Một trong những nỗi sợ lớn nhất ngăn chúng ta tiến về phía trước chính là khó khăn khi phải quyết định một điều gì đó. Một học viên của tôi than thở: "Nhiều lúc, tôi thấy mình cứ như con lừa đứng trước hai túi cỏ khô - chẳng biết mình muốn ăn túi nào, trong khi dạ dày thì trống rỗng đến đói lả". Thật trớ trêu là khi lưỡng lự không biết phải chọn cái nào thì cũng là lúc chúng ta chọn cơn đói. Nói cách khác, chúng ta đang từ chối một bữa tiệc ngon lành của cuộc đời.
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta luôn được dạy rằng phải cẩn thận, coi chừng quyết định sai. Quyết định sai lầm! Chỉ cần nghe bấy nhiêu thôi là chúng ta đã chết khiếp. Chúng ta sợ quyết định sai sẽ khiến ta đánh mất một điều gì đó, chẳng hạn tiền bạc, bạn bè, người yêu, địa vị hoặc bất cứ điều gì mà ta nghĩ một quyết định đúng đắn có thể mang lại.
Gắn liền với nỗi sợ này chính là nỗi khổ khi phạm phải sai lầm. Vì một lý do gì đó, chúng ta cảm thấy mình phải thật hoàn hảo mà quên mất sai lầm chính là bài học giúp ta lớn lên. Mong muốn được hoàn hảo và kiểm soát mọi việc trong cuộc sống khiến chúng ta sững sờ khi nghĩ đến việc thay đổi hay nỗ lực đón nhận thử thách mới.
Nếu những gì nói trên đúng với bạn thì tôi xin nói rằng bạn đang lo lắng vô ích. Thật ra, dù bạn có chọn lựa hay hành động thế nào thì bạn cũng không có gì để mất, mà chỉ được thêm thôi. Như tôi đã nói ở trên, tất cả những gì bạn cần làm để thay đổi thế giới này chính là thay đổi cách suy nghĩ của bạn về thế giới. Trong thực tế, bạn có thể thay đổi cách nghĩ để biến quyết định sai lầm thành một điều bất khả thi. Trước hết, chúng ta hãy bàn về việc ra quyết định.
Giả sử bạn đang đứng trước một Điểm Chọn Lựa trong cuộc đời. Phần lớn chúng ta đều được dạy là phải áp dụng Mô hình Thất-Bại khi nghĩ về quyết định phải làm. Mô hình đó như sau:
Bạn thấy khó quyết định. Bạn sợ cứng người khi nghĩ đến hậu quả một mất một còn. Bạn phân vân lưỡng lự, bị ám ảnh bởi những lời than: "Mình nên hay không nên làm chuyện này? Nếu chọn cách này thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu nó không diễn ra theo kế hoạch thì sao? Nếu…". Trong đầu bạn toàn là những câu hỏi bắt đầu bằng chữ "Nếu…". Một lần nữa, tiếng nói bên trong đang chống lại bạn. Bạn nhìn về cái chưa biết và cố tìm cách dự đoá tương lai; bạn tìm cách kiểm soát các thế lực bên ngoài. Cả hai điều này đều bất khả thi. Khi đó, bạn chợt nhận ra mình đang phát điên lên.
Sau khi đã ra quyết định, Mô hình Thất-Bại khiến bạn lúc nào cũng nghĩ tới tình huống đã qua, lòng thầm mong mình không phạm sai lầm khi quyết định như vậy, rồi tiếp tục ngẫm lại những điều đã xảy ra và tự trách: "Giá mà mình…". Bạn không chỉ làm hao phí sức lực quý giá, mà còn làm khổ bản thân.
Nếu kết quả diễn ra như mong muốn, bạn sẽ cảm thấy như trút được gánh nặng nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Ngay lúc thở phào nhẹ nhõm, bạn đã lo tình huống sẽ lật ngược và cuối cùng cho thấy đó vẫn là quyết định sai lầm. Thêm vào đó, bạn bắt đầu lo sợ cho quyết định kế tiếp, vì bạn sẽ phải trải qua quá trình đau khổ ấy một lần nữa. Mọi chuyện nghe quen quá phải không? Rõ ràng đây là một tình-huống-thất-bại. Tuy nhiên, vẫn còn có một cách khác, đó là Mô hình Bất-Bại.
Chúng ta cùng nhìn lại Điểm Chọn Lựa, nhưng lần này, tình huống sẽ như sau:
Hãy lưu ý phía trước có hai con đường A và B, và cả hai con đường đều đúng! Rõ ràng, bạn đang đứng trước một tình huống không-có-thất-bại. Trên mỗi con đường đó không có gì khác ngoài "những điều tốt đẹp". Và những điều tốt đẹp đó là gì? Đó chính là những cơ hội để trải nghiệm cuộc sống theo một cách mới, để học hỏi và trưởng thành, để hiểu xem bạn là ai và đâu là con người mà bạn thật sự mong muốn trở thành, đâu là mục tiêu của bạn trong cuộc đời này. Mỗi con đường trên đều trải đầy cơ hội, bất kể hậu quả ra sao. "Sao? Bất kể hậu quả à?". Cho đến dòng trên hẳn bạn vẫn còn đồng tình với tôi, nhưng những chữ in nghiêng này đã khiến bạn nghi ngại, nếu không muốn nói là phản đối. "Nếu như…" lại xuất hiện trong đầu bạn. Tôi sẽ trả lời câu hỏi "Nếu như…" của bạn bằng ví dụ sau.
Hãy tưởng tượng bạn phải chọn giữa tiếp tục công việc hiện tại hay nắm bắt cơ hội mới đang mở ra trước mắt. Nếu bạn đứng ở Điểm Chọn Lựa Thất- Bại, tiếng nói bên trong bạn sẽ chế ngự toàn bộ tâm trí của bạn, rằng:
"Nếu ở lại, mình có thể đánh mất cơ hội thăng tiến. Nhưng nếu đi, có thể mình sẽ không đảm đương hết những trọng trách mới. Sẽ ra sao nếu mình xin nghỉ ở đây rồi mất cả chì lẫn chài? Mình thích mọi thứ ở đây. Nhưng mình lại có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong công việc mới. Có thể họ sẽ thăng chức cho mình và mình sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng nếu mình phải tiếc nuối vì đã nghỉ việc ở đây thì sao? Nếu như…? Ôi, mình không biết phải làm sao nữa! Nếu quyết định sai mình có thể hủy hoại cả cuộc đời mất!".
Nhưng nếu bạn đứng ở Điểm Chọn Lựa Bất-Bại, tiếng nói quả cảm trong bạn sẽ lên tiếng:
"Thật tuyệt! Mình đã nhận được công việc mới. Nếu nhận việc này, mình sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người mới, biết thêm những cách làm việc mới, trải nghiệm một không khí làm việc mới và có thêm kinh nghiệm. Nếu có xảy ra chuyện gì và mọi thứ không được như ý, mình biết mình sẽ giải quyết được. Mặc dù thị trường việc làm hiện nay đầy khó khăn, mình biết mình vẫn có thể tìm được một công việc khác khi cần. Ngay cả nếu điều đó có xảy ra thì âu cũng là một trải nghiệm tốt, vì mình sẽ học được cách đối phó với tình trạng thất nghiệp và giải quyết những vấn đề có thể phát sinh sau đó. Còn nếu ở lại đây, mình sẽ có cơ hội thắt chặt những mối quan hệ hiện có. Mình thấy tự tin hơn về bản thân khi nhận được lời mời công việc này, do đó nếu ở lại, có thể mình sẽ đề nghị được thăng chức. Còn nếu vì lý do gì đó mọi thứ không diễn ra như ý thì mình vẫn còn cơ hội để tìm việc khác. Cho dù mình có chọn con đường nào đi nữa thì tất cả đều là một cuộc phiêu lưu thú vị".
Tôi biết có những người suy nghĩ như vậy và cuộc sống của họ lúc nào cũng tràn ngập niềm vui. Họ thật sự sống trong một thế giới không-có-thất-bại.
Alex là một ví dụ hoàn hảo. Hiện anh là một chuyên viên tâm lý ở Los Angeles, dù trước kia đã từng có ý định nối gót cha trở thành luật sư. Bảng điểm trung học của anh rất "đẹp" và Alex không hề gặp khó khăn gì để xin vào một trường luật danh tiếng. Hai năm đầu, anh học chăm chỉ và mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, quãng thời gian xa nhà đã khiến tính cách của anh có nhiều thay đổi. Anh bắt đầu nhận ra mình không muốn dành cả đời để sống trong "vùng chiến", cụm từ theo cách gọi của anh, vốn là một điều mà bất cứ luật sư nào cũng phải chấp nhận. Anh muốn giúp đỡ mọi người theo cách khác và quyết định rằng tư vấn tâm lý lâm sàng mới là ngành phù hợp với mình. Ngoài ra, anh cũng nhận ra rằng một phần lý do anh muốn trở thành luật sư là để làm vui lòng cha.
Khi đã hiểu rõ hơn về bản thân, Alex quyết định bỏ trường luật để theo đuổi sự nghiệp tâm lý. Cha anh chúc cho con trai gặp may mắn, nhưng từ chối hỗ trợ mọi chi phí ăn học, điều đó khiến cho quyết định này trở nên khó khăn hơn với Alex. Thế nhưng
Alex vẫn tin vào trực giác và từ chối chọn lựa không phù hợp với nhu cầu của anh. Một số người, trong đó có cả cha anh, cho rằng hai năm ở trường luật là một sự phí phạm thời gian, nhưng Alex lại không nghĩ thế. Chính nhờ có thử mà anh thấy rằng nghề luật không thích hợp với mình.
Có một nghịch lý là việc phát hiện ra những gì bạn không thích cũng đáng giá như phát hiện ra những điều bạn thích. Những năm học ở trường luật đã đem lại cho anh những người bạn thân thiết đến tận hôm nay. Và những kiến thức mà Alex tiếp thu được trong hai năm ở trường luật cũng có ích cho cuộc sống cá nhân và sự nghiệp hiện tại của anh.
Với Alex, những điều tốt đẹp không chỉ dừng ở đó. Do bị cha từ chối hỗ trợ chi phí ăn học nên anh phải làm việc suốt hai năm để kiếm đủ tiền theo học chuyên ngành tâm lý. Liệu hai năm đó có phí hoài không? Không hề. Công việc ở một công ty xây dựng đã đem lại cho cuộc sống của anh một lợi ích kép: anh không chỉ được trải nghiệm cuộc sống theo cách mới, mà còn có cơ hội gặp người sau này là vợ mình thông qua một bạn đồng nghiệp. Cuối cùng, nhờ một suất học bổng và hai việc làm bán thời gian, Alex đã tốt nghiệp ngành tâm lý học như mong muốn.
Những sự kiện đó thật vô giá vì đã giúp Alex học được cách chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Có thể tại thời điểm đó, cả anh lẫn cha anh đều không nhận ra điều này, nhưng quả thật cha anh đã giúp đỡ anh rất nhiều khi để anh tự đứng trên đôi chân của mình. Alex nhận ra rằng khi thật sự mong muốn điều gì đó thì chắc chắn chúng ta sẽ có cách để đạt được. Và nếu thế thì anh sẽ tìm bằng được cách đó. Anh biết nếu không xin được học bổng thì anh cũng sẽ tìm một cách giải quyết khác. Kể từ đó, anh tiếp tục đưa ra những quyết định cho tương lai với một tâm trạng hứng khởi, tràn đầy năng lượng và sự mạnh mẽ. Bạn hãy nhớ rằng ẩn sâu bên dưới nỗi sợ là sự thiếu tin tưởng vào bản thân. Mỗi bước Alex đi, bất chấp hậu quả, cho dù phải từ bỏ nguồn ủng hộ tài chính của gia đình và trì hoãn việc học hai năm, đều là những cơ hội để anh khẳng định niềm tin vào chính mình, rằng mình hoàn toàn có thể tự đáp ứng mọi nhu cầu của bản thân.
Có một điều thú vị là khi tôi giới thiệu với các học viên về Mô hình Bất-Bại, ban đầu họ phản kháng rất dữ dội: "Ôi, cô thật là thiếu thực tế!". Như tôi đã trình bày, chúng ta được dạy rằng bi quan đồng nghĩa với thực tế và lạc quan đồng nghĩa với viển vông. Khi tôi hỏi tiếp, họ vẫn tin tưởng vào Mô hình Thất-Bại hơn là Mô hình Bất-Bại, dù mô hình thứ hai mới chính là công cụ có thể giúp chúng ta biến đau khổ thành sức mạnh, vốn là mục tiêu mà chúng ta cần đạt đến để đối diện với nỗi sợ hãi trong cuộc sống. Cũng cần lưu ý là bạn sẽ cảm thấy tốt đẹp hơn nếu đứng ở vị trí không-thất-bại. Tại sao bạn phải từ chối điều này kia chứ? Tại sao bạn phải tiếp tục sống trong đau khổ, sợ hãi và tuyệt vọng kia chứ? Chúng ta sẽ mãi mãi tiếp tục sống như thế cho đến khi nào biết nhìn cuộc sống qua lăng kính khác. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể dần thay đổi cách suy nghĩ thất-bại đã biến mình thành nạn nhân của cuộc đời.
Một yếu tố cốt lõi khiến bạn chấp nhận Mô hình Thất-Bại trong cuộc sống là do cách nghĩ của bạn về hậu quả và cơ hội. Chẳng hạn, bạn khó chấp nhận thất nghiệp là một tình huống không-thất-bại. Từ trước tới giờ, chúng ta thường nghĩ cơ hội trong cuộc sống gắn liền với tiền bạc, địa vị hoặc "những biểu hiện trông thấy được" của sự thành đạt. Tôi đề nghị bạn hãy nghĩ về cơ hội theo một cách hoàn toàn khác. Mục đích của quyển sách này là nhằm giúp bạn kiểm soát những nỗi sợ trong cuộc sống, từ đó cho phép bạn đạt được mục tiêu mong muốn. Mỗi khi gặp phải một tình huống đòi hỏi bạn phải giải quyết, lòng tự tôn của bạn sẽ gia tăng đáng kể. Bạn sẽ nhận ra rằng cho dù xảy ra điều gì trong cuộc sống thì bạn vẫn tồn tại được. Và nhờ đó, những nỗi sợ hãi của bạn cũng sẽ mất đi.
Ý THỨC ĐƯỢC MÌNH LUÔN CÓ KHẢ NĂNG GIẢI QUYẾT MỌI VIỆC
CHÍNH LÀ CHÌA KHÓA GIÚP BẠN ĐÓN NHẬN NHỮNG RỦI RO CÓ LỢI TRONG CUỘC SỐNG ĐỂ KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ BẢN THÂN.
Trở lại ví dụ ban nãy. Nếu lúc trước bạn chỉ thấy hậu quả của chuyển việc là cảnh thất nghiệp trong vài tháng sau đó, thì giờ đây bạn sẽ nhận ra cơ hội củng cố lòng tự tôn thông qua việc dám đối mặt với bão tố cuộc đời, tập hợp những nguồn sức mạnh nội tại và tiếp tục tìm kiếm một vị trí mới có thể làm bạn hài lòng hơn. Đồng thời, bạn còn có cơ hội gặp gỡ nhiều người mới và biết thêm nhiều điều trong cuộc sống. Nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực và nhẹ nhàng như thế, thất nghiệp sẽ trở thành tình huống không-thất-bại.
Tôi thường bảo với các học viên rằng có lẽ những người may mắn trong cuộc sống chính là những người bị buộc phải đối mặt với những điều mà họ không bao giờ mong gặp phải, như thất nghiệp, mất người thân, ly hôn, phá sản, bệnh tật… Một khi đã vượt qua bất kỳ khó khăn nào trong số đó, bạn sẽ trở thành một con người mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tôi hiếm thấy người nào từng trải qua mất mát mà lại không cảm thấy tự hào về bản thân vì đã tìm ra giải pháp cho cuộc sống bất chấp nghịch cảnh. Họ đã khám phá ra rằng an toàn không có nghĩa là có mọi thứ; mà an toàn là biết cách xử lý mọi thứ. Vì vậy, khi bạn có thể trả lời câu hỏi "Nếu như…" bằng câu "Mình sẽ làm được" tức là bạn đã có thể tiếp cận mọi việc với thái độ bất-bại. Và nỗi sợ sẽ tự nhiên biến mất.
Đến đây bạn đã biết rằng thật ra không hề có cái gọi là quyết định đúng hay sai khi ta áp dụng Mô hình Bất-Bại, do đó bạn có thể áp dụng từng bước một để nhận biết rõ hơn về những tùy chọn đang mở ra trước mắt. Nhận thức đó sẽ giúp sự việc có thêm cơ hội diễn ra theo ý muốn của bạn và bạn cảm thấy yên tâm hơn. Sau đây là những bước mà tôi đề nghị bạn nên làm trước và sau khi phải đưa ra một quyết định lớn lao:
Trước Khi Quyết Định
1. Tập trung vào Mô hình Bất-Bại. Hãy tự khẳng định: "Mình không thể thất bại, cho dù quyết định này dẫn đến kết quả ra sao. Thế giới luôn đầy rẫy những cơ hội và mình sẽ tìm kiếm những cơ hội để học hỏi và trưởng thành trên bất kỳ con đường nào mà mình chọn". Hãy gạt bỏ ý nghĩ về nhữn điều bạn có thể đánh mất và chỉ tập trung vào những gì bạn có thể đạt được. Hãy vận dụng các bài tập trong chương nói về vấn đề tư duy tích cực.
2. Tham vấn ý kiến mọi người. Có rất nhiều thứ bạn phải tìm hiểu về những tùy chọn đang mở ra trước mắt. Tốt nhất là bạn nên trò chuyện và lắng nghe càng nhiều người càng tốt. Đừng ngại tìm đến các chuyên gia có liên quan đến quyết định phải làm. Có thể vài người trong số đó sẽ từ chối bạn, nhưng hầu hết sẽ rất vui được giúp bạn. Thực ra, họ sẽ cảm thấy tự hào vì bạn đã đến xin ý kiến của họ.
Bên cạnh đó, hãy tham khảo thêm từ những nguồn khác. Hãy trò chuyện với những người mà bạn gặp tại các bữa tiệc, tiệm cắt tóc hay thẩm mỹ viện, phòng mạch… Những người mà bạn gặp tại các địa điểm bất ngờ đó có thể tạo nên những mối quen biết đáng quý mà bạn chưa từng tưởng tượng, hoặc họ cũng có thể chia sẻ cùng bạn những hiểu biết thực tế mà họ đã trải qua.
Điều quan trọng là bạn phải tìm đúng người. Nhưng thế nào là "đúng người"? Đó là những người ủng hộ việc học hỏi và trưởng thành của bạn. Nếu người đó không ngừng bác bỏ những tiềm năng mở ra trước mắt bạn thì bạn đang trò chuyện không "đúng người" rồi đấy. Hãy lịch sự cảm ơn họ và tìm đến người khác thích hợp hơn.
Một người thầy tuyệt vời của tôi đã giúp tôi rất nhiều khi dạy tôi: "Trước tiên, hãy xấu hổ về người khác. Kế đến, hãy tự xấu hổ về bản thân". Trong tình huống này, nếu bạn bàn bạc một việc gì đó với những người hững hờ với nhu cầu của bạn, trước tiên hãy lấy làm xấu hổ cho họ. Nhưng nếu bạn vẫn tiếp tục cho phép bản thân phải hứng chịu điều đó thì hãy lấy làm xấu hổ cho mình. Bạn không cần tiếp tục chia sẻ suy nghĩ với những người khiến bạn cảm thấy mình thật kém cỏi. Sao lại phải khiến bản thân đau khổ khi đón nhận cảm giác hạnh phúc là điều quá dễ dàng?
Ngoài ra, bạn cũng đừng ngần ngại nói về những kế hoạch trong tương lai chỉ vì sợ rằng nếu làm không được sẽ bị mọi người coi là một "kẻ bại trận". Đừng sĩ diện hão. Rất có thể do không tìm hiểu cặn kẽ mọi chi tiết, bạn sẽ đánh mất những nguồn thông tin đáng giá giúp ích cho bạn. Hãy nhớ:
BẠN KHÔNG LÀM ĐƯỢC KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ BẠN THẤT BẠI;
BẠN VẪN THÀNH CÔNG VÌ BẠN ĐÃ DÁM THỬ.
Một học viên của tôi sợ bị xem là "nói nhiều hơn làm" nếu cứ thất bại hết lần này đến lần khác. Không hề có thất bại nào cả nếu bạn thật sự quyết tâm tiến lên. Trải nghiệm đầu tiên của tôi trong thế giới xuất bản sau đây là một ví dụ hoàn hảo cho lập luận này:
Mấy năm trước, tôi có ý định xuất bản một tập thơ. Do không biết chút gì về việc này, nên tôi đã nói chuyện với không biết bao nhiêu người để xem mình nên làm những gì. Tôi đăng ký học một khóa xuất bản sách; tôi gọi cho những người không quen biết làm ở những nhà xuất bản khác nhau (và vô cùng ngạc nhiên khi thấy hầu hết họ đều sẵn lòng giúp đỡ mình); tôi gửi bản thảo đến hơn hai mươi nhà xuất bản và lần lượt nhận những lời từ chối. Tuy vậy, tôi vẫn không ngừng nói về sự nghiệp viết lách của mình. Tôi biết chắc sẽ có người bảo rằng: "Cô ấy tưởng mình là ai kia chứ? Đời nào có chuyện đó". Một hôm trong buổi ăn trưa, Ellen Car - vốn là một trợ lý kinh doanh và giờ đây đã trở thành người bạn thân thiết của tôi - cùng tôi quyết định viết và tự xuất bản một quyển sách nhỏ hướng dẫn xin việc dành riêng cho phụ nữ. Một lần nữa, tôi lại chia sẻ về dự án của mình với mọi người quen biết và một loạt những chậm trễ xảy ra khiến mọi người ngờ rằng quyển sách ấy chẳng bao giờ được xuất bản. Nhưng tôi vẫn không ngừng nói về đề tài này, cả Ellen cũng thế, và chúng tôi đã gặp được nhiều người thú vị - những người đã dốc công sức giúp đỡ chúng tôi hoàn thành dự án này. Cuối cùng, ngày vui cũng đến khi chúng tôi được cầm trên tay quyển sách của mình.
Trong mắt mọi người, có thể nói sự nghiệp viết lách của tôi đã khởi đầu bằng rất nhiều thất bại. Thế nhưng tôi hoàn toàn không nghĩ thế! Mỗi bước tiến trên con đường đó đã giúp tôi thêm sẵn sàng để bước vào lĩnh vực này, cho dù kết cục có thể không giống như tôi hình dung ban đầu. Và tôi còn biết cách đối diện với sự từ chối! Chia sẻ ý tưởng của bạn với thế giới xung quanh bằng cách không ngừng nói về nó có thể khiến nhiều người ngờ vực, tuy nhiên những cuộc trò chuyện như thế không chỉ giúp bạn thu nhặt những thông tin đáng giá, mà còn làm rõ ý định thực hiện của bạn đối với ý tưởng đó! Ý định chính là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn tạo ra điều mình mong muốn trong đời.
3. Thiết lập những điều ưu tiên. Điều này đòi hỏi bạn phải tự vấn. Hãy nghĩ xem bạn muốn gì trong cuộc sống. Đây là điều không phải ai cũng có thể nghiệm ra, bởi ngay từ bé chúng ta đã được dạy phải làm vui lòng người khác và cứ như thế, chúng ta đang xa rời những thứ thật sự làm mình hài lòng. Để mọi thứ dễ dàng hơn, ngay tại thời điểm hiện tại, hãy tự hỏi xem đâu là con đường phù hợp với các mục tiêu trong đời của bạn.
Có một điểm quan trọng bạn cần ghi nhớ là mục tiêu sẽ không ngừng thay đổi theo từng chặng đường đời và bạn phải không ngừng xem xét lại chúng. Quyết định của bạn ngày hôm nay có thể sẽ khác với quyết định của năm năm sau. Nếu bạn khó xác định các mục tiêu thì cũng đừng lấy làm lo lắng. Có thể bạn cần thêm quyết định và thử nghiệm trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nữa để khám phá ra đâu là những điều ưu tiên. Ít ra, bạn đã bắt đầu chú ý xem mình là ai. Hãy cứ cho phép mình bối rối trong giai đoạn tự vấn, vì có trải qua giai đoạn này thì bạn mới nhận thức thấu đáo vấn đề.
4. Tin vào sự thôi thúc của bản thân. Tuy có thể gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm "con người nội tại" nhưng thi thoảng, chính cơ thể bạn sẽ đưa ra một số dấu hiệu để mách bảo bạn nên đi theo con đường nào. Tiềm thức của chúng ta thường gửi đi những thông điệp giúp nhận biết đâu là chọn lựa tốt hơn tại mỗi thời điểm. Hãy chú ý đến tiếng nói sâu thẳm trong lòng mình, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng chính bạn cũng có thể đưa ra cho mình những lời khuyên hữu ích.
"Tin vào trực giác" đã tạo ra một điều bất ngờ, và tôi đã tìm thấy một sự nghiệp mới. Ý định của tôi sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành tâm lý học là mở một văn phòng dịch vụ tư. Vài tháng sau, khi tôi điều trị cho bệnh nhân tại một phòng khám sức khỏe tâm thần thì cơ hội đến với tôi. Một người bạn là giám đốc điều hành Floating Hospital - một trung tâm sức khỏe lớn - nhờ tôi giúp đỡ. Bản năng mách bảo tôi nhận lời, cho dù công việc này không hề nằm trong kế hoạch ban đầu. Có điều gì đó trong tôi lên tiếng: "Cứ làm đi!".
Được vài tháng, người bạn từ chức và tôi được đề bạt lên vị trí giám đốc điều hành trung tâm. Trong kế hoạch ban đầu của tôi không hề có chỗ cho vị trí quản lý đó. Trước kia, tôi chỉ xem mình là một người tiếp bước, chứ không phải là một người lãnh đạo và chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ chỉ huy người khác. Đâu đó trong tiềm thức của tôi biết rõ tôi có thể làm được điều này, và nó thúc đẩy tôi đồng ý nhận trọng trách mới. "Mình đang làm gì ở đây thế này?", tôi tự hỏi khi trải qua cảm giác sợ hãi và bất ổn khi đảm nhận chức vụ được giao. Nhưng khi tiếp quản công việc, tôi bỗng nhận ra rằng mình yêu thích công việc quản lý và thậm chí là còn rất có năng lực nữa. Thêm vào đó, Floating Hospital còn mang đến cho tôi những trải nghiệm phong phú, tuyệt vời, đầy say mê, vui tươi, sâu sắc và thú vị, lẫn những thử thách mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có được. Tiềm thức của tôi đã nhận ra tất cả những điều đó và chế ngự ý thức, phần trí não logic luôn bảo rằng: "Đừng đi chệch khỏi kế hoạch đã định" và "Mình sẽ không làm được việc này đâu".
Ở đây tôi muốn nói rõ là không có lựa chọn nào là sai hay đúng, rằng nếu tôi tiếp tục ở lại làm một nhân viên trị liệu cho phòng khám ban đầu thì lựa chọn đó cũng sẽ mang lại cho tôi nhiều cơ hội trải nghiệm cuộc sống theo một cách mới mẻ và khác biệt. Chẳng có lựa chọn nào là đúng hay sai cả, mà đơn thuần chỉ là những lựa chọn khác nhau.
5. Sống vui tươi, nhẹ nhàng. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà hầu hết mọi người đều tự coi bản thân và những quyết định của mình là "hết sức nghiêm trọng". Nhưng tôi khẳng định với bạn là chẳng quan trọng đến thế đâu! Thật lòng mà nói, nếu vì một quyết định nào đó mà bạn đán mất một khoản tiền thì cũng chẳng sao - bạn sẽ học được cách xử trí khi mất tiền. Nếu bạn mất người yêu? Không sao cả, rồi bạn sẽ tìm được người khác. Nếu bạn quyết định ly hôn? Không sao cả, bạn sẽ học được cách tự xoay xở một mình. Còn nếu bạn quyết định kết hôn? Không sao cả, bạn sẽ học được cách chia sẻ trong cuộc sống mới.
Hãy nghĩ về bản thân như một sinh viên trọn đời trong ngôi trường đại học rộng lớn. Thời khóa biểu của bạn chính là tất cả những mối quan hệ của bạn với thế giới này, từ giây phút sinh ra cho đến lúc lìa khỏi cõi đời. Mỗi trải nghiệm đều là một bài học quý. Nếu chọn con đường A, bạn sẽ học được những bài học này; còn nếu chọn con đường B, bạn sẽ học được một loạt bài học khác. Cho dù là môn địa chất hay hình học thì cả hai chỉ khác nhau về giáo viên giảng dạy, sách tham khảo, bài tập về nhà hay bài thi mà thôi. Điều đó không thật sự quan trọng. Nếu chọn con đường A, bạn sẽ được nếm vị dâu tây; còn nếu chọn con đường B, bạn sẽ được nếm những quả việt quất. Nếu bạn không thích cả dâu tây lẫn việt quất thì vẫn có thể chọn một con đường khác để đi. Vấn đề ở đây là hãy biến mọi hoàn cảnh mà bạn trải qua thành một nơi để bạn học hỏi những điều mới mẻ - về bả thân bạn và thế giới xung quanh. Vì vậy, hãy sống vui tươi và nhẹ nhàng. Cho dù quyết định của bạn có dẫn đến điều gì đi nữa, bạn đều có thể giải quyết được mà.
Sau Khi Quyết Định
1. Vứt bỏ "bức tranh" mà bạn đã hình dung. Sau khi quyết định, chúng ta thường kỳ vọng điều mình mong muốn sẽ xảy ra. Điều bạn hình dung trong tâm trí có thể giúp bạn mạnh dạn đưa ra quyết định. Song một khi đã quyết định rồi, hãy cứ để mọi việc diễn ra tự nhiên. Do không thể nào kiểm soát tương lai, bạn sẽ chán nản nếu sự việc không diễn ra như ý. Nỗi thất vọng khiến bạn bỏ lỡ những điều tốt đẹp có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu chỉ nghĩ đến một hướng kết quả nhất định, bạn sẽ có nguy cơ bỏ lỡ những cơ hội khác. Trong khi đó, những cơ hội bất ngờ nhiều khi đáng giá hơn kết quả mong đợi ban đầu. Nếu chỉ chăm chăm vào "kết quả phải xảy ra", có thể bạn sẽ lỡ mất cơ hội tận hưởng bản chất sự việc hoặc trải nghiệ sự việc theo một cách thức hoàn toàn khác biệt với những gì bạn tưởng tượng.
2. Chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Điều này không dễ chút nào! Chúng ta thường tìm cách đổ lỗi cho người khác nếu mọi việc không diễn ra như ý. Khi cổ phiếu biến động, tôi đâm ghét nhân viên môi giới chứng khoán đã giới thiệu cổ phiếu đó cho tôi. Phải can đảm lắm tôi mới có thể tự nhủ rằng: "Là do mình quyết định mua đấy chứ, có ai bắt ép mình đâu!". Tôi than vãn cho đến khi tìm thấy cơ hội từ quyết định đen đủi của mình. Và tôi đã "sáng" ra rất nhiều từ bài học đó! Tôi nhận ra mình phải tự tìm hiểu nhiều hơn về thị trường chứng khoán, thay vì trông cậy hoàn toàn vào ý kiến nhân viên môi giới. Tôi nhận ra mình lo lắng về mặt tài chính và phải tìm cách giải quyết vấn đề này. Tôi nhận ra rằng mình có thể thua lỗ vì chứng khoán, nhưng rồi cuộc sống vẫn tiếp diễn như trước. Tôi nhận ra rằng nếu lần sau mình có bị thua lỗ thì cũng chẳng có gì là quá nghiêm trọng, và rằng thị trường chứng khoán rồi sẽ đi lên như thực tế đã diễn ra tám tháng sau đó. Khi nhìn sự việc dưới góc độ đó, tôi bỗng thấy quyết định của mình chẳng tệ chút nào. Một khi đã tìm thấy cơ hội trong mọi quyết định, bạn sẽ dễ dàng nhận trách nhiệm khi thực hiện nó hơn.
Khi biết chịu trách nhiệm, bạn sẽ cảm thấy ít giận dữ với thế giới xung quanh và cả chính mình!
3. Đừng bảo thủ, hãy thay đổi! Điều quan trọng nhất là hãy hết lòng với bất kỳ quyết định nào mà bạn đưa ra. Tuy nhiên, nếu mọi chuyện không xảy ra như ý thì hãy thay đổi quyết định đó! Nhiều người trong chúng ta cứ nhất mực giữ nguyên quyết định "đúng", hoặc dù không thích con đường đang đi nhưng ta vẫn không dám bước sang con đường khác. Theo tôi, đây là một việc rồ dại. Biết mình không thích điều gì là một nhận thức có lợi. Khi đó, bạn chỉ cần thay đổi con đường đã chọn là xong. Nhưng tôi biết có những người cứ thay đổi xoành xoạch với cái cớ "cần phải thay đổi". Điều tôi đang nói là hoàn toàn khác: nếu bạn thật sự muốn làm một việc gì, hãy toàn tâm toàn ý với nó, và chỉ khi nhận ra nó thực sự không thích hợp với mình thì hãy nghĩ đến việc thay đổi hướng đi.
Khi quyết định thay đổi con đường đã chọn, bạn thường sẽ gặp phải những lời phê bình, chỉ trích của người xung quanh. "Con muốn đổi việc nghĩa là sao? Con đã bỏ ra 5 năm trời để tạo dựng sự nghiệp nha sĩ kia mà? Vậy là bao nhiêu tiền bạc, thời gian coi như đổ sông đổ biển!". Hãy giải thích cho mọi người hiểu rằng chẳng có gì phí hoài ở đây cả. Chỉ đơn giản là lựa chọn này chỉ đúng với bạn tại thời điểm trước đó mà thôi. Trên hành trình trải nghiệm, bạn học hỏi và lĩnh hội được thêm nhiều thứ và giờ đây quyết định đó đã không còn thích hợp với bạn nữa. Đã đến lúc thay đổi, và chỉ thế thôi.
Trong tác phẩm "Actualizations" (Hiện Thực Hóa Ước Muốn), tác giả Stewart Emery đã giới thiệu một mô hình tuyệt vời có thể giúp bạn thay đổi phương hướng trong cuộc đời. Ông đã nhận ra điều này khi ngồi trong khoang lái của một chiếc máy bay trên đường đến Honolulu (Hawaii, Mỹ). Ông chú ý đến một thiết bị mà cơ trưởng gọi là hệ thống hướng dẫn định vị. Thiết bị này có tác dụng nhận biết máy bay trong khoảng 1 km so với đường băng và trong vòng năm phút so với thời điểm hạ cánh dự kiến. Hệ thống này sẽ nhắc nhở ngay mỗi khi máy bay chệch hướng. Cơ trưởng giải thích họ sẽ đáp xuống Hawaii đúng giờ dù "phạm lỗi trong suốt 90% quãng thời gian bay". Từ đây, Emery đưa ra kết luận: "Như vậy, quãng đường chúng ta đi bắt đầu từ sai lầm thứ nhất đến sai lầm thứ hai rồi sai lầm thứ ba... cuối cùng tất cả đều được điều chỉnh lại. Nghĩa là, thời điểm duy nhất mà chúng ta thật sự đi đúng hướng là lúc chúng ta băng ngang qua con đường zích zắc đó". Phân tích này cho thấy điểm cốt lõi trong cuộc sống là chúng ta không nên sợ quyết định sai lầm, mà chính là học hỏi để sửa chữa sai lầm! Khái niệm về mô hình này của tôi như sau:
Có rất nhiều dấu hiệu bên trong giúp bạn nhận biết đâu là thời điểm để điều chỉnh sự việc, trong đó hai dấu hiệu rõ nét nhất chính là cảm giác bối rối và không thỏa mãn. Trớ trêu thay, đây lại là hai dấu hiệu tiêu cực chứ không hề tích cực. Tôi biết bạn khó có thể đồng tình với tôi về điều này, nhưng quả thật nỗi buồn có lợi cho bạn, bởi nó mách bảo cho bạn biết mình đang đi chệch hướng và phải tìm cách quay lại con đường đúng. Và một người bạn của tôi từng bảo: "Nếu không thay đổi phương hướng, có thể bạn sẽ kết thúc ngay tại điểm khởi đầu".
Nỗi đau thể xác là một điều có lợi thấy rõ, mặc dù nó chẳng dễ chịu chút nào. Đó là triệu chứng cho thấy có gì đó bất ổn đang xảy ra với cơ thể bạn. Ví dụ, việc ý thức về cơn đau ở phần bụng dưới bên phải là dấu hiệu của chứng viêm ruột thừa sẽ cứu mạng bạn. Nếu không chú ý đến triệu chứng đó, bạn có thể mất mạng. Nỗi đau về tinh thần cũng là một ân phước vì nó cho bạn biết cuộc sống hiện tại của bạn có điều bất ổn và cần được sửa đổi - có thể là nhận thức của bạn về thế giới xung quanh hoặc những gì bạn đang làm trong cuộc sống, hoặc cả hai. Sự đau đớn đơn giản báo cho bạn biết: "Này, cái này không ổn!".
Để tìm được con đường quay trở lại hướng đi thích hợp, bạn cần trải qua một quá trình khám phá thông qua các loại sách nuôi dưỡng tâm hồn, những khóa rèn luyện ngắn hạn, bạn bè, các nhóm hỗ trợ, hoạt động trị liệu hoặc bất kỳ việc gì phù hợp với bạn khi bạn cần giúp đỡ. Miễn là bạn chịu mở lòng tìm kiếm, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ thế giới xung quanh. Hãy nhớ là: "Khi học viên đã sẵn sàng, thầy giáo ắt sẽ xuất hiện". Bạn sẽ không bao giờ sẵn sàng nếu cứ khư khư bám lấy con đường đã chọn. Bạn sẽ không bao giờ đến đích. Nếu thường xuyên nhận ra các dấu hiệu cho thấy cần điều chỉnh, bạn sẽ đến đúng điểm mong muốn, hay chí ít là cũng ngay cạnh đó.
Sau đây là các bước trong tiến trình ra quyết định mà bạn có thể tham khảo và áp dụng. Bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều khi phải lựa chọn điều gì đó trong cuộc đời.
TIẾN TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH BẤT-BẠI
Trước Khi Quyết Định
1. Tập trung vào Mô hình Bất-Bại.
2. Tham vấn ý kiến mọi người.
3. Thiết lập những điều ưu tiên.
4. Tin vào sự thôi thúc của bản thân.
5. Sống vui tươi, nhẹ nhàng.
Sau Khi Quyết Định
1. Vứt bỏ "bức tranh" mà bạn hình dung.
2. Hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3. Đừng bảo thủ, hãy thay đổi!
Nếu bạn thấy những bước trên chưa hợp lý, hãy so sánh với các bước chúng ta thường làm khi sử dụng Mô hình Thất-Bại nhé:
TIẾN TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH THẤT-BẠI
Trước Khi Quyết Định
1. Tập trung vào Mô hình Thất-Bại.
2. Tiếng nói trong tâm trí khiến bạn phát cuồng lên.
3. Căng thẳng, bất an vì cố tìm cách dự đoán tương lai.
4. Không tin vào sự thôi thúc của bản thân, mà nghe những gì mọi người nghĩ.
5. Cảm thấy nặng nề khi phải đưa ra quyết định.
Sau Khi Quyết Định
1. Lo lắng vì cố tìm cách kiểm soát hậu quả.
2. Đổ lỗi cho người khác nếu mọi việc không diễn ra như ý.
3. Nếu sự việc không diễn ra như ý, bạn sẽ băn khoăn không biết liệu chọn cách khác thì có tốt hơn không.
4. Không sửa đổi nếu quyết định là "sai", vì đã đầu tư quá nhiều cho nó.
Bạn có thấy tiến trình thứ hai này quen thuộc không? Quả thật, chúng ta vẫn thường tự làm mình quẫn trí như vậy đấy.
Đến đây tôi đã trình bày với bạn về hai Mô hình Thất-Bại và Bất-Bại gắn liền với việc ra quyết định. Tôi tin bạn đã hiểu được rằng sai lầm là điều hiển nhiên và không tránh khỏi. Nếu mỗi quyết định là một cơ hội để học hỏi thì mỗi sai lầm cũng là một cơ hội để bạn trau dồi. Một nhà nghiên cứu lỗi lạc từng thất bại hai trăm lần trước khi tìm thấy lời đáp cho vấn đề ông quan tâm. Khi có người hỏi: "Thất bại bấy nhiêu lần không làm ông chán sao?", ông đáp: "Tôi chưa bao giờ thất bại! Tôi đã khám phá ra hai trăm cách để không làm được điều gì đó!".
Sau khi đắn đo cân nhắc, tôi đi đến một kết luận rằng nếu gần đây bạn không mắc phải một sai lầm nào thì có nghĩa là bạn đang đi chệch hướng. Bạn sẽ không bao giờ đến Hawaii! Bạn vẫn chưa rời khỏi sân bay! Thậm chí bạn còn chưa cất cánh nữa! Bạn không dám mạo hiểm, cũng không tận hưởng những điều tốt đẹp mà cuộc sống ban tặng. Thật hoài phí!
Tôi còn nhớ mình từng có lúc sợ đủ thứ, sợ không thể biến những ước mơ, hoài bão của mình thành hiện thực. Thế là tôi chỉ ngồi ở nhà và trở thành nạn nhân của cảm giác bất an. Thế rồi tôi chợt thức tỉnh, chẳng phải nhờ một thiền sư nào cả, mà chính là nhờ câu khẩu hiệu "Hãy trải nghiệm thế giới" của một hãng hàng không nọ. Khi đọc câu đó, đột nhiên tôi nhận ra từ lâu mình đã không còn hòa mình vào thế giới này. Với sự "khai sáng" đó, tôi bắt đầu thúc đẩy bản thân bước vào thế giới - một lần nữa. Tôi nhận ra mình phải chuyển từ trạng thái "sợ phạm phải sai lầm" sang "sợ không phạm phải sai lầm". Nếu không phạm sai lầm, chắc chắn tôi sẽ không thể nào học hỏi và lớn lên.
Khi đã xem sai lầm là một phần không thể thiếu của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy thật kỳ lạ vì hồi nhỏ cứ được dạy phải trở thành những con người hoàn hảo. Chính cách nghĩ sai lầm này đã tạo ra vô số nỗi sợ, khiến chúng ta không dám phiêu lưu và thử nghiệm những cái mới. Hãy lấy bộ môn bóng chày mà người Mỹ vô cùng yêu thích ra làm một ví dụ. Hiếm có ai đạt được kết quả trung bình 400, tức là cứ mười cú đánh bóng thì trúng hết bốn. Bởi đó là thành tích của một nhà vô địch, trong khi hầu hết chúng ta đều chỉ là kẻ tay mơ!
Trong cuộc sống, không phải cứ nỗ lực thì sẽ gặt hái được thành công. Chắc như đinh đóng cột là vậy. Thực tế cho thấy bạn càng làm nhiều việc thì thất bại bạn gặp phải càng nhiều. Tuy nhiên, cuộc sống của bạn sẽ phong phú lên nhờ những cuộc phiêu lưu, trải nghiệm đó. Dù thắng hay bại, bạn cũng đã chiến thắng! Với Mô hình Chệch Đường/ Điều Chỉnh, giờ đây bạn đã có thể tự do tung cánh trong đời.
Tuy đến đây bạn đã biết cách giảm thiểu những nỗi sợ về việc ra quyết định và phạm sai lầm, nhưng có thể bạn vẫn cảm thấy áp dụng những khái niệm này trong thực tế là điều không dễ. Một lần nữa, bạn cần nhớ rằng cả tiến trình dài này đòi hỏi sự thay đổi hành vi. Hãy bắt tay hành động trước đã! Cứ tiếp tục tiến bước. Cứ tiếp tục củng cố phương thức tư duy mới được trình bày trong quyển sách này bằng cách áp dụng những bài tập dưới đây, như thế bạn sẽ dễ dàng vượt qua nỗi sợ phải quyết định và phạm sai lầm.
Gần đây bạn có phạm phải sai lầm nào không? Tôi hy vọng là có!
Bài tập
1. Áp dụng Mô hình Bất-Bại khi ra quyết định. Hãy viết tất cả những điều tích cực có thể xảy ra đối với cả hai chọn lựa, ngay cả nếu kết cục có thể không như ý bạn.
2. Tiếp thu khái niệm KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ! qua từng quyết định nhỏ hàng ngày. Chẳng hạn bạn không biết nên mặc gì đi làm - đó không phải là vấn đề; tối nay ăn ở đâu - đó không phải là vấn đề; nên xem phim gì - đó không phải là vấn đề. Mỗi lựa chọn sẽ cho bạn một trải nghiệm khác nhau. Dần dần, bạn sẽ có thể áp dụng khái niệm này cho những quyết định lớn hơn. Bạn hãy gắn tấm bảng với thông điệp "KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ!" trong nhà và văn phòng để nhắc nhở bản thân mỗi khi lo lắng không cần thiết.
3. Và đặt thêm một tấm bảng "VẬY THÌ SAO? MÌNH SẼ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC!".
Nếu mọi thứ không diễn ra như ý bạn thì cũng chẳng sao! Có gì là to tát lắm đâu! Thông điệp này sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống tươi sáng hơn vì bạn đã học được cách giải quyết mọi sự việc phát sinh sau khi ra quyết định.
4. Hãy chú ý những dấu hiệu cho thấy bạn đang đi chệch khỏi kế hoạch đã đề ra và điều chỉnh ngay, nếu cần.