C
ông việc mỗi ngày thường bắt đầu bằng việc lái xe tới Carrington, đi qua nhóm cổ động viên săn chữ ký đang chờ sẵn ở cổng với áo đấu, áp phích và băng hình mấy trận đấu cũ. Tôi lái xe vào bãi đỗ giữa một rừng BMW và Mercedes. Chiếc Audi của huấn luyện viên trưởng đã ở đây từ lâu. Ông ấy bắt đầu làm việc sớm hơn vài giờ so với mọi người và có thể ông ấy cũng là người cuối cùng ra về vào buổi tối. Dù tôi đến hay đi, chiếc xe của huấn luyện viên trưởng vẫn luôn ở đúng một chỗ.
Tôi đi qua quầy lễ tân, nơi có một mô hình xịn sò của sân Old Trafford ở giữa sảnh và đi xuống một hành lang được chiếu sáng rực rỡ. Trên đường đi, tôi lướt qua những bức ảnh trên tường: Những đứa trẻ của Busby, Giggsy và Ronaldo ăn mừng bàn thắng, huấn luyện viên trưởng tỏ ra đáng sợ trong một bộ complet thời trang.
Cuối hành lang là cánh cửa đi vào phòng thay đồ. Tôi có thể nghe thấy tiếng một vài người đã ở đó và đang cười đùa. Gary Neville, Darren Fletcher, Rio, West Brown.
“Ổn chứ, Wazza?”
Tôi chào lại và chuẩn bị trang phục thi đấu. Cả đội United gặp nhau ở đây trước mỗi buổi tập. Bạn có thể nhận biết dễ dàng vì nơi đây chẳng khác nào phòng ngủ của con nít. Rác la liệt trên mặt đất – hộp nước Ribena, tạp chí xe đạp, vỏ bọc của một đôi bọc ống đồng mới – bên cạnh những đôi giày, dép lê, khăn tắm. Trên tường có màn hình ti vi. Nó nhắc nhở các cầu thủ thời điểm cần xử lý móng chân hoặc đi mát-xa; thực đơn bữa trưa luôn ở đó. Ai đó đặt con khỉ đồ chơi trên giá treo tường. Có một kệ đỡ Ipod để chúng tôi có thể bật nhạc.
Tủ của tôi nằm ở góc phòng. Trên cửa, ai đó đã táo tợn dán hình tạp chí cũ của tôi và Coleen mấy năm về trước. Đôi khi ngồi ở đây, thay đồ, tôi vẫn không tin được vào vận may của bản thân.
Tôi là một cầu thủ chuyên nghiệp.
Thật tuyệt khi được chơi bóng mỗi ngày và kiếm tiền từ đó. Đôi lần tôi nghe ai đó nói là ghét tập luyện, nhưng tôi thì thích điều đó. Làm sao mà không thích được chứ? Quy định rất đơn giản: Đến nơi đúng 9 giờ 30, ai đến muộn sẽ bị phạt. Vào việc rồi thì làm những gì mà huấn luyện viên trưởng nói. Chỉ có thế thôi.
Chúng tôi bắt đầu quy trình hằng ngày bằng việc thay quần áo và cười đùa, rồi bắt đầu bài tập khởi động đầu tiên: hai mươi phút chạy xe đạp nhẹ nhàng.
Rồi chúng tôi lấy giày và đi ra ngoài.
Chúng tôi đá bóng ma trong một khu vực được đánh dấu trên sân, tám người chuyền bóng cho nhau trong khi hai người ở giữa cố gắng giành lấy bóng. Bài tập này giúp chúng tôi lấy cảm giác bóng. Sau đó, chúng tôi thực hiện những bài tập bứt tốc ngắn, nước rút giữa những bộ nón tập để làm nóng phổi và chân.
Rồi tới phần tôi thích nhất: đá tập.
Mỗi ngày, chúng tôi sẽ đá tập với những mục đích khác nhau. Đôi khi chúng tôi tập kiểm soát bóng, có ngày lại xây dựng chiến thuật. Hôm nay, chúng tôi tìm cách đánh bại đối thủ tiếp theo: Charlton Athletic. Khi trận đấu diễn ra, huấn luyện viên trưởng đứng ở đường biên xem chúng tôi thi đấu. Ông ấy yêu cầu tăng nhịp độ chơi bóng nếu cần. Huấn luyện viên muốn chúng tôi bơm bóng vào vòng cấm nhanh hơn. Ông ấy thay đổi vị trí của chúng tôi.
Trong các trận đá tập thế này, ai cũng muốn chiến thắng, kể cả trong những trận 8 đấu 8. Những cú tắc bóng xuất hiện tới tấp.
Wes Brown vào bóng với tôi hơi muộn, chân anh ấy hoàn toàn không chạm bóng mà đạp thẳng vào mắt cá chân của tôi. Tôi ngã trong vòng cấm, nhưng cả trọng tài lẫn huấn luyện viên thể lực đều làm ngơ. Đội của tôi bắt đầu phàn nàn. Tôi thì nổi đóa lên. Ít phút sau, vẫn vị trí ấy, Wes lại đốn ngã tôi. Chân giơ cao. Miếng bọc ống đồng của anh ấy lộ ra và đó là một pha phạm lỗi thô thiển, nhưng không có quả phạt đền nào. Sau đó, anh ấy chạy sang đầu sân bên kia và ghi bàn.
Huấn luyện viên trưởng đứng nhìn từ đường biên. Đột ngột, ông ấy cho dừng trận đấu.
“Các cậu, bình tĩnh nào! Va chạm vừa phải thôi. Tôi không muốn thấy ai bị chấn thương đâu.”
Lần tiếp theo chạy vào vòng cấm, tôi nhận thấy có va chạm nhẹ và quyết định ngã xuống (chúng tôi đều làm thế trong lúc tập luyện).
Đó phải là một quả phạt đền!
Nhưng không có ai thổi phạt.
Giờ tôi thực sự phát điên.
Tôi bắt đầu mắng nhiếc trọng tài vì tôi muốn thắng trận này không khác gì khao khát đánh bại City, Chelsea hay Aston Villa ở giải Premier League. Buổi tập nào cũng có tranh cãi, nhưng đó là chuyện thường tình. Không khí chiến đấu, sự căng thẳng ấy là ý đồ của huấn luyện viên trưởng – ông ấy muốn chúng tôi tập luyện với tinh thần như trong một trận đấu thật sự. Trọng tài thổi còi.
Trận đấu kết thúc.
Tôi bực dọc vì đội mình thua cuộc, nhưng tôi vẫn tiếp tục tập dứt điểm, sút bóng cháy lưới trong mười phút liền. Đó là một phần của quy trình: Tôi cần sẵn sàng đón nhận mọi cơ hội có thể đến với mình vào cuối tuần này.
Tôi sút vô-lê.
Tôi sút từ ngoài vòng cấm.
Tôi sút sau khi đón bóng bằng ngực.
Tôi sút phạt đền, đá phạt trực tiếp.
Rồi một trong các huấn luyện viên bảo tôi đứng quay lưng với khung thành. Ông ấy tạt bóng vào vòng cấm với một điểm rơi ngẫu nhiên rồi gọi tên tôi. Tôi quay người, phản ứng và sút bóng càng nhanh càng tốt. Bài tập ấy khiến tôi làm quen với những tình huống bóng bật ra ở vòng cấm. Tôi muốn sẵn sàng cho mọi pha bóng.
Tôi không phải là người duy nhất suy nghĩ như vậy. Nhìn quanh sân tập, tôi thấy nhiều đồng đội đang tập những bài khác nhau. Rio tập đánh đầu, thủ môn Tim Howard đối phó với những quả tạt, Giggsy luyện đá phạt trực tiếp.
Dù là cầu thủ United, chúng tôi vẫn luôn tìm cách cải thiện bản thân, theo cách này hay cách khác.
*
* *
Mọi người luôn bàn luận về nghệ thuật ghi bàn và thắc mắc rằng nó đến từ bản năng hay tập luyện. Thật lòng, tôi nghĩ bàn thắng là sự kết hợp của cả hai. Một số kỹ năng có thể rèn luyện, nhưng bạn không thể dạy cho bản năng – thứ mà bạn có, hoặc là không.
Tôi nghĩ mình có bản năng. Tôi luôn sở hữu nó. Hồi còn bé, tôi luôn “đánh hơi” được những đường bóng đi vào vòng cấm địa. Tôi luôn sẵn sàng. Tôi có thể tận dụng mọi cơ hội. Tôi luôn cố gắng đoán xem quả bóng sẽ bay về đâu trong giây tiếp theo để chuẩn bị sẵn sàng. Tôi tìm kiếm, dự đoán, đánh cược với từng đường bóng hay lỗi phòng ngự, đó là bản năng. Dự đoán xem mình phải chạy tới đâu (rồi ghi bàn mỗi khi đối mặt với thủ môn) là kỹ năng thiên phú mà một số cầu thủ có, một số lại không. Bản năng ấy có thể là sự khác biệt giữa một tiền đạo ghi 5 bàn mỗi mùa và tiền đạo ghi 25 bàn mỗi mùa, ở bất kỳ cấp độ nào.
Mỗi khi thi đấu cho United, tôi phải phản ứng một cách khác biệt đối với những gì diễn ra xung quanh. Nếu thấy một trong những cầu thủ chạy cánh – Ronaldo hoặc Giggsy – sút bóng từ một bên của vòng cấm, bản năng mách bảo tôi chạy ra phía sau. Bóng có thể đi chệch ra xa và đó là cơ hội đệm bóng. Nếu Scholesy hay Alan Smith sút bóng, tôi sẽ chạy theo đường bóng để chờ đá bồi. Bóng có thể bật về phía tôi, có thể không. Cho dù tỷ lệ thành công chỉ là 1/20, thì cũng đủ để tôi ghi thêm hai, ba bàn mỗi mùa giải.
Bạn không chỉ phán đoán đường bay của cú sút hay đường chuyền, mà còn phải “đọc” được dáng người. Trước khi bóng được chuyền từ cánh hay trung lộ, tôi sẽ nhìn tư thế của đồng đội khi anh ấy ra chân. Từ động tác ấy, tôi có thể đoán được anh ấy muốn chuyền tới đâu và chạy vào khoảng trống đó.
Nếu may mắn, nếu đoán đúng thì tôi đang tiến gần tới bàn thắng. Đó là lúc tôi phải sẵn sàng cho khoảnh khắc tiếp theo: làm chủ, cử động, dứt điểm. Đó là khi lợi ích của việc tập luyện được thể hiện.
Bằng cách không ngừng tập luyện các kỹ thuật, tôi phát triển trí nhớ cơ bắp. Nhờ đó mà tôi có thể phản ứng theo bản năng khi nhận một đường chuyền. Khi nhận bóng bằng ngực ở vị trí đá phạt đền, tôi không cần suy nghĩ cũng biết cách đưa quả bóng xuống, vào thế và sút, vì tôi đã rèn luyện đầu óc của mình. Tôi không phải là người duy nhất. Tất cả những cây săn bàn xuất sắc đều làm như vậy.
Tôi tập tất cả: sút xa, vô-lê, vô-lê nửa nảy, đá phạt trực tiếp. Những động tác trong vòng cấm của tôi phát triển thần tốc với kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm, đồng thời tôi được các đồng đội giúp đỡ rất nhiều bằng những cú tạt chuẩn xác, như Giggsy hay Ronaldo – nhưng chỉ khi anh ấy đá quả bóng đi nhanh nhất có thể. Đừng hiểu lầm nhé, Ronnie đang trở thành một cầu thủ xuất sắc, nhưng khi chúng tôi chơi cùng nhau, tôi chẳng bao giờ hiểu được anh ấy sẽ làm gì tiếp theo.
Anh ấy nhận bóng ở biên. Tôi bắt đầu chạy chỗ.
Anh ấy bó vào trong. Tôi để ý thấy, chạy chỗ kiểu khác.
Anh ấy giật bóng ngược lại. Tôi lại nhận thấy thay đổi, trở lại vị trí không việt vị.
Anh ấy sút bóng và tôi đứng đó, điên thật. Đôi khi anh ấy hơi quá đáng như vậy.
*
* *
Chúng tôi kết thúc buổi tập ngay sau giờ trưa. Cuối mỗi buổi tập, chúng tôi giãn cơ, thả lỏng. Vài người nhảy vào bồn nước đá, một số khác xuống hồ bơi. Bên cạnh đó là phòng gym. Nó giống như một trung tâm tập luyện thể thao kiểu cũ: có thảm, tạ, xe đạp, một tấm lưới màu xanh lá cây chia đôi phòng tập. Ryan Giggs đôi khi tới đây luyện yoga sau buổi tập. Tôi thử một, hai lần gì đó nhưng không hợp, nó quá buồn tẻ. Trong suốt 45 phút, người hướng dẫn chỉ cho tôi giãn người và giữ nguyên tư thế. Khi tôi hỏi Giggs sao lại tập môn này, đặc biệt là khi nó nhàm chán đến vậy, anh ấy bảo đó là cách tăng cường sức mạnh của cơ bắp.
“Tôi nghĩ là mình có thể kéo dài sự nghiệp bằng cách tăng cường sự dẻo dai”, anh ấy nói.
Có lẽ mấy năm tới tôi sẽ tập môn này nhiều hơn. Hiện tại, tôi cảm thấy mình không cần đến nó.
Đôi khi tôi sẽ tập luyện trong phòng gym, nhưng chỉ khi tôi chấn thương và không thể chơi trận đá tập hoặc không thể chạy bộ. Nếu có một tuần rảnh rỗi – tức là có một trận vào thứ Bảy và trận tiếp theo cũng vào thứ Bảy, không có vòng đấu nào xen giữa tuần – cả đội sẽ cùng nhau tập tạ. Một vài cầu thủ tập theo kế hoạch lên sẵn, số khác tập theo cách riêng. Tôi chỉ thỉnh thoảng đến đó. Không có bóng thì tôi không hứng thú chút nào.
Tôi chỉ muốn chơi bóng thôi.
*
* *
Tinh thần đồng đội không giống với tình bạn. Các cầu thủ không cần phải là bạn thân mới có thể trở thành đồng đội tốt. Tôi nói chuyện với một vài đồng đội sau giờ tập, như Rio. Tôi chơi golf với họ một chút, nhưng chúng tôi không làm gì nhiều hơn thế. Họ là đồng đội của tôi, trong ngày tôi đã nhìn mặt họ quá đủ rồi. Điều này cũng giống như những nghề nghiệp khác thôi. Tôi có đồng nghiệp ở chỗ làm giống như những người khác, điều đó không có nghĩa tôi phải thân thiết với họ vào mọi lúc.
Nói thế không có nghĩa là mọi chuyện không có gì thú vị. Tôi rất thích đi làm. Phòng thay đồ hoàn toàn có thể trở thành một kho giải trí. Sẽ luôn có ai đó gây rối và khiến mọi người cười phá lên, và tôi cũng hay đi phá đám một vài đồng đội, thường là với sự trợ giúp của Darren Fletcher. Fletch luôn a dua với mấy trò đùa này.
Hôm nay tới lượt Quinton Fortune, tiền vệ người Nam Phi của chúng tôi bị chơi khăm. Chúng tôi dán chiếc giày mới tinh của anh ấy lên sàn của phòng thay đồ bằng kẹo siêu dính. Rio đã bày trò này cho chúng tôi hồi sáng. Anh ấy luôn đầu têu, giúp chúng tôi chơi xỏ hết người này tới người khác. Mấy trò đó thường xuyên có hiệu quả. Sau khi trêu đùa với Quinton, Rio bảo tôi rằng Wes Brown đang bực bội.
“Các cậu nên đề phòng, vì cậu ta muốn trả đũa mấy trò chơi khăm của các cậu đấy”, anh ấy nhắn nhủ.
Tôi tin sái cổ.
“Fletch, chúng ta nên hạ Wes, trước khi anh ấy ra tay với bọn mình”, tôi gợi ý.
Tôi để ý thấy hôm nay Wes cũng đến Carrington với một đôi giày hàng hiệu. Khi anh ấy tắm, Fletch và tôi dùng con dao vừa mượn được từ căng-tin để cắt nó ra, cẩn thận ghép lại và để giày vào trong tủ sao cho anh ấy không để ý đến thiệt hại trong lúc làm khô cơ thể.
Anh ấy mặc quần áo và không hiểu sao cả đội đang cười lăn cười bò. Khi anh ấy cầm đôi giày lên, gót giày bung ra và cả phòng thay đồ cười phá lên. Rio cười ngặt nghẽo vì anh ấy là người khởi đầu toàn bộ sự việc. Không phải ai cũng vui vẻ với trò đùa này. Wes than thở về đôi giày rách; Quinton cố gắng kéo giày của mình ra khỏi mặt đất. Một số huấn luyện viên thể lực bắt đầu phàn nàn rằng chúng tôi không đủ chuyên nghiệp trong phòng thay đồ. Một trong những nhân viên hậu cần phàn nàn rằng chúng tôi luôn dán mắt vào điện thoại và đòi cấm thứ này.
“Nhưng tôi luôn thấy ông cầm điện thoại khi ngồi trong văn phòng đấy thôi”, tôi đáp lại. “Thế có khác gì đâu?”
Ông ấy đi khắp phòng, gom mấy bộ đồ tập bẩn thỉu. Ông ấy tiếp tục than phiền về đống lộn xộn, nhưng lần này thì chỉ dám lầm rầm.
*
* *
Gary Neville, Giggsy, Scholesy, tất cả các cầu thủ United đều có quy trình giống tôi khi đi tập.
Lúc ấy là 9 giờ 30.
Khởi động.
Tập luyện.
Giãn cơ.
Sau bữa trưa, công việc trong ngày hoàn tất, nhưng không phải với tất cả. Khoảng 12 rưỡi, tôi sẽ đi từ hành lang, qua phòng giặt ủi, qua phòng tiếp tân và mô hình sặc sỡ của sân Old Trafford. Tôi lái xe đi qua cổng của bãi đỗ xe, nơi còn có nhiều người săn chữ ký hơn đang chờ đợi.
Trong kính chiếu hậu, tôi vẫn thấy chiếc Audi của huấn luyện viên trưởng.