Janet vẫn đang chờ cho nỗi sợ qua đi. Trước kia, cô dự tính học tiếp đại học khi bọn trẻ đủ tuổi đến trường, ấy vậy mà giờ đây đứa con nhỏ nhất của cô đã học lớp bốn. Suốt thời gian đó có không biết bao nhiêu lý do khiến cô bỏ lỡ dự định của mình: "Mình muốn con cái đi học về là được trông thấy mẹ", "Thật ra gia đình mình không đủ tiền để trang trải học phí", "Ông xã sẽ cảm thấy bị bỏ rơi nếu mình cứ suốt ngày đi học"…
Mặc dù có nhiều thứ Janet cần phải cân nhắc thật, nhưng rõ ràng đó không phải là lý do để cô chần chừ lâu thế. Trong thực tế, chồng cô luôn sẵn lòng làm tất cả để giúp cô. Anh quan tâm đến nỗi trăn trở của cô và thường động viên cô theo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang.
Cứ mỗi lần Janet định gọi điện đến trường để đăng ký phỏng vấn nhập học thì dường như có điều gì đó cứ ngăn cô lại. "Khi nào bớt hồi hộp, mình sẽ gọi", "Khi nào cảm thấy khỏe hơn, mình sẽ gọi". Và thế là Janet cứ lần lữa mãi.
Vấn đề nằm ở chỗ suy nghĩ của Janet cứ rối tung cả lên. Chính lập luận của cô tự động dẫn cô đến thất bại. Cô sẽ không bao giờ vượt qua rào cản sợ hãi đó nếu chưa ý thức được suy nghĩ sai lầm của mình, và đơn giản là cô không "nhìn thấy" cái vô cùng hiển nhiên đối với mọi người.
Tôi cũng từng giống như Janet, cho đến khi bị buộc phải thay đổi. Trước khi ly hôn với người chồng đầu tiên, tôi chẳng khác gì một đứa trẻ luôn để anh ấy chăm lo mọi thứ cho mình. Sau khi ly hôn, tôi không còn cách nào khác là phải tự làm lấy mọi thứ. Những việc vặt như sửa máy hút bụi cũng mang lại cho tôi niềm vui sướng vô ngần. Lần đầu tiên tôi mời bạn bè đến nhà ăn tối khi trở lại cuộc sống độc thân quả thật là một bước nhảy vọt. Cái ngày tôi đặt vé đi du lịch một mình là một sự kiện lớn.
Khi bắt đầu tự làm lấy mọi thứ, tôi cũng bắt đầu cảm nhận được hương vị tuyệt vời của sự tự tin đang trỗi dậy. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng thoải mái, nếu không nói là thực ra có nhiều thứ thậm chí còn tệ hại trước. Tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ đang chập chững tập đi và bị ngã liên tục. Nhưng sau mỗi bước chân, tôi càng thêm vững tâm, tự tin có thể gánh vác cuộc đời mình.
Thế nhưng cho dù tự tin hơn, tôi vẫn căng thẳng chờ đợi nỗi sợ đi qua. Cứ mỗi lần trải nghiệm một điều gì mới, tôi lại cảm thấy lo sợ và bất an. "Nào", - tôi tự nhủ, - "hãy cứ hòa mình vào thế giới xung quanh, rồi thì nỗi sợ cũng phải qua thôi". Song điều đó chẳng bao giờ xảy ra! Cho đến một ngày, tôi chợt nhận ra sự thật dưới đây:
SỰ THẬT 1
NỖI SỢ KHÔNG BAO GIỜ TỰ MẤT ĐI, TRỪ KHI TÔI KHÔNG NGỪNG LỚN LÊN.
Trừ khi tôi tiếp tục hòa vào thế giới xung quanh, trừ khi tôi tiếp tục mở rộng những khả năng của mình, trừ khi tôi tiếp tục đương đầu với những rủi ro mới để biến ước mơ thành hiện thực, bằng không tôi vẫn sẽ mãi mãi sợ hãi. Thật là một phát hiện đột phá! Cũng giống như Janet và rất nhiều bạn đọc khác, tôi đã chờ cho nỗi sợ tự tan biến đi rồi mới dám đưa tay nắm bắt cơ hội của mình. "Khi nào tôi không còn sợ hãi nữa, tôi sẽ…!". Hầu như cả đời mình, tôi đã chơi trò KHI NÀO/ TÔI SẼ ấy. Và việc đó chẳng đi đến đâu cả.
Một lần nữa, bạn lại nói chuyện này thì có gì đáng vui mừng. Tôi biết phát hiện này không phải là điều bạn muốn nghe. Có thể cũng giống như các học viên của tôi, bạn đang chờ tôi đưa ra những lời khuyên thông thái có thể lập tức xua tan nỗi sợ của bạn. Tôi rất tiếc vì mọi thứ không diễn ra theo cách đó. Tuy nhiên, thay vì thất vọng, bạn hãy thấy nhẹ nhàng vì không còn phải khổ nhọc để rũ bỏ nỗi sợ hãi nữa - nỗi sợ sẽ chẳng tự mất đi bao giờ! Nhưng bạn cũng không nên lấy thế làm lo lắng. Khi xây đắp lòng tự tin thông qua những bài tập sau đây, bạn sẽ không còn phải sợ hãi như trước nữa.
Chẳng bao lâu sau khi phát hiện ra Sự thật 1, tôi đã phát hiện ra một điều quan trọng khác góp phần không nhỏ vào sự phát triển bản thân:
SỰ THẬT 2
CÁCH DUY NHẤT ĐỂ CHẤM DỨT NỖI SỢ KHÔNG DÁM LÀM MỘT VIỆC GÌ ĐÓ LÀ BẮT ĐẦU THỰC HIỆN NGAY.
Nghe có vẻ mâu thuẫn với Sự thật 1, nhưng hoàn toàn không phải. Nỗi sợ hãi đối với một tình huống nào đó sẽ tan biến khi bạn đối diện với nó, và sẽ mất đi khi bạn bắt đầu thực hiện ngay.
Một ví dụ điển hình là lần đầu tiên tôi đứng lớp hồi đang học tiến sĩ. Lúc đó, tôi không lớn hơn các học viên là mấy, lại khá mơ hồ về đề tài giảng dạy của mình: tâm lý lão hóa. Tôi đợi giờ lên lớp đầu tiên mà lòng nôn nao lo sợ. Suốt ba ngày trước đó, ruột gan tôi lúc nào cũng cồn cào không yên. Tôi dành tới tám tiếng đồng hồ chỉ để chuẩn bị cho một giờ lên lớp. Chỗ tài liệu viết tay của tôi đủ dùng trong ba tiết giảng. Thế mà tôi vẫn không hết lo âu. Buổi lên lớp đầu tiên rốt cuộc cũng đến và tôi có cảm giác như mình bị đẩy lên đoạn đầu đài. Khi đứng trước các học viên, tim tôi đập thình thịch, hai chân run lẩy bẩy. Rồi chẳng hiểu bằng cách nào, tôi đã dạy xong tiết học và không dám nghĩ đến buổi dạy tuần sau.
May sao, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn trong buổi học kế tiếp (chứ không thì có lẽ tôi đã bỏ nghề giáo viên luôn rồi!). Tôi bắt đầu quen dần với những gương mặt trong lớp và nhớ tên một số người. Đến buổi thứ ba thì càng khá hơn. Tôi bắt đầu cảm thấy thư giãn và hòa nhập với các học viên. Đến hôm thứ sáu thì tôi đã bắt đầu trông ngóng đến lúc được đứng trước lớp. Mối quan hệ giữa tôi và các học viên đã trở nên thú vị hơn và cũng nhiều thử thách hơn. Cho đến một ngày, tôi bước vào gian phòng trước kia từng khiến tôi lo sợ với tâm trạng không hoàn toàn thoải mái. Nỗi sợ giờ đã biến thành sự háo hức chờ đợi.
Phải qua nhiều buổi nữa thì tôi mới có thể tự tin đến lớp mà không cầm theo những tập tài liệu nặng trĩu. Và rồi đến một ngày nọ, tôi lên lớp mà chỉ cần một tờ giấy ghi chú tóm tắt những điều sẽ nói trong buổi học. Tôi nhận ra mình đã tiến được một bước khá xa. Tôi đã từng sợ hãi... nhưng vẫn hành động; và kết quả là tôi không còn sợ việc dạy học nữa. Tuy nhiên, khi giảng dạy trực tiếp trước ống kính truyền hình, một lần nữa tôi lại cảm thấy lo sợ, nhưng rồi sau nhiều lần trải nghiệm đứng trước ống kính, nỗi sợ ấy cũng qua.
Trò KHI NÀO/TÔI SẼ... mà tôi thường làm còn liên quan đến lòng tự tôn. "Khi nào thấy tự tin hơn, tôi sẽ làm". Ở đây, tôi lại xa rời thực tế khi luôn nghĩ rằng nếu tôi cải thiện được hình ảnh bản thân, nỗi sợ sẽ tự mất đi và tôi sẽ đạt được những gì mình mong muốn. Nhưng tôi không biết chính xác hình ảnh ấy sẽ được cải thiện như thế nào. Có thể là nhờ tôi lớn tuổi hơn, hiểu biết hơn, hay thông qua nhận xét của mọi người, hoặc một phép màu nào đó sẽ giúp tôi cảm nhận về bản thân tốt đẹp hơn. Thậm chí, tôi còn mua một cái khóa thắt lưng với dòng chữ "TÔI TUYỆT VỜI", lòng thầm nghĩ dần dà mình sẽ thẩm thấu được thông điệp đó.
Có thể tất cả những thứ đó cũng giúp ích đôi chút, tuy nhiên cái làm nên sự khác biệt lại chính là cảm giác thành công mà tôi có được khi vượt qua nỗi sợ và bắt tay hành động. Cuối cùng, tôi cũng hiểu ra:
SỰ THẬT 3
CÁCH DUY NHẤT ĐỂ CẢM NHẬN VỀ BẢN THÂN TỐT ĐẸP HƠN LÀ BẮT TAY HÀNH ĐỘNG.
Để cảm nhận về bản thân tốt đẹp hơn, trước hết bạn phải "bắt tay hành động". Khi thực sự làm một điều gì đó, bạn không chỉ xua tan nỗi sợ mà còn nhận được một phần thưởng lớn, đó là xây dựng sự tự tin. Song, bạn có thể tiên liệu rằng một khi đã đạt được điều gì đó và rũ bỏ nỗi sợ hãi, bạn sẽ cảm thấy tuyệt vời đến nỗi chỉ muốn tiếp tục đạt được những điều mới mẻ khác, và bạn sẽ tiếp tục đối diện với nỗi sợ hãi khi đối diện thử thách mới!
Qua những khóa đào tạo, hội thảo mà tôi đã có dịp tham dự trong bước đầu tìm cách vượt qua nỗi sợ, tôi đã học được một điều khiến tôi cảm thấy như được giải thoát - điều đã giúp tôi cảm nhận về bản thân tốt đẹp hơn, đó là:
SỰ THẬT 4
KHÔNG CHỈ CÓ TÔI MÀ TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU CẢM THẤY SỢ HÃI KHI TRẢI NGHIỆM MỘT ĐIỀU MỚI MẺ.
Tôi à lên: "Hóa ra tất cả những người mà mình từng ghen tỵ khi thấy họ mạnh dạn sống cuộc đời như ý cũng từng sợ hãi sao? Sao không ai nói cho mình biết điều này hết vậy?". Có lẽ do tôi chẳng bao giờ hỏi mọi người điều đó. Lúc nào tôi cũng đinh ninh chỉ có mỗi mình mình là yếu kém. Thật nhẹ nhõm khi biết rằng mọi người ai cũng thế, rằng tôi cũng giống như bao nhiêu tỉ con người trên quả đất này.
Mấy năm trước, có lần tôi đọc một bài báo viết về Ed Koch, viên thị trưởng không hề biết sợ của thành phố New York. Để tham gia một vai diễn trong một sự kiện công chúng tại sân khấu Broadway, ông phải học nhảy Thiết Hài. Giáo viên kể lại "ông ấy sợ đến phát khiếp". Thật là khó tin! Người đàn ông đã từng đối diện với những đám đông nổi giận, từng đưa ra những quyết định hết sức khó khăn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu người dân, từng xuất hiện trước công chúng trong vai trò một thị trưởng... lại lo lắng khi tập nhảy điệu Thiết Hài đơn giản!
Nếu chú ý đến các SỰ THẬT mà tôi đã nêu trên, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy viên thị trưởng sợ hãi như thế. Trước đây ông chưa bao giờ thử nhảy Thiết Hài, do đó dĩ nhiên ông sẽ cảm thấy lo sợ. Nhưng một khi đã tập luyện và trở nên thuần thục, nỗi sợ đó sẽ biến mất và ông sẽ trở nên tự tin, thậm chí có thể cắm một cái lông chim lên nón để làm dáng.
Diễn biến tâm lý đó xảy ra với tất cả chúng ta. Vốn dĩ sinh ra là con người, tất cả chúng ta đều có những cảm xúc như nhau. Kể cả nỗi sợ.
Hàng ngày, bạn có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện tương tự trên báo chí, sách vở, truyền hình. Trừ khi đã hiểu được các SỰ THẬT về nỗi sợ, bạn sẽ không nhận ra các quy luật ẩn sâu bên dưới nếu bạn chỉ đơn thuần nghe, đọc và xem những câu chuyện ấy. Bạn sẽ không bao giờ hiểu được những gì người khác đã trải qua, nhất là những người nổi tiếng, khi đem so sánh chúng với các sự kiện diễn ra trong đời bạn. Bạn sẽ nghĩ họ thật là may mắn vì không hề e dè thể hiện mình. Nhưng không hẳn vậy! Để có được ngày hôm nay, họ đã phải vượt qua nỗi sợ ghê gớm... và họ vẫn không ngừng vượt lên nỗi sợ đó.
Những ai từng chiến thắng nỗi sợ, dù là vô thức hay ý thức, dường như đều biết đến thông điệp của quyển sách này: sợ thì cứ sợ... nhưng làm thì cứ làm. Một người bạn rất thành đạt của tôi, vốn lập thân từ hai bàn tay trắng, sau khi chiêm nghiệm tựa đề quyển sách này đã gật gù nói với tôi rằng: "Phải, có lẽ đây là cách tôi chọn để sống cuộc đời mình mà không biết. Tôi không nhớ rõ mình đã can đảm thế nào, nhưng chưa bao giờ tôi để nỗi sợ hãi ngăn mình bước tới để đạt được cái mình muốn. Tôi cứ tiến lên phía trước và tự hứa là phải đạt được mục tiêu, bất chấp nỗi sợ".
Nếu bạn chưa bao giờ chiến thắng nỗi sợ thì có thể do bạn chưa hề biết về những SỰ THẬT trên, và bạn xem nỗi sợ là tín hiệu nguy hiểm để dừng lại, thay vì là "đèn xanh" để tiến lên phía trước. Bạn có khuynh hướng lặp lại trò KHI NÀO/ TÔI SẼ… đã nói ở trên. Bạn chỉ cần thoát khỏi nhà tù tư tưởng mà bạn tự giam mình vào đó bằng cách điều chỉnh lại tư duy.
Bước đầu tiên là bạn hãy nhắc lại những SỰ THẬT về nỗi sợ mỗi ngày mười lần trong vòng một tháng. Bạn sẽ nhận ra rằng để điều chỉnh những suy nghĩ sai lệch thì cần có sự lặp lại thường xuyên. Chỉ nhận biết các SỰ THẬT về nỗi sợ không thôi thì chưa đủ. Bạn phải không ngừng tâm niệm những điều đó cho đến khi chúng trở thành một phần con người của bạn, tức là lúc bạn bắt đầu thay đổi hành vi và tiến đến những mục tiêu mong muốn, thay vì thu mình lại. Ở phần sau, tôi sẽ giải thích cụ thể hơn vì sao bạn phải không ngừng lặp lại những gì đã biết. Còn bây giờ, bạn hãy cứ tin vào những gì tôi nói và bắt đầu nhắc đi nhắc lại các SỰ THẬT đó trong tâm tưởng.
Tuy nhiên, trước khi bạn bắt đầu, tôi muốn thêm vào danh sách những sự thật một điều vô cùng quan trọng nữa. Có thể bạn sẽ tự hỏi: "Tại sao tôi phải chấp nhận rủi ro rồi lại phí công sức chịu đựng những phiền toái này? Tại sao tôi không tiếp tục cuộc sống dễ chịu trước kia chứ?". Bởi vì:
SỰ THẬT 5
VƯỢT QUA NỖI SỢ KHÔNG ĐÁNG SỢ BẰNG VIỆC LUÔN SỐNG TRONG SỢ HÃI
DO CẢM GIÁC BẤT LỰC.
Hãy đọc lại thật kỹ. Tôi biết, thoạt đầu bạn sẽ khó chấp nhận điều này. Bởi nó có nghĩa là dù đang an toàn đến mấy trong "cái kén ấm áp" của mình, thì bạn vẫn đang sống với nỗi sợ hãi âm thầm, và rồi cuối cùng sẽ đến ngày bạn phải đối diện với sự thật.
Càng cảm thấy bất lực, nỗi khiếp sợ ngấm ngầm trong chúng ta càng lớn khi biết rằng trong cuộc sống có những tình huống ta không thể nào kiểm soát, ví dụ như cái chết hay bị mất việc. Chúng ta bị ám ảnh khôn nguôi rằng tai ương có thể xảy ra. "Nếu... thì sao?". Nỗi sợ tràn ngập cuộc sống của chúng ta. Trong SỰ THẬT thứ 5 này có một điều mỉa mai rằng những người không dám chấp nhận rủi ro lại sống trong sợ hãi nhiều gấp mấy lần so với việc họ can đảm chấp nhận những rủi ro cần thiết để tự tin hành động. Có điều họ không biết như thế!
Dưới đây là trường hợp của Janice, một phụ nữ trung niên chỉ ở nhà làm công việc nội trợ. Chị đã hoạch định cuộc đời mình như thế để tránh đối diện với rủi ro càng nhiều càng tốt. Chị kết hôn với một doanh nhân để đảm bảo có một cuộc sống thoải mái, dễ chịu. Thế nhưng, cuộc đời vốn không chiều lòng người. Vào năm 53 tuổi, chồng chị là Dick bị đột quỵ và liệt một phần cơ thể. Đột nhiên chỉ sau một đêm, từ chỗ là người luôn được quan tâm, chăm sóc, Janice đã trở thành người phải chăm sóc chồng mình.
Sự biến đổi đó không dễ dàng chút nào với Janice. Sau khi vật vã với câu hỏi: "Tại sao chuyện này lại xảy ra với mình?", chị bắt đầu chấp nhận thực tế là từ nay chị sẽ phải gánh vác cả cuộc sống của hai người lẫn sinh mạng của chồng. Trong trạng thái sững sờ, chết lặng, chị học các phương thức kinh doanh để thay chồng điều hành công việc. Chị ra quyết định liên quan đến sức khỏe của chồng và mỗi sáng chị tỉnh giấc với ý thức rất rõ mình đang là trụ cột gia đình. Được một thời gian, cảm giác tê liệt đó cũng qua đi, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn và Janice tìm thấy sự yên bình sâu lắng mà chị chưa từng trải nghiệm trước đây. Chị bắt đầu nhận ra cái giá quá đắt mà mình phải trả cho những năm tháng chỉ toàn được nâng niu, lo lắng trước kia.
Trước khi chồng bị đột quỵ, Janice chỉ quẩn quanh với câu hỏi đầy lo âu: "Nếu… thì sao?". Lúc nào chị cũng lo lắng về tương lai mà quên tận hưởng hiện tại. Chị thường nói với bạn bè rằng: "Hy vọng mình sẽ chết trước anh ấy, vì nếu ngược lại chắc mình không sống nổi mất". Với suy nghĩ "Tôi không thể" đó, Janice đã sống một cuộc đời không trọn vẹn như ý. Nhưng tất cả đã thay đổi kể từ khi chị tìm thấy một sức mạnh nội tại mà trước kia chị chưa từng nghĩ đến. Giờ đây, với câu hỏi: "Nếu… thì sao?", Janice đã có câu trả lời, đó là: "Tôi sẽ làm được!".
Lúc trước, Janice chưa bao giờ nhận ra chị luôn sống trong sợ hãi cho đến khi nỗi sợ đó mất đi. Những nỗi sợ mới không thể nào sánh bằng nỗi sợ sống còn trước kia mà chị luôn canh cánh trong lòng. Giờ đây, chồng chị đã bình phục phần nào, đủ để hai vợ chồng lại cảm thấy thoải mái trong cuộc sống. Bản thân anh cũng phải đối diện với nỗi sợ riêng: sợ bị tàn phế. Trước câu hỏi "Nếu… thì sao?", anh cũng đã có câu trả lời, đó là: "Tôi sẽ làm được!". Và họ đã cùng nhau giải quyết mọi việc thật tuyệt vời. Có thể nói biến cố này đã giúp họ tìm thấy ý nghĩa đích thực của tình yêu.
Đến đây, bạn đã có được cái nhìn toàn cảnh của vấn đề. Đó là chúng ta không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi, mà chỉ có thể biến nỗi sợ thành người bạn đường trên mọi hành trình thú vị; nỗi sợ không nhất thiết phải là cái neo cầm chân bạn tại chỗ.
Một số người cho biết họ chưa bao giờ biết sợ là gì, nhưng qua một số câu hỏi trao đổi, tôi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ nhất định, có khác chăng là về mặt chữ nghĩa mà thôi. Bởi ngay cả những người đó đôi khi cũng cảm thấy hồi hộp, lo lắng, dù chẳng bao giờ họ cho đó là sợ hãi.
Theo tôi được biết, ai cũng cảm thấy sợ khi phải tiến lên phía trước. Rất có thể một số người không hề biết sợ hãi là gì, nhưng quả thật tôi chưa từng gặp ai như thế. Nếu có, nhất định tôi sẽ tôn họ làm thầy để học hỏi kinh nghiệm và truyền lại cho bạn bí quyết của họ. Tôi biết ở mức độ sâu xa thì không hề có gì đáng sợ, chỉ phần bề mặt là cần điều chỉnh thôi. Tôi đã học được cách "Xuyên qua nỗi sợ". Vậy thì việc tôi có sợ hay không đã không còn quan trọng nữa rồi. Trong mọi hoàn cảnh, tôi vẫn ung dung, tự tại... và bạn cũng thế.
5 SỰ THẬT VỀ NỖI SỢ
1. Nỗi sợ không bao giờ tự mất đi, trừ khi tôi không ngừng lớn lên.
2. Cách duy nhất để chấm dứt nỗi sợ không dám làm một điều gì đó là bắt đầu thực hiện ngay.
3. Cách duy nhất để cảm nhận về bản thân tốt đẹp hơn là bắt tay hành động.
4. Không chỉ có tôi mà tất cả mọi người đều cảm thấy sợ hãi khi trải nghiệm một điều mới mẻ.
5. Vượt qua nỗi sợ không đáng sợ bằng việc luôn sống trong sợ hãi do cảm giác bất lực.
Tôi mạnh mẽ và tôi yêu đời!