhiều, tuyệt đối đừng lãng phí thời gian vào chuyện thất tình. Hãy tạo ra cuộc sống mới cho bản thân, khi gặp lại người kia, cũng có thể tươi cười thăm hỏi.
Lúc thất tình ngoài việc thay đổi sự tập trung, cũng cần có cách giải tỏa phù hợp, khóc là cách thường thấy nhất. Nếu muốn khóc thì hãy khóc, đừng vờ làm siêu nhân, đau khổ trong lòng thì cứ khóc đi.
Tìm những người bạn thân để giãi bày, chia sẻ, hãy thoả sức thổ lộ, đừng để đau khổ, oán hận tích tụ trong lòng. Nhưng đừng vì thất tình mà cảm thấy bản thân mình phải được chăm sóc đặc biệt, rồi trở nên ngang ngược vô lí.
Thất tình là một trải nghiệm đau khổ. Bước ra khỏi thất tình, không phải là quên đi một ai đó, mà là khi gặp lại người ấy, trong lòng đã không còn xao động, không còn lưu luyến, chỉ muốn hỏi một câu hàn huyên đơn giản: “Anh/ em vẫn ổn chứ?”
Để nỗi cô đơn giúp bạn trưởng thành
Trải qua một chuyến đi, tôi nghĩ mình đã có nhận thức mới về sự cô đơn. Mỗi người sống trên đời là một cá thể cô độc, chung quy đều phải học cách làm bạn với cô độc. Càng muốn tự do, càng lí trí, biết bản thân muốn điều gì, thì càng cảm thấy cô đơn. Nhưng chúng ta biết rằng, chúng ta luôn có lí tưởng cuộc đời làm bạn.
Cô đơn là gì?
Rất nhiều nhà triết học cho rằng, cô đơn là bản chất sự tồn tại của con người. Cô đơn không phải là một trạng thái tâm lí, đó là sự thật khách quan mà nhân sinh phải đối mặt. Chúng ta sinh ra đã cô đơn.
Chúng ta vẫn thường nhắc tới hai từ “cô đơn” như một thói quen, vậy rốt cuộc cô đơn là gì? Lẻ loi một mình là cô đơn, tuổi già không có chỗ dựa là cô đơn, có tâm sự không có nơi giãi bày là cô đơn. Cô đơn trong ấn tượng của chúng ta là một từ ngữ mang sắc thái bi quan.
Tôi thử tìm một định nghĩa cho cô đơn và thấy một giải thích như thế này: Cô đơn, “cô” là “vua”, “đơn” là “độc nhất vô nhị”, cũng tức là “vị vua độc nhất vô nhị”. Người này không cần đến sự thừa nhận của bất kì ai, càng không cần sự thương xót của bất kì ai, hoàn toàn có thể bước đi mạnh mẽ trong bất kì hoàn cảnh nào.
Tâm trạng xuất hiện khi bản thân bị kìm nén, hay khi thất tình chỉ là sự trống trải, không thể gọi là cô đơn.
Lần đầu tiên đọc thấy cách lí giải như vậy tôi rất hứng thú, cứ như là bỗng nhiên vỡ lẽ, thì ra cô đơn không tệ như chúng ta vẫn nghĩ. Cô đơn thậm chí giúp chúng ta đạt được thành công.
Sự tự tại của một con người
Kì nghỉ hè, tôi về quê, hẹn đám bạn đã lâu không gặp đến một hàng thịt xiên nướng nổi tiếng. Nhóm năm người trước kia bây giờ đã dắt theo gia đình, mở rộng thành tám người. Chỉ có tôi và cậu bạn thân từ nhỏ là chưa lập gia đình, cậu ấy còn vừa mới chia tay người yêu. Nói tóm lại, thời đại học vẫn chưa yêu đương thì chỉ có một mình tôi. Nhóm bạn đi trên đường không quên thể hiện sự âu yếm với người thương của mình, còn tôi đã trở thành người ngoài hành tinh trong mắt mọi người.
Buổi tối một mình trên con đường về nhà, bóng đêm dày đặc, không có ánh trăng, khung cảnh tối om, cảm giác một trận mưa bão sắp đến gần, tiếng ve hai bên đường râm ran. Trên suốt chặng đường, chỉ có cái bóng theo cùng mình, thỉnh thoảng đi qua con đường nhỏ không có đèn, đến cái bóng dường như cũng không muốn theo nữa. Một trận mưa trút xuống như thác nước lớn lấp cả trời đất. Những giọt mưa lớn rơi xuống mặt đất như nở hoa. Mặt đất lấp loáng nước, trận mưa đã xua tan bầu không khí nóng bức, khí trời mát mẻ như pha lẫn bạc hà.
Về đến nhà, người đã ướt sũng. Đêm khuya trằn trọc, lục tìm thông tin bạn bè trên điện thoại, muốn tìm một người nói chuyện, nhưng nhận ra chẳng ai có thể cùng dốc bầu tâm sự.
Lúc đó, tôi cảm thấy mình thật cô đơn. Niềm vui không có người chia sẻ, muộn phiền chẳng có kẻ phân ưu, một người để trò chuyện cùng cũng không có.
Chúng ta sợ cô đơn, sợ bị cô lập, nên ra sức hòa nhập vào đám đông. Để giết thời gian, tôi bắt đầu thử tham gia các buổi tụ tập, uống say bí tỉ trong các bữa tiệc linh đình, nửa đêm qua lại các quán karaoke. Cảm thấy cuộc sống của mình thật phong phú, ít nhất mỗi ngày đều có một nhóm người ở bên tôi.
Nhưng rất nhanh tôi nhận ra, đây không phải sự phong phú mà tôi muốn. Tôi quay lại cuộc sống một mình, một mình ăn cơm, một mình đi ngủ, một mình xem phim, một mình ăn lẩu... Tôi bắt đầu tận hưởng sự cô đơn của mình.
Cô đơn là một lựa chọn. Khi một mình, hãy ngồi lại và nói chuyện với chính bản thân, suy nghĩ xem rốt cuộc mình cần gì. Không để mình đắm chìm vào vui vẻ chốc lát, giải trí tạm bợ - cũng là một kiểu cô đơn.
Ở đại học, kí túc xá chính là vực sâu của “sa ngã”, hiếm có người nào ở kí túc có thể chống lại sự cám dỗ của những thú vui, có thể chăm chỉ ngồi một chỗ đọc sách. Khi bạn của bạn đang chơi điện tử, bạn muốn đến thư viện đọc sách, lúc đó bạn có cảm thấy cô đơn không? Không có ai bên cạnh, có chút xa cách với bạn cùng phòng, bạn bắt đầu hoài nghi bản thân mình. Bạn muốn hoà nhập, nhưng nhận ra bạn và bạn cùng phòng hoàn toàn là những người ở hai thế giới khác nhau.
Bạn muốn thi nghiên cứu sinh, bạn cùng phòng muốn tìm việc làm. Bạn muốn đến thành phố lớn, bạn cùng phòng muốn trở về quê nhà. Bạn muốn có thêm chút kinh nghiệm nên lựa chọn đi làm thêm, bạn cùng phòng cảm thấy tiền công từ việc làm thêm ấy quá ít ỏi, thà dành thời gian ngủ nướng cho sướng... Cho nên, bạn muốn lẫn vào đám đông và đánh rơi ước mơ của mình, hay là cô độc theo đuổi lí tưởng ban đầu của bản thân? Trên con đường theo đuổi ước mơ, bạn rất khó gặp được người đồng hành ngay từ đầu.
Học cách chấp nhận sự cô độc là bước đầu tiên để bạn theo đuổi ước mơ của mình.
Khi bạn và những người bên cạnh không giống nhau, bạn sẽ cảm thấy bản thân mình khó có thể hòa nhập vào trong đó, vì thế mà cảm thấy cô đơn. Nếu bạn và họ giống nhau, bạn tự nhiên cảm thấy an toàn. Nhưng cái giá phải trả cho cảm giác an toàn này là đánh mất mình, bạn có muốn không?
Một chuyến đi điên khùng
Cuộc đời này ít nhất phải có hai lần xốc nổi: một lần yêu bất chấp, một lần “xách ba lô lên và đi”. Cái thứ nhất tôi vẫn để ngỏ, còn cái thứ hai tôi hoàn toàn có thể thực hiện.
Tôi bắt đầu sắp xếp hành lí thâu đêm, vì buổi tối không thể đặt trước vé tàu trên mạng, nên vừa thức dậy tôi đã vội vàng đến ga đặt vé tàu ngày hôm đó.
Sau mười tám giờ đồng hồ, tôi đã đến Thanh Đảo. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời nhìn thấy Thanh Đảo, mảnh đất này rung động lòng người hơn cả trong tưởng tượng của tôi. Tôi ngắm nhìn từng con sóng cuộn tròn xô tới, dang rộng vòng tay ôm vào lòng bầu không khí mát rượi. Hai tay cầm đôi giày, chân trần chạy trên cát.
Lần du lịch đó chỉ có một mình tôi, vì muốn quen nhiều bạn hơn, nên lần đầu tiên tôi ở khách sạn thanh niên. Mỗi người ở đó dường như đều có một câu chuyện muốn kể, bạn chỉ cần ngồi ở phòng khách lớn, nở một nụ cười, họ sẽ kể chuyện cho bạn nghe suốt ba ngày ba đêm.
Những người ở đây hình như đều cô độc, đã quen đi một mình, hiếm có ai đi thành nhóm, nhưng họ dường như không cô đơn. Có kỉ niệm đồng hành, phong cảnh làm bạn, trên mỗi cung đường cũng thu hoạch được vô số điều tuyệt vời.
Tôi bắt đầu ngưỡng mộ kiểu cô đơn này, ngưỡng mộ chuyến đi xa một mình, ngồi trên ghế xếp của tàu, ngắm những toà nhà, cây cối lùi lại phía sau bên ngoài cửa sổ… Suy ngẫm những việc trước nay chưa từng nghĩ tới.
Trải qua một chuyến đi, tôi nghĩ mình đã có nhận thức mới về sự cô đơn. Mỗi người sống trên đời là một cá thể cô độc, chung quy đều phải học cách làm bạn với cô độc. Càng muốn tự do, càng lí trí, biết bản thân muốn điều gì, thì càng cảm thấy cô đơn. Nhưng chúng ta biết rằng, chúng ta luôn có lí tưởng cuộc đời làm bạn.
Học cách tận hưởng sự cô đơn
Người cô đơn luôn thích suy nghĩ một mình, xa rời sự ồn ào náo nhiệt, tìm kiếm sự yên tĩnh trong tâm hồn.
Trở về từ chuyến đi, tôi bắt đầu thử làm phong phú bản thân mình bằng một phương thức khác. Tôi muốn một phương thức có thể dễ dàng chia sẻ, giãi bày.
Thế là tôi bắt đầu viết và lần lượt đăng tải những sáng tác đầu tiên của mình trên Facebook, Wechat và Weibo. Thỉnh thoảng được biên tập viên tiến cử, được tạp chí nhận bài, tôi đều rất vui. Dần dần, số lượt đọc và bình luận bài của tôi cũng nhiều lên, có khen ngợi cũng có phê bình, thậm chí có người còn trực tiếp công kích cá nhân tôi. Lúc mới đầu tôi rất buồn, nhưng sau rồi cũng nghĩ thông. Bây giờ thái độ của tôi đối với các bình luận là: hoan nghênh giao lưu, nhưng không sa vào tranh luận. Trên hết, điều khiến tôi vui hơn cả là trong quá trình viết, tôi được quen biết những người bạn cùng chung chí hướng.
Những người sáng tác đa phần là cô đơn, không giỏi xã giao, mặc dù là người hoạt ngôn, muốn dùng lời văn diễn đạt hơn là lời nói, người sáng tác thậm chí là người tự ti. Nhưng chính sự cô đơn giúp tôi suy nghĩ bình tĩnh trở lại, đôi lúc linh cảm bộc phát, viết ra những câu hay, tôi đều vui sướng nhảy cẫng lên. Hơn cả sự hoan lạc tiệc rượu phòng hoa, tôi bắt đầu kết bạn với Cô Đơn. Một tác giả từng nói: “Trước cô đơn là mờ mịt, sau cô đơn là trưởng thành.” Cho nên, đừng sợ cô đơn, hãy học cách tận hưởng sự cô đơn, làm bạn với cô đơn, chia sẻ với cô đơn, để cô đơn tạo nên giá trị con người bạn và tôi!
Khảo sát chỉ số cô đơn của bạn
1. Bạn có thường hay tức giận không?
A. Không
B. Đôi khi
C. Thường xuyên
2. Bạn có người bạn nào thân thiết đáng tin bên cạnh không?
A. Hơn một người
B. Một người
C. Không có
3. Sau khi tan làm về nhà có người ăn cơm cùng bạn không?
A. Rất nhiều
B. Thỉnh thoảng tụ tập ăn cơm
C. Thường xuyên ăn một mình
4. Tư thế ngủ của bạn như thế nào?
A. Đặt lưng là ngủ
B. Nằm ngửa
C. Nằm sấp ôm gối ngủ
5. Sau chuyến du lịch trở về, các bức ảnh của bạn đa phần là kiểu nào?
A. Rất nhiều ảnh chụp chung
B. Ảnh tự sướng
C. Toàn bộ là ảnh phong cảnh
6. Khi bị bệnh có người đưa bạn đi khám không?
A. Có người nhà, bạn bè đi cùng
B. Tuy không có ai đi cùng nhưng trong nhà có thuốc dự phòng
C. Không có, một mình tự giải quyết
7. Khi buồn chán bạn sẽ làm gì?
A. Tôi cảm thấy thời gian của bản thân không đủ, không có chỗ cho sự buồn chán
B. Viết thư pháp, vẽ tranh,…
C. Ngủ
8. Có phải bạn thích môi trường yên tĩnh hơn?
A. Thích những nơi như quán Karaoke
B. Thích nơi lúc thì ồn ào lúc thì yên tĩnh
C. Thích ở một mình
Phân tích kết quả trắc nghiệm:
A = 0 điểm
B = 1 điểm
C = 2 điểm
(1) 0 - 5 điểm: Chỉ số cô đơn thấp
Bạn hoàn toàn không phải là một người cô đơn, bạn có vòng bạn bè của mình, có kế hoạch của bản thân, có sở thích của bản thân, bên cạnh bạn có một đống những thứ mới mẻ đáng để bạn tìm tòi, bạn không có thời gian để cô đơn, để tự oán trách bản thân, để giam mình trong căn phòng nhỏ tăm tối của sự cô đơn, cuộc sống đối với bạn mà nói vô cùng tươi đẹp.
(2) 6 - 10 điểm: Chỉ số cô đơn trung bình
Đôi khi đêm khuya vắng lặng, bạn không kìm được khóc một mình, vô thức rơi vào tâm trạng cô đơn. Bạn có lẽ là một người cảm tính, một chút thay đổi của thời tiết, hoặc một sự chuyển biến của tình cảnh cũng có thể khiến bạn rơi vào suy tư. Bạn cho rằng những người thực sự hiểu bạn không nhiều, nhưng may thay còn có sự nghiệp mà bản thân bạn yêu thích hoặc có phương hướng kế hoạch của riêng bạn. Bạn thích du lịch, thích ở một mình, mặc dù cô đơn đôi khi khiến bạn đau lòng, nhưng về tổng thể bạn vẫn là người tích cực tiến về phía trước.
(3) 11- 16 điểm: Chỉ số cô đơn cao
Bạn luôn cảm thấy mình bị cô lập, cảm thấy người bên cạnh không hiểu mình, muốn giãi bày nhưng nhận ra bên cạnh không có một người bạn nào đáng tin để chia sẻ. Bạn thường xuyên cảm thấy cô đơn, cảm thấy bất lực, nhưng giống như bài viết đã nói, “Cô đơn không phải chuyện xấu, cô đơn khiến cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản, có thể tùy ý làm những việc mình muốn.” Đừng để từ “cô đơn” dọa bạn. Hãy làm cho sự cô đơn trở thành “vũ khí bí mật” trên con đường theo đuổi ước mơ của chúng ta, để cô đơn tạo nên giá trị con người tôi và bạn.