Ở chương trước chúng ta đã tìm hiểu về một yếu tố tâm lý cốt lõi, đó là:
NẾU TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU CẢM THẤY SỢ HÃI KHI PHẢI TRẢI QUA MỘT ĐIỀU MỚI MẺ, VÀ VẪN CÓ NHỮNG NGƯỜI CAN ĐẢM BẮT TAY HÀNH ĐỘNG BẤT CHẤP NỖI SỢ, VẬY THÌ CHÚNG TA CÓ THỂ KẾT LUẬN RẰNG:
NỖI SỢ KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ.
Rõ ràng, vấn đề thật sự không hề liên quan đến chính nỗi sợ, mà ở cách chúng ta đối diện với nỗi sợ đó. Đối với một số người, nỗi sợ "chẳng là gì", song với những người khác, nỗi sợ đẩy họ rơi vào trạng thái tê liệt. Trong khi nhóm thứ nhất đối diện nỗi sợ bằng sức mạnh (chủ động lựa chọn, cảm giác hứng khởi và sẵn sàng hành động) thì nhóm thứ hai lại chìm đắm trong đau khổ (bất lực, tuyệt vọng và không biết phải làm gì).
Biểu đồ dưới đây sẽ minh họa rõ khái niệm này.
Từ đây có thể thấy bí quyết để kiểm soát nỗi sợ là biến sự đau khổ đó thành sức mạnh. Khi đó, nỗi sợ sẽ trở thành "chẳng là gì" với bạn.
CÁCH CHÚNG TA ĐỐI DIỆN VỚI NỖI SỢ
Chúng ta hãy bàn thêm đôi chút về từ "sức mạnh". Một số người không mấy thiện cảm với khái niệm này vì nghĩ rằng từ "sức mạnh" ngụ ý thế kiểm soát, lấn át kẻ khác. Và tiếc thay vẫn có nhiều người hiểu sai lệch như thế.
Loại sức mạnh mà tôi nói đến ở đây là một dạng hoàn toàn khác. Trong thực tế, sức mạnh này giúp bạn giảm bớt quyền kiểm soát lên những người xung quanh và do vậy, bạn trở nên đáng yêu, thân ái hơn. Đó chính là sức mạnh nội tại trong mỗi con người; là sức mạnh trước thế giới quan của bạn; là sức mạnh vượt qua mọi thăng trầm trong cuộc sống; là sức mạnh làm những điều cần thiết để phát triển bản thân; là sức mạnh tạo ra niềm vui và mang lại sự hài lòng cho cuộc sống; là sức mạnh để hành động; và là sức mạnh để yêu thương.
Sức mạnh này không liên quan đến bất kỳ ai khác ngoài bạn. Đó không phải là thái độ ích kỷ, mà là sự yêu quý bản thân tích cực và đúng mực. Trong thực tế, những người ích kỷ không hề có sức mạnh nội tại, mà chỉ muốn kiểm soát mọi thứ xung quanh. Do thiếu sức mạnh nội tại, họ luôn cảm thấy sợ hãi vì sự sống còn của họ phụ thuộc vào thế giới bên ngoài. Không có ai vô cảm bằng một người thiếu sức mạnh nội tại. Người như vậy chỉ sống bằng cách cố lấy nguồn sức mạnh đó từ người khác. Chính nhu cầu này sẽ tạo ra đủ các hành vi vị kỷ.
Loại sức mạnh mà tôi đang nói đến ở đây sẽ khiến bạn cảm thấy được giải thoát bởi bạn không cần phải mong đợi cả thế giới tiếp sức cho bạn. Đó không phải là khả năng sai khiến người khác làm những gì bạn muốn, mà là khả năng sai khiến chính bản thân bạn làm những gì bạn muốn. Nếu không có sức mạnh này, bạn sẽ mất sự yên bình trong tâm hồn và vì thế sẽ phải sống một cuộc đời rất dễ bị tổn thương.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy rằng so với đàn ông, phụ nữ có khuynh hướng lảng tránh khái niệm sức mạnh này hơn, vì lý do hiển nhiên: Đàn ông vốn tin rằng mình cần phải mạnh mẽ, trong khi đó phụ nữ lại cho rằng sự mạnh mẽ làm mất đi vẻ nữ tính và quyến rũ. Thế nhưng, sự thật vẫn là sự thật.
Một phụ nữ tự tin, biết cách kiểm soát cuộc đời, sẽ thu hút nam giới chẳng khác gì một thỏi nam châm. Ở cô ấy cũng toát lên sức sống tích cực khiến mọi người chỉ muốn vây quanh. Song cô ấy chỉ trở nên bản lĩnh, thân ái như thế khi có sức mạnh nội tại. Tình yêu và sức mạnh luôn song hành bên nhau. Chỉ khi có sức mạnh nội tại, con người mới có thể mở cửa trái tim mình. Nếu không, tình yêu chỉ là khái niệm méo mó.
Với những độc giả nữ, mong bạn hãy nhớ lặp lại điều này hai mươi lăm lần mỗi sáng, trưa và chiều tối khi có bất kỳ mâu thuẫn nội tại nào giữa sức mạnh và vẻ nữ tính:
TÔI MẠNH MẼ VÀ ĐƯỢC YÊU MẾN.
Và:
TÔI MẠNH MẼ VÀ TÔI YÊU ĐỜI.
Hoặc một câu khác cũng có giá trị tiếp thêm sinh lực cho bạn là:
TÔI MẠNH MẼ VÀ TÔI THÍCH CẢM GIÁC ĐÓ!
Ngay bây giờ, bạn hãy đọc to ba câu này lên để cảm nhận nguồn sinh lực từ những ngôn từ ấy. Việc thường xuyên lặp lại chúng sẽ giúp bạn nhận ra hai khái niệm sức mạnh và tình yêu luôn tương thích với nhau, đồng thời bạn cũng sẽ thấy dễ chịu hơn.
Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu cách vận dụng khái niệm Biến-Đau-Khổ-Thành-Sức-Mạnh trong cuộc sống hàng ngày.
Đầu tiên, hãy lập một biểu đồ Biến-Đau-Khổ- Thành-Sức-Mạnh như sau:
Hầu hết chúng ta đều đứng ở đâu đó giữa hai cực đau khổ và sức mạnh. Chúng ta không hẳn bất lực hoàn toàn vì sợ hãi, nhưng vẫn chưa có được sức mạnh và năng lượng, cũng như chưa thật sự "chạy nước rút" đến mục tiêu đã đề ra. Dường như chúng ta cứ khổ nhọc trèo đèo lội suối với tay xách nách mang, thay vì bay lượn trên đôi cánh thiên thần. Thật chẳng khác nào tự chuốc khổ vào thân!
Lấy biểu đồ Biến-Đau-Khổ-Thành-Sức-Mạnh làm cơ sở tham khảo, con đường đi của bạn sẽ
nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Hãy làm theo các bước dưới đây:
1. Phóng to biểu đồ trên và treo lên tường, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn. Như vậy là bạn đã bắt tay hành động rồi đấy! Hãy nhớ rằng điểm cốt lõi trong việc "biến đau khổ thành sức mạnh" chính là hành động. HÀNH ĐỘNG CHÍNH LÀ SỨC MẠNH! Biểu đồ trên tường sẽ luôn nhắc nhở bạn điểm cần đến trong đời - biến đau khổ thành sức mạnh. Nhận thức là một nửa cuộc chiến rồi. Nhờ sự khích lệ của biểu đồ, bạn sẽ có thêm nghị lực tiến lên theo đúng hướng.
2. Để không phải cố gắng quá sức, hãy viết đâu đó cạnh biểu đồ dòng chữ: "Thiên thần sở dĩ bay được là vì không mang theo quá nhiều thứ bên mình". Đó là câu danh ngôn của nhà văn Anh Gilbert K. Chesterton tôi đọc được nhiều năm trước mà cho đến bây giờ mỗi lần nhớ lại vẫn khiến tôi mỉm cười. Câu ấy luôn nhắc tôi nếu muốn vui thú trong đời thì phải biết bỏ bớt những hành lý cồng kềnh, thay vì đánh vật với nó.
3. Hãy lấy một chiếc ghim để đánh dấu vị trí hiện tại của bạn trên biểu đồ. Có phải bạn đang ở giữa đường, nơi đôi lúc bạn cảm thấy tuyệt vọng, tê liệt vì sợ hãi, nhưng có khi lại có cảm giác như mình kiểm soát được cuộc sống? Hay bạn rơi vào góc bên trái và cảm thấy mình không tài nào thoát ra khỏi lối mòn? Hoặc đang ở góc bên phải và luôn cảm thấy mình thật sự tiến về phía trước, chỉ có vài nỗi sợ nho nhỏ cần vượt qua? Quả thật, chẳng ai đạt được sức mạnh nội tại ưu việt cả - cuộc sống lúc nào cũng mang đến cho ta những trải nghiệm mới và thách thức sức mạnh nội tại của mỗi người.
4. Mỗi ngày, hãy nhìn vào biểu đồ và tự hỏi: "Mình có tiến bộ thêm chút nào không, hay vẫn giậm chân tại chỗ?". Nếu có, hãy dời đinh ghim đến vị trí phù hợp.
5. Nếu biết rõ phương hướng sẽ đi, bạn sẽ quyết định được mình phải làm gì. Trước khi bắt tay vào việc, hãy tự hỏi: "Liệu điều này có giúp mình tiến gần đến mục tiêu đã đề ra không?". Bạn hãy suy nghĩ lại nếu câu trả lời là không. Xin lưu ý, nếu như đã biết hành động đó sẽ khiến bạn đau khổ mà vẫn cứ làm thì đừng nổi giận với bản thân làm gì. Chỉ cần bạn đánh dấu vị trí nơi bạn đã bỏ cuộc để lần sau có thể quyết định khác đi. Hãy lấy sai lầm làm bài học kinh nghiệm. Cần nhớ rằng cứ mỗi lần bạn nổi giận với bản thân vì một điều gì đó thì bạn đã tự giam mình bên phần "đau khổ" trên biểu đồ.
6. Hãy tạo niềm vui khi sử dụng biểu đồ. Xem đó như một trò chơi thư giãn. Nếu bạn có con, hãy khuyến khích con tạo những biểu đồ tương tự, từ đó cả nhà có thể chơi trò "cùng tiến bộ".
7. Hãy lập nhiều biểu đồ khác nhau cho những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Để thật sự mạnh mẽ, bạn cần chịu trách nhiệm đối với mọi khía cạnh: công việc, tình cảm, môi trường sống, cơ thể... Chúng ta thường mạnh mẽ ở mặt này nhưng lại yếu đuối ở mặt khác. Ví dụ, tôi mạnh mẽ trong sự nghiệp nhưng cần phải nỗ lực trong vấn đề luyện tập thể thao.
Ở đây, bạn chỉ có thể dựa vào trực giác để đánh giá mức độ tiến bộ của bản thân. Có thể nhìn từ bên ngoài thì cuộc sống của bạn vẫn thế, nhưng chỉ mình bạn cảm nhận được sự yên bình và phát triển nội tại để xác định vị trí của mình trên biểu đồ. Thật vậy, đó hoàn toàn là một cảm giác bên trong bạn.
Có thể bạn sẽ tự hỏi liệu có cần nhiều công sức đến thế để cải thiện bản thân hay không. Hãy tin tôi, có đấy! Thời gian đầu, bạn cần có công cụ nhắc nhở đường đi nước bước. Bạn không thể trở nên mạnh mẽ nếu không tập trung vào sức mạnh. Bởi vì biết được những việc phải làm không có nghĩa là bạn có thể bắt tay thực hiện ngay hoặc đã ghi nhớ được chúng.
Để vận dụng biểu đồ Biến-Đau-Khổ-Thành- Sức-Mạnh hiệu quả, trước tiên bạn cần mở rộng vốn từ vựng liên quan. Cách bạn sử dụng từ ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Một số từ gây ảnh hưởng tiêu cực, trong khi số khác củng cố lòng tự tin. Hãy chọn những từ ngữ tích cực dựa theo bảng từ vựng Biến-Đau-Khổ-
Thành-Sức-Mạnh sau:
"Tôi không thể…" ngụ ý bạn không có khả năng kiểm soát cuộc đời, trong khi "Tôi sẽ không…" cho thấy khả năng lựa chọn của bạn đối với tình huống xảy ra. Từ nay trở đi, hãy cố gắng loại bỏ "Tôi không thể…" ra khỏi vốn từ của bạn. Khi thốt ra: "Tôi không thể…", lập tức bạn sẽ vô thức tin và khắc ghi trong tư tưởng rằng TÔI YẾU ĐUỐI... YẾU ĐUỐI... YẾU ĐUỐI... Tiềm thức sẽ tin vào những gì nó nghe thấy chứ không phải vào bản chất vấn đề. Có thể bạn nói: "Tôi không thể.." chỉ để từ chối một lời mời, ví dụ "Tối nay tôi không thể đi ăn tối với anh được vì bận chuẩn bị cho cuộc họp ngày mai", nhưng đúng ra, sự thật phải là: "Tối nay tôi có thể đi ăn tối với anh, nhưng tôi quyết định ưu tiên cho việc quan trọng hơn vào lúc này". Dù vậy, tiềm thức của bạn lại không hề phân biệt được điểm khác nhau đó mà vẫn nghĩ: "Thiếu quyết đoán".
Thay vì nói những lời trên, bạn có thể dùng cách khác để tránh cụm từ "Tôi không thể…" mà vẫn tỏ ra tế nhị với người mời, chẳng hạn: "Tôi muốn đi lắm, nhưng ngày mai có một cuộc họp rất quan trọng nên tôi phải chuẩn bị. Thôi để lần sau nhé!". Nói như vậy vừa thật lòng, vừa tránh sứt mẻ tình cảm lại thể hiện sự mạnh mẽ của bạn. Tiềm thức sẽ nhận thấy bạn biết xác định rõ ràng thứ tự việc ưu tiên và lựa chọn những điều có lợi cho sự trưởng thành của bản thân. Và cách làm đó giúp bạn khỏi trở thành nạn nhân bất đắc dĩ cho buổi tiệc.
"Tôi nên…" cũng là một cách nói thể hiện sự thất bại, bởi nó cho thấy bạn không hề có chọn lựa nào trong cuộc sống, trong khi "Tôi có thể…" thể hiện sức mạnh nội tại rõ rệt, chẳng hạn: "Tôi có thể đến thăm bạn hôm nay, nhưng tôi sẽ dành thời gian để đi xem phim". Câu này cho thấy bạn có quyền lựa chọn trong cuộc sống, thay vì bị ràng buộc bởi trách nhiệm. Hay: "Hôm nay tôi có thể đến thăm bạn hoặc đi xem phim. Nhưng tôi nghĩ mình sẽ chọn điều đầu tiên". Những câu có từ "nên" thể hiện cảm giác áy náy, không vui, vì thế dễ gây cạn kiệt nguồn cảm xúc tích cực. Việc thường xuyên sử dụng từ này sẽ khiến cho sức mạnh nội tại của bạn bị mai một dần.
Tương tự, "Đó không phải lỗi của tôi" cũng thể hiện trạng thái bất lực. Sẽ tốt hơn nếu bạn tự chịu trách nhiệm trước những gì xảy ra trong cuộc đời, thay vì trở thành nạn nhân. "Tôi bệnh đâu phải là lỗi của tôi" hoặc "Bị mất việc đâu phải là lỗi của tôi". Nếu sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm, bạn sẽ thấy mình có thể thay đổi rất nhiều điều. Ví dụ, trong việc bị bệnh, bạn có thể nói: "Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cho việc này. Tôi sẽ rút kinh nghiệm để phòng bệnh lần sau. Tôi sẽ thay đổi thói quen ăn uống, cố gắng giảm bớt căng thẳng, bỏ thuốc lá và sẽ ngủ đủ giấc". Vân vân và vân vân. Hãy xem bạn trở nên mạnh mẽ ra sao! Tương tự với trường hợp bạn bị mất việc. Nếu có trách nhiệm, bạn sẽ chuẩn bị kỹ càng hơn và tìm hiểu mình sẽ làm gì để khỏi rơi vào tình thế này. Bạn sẽ hoàn toàn kiểm soát được tình huống. Và như vậy, cứ mỗi lần cảm thấy mình kiểm soát được cuộc sống nghĩa là bạn đã từng bước tiến đến phía "sức mạnh", nhờ đó sẽ giảm bớt cấp độ sợ hãi trong bạn.
"Chuyện đó rắc rối lắm" là một câu hủy diệt bạn không kém vì tính tiêu cực và nặng nề của nó, trong khi "Đó là một cơ hội" lại mở ra cánh cửa để trưởng thành. Nếu mỗi lần gặp khó khăn, bạn lại tìm thấy trong đó một điểm tích cực, thì tức là bạn đã có thể giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp rồi đấy. Càng tăng khả năng kiểm soát đối với những sự việc xảy trong cuộc sống, bạn sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.
"Tôi hy vọng" cũng là một câu nói đầu môi của các nạn nhân. Thay vào đó, hãy nói "Tôi biết" để trở nên mạnh mẽ hơn. Ví dụ:
Tôi hy vọng mình sẽ tìm được việc làm. Tôi biết mình sẽ tìm được việc làm.
Quả là một sự khác biệt lớn! Trong khi câu thứ nhất có thể khiến bạn lo lắng không nguôi và mất ngủ nhiều đêm thì câu thứ hai lại mang đến cho bạn cảm giác bình yên và điềm tĩnh trước sự việc.
"Giá như" là một cụm từ tẻ ngắt. Thậm chí, bạn có thể nghĩ ngay đến những lời than van, rên rỉ đằng sau đó. "Lần sau" ngụ ý bạn đã rút kinh nghiệm từ những gì xảy ra và sẽ vận dụng vào lần kế tiếp. Ví dụ, thay vì nói: "Giá như tôi đừng nói chuyện đó với anh ta", hãy nói là: "Tôi nhận ra anh rất nhạy cảm trong chuyện này. Lần sau, tôi sẽ khéo léo hơn".
"Biết làm sao bây giờ?" - một lần nữa bạn nghe có tiếng than thở và nỗi sợ hãi ẩn trong câu nói này. Cũng như tất cả mọi người, trong bạn luôn ẩn chứa một sức mạnh nội tại mà bạn chưa từng sử dụng đến. Tốt hơn cả là bạn hãy nói là: "Tôi biết mình sẽ xoay xở được. Chẳng có gì phải lo lắng cả". Thay vì nói: "Mình mất việc rồi! Biết làm sao bây giờ?", hãy tự nhủ: "Mình mất việc rồi. Nhưng mình biết sẽ xoay xở được".
Câu "Thật là kinh khủng" thường được dùng sai ngữ cảnh. Ví dụ, "Tôi làm mất ví rồi. Thật là kinh khủng!". Mất ví thì có gì mà kinh khủng kia chứ? Chỉ là một việc xui rủi và phiền toái. "Mình lên một ký rồi, thật là kinh khủng!". Lên một ký thì cũng là chuyện bình thường thôi mà. Ấy vậy mà chúng ta vẫn thường nghĩ như thế. Do đó, tiềm thức của chúng ta không ngừng khắc ghi THẢM HỌA... THẢM HỌA... THẢM HỌA... Hãy thay "Thật là kinh khủng" bằng "Đó là một bài học kinh nghiệm".
Tuy bạn có thể nói: "Thật là kinh khủng" khi nghe tin một người thân bị ung thư, nhưng hãy nhớ rằng thái độ đó cũng sẽ làm suy giảm sức mạnh nội tại của bạn khi phải đối diện với tình huống ấy. Nhiều người đã rút ra được những bài học quan trọng khi phải đối diện với căn bệnh này. Tôi biết thế vì tôi cũng là một trong số đó.
Căn bệnh ung thư đã dạy tôi nhiều điều tuyệt vời về bản thân và mọi người xung quanh. Và điều quan trọng nhất là tôi đã nhận ra mình được yêu thương đến nhường nào. Tôi đã cảm nhận được tình cảm dịu êm của người yêu, sau này là chồng tôi, mà trước kia tôi chưa từng biết đến. Tình yêu của chúng tôi qua đó cũng trở nên sâu sắc. Chúng tôi trân trọng nhau hơn, và bản thân tôi cũng thay đổi theo nhiều hướng tích cực hẳn. Tôi chú ý đến việc ăn uống hơn. Tôi học cách giải tỏa nỗi tức giận, lòng hận thù và sự căng thẳng vốn thường xuyên ngự trị trong cuộc sống của mình trước đây. Căn bệnh ung thư đã cho tôi và chồng mình cơ hội cống hiến cho cuộc đời nhiều hơn trước. Tôi đã viết một bài báo hết sức tích cực về cuộc phẫu thuật đoạn nhũ của mình mà tôi biết là sẽ có ích cho rất nhiều người, cả nam giới lẫn nữ giới. Tôi cùng chồng xuất hiện trên ti vi để chia sẻ kinh nghiệm, giúp khán giả vững lòng. Nên bạn thấy đó, mắc bệnh ung thư có thể trở thành một kinh nghiệm học hỏi và cơ hội để cho đi.
Đến đây hẳn bạn đã hiểu được vấn đề mà tôi muốn nói. Hãy loại bỏ ngay những từ như kinh khủng, không thể, rắc rối, khó khăn... trong cách nói hàng ngày. Có thể thoạt nghe bạn sẽ thấy chẳng có gì khác biệt, nhưng hãy tin tôi - có đấy. Những từ ngữ tích cực không chỉ giúp bạn thay đổi cách cảm nhận về bản thân, mà cả cách thể hiện mình trong cuộc sống. Những người thể hiện rõ sức mạnh nội tại thường được cư xử khác những người luôn tỏ ra yếu ớt. Càng nói năng mạnh mẽ, bạn càng có sức ảnh hưởng lớn đến thế giới xung quanh.
Khi kiểm soát được ngôn từ, bạn có thể tạo thêm sức mạnh cho cuộc sống nhờ mở rộng vùng thoải mái. Để tôi giải thích thêm cho bạn về khái niệm này nhé.
Hầu hết chúng ta đều sống trong một "vùng" nơi chúng ta cảm thấy dễ chịu, và nếu vượt ra khỏi phạm vi đó, chúng ta sẽ cảm thấy lúng túng và mất tự tin. Ví dụ, chúng ta sẵn sàng kết thân với những người cùng cấp bậc trong công ty, nhưng lại cảm thấy kém thoải mái khi giao tiếp với cấp trên. Chúng ta có thể ngồi ăn trong một quán nhỏ, nhưng lại cảm thấy ngượng ngập khi ngồi trong một nhà hàng sang trọng. Vân vân và vân vân.
Mỗi người có một vùng thoải mái khác nhau, song cho dù có nhận ra điều đó hay không thì tất cả chúng ta - giàu hay nghèo, địa vị cao hay thấp, nam hay nữ - đều chỉ ra quyết định trong khuôn khổ không gian "của mình" đó.
Tôi đề nghị bạn mỗi ngày hãy làm một việc nhỏ để mở rộng vùng không gian ấy. Hãy gọi cho một người nào đó mà bạn ngại ngần không dám nhấc máy, mua một đôi giày đắt hơn bạn từng mua, đề nghị một điều gì đó mà trước nay bạn sợ không dám nói... Mỗi ngày hãy đón nhận một thử thách mới, dù chỉ là việc nhỏ, nhưng nó sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi làm được. Ngay cả khi mọi thứ không diễn ra như ý, ít nhất thì bạn cũng đã thử làm, thay vì ngồi im và… bất lực. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra khi bạn mở rộng vùng thoải mái nhé:
Hình trên cho thấy mỗi rủi ro mà bạn đón nhận, mỗi lần thoát ra khỏi vùng thoải mái quen thuộc, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Cuộc đời của bạn sẽ rộng mở, cho bạn thêm cơ hội trải nghiệm. Khi đã tạo được sức mạnh nội tại, bạn sẽ càng tự tin hơn, bất chấp mọi nỗi sợ trước kia, đồng thời bạn cũng có khả năng đương đầu với những rủi ro lớn hơn. Ban đầu, bạn có thể đăng ký tham gia một lớp học buổi tối dù đã rời trường mười lăm năm. Cho đến một lúc nào đó, bạn sẽ có thể tự tin đăng ký học đại học. Cứ thế, bạn sẽ tiếp tục mở rộng… mở rộng… trưởng thành hơn... theo tốc độ của bản thân. Chỉ cần bạn chấp nhận rủi ro đó, dù là rủi ro nhỏ thôi, thì bạn cũng đang tiến đến cột bên phải của biểu đồ Biến-Đau-Khổ-Thành-Sức-Mạnh.
Mỗi tối trước khi ngủ, hãy nghĩ xem ngày mai bạn sẽ đương đầu với rủi ro nào. Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn sẽ làm điều đó ra sao. Hôm sau, hãy lưu ý xem bạn do dự ở chỗ nào, từ đó lên kế hoạch đối diện với những rủi ro trong tương lai dựa trên những gì bạn quan sát được. Nếu ngay lúc đó mà bạn có thể vượt qua sự do dự thì quá tuyệt! Hãy nhớ là càng mở rộng vùng thoải mái, bạn càng trở nên mạnh mẽ.
XIN LƯU Ý: Rủi ro mà tôi nói ở đây không bao gồm những hành động rủi ro về thể chất, ví dụ như lái xe vượt tốc độ hay sử dụng ma túy. Và nó cũng không bao gồm những rủi ro xâm phạm đến quyền của người khác, ví dụ như tán tỉnh người yêu/vợ hay chồng của người khác hoặc cướp ngân hàng. Làm như thế, không chỉ bạn sẽ phải hứng chịu sự căm ghét, cái chết hay tù tội, mà bạn còn dịch chuyển đến sát cột bên trái của biểu đồ Biến-Đau-Khổ-Thành-Sức-Mạnh. Những hành động này không hề giúp bạn thêm sức mạnh, bởi chúng không chứa đựng cả tình yêu thương lẫn sự liêm chính. Nếu không có những yếu tố đó, bạn sẽ không thể tự hào về bản thân. Và do đó, khả năng chế ngự nỗi sợ trong bạn cũng bị triệt tiêu.
Vậy bạn hãy đương đầu với những rủi ro có tác dụng tôn cao giá trị bản thân. Những rủi ro loại này sẽ giúp bạn tăng khả năng vượt qua nỗi sợ. HÃY RỘNG MỞ VÙNG THOẢI MÁI! VÀ TIẾP TỤC RỘNG MỞ HƠN NỮA!
Dù bạn có nhận thấy hay không thì sức mạnh nội tại của bạn vẫn lớn hơn nhiều so với sự hình dung của bạn. Tất cả chúng ta đều có sức mạnh đó. Khi nói biến đau khổ thành sức mạnh, tôi không có ý muốn nói bạn phải tạo sức mạnh nội tại từ những nguồn bên ngoài. Mà ngay trong bản thân bạn đã có một nguồn năng lượng đang chờ trỗi dậy, đủ sức để bạn tạo ra một cuộc sống vui vẻ và như ý. Đó không phải là một phép lạ, mà chỉ là quá trình chạm đến nguồn năng lượng đã có sẵn trong mỗi con người, cho dù bạn có ý thức về nó hay không.
Hầu hết chúng ta đều chứa đầy trong mình những cách nghĩ và thói quen cũ kỹ - những thứ khiến ta trở nên yếu đuối. Bạn cần không ngừng lặp lại những thói quen và cách tư duy mới mẻ và lành mạnh hơn để có thể lĩnh hội được chúng một cách toàn diện và triệt để nhất.
Bạn sinh ra là để tận dụng sức mạnh nội tại. Nếu phủ nhận sức mạnh đó nghĩa là bạn đã tự làm mình trở nên bất lực, tê liệt và tuyệt vọng - thể hiện qua việc cuộc sống không diễn ra như bạn mong muốn. Tất cả chúng ta đều xứng đáng có được mọi thứ tốt đẹp và thú vị trong cuộc sống. Và những điều đó chỉ xuất hiện khi bạn vận dụng sức mạnh nội tại của mình.