"Tôi suy sụp khi không còn Jim bên cạnh. Anh ấy là cả cuộc đời tôi!", - Louise thốt lên.
Cô là học trò của tôi và chồng cô vừa đưa đơn ly hôn sau năm năm chung sống. Cô thật lòng nghĩ rằng Jim là cả cuộc đời mình, bởi ngoài Jim thì không ai hay điều gì là có ý nghĩa với cô cả.
Điều đó giải thích vì sao cô lại cảm thấy trống vắng đến tuyệt vọng khi Jim bỏ đi. Và nó cũng giải thích phần nào lý do khiến cuộc hôn nhân của họ tan vỡ. Như tôi đã trình bày trong quyển "The Feel the Fear Guide to Lasting Love" (Bí quyết chiến thắng nỗi sợ hãi để yêu thương mãi ngự trị), sự lệ thuộc sẽ kéo theo một số hệ quả phụ như giận dữ, ghen tuông, oán giận, bám víu, mè nheo..., tức là những cảm giác vô cùng khó chịu. Sở dĩ như vậy là do chúng ta quá sợ bị mất đi cái tình cảm vốn là toàn bộ cuộc sống của mình.
Còn Bob, một chuyên gia PR, lại là người của công việc. Anh chỉ biết có công việc và công việc, mọi thứ còn lại đều vô nghĩa. Tương tự như Louise, sự lệ thuộc cảm xúc đó khiến anh phải hứng chịu nhiều hệ lụy tiêu cực. Trong công việc, lúc nào anh cũng bảo thủ thay vì cởi mở; anh giành hết công trạng, phớt lờ sự đóng góp của đồng nghiệp; thế nên cho dù luôn tìm cách tranh thủ sự đồng tình của cấp trên, anh vẫn không được thăng chức. Óc sáng tạo của anh cũng mai một hẳn đi.
Đến khi Bob bị mất việc do cắt giảm biên chế, chúng ta dễ đoán được là anh khổ sở đến mức nào, thậm chí anh đã nghĩ đến việc tự vẫn… Trong anh là một cảm giác trống rỗng ghê gớm. Điểm tựa của cuộc đời anh đã không còn nữa.
Những ai chỉ biết đến công việc trong suốt quãng đời tuổi trẻ thường cảm thấy suy sụp khi về hưu. Họ thấy như thể đã mất cả cuộc đời, và thực tế là nhiều người trong số họ về hưu chẳng được bao lâu thì qua đời. Thật đáng buồn vì họ không thể tận hưởng phần đời có thể nói là vui vẻ, sáng tạo nhất của mình!
Jeanne không đi làm và con cái là tất cả đối với cô. Trong mắt những người không hiểu, và cả bản thân cô cũng tin như thế, thì cô đúng là một người mẹ tốt. Hễ bọn trẻ đi học về là cô luôn có mặt ở nhà, cô quan tâm đến nhu cầu của con từng chút một và luôn tự hào vì lúc nào cũng nghĩ đến các con đầu tiên.
Nếu trung thực hơn với bản thân, Jeanne sẽ thấy rằng cô đang lấy các con làm lý do để tồn tại trong cuộc đời này. Những ai biết rõ Jeanne đều nhận thấy những khía cạnh tiêu cực tất yếu kèm theo ở cô như thích chi phối các con, bảo vệ con thái quá, tự cho là mình đúng và khiến các con cảm thấy luôn có lỗi với cô. Lúc nào cô cũng muốn bọn trẻ phải nhớ rằng cô là người ban ơn cho chúng. Đến khi bọn trẻ lớn lên và ra riêng, Jeanne đã phải đối diện với một ngôi nhà trống rỗng, dù chồng cô vẫn luôn bên cạnh. Nhưng lòng cô trống rỗng. Sống chung với con cái chẳng có gì là xấu. Tuy nhiên, hậu quả của việc bố mẹ lấy con cái làm lý do để sống thật tai hại - không chỉ cho bố mẹ mà cả cho các con. Đó là một gánh nặng thật sự mà con cái phải gánh chịu!
Thứ cảm giác sâu xa mà cả Louise, Bob và Jeanne đều có chính là nhu cầu thái quá về mặt tình cảm. Khi đánh mất những gì mà họ lệ thuộc trong cuộc sống, nhu cầu này lại hiện ra rõ nét. Tôi cược rằng tất cả chúng ta cũng từng có lúc cảm thấy điều này. Và nếu đúng là như vậy thì hẳn bạn cũng đồng tình với tôi rằng đó là một trong những cảm giác đau đớn nhất mà mình từng trải qua. Và tệ hơn nữa là nó còn khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng cùng cực, không thể vực dậy bản thân.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có cách nào giúp giảm bớt nhu cầu thái quá khiến chúng ta cảm thấy bị mất mát quá lớn không? Nếu có thì quả là chúng ta sẽ rũ bỏ được nỗi sợ mất mát rất nhiều. Câu trả lời là CÓ! Và giải pháp này sẽ giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Tuy điều này có thể khiến bạn phấn khởi, nhưng bạn cũng cần nhớ rằng do mọi thứ không ngừng thay đổi nên để làm được điều đó, bạn cần phải biết nhận thức, kiên nhẫn, bền chí để phá vỡ những thói quen tình cảm vốn của mình. Nhưng bạn đừng vì vậy mà e ngại. Thoạt nghe thì có vẻ đây là điều không dễ thực hiện, nhưng thực tế lại không như vậy nếu bạn biết chia nó thành những bước nhỏ dễ thực hiện và kiểm soát, đồng thời cho phép bản thân có thời gian tận hưởng toàn bộ quá trình.
Hãy thử quản lý cuộc đời bạn theo một cách khác như tôi đã nói để giải tỏa cảm giác tiêu cực mà bạn có thể đang phải hứng chịu - sự tuyệt vọng, trống rỗng và sợ hãi trong một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết rõ chúng ta hoàn toàn có thể giải thoát cho mình. Trong chương này, tôi sẽ chỉ cho bạn những bước cần làm để thay đổi. Và tôi đảm bảo chúng sẽ khiến bạn cảm thấy thú vị. Tuy nhiên, chúng chỉ trở thành những công cụ hiệu quả có thể thay đổi triệt để chất lượng cuộc sống nếu được thực hiện thông qua hành động và cam kết của bạn.
Trước tiên, bạn cần hiểu rõ hơn nguyên nhân khiến bạn cảm thấy trống rỗng khi cuộc sống mất thăng bằng. Hãy lấy ví dụ trong quan hệ tình cảm; những bảng minh họa sau sẽ cho bạn hấy BỨC TRANH CUỘC SỐNG hiện tại khi bạn dồn hết cảm xúc vào một vùng nhất định:
Khi mất đi tình yêu, như trong trường hợp của Louise, cuộc đời bỗng trở thành như thế này:
Chẳng trách tại sao bạn lại cảm thấy trống rỗng! Chẳng trách tại sao ngay lập tức bạn phải tìm đến tình cảm mới! Bởi cuộc sống của bạn có còn gì nữa đâu!
Bạn không nhất thiết phải sống một cuộc đời như vậy. Hãy xem xét một quan điểm hoàn toàn khác về cuộc sống trong bảng dưới đây:
Trên đây là bảng thể hiện BỨC TRANH CUỘC SỐNG của Nancy, một sinh viên khác của tôi. Với nhiều ô nhỏ khác nhau thay vì chỉ có một ô trống duy nhất, cuộc sống dường như khác hẳn trong mắt Nancy so với Louise, Bob và Jeanne tội nghiệp. Cuộc sống của Nancy không chỉ sôi động, lành mạnh mà còn phong phú hơn, cho cô cảm giác "giàu có" hơn. Giả sử nếu chuyện tình cảm của Nancy cũng đổ vỡ như Louise, liệu Bức Tranh Cuộc Sống của cô sẽ ra sao? Chắc chắn là sẽ khác hẳn với những gì đã xảy ra với Louise! Nhìn vào bức tranh trên, bạn sẽ thấy rằng việc mất đi tình yêu tạo ra một lỗ hổng trong cuộc sống của Nancy, nhưng lại khó lòng khiến cô quỵ ngã! Phải, Nancy cũng đau khổ lắm khi phải chia tay với bạn trai; cũng có những lúc cô cảm thấy quá đỗi cô đơn; và cũng như mọi người, cô cũng mong có một kết thúc có hậu lắm chứ. Tuy nhiên, không có nó thì cuộc sống của cô vẫn diễn ra tốt đẹp. Mỗi ngày của cô vẫn đầy ắp những trải nghiệm mới mẻ khiến cô cảm thấy vui vẻ, hài lòng với cuộc sống và do đó, cô không cảm thấy quá trống vắng. Cuộc sống của Nancy được tạo thành từ nhiều nguồn khác nhau khiến cô thật sự cảm thấy đó là nguồn sống vô tận, không bao giờ cạn kiệt.
Khái niệm cam kết mà tôi muốn nói ở đây chính là thái độ toàn tâm toàn ý - nghĩa là tất cả những gì bạn có - cho từng ô trong bảng kẻ trên. Ví dụ, khi bạn làm việc, hãy làm với tất cả tâm huyết; khi ở bên gia đình, hãy dành trọn tình cảm cho người thân; và khi ở bên bạn bè, hãy vui vẻ hết mình trong thời gian đó...
Khi nghe tôi giải thích về khái niệm này, một học viên khác trong lớp là Sandy lập tức bảo rằng công việc mà cô ấy đang làm chỉ mang tính tạm thời cho đến khi nào tìm được việc khác tốt hơn, nghĩa là cô đang thấy chán nản và chỉ muốn nghỉ việc. Vậy làm thế nào cô có thể dành hết tâm ý cho công việc được kia chứ? Tôi giải thích cho cô hiểu rằng, khi ta cam kết hoàn toàn với việc gì đó không có nghĩa là ta phải gắn chặt cả cuộc đời mình cho nó, mà chỉ ngay tại thời điểm khi ta đang đối diện với nó. Khi bạn làm được điều đó, chất lượng cuộc sống của bạn sẽ được cải thiện hoàn toàn.
Thế nên tôi chỉ cho Sandy công cụ "hành động như thể được đánh giá cao". Nếu thế thì mọi việc sẽ ra sao? Cô ấy sẽ làm gì nếu biết mình được coi trọng? Mọi người trong lớp đưa ra một số gợi ý như: đề ra các mục tiêu trong ngày và chú ý hoàn thành đúng hạn; cư xử hòa nhã với đồng nghiệp; tạo bầu không khí làm việc vui vẻ, dễ chịu. Sandy bổ sung thêm:
"Tôi sẽ đi làm đúng giờ nữa". Và cô hứa sẽ làm theo đúng như vậy.
Tuần sau, Sandy trở lại lớp học với tâm trạng phấn khởi. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên khi thấy cô tràn đầy năng lượng. Cô bảo đã mang một cái cây và một bức tranh đến công ty để trang trí bàn làm việc, khiến cho không gian bé nhỏ của mình lập tức tươi tắn hẳn lên. Cô luôn khen ngợi, giúp đỡ mọi người xung quanh và mỗi tối trước khi về cô đều đặt ra những mục tiêu mới phải hoàn thành cho ngày hôm sau. Mỗi ngày trôi qua, cô đều tập trung vào những mục tiêu đề ra và giờ đây nhìn lại, Sandy vô cùng ngạc nhiên khi thấy mỗi ngày mình có thể làm được một lượng công việc gấp đôi. Chẳng mấy chốc, cô đâm "nghiện" việc kiểm tra xem mình có đạt được các mục tiêu đề ra hay chưa - đó là một cảm giác thích thú tuyệt vời. Thỉnh thoảng khi quên ghi điều gì đó vào danh sách phải làm, cô sẽ bổ sung ngay vào hôm sau.
Không chỉ thế, Sandy còn bất ngờ trước phản ứng của mọi người. Một đồng nghiệp thậm chí còn hỏi cô xem chuyện gì đang xảy ra và khuyến khích: "Cứ tiếp tục vậy đi!". Tuy nhiên, kết quả kỳ diệu nhất chính là Sandy bắt đầu cảm thấy yêu thích công việc của mình. Thái độ tận tâm với công việc đã khiến cô không còn cảm thấy buồn chán nữa.
Một khi đã bỏ được thái độ "Tôi thật khốn khổ" và chọn cách cống hiến hết mình cho công việc, Sandy thấy thỏa mãn và hào hứng khi làm việc. Ngoài ra, thái độ "hành động như thể được đánh giá cao" còn mang lại cho cô nhiều lợi ích khác như: tăng thêm lòng tự tin, tạo được dấu ấn tốt khi cần chuyển sang công ty khác và điều quan trọng là cô biết mình hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt. Và dĩ nhiên những điều đó sẽ giúp Sandy cảm thấy tự tin, mạnh mẽ hơn trong thế giới có quá nhiều người đang cảm thấy bất lực.
Để giúp cho khái niệm cam kết bớt vẻ nặng nề, hãy nhớ rằng trái với những gì chúng ta vẫn được dạy, cam kết không có nghĩa là mãi mãi.
Ví dụ, tuy công việc giám đốc điều hành tại Floating Hospital khiến tôi hài lòng và vui vẻ, nhưng sau tám năm, tôi bắt đầu cảm thấy mình đã sẵn sàng cho một thử thách mới. Bởi toàn tâm toàn ý với Floating House nên tôi tin rằng tổ chức này vẫn sẽ hoạt động bình thường khi tôi ra đi. Thế là tôi bắt đầu tìm người thay thế và ngày càng ủy thác công việc cho mọi người nhiều hơn. Song song đó, tôi giúp ban quản trị làm quen dần với người mà tôi nghĩ là sẽ thay thế mình tốt nhất. Tôi giúp mọi người chuẩn bị tâm lý với việc ra đi của mình. Bạn thấy đó, ngay cả đối với việc từ bỏ công việc, tôi cũng toàn tâm toàn ý.
Đồng thời, tôi cũng hoàn toàn chú tâm thu vén cho cuộc sống của mình sau khi nghỉ việc. Những lúc rảnh rỗi, tôi dạy học, viết lách và tăng cường thực hành chữa bệnh bằng tâm lý. Trong hai năm, sự chuẩn bị song song đó đã đặt nền tảng tương lai ổn thỏa cho cả Floating Hospital và sự nghiệp mới của tôi. Và thế là tôi đã sẵn sàng ra đi.
Trong quan hệ tình cảm, chúng ta cũng cần áp dụng nguyên tắc tương tự. Chẳng ai biết chắc một mối quan hệ sẽ kéo dài đến lúc nào. Nhưng bạn nên trân trọng và hết lòng - với cả người thân yêu lẫn bản thân mình - trong suốt thời gian bên nhau. Nếu đến một ngày nào đó bạn buộc phải nói lời chia tay thì dẫu sao bạn cũng đã làm hết sức mình. Còn ngược lại, người ấy muốn ra đi thì bạn cũng hiểu là mình đã làm tất cả những gì có thể. Do đó sẽ chẳng có gì để bạn phải tiếc nuối cả. Nếu Bức Tranh Cuộc Sống của bạn phong phú thì khi mất đi một thứ, bạn sẽ không cảm thấy quá đau đớn vì vẫn còn những nguồn sống tích cực khác mang đến niềm vui cho bạn.
Trong các ô của Bức Tranh Cuộc Sống nói trên có một yếu tố cần được giải thích thêm là ô CỐNG HIẾN. Đây chính là yếu tố giúp bạn trở nên khác biệt trong cuộc sống. Tôi sẽ bàn kỹ hơn về sự cống hiến ở chương sau, còn ở chương này, bạn chỉ cần hiểu đơn giản là chính nhờ sự CỐNG HIẾN mà bạn có thể gia tăng lòng tự tôn và cảm thấy hài lòng trong cuộc sống. Tạo nên sự khác biệt nghĩa là bạn sẽ không cảm thấy bất lực, tuyệt vọng như bao người xung quanh mà thay vào đó, trở thành một nhân tố có ý nghĩa trong xã hội.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng nghĩ cống hiến phải là một điều gì to tát như các nhân vật nổi tiếng Gandhi, Martin Luther King Jr. hay Albert Einstein. Khái niệm CỐNG HIẾN mà tôi muốn nói đến ở đây nghĩa là tập trung vào thời điểm hiện tại mà bạn đang sống, quan sát xung quanh để xem có điều gì cần làm, và bắt tay thực hiện nó. Đó có thể là đối với gia đình, bạn bè, cộng đồng, đất nước và nơi bạn đang sống. Chẳng có ai sống mà lại không thể làm điều gì đó để cống hiến cho sự phát triển của hành tinh này. Chỉ cần thay đổi thái độ là bạn đã có thể tác động đến thế giới xung quanh.
Giờ đây, bạn đã sẵn sàng thực hiện những bước cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Những bước cần thiết đó như sau:
1. Nhận ra bạn đang mắc kẹt trong cái vòng lẩn quẩn. Nếu ngẫm lại quá khứ, có thể bạn sẽ nhận thấy mỗi khi cảm thấy đau khổ do mất mát, bạn sẽ lập tức tìm cách giải tỏa cảm giác tiêu cực đó bằng cách tái tạo những gì đã mất.
Ví dụ khi chia tay với người yêu, điều đầu tiên mà đa số chúng ta thường làm là gì? Chúng ta sẽ tìm người khác để thay thế. Rồi khi người yêu thứ hai ra đi, chúng ta lại suy sụp y hệt như lần đầu (thật đáng ngạc nhiên vì bạn chỉ mới biết anh ta/cô ta có ba tuần!). Và cũng chẳng khó để đoán biết chúng ta sẽ làm gì sau đó: tiếp tục tìm kiếm "một nửa duy nhất" mà không có họ hẳn chúng ta sẽ chết mất!
Nếu bạn cảm thấy điều này quá đỗi quen thuộc thì cũng không có gì phải lo lắng cả. Chỉ cần bạn nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể hành động theo cách khác là đã đủ để bạn tiếp tục bước thứ hai dưới đây rồi.
2. Tạo ra Bức Tranh Cuộc Sống phong phú với chín yếu tố như hình dưới đây. Hãy điền vào các ô trống những yếu tố bạn muốn có trong cuộc sống. Tôi là người luôn cho rằng không gian cũng đóng vai trò rất quan trọng, do đó bạn nên nghe một giai điệu nhạc nhẹ nhàng khi làm việc này. Nhớ đừng để bị người khác quấy rầy và hãy tắt điện thoại.
3. Hãy chọn lấy một ô và bắt tay vào hành động. Hãy nhắm mắt lại và hình dung về ô cuộc sống đó. Bạn sẽ làm gì? Xử sự với mọi người xung quanh ra sao? Nó sẽ khiến bạn cảm thấy như thế nào? Đừng quên hai thành phần cốt lõi: cống hiến hết mình và hành động như thể được đánh giá cao. Hãy xem đó là BỘ ĐÔI KỲ DIỆU, bởi quả thật nó sẽ tạo ra điều kỳ diệu cho cuộc sống của bạn.
4. Khi đã có cái nhìn rõ nét hơn, hãy viết ra tất cả những gì bạn đang nghĩ, lưu ý xem xét cẩn thận từng chi tiết. Điều này sẽ giúp ích cho bạn ở Bước 5 tiếp theo.
5. Liệt kê những điều nên làm để biến những ý nghĩ đó thành hiện thực. Một lần nữa, hãy dành thời gian để suy nghĩ mọi thứ thật cẩn thận. Và tôi xin nhắc lại:
HÀNH ĐỘNG LÀ CHÌA KHÓA MỞ LỐI THÀNH CÔNG
Chỉ có hành động mới khiến cuộc sống của bạn trở nên giống với những gì bạn mơ ước.
Hãy cùng xem chúng ta sẽ ứng dụng điều này ra sao nhé. Giả sử nếu chọn ô PHÁT TRIỂN BẢN THÂN, bạn sẽ tham dự các khóa đào tạo, đọc sách, nghe các buổi thuyết trình. Bộ Đôi Kỳ Diệu sẽ đảm bảo cho bạn làm được tất cả những điều trên với sự toàn tâm toàn ý và giúp bạn tham dự tích cực các hoạt động đó.
Hãy hăng hái trao đổi với mọi người, làm đầy đủ bài tập về nhà cho dù môn đó có phải thi lấy tín chỉ hay không, háo hức chờ đến buổi học kế tiếp và thật sự hạnh phúc vì đã chọn khóa đào tạo đó.
Tuy nhiên, trong lúc vận dụng khái niệm cam kết hoàn toàn với thực tế, bạn sẽ không tránh khỏi việc phải đối diện với những thói quen cũ! Do đó khi đang ở lớp học, rất có thể đột nhiên bạn sẽ ước gì mình đang ở cạnh anh ấy. Thời gian đầu, tâm trí của bạn chắc chắn sẽ khiến bạn mất tập trung, nên bạn phải không ngừng cảnh giác để kiểm soát những phút xao lãng đó. Nhưng cuối cùng bạn sẽ có thể tự nhủ: "Mặc kệ anh ta, mình đến đây để học mà!". Hãy nghĩ xem điều này có ý nghĩa như thế nào đối với lòng tự tôn của bạn! Cuối cùng bạn cũng có thể buộc tâm trí phải tập trung vào vấn đề hiện tại và những gì đang diễn ra xung quanh. Và bạn có biết điều gì sẽ xảy ra không? Sự yếu đuối sẽ tự biến mất. Vấn đề của những người này là họ không thể tập trung vào thứ gì khác xung quanh mình, để rồi luôn tự hỏi tại sao mình lại thiếu thốn tình cảm đến thế!
Thế còn với ô BẠN BÈ? Hãy mời họ ăn tối, chuyện trò vui vẻ, viết thư thể hiện lòng cảm kích hoặc chỉ đơn giản là gọi điện để nói bạn nhớ họ. Đến lúc ở bên họ, bạn sẽ dành hết tâm trí cho họ. Đây là lúc bạn cần đến Bộ Đôi Kỳ Diệu. Trước tiên, hãy tập trung trở thành một người bạn tuyệt vời và hành động như thể bạn thật sự tạo ra sự khác biệt đối với cuộc đời họ. Từ đó, bạn sẽ thấy vui vẻ và thỏa mãn hơn.
Hồi còn trẻ, tôi có quy ước ngầm với các cô bạn của mình như thế này: "Mình sẽ đúng hẹn với các cậu, nếu anh ấy không gọi". Nhưng giờ đây nhìn lại, tôi cảm thấy đó đúng là quy tắc vớ vẩn, thậm chí là ngu ngốc bởi lúc nào đi chơi với nhóm bạn gái tôi cũng thấy vui lắm. Khi lớn hơn, tôi không còn xử sự với các bạn mình một cách thiếu tôn trọng như vậy nữa. Điều đó cũng mang lại cho tôi một kết quả phụ khá thú vị là tôi không còn bị coi là "lựa chọn phút cuối" của nam giới nữa. Họ bắt đầu gọi cho tôi trước nhiều ngày, đôi khi là nhiều tuần, khi muốn hẹn hò vì hiểu rằng tôi không thể hủy những cuộc hẹn khác chỉ vì họ.
Còn trong khía cạnh THÚ VUI GIẢI TRÍ thì sao? Đây là một chủ đề khiến các học viên của tôi vô cùng bối rối và tôi cũng thừa nhận rằng bản thân mình vẫn phải nỗ lực rèn luyện điều đó hàng ngày. Nhiều người trong chúng ta luôn chú trọng đến việc phải đạt được điều này điều nọ trong cuộc sống và lo ngại khi dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi. Thư giãn với bạn bè hay người yêu là điều bình thường, nhưng khi chỉ còn lại một mình, bạn cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó. Một lần nữa, cách giúp bạn thoát khỏi cảm giác lo ngại này là vận dụng nguyên tắc Bộ Đôi Kỳ Diệu. Bằng cách thư giãn hoàn toàn và hành động như thể bản thân bạn xứng đáng được tận hưởng điều đó, bạn sẽ cảm thấy thú vị và thoải mái khi dành chút thời gian riêng cho mình.
Riêng tôi, tôi đã tự nghĩ ra khái niệm giờ-nghỉ, tức là một dạng thức rút gọn của ngày nghỉ. Mỗi ngày, tôi dành trọn một giờ đồng hồ để nghỉ ngơi, thư giãn. Trong khoảng thời gian đó, tôi có thể đọc sách báo, đi dạo hoặc mua sắm ở những cửa hàng mình yêu thích. Nhờ vậy mà tôi luôn cảm thấy sảng khoái trong công việc. Và những ý tưởng hay nhất thường đến với tôi trong những lúc nghỉ ngơi như thế, khi đầu óc thanh thản, không vướng lo toan.
6. Hãy thực hiện bước 3, 4 và 5 đối với từng ô trong Bức Tranh Cuộc Sống của bạn, rồi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp và có ý nghĩa: phong phú, trọn vẹn, đầy yêu thương và luôn sẵn sàng cho đi. Mọi thứ bạn điền trong các ô đó đều có thể trở thành sự thật, nếu bạn quyết tâm thực hiện những gì cần thiết.
7. Mỗi ngày, hãy tạo cho mình những mục tiêu cụ thể phản ánh mọi khía cạnh trong Bức Tranh Cuộc Sống. Nếu vốn đã có thói quen này mỗi ngày, giờ đây có thể bạn sẽ nhận thấy trước nay hầu như mình chỉ biết tập trung vào mỗi một khía cạnh trong cuộc sống là CÔNG VIỆC. Khi biết đề ra mục tiêu cho tất cả các ô trong bảng kẻ, cuộc sống của bạn sẽ trở nên cân bằng.
Khi bắt tay thực hiện mỗi mục tiêu, hãy nhớ đến Bộ Đôi Kỳ Diệu - cam kết toàn tâm toàn ý và Tôi được đánh giá cao - để giúp bạn luôn tập trung và cảm thấy cuộc sống trọn vẹn, có ý nghĩa.
Có thể trong một ngày, bạn không thể thực hiện tất cả mục tiêu của từng ô. Thông thường sẽ có những lúc một khía cạnh nào đó trong cuộc sống tỏ ra chiếm ưu thế hơn so với những khía cạnh còn lại. Ví dụ, khi bạn đang nghỉ phép thì có thể quên đi mọi thứ để thả mình vào việc vui chơi, tận hưởng. Nguyên tắc Bộ Đôi Kỳ Diệu sẽ giúp bạn luôn tập trung vào hiện tại. Tương tự, một dự án quan trọng có thể sẽ đòi hỏi bạn phải dành hết công sức cho nó trong một quãng thời gian nhất định. Tuy nhiên, mục tiêu sau cùng của bạn chính là sự cân bằng chung trong cuộc sống.
Có một điều bạn cần lưu ý là nếu cảm thấy không muốn dành thời gian hay nỗ lực để thực hiện những bước nói trên, nghĩa là bạn đã đối xử không công bằng với chính bản thân mình rồi đấy. Chẳng lẽ bạn không xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ư? Những gì tôi đề nghị chỉ là để tạo nên khuôn khổ cho cuộc đời bạn, tạo ra lối sống có lợi cho sự phát triển của bản thân bạn, khiến bạn hài lòng hơn. Janet, một trong các học viên của tôi, đã nói một câu khôn ngoan rằng: "Nếu bạn chỉ làm những gì mình vẫn hay làm thì bạn chỉ nhận được những gì bạn vẫn hay nhận". Nhờ suy nghĩ đó mà cô đã tiến xa hơn trong cuộc sống!
Nếu bạn cảm thấy khó tạo động lực thúc đẩy bản thân thì cũng đừng nản chí. Hãy tìm đến một nhóm sinh hoạt nhằm mục đích nuôi dưỡng tâm hồn để cảm thấy mọi chuyện dễ dàng hơn. Còn nếu không, hãy tìm cho mình một "người bạn cùng tiến". Bạn và người đó có thể giúp đỡ nhau bằng cách gặp gỡ hàng tuần, cùng xem xét các yếu tố trong Bức Tranh Cuộc Sống, các mục tiêu, kế hoạch hành động… Vấn đề cốt lõi ở đây là hãy quyết tâm cùng hành động với người bạn đó một cách nghiêm túc, luôn hành xử có trách nhiệm hàng ngày, cố gắng hoàn thành những điều bạn đã cam kết phải làm trước khi gặp lại nhau mỗi tuần.
Cho dù không tìm ra một nhóm sinh hoạt và không muốn làm việc chung với một cá nhân nào đó, bạn vẫn có thể tìm đến một tổ chức hoạt động khác dưới sự tư vấn của chuyên gia hẳn hoi. Bạn sẽ ngạc nhiên trước kết quả thu được khi biết rõ mình muốn gì và quyết tâm đạt được điều đó. Phần lớn mọi người không bao giờ dành thời gian để tập trung tìm hiểu xem mình muốn gì, để rồi luôn tự hỏi vì sao lúc nào mình cũng cảm thấy cuộc sống thật vô vị, trống rỗng.
Bạn hãy luôn tự hỏi cuộc sống của mình trọn vẹn đến mức nào. Hãy không ngừng tạo ra cho mình một cuộc sống phong phú để tận hưởng cảm giác sống trọn vẹn, có ý nghĩa. Khi đó bạn còn sợ gì nữa kia chứ?