Khó khăn lớn nhất của đời người là hiểu được chính mình.
- Thales
Câu trả lời sẽ cho thấy khả năng làm giàu của bạn. Đây là câu đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần đặt ra cho mình khi muốn làm giàu theo phong cách của Warren Buffett.
Chương này sẽ mô tả các phong cách đầu tư đa dạng và những phương pháp khác nhau đối với hoạt động đầu tư. Bạn cần đặt câu hỏi liệu mình có phải là một nhà đầu tư thụ động (nghĩa là bạn không muốn hoặc không thích những hoạt động đánh giá các cơ hội đầu tư hàng ngày), hay một nhà đầu tư năng động (nghĩa là bạn sẵn sàng bắt tay vào việc, luôn có hứng thú và đầy sinh lực, thích đọc tài liệu và tìm hiểu tất cả mọi thứ liên quan đến tài chính, kinh doanh, nền kinh tế và thế giới đầu tư). Hãy tự hỏi liệu bạn là một nhà đầu tư thực thụ (một chủ sở hữu dài hạn doanh nghiệp) hay chỉ là nhà buôn (chủ sở hữu ngắn hạn cổ phiếu). Đây là một sự khám phá quan trọng đối với Warren Buffett, khi còn là một thiếu niên ông đã hiểu được yếu tố nền tảng quan trọng duy nhất đối với sự giàu có mang tính hiện tượng của ông: sự khác biệt giữa một nhà đầu cơ trên thị trường chứng khoán và một chủ doanh nghiệp.
NHÀ ĐẦU CƠ CHỨNG KHOÁN HAY CHỦ DOANH NGHIỆP?
Một chủ doanh nghiệp luôn quan tâm đến những điều đang xảy ra bên trong doanh nghiệp – với nhân viên, khách hàng, kế hoạch chiến lược, tăng trưởng, doanh số, cắt giảm chi phí, cũng như gia tăng lợi nhuận và thu nhập. Trái lại, một nhà đầu cơ quan tâm nhiều hơn đến những gì đang diễn ra bên ngoài doanh nghiệp hoặc giá thị trường của cổ phiếu: nhà đầu cơ mua một cổ phiếu nào đó ngày hôm nay để sau đó bán nó đi với giá cao hơn. “Càng sớm, càng tốt” là khẩu hiệu của tất cả những nhà buôn và đầu cơ chứng khoán. Các nhà đầu cơ quan tâm đến giá cả cổ phiếu, chủ sở hữu tập trung vào doanh nghiệp. Nhà đầu cơ là những người phân tích thị trường, còn chủ sở hữu là những người phân tích doanh nghiệp.
Theo ghi nhận, Buffett không bao giờ mua lại doanh nghiệp từ các nhà đầu cơ, những kẻ giỏi xoay xở hay những nhà quản lý muốn bán doanh nghiệp bằng đấu giá. Theo các tiêu chí thu mua công ty của Buffett, đội ngũ quản lý doanh nghiệp đó phải cùng hợp tác trong mọi giao dịch (Berkshire không có sẵn nhà quản lý nào chờ việc). Những người quản lý doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng không kém, nếu không nói là quan trọng hơn, mức giá được trả để mua lại doanh nghiệp. Nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới chỉ bị cuốn hút bởi những doanh nghiệp do chính người sáng lập tạo dựng nên, được quản lý bởi những người quan tâm đến hoạt động kinh doanh lâu dài và sự ổn định về việc làm hơn là doanh nghiệp có giá cổ phiếu cao nhất trong ngắn hạn.
Có một cách hiệu quả để nhận ra sự khác biệt giữa chủ sở hữu doanh nghiệp và nhà đầu cơ. Bạn hãy nhìn vào văn phòng của họ. Biểu tượng của các doanh nghiệp sẽ vây quanh người sở hữu chúng. Trong văn phòng nhỏ của Warren là những chứng chỉ sở hữu cổ phiếu được đóng khung, nổi bật là American Express và tiền thân của nó là Wells Fargo, vô số chai lọ là vật kỷ niệm của Coke, sách vở, báo cáo thường niên, và trong góc phòng là một chiếc máy thông tin giá chứng khoán bằng bong bóng thủy tinh cũ kỹ.
Một dấu hiệu khác về tinh thần sở hữu doanh nghiệp được thể hiện ngay trên bàn làm việc của Warren; một chồng danh thiếp với một số điện thoại miễn phí của công ty bảo hiểm xe hơi GEICO. Người chủ doanh nghiệp này đặt xung quanh mình những gì mà ông sở hữu. Một hộp sô-cô-la Sees chào đón khách đến thăm. Các sản phẩm của Coke luôn sẵn sàng phục vụ trong tủ lạnh tại phòng hồ sơ lưu trữ, ngay bên cạnh đó là tủ hồ sơ báo cáo thường niên của tất cả các công ty có cổ phiếu được giao dịch công khai, tất nhiên có Coca-Cola. Thảm lót sàn hiệu Shaw Carpet được trải ở đại sảnh và phòng làm việc lớn. Warren không có cái máy tính bỏ túi hay máy vi tính nào trong văn phòng của mình (mặc dù ông có một máy vi tính ở nhà, nhưng chỉ để học và chơi bài bridge trên Internet!).
Ngược lại, văn phòng của một nhà buôn hay nhà đầu cơ chứng khoán thường có ít nhất một máy vi tính với những bảng giá cổ phiếu chớp nháy liên tục và những lựa chọn cổ phiếu mới nhất sẵn sàng bán đi chỉ bằng một cú click chuột. Một nhà buôn thường có tính “nghiện ngập”, mê tín và thích chơi những trò chơi dựa vào may mắn hơn là kỹ năng. Buffett viết: “Xem một nhà buôn như một nhà đầu tư cũng giống như nói những kẻ thích ‘tình một đêm’ là những người lãng mạn!”.
ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ HAY ĐIÊN CUỒNG LƯỚT SÓNG THEO SỐ ĐÔNG?
Có sự khác biệt lớn giữa nhà đầu tư giá trị và nhà đầu tư tăng trưởng. Theo Warren, đó là hai thành phần có quan hệ khăng khít với nhau. Xét cho cùng thì đầu tư nghĩa là gì ngoài việc sắp xếp tiền bạc hôm nay để có thu nhập lớn hơn sau này? Nếu bạn muốn nhận lấy một điều duy nhất từ quyển sách này, hãy hình thành trong đầu bạn khái niệm rằng tất cả các khoản đầu tư thông minh đều phải là đầu tư giá trị.
Bạn có thể muốn đặt ra cho mình thêm vài câu hỏi để xác định liệu bạn có phẩm chất của chủ sở hữu hay là nhà buôn. Bạn có quan tâm đến thu nhập hiện tại và tương lai của doanh nghiệp không, hay bạn chỉ đánh giá dựa trên giá cả của nó? Bạn có bị ảnh hưởng bởi việc đọc tài liệu và nghiên cứu hay không? Hoặc những người khác có tác động đến bạn được không? Warren Buffett và hầu hết các nhà đầu tư giá trị khác là những người có tư duy độc lập và ít khi thỏa mãn với việc đứng chung với số đông. Họ tự mình nghiên cứu và đọc không ngừng nghỉ. Họ quan sát người khác, nhưng không đi theo, và cảm thấy rất thích thú trong việc chọn lựa con đường của chính mình.
Một bước quan trọng là tự khám phá bản thân để xác định các kỳ vọng của bạn, khung thời gian và khả năng chịu đựng rủi ro trong hoạt động đầu tư.
Trường phái cũ về tư duy đầu tư, phân bổ tài sản và rủi ro cho rằng khi còn trẻ, bạn nên đầu tư mạnh hơn vào thị trường chứng khoán thay vì vào trái phiếu, và trọng tâm này nên chuyển theo hướng ngược lại khi bạn lớn tuổi hơn và càng gần đến ngày về hưu. Những yếu tố như hôn nhân và cuộc sống cũng cần xem xét, nghĩa là việc bạn độc thân, có gia đình, có con cái hay nghỉ hưu đều góp một phần trong việc quyết định phân bổ tài sản của bạn và số lượng doanh nghiệp mà bạn muốn sở hữu.
Trường phái Buffett thì cho rằng dù các yếu tố cuộc sống của bạn có là gì đi nữa thì bạn nên mua “chất lượng” và mua “rẻ”, dù giá trị đó là thu nhập cố định (trái phiếu) hay cổ phiếu. Sự khôn ngoan của trường phái Buffett thể hiện ở chỗ rủi ro không nằm trong tính dễ biến động của khoản đầu tư, mà thường nằm ở sự thiếu kiến thức của người tham gia, hay nói đơn giản là bạn không biết bạn đang làm gì.
Bảng 3.1 So sánh thị trường, là hành động tập thể của hơn 50 triệu người tham gia đầu tư ở Mỹ cộng với phần còn lại của thế giới, với những phương pháp và nguyên tắc của nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới.
TẠI SAO BẠN NÊN ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP?
Quỹ Barnes ở Philadelphia là một ví dụ hoàn hảo về cách thức tạo ra tài sản từ sự sở hữu và cách thức mà những quy tắc chặt chẽ của quỹ đối với quyền sở hữu doanh nghiệp làm phá sản một quỹ được gầy dựng để đảm bảo sự trường tồn của chính nó. Triết gia Ralph Waldo Emerson từng viết: “Nhất thiết phải có sự dũng cảm và sự cẩn trọng lớn để tạo ra gia sản vĩ đại, và khi bạn đã có nó, bạn cần gấp 10 lần kỹ năng như vậy để giữ được gia sản ấy.”
Quỹ Barnes được thành lập năm 1922 bởi vị bác sĩ có ý tưởng không giống ai Albert C. Barnes nhằm “khuyến khích sự phát triển giáo dục và tôn vinh mỹ thuật”. Ông đã không nhận thấy rằng vì chỉ giới hạn hoạt động của quỹ trong phạm vi trái phiếu nên quỹ của ông tình cờ khuyến khích sự tiến bộ, phát triển giáo dục và sự nhìn nhận đúng mức hoạt động đầu tư cổ phiếu.
Bác sĩ Albert Barnes đã tạo ra tài sản bằng cách xây dựng một doanh nghiệp ngành dược và phát triển một loại thuốc cực kỳ thành công. Ông đã phát hiện, sáng chế và sản xuất một sản phẩm khử trùng gọi là Argyrol, một hợp chất có gốc bạc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng mắt. Vào khoảng đầu thế kỷ trước, loại thuốc này được sử dụng trên toàn thế giới để ngăn ngừa bệnh mù lòa cho trẻ sơ sinh, cho đến khi thuốc kháng sinh xuất hiện. Do sở hữu doanh nghiệp và có bằng sáng chế, Barnes đã trở thành triệu phú trước khi ông báo cáo vào tuổi 35.
Thành công trong kinh doanh của Barnes cho phép ông đưa sự quan tâm về mỹ thuật của mình tiến xa hơn. Do đọc tất cả các sách có chủ đề về nghệ thuật và tôn vinh nghệ thuật, Barnes có thể mua các tác phẩm nghệ thuật như một nhà đầu tư giá trị. Ông đã mua được những tuyệt phẩm nhưng chưa nổi tiếng với những mức giá rất hời.
Năm 1922, Barnes đã lập ra quỹ Barnes ở Philadelphia và chuyển 710 bức tranh – gồm nhiều bức tranh của Picasso – từ bộ sưu tập cá nhân của mình, cùng với số tiền quyên góp ban đầu là 10 triệu USD để duy trì nó vĩnh viễn. Nhà triệu phú “lập dị” này cũng đặt ra những quy tắc chặt chẽ cho hoạt động của quỹ. Sau khi bán công ty dược của mình trước khi cuộc Đại Suy thoái diễn ra vào năm 1929 và sau khi chứng kiến nhiều gia sản bị quét sạch do hậu quả của sự sụp đổ của thị trường, ông quy định quỹ của mình chỉ đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Barnes ít nhận thấy vào lúc đó, do lạm phát, yêu cầu này (không đầu tư vào cổ phiếu) của ông đã gần như tàn phá quỹ của mình, một quỹ được lập ra để duy trì bộ sưu tập và bảo tàng nghệ thuật và để thanh toán các chi phí hoạt động thường niên của nó (xem Hình 3.1).
Thật thú vị khi so sánh 50 năm sau, sau khi ông chết trong một tai nạn xe hơi năm 1951, điều gì có thể xảy ra đối với quỹ Barnes nếu thay vì đầu tư 10 triệu USD vào trái phiếu, họ đầu tư nó vào cổ phiếu với giả định thu nhập 10%/năm và chi phí điều hành viện bảo tàng gia tăng 3%/năm (xem Hình 3.2).
Quỹ Barnes có một số lượng đáng thán phục các kiệt tác thuộc trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng, bao gồm 181 tác phẩm của Renoir, 69 của Cezanne, 60 của Matisse, và những tác phẩm của Picasso, Modigliani, Monet, Manet, và Degas. Bộ sưu tập hơn 2.000 tác phẩm được định giá hơn 6 tỷ USD, thậm chí một số người nói rằng nó phải lên đến 25 tỷ USD. Theo những quy tắc khắt khe nhất, quỹ không được bán bất cứ tác phẩm nào để trang trải cho các chi phí hoạt động.
Cũng như Barnes đã tạo ra gia sản ban đầu bằng cách đầu tư vào việc sở hữu doanh nghiệp, quỹ của ông đã chứng kiến tài sản của nó gia tăng với sự sở hữu những kiệt tác nghệ thuật. Gần đây, do không thể bán bất cứ bức tranh nào, quỹ này đã có cách kiếm tiền khá sáng tạo để chi trả cho các khoản chi phí hoạt động bằng cách cho mượn một số tác phẩm để triển lãm vòng quanh thế giới.
Cũng giống như Buffett tin tưởng vào việc đầu tư vào doanh nghiệp, những sản phẩm, dịch vụ của nền kinh tế cũ, Barnes cũng tin vào việc đầu tư vào nghệ thuật phản ánh cuộc sống hàng ngày. Bảng 3.2 minh họa những nét tương đồng giữa Barnes và Buffett. Tuy nhiên, mặc dù hai ông có nhiều điểm tương đồng, vẫn có những khác biệt lớn giữa họ, những điều cho phép Buffett gia tăng tài sản của mình lên 4 lần sau 50 năm kể từ ngày Barnes mất, như Bảng 3.3. Bác sĩ Barnes nghĩ rằng ông đang giảm thiểu rủi ro bằng cách giới hạn hoạt động của quỹ vào việc chỉ đầu tư vào những khoản có thể mang lại thu nhập cố định. Nhưng ngược lại, ông đã làm cho quỹ phá sản, may mắn là sự đầu tư của ông vào những kiệt tác nghệ thuật đã giúp gia tăng giá trị cao hơn tỷ lệ lạm phát.
NHẬN DIỆN TÍNH CÁCH NHÀ ĐẦU TƯ TRONG BẠN
Bạn cần sự thu nhập hay sự tăng trưởng vốn? Bạn đang tìm cách giảm thuế ư? Tất cả các hoạt động đầu tư đều bắt đầu bằng việc tự phân tích và tìm hiểu bản thân. Bạn có phải là người dám chấp nhận rủi ro? Bạn là người bảo thủ? Bạn có phải là nhà đầu tư có đạo đức tốt? Bạn có phải là nhà đầu tư khác biệt? Hoặc, có thể bạn chỉ bắt đầu đầu tư. Có thể bạn bỗng dưng có một khoản tiền bất ngờ hoặc được thừa kế, hoặc bạn chỉ có một ít tiền. Nhiều biến số xác định bạn là loại nhà đầu tư nào. Cá tính của bạn là gì? Bạn có thức dậy sớm và chạy bộ không? Bạn có đọc tất cả những thông tin tài chính hàng ngày không? Bạn có dành hết thời gian cho công việc không? Bạn có thích ngủ nướng, dành thời gian cho gia đình và thỉnh thoảng quan sát hoạt động kinh doanh và thích xem xét các khoản đầu tư của mình hàng năm thôi? Các câu trả lời sẽ tiết lộ những mục tiêu đầu tư và mức độ chấp nhận rủi ro của bạn.
Hãy xem xét những kiểu nhà đầu tư sau:
• Nhà đầu tư dở hơi (Faddist) là những người thích chạy theo khuynh hướng mới nhất. Bạn có thể giải khuây khi quan sát hay nghe họ nói bởi phong cách và nguyên tắc đầu tư của họ thường xuyên thay đổi.
• Nhà đầu tư thầy bói (Fortune Teller) thường làm những gì các bà đồng ông cốt gợi ý, họ thích đọc biểu đồ hoặc bói lá trà. Họ còn được gọi là nhà đồ thị (chartist) vì họ thích xem xét các hình vẽ để xác định xu hướng giá cổ phiếu.
• Nhà đầu tư ủy quyền (Delegator) thường “dành cho” người khác quyền quyết định hàng ngày đối với mọi hoạt động đầu tư có liên quan đến danh mục đầu tư của họ.
• Nhà đầu tư phê chuẩn (Validator) là người thích xem xét để chấp thuận hay gạt bỏ mọi quyết định đã được đưa ra. Họ thích quản lý chi tiết đến từng thao tác của nhà môi giới chứng khoán, nhà quản lý đầu tư, nhà quản lý quỹ tương hỗ và nhà quản lý doanh nghiệp.
• Nhà đầu tư kỹ thuật viên (Technician) tin rằng việc đầu tư có tính khoa học nhiều hơn tính nghệ thuật. Họ còn được gọi là Nhà đầu tư cơ khí (Mechanical Investor). Họ quan tâm đến các khía cạnh định lượng hoặc đo lường được của hoạt động đầu tư mà không tính đến những khía cạnh về chất lượng, chẳng hạn như sự chính trực của đội ngũ quản lý.
• Nhà đầu tư đối nghịch (Contrarian) cố ý dùng phương pháp đầu tư ngược hướng, bất kể tình hình thị trường như thế nào.
• Nhà đầu tư thích làm đệ tử (Guru Follower) tiếp cận hoạt động đầu tư với niềm tin rằng có một người nào đó khôn ngoan hơn có thể hướng dẫn họ lên tới thiên đường tài chính. Họ nuốt từng lời và tuân theo mọi mệnh lệnh của vị “sư phụ” được họ lựa chọn. Nếu “sư phụ” sụp đổ, họ chọn ngay một “bậc thầy” khác để đi theo.
• Nhà đầu tư leo núi (Mountain Climber) thích leo lên thật cao và nhìn xuống nền kinh tế vĩ mô xem những gì đang diễn ra trên thị trường. Họ quan sát tác động của lãi suất, họ muốn biết thị trường đang đầu cơ giá lên (bull market) hay giá xuống (bear market)… Họ còn được gọi là Nhà phân tích thị trường (Market Analyst).
• Nhà đầu tư bộ hành ngẫu nhiên (Random Walker) đầu tư với niềm tin sâu sắc rằng bất cứ điều gì được biết về một cổ phiếu đều đã được phản ánh trong giá của nó. Họ còn được gọi là Nhà lý thuyết thị trường hiệu quả (Efficient Market Theorist) vì họ tin rằng sẽ thu được rất ít kết quả từ việc chủ động nghiên cứu cổ phiếu và xác định giá trị thực của chúng trong mối tương quan với giá mà công chúng sẵn sàng mua.
• Nhà đầu tư quán tính (Momentum Player) chỉ đơn giản là đi theo số đông. Nhóm này “nổi tiếng” vì luôn cố gắng xác định trào lưu của thị trường; đôi khi họ thất bại thảm hại, đôi khi họ thành công rực rỡ. Họ mua vào khi tất cả những người khác mua vào, và bán ra khi mọi người đang bán ra.
• Nhà đầu tư bắt chước hay Cái bóng của kẻ khác (Copycat hoặc Shadower) luôn bắt chước mọi động thái mà một nhà đầu tư nào đó đang thực hiện. Họ cũng được gọi là Chuyên gia cắt đỉnh (Tipper) vì thường chờ đợi đến đỉnh cao mới nhất của cổ phiếu mà không hiểu gì về bản chất các khoản đầu tư của họ.
• Nhà đầu tư giá trị (Valuer) đào sâu vào các doanh nghiệp để tìm ra giá trị nội tại của chúng và xác định liệu họ có muốn trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp đó hay không. Warren Buffett thuộc dạng này. Các nhà đầu tư này đọc rất nhiều. Họ tự nghiên cứu. Họ lắng nghe người khác, nhưng tự suy nghĩ. Họ luôn cố gắng mua tài sản có giá trị 1 đô-la với giá 50 xu, hoặc mua những tài sản có thể tạo ra 1 đô-la thu nhập hàng năm với giá 1 đô-la. Họ là loại người làm việc chăm chỉ, luôn cân nhắc kỹ lưỡng hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn, ý tưởng đầu tư khác nhau trước khi chọn một ý tưởng để thực hiện.
Một số khác được gọi là Nhà đầu tư đa dạng hóa (Diversifier). Họ thích sở hữu nhiều khoản đầu tư để giảm rủi ro. Vài người khác là Nhà đầu tư tập trung (Concentrator), chỉ chú tâm vào ba đến bốn ý tưởng đầu tư tốt nhất. Trong khi đó, nhiều người lại tin rằng đầu tư cần phải phức tạp mới có kết quả tốt nhất. Chỉ có một số ít người nghĩ đơn giản là tốt nhất.
Bạn thấy đấy, có rất nhiều loại và nhiều sự kết hợp các kiểu nhà đầu tư vì nhiều tính cách khác nhau. Điều quan trọng nhất là phải kết hợp đúng những nét tính cách của bạn với phong cách đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng không có con đường duy nhất dẫn đến sự thành công trong lĩnh vực tài chính.
ĐẦU TƯ THỤ ĐỘNG: CÂU CHUYỆN VỀ SỰ THÀNH CÔNG
Điều quan trọng nhất là hãy tự đặt ra câu hỏi để xác định liệu bạn là một nhà đầu tư chủ động hay thụ động. Nếu bạn thực sự là một nhà đầu tư thụ động, bạn có thể chỉ cần an tâm sở hữu cổ phiếu của một quỹ đầu tư tương hỗ, hoặc tốt hơn chút nữa là một quỹ có chỉ số chi phí thấp – máy tính sẽ chọn các cổ phiếu cho bạn và tự động trình bày những gì đang diễn ra trên thị trường. Nhà đầu tư thụ động có thể không cần nghiên cứu gì thêm sau khi họ đã chọn lộ trình hành động. Họ chỉ cần làm nhà đầu tư ủy quyền là có kết quả tốt hơn so với việc chủ động làm việc với các khoản đầu tư hàng ngày của mình. Nhà đầu tư thụ động không nhất thiết phải mù quáng nghe theo người khác, nhưng thay vào đó có thể xem xét cẩn thận người quản lý vốn đầu tư hàng năm và tiến hành thay đổi nếu cần.
Đầu tư thụ động hay bất động mặc dù không phải là phương pháp được Warren áp dụng nhưng vẫn có thể là một trong những lộ trình thông minh nhất mà bạn có thể theo.
Một trong những ví dụ tốt nhất về việc đầu tư thụ động và ủy quyền là câu chuyện về Don và Mildred Othmer. Họ có may mắn khi lớn lên ở Omaha và quen biết với Warren. Mỗi người đã đầu tư 25.000 USD cùng với Warren đầu những năm 1960. Không cần phải bổ sung thêm vốn đầu tư ban đầu hay chi tiêu tài sản ngày càng lớn lên của mình, khoản đầu tư của họ tăng lên 800 triệu USD. Nhà Othmer không muốn tìm hiểu về hoạt động đầu tư cũng không muốn nghiên cứu về nó. Họ không thích quá trình đánh giá các công ty và xác định xem lúc nào nên mua, lúc nào nên bán. Họ ủy quyền hoàn toàn và cũng không có khả năng gọi điện hỏi hay chất vấn nhà quản lý vốn đầu tư của mình. Họ không phải là nhà đầu tư giá trị, nhưng họ thuê người đầu tư giá trị cho họ.
Don là giáo sư công nghệ hóa ở trường Đại học Bách khoa Brooklyn; ông và Mid không có con. Sau khi họ qua đời, nhà Othmer để lại cho trường của Don 200 triệu USD, nghĩa là bốn lần giá trị đóng góp ban đầu của họ và tương đương 100.000 USD dành cho mỗi sinh viên. Ngoài ra, Bệnh viện Đại học Long Island ở Brooklyn nhận được 160 triệu USD. Đại học Nebraska và Quỹ Di sản Hóa học ở Philadelphia nhận được 100 triệu USD cho mỗi nơi. Và còn có thêm nhiều người khác nhận được sự hào phóng của nhà Othmer.
Lòng từ tâm của họ là tất cả những gì họ có thể làm được bởi vì nhà Othmer là những nhà đầu tư thụ động. Họ chỉ tập trung vào những gì họ làm giỏi, những gì mà họ thích thú và vào niềm đam mê của chính họ. Họ thực sự sống dưới mức thu nhập của mình. Giá mua cổ phiếu ban đầu của họ chỉ ở mức 42 USD, và nó tăng lên khoảng 40.000 USD/cổ phiếu khi họ qua đời. Họ sống thoải mái, nhưng không phô trương. Nếu một trong số họ sống thêm vài năm nữa thì họ đã trở thành tỷ phú và dĩ nhiên là một trong những nhà đầu tư ủy quyền thụ động giàu nhất thế giới.
Không có gia sản từ quỹ Warren thì họ vẫn cứ là một câu chuyện thành công. Don sinh ra trong một gia đình nghèo ở Omaha và có cuộc sống thanh bần. Ông kiếm tiền thời niên thiếu bằng cách đi hái hoa bồ công anh và chăn bò cho một nông trại trên đồng cỏ. Ông đăng ký vào Đại học Nebraska, và cuối cùng nhận bằng tiến sĩ của Đại học Michigan. Ông đã phát triển được 40 bằng sáng chế cho Kodak và nhiều bằng sáng chế của riêng mình. Ông trở thành giáo sư, nhà tư vấn, biên tập viên cho tờ Tin tức Công nghệ Hóa học, nhưng ông tuyệt đối không gây ảnh hưởng gì đến nhà quản lý vốn đầu tư của mình.
Sau khi Don và Mid qua đời, Warren nói: “Chúng ta còn có rất nhiều người như họ”. Nói cách khác, sẽ có thêm nhiều cổ đông của Berkshire Hathaway qua đời với những khoản tiền kếch xù có liên quan đến sự thịnh vượng của Buffett. Câu chuyện nhà Othmer là một ví dụ tuyệt vời cho thấy cách thức Warren đã tạo ra 2 USD cho người khác từ mỗi đô-la tài sản mà ông tạo ra cho mình và cách thức mà hầu hết những tài sản khổng lồ ấy được trả lại cho xã hội.
ĐẦU TƯ CHỦ ĐỘNG LÀ GÌ?
Hãy làm rõ hơn về sự khác biệt giữa một nhà đầu tư thụ động và một nhà đầu tư chủ động.
Nhà đầu tư thụ động quyết định không dành thời gian hay sức lực cho hoạt động đầu tư. Họ có thể cố ý đưa ra lựa chọn này hoặc mặc nhiên để như vậy. Những nhà đầu tư thụ động, như Don và Mid Othmer, có thể nhận ra rằng họ làm ra tiền nhiều hơn khi theo đuổi nghề nghiệp mà họ đã chọn. Tất nhiên, thụ động có nhiều mức độ khác nhau – từ việc xem xét những kết quả hàng quý và hàng năm của quỹ đầu tư cho đến việc tham gia đại hội thường niên của công ty mà bạn sở hữu, và cả việc tham gia một cuộc họp chi tiết với cố vấn tài chính có chuyên môn cao sau mỗi 5 năm.
Bạn có thể quyết định hoặc đã quyết định trở thành một nhà đầu tư chủ động, và đã quyết tâm học người giỏi nhất bằng cách đọc quyển sách này và cả những quyển khác. Dù vậy, bạn cần hiểu một nét khác biệt quan trọng giữa một nhà đầu tư chủ động và một nhà buôn chủ động. Warren là nhà đầu tư chủ động, nhưng không chủ động buôn bán. Ông suy nghĩ về hoạt động đầu tư và những lựa chọn có thể có hàng ngày. Ông có niềm đam mê thực sự đối với quá trình và hoạt động đầu tư.
Hoạt động cơ bản của một nhà đầu tư chủ động phải là đọc – và chuyện trò với các nhà đầu tư khác, nhà quản lý, nhà cung cấp, khách hàng và đối thủ cạnh tranh qua điện thoại - nhưng chủ yếu thực hiện rất nhiều hoạt động nghiên cứu và tư duy độc lập. Nhiều người nhầm lẫn giữa hoạt động và kết quả. Đôi lúc, khi nói đến đầu tư, điều tốt nhất bạn cần nghĩ là không làm gì cả.
Buffett thích dùng hình ảnh môn bóng chày để nói về quá trình đầu tư chủ động. Ông nói: “Sẽ chẳng có cú vụt mạnh nào được yêu cầu trong lĩnh vực đầu tư”. Bạn có thể ngồi yên với cây gậy trên vai suốt cả ngày – hoặc suốt cả năm. Bạn không phải đong đưa nó. Ông khuyên hãy chờ một cú ném bóng “đúng” và vụt nó ra khỏi sân. Nhưng không may là hầu hết các nhà đầu tư chủ động không có sự kiên nhẫn để trở thành một nhà đầu tư siêu đẳng.
Một lợi ích khác của nhà đầu tư chủ động là, không giống hầu hết những nghề nghiệp khác, họ không bao giờ phải nghỉ hưu. Khi nào họ còn yêu thích đầu tư, họ sẽ trở nên giỏi hơn theo thời gian (hầu hết các vận động viên điền kinh đều ước mong có thể nói được như vậy).
Dù chủ động hay thụ động – bất kể bạn là nhà đầu tư kiểu nào đi nữa - thì bạn đừng bao giờ bỏ tiền vào một khoản đầu tư mà bạn không hiểu gì về nó!
TRÁNH ĐẦU TƯ THEO CẢM XÚC
Hãy luôn rà soát lại kế hoạch đầu tư của bạn theo định kỳ, đặc biệt là sau những thay đổi lớn trong cuộc sống như tốt nghiệp đại học, kết hôn hay ly hôn, có con, con vào đại học, bán công ty, và nghỉ hưu. Nhiều quyết định đầu tư của bạn phụ thuộc vào mức độ bạn cần tiền sớm như thế nào. Các nhà đầu tư chủ động cần đọc, nghiên cứu và hiểu rõ trước khi hành động. Họ thành công vì có óc tư duy logic và suy luận hợp lý, họ không bao giờ làm theo cảm xúc.
Giáo sư Graham nói: “Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán là một chiếc máy bỏ phiếu. Nhưng trong dài hạn, nó là một chiếc cân”. Điều ông muốn nói ở đây là trong ngắn hạn, sự chuyển động của cổ phiếu được quyết định bởi tính phổ biến hay không phổ biến. Thị trường ngắn hạn là những cuộc đấu giá, và giá được xác định bởi người mua và bán cuối cùng. Nhưng trong dài hạn, nó sẽ chỉ liên quan đến thu nhập hay “trọng lượng” của doanh nghiệp mà bạn sở hữu. Warren nói rằng: “Giá là những gì bạn trả, còn giá trị là những gì bạn nhận được”.
Sau đây là một bài tập thú vị. Hãy chỉ tay vào người bạn. Bạn đã chỉ ở đâu? Hầu hết mọi người đều chỉ vào trái tim. Chỉ có vài người chỉ lên đầu. Đối với đầu tư cũng vậy. Chúng ta thường mua nhà và xe hơi theo cảm xúc, nhưng chúng ta sẽ gặp khó khăn khi làm điều tương tự với các quyết định đầu tư của mình. Bạn cần phải biết bạn thuộc kiểu nhà đầu tư nào, và mua những khoản đầu tư của mình với cái đầu, chứ không phải với trái tim.
Cổ phiếu và hành vi của nhà đầu tư cũng rất đặc trưng. Khi cổ phiếu được bán rẻ, chúng ta tránh xa, và khi chúng đội giá quá cao, chúng ta lại hăm hở mua chúng – điều này thực sự đối nghịch hẳn với những gì người tiêu dùng làm với sản phẩm khác trên thị trường, dù đó là xe hơi, quần áo, hàng tạp hóa hay đồ điện tử.
Nhà đầu tư được kính trọng Peter Lynch từng nói: “Nếu bạn không tự thuyết phục được mình rằng ‘khi cổ phiếu của tôi giảm giá 25%, tôi sẽ là người mua’, và loại bỏ vĩnh viễn ý nghĩ chết người ‘khi cổ phiếu của tôi giảm giá 25%, tôi cần bán gấp’, thì bạn sẽ không bao giờ kiếm được lợi nhuận tử tế từ cổ phiếu. Lợi nhuận cổ phiếu thường dành cho những người mua cổ phiếu được bán với giá rẻ. Sẽ không có cái gọi là đầu tư không rủi ro”. Nhà đầu tư chủ động nên mua cổ phiếu với giá sỉ, khi chúng tạm thời không được ưa thích.
Ba từ có thể tóm tắt triết lý đầu tư mà Graham đã phát triển và được ứng dụng một cách xuất sắc bởi người học trò nổ tiếng của ông là “biên an toàn”. Graham sử dụng ví dụ này: Nếu bạn là một kỹ sư xây dựng cầu, bạn sẽ bảo đảm rằng mình xây dựng một cây cầu có trọng tải 30 ngàn tấn để có thể chịu được những phương tiện nặng 10 ngàn tấn đi qua nó. Với những khoản đầu tư, ông đề nghị nên mua với mức độ thu nhập chắc chắn tương tự để bạn có thể ngủ ngon về đêm. Cụ thể, hãy mua 1 đô-la tài sản với giá 50 xu, hoặc 1 đô-la thu nhập hàng năm với giá 1 đô-la. Các nhà đầu cơ thường làm xiếc trên dây mà không nghĩ đến lợi ích của lưới bảo hiểm. Họ cho phép những danh mục đầu tư 11 ngàn tấn lao qua những chiếc cầu chỉ chịu được 10 ngàn tấn. Họ đang vội, và sự khinh suất của họ cuối cùng sẽ trở thành sự sụp đổ. Bạn nên xem xét danh mục đầu tư của mình theo cách này: hãy đảm bảo bạn luôn có một biên an toàn, bất kể bạn là nhà đầu tư thuộc kiểu nào.
ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ LÀ GÌ?
Đầu tư giá trị có nghĩa là bạn phải xem xét kỹ lưỡng và tính toán giá trị sổ sách của công ty và giá trị nội tại cũng như mối tương quan của nó với giá thị trường. Làm sao bạn có thể nói lên sự khác biệt? Giá trị sổ sách là phép tính trừ đơn giản giữa tài sản và nợ. Giá trị nội tại, trái lại, là sự tính toán đầy thách thức và nghệ thuật về khả năng công ty sẽ có thu nhập bao nhiêu qua suốt vòng đời của nó. Không may là giá trị nội tại không phải là một hằng số, nó luôn thay đổi. Cuối cùng, giá trị thị trường (thị giá) chỉ đơn giản là giá cổ phiếu bạn được thông báo từ thị trường chứng khoán hoặc bạn đọc thấy trên báo.
Selena Maranjian, trong quyển The Motley Fool Money Guide (Cẩm nang dành cho các nhà đầu tư ngờ nghệch) của mình, đã xuất sắc giải thích bài tính khó đối với giá trị nội tại. Cô ra đưa ra ví dụ sau:
Bạn sẽ trả bao nhiêu cho một chiếc máy tạo ra 1 đô-la hàng năm trong 10 năm? Bạn sẽ không trả 10 đô-la bởi vì bạn chỉ thu lại được tiền vốn sau 10 năm mà thôi. Bạn cũng sẽ không trả 9 đô-la để có được 1 đô-la một năm trong 10 năm, vì thu nhập chỉ là 11,1% hoặc 1%/năm. Số tiền bạn muốn trả được xác định bởi mức thu nhập mà bạn tìm kiếm từ vốn đầu tư của mình. Nếu bạn muốn thu nhập hàng năm là 11% – có vẻ chính là tỷ suất thu nhập trên vốn cổ phần trong vài thập kỷ qua – thì bạn chỉ đưa ra mức giá mua xấp xỉ 1 xu một ngày, hoặc 3,52 đô-la cho chiếc máy này.
Selena tiếp tục giải thích rằng, năm 1990 bạn có thể mua một cổ phiếu GE với giá 6 USD, và trong 10 năm bạn sẽ thu được 6 đô-la cổ tức. Nhưng bạn cũng sẽ có trong tay một cổ phiếu đã tăng giá lên 150 USD.
Nhà đầu tư giá trị và bóng chày
Khi quá trình viết sách về đầu tư giá trị, về Ben Graham, Warren Buffett và Charlie Munger, tác giả Janet Lowe đã khám phá ra rằng các nhà đầu tư giá trị đều có chung tình yêu với môn bóng chày. Đó là một trò chơi dựa trên những con số thống kê và có đặc trưng là những bước di chuyển chủ động khi những thông tin khác nhau bị phát hiện. Bóng chày đòi hỏi sự kiên nhẫn của người chơi; xin lưu ý đây là một trong số ít trò chơi với bóng có tính đồng đội nhưng không sử dụng đồng hồ bấm giờ. Warren đã nghiên cứu tay vụt bóng chày giỏi nhất mọi thời đại, Ted Williams, và thường sử dụng hình ảnh bóng chày để nêu ra các luận điểm về đầu tư. Warren sở hữu một phần tư đội bóng chày chuyên nghiệp địa phương, đội Omaha Royals. Khi Warren lần đầu tiên phỏng vấn nhà phân bổ vốn Lou Simpson, người “dự phòng” của ông, họ đã nói chuyện về các nguyên tắc đầu tư và đội bóng chày Chicago Cubs.
Xét cho cùng thì các công ty được xác định giá trị dựa trên thu nhập của mình. Warren xem cổ phiếu như thể chúng là trái phiếu. Khác biệt duy nhất là trái phiếu có giá và tỷ suất hàng năm được in trên mặt trước của nó. Còn chứng chỉ cổ phiếu không in khoản thu nhập trên bề mặt; mỗi cổ đông phải tự tính toán các khoản thu nhập tương lai và mức giá mà họ sẵn sàng trả cho phần thu nhập đó. Trái phiếu dễ được định giá hơn so với cổ phiếu. Nếu trái phiếu kỳ hạn 10 năm được phát hành với thu nhập 1 đô-la một năm với giá là 20 đô-la, thì người mua đang đồng ý với mức lãi suất 5%/năm. Với cổ phiếu, bạn cần xác định giá trị nội tại của chúng mà không có những lợi ích tương tự như trái phiếu. Nhưng đối với Warren, sự thử thách và niềm vui nằm trong những phép tính của ông.
Sau khi hiểu được cách định giá một cổ phiếu, điều quan trọng thứ hai là bạn phải biết cách nghĩ về giá cổ phiếu. Hình 3.3 minh họa rằng nếu bạn mua một cổ phiếu dưới giá trị nội tại của nó, bạn sẽ có điều mà Graham gọi là “biên an toàn”.
HÃY TỰ NGHIÊN CỨU VÀ TƯ DUY ĐỘC LẬP
Ben Graham nói trong một buổi phỏng vấn: “Có hai điều kiện cần thiết để thành công ở Phố Wall. Một là bạn phải tư duy đúng, và hai là bạn phải tư duy độc lập”.
Khi được hỏi bằng cách nào ông biết được nhiều điều hay ho về cổ phiếu như vậy, Warren nói rằng ông đến thư viện và bắt đầu với vần A; ông đọc báo cáo thường niên của mọi công ty đại chúng. Hãy tự hỏi mình về mức độ thường xuyên của việc theo dõi tin tức tài chính, liệu bạn có thích thú trở thành nhà đầu tư chủ động thông qua sự tham gia hàng ngày hay không, hay liệu bạn chỉ muốn là nhà đầu tư thụ động (chỉ xem xét các khoản đầu tư hàng quý hay hàng năm). Hãy luôn nhớ rằng tất cả các nhà đầu tư xuất sắc đều là những người tư duy độc lập.
Khi được hỏi liệu ông có đăng ký nhận bất kỳ bản tin đầu tư nào hay không, Warren trả lời ngay là không. Ông tự ra các quyết định đầu tư của mình. Trong các báo cáo thường niên của ông, ông luôn liệt kê các tiêu chí thu mua công ty và nói với độc giả và cổ đông rằng ông không quan tâm đến các lời khuyên về bất cứ cổ phiếu được giao dịch công khai nào cả. Ông đã biết về chúng, và có quyết định riêng. Ông nhấn mạnh các thư giới thiệu về các công ty tư nhân đang được rao bán cần thể hiện rõ các tiêu chí đầu tư đơn giản của ông: thu nhập hàng năm luôn ở mức ít nhất 50 triệu USD, ít nợ, có sẵn nhà quản lý giỏi, hoạt động kinh doanh đơn giản, và đưa ra giá bán rõ ràng.
Buffett giờ đây đã đăng ký nhận bản tin Valueline, một ấn phẩm về dữ liệu và xếp hạng cổ phiếu. Ông đánh giá cao Valueline ở những dữ kiện cho các công ty ở nửa trên, chứ không phải những đánh giá ở nửa dưới bảng. Ông tự đo lường giá trị doanh nghiệp và tự quyết định doanh nghiệp đó đang được giao dịch thấp hơn giá trị nội tại hay không.
Nếu bạn đầu tư theo thị trường, bạn có thể đạt được những kết quả như thị trường. Bạn phải hành động khác đi mới thấy được kết quả khác hơn so với thị trường. Bạn phải tránh xa sự cuồng loạn của số đông. Nếu muốn đạt mức thu nhập trung bình, hãy đi theo tư duy tập thể của khoảng 50 triệu nhà đầu tư. Nếu muốn có kết quả khác biệt, bạn hãy tự nghiên cứu và tự quyết định.
Những người nghiên cứu và tư duy độc lập không có bậc thầy nào hướng dẫn và cũng không đăng ký nhận bản tin đầu tư nào cả. Họ tự ra các quyết định của mình. “Sư phụ” của họ là Warren Buffett là Ben Graham; hai ông là người dẫn dắt, và trên nhiều khía cạnh khác nhau, là ngọn hải đăng dẫn đường cho họ. Người ra quyết định độc lập luôn thể hiện trách nhiệm đối với tất cả những quyết định đầu tư. Nếu bạn muốn trở thành người giao dịch chủ động, hãy nhớ tự ra quyết định và chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi kết quả. Hãy là người đi đầu. Hãy chống lại sự lôi kéo của đám đông hay đi theo những lời mách nước của những kẻ trục lợi.
Một trong nhiều sai lầm phổ biến trong đầu tư là theo dõi và mua cổ phiếu của những quỹ tương hỗ có hiệu quả cao nhất, để rồi sau đó chỉ nhìn thấy chúng trở thành những quỹ có hiệu quả kém nhất. Đó không phải là nghiên cứu hay suy nghĩ độc lập.
Trước khi Berkshire mua công ty con sau này được họ sở hữu toàn phần Scott Fetzer (những doanh nghiệp chính bao gồm Campbell Hausfeld Air Compressors, World Book Encyclopedia và Kirby Vacuum), người môi giới kinh doanh phụ trách định vị doanh nghiệp rao bán đã tập hợp dữ liệu thành một “quyển sách”, giúp đưa ra cho người mua tiềm năng một cái nhìn tổng thể trước để hiểu doanh nghiệp thực sự có giá trị như thế nào và thuyết phục người mua trả giá cao hơn. Trong trường hợp này, ngân hàng đầu tư nọ đã thu một khoản phí ứng trước 2,5 triệu USD để tìm người mua và tập hợp tất cả vào một “quyển sách”.
Nhà môi giới cho thương vụ Scott Fetzer không có chút may mắn nào để tìm ra được một người mua. Vì thế Buffett sau khi tự nghiên cứu và quyết định mức giá trị mà ông nghĩ Scott Fetzer đáng có đã mua lại doanh nghiệp. Ngân hàng đầu tư nọ vì cảm thấy áy náy về khoản phí mà họ đã thu không hoàn lại, đã hỏi Warren và Charlie Munger liệu họ có muốn đọc “quyển sách” ấy không – Charlie đáp: “Tôi có thể trả thêm 2,5 triệu đô-la nữa cho các vị để khỏi phải đọc nó không?”. Đây mới đúng là nghiên cứu và suy nghĩ độc lập.
XÁC ĐỊNH RỦI RO
Cách bạn xác định rủi ro có thể mang lại cho bạn những thông tin sâu sắc về kiểu nhà đầu tư của bạn. Nhiều người tin rằng rủi ro là mức độ giá trị dao động của một khoản đầu tư nào đó. Kết quả là họ chỉ đầu tư vào những cổ phiếu có tính biến động thấp. Những người khác lại nói rủi ro là chỉ sở hữu một vài khoản đầu tư, vì thế họ đa dạng hóa danh mục của mình. Thay vì sở hữu thật nhiều một ít mã cổ phiếu (xem thêm Chương 7) thì họ lại sở hữu nhiều mã cổ phiếu, mỗi loại một ít.
Khi bạn mua hai đơn vị mỗi thứ, bạn sẽ có cảm giác ít rủi ro hơn là mua một thứ thật nhiều đơn vị. Warren gọi người có phương pháp tiếp cận này là “Nhà đầu tư kiểu con thuyền Noah: mỗi thứ bạn chỉ mua với số lượng hai đơn vị thì cuối cùng bạn sẽ có cả một “sở thú” danh mục đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư thường nhầm lẫn giữa tính thận trọng với tính an toàn và rủi ro thấp.
Theo Warren, rủi ro là bạn không biết bạn đang làm gì. Hầu hết mọi người đều đa dạng hóa đầu tư, hay nói theo Peter Lynch, là “trên cả sự ngây ngô”, nếu bạn biết cách xác định giá trị doanh nghiệp và mua nó với giá hấp dẫn, thì bạn sẽ muốn mua nhiều hơn đối với cổ phiếu bạn hiểu rõ và đang sở hữu, chứ không phải mua nhiều cổ phiếu khác ít hấp dẫn hơn.
Một số nhà buôn chủ động tin rằng bạn có thể giảm rủi ro bằng cách mua bán thường xuyên. Cũng giống như trò chơi “khoai tây nóng”, bạn giữ nó càng lâu thì bạn càng dễ bị phỏng.
Nhưng theo trường phái đầu tư Buffett thì không phải như vậy. Warren đã mua Coca-Cola bởi vì đó là một khoản đầu tư có chất lượng, được bán với mức giá hấp dẫn so với giá trị thực của nó. Sở hữu một phần khổng lồ của nó đã giảm thiểu rủi ro cho ông. Theo nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới này, việc sở hữu Coke trong vài giờ, vài ngày, thậm chí vài tháng, nói chung là “lướt sóng”, là cực kỳ rủi ro.
Bạn cần phải thực hành sự kiên nhẫn. Hãy nhớ lại rằng phải mất hơn 50 năm sau khi tìm hiểu rõ Coke thì Warren mới quyết định đầu tư vào cổ phiếu này. Ông theo dõi và hiểu hầu hết các cơ hội đầu tư trong nhiều thập kỷ trước khi quyết định mua, và khi đã mua thì ông mua với số lượng lớn.
Một cách khác để giảm rủi ro là tìm hiểu cơ hội đầu tư của bạn. Nếu bạn không hiểu, nghĩa là bạn đang tham gia vào một giao dịch mạo hiểm. Bạn cũng có thể gặp may, bạn có thể không hiểu hết cách mình làm ra tiền, nhưng cuối cùng bạn sẽ gánh chịu những hậu quả của sự thiếu hiểu biết đó. Warren gọi điều này là vòng tròn năng lực của bạn: chỉ duy trì những gì bạn biết và hiểu, và bỏ qua tất cả những điều khác.
Không thừa nhận sai lầm và thiếu sự nhún nhường là những cách khác mà các nhà đầu tư làm gia tăng rủi ro của mình. Sự ngạo mạn đã hạ gục nhiều nhà đầu tư giỏi. Điều quan trọng nhất là bạn phải thừa nhận sai lầm và học hỏi từ đó. Cách hay hơn là học hỏi từ sai lầm của người khác.
Như đã thảo luận trong chương này, rủi ro cũng được đo lường bằng cách xác định xem liệu bạn có xác định được biên an toàn với các khoản đầu tư của mình hay không. Sự phỏng đoán và quyết định đầu tư cẩu thả với xác suất thu nhập thấp đồng nghĩa với trò đánh bạc.
Một dạng rủi ro tiềm ẩn nguy hiểm khác là kỳ vọng quá cao vào khoản đầu tư của mình. Nếu thị trường chứng khoán trong dài hạn quay lại mức 11% trong khi bạn kỳ vọng 22% thì lúc này bạn đã tự đặt mình vào hành vi đầu tư rủi ro cao. Bạn cần phải hạ thấp kỳ vọng xuống. Nếu bạn đi đến một cuộc đua ngựa và kỳ vọng chú ngựa bạn chọn lúc nào cũng về nhất thì chắc chắn bạn sẽ chửi rủa và thất vọng sau đó. Hãy tìm kiếm những đối tác, nhà quản lý và các doanh nghiệp mà bạn sắp mua cổ phiếu có khả năng hứa hẹn ít nhưng làm nhiều.
Một rủi ro thường gặp nữa là nghe theo những kiến thức truyền thống ở hầu hết các lớp học về tài chính ở cấp đại học. Một phương pháp giảng dạy phổ biến là dạy theo lý thuyết thị trường hiệu quả - nghĩa là thị trường biết tất cả mọi thứ cần được biết về một cơ hội đầu tư và nó đã được phản ánh trong giá cổ phiếu. Nói cách khác, suy nghĩ thêm là dư thừa.
Các nhà lý thuyết thị trường hiệu quả sẽ khuyên bạn mua theo thị trường và do đó giúp bạn đạt được mức trung bình cho các khoản đầu tư của mình.
Rủi ro tăng lên đối với các nhà đầu tư theo biểu đồ (chartist) khi họ mua theo xu hướng thị trường. Các nhà đầu tư kiểu này tập trung vào những biến động về giá trong quá khứ thay vì vào giá trị. Warren nói: “Lý do ngu xuẩn nhất trên đời là mua cổ phiếu bởi vì nó đang tăng giá. Nó không cần phải nằm dưới đáy”. Ông nói tiếp: “Bạn chỉ cần những người trung thực và có năng lực [để điều hành công ty]. Đừng đánh bạc, hãy quan sát những trường hợp khác thường. Những cơ hội đầu tư xuất sắc nhất sẽ đến khi các doanh nghiệp tốt trải qua một biến cố làm cho giá cổ phiếu sụt giảm thấp hơn giá trị nội tại của nó”.
Việc mua những cổ phiếu giống như những cổ phiếu Buffett đã mua không đảm bảo bạn sẽ nhận được kết quả tương tự hoặc giảm thiểu được rủi ro. Trong hầu hết các trường hợp, bạn chỉ có thể biết ông mua cổ phiếu nào và bán cổ phiếu nào sau khi sự kiện đó đã diễn ra được một năm. Vì lý do hai nhà tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett đều thích chơi bài bridge, vậy nếu bạn cũng chơi bài bridge, bạn sẽ là tỷ phú. Niềm tin này được minh họa bởi một người đã đến thăm nước Mỹ và tham quan các thư viện của Carnegie, và viết: “Bạn không thể tin được có bao nhiêu tiền ở trong những thư viện ấy đâu”. Du khách ấy rõ ràng là không biết Andrew Carnegie đã tạo ra sản nghiệp của mình trong ngành thép và trao lại cho xã hội thông qua việc đóng góp cho các thư viện. Bạn cần phải hiểu những nguyên tắc giá trị nền tảng về việc tại sao bạn đầu tư cổ phiếu và cầm giữ chúng dài hạn.
Các nhà quan sát thị trường thường xuyên theo dõi và phát biểu về thị trường. Đó có thể là một ngày “đỏ” hoặc “xanh”, tùy điều kiện thị trường. Họ là những người đi theo thị trường và phân tích thị trường. Trái lại, Warren không đi theo thị trường nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc nếu thị trường đóng cửa vài năm. Ông đi theo các doanh nghiệp và tự xem mình là một nhà phân tích kinh doanh. Tài năng của ông là xác định giá trị thực sự của doanh nghiệp trong suốt thời gian tồn tại của nó, và ông chỉ cần cố gắng mua nó với giá rẻ hơn.
Lao vào những cổ phiếu công nghệ và những doanh nghiệp chỉ có triển vọng mà không có thu nhập cụ thể là một hành động vô cùng mạo hiểm.
Tất cả tài sản của Warren đã được tạo ra từ những cổ phiếu của nền “kinh tế cũ”: giải khát (Coca-Cola), báo chí (Washington Post) và bảo hiểm xe hơi (GEICO). Ông cũng đầu tư vào những doanh nghiệp được sở hữu toàn phần như gạch ngói (Acme), thảm (Shaw), sơn (Benjamin Moore), kẹo sô-cô-la (See’s), kem (Dairy Queen), từ điển bách khoa (World Book) và giày cao bồi (Justin) bởi vì tất cả đều có thể xác định giá trị. Ông chỉ cần đi trước 10 năm để xác định một công ty sẽ có thu nhập gì và chiết khấu ngược về ngày hôm nay. Nếu ông không thể xác định được công ty đó sẽ ở đâu trong 10 năm tới, ông không thể xác định được giá trị của nó. Như lời của một quản thư trưởng ở trường đại học: “Warren Buffett là một nhà đầu tư tương lai vĩ đại”. Các công ty không có thu nhập thì không thể xác định được giá trị.
Đầu tư mà không xem xét năng lực của ban quản trị doanh nghiệp cũng là mạo hiểm. Ban quản trị có điều hành công ty vì lợi ích của cổ đông hay không? Tiêu chí thu mua công ty của Warren rất đơn giản. Ông muốn mua số lượng lớn, với khoản thu nhập hiện tại khoảng 50 triệu USD. Ông tìm kiếm các khoản thu nhập đều đặn, không nợ, ban quản trị đi cùng công ty. Bạn có nhớ ông đã từng nói: “Mua lại một công ty bán lẻ mà không có ban quản trị cũng giống như mua lại tháp Eiffel mà không có thang máy!”. Ông tìm kiếm những ngành kinh doanh đơn giản. Ông sẽ không tiến hành các giao dịch thù địch. Ông luôn tìm giá tốt và khi tìm được ông sẽ quyết định trong vòng không đầy năm phút.
Mua cổ phiếu vì bạn đang có sẵn tiền cũng dễ chịu rủi ro. Đôi khi, hoạt động đầu tư tốt nhất lại là không mua bán gì cả. Từ 1985 đến 1988, Warren Buffett không mua một cổ phiếu nào, và không có sự thay đổi lớn nào trong danh mục cổ phiếu đầu tư của ông diễn ra trong 10 năm qua. Các nhà đầu tư giá trị thường ngủ ngon và sống lâu. Buffett nói: “Đừng sở hữu nó trong 10 phút nếu bạn không có ý định sở hữu nó trong 10 năm”.
Đầu tư bằng cách đi theo thị trường cũng đầy nguy hiểm và rủi ro. Một số người không bao giờ đầu tư bởi vì nhiều biến cố hay rủi ro thị trường sau đây trong suốt cuộc đời của một tỷ phú. Bảng 3.4 liệt kê gần 70 biến cố thị trường đã xảy ra trong cuộc đời Buffett – chúng có thể ngăn cản một người đi theo thị trường thực hiện bất cứ quyết định đầu tư nào, và nếu người phân tích thị trường không đầu tư thì họ sẽ nhanh chóng bán đi vì những rủi ro này của thị trường.
Warren Buffett giảm rủi ro bằng cách trở thành nhà phân tích doanh nghiệp, chứ không phải là nhà phân tích thị trường. Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 cũng không ngăn cản được ông đầu tư vào Washington Post. Và sự sụp đổ của thị trường năm 1973 và 1974 cũng không buộc ông phải bán những cổ phiếu là những khoản đầu tư dài hạn tuyệt vời.
MỐI QUAN HỆ GIỮA QUYỀN SỞ HỮU DOANH NGHIỆP VÀ ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ
Quyền sở hữu và giá trị luôn nhất quán trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Bạn có nhớ Warren đã mua căn nhà đầu tiên mà ông vẫn ở đến ngày nay với chỉ 10% giá trị tài sản của ông, trái với hầu hết những người mua nhà khác, trả ngay 20% tiền cọc và mượn 80% còn lại để trả cho thứ mà họ không được sở hữu. Ngân hàng và nhà môi giới bất động sản hết sức sung sướng khi chúng ta mua bán nhà của mình sau mỗi sáu năm.
Có phải là sự trùng hợp không khi một trong những nhà đầu tư giá trị nổi tiếng nhất và một trong những người giàu nhất thế giới vẫn sống trong căn nhà được mua từ 40 năm trước? Ngoài ra, hãy thử xem xét chiếc xe của ông: Warren chọn xe theo trọng lượng và biên an toàn của nó (túi khí bảo vệ cho lái xe và hành khách), và ông lái chiếc xe ấy suốt 10 năm. Văn phòng và số lượng nhân viên ông rất khiêm tốn nhưng hiệu quả. Bạn có thể học từ người giỏi nhất, hoặc bạn có thể phạm sai lầm của riêng mình. Warren đã ghi lại những sai lầm của mình, và bạn có thể đọc thấy chúng tại địa chỉ www.berkshirehathaway.com. Ông sẵn sàng thừa nhận rằng ông đã từng đầu tư bằng cảm xúc, thay vì trí tuệ.
KẾT LUẬN
Bài tập nhỏ cho chương này chỉ đơn giản là xác định bạn là nhà đầu tư kiểu gì, hoặc bạn muốn trở thành nhà đầu tư kiểu gì. Việc tự phân tích và tự tìm hiểu bản thân này là một lợi thế tốt nhất về dài hạn. Bất kể bạn muốn hoàn thành điều gì, bạn đều cần đến một kế hoạch. Nếu bạn sắp xây một ngôi nhà, bạn cần những bản vẽ chi tiết. Bạn cũng cần những thứ tương tự như vậy để xây dựng tài sản của mình. Kế hoạch của bạn bắt đầu bằng việc tự tìm hiểu bản thân. Bạn là nhà đầu tư thuộc kiểu gì? Hãy mua kính đọc sách, nếu cần. Hãy giữ mọi thứ thật đơn giản. Bảng 3.5 đưa ra các câu hỏi đơn giản để bạn có thể bắt đầu.
Bảng 3.5 Những câu hỏi giúp xác định chiến lược đầu tư của bạn
Tất cả hoạt động đầu tư đều bắt đầu bằng sự tự phân tích. Hãy tự khám phá để xác định bạn là nhà đầu tư kiểu gì. Hãy đọc hết danh sách bên dưới và điền vào sự mô tả sâu sắc về bản thân của bạn liên quan đến hoạt động đầu tư.
_________________________________________________________
Những kỳ vọng đầu tư của bạn là:
_________________________________________________________
_________________________________________________________
_________________________________________________________
_________________________________________________________
_________________________________________________________
Khung thời gian đầu tư của bạn là:
_________________________________________________________
Với thang điểm từ 1-10 (10 là cao nhất), khả năng chịu rủi ro của bạn là:
_________________________________________________________
Tình hình cuộc sống hiện tại của bạn (độc thân, kết hôn, có con, nghỉ hưu):
_________________________________________________________
Bạn cần thu nhập hay tăng trưởng vốn? Bạn cần những mức thuế thấp?
_________________________________________________________
Bạn có chấp nhận rủi ro không? Thận trọng? Một nhà đầu tư có đạo lý? Một người thích ngược dòng? Chỉ mới bắt đầu?
_________________________________________________________
Bạn có bao nhiêu tiền để đầu tư? Bạn có một khoản tiền lớn, một khoản thừa kế; bạn dám chấp nhận mất ít hay mất nhiều tiền?
_________________________________________________________
Hãy mô tả tính cách của bạn liên quan đến đầu tư. Bạn có thức dậy sớm và chạy bộ không, bạn có đọc tất cả những tin tức liên quan đến tài chính không, có nghiện làm việc không? Hay bạn thích ngủ nướng, thích dành thời gian cho gia đình, thỉnh thoảng mới quan sát hoạt động đầu tư, hay bạn chỉ thích xem xét danh mục đầu tư mỗi năm một lần?
_________________________________________________________
_________________________________________________________
Điều quan trọng nhất là tự hỏi bạn là nhà đầu tư chủ động hay thụ động?
_________________________________________________________
_________________________________________________________
Warren có thể dạy cho bạn toàn bộ khóa học về quản lý danh mục đầu tư trong một vài tuần. Đó là phần dễ dàng. Hiểu được bản thân và đặt ra kỷ luật để áp dụng nó mới khó hơn. Hãy thừa nhận sai lầm của mình và ra ít quyết định hơn, nhưng những quyết định đó phải tốt hơn. Hãy tự hỏi: Mình có thể trải qua ba năm không giao dịch không? Hai từ “Hoạt động và “giao dịch” thường nằm trong tên gọi của nhiều công ty môi giới chứng khoán. Họ được thành lập để khuyến khích bạn đi theo những quy tắc trái ngược với Warren, và trở thành những nhà đầu cơ và nhà buôn. Có lẽ đó là loại nhà đầu tư mà bạn không muốn trở thành. Các công ty môi giới này không đặt những cái tên như Gia sản Mỹ (Ameri-Wealth), Tài sản Điện tử (E-Asset), hay Scott-Lợi nhuận (Scott-Earnings). Tất cả đều có từ “giao dịch” trong tên gọi của chúng và làm ra tiền từ các giao dịch đầu tư của bạn.
Hãy mua cổ phiếu của những công ty huyền thoại – như Coca-Cola, một doanh nghiệp của nền kinh tế cũ đã tồn tại hơn 100 năm qua. Năm bắt đầu hoạt động của các công ty Warren đầu tư vào là 1909, 21 năm trước khi ông sinh ra.
Hãy tìm kiếm sự hoàn hảo. Hãy hành xử như một người mua lại doanh nghiệp tiềm năng và nói chuyện với nhân viên, nhà quản lý, khách hàng, và ngay cả đối thủ cạnh tranh của công ty. Hãy đầu tư dài hạn. Hãy kỳ vọng các mối quan hệ kinh doanh của bạn kéo dài cả cuộc đời.
Các cổ phiếu cần đơn giản. Hãy mua những cổ phiếu của những công ty vĩ đại với ban quản trị đạt những tiêu chuẩn cao nhất với giá thấp hơn giá trị thực của công ty. Hãy dành thời gian để tự xác định mình là nhà đầu tư thuộc kiểu nào. Bạn có thể gây dựng tài sản, nhưng trước hết bạn phải xây dựng kiến thức, đặc biệt hiểu rõ bản thân mình.
Chương tiếp theo sẽ nói về việc phát triển triết lý đầu tư. Đây là bước cực kỳ then chốt trong việc tạo ra gia sản theo phong cách của Warren Buffett.