"Thôi đừng có làm Pollyanna nữa!"(*).
Hẳn bạn từng bị người khác làm nhụt chí bằng câu nói đó khi cố nghĩ là "trong cái rủi có cái may". Suốt nhiều năm, tôi vẫn tin rằng làm một Pollyanna thì chẳng có gì tệ hại. Suy nghĩ đó được tiêm nhiễm vào đầu tôi một cách vô thức.
Một hôm, tôi ăn tối với người bạn và thử tìm cách giúp cô ấy nhìn thấy mặt tích cực trong một chuyện mà cô ấy cứ nghĩ là tiêu cực. Cuối cùng, cô ấy khinh khỉnh nhận xét: "Cậu bắt đầu giống Pollyanna rồi đó!". Cả tôi lẫn cô ấy đều ngạc nhiên khi tôi buột miệng thốt lên: "Làm Pollyanna thì sao chứ? Lạc quan ngay cả khi gặp trở ngại thì có gì sai? Nhìn thấy mặt trời, thay vì đêm tối, thì có gì sai? Cố nhìn mặt tốt đẹp trong mọi việc thì có gì sai? Nghĩ thế chẳng có gì là sai cả!". Rồi tôi thắc mắc: "Thế thì tại sao mọi người cứ chống lại suy nghĩ này nhỉ?".
(*) Pollyanna là tác phẩm thiếu nhi do nhà văn Mỹ Eleanor H. Porter viết vào năm 1913 kể về cô bé Pollyanna chơi trò "tìm niềm vui" khi gặp những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Qua nhiều năm, suy nghĩ "kiểu Pollyanna" bị cho là ngây thơ và thiếu thực tế.
Nhưng quả là chúng ta như vậy thật! Tư duy tích cực là một trong những khái niệm khó lĩnh hội nhất. Khi tôi trình bày ý tưởng tư duy tích cực tại các buổi đào tạo, giảng dạy, rất nhiều học viên ngay lập tức đáp rằng: "Chà, chuyện đó phi thực tế lắm!". Khi tôi hỏi lại, vậy điều gì khiến cho các suy nghĩ tiêu cực mang tính thực tế hơn, thì họ không thể trả lời.
Trong cuộc sống, chúng ta thường mặc nhiên cho rằng tiêu cực thì thực tế còn tích cực thì phi thực tế. Thật điên rồ! Các nghiên cứu cho thấy hơn 90% những gì chúng ta lo nghĩ thường không bao giờ xảy ra. Điều đó có nghĩa là những lo lắng tiêu cực có không tới 10% cơ hội chính xác. Vậy thì cách sống bi quan có thực tế hơn sống lạc quan? Hãy nghĩ về cuộc sống của bạn. Tôi cược là hầu hết những gì bạn lo ngại đều không xảy ra. Vậy liệu bạn có thực tế khi lúc nào cũng lo lắng? Ồ, rõ ràng là không!
Nếu nghĩ kỹ về vấn đề này, bạn sẽ thấy điều quan trọng ở đây không phải là cần sống thực tế hơn, mà là "Tại sao phải chịu đau khổ, trong khi bạn có thể hạnh phúc?". Nếu làm Pollyanna mà tạo được cho mình và mọi người một thế giới hạnh phúc hơn thì tại sao phải do dự?
Hãy xem ví dụ về hai thái độ sau.
Cả Joan và Mary đều ở độ tuổi trung niên, vốn chỉ quen việc nội trợ khi chồng họ đột ngột qua đời.
Joan lập tức rơi vào bi kịch. Suốt nhiều năm liền, cô nài nỉ mọi người cảm thông, cho đến một lúc không còn ai muốn bầu bạn với cô nữa. Lúc đó, cô càng có thêm bằng chứng rằng góa phụ sẽ bị bỏ rơi, chẳng được ai mời đi đâu cả. Cô tự nghĩ là sẽ chẳng có ai yêu mình nữa, và dĩ nhiên đó là do thái độ và hành vi của cô mà ra. Tuy người chồng chỉ để lại một ít tiền nhưng cô vẫn quyết định chỉ sống tằn tiện với số tiền đó - cô nghĩ rằng người lớn tuổi như mình sẽ không bao giờ tìm được việc. Joan cũng đi phỏng vấn xin việc vài chỗ, nhưng vì luôn thiếu nhiệt tình nên chưa bao giờ thành công. Chính thái độ tiêu cực của cô đã tạo ra một cuộc sống ảm đạm, đau khổ.
Mary thì ngược lại. Cô vận dụng ngay thái độ Pollyanna. Sau một thời gian ngắn khóc thương, cô quyết tâm làm lại từ đầu. Cô thuộc típ người luôn tin mình có thể tạo ra những điều tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh. Chồng cô không để lại nhiều tiền, thế là cô quyết định đã đến lúc bước ra ngoài xã hội để tự đi làm kiếm tiền.
Dù chưa từng đi làm nhưng Mary vẫn tin rằng thị trường việc làm luôn có chỗ cho mình. Trước đó, cô vẫn thường làm tình nguyện viên gây quỹ từ thiện và rất thích công việc này. Với kinh nghiệm sẵn có, cô nộp đơn làm trợ lý cho một văn phòng gây quỹ từ thiện có quy mô trung bình. Trong vòng hai năm, cô đã hoàn toàn thạo việc. Thời gian này khiến cô cảm thấy mình mở mang và trưởng thành chưa từng có. Mặc dù không hề muốn chồng qua đời và vẫn luôn thương nhớ anh, nhưng Mary nhận ra mình đã lớn lên rất nhiều nhờ phải tự lập trong cuộc sống.
Khác với Joan, bạn bè của Mary không bao giờ quên cô trong các buổi họp mặt. Vì sao? Vì Mary luôn mang đến cho họ bầu không khí hồ hởi, nhiệt tình. Cách cô biến thảm kịch thành chiến thắng đã truyền cảm hứng cho mọi người. Quan điểm tích cực của cô đã tạo nên một cuộc sống đầy niềm vui và cảm giác hài lòng.
Không có gì là thực tế hay phi thực tế, mà chỉ có cách chúng ta suy nghĩ trước mọi tình huống xảy ra thôi. Chính chúng ta tạo ra "thực tế" của mình.
Điều này có liên quan gì đến nỗi sợ không? Có đấy! Bạn hãy nhớ rằng kiểm soát nỗi sợ chính là biến đau khổ thành sức mạnh. Mặc dù cả hai người phụ nữ nói trên đều có cùng nỗi sợ, nhưng Joan đã để nỗi sợ cầm chân mình trong đau khổ, trong khi Mary dũng cảm chuyển nó thành sức mạnh. Nỗi sợ khiến Joan rơi vào tình trạng trì trệ, còn Mary lại trưởng thành hơn từ đó.
Cho đến bây giờ, Joan vẫn lo sợ sẽ không có bạn bè, sợ chết trong cô độc và sợ nghèo đói khi hết tiền. Ai ai cũng nhận ra nỗi ám ảnh và cảm giác nặng nề đó ở cô. Rõ ràng cô đang tự trói mình ở cột bên trái trong biểu đồ Biến-Đau-Khổ-Thành-Sức- Mạnh, và chấp nhận một cuộc sống bất lực, tê liệt và tuyệt vọng.
Trong khi đó, nỗi sợ của Mary đã giúp cô gây thêm quỹ cho tổ chức, thực hiện thành công các buổi phỏng vấn trên truyền hình, xuất bản các bản tin đúng hạn và gặt hái nhiều thành công khác. Nỗi sợ của cô hoàn toàn khác với của Joan. Cô vui vẻ sống ở cột bên phải của biểu đồ Biến-Đau-Khổ- Thành-Sức-Mạnh, một cuộc sống thoải mái, thú vị và đầy hứng khởi. Từ đây có thể thấy càng suy nghĩ tích cực thì bạn sẽ càng tiến gần hơn đến sức mạnh nội tại.
Tôi đã học được ở Jack Canfield, đồng tác giả của loạt sách Chicken Soup for the Soul cách chứng minh hiệu quả của tư duy tích cực và tiêu cực, và đã vận dụng nó trong các buổi giảng của mình. Tôi bảo một học viên đứng lên, nắm tay thành nắm đấm và giang tay sang ngang. Tiếp theo, tôi bảo cô ấy tập trung hết sức để cưỡng lại, còn mình thì đứng đối diện và cố dùng bàn tay kéo cánh tay cô ấy xuống. Kết quả là tôi không thể làm được điều đó ngay trong lần thử đầu tiên.
Sau đó, tôi bảo cô ấy bỏ tay xuống, nhắm mắt lại và đọc mười lần câu: "Tôi là một người yếu đuối và đáng khinh" và hết sức nhập tâm vào câu nói đó. Rồi tôi bảo cô ấy làm lại động tác giang tay ban nãy. Ngay lập tức, tôi đã có thể hạ cánh tay đó xuống, cứ như thể cô ấy không còn chút sức lực nào nữa.
Khi tôi tiếp tục thử lại bằng những lời nói tích cực hoặc tiêu cực, kết quả tương tự lại xảy ra. Tôi có thể hạ cánh tay họ xuống sau một câu nói tiêu cực, nhưng không tài nào dịch chuyển cánh tay đó sau một câu nói tích cực.
Đây quả là một minh chứng khiến ta phải sửng sốt về sức mạnh của ngôn từ. Những từ ngữ tích cực giúp ta tăng cường sức mạnh, còn những từ ngữ tiêu cực lại làm suy yếu thể chất của chúng ta. Một khía cạnh đáng chú ý ở thí nghiệm này là cho dù bạn có tin vào những từ ngữ đó hay không cũng không quan trọng. Chỉ cần nói ra những từ ngữ đó là tiềm thức của chúng ta đã tin vào chúng rồi, cứ như thể cái tôi bên trong chúng ta không hề biết phân biệt đúng sai, không hề biết đánh giá mà chỉ phản ứng trước những gì nó tiếp nhận. Khi nghe những lời "Mình yếu đuối", lập tức cái tôi bên trong chúng ta chỉ đạo: "Hôm nay cô ấy/anh ấy muốn yếu đuối"; còn khi nghe "Mình mạnh mẽ", lập tức cơ thể sẽ nhận được thông điệp: "Hôm nay cô ấy/anh ấy muốn mạnh mẽ".
Từ đây, bạn rút ra được điều gì? HÃY THÔI NHỒI NHÉT NHỮNG SUY NGHĨ TIÊU CỰC VÀO BẢN THÂN. Tư duy tiêu cực sẽ lấy đi sức mạnh nội tại của bạn… và khiến bạn tê liệt trước nỗi sợ hãi.
Vậy thì tại sao mọi người lại không tư duy tích cực? Theo tôi đoán, có lẽ là vì họ không hiểu làm một người tư duy tích cực thì cần phải có những yếu tố gì. Trong thực tế, để luôn suy nghĩ tích cực, bạn phải nỗ lực rèn luyện và đặc biệt quyết tâm. Và một khi đã bắt đầu, bạn cần có kế hoạch duy trì thái độ lạc quan đó. Tôi chưa bao giờ thấy ai có thể luôn suy nghĩ tích cực mà không phải rèn luyện. Chắc là có những người như thế, nhưng tiếc là tôi chưa được gặp. Theo kinh nghiệm của tôi thì, nếu không rèn luyện, bạn sẽ đánh mất kỹ năng này. Đó là điểm mà dường như hầu hết mọi người đều không hiểu.
Tôi biết bạn khó mà tin nổi khi tôi bảo rằng bạn sẽ tự động trở nên tiêu cực ngay khi ngừng suy nghĩ tích cực. Thật ra, điều đó cũng giống như bạn tập thể dục vậy. Một khi đã có thể hình hoàn hảo, bạn phải tiếp tục tập luyện để duy trì vóc dáng ấy; nếu không, chỉ sau một thời gian ngắn, cơ bắp của bạn sẽ bắt đầu nhão ra. Nếu trước kia mỗi ngày bạn tập động tác bật dậy năm mươi lần thì bây giờ bạn có thể tập hai mươi lần. Quan trọng là phải không ngừng luyện tập.
Trí tuệ cũng vậy. Nếu mỗi ngày bạn đều động não suy nghĩ cách giải quyết vấn đề, thảo luận hoặc đọc sách, thì trí óc của bạn sẽ trở nên minh mẫn, sắc bén. Sau hai tuần nằm dài trên biển, bộ não sẽ trì trệ và bạn phải mất vài ngày mới lấy lại được phong độ.
Chúng ta có những mặt cần được củng cố thường xuyên, và một trong số đó chính là thái độ suy nghĩ tích cực. Vài năm trước, tôi đã tham gia một nhóm khá đặc biệt gọi là The Inside Edge (Ngưỡng Nội Tại) do Diana và Paul von Welanetz sáng lập. Hiện giờ, tổ chức này vẫn còn tồn tại và hội tụ những con người mà tôi cho là thành công và tích cực nhất. Mỗi khi họp mặt, các thành viên trong nhóm hoặc người bên ngoài sẽ kể một câu chuyện nào đó giúp khơi gợi cảm hứng, làm cho mọi người sảng khoái tinh thần. Mọi người trong nhóm đều biết rõ bản thân họ không chỉ phải tập suy nghĩ lạc quan, mà còn phải sống bên cạnh những người lạc quan.
Trong nhóm này có nhiều thành viên là tác giả của những tác phẩm ăn khách có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn. Họ biết hầu hết các phương pháp giúp nuôi dưỡng tâm hồn hiện có, song hàng tuần họ vẫn tập hợp lại với nhau để hỗ trợ tinh thần lẫn nhau. Và tôi đoan chắc là mỗi người trong số họ đều thực tập suy nghĩ tích cực mỗi ngày. Họ biết chỉ cần bỏ qua một ngày là sẽ "tuột dốc" ngay.
Bạn hãy nghĩ xem, mỗi ngày chúng ta đều phải tắm gội, trang điểm hoặc cạo râu, ấy vậy mà không ai trong chúng ta phản đối việc khởi đầu một ngày mới bằng nếp sinh hoạt này, dù đó là những việc làm chúng ta cảm thấy thoải mái, sảng khoái.
Vậy làm thế nào khi trong bạn đang chất chứa những suy nghĩ tiêu cực? Làm thế nào để tránh xa những điều phiền muộn đã vô hiệu hóa sức mạnh nội tại của bạn? Hãy làm tương tự như khi bạn cần lấy lại vóc dáng cân đối. Hãy lập ra một chương trình rèn luyện trí não hẳn hoi. Và trước tiên, bạn phải bắt tay hành động.
Trước khi gợi ý một chương trình hành động cụ thể để bạn tham khảo, tôi đề nghị bạn luôn mang theo bên mình những thứ sau:
1. Một máy cát-xét nhỏ, máy nghe CD, iPod… hoặc bất kỳ thiết bị nghe nhạc bỏ túi nào khác.
2. Băng, đĩa CD có nội dung tích cực. Rất may là hiện nay trên thị trường luôn có vô số những sản phẩm băng đĩa có tác dụng giúp chúng ta nhìn đời lạc quan hơn, giúp bạn khẳng định bản thân, thư giãn, thiền định, thúc đẩy động lực cá nhân, giúp bạn nhìn thấy một viễn cảnh tốt đẹp hoặc là nguồn cảm hứng tinh thần cho bạn… Ngoài ra, hiện có rất nhiều quyển sách có tác dụng tương tự đã được chuyển thành sách nói. Một khi đã nhận ra lợi ích từ các sản phẩm này, bạn sẽ thích thú mở rộng "thư viện nghe" này của mình.
3. Những quyển sách tích cực giúp khơi dậy nguồn cảm hứng và động lực trong cuộc sống. Tôi đề nghị bạn hãy mua sách, thay vì mượn của thư viện. Lý do là rất có thể bạn phải gạch chân hoặc ghi chú ngay vào sách và sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần. Sách sẽ là trợ tá đắc lực cho bạn mỗi khi cần. Có thể bạn sẽ cảm thấy mua những thứ sách vở, băng đĩa này là tốn kém. Phải, bạn đã đúng. Nhưng không sự đầu tư nào có thể giúp cải thiện cuộc sống của bạn tốt hơn thế. Nếu bạn gặp khó khăn về tiền bạc, ban đầu hãy mua ít thôi. Điều quan trọng là: HÃY BẮT TAY HÀNH ĐỘNG!
4. Các mẩu giấy ghi chú.
5. Những câu danh ngôn tích cực. Hãy tìm những câu khiến bạn xúc động nhất, ví dụ như những câu sau đây (vốn có tác dụng rất tốt đối với tôi):
Tàu neo trong bến thì an toàn, nhưng đó không phải là lý do người ta đóng tàu. – John Shedd
Cách thoát ra tốt nhất là vượt qua. – Helen Keller
Không làm thì chẳng bao giờ gặp thất bại… Thành công chỉ đến khi dám thử. – Khuyết danh
Nếu xét về mức độ nguy hiểm thì chẳng có điều gì thực sự đáng sợ! – Gertrude Stein
Hoặc bạn có thể tham khảo câu này:
Hãy đi qua nỗi sợ! – Susan Jeffers
Hãy viết mỗi câu danh ngôn lên một tờ giấy rồi dán lên những nơi dễ thấy - trên gương, bàn làm việc, cửa tủ lạnh, trong ô tô, trong nhật ký… Hoặc bạn có thể trang trí trên tường những bức tranh đẹp có ghi sẵn những dòng chữ giúp người đọc thêm yêu đời.
Rồi bạn sẽ thấy những câu danh ngôn thay đổi dần theo sự lớn mạnh của sức mạnh bên trong bạn, bởi mỗi câu thường chỉ đúng với một thời điểm. Bên cạnh đó, hãy thể hiện tính sáng tạo và thêm chút thi vị cho công việc này. Nhà văn khôi hài Jan Marshall từng nói: "Trong cuộc đời này chẳng có gì là nghiêm trọng cả!". Hãy cứ sống nhiệt tình và lạc quan. Hãy tận hưởng niềm vui khi thực hiện bài tập này.
6. Những câu khẳng định bản thân. Ở mục số 2 nêu trên, tôi có nhắc đến các băng đĩa có nội dung giúp bạn khẳng định bản thân. Vậy khẳng định bản thân nghĩa là gì? Đó là lời tự nhủ ở hình thức cao nhất. Bạn còn nhớ sức mạnh của những lời tự nhủ trong thí nghiệm với cánh tay mà tôi đã nói ở phần trước không? Lời tự nhủ mang tính khẳng định bản thân là một trong những công cụ đắc lực, dễ dàng và ít tốn kém nhất mà bạn có thể dùng.
Khẳng định bản thân là câu nói tích cực về một điều gì đó - điều thuộc về hiện tại chứ không phải là quá khứ hay tương lai. Sau đây là một số ví dụ:
Trong cuộc sống, tôi đang phá vỡ lối mòn và tiến về phía trước.
Tôi thấy nhẹ nhàng vì biết mình sẽ làm được chuyện đó.
Tôi hiên ngang chịu trách nhiệm đời mình.
Đi tới đâu tôi cũng khiến mọi người cảm thấy ấm áp và yêu thương.
Tôi không lo lắng nữa và tin rằng mọi thứ đều diễn ra hoàn hảo.
Tôi sống bình thản và cởi mở.
Tôi luôn tìm thấy khía cạnh tốt đẹp trong mọi trải nghiệm sống.
Tôi mạnh mẽ, tràn đầy yêu thương và chẳng sợ điều gì.
Tôi chỉ chú tâm vào những điều may mắn của đời mình.
Trên đây chỉ là một số gợi ý để bạn khởi đầu. Có một vài điều mà bạn cần nhớ về những câu khẳng định bản thân, cụ thể là:
• Luôn dùng động từ ở thì hiện tại.
Sai: Tôi sẽ kiểm soát nỗi sợ.
Đúng: Tôi đang kiểm soát nỗi sợ.
• Luôn chọn cách nói tích cực thay cho tiêu cực.
Sai: Tôi không còn tự trách mình nữa.
Đúng: Tôi đang tự tin hơn mỗi ngày.
Hãy chọn những câu khẳng định thích hợp với bạn trong từng thời điểm vì khi tình huống và tâm trạng của bạn thay đổi thì những gì bạn cảm thấy là đúng đắn cũng sẽ thay đổi theo.
Điểm cốt lõi của toàn bộ vấn đề ở đây có thể tóm gọn trong sáu từ: LOẠI BỎ SUY NGHĨ TIÊU CỰC. Và bạn cũng biết rằng đây là cả một thử thách.
Tiếng nói tiêu cực có một sức mạnh bền vững kỳ lạ và nó có thể kháng cự lại bạn bằng mọi hình thức khác nhau để không ngừng chế ngự bạn. Một khi kiểm soát được tiếng nói đó nghĩa là bạn đã thành công. Khi đó, tư duy tích cực sẽ tự động đến với bạn. Bạn không cần phải dựa vào nhiều dấu hiệu nhắc nhở để luôn giữ cho tinh thần được sảng khoái, vui tươi. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan!
Nào, chúng ta hãy cùng khám phá những gì sẽ xảy ra trong ngày đầu tiên bạn cưỡng lại tiếng nói tiêu cực bên trong nhé.
Tư Duy Tích Cực Cho Người Mới Bắt Đầu
1. Buổi sáng khi thức dậy, bạn hãy bật máy và nghe những câu khẳng định bản thân để khởi đầu ngày mới thật tuyệt vời. Bạn cũng có thể chọn đĩa hoặc sách nói có nội dung thiền, giúp bạn thúc đẩy động lực cá nhân hoặc những hình thức trò chuyện có tác dụng khơi gợi cảm hứng trong bạn. Đó chính là những lúc bạn thật sự sống trong sự trưởng thành và học hỏi! Sau khi nhấn nút PLAY, hãy nằm nhắm mắt lại, chìm vào những suy nghĩ truyền tải sức mạnh tinh thần đó. Rồi bạn sẽ thấy điều này tốt gấp bội so với việc nằm đó vì không muốn thức dậy để đối diện với những hình dung về các nghĩa vụ đáng sợ và tệ hại mà bạn sẽ gặp trong ngày.
2. Khi rời khỏi giường, hãy chú ý đến những câu danh ngôn tích cực trên tường, tủ lạnh, gương… xung quanh bạn. Có thể bạn sẽ phì cười khi thấy những gì con người phải làm để cảm thấy tốt đẹp.
3. Khi thay quần áo, hãy bật một giai điệu vui tươi. Có thể đó là loại nhạc dịu êm thư giãn, rock, cổ điển hay bất kỳ thể loại nào bạn thích.
4. Cũng trong lúc thay quần áo, hãy tranh thủ lặp lại những câu khẳng định bản thân mà bạn đã chọn cho ngày đó. Tốt nhất là bạn nên đứng trước gương. Hãy lặp lại những câu này ít nhất là mười lần suốt trong ngày, bất cứ khi nào những suy nghĩ tiêu cực tìm cách trỗi dậy trong tư tưởng bạn. Đừng để tiếng nói ấy vang lên trong đầu bạn. Hãy loại bỏ ngay những suy nghĩ tiêu cực! Tôi đảm bảo nếu thường xuyên rèn luyện, bạn sẽ ngày càng tư duy tích cực hơn. Hãy tin rằng việc lặp đi lặp lại thường xuyên bài tập này cuối cùng sẽ mang lại cho bạn kết quả mong muốn!
LƯU Ý: Trong thời gian đầu, tôi đề nghị bạn không mở ti vi, radio hay nghe bản tin nếu đây vốn là thói quen hàng ngày của bạn. Những bản tin thời sự luôn đầy rẫy những nội dung tiêu cực. Thay vào đó, chỉ tập trung lắng nghe những điều tích cực khi khởi đầu ngày mới. Nếu bạn hay đọc báo khi ăn sáng, hãy thay bằng một quyển sách nuôi dưỡng tâm hồn có tác dụng thúc đẩy động lực sống và khơi gợi cảm hứng cho bạn.
Hồi còn dạy một lớp ở New York, tôi làm một thử nghiệm là yêu cầu các học viên của mình tránh xa tin tức hoàn toàn. Và họ đã ngạc nhiên vô cùng khi nhận thấy cuộc sống của mình trở nên tích cực hơn hẳn. Thay vì than vãn với bạn bè về những nỗi khổ sở trong cuộc sống, họ bắt đầu chia sẻ về những ý tưởng tích cực đã học được từ các quyển sách nuôi dưỡng tâm hồn và những câu chuyện của họ cũng trở nên sống động, thú vị hơn.
Một khi đã tạo được thói quen tư duy tích cực, bạn có thể tiếp tục xem tin tức, báo đài như trước. Khi đó, bạn sẽ thấy mình tiếp cận thông tin theo cách có lợi hơn, tìm thấy "tin tốt" ngay trong những "tin xấu" để có thể chịu trách nhiệm về cuộc đời mình và cả cộng đồng.
5. Nếu rèn luyện mỗi ngày, bạn sẽ có cơ hội gia tăng những suy nghĩ tích cực. Một lời khẳng định như: "Mình có thể cảm nhận rõ năng lượng sống đang trào dâng" và "Mình sẽ tạo ra một ngày tươi đẹp" sẽ khiến cho việc rèn luyện mỗi ngày của bạn thêm hiệu quả.
6. Sau bữa sáng, đã đến lúc bạn phải đi làm. Đừng để thời gian ngồi trên xe trở nên vô ích. Hãy tranh thủ bật đĩa CD để lắng nghe những thông điệp có tác dụng thúc đẩy động lực, khơi dậy nguồn cảm hứng hoặc các giai điệu yêu đời.
LƯU Ý: Không nên nghe những loại CD thư giãn hay thiền trong thời gian lái xe, vì chúng có thể khiến bạn mất tập trung!
Nếu đi bộ đến chỗ làm, bạn vẫn có thể đeo tai nghe để nghe những thông điệp bổ ích đó. Nếu bạn làm việc tại nhà thì quá may mắn, vì bạn có thể vừa nghe vừa làm. Nếu bạn có con nhỏ, hãy nghĩ đến những tác động tích cực đó đối với trí óc non nớt của trẻ.
7. Khi đến văn phòng, hãy chú ý đến những thông điệp tích cực mà bạn đã dán sẵn ở nơi làm việc. Một lần nữa, hãy tự mỉm cười với mình! Điều đó sẽ giúp bạn cảm nhận mọi thứ một cách vui vẻ, nhẹ nhàng!
8. Mỗi ngày, hãy chọn ra một câu khẳng định bản thân để viết vào nhật ký. Mỗi khi đọc nhật ký, hãy lặp lại những câu ấy mười lần. Hoặc bạn đặt một câu nào đó đặc biệt trên bàn làm việc để có thể nhìn thấy ngay. Chẳng hạn "câu đặc biệt" của tôi là: "Mọi thứ đều đang diễn ra thật hoàn hảo". Nó giúp tôi nhớ rằng dù có bất kỳ điều gì xảy ra, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thì đó vẫn luôn là cơ hội để tôi học hỏi và lớn lên". Quả là một lời nhắc nhở tuyệt vời!
9. Khi những áp lực và nghi ngờ của ngày mới bắt đầu len lỏi vào tâm trí, hãy tự "nạp" nguồn năng lượng tích cực để điều chỉnh ngay. Bạn chỉ cần lặp đi lặp lại những câu khẳng định bản thân cho đến khi nào bạn cảm thấy sức mạnh nội tại và tinh thần lạc quan quay trở lại. Hãy giữ cho các câu khẳng định bản thân ấy luôn hiện diện trong bạn, cả ngày lẫn đêm.
10. Trước khi ngủ, hãy bật một đĩa CD thư giãn và đắm mình vào những thông điệp dịu êm đó. Làm như thế sẽ tốt hơn là lắng nghe tiếng nói tiêu cực lúc nào cũng tìm cách thuyết phục bạn rằng bạn là người yếu đuối, thiếu năng lực. Hãy ngủ một giấc an lành với những thông điệp yêu thương.
Bạn hãy tin tôi đi, cuộc sống của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi nếu bạn thật sự quyết tâm thực hiện chương trình rèn luyện này. Tư duy tích cực sẽ thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Khi đã rũ bỏ được tiếng nói tiêu cực, bạn thậm chí sẽ không còn nhớ trước kia mình luôn sợ những gì. Bạn sẽ có được nguồn năng lượng mà chính bạn cũng chưa từng nghĩ mình sẽ có. Bạn sẽ cười nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn. Càng ngày, bạn sẽ càng thu hút được nhiều người lạc quan đến với mình trong cuộc sống. Bản thân bạn cũng khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn vì được sống trong cuộc đời này.
Sau thời gian rèn luyện, bạn có thể thả lỏng một chút và bắt đầu chương trình duy trì. Tuy nhiên, hãy cố gắng rèn luyện ít nhất là một tháng trước khi bạn giảm mức độ. Nếu một ngày nào đó bạn nhận ra mình không chăm chỉ rèn luyện như trước, đừng để tiếng nói tiêu cực chỉ trích bạn. Có thể bạn sẽ nghe thấy nó bảo rằng: "Thấy chưa, ngay cả một chương trình như thế này mà mình còn không làm được.
Mình lúc nào cũng tệ vậy thôi. Thật là kém cỏi, bất lực!". Hãy nhớ đó chỉ là tiếng nói vô thức, bạn phải tìm cách loại bỏ nó đi. Những lúc tiếng nói ấy phát ra, hãy tự nhủ: "Tất cả những gì mình đang làm đều hoàn hảo!".
Tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa: để tạo thói quen tư duy tích cực, bạn cần phải luyện tập hàng ngày. Bản thân tôi đã không ngừng rèn luyện điều này hàng năm trời và cho đến nay, mỗi ngày tôi vẫn bỏ ra một khoảng thời gian nhất định để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Đã có vài lần tôi thôi rèn luyện, và những cảm xúc tốt đẹp trong tôi cũng nhạt phai dần. May thay, quay lại guồng luyện tập đó cũng không quá khó vì tôi chỉ cần làm theo những bài tập của chương trình. Lúc đó tôi tự hỏi: "Tại sao mình lại từ bỏ một điều giúp mình cảm thấy tốt đẹp về bản thân kia chứ?".
Còn một điều quan trọng nữa mà tôi cũng muốn nói với bạn là đừng bao giờ dùng tư duy tích cực như một cái cớ để phủ nhận khổ đau. Khi chúng ta bắt đầu cảm thấy tốt đẹp nhờ sức mạnh nội tại do suy nghĩ tích cực mang lại, mọi đau buồn không chỉ trong cuộc sống của chúng ta mà trên cả thế giới này cũng sẽ dần tan đi.
Phải, trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại khổ đau. Tất cả chúng ta ai cũng trải qua mất mát, thất vọng và không ai tránh khỏi điều đó. Nhưng tư duy tích cực sẽ giúp bạn trút hết nước mắt để lật sang trang mới, mở ra một cuộc sống tươi đẹp và phong phú hơn. Trên thế giới này vẫn luôn còn đó những nỗi đau… song tư duy tích cực cũng sẽ giúp lau khô những giọt nước mắt ấy. Và, vẫn còn đó đói kém, chiến tranh, ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, bạn hãy để những giọt nước mắt u sầu trôi đi và bắt tay vào hành động! Hãy bắt đầu với suy nghĩ tích cực là bạn sẽ làm được một điều gì đó, cho dù hiện tại bạn vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Vì nếu chỉ biết phủ nhận thực tế đau khổ hay tỏ ra bất lực, bạn sẽ không làm được gì cho cuộc sống của mình cả.
Chẳng ai có thể miễn nhiễm với đau khổ và chúng ta không nên phủ nhận khi nó xảy ra. Vấn đề ở đây là bạn phải biết làm thế nào để có một cuộc sống phong phú và có ý nghĩa - trong bất kỳ tình huống nào. Tác dụng của tư duy tích cực là tạo cho bạn sức bật để kiểm soát mọi tình huống trong cuộc sống. Những "đổ vỡ tệ hại" không thể chi phối cuộc đời bạn, mà chính sức mạnh nội tại không gì khuất phục được mới làm điều đó. Bạn sẽ thật sự kiểm soát được mọi nỗi sợ bằng sức mạnh nội tại - thứ sức mạnh có quyền năng giúp bạn tạo ra những điều tốt đẹp.