Đến đây, bầu không khí ảm đạm đã dần tan biến. Với thái độ sống Pollyanna, cuộc đời của bạn đã trở nên dễ kiểm soát hơn rất nhiều. Khi bạn bắt đầu thay đổi tư duy theo hướng tích cực, đột nhiên bạn nhận ra rằng có điều gì đó không ổn ở những người xung quanh, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Bạn nhận thấy dường như một số bạn bè, người thân tỏ ra không thích những thay đổi đó của bạn, ngay cả khi con người trước kia của bạn chỉ là đồ bỏ đi! Liệu có chuyện gì đang xảy ra chăng?
Tất cả chỉ là vì họ đã quen xử sự với bạn theo một cách nào đó và khi mọi thứ không còn như trước, họ cảm thấy bối rối theo nhiều mức độ khác nhau. Ngay cả khi đã hiểu rõ, bạn cũng có thể thấy phiền lòng. Bạn không chỉ sợ tiến về phía trước, mà còn sợ đánh mất những mối quan hệ cũ. Đúng lúc bạn cần được vui vẻ với bạn bè thì lại phải đối diện với cả đội quân "kẻ thù"!
Trước khi bàn về cách xử sự đối với những người thân đang cảm thấy khó thích ứng với sự trưởng thành của bạn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những người có liên quan đến cuộc sống của bạn nói chung. Họ ủng hộ sự trưởng thành của bạn hay kéo bạn lùi lại phía sau? Ở bên họ, bạn cảm thấy lạc quan hay bi quan? Họ hào hứng trước con người mới của bạn hay thích con người cũ của bạn hơn? Nếu các câu trả lời đều rơi vào vế sau thì đã đến lúc bạn nên thay đổi.
Hãy luôn nhớ rằng mục tiêu của bạn là biến đau khổ thành sức mạnh để kiểm soát nỗi sợ hãi trong cuộc sống, và bạn cần nhớ rằng:
SỰ ỦNG HỘ CỦA NHỮNG NGƯỜI MẠNH MẼ, TRÀN ĐẦY CẢM HỨNG VÀ ĐỘNG LỰC SỐNG LÀ NGUỒN SỨC MẠNH VÔ BỜ ĐỐI VỚI BẠN.
Nếu bạn chợt nhận ra những người thân quen thuộc nhóm yếu đuối, bế tắc và tuyệt vọng, thì cũng đừng lo lắng. Nhận thức này chính là chìa khóa của giải pháp. Phần lớn chúng ta không nhận ra mình thuộc số đông thường rên rỉ ỉ ôi - cho đến khi chúng ta chấm dứt thói quen này. Khi nhận ra điều đó, mọi thứ sẽ tự động điều chỉnh tốt đẹp hơn.
Nhưng bằng cách nào đây? Thật đơn giản. Khi mạnh mẽ hơn, bạn sẽ nhận ra mình không còn thích ở cạnh những con người đau buồn, tuyệt vọng nữa. Sự tiêu cực có tính lây nhiễm nên sau khoảng thời gian bên cạnh một người bi quan, bạn sẽ ra về với cảm xúc tồi tệ không kém. Ngược lại, sự tích cực cũng có tính lan tỏa. Sau vài giờ ở bên một người lạc quan, bạn sẽ thấy như thể mình đã mọc cánh và có thể bay bổng đến tận mây xanh. Chẳng mấy chốc bạn sẽ nhận thức rõ điều đó. Năng lượng là một điều có thực và càng cảm nhận được năng lượng nội tại, bạn sẽ càng dễ cảm nhận được người trước mặt mình là tích cực hay tiêu cực. Khi đó, tự động bạn sẽ bị lôi cuốn bởi người tích cực hơn. Những người thân quen của bạn chính là dấu chỉ hữu ích biểu hiện mức độ cảm xúc hiện tại của bạn. "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" - khi bạn thay đổi, bạn sẽ tự động thu hút và bị thu hút bởi những người mới.
Khi tôi thảo luận đề tài này trong lớp, lúc nào các học viên cũng đặt ra câu hỏi: "Vậy cũng tốt, nhưng tôi phải làm gì với những bạn bè cũ đã không còn hợp với mình đây?". Nhiều học viên cảm thấy có lỗi vì bỏ rơi bạn cũ. Điều này có thể hiểu được, song lại hoàn toàn vô lý. Trước hết, họ sợ bạn cũ sẽ không đủ nghị lực để tự tiếp tục cuộc sống mà không có họ. Nghĩ như vậy là bạn có phần hơi tự phụ và xem thường bạn bè của mình đấy. Tôi cam đoan với bạn rằng chẳng mấy chốc họ sẽ tìm thấy những người bạn mới để chia sẻ. Cái hội than-van-rên-rỉ đó sẽ còn tiếp tục tồn tại trong nhiều năm nữa và những người bạn cũ của bạn sẽ luôn tìm thấy niềm vui ở đó.
Còn có một khả năng khác, đó là nguồn năng lượng mới trong bạn sẽ đánh thức những khả năng mới của họ và họ có thể cùng bạn tham gia cuộc hành trình tiến đến sức mạnh nội tại, hành động và yêu thương. Dĩ nhiên, nếu mọi việc xảy ra như thế thì thật lý tưởng. Tuy vậy, bạn cần nhớ rằng ngay cả khi có các bạn cũ đồng hành, bạn vẫn sẽ cảm thấy cần mở rộng hệ thống hỗ trợ bản thân để có thể "tiên phong dẫn đường" cho họ.
Vậy, hệ thống hỗ trợ mà tôi đang nói đến ở đây là gì? Đó chính là những gì khiến bạn cảm thấy tuyệt vời về chính mình. Ví dụ, nếu bạn nói bạn muốn đi học tiếp, đổi việc mới… những người bạn đó sẽ bảo: "Ý hay đó, cậu sẽ làm được mà. Đừng lo gì hết… cậu sẽ làm được! Cứ làm đi!".
Đó chính là hình thức hỗ trợ mà tôi đang muốn nói đến ở đây, thay vì: "Cậu không thấy mình đang liều lắm sao? Bây giờ cạnh tranh dữ lắm, cậu sẽ không làm được đâu. Sao không để yên mọi việc như cũ đi?". Nếu nghe câu này, đã đến lúc bạn phải rời xa người bạn đó và làm ngược lại lời khuyên kia.
Trong số những người bạn mới sẽ có những người đã tiến xa hơn những điểm mốc mà bạn đang cố vượt qua trong hiện tại. Như nữ văn sĩ người Mỹ Marilyn Ferguson đã viết trong quyển "The Aquarian Conspiracy" (Mưu Đồ Bảo Bình) nổi tiếng: "Nếu muốn băng qua dòng nước xiết, tốt hơn cả hãy đồng hành với những người đã xây cầu, những người đã bỏ nỗi tuyệt vọng và chần chừ lại phía sau".
Dù việc làm "người dẫn dắt" thì tuyệt thật, nhưng nếu được những người am hiểu dẫn đường thì chuyến đi của bạn sẽ bớt phần cam go. Cuộc sống sẽ trở nên vui tươi và ít vất vả hơn khi bạn không phải một mình dò dẫm tiến về phía trước. Đó chính là thái độ nhẹ nhàng ở những người suy nghĩ tích cực. Họ biết không nên đặt quá nhiều gánh nặng lên bản thân và luôn tạo niềm vui cho những người xung quanh. Nói như vậy không có nghĩa những người tư duy tích cực là "vô trách nhiệm". Hội Ngưỡng Nội Tại mà tôi đã nói ở chương trước không chỉ ủng hộ tư duy tích cực, mà còn động viên mọi người mở rộng tầm nhìn ra thế giới để tạo nên một hành tinh tốt đẹp hơn. Khi nghĩ đến một điều gì đó to lớn hơn bản thân, những nỗi sợ của chúng ta sẽ nhạt nhòa đi. Lúc đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình là một phần của cái to lớn đó, không còn đơn độc nữa và rất có thể, lần đầu tiên trong cuộc đời, chúng ta nhận thức được mục đích của cuộc sống.
Có được nhóm hỗ trợ là điều rất quan trọng đối với sự bình yên của tâm hồn và sức mạnh nội tại. Tôi xin nhắc lại là bạn không nên quá lo lắng về những người bạn bi quan. Ngay khi bạn không đồng tình với những hành động tiêu cực của họ, thì hoặc là họ sẽ tự biến mất khỏi cuộc đời bạn, hoặc cùng bạn tiến lên trên con đường tìm kiếm sức mạnh nội tại và yêu thương.
Nhưng phải bắt đầu thế nào đây? Hãy nghĩ đến những người thật sự đáng ngưỡng mộ mà bạn vừa gặp gần đây và dò tìm số điện thoại của họ. Hãy gọi cho họ và bảo rằng bạn rất ấn tượng về cuộc gặp đầu tiên ấy nên muốn biết nhiều hơn về họ. Sau đó, hãy mời họ đi ăn trưa hoặc ăn tối. Tôi biết bạn có thể cảm thấy e ngại khi phải làm như thế. Chính tôi cũng vậy đấy. Lần đầu tiên làm việc này, tay tôi cứ run rẩy khi nhấn phím điện thoại.
Ngạc nhiên thay, người phụ nữ mà tôi chọn làm bạn đầu tiên đã rất vui khi nhận được điện thoại của tôi. Lúc đó, tôi khá tự ti nên cứ nghĩ rằng cô ấy sẽ tìm cách tránh né mình. Thế nhưng ngược lại, cô ấy bảo cảm thấy rất vui vì tôi đã gọi. Thế là chúng tôi đã có một buổi tối thật vui vẻ với nhau và cho đến bây giờ vẫn là bạn của nhau. Dần dần, tôi càng dễ kết bạn hơn và hiện tại, tôi thật hạnh phúc vì được sống giữa những người bạn tuyệt vời.
Vấn đề nằm ở chỗ bạn phải nỗ lực. Rất nhiều người chỉ biết ngồi nhà chờ điện thoại reng và tự hỏi sao mình lúc nào cũng lẻ loi. Chẳng có gì tự đến với bạn đâu, nhất là lúc khởi đầu. Bạn phải ra ngoài và tự tạo cho mình hệ thống hỗ trợ mà bạn mong muốn. Có thể điều này có vẻ đáng sợ, nhưng bạn hãy cứ bắt tay vào hành động! Ngay cả khi bị từ chối vài lần, bạn cũng nên tiếp tục cố gắng. Chỉ cần được một phần mười trong số họ đáp lại là đã tuyệt vời lắm rồi. Hãy nhớ là vẻ hào hứng của bạn sẽ khiến mọi người vui vẻ nhận lời, mặc dù bản thân họ chỉ muốn từ chối bạn. Chỉ cần gọi điện, bạn cũng đã khiến họ cảm thấy tốt đẹp hơn về bản thân. Tuy nhiên, hãy chọn lọc cẩn thận những đối tượng mà bạn sẽ gọi. Hãy chọn những người mà bạn cảm thấy họ trưởng thành hơn mình. Và bạn sẽ càng tự tin hơn nếu đến một lúc nào đó, bạn bỗng nhận ra mình hơn hẳn họ ở nhiều điểm. Hãy nhớ rằng chúng ta thường hay đánh giá thấp bản thân mình.
Bạn có thể tìm thấy những người này ở các buổi hội thảo, chương trình đào tạo hay khóa học về sự hoàn thiện bản thân. Ở đó, bạn sẽ gặp những người đã và đang trên hành trình phát triển bản thân. Bạn sẽ tìm thấy những điểm chung với họ và rất có thể sẽ cảm thấy cởi mở hơn khi tiếp xúc với những con người như thế.
Đến đây, khi đã có được những người bạn như ý, câu hỏi tiếp theo của bạn sẽ là: "Tôi sẽ phải làm gì khi bị chính người bạn đời kéo mình lùi lại phía sau?".
Đây là câu hỏi quan trọng nhất vì thông thường, chính bạn đời lại là người cản trở sự trưởng thành của chúng ta nhiều nhất. Đó là do họ cảm thấy mất quá nhiều thứ khi chúng ta phá vỡ lối mòn. Phải mất một thời gian họ mới hiểu được những lợi ích mới từ sự trưởng thành đó. Hai ví dụ dưới đây sẽ minh họa cho điều đó.
Doris
Doris là một trong những học viên đầu tiên của tôi. Cô sống ở Garden City, Long Island và trong suốt mười tám năm trời không dám đi đâu ra khỏi thành phố ấy. Thật ra vài năm trước, khi tham gia khóa học của tôi, cô ấy đã phải cố gắng lắm mới có thể rời khỏi gia đình. Doris mắc hội chứng sợ đám đông.
Để vợ có thể đến lớp học, chồng của Doris là Ted phải lái xe chở cô đến New York, đưa đến tận cửa lớp trên lầu và ngồi chờ cô ấy ở tầng dưới. Nhưng Doris cũng rất sợ phải ở một mình. Khi tới lượt Doris phát biểu, trông cô khổ sở như thể sắp bị trừng phạt vậy.
Tôi đã áp dụng phương pháp "khái niệm nghịch lý" với Doris, nói nôm na là khuyến khích cô ấy làm những gì khiến cô e dè sợ hãi. Giải pháp ở đây là hãy kiên gan đối mặt với những gì chúng ta sợ. Tôi bảo Doris đừng kháng cự nữa mà hãy nói cho chúng tôi biết nỗi sợ của cô. Sau nhiều bài tập vượt qua nỗi sợ, Doris bắt đầu trở nên mạnh mẽ hơn. Chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã có thể tự lái xe, đi mua sắm và thậm chí tự đi tàu điện ngầm. Tôi và các học viên khác trong lớp đã tận mắt chứng kiến sự biến đổi của Doris.
Một bữa, Doris đến lớp với vẻ hơi bực dọc. Cô bảo: "Càng mạnh mẽ thì tôi càng nhận thấy ông xã như muốn chống điều đó. Mỗi lần tôi ra khỏi nhà là anh ấy lại tìm cách làm cho tôi sợ đủ thứ. Mỗi khi tôi về nhà, lòng tràn đầy hứng khởi với những điều mới mẻ đạt được trong ngày thì anh ấy lại tỏ vẻ lạnh nhạt, xa lánh. Tôi giận hết sức! Thật chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa! Tại sao anh ấy lại cư xử với tôi như vậy chứ?".
Với những ai đã từng thay đổi cách xử sự với mọi người xung quanh, câu trả lời thật dễ hiểu. Sở dĩ Ted làm như vậy là vì một số lý do khác nhau. Trước hết, anh lo sợ khi thấy vợ thay đổi. Trước kia, vợ anh lúc nào cũng chỉ biết ở nhà chờ đợi anh nên Ted chưa bao giờ phải ngờ vực xem vợ mình làm gì ở bên ngoài. Cuộc sống ấy hết sức an toàn đối với Ted, dù có phần bị giới hạn do tính sợ sệt không dám ra ngoài của Doris.
Thứ hai, giờ đây Ted thật sự lo lắng vì trước nay vợ anh chẳng khác gì chú chim non được bảo bọc trong chiếc lồng son, chẳng gì có thể làm hại cô ấy. Nhưng giờ Doris đã bước ra thế giới, đi lại giữa đường phố New York và do đó, anh sợ không biết liệu có chuyện gì không hay xảy ra cho cô hay không. Ted lo lắng cho Doris chẳng khác gì bố mẹ lo cho đứa con bé bỏng của mình khi nó lần đầu tiên băng qua đường một mình. Mà quả thật Doris cũng chính là "đứa trẻ bé bỏng" lần đầu tiên thật sự bước ra đời.
Cuối cùng, Ted lo khi thấy Doris đã trở nên độc lập với anh. Suốt mấy năm trời, lúc nào cô cũng phụ thuộc vào anh, cần có anh chăm lo mọi thứ. Nhưng giờ đây cô đã có thể tự giải quyết mọi việc. Liệu cô còn cần anh khi nhu cầu đó đã hết?
Cứ nghĩ như thế, chẳng trách tại sao Ted lại không ủng hộ sự thay đổi của Doris. Khi chúng tôi tìm hiểu về cảm giác của Ted, Doris chợt nhận ra anh ấy mới chính là người cần được cô hỗ trợ. Cô thừa nhận cơn giận đã cản trở cô hỗ trợ chồng. Cô bảo: "Làm sao bạn có thể trấn an một người cứ khiến bạn nổi cáu kia chứ?".
Phải mất một thời gian Doris và Ted mới vượt qua những thay đổi cần thiết trong hôn nhân để tạo ra một nền tảng hạnh phúc vững chắc. Điều đáng ghi nhận là giờ đây Doris hiểu rằng cô sẽ không bao giờ quay trở lại cuộc sống khép kín trước kia. Cô cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ, yêu đời hơn sau nhiều năm sống cam chịu. Về phía mình, Ted cũng hiểu ra rằng cho dù anh có lôi kéo Doris đến mấy cũng không hiệu quả. Hoặc là anh phải điều chỉnh bản thân, hoặc anh sẽ mất vợ. Và cái tôi của anh đủ lớn để vượt qua nỗi sợ hãi, để rồi cuối cùng trở thành nguồn hỗ trợ tinh thần quý giá đối với Doris.
Rona
Câu chuyện của Rona và Bill cũng tương tự như thế. Rona đẹp như người mẫu. Ba năm trước, cô cân nặng 113 kg. Bác sĩ khuyến cáo nếu Rona không giảm cân sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Với một ý chí tuyệt vời, Rona đã giảm cân và duy trì được vóc dáng thanh mảnh cho đến bây giờ. Một Rona hoàn toàn mới đã xuất hiện.
Cũng giống như Doris, mối quan hệ giữa Rona và chồng đã đối diện với nhiều thử thách trước khi chồng cô chấp nhận thực tế là mình đang có một cô vợ hết sức hấp dẫn luôn thu hút nam giới khi ra đường. Anh đã ngấm ngầm phá hoại hình ảnh xinh đẹp mới của vợ mình bằng cách kết tội cô lẳng lơ, tránh né việc gần gũi cô, mua cho cô những món ăn nhiều dầu mỡ và áp dụng nhiều phương pháp khác.
Về cơ bản, Bill là một người đàn ông tử tế nên anh hoảng hốt nhận ra mình đang gặp nguy hiểm khi vợ ngày càng trở nên tự tin, xinh đẹp. Thấy rõ cuộc sống an toàn của hai vợ chồng đang bị đe dọa thật sự, anh đã tìm đến các chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ. Kết quả là anh chấp nhận thay đổi, và cuộc hôn nhân của họ giờ đây vô cùng hạnh phúc.
Tuy vậy, không phải cuộc hôn nhân nào cũng tốt đẹp như của Rona và Doris, và những thay đổi phát sinh có thể trở thành dấu hiệu chấm hết cho mối quan hệ. Mặc dù ý nghĩ cuộc hôn nhân có thể tan vỡ khiến bạn lo sợ, nhưng trong thực tế tôi thấy chẳng có ai hối tiếc vì đã chọn cách phát triển bản thân, thay vì giữ lấy mối quan hệ!
Mời bạn xem tiếp hai ví dụ sau đây.
Richard
Trước nay, Richard vẫn sống một cuộc sống yên ổn với công việc kế toán và mức lương đủ để nuôi gia đình. Gần bốn mươi tuổi, anh chợt nhận ra cuộc đời còn nhiều thứ để trải nghiệm hơn những gì anh vẫn sống bao năm nay. Một trong các công ty mà anh đã từng cống hiến hết mình nay bỗng rao bán. Đó là một công ty máy tính nhỏ nhưng đầy triển vọng. Khi nghe anh bàn về việc gom góp vốn và mua lại công ty đó, vợ anh giãy nảy lên. Rõ ràng, vợ anh không tin rằng anh có thể đảm đương được việc này.
Richard quyết định vì đam mê và anh phải thử sức một lần. Có thể anh sẽ thất bại, nhưng nếu không dám thử, anh sẽ phải tiếp tục cả đời với công việc hiện tại. Mặc cho vợ can ngăn, Richard vẫn gây vốn để mua lại công ty.
Gia đình Richard gặp sóng gió trong suốt giai đoạn đó. Lẽ dĩ nhiên, giai đoạn đầu thành lập doanh nghiệp mới bao giờ cũng đòi hỏi bạn phải dành rất nhiều thời gian cho nó. Nhưng anh không hề nhận được bất kỳ sự hỗ trợ hay động viên nào từ vợ. Anh đề nghị cô cùng chăm lo cho công ty vì cả hai con đều đã lớn, nhưng cô từ chối.
Ngôi nhà của họ trở thành chiến trường và Richard chỉ hạnh phúc khi đi làm buổi sáng, còn tối về anh lại cảm thấy buồn bã, không vui. Richard quyết định ly hôn. Cho đến tận hôm nay, vợ anh vẫn cho rằng chồng mình là một người ích kỷ, thiếu quan tâm chỉ vì anh không làm theo ý của cô ấy.
Cuối cùng Richard cũng thành công trong công việc kinh doanh. Anh đã lớn lên, trong khi vợ anh không bắt kịp điều đó. Anh rùng mình mỗi khi nghĩ đến vị trí hiện tại của mình, nếu ngày đó không nắm bắt lấy cơ hội trước mắt. Anh tự thấy mình đã thay đổi và tốt hơn rất nhiều. Anh đã sợ hãi… nhưng vẫn hành động, cho dù phải trả giá bằng cuộc hôn nhân. Hiện anh đã tái hôn với một phụ nữ khác, một người luôn động viên anh trưởng thành cũng như anh luôn động viên cô ấy. Bên nhau, họ đã cùng trưởng thành.
Sheila
Sheila cũng chọn sự phát triển bản thân, thay vì cuộc hôn nhân tiêu cực. Cô lấy chồng sớm và chỉ sau bốn năm chung sống đã có hai con. Chẳng mấy chốc, cô bắt đầu cảm thấy không thỏa mãn và nhờ sự ủng hộ của chồng là Roger, cô đã trở lại trường để hoàn tất việc học. Dù sợ không có khả năng học tiếp sau năm năm rời trường, nhưng cô lại trở thành ngôi sao trong lớp và tốt nghiệp loại giỏi. Thành công đó đã khuyến khích cô tiếp tục học lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ.
Khi Sheila vẫn còn đang đi học thì với Roger, mọi chuyện đều ổn cả. Anh tự hào về "cô học viên nhỏ" và thay vợ chăm lo cho bọn trẻ. Cho đến khi Sheila treo tấm bằng tiến sĩ lên tường mấy năm sau đó, quan hệ giữa hai vợ chồng cô dường như thay đổi. Cô không còn là "cô học viên nhỏ" của anh nữa.
Giờ đây, cô là một người có học vị hẳn hoi, thậm chí còn hơn cả tấm bằng thạc sĩ của chồng. Thế là giữa hai vợ chồng họ xảy ra những khoảnh khắc im lặng trách móc và cảnh anh đi sớm về muộn. Rồi anh có quan hệ với một phụ nữ khác, và chẳng có gì lạ khi cô này chưa bao giờ biết đến trường đại học.
Do Roger không thể thích ứng với sự phát triển tột bậc của Sheila, cô quyết định chia tay anh. Thời gian đầu thật là đau đớn, bởi dẫu sao họ cũng đã chung sống với nhau mười hai năm. Nhưng rồi cô bắt đầu cảm nhận được niềm vui khi khám phá năng lực bản thân. Chưa bao giờ cô tiếc nuối vì đã quyết định đi học lại và tạo cho mình một sự nghiệp vững vàng.
Các con cô ban đầu cũng buồn, nhưng về sau lại rất tự hào trước sự thành đạt của mẹ. Cô đã trở thành tấm gương xuất sắc cho các con noi theo. Hiện tại, cô tái hôn với một người ngưỡng mộ việc cô thành đạt ngoài xã hội. Sức sống của cô đã thắp sáng hạnh phúc gia đình và anh yêu cô vì chính con người thú vị của cô. Đồng thời, anh không hề cảm thấy bất an khi thấy vợ không ngừng phát triển như thế.
Tôi biết hôn nhân là một điều không thể xem nhẹ và thông thường, bạn phải can đảm lắm mới có thể nghĩ đến việc ly hôn. Đó luôn là điều mạo hiểm, nhưng tôi tin là đáng phải làm. Khi chọn cách sống trong bế tắc chỉ đơn giản vì không muốn làm mất lòng người bạn đời, bạn sẽ cảm thấy uất ức vì để tuột mất cơ hội phát triển bản thân. Cuối cùng, mối quan hệ giữa hai người sẽ trở nên vô cùng căng thẳng và tan vỡ là điều tất yếu.
Đề nghị của tôi là:
HÃY TIN RẰNG NGƯỜI BẠN ĐỜI LUÔN MONG MUỐN ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT CHO BẠN, VÀ ANH ẤY/CÔ ẤY RỒI SẼ YÊU THÍCH NHỮNG THAY ĐỔI TÍCH CỰC CỦA BẠN.
Trong phần lớn trường hợp, người bạn đời sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi bạn tìm thấy sức mạnh nội tại, vì nó giúp chia sẻ những trách nhiệm mà họ đang phải gánh vác. Hầu hết chúng ta đều muốn thấy những người thân yêu của mình mạnh mẽ, khỏe mạnh và yêu đời thay vì yếu đuối, nhu nhược và bất lực. Hãy nghĩ xem, nếu người bạn đời bỗng dưng thật sự muốn bạn trở nên yếu đuối, nhu nhược và bất lực, liệu bạn có làm theo như thế không?
Không chỉ có người bạn đời gặp khó khăn khi chúng ta trở nên mạnh mẽ, mà các thành viên khác trong gia đình cũng thế. Con cái bạn hờn dỗi, còn bố mẹ bạn có thể tỏ ra khắt khe, bởi họ đã quen nhìn bạn theo một cách nào đó và không muốn bạn thay đổi.
"Bậc thầy" lôi kéo ở đây chính là bọn trẻ với cách giày vò cảm giác tội lỗi của bạn. Trong khi đó, bố mẹ bạn lại có cách riêng. Thường thì họ trách móc theo kiểu nhẹ nhàng: "Con à, con có chắc là mình làm được không đấy? Con có biết là từ trước tới giờ con có tự mình làm được việc gì đâu?" hay "Con à, tốt nhất là con nên suy nghĩ lại việc ly hôn. Chẳng ai màng đến một phụ nữ ngoài ba mươi lại nuôi hai con nhỏ" hoặc "Dạo này con xử sự ích kỷ quá, mẹ thậm chí không còn nhận ra con nữa".
Bố mẹ thường không nhận ra họ thiếu niềm tin vào con cái và nếu có ai chỉ ra điều đó, họ sẽ thôi chỉ trích. Một lần, tôi bảo với mẹ rằng rõ ràng bà không tin tưởng gì nơi tôi cả vì lúc nào bà cũng lo lắng cho tôi. Bà đáp thật là buồn cười, bởi trong suy nghĩ của bà thì tôi là người phụ nữ thông minh nhất, tài giỏi nhất mà bà từng biết. Tôi bèn chỉ ra cho bà thấy rằng nếu quả đúng là như vậy thì thật phi lý khi bà cứ lo lắng cho tôi mãi. Mẹ tôi có vẻ ngạc nhiên và lần đầu tiên trong đời, bà chợt nhận ra mình vẫn thường nói chuyện với tôi như thể tôi chỉ mới lên hai. Kể từ đó, một điều kỳ diệu đã xảy ra: Bà trở thành một trong những người vun đắp lòng tự tin cho tôi nhiều nhất. "Con làm được mà. Con có thể làm được bất cứ điều gì con muốn!". Phải, kể từ hôm đó bà bắt đầu nói chuyện với tôi như vậy.
Có những người được sinh ra trong gia đình luôn ủng hộ mọi điều họ làm, nhưng nhiều người không may mắn thế. Thường thì những người trong gia đình hay có thói quen sở hữu lẫn nhau, chính vì thế mà tình trạng tác động qua lại là rất lớn. Điều quan trọng là chúng ta phải biết tạo ra tình huống cùng có lợi cho tất cả các bên liên quan. Nói thì dễ, nhưng làm được điều này không đơn giản. Chỉ riêng thay đổi hành vi đã đủ khó nhọc, chứ đừng nói đến việc đối diện với các hành vi "rồ dại" của những người thân quanh ta.
Một lần nữa, tôi xin lấy kinh nghiệm của chính mình để minh họa.
Khi tôi quyết định trở lại trường đại học, dường như tất cả mọi người đều không vui - mẹ tôi, chồng con và cả bạn bè. Mẹ tôi không tài nào hiểu nổi làm sao tôi có thể bỏ các con được; chồng thì bực tức vì tôi nổi trội hơn anh ấy; các con khiến tôi cảm thấy có lỗi vì không chăm lo đầy đủ cho chúng; còn bạn bè của tôi, vốn là những bà nội trợ, cũng đều chống lại tôi!
Nhưng tôi không ngã lòng dù biết bao nhiêu người luôn tìm cách gây khó khăn cho mình. Mọi thứ rối tinh cả lên. Lúc đó, tôi chưa thể hiểu vì sao họ lại buồn khi tôi quyết định như vậy và cũng chưa biết cách phản ứng cho đúng mực. Quả là tôi đã cư xử rất tệ. Lúc nào tôi cũng khó chịu và hành xử theo cách mà sau này tôi gọi là HỘI CHỨNG CON LẮC.
Trong quá trình nỗ lực khẳng định giá trị bản thân, giai đoạn đầu, chúng ta thường hành động thái quá và dao động từ trạng thái Tiêu Cực sang Gây Hấn nhiều lần trước khi ổn định tại trạng thái Tích Cực. Chính xác hơn, dao động này có tên là HỘI CHỨNG TỪ-TIÊU-CỰC-SANG-KHÓ-CHỊU- ĐẾN-TÍCH-CỰC.
Bạn có thể nhận biết giai đoạn khó chịu thông qua những câu sau, vốn còn dễ nghe hơn những gì tôi buột miệng nói ra khi trải qua HỘI CHỨNG CON LẮC:
"Anh dám không?"
"Tôi không cần biết anh nghĩ gì. Tôi sẽ làm những gì tôi thích!"
"Tôi không cần anh. Chưa bao giờ tôi cần anh cả!" "Anh bảo tôi ích kỷ ư? Vậy còn anh thì sao?"
Mặc dù phần lớn chúng ta đều không muốn bộc lộ cảm xúc theo cách đó, nhưng dù sao thì như thế vẫn còn khiến chúng ta thấy dễ chịu hơn là trở lại làm con người kém cỏi trước kia. Đây là giai đoạn có thể hiểu được. Chúng ta không chắc lắm về bản thân mình và phản ứng như vậy là nhằm tự vệ mà thôi.
Trạng thái Gây Hấn này xảy ra khi chúng ta cố bám lấy thái độ sống tích cực mới, sợ phải trở lại trạng thái Tiêu Cực trước kia. Do vẫn có những lúc sợ hãi và muốn quay lại vùng an toàn nên trong suốt quá trình học cách sống tích cực, chúng ta cứ dao động qua lại như con lắc giữa các trạng thái này. Chúng ta chuyển từ Tiêu Cực sang Gây Hấn nhiều lần trước khi yên vị ở điểm thích hợp. Lúc này, chúng ta có thể thoải mái nói ra những ý nghĩ của mình và thực hiện những việc phải làm trong cuộc sống. Tuy nhiên, ở giai đoạn ban đầu thì quá trình Hội Chứng Con Lắc sẽ khiến bạn và tất cả mọi người cảm thấy bối rối và khó chịu.
Tuy cách cư xử của chúng ta thường không đúng mực, nhưng đừng tự dằn vặt bản thân. Lạ một điều là chúng ta sẵn sàng cho phép trẻ con thời gian cần thiết để trải nghiệm cuộc sống theo cách mới, nhưng chúng ta lại khó chấp nhận để mình làm như vậy. Trong thực tế, suốt cả cuộc đời, chúng ta cứ mãi loay hoay với những hành vi mới đáng sợ cho đến khi biết phải làm thế nào là đúng.
Một lần nữa, NHẬN THỨC là chìa khóa của vấn đề. Bạn cần nhận thức rằng khi bắt đầu đón nhận rủi ro để trưởng thành thì cũng là lúc bạn phải đối diện với sự kháng cự của mọi người xung quanh. Mặc nhiên là vậy. Nếu không phải là chồng hay vợ thì sẽ là bố mẹ, con cái hay bạn bè của bạn. Khi bạn bắt đầu tách khỏi lối mòn, sẽ có người bảo bạn hãy yên phận như cũ. Đừng hụt hẫng, ngạc nhiên hay cố chứng minh bạn đúng. Đó chỉ đơn giản là cách họ bảo vệ chính họ thôi. Và họ thậm chí không nhận ra điều đó. Họ chỉ nghĩ rằng tất cả những lời răn bảo, nhận xét này là hoàn toàn hợp lý và "tốt cho bạn". Vậy nên bạn phải tỉnh táo để biết chuyện gì đang xảy ra.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần trân trọng những người ủng hộ bạn. Hãy khiến họ cảm thấy dễ chịu, hài lòng khi động viên bạn. Hãy gửi cho họ một thông điệp yêu thương thể hiện lòng biết ơn của bạn, có thể là một bó hoa, bong bóng… hay bất kỳ thứ gì khiến họ cảm thấy hạnh phúc. Điều này sẽ giúp củng cố thêm những phản ứng tích cực từ phía họ mà bạn đang cần, đồng thời giúp bạn chú trọng vào mặt đóng góp tích cực thay vì tiêu cực của họ.
Nhận thức được Hội Chứng Con Lắc sẽ giúp bạn vượt qua những xáo trộn khi dao động giữa các trạng thái và kiểm soát hợp lý những nhận xét tiêu cực của mọi người. Luôn có cách ngăn chặn phản ứng tiêu cực của mọi người mà không làm họ tổn thương. Sau đây là một vài ví dụ để bạn tham khảo:
Mẹ: Con sẽ không tự làm được đâu!
Trả lời không khéo léo: Mẹ lo chuyện của mẹ đi, con sẽ làm những gì con thích!
Trả lời khéo léo: Cảm ơn mẹ đã lo cho con. Nhưng mẹ à, con rất tin vào khả năng của mình, và nếu có chuyện gì xảy ra thì con biết mình cũng sẽ giải quyết được. Con muốn mẹ cũng tin tưởng con như vậy. Điều đó sẽ động viên con nhiều lắm!
Tự thân câu trả lời khéo léo đã quá rõ: nó cho thấy bạn rất tự tin (ngay cả khi bạn cũng không biết chắc mình có làm được việc đó hay không) và muốn mẹ biết rõ bạn mong đợi gì ở bà.
Chồng: Em nhìn lại mình đi. Em thật ích kỷ từ khi bắt đầu công việc đó. Chẳng lẽ em lại thích mình như vậy sao?
Trả lời không khéo léo: Anh nói em là đồ ích kỷ. Vậy chứ ai là người đã chăm lo cho anh bao nhiêu năm nay? Giờ phải đến lúc em chăm lo cho bản thân chứ!
Trả lời khéo léo: Em hiểu tại sao anh lại bảo em ích kỷ. Là do bây giờ em không dành nhiều thời gian cho anh như lúc trước, đúng không? Chính em cũng không thoải mái với sự thay đổi này đâu anh, nhưng em phải làm để phát triển bản thân. Vì nếu không, em sẽ oán giận chính mình và cả anh nữa. Em rất muốn anh ủng hộ em. Em biết là hiện nay anh cảm thấy bị bỏ rơi, nhưng em không hề muốn như vậy. Em muốn anh hiểu là em rất yêu anh. Mình có thể làm gì để cải thiện tình hình này hả anh?
Con cái: Mẹ hết quan tâm đến tụi con rồi.
Trả lời không khéo léo: Các con thật vô ơn. Mẹ đã làm quần quật như nô lệ từ khi các con được sinh ra, ấy vậy mà bây giờ mẹ chỉ mới lo cho bản thân một chút là đã phàn nàn!
Trả lời khéo léo: Mẹ biết là các con cảm thấy khác trước khi mẹ không thể luôn ở bên cạnh. Nhưng mẹ tin là các con sẽ tự biết lo cho mình trong vài tiếng đó. Bố mẹ cũng là người bình thường. Mẹ cần chút thời gian yên tĩnh để tập trung làm việc.
Tất nhiên câu trả lời không phải lúc nào cũng dừng lại ở đó, nhưng ít nhất đây là tinh thần chung của một cuộc trò chuyện khiến hai bên đều cảm thấy thoải mái. Tôi biết có một quyển sách rất hay bàn về cách biện hộ sao cho nhẹ nhàng, khiến người đối diện không có cảm giác bị gây hấn, đó là quyển "Aikido in Everyday Life" (Hiệp Khí Đạo trong cuộc sống hàng ngày) của hai tác giả Terry Dobson và Victor Miller. Phần mở đầu của quyển sách viết: "Chiến thắng vang dội nhất là khi mọi người đều chiến thắng". Quyển sách mô tả cách giành chiến thắng một cách nhẹ nhàng, đồng thời đưa ra các mẫu hội thoại cùng lý do vì sao những câu nói đó hiệu quả đến thế.
Tôi đề nghị bạn cũng nên học lấy một vài phương pháp điều chỉnh bản thân để lấy lại sự cân bằng mỗi khi cảm thấy dao động thái quá đến một trạng thái nào đó. Bên cạnh đó, các loại băng đĩa thư giãn, thiền hay những câu khẳng định bản thân mà tôi trình bày ở chương trước cũng có thể giúp bạn cảm thấy thanh thản, yên bình hơn. Ở những chương sau, bạn sẽ được cung cấp những công cụ giúp tự chủ, nhờ đó bạn sẽ đạt những gì bạn muốn mà không làm tổn thương người khác.
Thiết nghĩ bạn cũng nên hiểu rằng một trong những lý do chúng ta nổi nóng với mọi người khi không được ủng hộ là vì chúng ta muốn được tán thành. Chừng nào chúng ta còn buồn bực khi nghe nhận xét của những người thân yêu, chừng đó chúng ta còn hành xử kiểu trẻ con - đây là dấu hiệu thứ nhất. Còn dấu hiệu thứ hai là cảm giác có lỗi. Tội lỗi và nóng giận là hai tấm bình phong che đậy sự giận dữ của chúng ta đối với người khác và cả với chính mình - vì không thể phá vỡ các mối dây ràng buộc có hại với những người thân yêu. Và những vấn đề bối rối, đau lòng của Hội Chứng Con Lắc là do mối dây ràng buộc tiêu cực này gây ra.
Khi bạn cư xử chín chắn và hiểu rõ hơn về những thứ mình cần để trưởng thành thì những người thân có thể nói những gì họ thích mà không gây ảnh hưởng đến bạn. Bạn chỉ cần hôn họ một cái thật kêu và nói bạn yêu họ, nhưng bạn phải sống cuộc đời của mình. Thế thôi! Không than vắn thở dài. Đừng để bị kích động, dù họ có cư xử chưa đúng với bạn. Tóm lại, bạn cần biết mình làm gì. Hãy thôi vùng vằng, trách móc để thực sự trưởng thành. Nhờ vậy, bạn có thể cư xử nhẹ nhàng hơn đối với mọi người. Quả thật, đây là một nghịch lý: Càng ít lệ thuộc vào sự tán thành của người khác, bạn càng có thể yêu thương họ nhiều hơn.
Hãy thực hành bằng cách nhìn lại những người có liên quan trong cuộc đời bạn. Cách bạn phản ứng với họ cho thấy bạn đã nỗ lực cố gắng với bản thân ra sao. Thông qua đó, bạn có thể chấm dứt những phản ứng không thích hợp và phát triển những cách cư xử có trách nhiệm hơn. Cho nên thay vì trách cứ người thân vì đã khiến bạn khó chịu, tốt hơn cả bạn hãy xem họ như tấm gương để soi mình và nhận ra những điểm bạn cần tiếp tục hoàn thiện để trưởng thành.
Nếu không thể tranh cãi với người thân về những hành vi tiêu cực của họ đối với bạn, bạn hãy tạm giữ một khoảng cách nhất định với họ, cho đến khi nào bạn biết cách giải quyết vấn đề chín chắn, đúng mực hơn.
Bố của Charlotte, một trong các học viên của tôi, trước đây thường nói thẳng thừng với cô rằng cô là kẻ bất tài. Thẳng như ruột ngựa thế đấy! Nhưng Charlotte đáp lại: "Bố ạ, con rất yêu bố, nhưng chừng nào bố còn chưa tôn trọng con thì con sẽ phải tránh xa bố. Hiện tại con cần người ủng hộ và yêu thương con, mà con lại không hề cảm nhận được điều đó ở bố". Và cô đã tránh xa bố mình thật, chỉ thi thoảng gọi điện thăm hỏi, cho đến khi cô đủ mạnh mẽ để đương đầu với sự khinh rẻ của ông. Thật chẳng dễ dàng gì!
Chúng ta phải trải qua nỗi u buồn khi tạm từ bỏ mối quan hệ gắn bó cho đến khi có thể khép lại cánh cửa cũ và mở ra cánh cửa mới. Lẽ tất yếu, sự kết thúc nào cũng gây phiền muộn. Tuy nhiên, giai đoạn mới mở ra sẽ khiến chúng ta hài lòng hơn. Charlotte không ngờ rằng sau đó bố cô đã không còn nói với cô những lời lẽ khi xưa nữa.
Với sự trưởng thành ngày nay, Charlotte đã chứng tỏ cho bố thấy hình ảnh cô con gái kém cỏi ngày xưa đã hoàn toàn biến mất. Mọi thứ đã thay đổi, kể cả thái độ của người bố đối với con gái. Thường thì ai cũng phải cúi đầu trước sức mạnh nội tại của một người và nỗ lực chúng ta bỏ ra sẽ được đền đáp.
Điều quan trọng nhất ở đây là bạn phải trở thành người bạn tốt nhất của chính mình. Dù xảy ra điều gì đi nữa thì cũng đừng bao giờ dằn vặt, hạ thấp giá trị bản thân. Hãy từng bước khám phá con đường mà trái tim bạn mách bảo. Đâu là con đường sẽ giúp bạn trưởng thành, đi lên trong cuộc sống? Hãy chọn lấy con đường đó. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những người thân của mình cuối cùng cũng hiểu ra và tôn trọng quyết định của bạn. Nếu không, sức mạnh nội tại mới sẽ giúp bạn phá vỡ những ràng buộc tiêu cực cũ để thiết lập những mối quan hệ mới tích cực hơn.