J
ulia Barbara “Juli” Zeh là một nhà văn Đức nổi tiếng, sinh ra ở Bonn. Cô là một tác giả viết nhiều thể loại và có sức sáng tạo lớn, đến nay đã có 21 tác phẩm được xuất bản, bao gồm cả sách thiếu nhi và kịch. Cô đã được trao nhiều giải thưởng văn chương của Đức và quốc tế.
Trong các tác phẩm của mình, Juli Zeh thường thể hiện quan điểm về các vấn đề chính trị - thời sự, đặc biệt là lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ cho việc bảo vệ quyền riêng tư. Cô quan tâm đến những mối đe dọa đối với tự do cá nhân thông qua việc kiểm soát kỹ thuật số của các công ty tư nhân hoặc các cơ quan nhà nước. Hoạt động này của cô được hậu thuẫn bởi một nền tảng vững chắc, vì cô có bằng tiến sĩ về Luật Quốc tế.
Cách đây vài năm, Juli Zeh là khách mời của Viện Goethe với tư cách là người nhận học bổng chương trình lưu trú văn sĩ. Cô đã tận dụng khóa lưu trú nhiều tuần này để du hành khắp Việt Nam và viết một cuốn du ký mà bạn đanh cầm trên tay. Khi đọc những ghi chép của Juli Zeh, ta không thể không cảm nhận rằng đanh xem một bức tranh đặc trưng của người Đức về Việt Nam, được tác giả phác họa trong ít trang sách.
Dù chỉ là khách ngắn hạn, nhưng cuộc sống ở Việt Nam vẫn có tác động thay đổi cô. Ở nước ngoài khác với ở nhà. Cảm giác khác, mùi vị khác, luật lệ khác. Tất cả đều khác. Thoạt tiên điều đó rất lạ. Nhưng khi đã quen với môi trường mới ở một mức độ nào đó, ta bắt đầu nhìn nhận lại những điều ta đã quen ở nhà, những điều mà ta cho là bình thường, dưới một ánh sáng khác. Những gì vốn được coi là đương nhiên giờ lại trở thành đặc biệt. Còn những điều mới mẻ, vốn dĩ đáng lưu tâm, giờ lại trở thành bình thường. Song không hẳn vậy. Việt Nam vốn khác hoàn toàn với Đức. Trong sự cọ xát với cái mới này, Juli Zeh đã viết ra những quan sát của mình. Về cuộc sống xung quanh và về bản thân mình như một người Đức. Trong sách có những đoạn mô tả hài hước, so sánh cuộc sống ở hai đất nước mà tưởng chừng như hai thế giới khác nhau. Sau vài tuần, cô bắt đầu thấy quen thuộc và gần như hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam.
Độc giả Đức đã cảm nhận được sự tự giễu cợt và tâm đắc trước những quan sát tinh tế và dễ thương của cô về cuộc sống thường nhật ở Việt Nam. Họ cảm nhận cùng Juli và quý mến sự tháo vát của con người nơi đây, quý mến những cuộc đời khó tin nơi đường phố, trên vỉa hè hoặc trong các cửa hàng. Họ bắt đầu mở lòng ra với đất nước và con người nơi đây. Họ cảm mến, ngưỡng mộ và trân trọng Việt Nam. Chúng tôi hy vọng độc giả Việt Nam cũng đón nhận như vậy.
Một cuốn sách mỏng với sự hài hước, với sự tự giễu đáng yêu về bản thân mình, về quê hương cũ và quê hương mới. Tác phẩm này là lời cảm ơn nồng nhiệt của vị khách Đức với đất nước và con người Việt Nam.
Wilfried Eckstein
Viện trưởng Viện Goethe Việt Nam