A
rsenal, ngày 24 tháng 10 năm 2004.
Trận cầu ân oán.
Gọi như vậy vì Arsenal và Manchester United là kỳ phùng địch thủ trong cả thập kỷ qua. Hai đội bóng tạo ra những trận cầu nảy lửa trong quá khứ với những màn xô xát. 20 con người lao vào nhau bất chấp những tấm thẻ đỏ.
Trận đấu tệ nhất diễn ra ở mùa giải trước đó, khi cầu thủ đôi bên đều bị kích động. Khi ấy tôi còn khoác áo Everton và xem trận cầu qua truyền hình. Ruud và vài gã cầu thủ Arsenal gây hấn với nhau – kiểu xô xát mà khán giả nào cũng muốn xem. Mọi chuyện bắt đầu khi Diego Forlan đem về một quả phạt đền. Các cầu thủ Arsenal phàn nàn rằng Diego đã ăn vạ, và khi Ruud sút hỏng, một vài gã vây lấy, hét vào mặt, chế giễu anh ấy. Họ tức giận vì trước đó Ruud khiến đội trưởng của Arsenal, Patrick Vieira, bị đuổi khỏi sân, nhưng phản ứng của họ quả là tồi tệ, nhất là Martin Keown; gã đó hét thẳng vào Ruud, nhảy loi choi như một kẻ tâm thần vậy. Mắt gã ta mở to ra, chẳng khác nào một cái xác sống trong phim kinh dị.
Giờ tới lượt tôi đối diện với sức ép của một trong những trận chiến lớn nhất Premier League.
Trước trận đấu, rất nhiều người nói về bầu không khí của cuộc đọ sức này. Báo chí không ngừng nhắc về trận đấu mùa trước và tôi không thể nào xem được một cái gì khác trên vô tuyến ngoài xích mích giữa Ruud và Keown. Rõ ràng điều đó khiến Ruud khó chịu vì anh ấy không lên tiếng trong vài ngày liền. Mọi sự chú ý đều hướng vào anh ấy. Anh ấy lờ đi tất cả và không nói chuyện với bất cứ ai trong phòng thay đồ tại Carrington. Trong khoảng thời gian tiếp xúc ngắn, tôi biết Ruud luôn tập trung cao độ, nhưng tuần này thì có gì đó thâm nhập vào luồng suy nghĩ của anh. Ruud không còn là chính mình. Không ai hỏi anh ấy về trận đấu hay tinh thần, nhưng ai cũng đinh ninh rằng anh muốn chứng tỏ điều gì đó. Có người cho rằng quả phạt đền hỏng ở trận gặp Arsenal hẳn là gánh nặng đối với anh ấy trong một khoảng thời gian dài.
Cả hai đội đều sẵn sàng cho cuộc đụng độ. Các cầu thủ Arsenal thậm chí còn ôm lấy nhau trước trận đấu, như thể họ chuẩn bị bước vào một cuộc chiến. Một khi tiếng còi khai cuộc cất lên, bầu không khí tại Old Trafford sẽ trở nên vô cùng nặng nề và giàu cảm xúc, vì đội nào cũng muốn hủy diệt đối phương. Hôm đó tôi tròn 19 tuổi, nhưng chẳng có món quà sinh nhật nào trên sân.
Trận đấu diễn ra cân bằng. Chúng tôi được đá sân nhà và tái khởi đầu mùa giải sau những trận hòa đáng thất vọng trước Birmingham và Middlesbrough; Arsenal thì bất bại trong 49 trận liên tiếp trước đó và họ là một đội bóng tuyệt vời – Dennis Bergkamp, Ashley Cole, Thierry Henry và Patrick Vieira đều ở đỉnh cao phong độ, nhưng điểm yếu là họ biết rõ điều đó. Suốt một tuần, họ không ngừng hô hào rằng kéo dài mạch bất bại lên con số 50 ngay tại Old Trafford sẽ tuyệt vời như thế nào.
Một sai lầm lớn. Họ thắp lên ngọn lửa quyết tâm cho chúng tôi.
50 trận bất bại? Đừng mơ! Đây là sân nhà của chúng tôi.
Bất cứ một cầu thủ giỏi nào của United cũng sẽ có suy nghĩ ấy.
Không ai được phép nghĩ chúng tôi là kẻ dễ bị đánh bại.
Ngay từ phút đầu tiên, những cú phi thân tắc bóng được tung ra tới tấp. Giành lấy bóng là mục tiêu tối thượng. Sau hiệp đầu chặt chẽ, hai đội bước vào giờ nghỉ với tỷ số không bàn thắng. Bước vào hiệp hai, Ruud có cơ hội chuộc lại lỗi lầm ở quả phạt đền mùa trước, khi tôi đột phá vào vòng cấm ở phút 73. Sol Campbell xoạc chân và chạm trúng bóng, nhưng quán tính của anh ấy khiến tôi ngã nhào xuống. Tôi nghĩ tiếng còi sẽ vang lên và biết chắc chắn trọng tài chỉ tay vào chấm phạt đền, vì khán giả đang ăn mừng cuồng nhiệt, còn Ashley Cole và Sol Campbell thì phẫn nộ, hét lên rằng tôi đã ăn vạ, tôi không hề bị đốn ngã. Hài hước là họ đều đúng và sai. Tôi không bị phạm lỗi, nhưng cũng không ăn vạ. Hai sự thật ấy giao nhau và trọng tài phải đưa ra quyết định. May mắn là chúng tôi được hưởng phạt đền.
Tất cả đều nhìn vào Ruud, người đã cầm sẵn bóng trên tay. Tôi biết mình sẽ không có cơ hội thực hiện nó, vì anh ấy khao khát cú đá 11m này và tất cả đều mong mỏi anh ấy ghi bàn, như thể đây là thời khắc trả thù. Cảm tưởng như cả Old Trafford đều đang ước quả bóng găm vào lưới, nhưng theo quan sát của tôi, Ruud dường như không chuẩn bị tốt. Tôi từng chứng kiến anh ấy tập đá phạt đền trong các buổi tập hằng ngày và anh ấy luôn đá về một hướng. Những cú sút của anh ấy đều rất căng và thủ môn thường không có cơ hội cản phá. Lần này, khi bước lên chấm phạt đền, anh chọn hướng khác và đá quả bóng hiền hơn rất nhiều. Ngay lập tức tôi biết rằng, nếu thủ môn của Arsenal, Jens Lehmann, đoán đúng hướng thì sẽ cản phá thành công, vì bóng đi không đủ nhanh.
Tôi tưởng anh ấy đã đá hỏng.
Cơn ác mộng của Ruud sẽ càng tồi tệ hơn. Thời gian dường như đóng băng. Nhưng rồi Lehmann đoán sai hướng. Anh ta bay về phía ngược lại, còn cú sút của Ruud đưa bóng vào lưới. Anh ấy hoàn toàn nhẹ nhõm và chạy tới chỗ các cổ động viên. Anh không nhìn về phía đồng đội, băng ghế dự bị hay huấn luyện viên trưởng, nhưng tôi có thể thấy niềm vui và sự giải tỏa trên gương mặt anh. Đó có lẽ là cảm xúc chân thực nhất mà tôi từng thấy trên gương mặt một cầu thủ sau khi ghi bàn – như thể anh ấy vừa trút bỏ gánh nặng của cả thế giới khỏi đôi vai. Tôi chạy theo ăn mừng khi anh ấy tiến tới cột cờ góc sân, quỳ xuống và quay đầu lại. Anh ấy hét lên và nắm chặt tay. Tôi lập tức liên tưởng tới hình ảnh của Stuart Pearce khi ông ấy ghi bàn cho đội tuyển Anh trong loạt sút luân lưu ở vòng tứ kết với Tây Ban Nha tại Euro 96. Ông ấy phát điên. Ký ức về quả 11m hỏng ăn ở trận bán kết World Cup 90 với Tây Đức bị xóa nhòa chỉ bằng một cú đá. Giờ thì Ruud cũng vậy.
Một cảm xúc chân thực.
Tôi cũng muốn lao vào ăn mừng, nhưng nhìn cái cách anh ấy ngước lên bầu trời, hét vang cả Old Trafford, tôi hiểu rõ anh ấy cần khoảnh khắc này cho riêng mình. Arsenal tỏ ra hoảng loạn, và chúng tôi dẫn trước 1 bàn. Tôi hiểu rõ họ sẽ không có được trận bất bại thứ 50. Suy nghĩ ấy thúc đẩy đội bóng chiến đấu suốt 15 phút cuối cùng, gia cố bức tường phòng ngự cũng như tìm cơ hội phản công ghi bàn thắng thứ hai. Phút 90, tôi đóng chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài của Arsenal.
Tiền vệ của chúng tôi, Alan Smith, chàng trai người Yorkshire với mái tóc vàng, có bóng ở gần đường biên dọc. Tôi chạy chỗ vào vòng cấm để đón đường chuyền của anh ấy. Khi tôi vung chân, một hậu vệ Arsenal cố đá vào gót của tôi. Đó là Lauren, anh ta muốn đốn ngã tôi, nhưng không được. Tôi khao khát có bàn thắng đầu mùa của bản thân cho United tới mức cố gắng để giữ vững sự thăng bằng. Một cú đệm bóng và bàn thắng được ghi.
Đơn giản là vậy. 2-0!
Bàn đầu tiên tại Premier League của tôi cho United.
“Chúc mừng sinh nhật, Wayne Rooney!”
*
* *
Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên sau đó không lâu, tôi bước vào phòng thay đồ và cởi trang phục thi đấu ra. Chỉ có ít người ở đó, phần lớn vẫn còn đi trong đường hầm. Đồng phục đã cởi ra, tất kéo xuống mắt cá, tôi đang nghĩ tới việc đi tắm thì đột nhiên nghe thấy tiếng hét rất lớn. Tôi nhìn ra ngoài cửa thì thấy các đồng đội đang xô xát với phe Arsenal. Tất cả đẩy nhau, xô nhau, gây hấn với nhau. Cả đường hầm loạn lên, không thể phân biệt được ai với ai nữa. Như một vụ xô xát thỉnh thoảng vẫn diễn ra trên sân bóng. Mấy chuyện lặt vặt.
Arsenal chắc chắn là không chịu đựng được. Họ không thích chuỗi trận bất bại kết thúc, đặc biệt là tại Old Trafford, và với tất cả lịch sử thù địch của hai đội. Tôi nghĩ việc Ruud ghi bàn hôm nay càng làm họ điên tiết hơn.
Sau ít lâu thì mọi người cũng bình tĩnh. Các đồng đội của tôi trở về phòng thay đồ để tận hưởng chiến thắng. Nhưng huấn luyện viên trưởng bước vào. Ông ấy dường như bị sốc. Kỳ lạ là ông ấy mặc một chiếc áo khác so với cái đã mặc trong trận đấu.
Một người đồng đội nói rằng: “Ai đó đã ném pizza vào huấn luyện viên trưởng.”
Tôi nhìn ông ấy. Chúng tôi chiến thắng, nhưng ông ấy không đi quanh và bắt tay các cầu thủ như mọi khi. Huấn luyện viên trưởng cứ như người mất hồn vậy, hình ảnh mà tôi từng nghĩ rằng mình không bao giờ được thấy.
Rồi tất cả cũng trở lại với chủ đề trận đấu vừa qua.
Chúng tôi ngăn Arsenal kéo dài mạch bất bại lên 50 trận.
Chúng tôi thắng 2-0, Ruud ghi bàn.
Chúng tôi nhìn vào bảng xếp hạng.
BẢNG XẾP HẠNG PREMIER LEAGUE,
NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2004
Chúng tôi có một kết quả ấn tượng trước đội nhất bảng, thu hẹp khoảng cách với nhóm đầu và kết quả này có thể là bệ phóng cho một mùa giải thành công. Nhưng bầu không khí trong phòng thay đồ có chút lạ lùng.
*
* *
Sau trận thắng Arsenal, chúng tôi lập tức vấp ngã với thất bại 0-2 trước Portsmouth tại Fratton Park. Tiếp đến là chuỗi 5 tháng bất bại ở giải Ngoại hạng, trong đó có trận thắng Arsenal ở lượt về. Crystal Palace, Manchester City, Liverpool và Aston Villa đều nằm trong danh sách nạn nhân. Phải tới tận tháng 4, chúng tôi mới để thua thêm lần nữa với tỷ số 0-2 trước Norwich. Sau đó là trận đấu mà tôi đã chờ đợi cả mùa giải: Gặp Everton tại Goodison Park.
Đến lúc đối diện với thứ âm thanh kinh khủng.
Đó là lần đầu tiên tôi thi đấu tại Goodison Park kể từ khi cập bến Old Trafford, và tôi hiểu cổ động viên Everton chưa thể cho qua chuyện tôi khoác áo United. Nói trắng ra là họ ghét điều đó. Khi thương vụ diễn ra hồi mùa hè, những lời dọa giết được gửi đến tận nhà tôi. Tôi thậm chí còn phải thuê vệ sĩ riêng cho bố mẹ.
Tôi biết điều gì sẽ xảy ra khi xe buýt của United rẽ vào con đường dẫn tới sân vận động vì tôi đã nhiều lần lái xe qua cung đường này khi còn là cầu thủ Everton. Tôi đã đi bộ qua đó không biết bao nhiêu lần, mỗi khi làm cổ động viên đi xem bóng đá cùng bố, hay làm cậu bé nhặt bóng tới sân thực hiện nhiệm vụ. Tôi nghĩ có hàng trăm người đứng chờ ở đó để “nắn gân” khi chúng tôi xuống xe.
Chiếc xe của chúng tôi đổi hướng.
Tôi có thể thấy kỵ binh và những chiếc xe tải bán burger. Goodison hiện ra trước mắt, cùng với đám đông đang chờ đợi chúng tôi. Chờ đợi tôi!
Khủng khiếp! Có đến hàng nghìn người ở đây.
Đám đông đã chờ sẵn hai bên cổng. Cả một biển người la ó khi chiếc xe buýt tiến vào bãi đỗ xe. Tất cả mọi người trên xe đều hiểu rõ đám đông muốn gây sự với tôi, nên họ bắt đầu trêu chọc tôi. Ai đó đùa rằng bạn tôi đang đứng đợi ở ngoài để nói câu xin chào, nhưng rồi một viên gạch đập vào hông xe. Rồi một viên gạch nữa. Tôi nghe tiếng cửa kính nứt vỡ. Ai đó ném một cái chai. Tôi đã đoán rằng mình sẽ bị phản đối vào chiều nay, nhưng không ai báo trước cho tôi về điều này. Cửa xe mở ra, tôi bước xuống và nhìn thấy toàn bộ cổ động viên Everton. Lần đầu tiên họ thấy tôi khoác complet của United và bắt đầu la ó, chế nhạo đến chói tai.
Sự giận dữ bao trùm.
Thật đáng buồn với bầu không khí ấy. Everton là đội bóng mà tôi cổ vũ thời niên thiếu và dù đang khoác áo United, tôi vẫn muốn Everton thi đấu tốt. OK, không phải hôm nay, nhưng đó là đội bóng cũ của tôi, là điểm đến mơ ước của tôi khi còn là một đứa trẻ. Những cổ động viên này có lẽ trước đây đã từng đứng chung một khán đài với tôi, giờ lại quay sang mạt sát tôi. Họ là người hâm mộ của đội bóng mà tôi hằng yêu mến.
Rồi tôi bước vào sân và mọi thứ đều trở nên lạ lẫm. Vẫn là sân bóng ấy, vẫn là những gương mặt thân quen, vẫn là màu sắc thân thuộc, nhưng bầu không khí quả là khác biệt. Tôi đang ở nơi mình khôn lớn, trong sân bóng làm nên tên tuổi của bản thân, nhưng cảm thấy mình như là một người ngoài hành tinh vậy. Ngồi trong phòng thay đồ của đội khách càng khiến tôi cảm thấy xa lạ với Goodison Park.
Nhưng tôi không thể để mình gục ngã.
Tôi phải tỉnh táo. Tập trung. Các cổ động viên Everton ngoài kia chưa thể khiến tôi sợ hãi được, họ thậm chí còn khiến tôi khao khát chiến thắng hơn. Tôi muốn ghi bàn. Tôi muốn chứng tỏ những gì mình có thể làm được. Tôi muốn khiến họ ngậm miệng. Tôi biết nhiều cầu thủ sẽ hạnh phúc với một kết quả hòa khi đối đầu đội bóng cũ, nhưng tôi không giống họ. Hôm nay, tôi thèm khát chiến thắng.
Khi bước vào đường hầm vài phút trước trận đấu, tôi nhận ra cổ động viên đội chủ nhà đã đặt rất nhiều tâm huyết vào trận đấu này. Tôi nghe những bản nhạc từ Z-Cars, bài hát truyền thống của câu lạc bộ, khi các cầu thủ tiến vào sân. Khi tôi bước ra khỏi đường hầm, tiến về phía ánh nắng và nhìn thấy khán đài Gwladys Street End, tiếng la ó đến đinh tai. Tất cả đều nhắm vào tôi, khiến tôi lập tức dựng tóc gáy. Giờ thì tôi thực sự đau lòng. Mọi ý nghĩ về việc làm cổ động viên Everton biến mất từ khoảnh khắc ấy.
Hôm nay tôi phải ghi bàn.
Tiếng còi khai cuộc vang lên, đúng như dự đoán, pha chạm bóng đầu tiên của tôi được đón chào với hàng ngàn tiếng la ó. Lần tiếp theo cũng vậy. Thêm lần nữa. Thêm lần nữa. Tôi giữ bình tĩnh và đội bóng đứng vững trong 45 phút đầu tiên, nhưng hiệp hai trở thành thảm họa cho tất cả chúng tôi. Everton hừng hực khí thế với cảm giác về một trận chung kết, chiến đấu trên khắp mặt sân. Duncan Ferguson, người hùng của tôi thuở thơ ấu, ghi bàn ở phút 55. Gary Nev sút bóng thẳng vào khán giả và nhận thẻ đỏ trực tiếp, rồi tới phút bù giờ và Scholesy bị đuổi khỏi sân với thẻ vàng thứ hai.
Khi tôi bước ra khỏi sân cùng thất bại sau tiếng còi mãn cuộc, tiếng cười và âm thanh ăn mừng của cổ động viên Everton lớn hơn cả những tiếng la ó.
Không có gì tệ hơn cảm giác ấy.
*
* *
Có một số bàn thắng quan trọng hơn những bàn thắng khác. Ghi bàn trong trận thắng 4-1 cũng tuyệt, nhưng không đặc biệt. Ghi bàn danh dự trong thất bại 1-3 không có ý nghĩa gì. Hat-trick luôn luôn phi thường.
Thực hiện một siêu phẩm còn đem lại cảm giác tuyệt vời hơn thế, có lẽ vì mọi thứ chỉ diễn ra trong tích tắc, nên nó luôn gây bất ngờ.
Vào tháng 4, tôi tạo nên một siêu phẩm như thế trước Newcastle trên sân nhà. Cú vô-lê từ gần 23 mét đưa bóng vượt qua Shay Given và găm thẳng vào lưới của Newcastle. Hài hước là khi tình huống diễn ra, tôi vẫn còn mải tranh cãi với trọng tài. Chúng tôi vừa giành được quả đá phạt và Alan Shearer đá bóng ra xa. Tôi cố gây áp lực để khiến anh ta nhận thẻ vàng. Tôi càng bực mình hơn vì đội nhà đang thua 0-1 sau bàn thắng của Darren Ambrose và bản thân thì bị đau chân. Huấn luyện viên trưởng muốn rút tôi ra ngoài.
Khi trận đấu tiếp diễn, bóng được đưa lên phía trên. Tôi chạy theo, vẫn gào thét vào tai trọng tài, nhưng bất chợt dừng lại ngoài vòng cấm. Bóng bật ra từ cú đánh đầu của hậu vệ Newcastle và đến ngay trước mặt tôi với độ cao hoàn hảo. Tôi dồn nén mọi sự giận dữ vào cú sút này, vung chân mạnh nhất có thể và bóng phóng vào góc cao khung thành tựa hỏa tiễn. Old Trafford dường như phát điên.
Chân? Chân nào ấy nhỉ?