Tôi lại sắp có giờ giảng về nỗi sợ. Lớp học vẫn chưa có ai. Tôi ngồi đợi nhóm học viên mới.
Đã lâu lắm rồi, tôi không còn cảm thấy hồi hộp hay lo lắng trước những buổi dạy như thế này nữa. Một phần là do tôi đã dạy môn này rất nhiều lần, một phần vì tôi đã biết về các học viên của mình trước khi gặp họ. Họ chẳng khác gì tất cả chúng ta: luôn muốn làm những gì tốt nhất và cũng không rõ như thế đã đủ chưa. Tất cả đều như thế.
Khi các học viên bước vào, tôi cảm nhận rõ một bầu không khí căng thẳng bao trùm khắp căn phòng. Mọi người ngồi cách xa nhau cho đến khi buộc phải xích lại gần vì không đủ chỗ. Chẳng ai nói với ai câu gì; tất cả ngồi im, chờ đợi. Tôi thích họ ở chỗ đã can đảm thừa nhận cuộc sống hiện tại của mình không như ý. Sự có mặt của họ trong lớp học này cho thấy họ đã sẵn sàng làm một điều gì đó để thay đổi tình trạng này.
Tôi rảo bước một vòng quanh lớp để hỏi han từng người xem họ đang gặp khó khăn gì trong cuộc sống. Và họ lần lượt bộc bạch như sau:
Don muốn thay đổi sự nghiệp mười bốn năm nay và theo đuổi ước mơ trở thành nghệ sĩ.
Mary Alice là một diễn viên, nhưng cô không biết tại sao mình luôn viện hết cớ này đến cớ nọ để vắng mặt trong các buổi thu âm.
Sarah muốn chấm dứt cuộc hôn nhân mười lăm năm.
Teddy muốn thoát khỏi nỗi ám ảnh tuổi già dù anh chỉ mới ba mươi hai.
Jean đã có tuổi và bà muốn nói chuyện với vị bác sĩ riêng - người luôn xem bà như một đứa trẻ, chẳng bao giờ đưa ra những câu trả lời thẳng thắn.
Patti muốn mở rộng công việc kinh doanh nhưng lại không dám mạo hiểm.
Rebecca muốn trao đổi với chồng vì những phiền toái mà anh ta gây ra cho cô.
Kevin muốn thoát khỏi nỗi sợ bị từ chối khiến anh không dám hẹn hò với phụ nữ.
Laurie muốn biết vì sao cô vẫn không cảm thấy hạnh phúc dù đã có mọi thứ mà người ta vẫn mong muốn trong đời.
Richard đã về hưu và cảm thấy mình sống thật thừa thãi. Ông nghĩ rằng cuộc đời của mình thế là hết.
Cứ thế, từng học viên trong lớp lần lượt bộc lộ tâm tư. Và phép màu đã xảy ra. Các học viên càng chia sẻ với nhau, bầu không khí căng thẳng trong lớp càng giảm đi thấy rõ. Những gương mặt như giãn ra, mọi người cảm thấy nhẹ nhõm và dễ chịu hơn.
Trước hết, các học viên của tôi nhận ra rằng không chỉ có họ là lo sợ như thế. Tiếp đến, họ bắt đầu nhận ra rằng một người sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi biết cởi mở tâm hồn và chia sẻ cảm xúc. Chưa cần đợi đến học viên cuối cùng bộc bạch mà cả lớp đã tràn ngập một bầu không khí thân thiện, ấm áp. Tất cả đã không còn xa lạ với nhau nữa.
Mặc dù hoàn cảnh của các thành viên trong lớp không hề giống nhau, nhưng tất cả đều phải mất một lúc lâu mới có thể rũ bỏ lớp vỏ bên ngoài và mở lòng với mọi người. Mẫu số chung của tất cả các trường hợp này là: nỗi sợ đã ngăn cản họ sống một cuộc đời mà họ mong muốn.
Tình huống trên cứ thế lặp lại trong mỗi lớp học của tôi. Đọc đến đây có lẽ bạn sẽ thắc mắc, làm sao mà chỉ một khóa học như thế lại có thể thích ứng với vô số nỗi sợ của bấy nhiêu con người - nhu cầu của họ hẳn phải khác nhau chứ! Quả là như vậy. Nhu cầu của các học viên thoạt trông rất khác nhau, nhưng khi đào sâu hơn một chút và tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các nỗi sợ ấy, bạn sẽ thấy tất cả đều có cùng một xuất phát điểm.
Nỗi sợ hãi có thể được chia thành ba cấp độ. Cấp độ 1 là bề mặt của vấn đề mà đối tượng gặp phải, chẳng hạn như các vấn đề vừa được nêu trên đây. Cấp độ này có thể được chia thành hai dạng, bao gồm dạng "bất khả kháng" và dạng đòi hỏi bạn phải hành động. Sau đây là một số nỗi sợ thuộc cấp độ 1 được phân theo hai dạng:
NHỮNG NỖI SỢ THUỘC CẤP ĐỘ 1
Ngoài ra, bạn có thể ghi thêm vào danh sách trên những nỗi sợ mình từng có. Tin tôi đi, không phải là người duy nhất tự nhủ: "Mình cũng có vài nỗi sợ giống như vậy" hay "Mình có tất cả những nỗi sợ trên". Một trong những đặc tính thầm lặng của sự sợ hãi là lan tỏa khắp các mặt trong cuộc sống của chúng ta. Ví dụ, nếu bạn sợ kết giao với những người bạn mới, rất có thể bạn sẽ sợ tiệc tùng, sợ những mối quan hệ thân thiết, sợ xin việc…
Điều này sẽ thể hiện rõ hơn ở cấp độ 2 của nỗi sợ, vốn khác hẳn cấp độ 1. Cấp độ 2 của nỗi sợ không phụ thuộc vào tình huống, mà có liên quan chặt chẽ đến cái tôi của mỗi người.
NHỮNG NỖI SỢ THUỘC CẤP ĐỘ 2
Cấp độ 2 của sự sợ hãi liên quan mật thiết với tư tưởng bên trong hơn là tình huống bên ngoài, đồng thời phản ánh nhận thức về cái tôi lẫn khả năng kiểm soát cuộc sống của bạn. Điều này lý giải vì sao bạn có những nỗi sợ rất chung chung. Chẳng hạn, nếu bạn sợ bị từ chối, nỗi sợ đó sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống: giao tiếp bạn bè, quan hệ tình cảm, phỏng vấn xin việc… Dù trong tình huống nào thì bị từ chối vẫn là bị từ chối. Thế là như con nhím, bạn xù lông lên để tự bảo vệ, và bằng cách đó bạn đã vô tình tự dựng rào chắn để ngăn cách bản thân với môi trường xung quanh. Hãy nhìn lại danh sách những nỗi sợ thuộc cấp độ 2, bạn sẽ thấy bất kỳ nỗi sợ nào trong số đó cũng có thể gây ảnh hưởng to lớn đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của bạn.
Cấp độ 3 đề cập đến yếu tố cốt lõi của vấn đề: nỗi sợ lớn nhất trong mọi nỗi sợ, cái thật sự khiến bạn không tài nào thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện tại. Đó chính là:
NỖI SỢ THUỘC CẤP ĐỘ 3
"TÔI KHÔNG LÀM ĐƯỢC!"
"Vậy ư? Đó mà là vấn đề lớn sao?", có thể bạn sẽ tự hỏi như thế. Tôi biết bạn hơi thất vọng vì đang mong chờ một câu trả lời ấn tượng hơn. Nhưng sự thật là:
TẬN CÙNG CỦA MỌI NỖI SỢ CHÍNH LÀ NỖI SỢ KHÔNG XỬ LÝ ĐƯỢC VẤN ĐỀ MÀ BẠN GẶP PHẢI.
Nào, chúng ta hãy cùng kiểm tra xem. Những nỗi sợ thuộc cấp độ 1 chuyển thành:
Tôi không thể đương đầu với bệnh tật. Tôi không thể đương đầu với sai lầm.
Tôi không thể đương đầu với chuyện bị mất việc. Tôi không thể đương đầu với việc già đi.
Tôi không thể đương đầu với sự cô độc.
Tôi không thể đương đầu với việc xử sự như một kẻ ngốc.
Tôi không thể đương đầu với chuyện không xin được việc.
Tôi không thể đương đầu với việc mất anh ấy/ cô ấy.
Tôi không thể đương đầu với việc bị phá sản... Còn những nỗi sợ thuộc cấp độ 2 có thể được viết lại thành:
Tôi không thể đương đầu với những trách nhiệm dẫn đến thành công.
Tôi không thể đương đầu với thất bại.
Tôi không thể đương đầu với chuyện bị từ chối... Bí quyết ở đây là:
NẾU BIẾT MÌNH CÓ THỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI MỌI THỬ THÁCH TRONG CUỘC SỐNG, BẠN SẼ SỢ ĐIỀU GÌ?
Câu trả lời: CHẲNG SỢ GÌ CẢ!
Có thể bạn thấy điều này không có gì đáng vui sướng, nhưng xin hãy tin tôi, những gì tôi vừa nói với bạn là một tin đáng mừng. Điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể chế ngự mọi nỗi sợ mà không cần phải kiểm soát bất kỳ điều gì của cái thế giới ngoài kia. Đây là một sự giải thoát. Bạn không còn phải kiểm soát những việc làm của bạn đời, bạn bè, con cái hay cấp trên nữa. Bạn không cần kiểm soát những gì xảy ra trong buổi phỏng vấn, trong công ty, trong công việc mới, trong tài khoản của bạn hay trong thị trường chứng khoán nữa.
TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN CẦN LÀM ĐỂ RŨ BỎ NỖI SỢ HÃI LÀ TIN VÀO KHẢ NĂNG XỬ LÝ MỌI VIỆC XẢY ĐẾN VỚI MÌNH!
Tôi nhấn mạnh điểm này vì đây là yếu tố hết sức quan trọng. Từ nay trở đi, mỗi khi sợ hãi, bạn chỉ cần tự nhắc nhở mình rằng đó chỉ là do bạn không đủ tự tin mà thôi. Sau đó, hãy vận dụng một trong các công cụ được nêu trong quyển sách này để trở nên mạnh mẽ hơn. Nhiệm vụ của bạn được vạch ra rõ ràng rồi đấy, chẳng có lý gì phải e dè cả.
Mọi người thường hỏi tôi vì sao chúng ta lại tự ti đến vậy. Thú thực tôi cũng không biết phải trả lời thế nào. Tôi biết có những nỗi sợ thuộc về bản năng và có ích, cảnh báo chúng ta về những rắc rối có thể xảy ra. Tuy nhiên, phần còn lại - tức những nỗi sợ làm chúng ta chùn bước và không thể trưởng thành được - lại rất có hại và không phù hợp, thường bị đổ lỗi bởi hoàn cảnh.
Trong đời mình, chưa bao giờ tôi nghe bà mẹ nào căn dặn con trước khi đến trường là: "Hãy mạo hiểm thật nhiều nhé, con yêu!", mà thường là: "Cẩn thận đó, con yêu!". Câu nói này bao hàm cả hai nghĩa: "Thế giới ngoài kia rất nguy hiểm... " và... "Con không thể xử lý được đâu!". Thật ra, người mẹ chỉ muốn nói là: "Nếu lỡ xảy ra chuyện gì với con thì mẹ sẽ không xoay xở được đâu!". Bạn thấy đấy, người mẹ đang truyền cho con thái độ thiếu tự tin của chính bà.
Tôi còn nhớ hồi bé mình đã khao khát có một chiếc xe đạp hai bánh đến thế nào, nhưng mẹ nhất định từ chối. Lần nào bà cũng trả lời đúng một câu: "Mẹ yêu con vô cùng, nên mẹ không muốn có chuyện gì xảy ra với con hết". Câu nói ấy được tôi diễn giải là: "Con chưa đủ khả năng để điều khiển chiếc xe đạp hai bánh". Lớn lên một chút và hiểu biết hơn, tôi mới nhận ra bà muốn nói rằng: "Nếu có chuyện gì xảy ra với con, mẹ sẽ không sống nổi".
Một lần, người mẹ cẩn trọng quá mức của tôi phải trải qua một cuộc phẫu thuật. Bà nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, mũi và họng gắn đầy dây. Đến lúc phải ra về, tôi thì thầm vào tai bà - mà không nghĩ là bà vẫn nghe rõ những gì mình nói - rằng tôi rất yêu bà và sẽ quay lại thăm bà. Vừa bước chân đến cửa phòng, tôi nghe một giọng nói yếu ớt thì thầm phía sau: "Cẩn thận nhé con!". Ngay cả trong trạng thái hãy còn mê man vì thuốc, bà vẫn không quên nhắc nhở tôi như thế. Và tôi hiểu, không chỉ bà mà vô số những bà mẹ khác trên thế gian này đều thế cả. Cứ nghĩ đến vô số những lời nhắc nhở "Cẩn thận nhé con!" đó thì quả là đáng ngạc nhiên khi chúng ta dám… bước chân ra khỏi cửa!
Bên cạnh những lý do hiển nhiên như thế, chúng ta còn sợ hãi vì nhiều lý do khác. Tuy nhiên, việc những lý do đó xuất phát từ đâu thì có quan trọng hay không? Tôi cho là không. Thường thì rất khó xác định nguyên nhân thật sự gây nên các hành vi, thái độ tiêu cực và dù có biết đi nữa, sự hiểu biết đó cũng không thể thay đổi được chúng. Vì thế, tôi không phân tích nguyên do vì sao lại có những rắc rối trong tư tưởng của chúng ta. Theo tôi, nếu bạn gặp rắc rối, chỉ cần nhìn thẳng vào hiện tại và bắt tay hành động để thay đổi thực trạng đó.
Trong trường hợp này, bạn hiểu rõ mình không thích tính tự ti vì nó cản trở bạn đạt được những điều bạn muốn trong cuộc sống. Nhận thức đó sẽ giúp bạn tập trung vào đúng vấn đề cần thay đổi. Bạn sẽ không phải phân tán năng lượng để hỏi vì sao và vì sao. Bởi điều đó không quan trọng. Điều quan trọng bây giờ là bạn phải tin tưởng vào chính mình cho đến khi bạn dám nói rằng:
DÙ CÓ CHUYỆN GÌ XẢY RA ĐI NỮA, TRONG HOÀN CẢNH NÀO ĐI NỮA, TÔI ĐỀU CÓ THỂ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC!
Tôi biết có những độc giả sẽ hỏi cắc cớ: "Ôi, thế chị sẽ giải quyết thế nào với những chứng bại liệt, ung thư hay khi con mình qua đời?". Tôi hiểu sự hoài nghi của bạn. Xin bạn đừng quên rằng trước kia tôi cũng từng là một người đầy hoài nghi như thế. Hãy đọc tiếp và đừng dừng lại ở đây. Hãy tự cho mình cơ hội chiến thắng bản thân và vượt qua nỗi sợ hãi bằng những công cụ hữu ích mà tôi sắp trình bày. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy mình ngày càng tiến gần đến sự tự tin cao độ và bắt đầu nhận ra rằng bạn hoàn toàn có thể giải quyết mọi trở ngại, thử thách xảy đến với mình. Đừng bao giờ quên thông điệp giá trị này.