Bạn có nghĩ mình là một người biết cho đi không? Hãy dành chút thời gian để nghĩ về điều đó.
Một sáng nọ, tôi đặt câu hỏi này cho vài học viên, phần lớn họ đều đã lập gia đình và tất cả họ đều gật đầu, nghĩa là có. Do đó, họ rất bối rối khi cầm bài tập về nhà tôi vừa giao, trong đó chỉ ghi vỏn vẹn một dòng: "Hãy về nhà và nói lời ‘cảm ơn’ với người bạn đời của bạn". Cả phòng học bỗng căng thẳng lạ lùng, cứ như thể tôi vừa bảo họ về nhà đánh đập bọn trẻ vậy! Cuối cùng, Lottie, người đã lập gia đình hai mươi lăm năm nay, cất tiếng: "Tại sao tôi phải cảm ơn chồng mình chứ? Lẽ ra anh ấy phải lấy làm vui vì đã có tôi ở bên cạnh kia!".
"Lottie, thế tại sao cô lại ở bên anh ấy?", - tôi hỏi lại. Chị ấy trả lời vẻ lảng tránh, đại loại là: "Không có tôi thì anh ấy sống rất lộn xộn, và hơn nữa, có quá nhiều thứ phải làm nên tôi không thể bỏ mặc nhà cửa được". Tôi lặp lại câu hỏi một lần nữa. Sau khi bị tôi và cả lớp thúc giục, cuối cùng Lottie cũng nhận ra rằng người chồng cũng đã mang lại cho mình nhiều thứ tốt đẹp như sự gắn bó, yên ổn về tài chính và cảm giác không đơn độc. Tôi bảo: "Tốt, vậy giờ chị hãy về nhà và nói cảm ơn anh ấy vì những điều đó đi".
Buổi học hôm đó đã khiến các học viên trong lớp có vẻ mất tinh thần. Họ không thể nào tin rằng việc nhận ra sự cống hiến của người bạn đời lại khó đến như vậy. Một số làm được bài tập tôi giao, dù hơi miễn cưỡng; số còn lại thì không thể. Một vài người cho biết họ cũng cố thử cảm ơn bố mẹ và con cái mình nhưng rồi đành chịu vì… khó quá. Lần đầu tiên trong đời, họ buộc phải trả lời câu hỏi: trong cuộc sống, mình cho đi nhiều đến mức nào.
Nói như vậy không có nghĩa là các học viên của tôi không hề đóng góp vào những lĩnh vực khác của các mối quan hệ. Thật tình mà nói, một tay họ chăm sóc nhà cửa, nuôi dạy con cái và làm tất cả những nhiệm vụ phải làm trong hôn nhân. Nhưng liệu họ đã thật sự cho đi hay chưa? Họ có thật sự biết cho đi là phải như thế nào không? Hay chỉ là một sự trao đổi "Anh làm cái này cho em" rồi "Em sẽ làm cái kia cho anh"?
Không cần phải nói, các học viên của tôi khá bối rối trước những gì họ vừa khám phá về bản thân qua bài tập đơn giản của tôi. Tôi trấn an họ rằng hầu hết chúng ta đều không biết thế nào là cho đi thật sự. Phần lớn chúng ta đều cho đi dựa trên một nguyên tắc đổi chác ngầm. Ít có người nào thật sự cho đi mà không mong nhận lại một điều gì từ người khác, chẳng hạn như tiền bạc, sự cảm kích, tình yêu…
Có thể bạn sẽ bảo: "Nhận lại thì có gì sai đâu?". Câu trả lời của tôi là: "Chẳng có gì là sai". Tuy nhiên:
NẾU BẠN CHỈ "CHO" ĐỂ MÀ "NHẬN", BẠN SẼ LUÔN SỢ HÃI TRƯỚC CUỘC SỐNG.
Thường thì khi đó, chẳng mấy chốc bạn sẽ tự hỏi: "Mình có nhận lại đủ chưa?". Chính suy nghĩ không muốn bị thua thiệt sẽ khiến bạn mất đi sự thanh thản trong tâm hồn và làm nảy sinh sự giận dữ, oán hận.
Giờ thì bạn đã thấy rõ khi cho đi chỉ để nhận lại là quan niệm sai lầm như thế nào. Trong thực tế:
SẴN LÒNG CHO ĐI KHÔNG CHỈ THỂ HIỆN LÒNG VỊ THA MÀ CÒN KHIẾN CHÚNG TA CẢM THẤY THOẢI MÁI HƠN.
Vì sao chúng ta cảm thấy khó cho đi đến như vậy? Theo giả thiết của tôi thì do hai yếu tố. Thứ nhất, nó đòi hỏi bạn phải thật sự chín chắn mới có thể cho đi, trong khi đó phần lớn chúng ta vẫn còn "non nớt" lắm. Thứ hai, cho đi là một kỹ năng cần được tôi luyện mà rất ít người lĩnh hội được. Hai yếu tố này gắn chặt với nhau và đòi hỏi chúng ta phải thực hành rất nhiều mới có thể vận dụng nhuần nhuyễn. Lý do khiến hầu hết chúng ta chưa bao giờ thực hành kỹ năng này cũng dễ hiểu thôi: đó là vì ta chưa bao giờ hành xử như người lớn hoặc vì ta chưa bao giờ cho đi trong cuộc sống. Trước nay chúng ta vẫn quen lừa dối bản thân mình mà không hề hay biết.
Một trong những điều quan trọng nhất trong đời mà một người phải học là cách cho đi, và qua đó tìm thấy câu trả lời cho nỗi sợ hãi. Khi còn là trẻ sơ sinh, chúng ta chẳng có gì, chỉ biết đón nhận từ cuộc sống. Nếu không nhận thì chúng ta sẽ chết. Sự sống còn của chúng ta gắn liền với thế giới xung quanh đang nuôi dưỡng ta. Trong giai đoạn này, chúng ta cho đi rất ít. Khi đói là chúng ta đánh thức bố mẹ ngay bất kể giờ giấc, hoặc chỉ biết hét to làm phiền hàng xóm khi muốn được bồng bế.
Đúng là bố mẹ sẽ rất vui khi thấy con trẻ mỉm cười và khi được vuốt ve chúng. Đó là lúc đứa trẻ đang cho đi đấy. Nhưng chẳng có đứa trẻ nào trăn trở trong đêm khuya rằng: "Cuộc sống của mình thật phong phú. Mình có quá nhiều thứ để cho đi và mình nghĩ mình nên thưởng cho bố mẹ một nụ cười thật rạng rỡ vào sáng mai". Không hề, "quà tặng" của trẻ sơ sinh chỉ nằm ở cấp độ sơ khai và phản xạ. Bởi trong thực tế, chỉ cần sáng hôm sau đói bụng là nó đã ngay lập tức gào lên thật to.
Càng lớn, chúng ta càng trở nên độc lập, có khả năng chăm sóc cho bản thân, biết tự ăn mặc và kiếm sống lấy. Ấy vậy mà dường như trong chúng ta vẫn có một phần không bao giờ chịu lớn. Nói một cách ví von là chúng ta vẫn luôn sợ sẽ không có ai xoa dịu ta trong "cơn đói khát" bằng cách đáp ứng thức ăn, tiền bạc, tình yêu, lời khen ngợi… Và mọi sự thỏa mãn đều chỉ mang tính tạm thời, bởi chúng ta biết rõ "cơn đói" ấy sẽ quay lại.
Hãy tưởng tượng đến cảnh tiến thoái lưỡng nan của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không thể cho đi, cũng không thể yêu thương. Một cách vô thức hoặc ý thức, chúng ta trở nên tính toán thiệt hơn vì nhu cầu sống còn của mình. Chúng ta khó lòng giúp đỡ người khác nếu nhu cầu của họ mâu thuẫn với của mình. Chúng ta cảm thấy thế nào khi vẫn mãi không chịu rời khỏi chiếc cũi? Bất lực, bế tắc, giận dữ, chán nản, bất mãn, không toại nguyện và trên tất cả, là nỗi sợ hãi.
Còn gì đáng sợ hơn việc cứ phải lệ thuộc vào ai đó để tồn tại? Những người lớn hay sợ hãi vẫn đặt ra những câu hỏi hệt như hồi nhỏ vậy. Liệu mọi người có bỏ mình đi mãi mãi không? Liệu họ có thôi thương yêu mình không? Liệu họ có quan tâm đến mình không? Liệu họ có ốm đau và qua đời không? Chúng ta đặt những câu hỏi đó với bạn đời, bạn bè, sếp, cha mẹ và thậm chí là con cái mình.
Những người luôn sợ hãi không thể nào cho đi thật sự trong cuộc sống. Lúc nào họ cũng sống trong tư tưởng ăn sâu là mình thiếu thốn, như thể thế giới này vô cùng chật hẹp. Không đủ tìnhyêu, không đủ tiền bạc, không đủ lời khen ngợi, không đủ sự chú ý… đơn giản là không có gì là đủ với họ cả. Chỉ cần sợ bất cứ điều gì trong cuộc sống, lập tức họ trở nên khép kín và cố thủ. Những người luôn sợ hãi trông lúc nào cũng có vẻ khép mình, chỉ biết đến bản thân họ. Nếu như hình ảnh đó tượng trưng cho những gì đang diễn ra bên trong những người luôn sợ hãi, thì dưới đây lại là những biểu hiện bên ngoài mà chúng ta có thể tham khảo:
Những người cần sự tán thành của sếp.
Những bà nội trợ thường đổ lỗi do chồng con làm họ không bao giờ được sống cho bản thân.
Những phụ nữ có sự nghiệp độc lập đòi hỏi người yêu hoặc chồng phải dành nhiều thời gian riêng cho mình.
Những người đàn ông không thể chịu được sự độc lập của vợ.
Những nhân viên cấp cao ra các quyết định vô trách nhiệm, gây hại cho mọi người.
Tất cả những người này, theo một cách nào đó, đều đang cảm nhận nỗi sợ hãi trước sự sống còn của họ. Sâu thẳm trong lòng, tất cả họ đều là những con người đang sống thu mình, co cụm lại.
Nếu chợt nhận ra mình là một người như thế, bạn hãy yên tâm vì bạn không phải là một ngoại lệ đâu. Rất hiếm ai trong xã hội chúng ta được dạy dỗ thật sự về cách lớn lên và cho đi trong cuộc sống. Chúng ta chỉ được dạy về ảo ảnh của sự cho đi chứ không phải là hành động cho đi đích thực. Khi được dạy phải tự biết bảo vệ thân thể cẩn thận, chúng ta cũng đồng thời được dạy không để ai lợi dụng mình. Và kết quả là, nếu không nhận lại được một điều gì đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình bị lợi dụng.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không thể tận hưởng những điều mình nhận lại, và nghịch đời thay:
KHI CHÚNG TA CHO VÌ YÊU THƯƠNG CHỨ KHÔNG PHẢI VÌ MONG ĐỢI ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP, CHÚNG TA SẼ NHẬN ĐƯỢC NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ MÌNH TƯỞNG TƯỢNG.
Nếu cứ không ngừng mong đợi sẽ nhận lại được một điều gì đó, chúng ta sẽ thường xuyên thất vọng vì cảm thấy cuộc đời sao quá đỗi bất công.
Mãi đến khoảng năm ba mươi lăm tuổi tôi mới tìm được cách thoát khỏi tình trạng đau khổ này, khi cuối cùng chợt nhận ra rằng dù tôi có bao nhiêu thứ trong cuộc đời đi nữa thì vẫn chẳng bao giờ là đủ cả! Càng có nhiều, tôi càng muốn có nhiều hơn - từ tình yêu, tiền bạc đến sự tán dương - nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Rõ ràng có một điều gì đó mà tôi đang làm, hoặc không làm, đã khiến tôi không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Và tệ hơn, nó khiến tôi cảm thấy sợ hãi rằng mọi thứ mà tôi đang có sẽ mất đi và tôi chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Tôi nhìn đâu cũng thấy đó là giọt nước cuối cùng trên hoang mạc, và tôi cứ khư khư ôm lấy cuộc sống hiện tại của mình.
Đã đến lúc tôi phải thử một cách sống khác, bởi cách cũ rõ ràng không có lợi cho tôi cũng như những người có liên quan đến cuộc đời tôi. Như đã nói ở trên, tôi bèn tìm đến nhiều người thầy khác nhau và nhận được nhiều câu trả lời. Tôi chợt hiểu rằng để dứt bỏ nỗi sợ thiếu thốn đó, tôi phải làm ngược lại những gì trước nay mình vẫn làm. Thay vì cứ bám chặt lấy mọi thứ không rời, tôi bắt đầu giải phóng, buông bỏ và cho đi. Nếu bạn nghĩ có còn bài tập nào khác trong quyển sách này mà khó hơn thế, hãy nghĩ lại! Đúng là một thực tế rất nghịch đời: Bạn dễ dàng cho đi khi thừa mứa, nhưng bạn lại chỉ cảm thấy dư dả khi nào biết cho đi!
Một lần nữa, tôi lặp lại với bạn rằng tôi đang trình bày về một quá trình xuyên suốt cuộc đời mà bạn có thể bắt tay thực hành ngay hôm nay. Ở đây không hề có yếu tố kỳ diệu nào cả. Để trở thành một người trưởng thành thực thụ, bạn phải mất cả một quãng thời gian rất dài. Trong thực tế, có thể nói đó là một nhiệm vụ cả đời. Tôi đã thực hành điều này hàng năm trời, ấy vậy mà vẫn đang phải ngày ngày rèn luyện. Tuy nhiên, điều tích cực ở đây là tôi cảm nhận được sức mạnh bản thân và khả năng yêu thương, tin tưởng vào mọi điều trong cuộc sống của mình ít nhất cũng đã gia tăng đến 1.000% kể từ ngày đầu rèn luyện đầu tiên. Rất nhiều nỗi sợ mà tôi sẽ bàn đến dưới đây đã hoàn toàn biến mất khỏi đời tôi. Những phần thưởng mà bạn nhận được sẽ vô cùng to lớn, tôi xin cam đoan là như thế!
Cho Đi Lời Cảm Ơn
Hãy bắt đầu bằng việc nghĩ đến những người đang hiện diện trong cuộc sống của bạn và những người đã từng có ý nghĩa đặc biệt đối với bạn. Hãy viết tên họ ra một trang giấy, sau đó liệt kê ra những gì họ đã đóng góp vào cuộc đời bạn theo cách của họ. Ngay cả nếu họ mang đến cho bạn đau khổ và bạn chẳng hề quý mến họ, thì bạn hãy cứ ghi ra những điều tốt đẹp mà họ từng làm cho bạn. Thêm nữa, ngay cả trong cái rủi vẫn có cái may.
Một bữa nọ, tôi xin lỗi con trai vì trong thời điểm ly hôn, tôi đã không nghĩ đến tình cảm của con khi cháu có thể cần đến tôi. Do quá đau buồn, tôi đã không chú ý đến nỗi buồn của con trai. Thằng bé trả lời: "Không sao đâu mẹ. Đó là lúc con học được tính độc lập. Đó là một bài học quý giá, mẹ à". Thằng bé thậm chí còn cảm ơn sự thiếu sót của tôi! Về mặt tinh thần, cháu đã buông bỏ thay vì cứ mãi mang theo nỗi oán giận trong lòng suốt ngần ấy năm. Vì vậy, dù bạn cảm thấy một ai đó đang cư xử không tốt với mình, hãy cố tìm lấy một bài học quý báu nào đó từ họ và liệt kê sự đóng góp đó của họ vào danh sách của bạn.
Sau khi đã liệt kê tất cả những món quà mà bạn nhận được từ mọi người trong cuộc sống, hãy lần lượt cảm ơn họ. Nếu có ai đó đã lâu bạn chưa bao giờ gặp hay nghe nhắc đến, hãy tạo sự bất ngờ cho họ bằng cách gọi điện thoại hay viết thư chỉ để thể hiện lòng biết ơn của bạn về những gì họ đã làm cho bạn. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên trước niềm vui mà mình nhận được.
Đối với một số người trong đời bạn, chẳng hạn như vợ/chồng cũ, bạn bè hoặc sếp cũ, bố mẹ hoặc con cái ở xa thì điều này quả không dễ chút nào. Để rũ bỏ cảm giác oán giận hiện tại, bạn hãy thử làm một bài tập mà tôi đã học được từ một khóa học cách đây nhiều tháng như sau:
Tìm một căn phòng trống, tắt điện thoại, bật nhạc êm dịu, ngồi xuống một cái ghế êm ái, thả lỏng và nhắm mắt lại. Hãy nghĩ đến người nào đó đã khiến bạn oán giận, đau khổ tột cùng. Hãy tưởng tượng họ đang đứng trước mặt bạn. Trước tiên, hãy tha thứ cho họ và nói cho họ biết bạn cầu mong cho họ luôn có được những điều tốt đẹp nhất, tất cả những gì mà họ có thể mong muốn trong đời. Hãy cảm ơn họ về tất cả những gì họ đã cho bạn. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi nào những cảm xúc tiêu cực biến mất.
Quả là chẳng dễ dàng gì khi thốt ra những lời nói giảm, nói tránh. "Chúc cô ta những điều tốt lành ư? Chị đang mất trí à? Tôi chỉ muốn cô ta phải hứng chịu những gì đã gây ra cho tôi!".
Lần đầu tiên làm bài tập này, tôi chọn một người đã từng làm việc cho tôi và khiến tôi hết sức đau lòng. Tôi đã tin tưởng anh ta, thế nhưng anh ta là một kẻ phản bội. Bạn phải hiểu là lúc đó tôi cảm thấy mình là một nạn nhân đáng thương đến mức nào! Rõ ràng lúc đó tôi đã không tự chịu trách nhiệm cho trải nghiệm ấy. Trong lúc thực hành, tôi đã trải nghiệm một chuỗi cảm xúc khác thường.
Đầu tiên, tôi bị sốc trước cơn giận và nỗi oán hận mà mình đeo mang trong lòng bấy lâu nay. Tôi cảm thấy mình không thể nào, dù là trong tâm tưởng, chúc anh ta mọi sự tốt lành được. Cơn giận trước kia của tôi đối với anh ta là quá lớn. Khi đã dần nguôi ngoai, tôi lại chạm đến nỗi đau trong lòng. Nó khiến tôi quay sang giận bản thân vì đã để mọi việc xảy ra như thế và vì đã mang trong lòng sự giận dữ bấy lâu nay. Rồi tôi bắt đầu tha thứ cho bản thân và cho anh ta. Tôi nhận ra rằng thật ra, cả hai chúng tôi đều đã cố gắng hết sức tại thời điểm đó. Và tôi đã có thể tha thứ cho anh ta và chính tôi.
Toàn bộ quá trình này diễn ra khoảng một tiếng đồng hồ. Khi bắt đầu, tôi nghĩ sẽ chẳng có điều gì xảy ra. Nhưng tôi đã sai! Tôi la, tôi khóc, tôi bị tổn thương, tôi căm ghét, tôi mở lòng mình ra, tôi tha thứ, tôi yêu thương và tôi cảm thấy bình yên. Tôi tiếp tục thực hành bài tập đó mỗi ngày cho đến khi không còn cảm thấy tình cảm tiêu cực nào đối với anh ta nữa và có thể thoải mái cầu chúc cho anh ta mọi sự tốt đẹp.
Tôi cũng lặp lại bài tập này đối với những người khiến tôi cảm thấy phiền muộn, dù ít hay nhiều.
Một trong số đó chính là người chồng cũ của tôi. Khi đã có thể cầu chúc cho anh ấy mọi điều tốt lành, tôi bèn gọi điện và mời anh ấy đi ăn trưa. Tôi chỉ nói đơn giản là có những điều tôi chưa bao giờ nói cho anh ấy biết và giờ là lúc tôi muốn làm điều đó. Anh ấy rất vui vì tôi gọi điện và chúng tôi đã gặp nhau ăn trưa.
Tôi nói cho anh ấy biết tất cả những điều gì tôi trân trọng ở anh ấy trong cuộc hôn nhân lẫn các phẩm chất của anh ấy mà tôi ngưỡng mộ. Sự cởi mở của tôi khiến anh ấy cũng trở nên cởi mở theo, và anh ấy bắt đầu chia sẻ những điểm mà anh ấy yêu thích ở tôi. Sau bữa cơm trưa hôm đó, tôi ra về với tâm trạng rất tuyệt vời, lòng cảm thấy mình đã hoàn thành một điều trước nay vẫn bị bỏ dở.
Nếu thật sự không thể gặp những người trong danh sách bạn đã liệt kê, hãy gặp gỡ họ trong tâm tưởng của bạn. Hãy nói như thể họ đang ngồi trước mặt bạn và kể cho họ nghe những gì bạn muốn nói. Hãy chữa lành mối quan hệ đó trong chính bản thân bạn. Điều này cũng có tác dụng tốt cho cả tinh thần lẫn thể chất của bạn, chẳng khác gì khi người đó đang thực sự ngồi trước mặt bạn.
Chúng ta cần rũ bỏ những đau khổ, giận hờn trước khi có thể sống với yêu thương. Khi cứ giữ chặt trong lòng những tình cảm tiêu cực về ai đó trong quá khứ, chúng ta sẽ mang cả những cảm xúc tiêu cực đó vào trong hiện tại. Không chỉ có vậy, chúng ta còn khiến thân thể mình đau ốm, điều này thì hẳn là chúng ta cũng đã từng biết. Một quyển sách rất hay về đề tài chữa lành những vết thương tâm hồn và thể xác mà bạn nên tìm đọc là "You Can Heal Your Life" (Chữa lành nỗi đau) của tác giả Louise Hay. Tác giả nêu ra rất nhiều bài tập giúp bạn giải tỏa cơn nóng giận, nỗi đau khổ, oán giận mà bạn canh cánh trong lòng.
Rất nhiều người không nói lời cảm ơn vì họ không nhận ra tầm quan trọng của chúng. Hãy nhớ rằng bạn có giá trị và những lời cảm ơn của bạn cũng có giá trị. Đừng bỏ lỡ cơ hội cảm ơn một người nào đó đã cho bạn bất kỳ một điều gì đó.
Nếu bạn cảm thấy việc này quá khó thực hiện, hãy bắt đầu bằng một tình huống đơn giản thông thường, ví dụ như nói với ai đó ở công ty: "Cảm ơn anh/chị về việc đó!" hoặc "Tôi rất cảm kích!" hoặc "Cảm ơn anh/chị vì đã làm tôi hạnh phúc lây". Hãy cảm ơn, cảm ơn và cảm ơn. Hãy nhập những từ ấy vào tâm thức của bạn để áp dụng với mọi người xung quanh. Hãy tập cảm ơn người khác thay vì ngồi đợi người khác cảm ơn mình. Vạn sự khởi đầu nan, rồi bạn sẽ cảm thấy mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Trao lời cảm ơn cũng giống như tập luyện cơ bắp vậy, vì càng được rèn luyện thì cơ bắp sẽ càng rắn chắc hơn.
Cho Đi Thông Tin
Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thứ phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt mới học hỏi được. Và vì một lý do nào đó, chúng ta thường muốn người khác cũng phải vất vả không kém gì mình. Hãy nghĩ khác đi và tập cho đi càng nhiều càng tốt. Thật tình mà nói, đây là điều không dễ chút nào. Tôi còn nhớ rõ nhiều lần mình cảm thấy bị đe dọa bởi những "đối thủ cạnh tranh" và muốn che giấu những thông tin có lợi cho công việc của họ.
Lạy Chúa, tôi đã cảm thấy sợ hãi… nhưng cuối cùng vẫn giúp họ. Một số người tôi từng giúp đỡ đã trở thành bạn tốt và luôn giúp đỡ tôi. Và tương tự, ở đây sự cho đi phải được làm một cách vô điều kiện, nghĩa là không mong đợi được đền đáp. Tuy vậy, thường thì những gì bạn nhận lại sẽ vô cùng to lớn. Một trong các học viên của tôi chất vấn, liệu sẽ ra sao nếu một trong số những người đó trở mặt và sử dụng thông tin của tôi để cạnh tranh với tôi. Câu trả lời của tôi cho đến bây giờ vẫn y như vậy là một khi đã đủ niềm tin vào bản thân thì dù có chuyện gì xảy ra thì tôi vẫn vượt qua được, vậy tại sao tôi phải sợ hãi chứ? Tất cả chỉ là vấn đề đặt niềm tin vào chính bản thân bạn và thế giới xung quanh. Một khi đã hỗ trợ cho người khác, bạn cũng sẽ lớn lên rất nhiều so với trước đây. Thêm vào đó, khi người khác sử dụng những gì học hỏi được từ bạn thì tức là bạn đã tác động to lớn đến thế giới này rồi đó.
Cho Đi Lời Khen Ngợi
Với nhiều người trong chúng ta, người mà chúng ta khó khen ngợi nhất lại chính là những người gần gũi với mình nhất, ví dụ như vợ/chồng, con cái, bố mẹ và một số bạn bè. Chúng ta càng khó làm điều này vào những lúc giận dữ, oán hận. Ấy vậy mà thật kỳ lạ, việc khen ngợi những người ấy lại giúp ta có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và mở lòng đón nhận tình yêu thương của họ dành cho ta.
Trong các mối quan hệ tình cảm, chúng ta thường chỉ biết chú trọng vào những điểm tiêu cực và hay nhắc nhở về những việc làm sai trái của họ. Chẳng trách tại sao lại có rất ít mối quan hệ phát triển tốt đẹp.
Để quanh mình toàn là những người yêu thương, biết cho đi và luôn ủng hộ chúng ta, bạn cần phải nhớ rằng:
ĐỂ HẤP DẪN NGƯỜI KHÁC, BẠN PHẢI TRỞ THÀNH HÌNH ẢNH MÀ MÌNH MONG MUỐN.
HÃY TRỞ THÀNH CHÍNH CON NGƯỜI MÀ BẠN MUỐN Ở CẠNH.
Một người theo chủ nghĩa hoài nghi trong lớp hỏi tôi rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ biết cho đi và cho đi mà không nhận lại được gì. Tôi đề nghị cô ấy kể một ví dụ cụ thể. Cô bảo mình đã không ngừng cho đi, dành tất cả cho một người đàn ông mà cô đang muốn xây dựng mối quan hệ, và kết quả là anh ta đã bỏ cô đi luôn.
Tôi nghĩ cô đã quên mất một điều. Trước hết, cô đã không cho đi một cách vô điều kiện. Cô đã kỳ vọng quá nhiều! Và cô đã nghĩ rằng nếu tiếp tục cho đi như thế, anh ta sẽ cảm thấy cần cô và cuối cùng sẽ quay trở về bên cô.
Tôi chỉ ra cho cô ấy thấy đó là một sự tính toán hơn là một hành động vì tình yêu. Tôi đề nghị cô nên quên anh ta đi và tìm người khác thích hợp hơn. Tôi nhắc lại để cô ấy hiểu cho đi không có gì là sai, nhưng nếu nhu cầu của chúng ta không được thỏa mãn trong một mối quan hệ nào đó, thì đã đến lúc nên khép mọi chuyện lại trong tình yêu thương, và tiếp tục đi tìm một nửa của mình. Cho đi không có nghĩa là bạn phải trở thành một tấm thảm chùi chân. Chúng ta có quyền được đáp ứng nhu cầu bản thân. Tuy vậy, không có nghĩa vì thế mà chúng ta nổi giận khi một ai đó không thỏa mãn mình.
Cho Đi Thời Gian
Thời gian là một thứ dường như không bao giờ đủ, chính vì thế mà nó trở thành một trong những thứ giá trị nhất. Và đó cũng là một trong những món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho nhau. Nhưng lúc nào thì chúng ta cho đi thời gian? Đó là khi bạn lắng nghe tâm sự của một người bạn, viết một lá thư cảm ơn, tham gia công tác xã hội, trở thành tình nguyện viên, hoặc đọc sách cho con nghe. Tất cả những việc đó vực bạn vượt qua chính mình và giúp bạn hành xử theo phần tốt đẹp trong con người bạn - phần yêu thương, vun đắp và rộng mở.
Một trong những học viên của tôi là David đã kể cho cả lớp nghe một ví dụ về việc cho đi thời gian. Anh làm tình nguyện viên cho dự án Holiday Project, chuyên tổ chức những buổi thăm viếng các bệnh viện vào dịp lễ Giáng Sinh. Theo David, đó là một hoạt động giúp anh "mở rộng trái tim". Có lần anh hát cho một đứa bé đang bị hôn mê nghe. Người y tá bảo: "Anh cứ hát đi, cháu nghe thấy mà!". Anh bảo đó là một cảm giác thật tuyệt vời và anh khuyên cả lớp hãy mở rộng lòng mình để làm những việc tương tự.
Một người bạn thân của tôi mới đây bị đột quỵ đã cảm thấy vô cùng biết ơn và vui sướng nhân dịp lễ Tạ Ơn. Trên chiếc xe lăn, anh đã tình nguyện tham gia giúp mọi người nấu bữa tiệc Tạ Ơn tại một nhà hàng cung cấp thức ăn miễn phí cho những người vô gia cư. Và anh trân quý từng phút giây đó. Anh hiểu mình vẫn có giá trị, ngay cả sau khi bị đột quỵ.
Làm tình nguyện viên còn là một cách thú vị để bạn trải qua những ngày nghỉ bên con cái. Một người bạn của tôi kinh ngạc khi con gái của chị, sau khi mở năm mươi hai món quà, đã nói: "Chỉ có vậy thôi ư?". Và đó là lần Giáng Sinh cuối cùng kiểu đó đối với cô bé. Giờ đây, mỗi năm chị và con gái tham gia vào dự án mà David đã nói ở trên và chị thấy rõ sự chuyển biến ở con mình. Thay vì cứ tự hỏi không biết năm nay mình sẽ nhận được quà gì, cô bé dành thời gian để làm những món quà mang đến bệnh viện tặng cho mọi người.
Có đôi điều tôi muốn nói với bạn về việc làm tình nguyện viên nói chung. Trong suốt những năm công tác tại Floating Hospital, tôi đã có dịp quan sát rất nhiều tình nguyện viên ở đây. Nhìn chung, có hai nhóm. Một là những người ý thức rõ giá trị cống hiến của mình, nhóm kia thì không. Và sự khác biệt giữa hai nhóm đó thật lớn!
Nhóm thứ hai là những người tuy giúp đỡ người khác nhưng không làm bằng tâm nguyện cho đi mà vì nghĩa vụ phải làm. "Tôi nghĩ mình nên đền đáp lại cộng đồng". Một số lấy những việc này để chứng minh cho mọi người thấy họ là "người tốt". Nói vậy không có nghĩa là họ không hề cống hiến gì. Có đấy chứ, cho dù một số rõ ràng không giúp ích gì cho người khác! Lúc nào họ cũng nghĩ đến cái tôi của mình. Đó là những người không quan tâm đến cái mà Floating Hospital đang cần mà chỉ chú ý đến việc thỏa mãn cái tôi của họ. Chính vì thế, họ gây trở ngại hơn là giúp đỡ các nhân viên ở đây. Điều tệ hơn là họ không hề tìm thấy một chút cảm giác hài lòng hay giá trị bản thân nào qua sự cống hiến này.
Trong khi đó, những người ý thức được giá trị của mình lại hoàn toàn khác hẳn. Họ làm việc một cách âm thầm, lặng lẽ nhưng đâu ra đấy. Hầu như chúng tôi chưa yêu cầu là họ đã đáp ứng. Họ chăm chỉ làm việc đúng giờ và không bao giờ vắng mặt khi cần. Họ làm tất cả những gì có thể, cho dù đó là công việc của kẻ hầu người hạ. Họ lấy điều đó làm niềm vui và ý thức được sự hữu dụng của mình. Họ hiếm khi nói về những việc mình làm, họ cứ thế mà làm thôi. Và họ được mọi người yêu mến vì những gì đã cống hiến.
Sự khác biệt trong cách sống khi biết mình có giá trị và không có giá trị thật đáng kinh ngạc. Nếu bạn chưa nhận thấy mình có giá trị, hãy thử hành động như thể bạn có giá trị thật sự. Hãy tự hỏi: "Nếu mình là người có giá trị, mình sẽ làm gì trong tình huống đó? Mình sẽ hành xử như thế nào?". Điều này sẽ rất hiệu quả đấy.
Do đó, hãy nhận thức giá trị của bạn, hoặc hành xử như thể bạn là một người có giá trị và biết cho đi thời gian của mình. Đó là một món quà ngoài sức tưởng tượng!
Cho Đi Tiền Bạc
Hầu như ai cũng lo lắng về vấn đề tiền nong. Cho dù có thành đạt mấy đi nữa cũng có lúc tôi tưởng tượng ra cảnh mình cầm cái ca trong tay đứng xin tiền ở góc phố vào tuổi tám mươi hai. Và tôi nhận thấy rất nhiều người cũng có cùng suy nghĩ đó. Chẳng hiểu vì sao tôi lại có ý nghĩ quái gở đó chứ. Cho dù không hề muốn, nhưng nỗi sợ đó vẫn ngự trị trong tôi.
Nỗi sợ hãi liên quan đến tiền bạc thường xuyên hiện hữu, bất kể chúng ta giàu có cỡ nào. Mới đây tôi đọc được bài báo viết về một người giàu nứt đố đổ vách, ấy vậy mà ông ta vẫn gặp ác mộng mất hết của cải. Đối với ông ta, chẳng bao nhiêu là đủ.
Để thoát khỏi nỗi ám ảnh về tiền bạc, bạn hãy thư giãn và buông bỏ. Trong chừng mực hợp lý, hãy tập cho đi với niềm tin là mỗi khi cần, bạn sẽ có cách để kiếm được bất kỳ thứ gì mình muốn. Một trong những người bạn của tôi đã viết chữ "cảm ơn" lên những tấm séc mà cô ấy dùng để thanh toán các hóa đơn chi tiêu. Với thái độ đó, bạn sẽ có được sự tự do trong cuộc sống: tự do tận hưởng, tự do đầu tư vào bản thân lẫn người khác và trở thành một phần sáng tạo trong dòng chảy cuộc sống. Cho đi tiền bạc có thể mang lại cho bạn những món tiền lớn hơn rất nhiều, và quan trọng hơn cả là sự thanh thản trong tâm hồn. Nói vậy không có nghĩa là bạn nên lãng phí tiền bạc, vì chi tiêu hợp lý vẫn là điều cốt lõi.
Cho Đi Tình Yêu Thương
Tất cả những điều cho đi mà tôi đã đề cập đều chính là cho đi tình yêu. Tuy nhiên, trong tình yêu còn có những yếu tố khác mà chúng ta cần xem xét. Ví dụ, khi chúng ta để ai đó được là chính mình mà không cố thay đổi họ tức là chúng ta đang cho đi tình yêu. Khi chúng ta tin rằng một ai đó có thể tự giải quyết chính cuộc đời của họ và có cách hành xử phù hợp, tức là chúng ta đang cho đi tình yêu. Khi chúng ta cho phép người khác học hỏi, trưởng thành mà không hề cảm thấy sự hiện diện của chúng ta là mối đe dọa thì đó chính là cho đi tình yêu. Thế bạn đã từng thấy bao nhiêu mối quan hệ tình cảm giống như vậy?
Có một thứ tựa như tình yêu nhưng không phải, đó là nhu cầu. Như nhà tâm lý học Rollo May đã viết trong "Man’s Search for Himself" (Người tìm kiếm chính mình): "Nhìn chung, tình yêu dễ bị lầm lẫn với sự lệ thuộc; nhưng ở một góc độ thực tế, bạn chỉ có thể yêu thương ở mức tương ứng với khả năng độc lập của bản thân".
YÊU NGHĨA LÀ CÓ THỂ CHO ĐI. VÀ BÂY GIỜ CHÍNH LÀ LÚC ĐỂ BẠN BẮT ĐẦU LÀM VIỆC ĐÓ.
Tôi vừa trình bày về việc cho đi những lời cảm ơn, thông tin, lời khen ngợi, thời gian, tiền bạc và giờ đây là tình yêu. Tôi tin chắc bạn còn có thể nghĩ ra nhiều thứ khác để bổ sung vào danh sách này. Giờ bạn đã hiểu rằng cho đi nghĩa là giải tỏa những gì còn tắc đọng. Đó là dẹp bỏ thái độ sống thu hẹp, co cụm để sống cởi mở, bao dung hơn. Một khi đã thật sự cảm thấy giàu có trong tâm hồn, chúng ta sẽ thấu hiểu câu: "Tôi có nhiều hơn những gì tôi cần".
Hành động với thái độ "Tôi có giá trị" sẽ giúp bạn dễ dàng cho đi trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, bạn phải thực hành nhiều.
Dù bạn có tin hay không thì cuộc sống của bạn cũng đã rất phong phú rồi. Chỉ đơn giản là bạn không nhận ra đó thôi. Nhưng để có thể chấp nhận sự thật rằng mình đang có một cuộc sống phong phú, trước tiên bạn phải nhận ra điều đó đã.
Có một cách giúp bạn nhận thức rõ hơn điều này là thông qua cái mà tôi gọi là Nhật Ký Tươi Đẹp. Hãy mua một quyển sổ tay thật đẹp. Sau đó, liệt kê tất cả những điều tích cực mà bạn đã và đang có trong đời. Đừng dừng lại cho đến khi nào bạn đạt đến con số 150 điều. Vài người trong số các bạn thậm chí còn viết được nhiều hơn thế. Hãy viết cho đến khi nào không còn nghĩ ra điều gì nữa mới thôi. Chỉ tập trung vào những điều hạnh phúc, may mắn trong cuộc sống, cho dù đó là việc lớn hay nhỏ.
Mỗi ngày hãy viết thêm vào đó những điều tốt đẹp mà bạn cảm nhận được. Thay vì ghi lại những cảm xúc u buồn, sầu não, những ước mơ, mong muốn thường thấy ở các quyển nhật ký thông thường, hãy tạo cho mình một quyển sổ chỉ đơn giản để nói rằng: "Đây là những cái mà tôi đang có!". Hãy ghi lại tất cả những điều tích cực, dù lớn dù nhỏ, đã và đang xảy ra. Chẳng hạn, một lời khen của bạn bè, một lời chào vui vẻ của người đưa thư, một bầu trời đẹp, một cơ hội để bạn cống hiến, một kiểu tóc, một bộ quần áo mới, một món ăn bổ dưỡng… Hãy chú ý đến tất cả những gì tốt đẹp xảy đến với bạn.
Hãy luôn tự nhắc nhở mình chú ý đến "cái bánh vòng, thay vì lỗ trống ở giữa bánh". Hãy tìm những điều hạnh phúc, rồi bạn sẽ nhận thấy hạnh phúc hiện diện khắp nơi quanh bạn. Bạn sẽ không còn cảm thấy thiếu thốn khi cuộc sống của bạn đã phong phú, tươi đẹp đến như vậy rồi.
Nếu làm theo những lời chỉ dẫn này, tôi e rằng chẳng mấy chốc mà bạn sẽ có cả một tủ đầy đựng toàn các quyển sổ như thế. Hãy thường xuyên đọc lại chúng, nhất là khi bạn đang cảm thấy cuộc sống của mình bị thua thiệt, thiếu thốn. Thật ra, nếu bạn biết đủ là mọi thứ sẽ đủ. Một trong những con người vĩ đại biết cho đi trong cuộc sống mà tôi biết là những người nghèo khổ mà tôi đã gặp tại Floating Hospital. Tôi đã quan sát họ lẫn ý thức cống hiến cho cộng đồng của họ mà cảm thấy vui sướng lắm. Bạn chỉ thiếu thốn khi thiếu tình yêu thương chứ không phải thiếu tiền bạc, vật chất. Và tình yêu luôn ở bên bạn khi bạn ý thức được rằng…
CUỘC SỐNG CỦA BẠN THẬT TƯƠI ĐẸP, CÒN BẠN THÌ CÓ GIÁ TRỊ!
Ngoài Nhật Ký Tươi Đẹp, hãy luôn tìm đọc những quyển sách có nội dung tích cực, nghe những chương trình có tác dụng khơi gợi nguồn cảm hứng và động viên tinh thần, đồng thời không ngừng lặp lại những lời khẳng định về bản thân. Hãy tự nhủ rằng: "MÌNH KHÔNG CÒN SỢ THIẾU THỐN NỮA. THẾ GIỚI NÀY QUẢ THẬT PHONG PHÚ VÀ TƯƠI ĐẸP BIẾT BAO". Mỗi khi bạn cảm thấy sợ hãi, hãy lặp lại điều này. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy bình yên và nhắc bạn nhớ rằng từng phút giây trong cuộc sống của bạn đều luôn giàu có, phong phú.
Hãy luôn nhớ rằng bạn cần phấn đấu để trở thành một người biết cho đi trong cuộc sống. Một khi đã nhận thức được rằng "Tôi có", bạn sẽ có thể cho đi. Và một khi đã là người cho đi, bạn sẽ không còn gì để sợ nữa. Bạn sẽ trở nên mạnh mẽ, tràn đầy yêu thương. Bí quyết của cuộc đời nằm ở chỗ bạn không nên tính xem mình nhận được gì, mà là có thể cho đi những gì. Tư duy đó có sức mạnh to lớn vượt ngoài sức tưởng tượng của bạn.
Khi hành xử như một người trưởng thành luôn biết cho đi, những nỗi sợ hãi của bạn sẽ tự tan biến đi… Bạn sẽ nhận ra rằng mình đã sống trọn vẹn.
Nhà soạn kịch vĩ đại George Bernard Shaw đã đúc kết vấn đề trên thật uyên thâm và ý nghĩa trong đoạn trích dưới đây. Đọc những dòng này mỗi ngày, bạn sẽ có cái nhìn đúng mực hơn về mọi việc và có thêm lòng can đảm vượt qua mọi nỗi sợ trong cuộc sống để trở thành một người hữu ích cho thế giới này:
Niềm vui đích thực trong đời là được sống vì một mục đích cao cả đã được vạch ra trong cuộc sống; được trở thành một người mạnh mẽ, đầy quyền năng thay vì một thân xác quắt queo vị kỷ, không ngừng ca thán rằng cuộc sống sao chẳng có gì vui.
Với tôi, cuộc đời tôi thuộc về cả cộng đồng và chừng nào còn sống thì tôi sẽ làm tất cả vì nó trong khả năng của mình. Tôi muốn sống hết mình cho đến lúc xa rời trần thế, bởi càng được cống hiến nhiều thì tôi càng sống được nhiều hơn.
Tôi hoan hỉ sống vì chính cuộc sống này. Đời đối với tôi không phải là một ngọn nến nhỏ nhoi mà ngược lại, là một ngọn đuốc huy hoàng mà tôi phải giơ cao trong từng giây phút, và tôi muốn ngọn đuốc ấy mãi rực sáng trước khi trao lại cho những thế hệ mai sau.