C
uộc sống là vĩnh hằng chứ không ngắn ngủi như nhiều người vẫn nghĩ. Nhưng ý niệm dài hay ngắn chỉ là tương đối: một phút gắng sức đạp xe lên đồi có thể khiến bạn cảm thấy dài như một tháng. Điều đó giải thích vì sao giải đua xe đạp Tour de France lại được xem là một thách thức thật sự đối với các cua-rơ. Vậy tổng cộng các chặng đua của Tour de France dài bao nhiêu? Bạn hãy tưởng tượng chiều dài đó bằng một cánh đồng cỏ khô trải dài vượt khỏi tầm mắt, bằng hai hàng rào chắn nối tiếp nhau kéo đến tận chân trời, bằng cả tầm nhìn của bạn khi đứng trên đỉnh núi phủ đầy băng tuyết và cao ngất của dãy Pyrenees.
Hiểu một cách đơn giản, giải Tour de France là một cuộc đua lớn quy tụ hơn hai trăm vận động viên thi đấu trên một lộ trình vòng quanh nước Pháp kể cả đường núi và kéo dài hơn ba tuần dưới cái nóng gay gắt của mùa hè. Chính vì vậy, đây là cuộc đua mang tính sàng lọc rất khắc nghiệt. Bạn không thể tham gia chỉ với mục tiêu góp vui hay thử sức mà đây là cuộc đua chứng tỏ bản lĩnh của những vận động viên thực thụ. Nói cách khác, giải Tour de France không dành cho những kẻ yếu tim.
Tôi có lý do riêng khi quyết tâm tham gia giải Tour de France. Tôi cho rằng đây là giải đấu đẳng cấp nhất trên thế giới. Và tôi đến với Tour de France là để được sống và được thỏa ý nguyện của mình.
Tôi muốn chia sẻ cùng bạn một chút về lịch sử của giải Tour de France. Năm 1903 được xem là năm đánh dấu giải đua xe đạp đầu tiên do tờ báo thể thao L’Auto tổ chức vì muốn nâng cao số lượng phát hành. Trong số sáu mươi vận động viên tham gia, chỉ có hai mươi mốt người hoàn thành trọn vẹn các chặng đua. Sự kiện này ngay lập tức thu hút sự chú ý của mọi người. Theo ước tính, có đến một trăm nghìn cổ động viên đã xuống đường vây quanh khắp các con đường ở Paris. Thời điểm đó chưa có những quy định nghiêm ngặt, chính vì vậy trên đường đua, các đội thi nhau ném thức ăn và những chai nước suối vào nhau để cản bước tiến của đối thủ. Vận động viên phải tự trang bị đồ ăn, thức uống và các thiết bị cần thiết. Xe đạp của họ chỉ có hai bánh răng và họ phải sử dụng thắng chân. Đến năm 1910, những chặng đua vượt đường núi lần đầu tiên mới được đưa vào giải đấu, các cua-rơ sẽ thực hiện giai đoạn peloton xuyên dãy Alps bất chấp sự tấn công từ các loài thú hoang dã. Năm 1914, cuộc đua bắt đầu đúng vào ngày hoàng tử Archduke Ferdinand bị ám sát. Năm ngày sau khi cuộc đua kết thúc, chiến tranh nổ ra trên vùng núi Alps.
Ngày nay, giải Tour de France đã được hỗ trợ rất nhiều bởi các công nghệ hiện đại. Xe đạp đua của các cua-rơ đã được tinh gọn thành một phương tiện rất nhẹ đến mức bạn có thể nhấc bổng nó lên chỉ bằng một tay. Ngoài ra, các cua-rơ còn được trang bị thiết bị điện tử, máy đo nhịp tim và bộ đàm để liên lạc với nhóm hỗ trợ. Nhưng tính khắc nghiệt và sự sàng lọc của cuộc đua vẫn không thay đổi: chỉ những vận động viên thật sự tài năng và bản lĩnh mới có thể vượt qua các chặng đua. Sau một lần thử thách, tôi nghĩ rằng đây chính là cuộc đua dành cho mình.
Trước khi mùa giải của năm 1999 bắt đầu, tôi đến Indianapolis để tham dự một buổi họp mặt các bệnh nhân ung thư. Scott Shapiro nói với tôi:
- Lance này, anh dự định trở lại đường đua phải không?
Tôi gật đầu và hỏi lại Shapiro:
- Anh nghĩ tôi sẽ chiến thắng trong giải Tour de France chứ?
- Tôi không chỉ nghĩ là anh có thể. Tôi luôn tin như thế.
Nhưng tôi lại có những bước khởi đầu không mấy suôn sẻ.
Ban đầu, mùa giải năm 1999 đối với tôi không mấy thành công. Vào chặng thứ hai tại giải đua vòng quanh Valencia, tôi ngã và suýt bị gãy vai. Tôi phải nghỉ hai tuần. Tiếc thay, ngay khi quay lại đường đua, tôi lại bị ngã một lần nữa: lúc đó tôi đang chạy xe thì một phụ nữ đứng tuổi lái xe băng ngang đường và móc vào xe tôi khiến tôi mất thăng bằng và ngã nhào. Việc di chuyển quá nhiều từ Pháp đến Ý cũng khiến tôi mệt mỏi do thay đổi điều kiện thời tiết. Đến chặng đua thứ ba, mọi việc vẫn không khá hơn. Ngay tại đoạn cua cuối, tôi bị kiệt sức, thêm vào đó cơn mưa ròng rã kéo dài làm mặt đường ẩm ướt, trơn trượt khiến tôi lạc tay lái.
Tôi quay về nhà với vẻ mặt cau có. Thất vọng với những điều đang xảy ra, suốt hai tuần sau đó tôi chỉ tập trung phân tích và hoàn chỉnh kỹ thuật đua xe của mình cho đến lúc tôi cảm thấy tự tin hơn khi ngồi lại trên yên xe. Nỗ lực của tôi đã được đền đáp xứng đáng. Không lâu sau, tôi chiến thắng trong một giải đấu tính giờ, giải Circuit de la Sarthe. Kể từ đó, kết quả thi đấu của tôi ngày càng tiến bộ.
Nhưng cũng thật lạ, tôi bắt đầu nhận ra mình không còn sở trường chinh phục những chặng đua ngắn kéo dài trong một ngày nữa. Tôi giờ đây không còn là cậu thanh niên hiếu thắng, nóng nảy và bồng bột khi xưa. Tôi vẫn giữ được phong độ thi đấu nhưng bên cạnh đó, tôi điềm đạm và vững vàng hơn. Tôi nhận ra mình thay đổi hoàn toàn – cả về thể chất lẫn tinh thần. Có lẽ nỗ lực chinh phục giải Tour de France và những biến cố tôi vừa trải qua chính là nguyên nhân giải thích cho sự thay đổi đó.
Tôi sẵn sàng dành cả một mùa giải để chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho Tour de France sắp diễn ra. Tôi dường như đặt cược tất cả vào nó. Tôi từ chối tham gia các giải truyền thống kể cả các giải đua danh tiếng mà chỉ chọn lựa một số cuộc đua giúp tôi tạo đà để giữ phong độ đỉnh cao vào tháng Bảy. Mọi người tỏ ra ngạc nhiên trước quyết định của tôi. Trước đây, tôi từng nổi tiếng với những giải đua truyền thống. Vậy sao giờ đây tôi lại rẽ hướng? Một phóng viên đã đến gặp tôi và hỏi liệu tôi có dự định tham gia những giải đua truyền thống diễn ra vào mùa xuân hay không. Tôi trả lời:
- Không, tôi sẽ không tham gia.
- Vì sao anh lại quyết định như vậy?
- Tôi đang dốc sức tập luyện để chuẩn bị cho giải Tour de France.
Anh phóng viên cười mỉa tôi:
- Ồ thế ra anh là cua-rơ của giải Tour de France.
Tôi chỉ nhìn anh ta và nghĩ: “Thì sao nào? Rồi mọi người sẽ thấy!”.
Không lâu sau đó, tôi tình cờ gặp Miguel Indurain tại sảnh khách sạn. Anh ấy cũng hỏi thăm về dự định của tôi.
- Tôi đang cố gắng tập luyện để vượt dãy Pyrenees. - Tôi nói.
- Để làm gì?
- Để chuẩn bị cho giải Tour de France. – Tôi nhấn mạnh.
Miguel khẽ nhíu mày tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhưng anh không bình luận gì thêm.
Cũng như tôi, tất cả các thành viên trong U.S. Postal đều hướng về giải Tour de France. Mỗi người đều được phân chia nhiệm vụ riêng tùy vào thế mạnh của từng người: Frankie Andreu là đội trưởng và là vận động viên chạy nước rút cừ khôi nên sẽ ở vị trí dẫn đầu. Frankie đã quen biết tôi từ khi tôi còn là một cậu thanh niên mới chập chững vào nghề. Kevin Livingston và Tyler Hamilton là những chuyên gia leo núi tài năng và trẻ tuổi của đội. George Hincapie là nhà vô địch của giải U.S. Pro và cũng có khả năng chạy nước rút mạnh mẽ như Frankie. Christian Vandevelde là tân binh nhưng lại là một tài năng đầy triển vọng. Pascal Derame, Jonathan Vaughters và Peter Meinert-Neilsen đều là những đồng đội hỗ trợ tích cực – họ có thể duy trì tốc độ cao trong thời gian dài mà không hề đuối sức.
Người quản lý đội U.S Postal là Johan Bruyneel – một cựu cua-rơ người Bỉ đã từng nhiều năm kinh nghiệm tham gia giải Tour de France. Johan cũng đã hai lần chiến thắng giải này trong sự nghiệp của mình. Năm 1993, ông phá kỷ lục về thời gian trong một chặng đua và đến năm 1995, Johan tiếp tục chiến thắng sau khi đọ tay đôi với Indurain trong chặng đua cuối trước khi tiến vào Liège. Lúc đó, chỉ còn Johan và Indurain ở tuyến đầu, hai người so đo nhau từng chút một và đến phút cuối, Johan bứt phá chạm đích trước. Có thể nói Johan là một cua-rơ tinh nhạy và nhiều kinh nghiệm. Ông biết cách đánh bại đối thủ bằng trí hơn bằng lực và ông đã mang những kinh nghiệm quý báu của mình áp dụng cho các cua-rơ thế hệ sau trong đội U.S Postal.
Chính Johan là người đưa ra ý tưởng thành lập trại huấn luyện tập trung. Chúng tôi nhất trí làm theo kế hoạch của Johan. Vậy là mỗi tuần, toàn đội dành thời gian để tập luyện trên dãy Alps và Pyrenees. Trước tiên, có một nhóm tiến hành khảo sát chặng đường mà chúng tôi sắp đối mặt trong giải Tour de France, sau đó mới lên kế hoạch tập luyện suốt hơn bảy giờ một ngày bất kể mọi điều kiện thời tiết. Tôi được phân công bám trụ Kevin và Tyler bởi vì họ là hai cua-rơ có khả năng vượt đường núi tốt nhất của cả đội, nhiệm vụ của họ là hỗ trợ mở đường và tiếp sức nhằm giúp tôi duy trì được năng lượng trong những đoạn đường dốc. Trong lúc các cua-rơ khác đang nghỉ ngơi hoặc đang gắng sức tại các giải đua truyền thống thì tôi và U.S Postal lại tập trung ở các vùng đồi núi cao để tập luyện cho chặng đua vượt đèo của giải Tour de France.
Thời điểm chúng tôi tập luyện là vào tháng Một nên trời đổ mưa liên tục trên dãy Pyrenees. Tôi cùng các đồng đội phải kiên trì chịu đựng thời tiết khắc nghiệt bên ngoài, Johan sẽ lái xe theo sau để hỗ trợ chúng tôi.
Khi thời gian tập luyện trên các vùng đồi kết thúc, tôi tiếp tục tự tập luyện một mình. Mọi thứ tôi làm đều có mục tiêu cả. Suốt khoảng thời gian đó, mỗi ngày tôi và Kik chỉ tập trung vào hai việc ưu tiên hàng đầu: giải Tour de France và chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Mọi thứ khác đều được xếp ở vị trí ưu tiên thứ hai. Và chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và bình yên với những dự định, mục tiêu đã đặt ra.
Tôi lao vào phân tích giải Tour de France như một nhà nghiên cứu thật sự. Tôi tính toán tương quan giữa trọng lượng cơ thể cũng như của các thiết bị được tích hợp vào xe rồi so với tốc lực mà xe có thể đạt được trong từng chặng đua khác nhau. Mục tiêu là nhằm xác định mức cân bằng và vị trí cân bằng của người và xe để tôi có thể lao về đích với tốc độ nhanh nhất. Tôi cẩn thận lưu giữ những bảng biểu thể hiện mức độ chịu lực của xe, mức tiêu hao năng lượng của bản thân và các chỉ số về khoảng cách đường đua.
Ngay cả chế độ ăn uống cũng được tôi chú ý và tính toán kỹ lưỡng. Tôi tính toán lượng thức ăn dung nạp vào cơ thể mỗi ngày, cố gắng hạn chế thịt gà và tăng khẩu phần tinh bột bằng món bánh mì và mì ống. Sau đó, tôi đo mức tiêu hao năng lượng và so sánh với lượng calo đang có trong cơ thể mình. Nhờ vậy, tôi sẽ biết được chính xác trung bình mỗi ngày tôi dung nạp bao nhiêu và đốt cháy bao nhiêu calo. Sau cùng, tôi cố gắng cân bằng giữa lượng dung nạp vào với lượng tiêu hao. Kết quả là sau đó, tuy sụt ký nhưng tôi cảm thấy khỏe hơn.
Bệnh ung thư mang lại cho tôi một thuận lợi mà mãi đến lúc này tôi mới nhận ra: nó điều chỉnh lại hoàn toàn vóc dáng cũng như thể trạng của tôi. Sau cơn bệnh, tôi mất hết cả cơ bắp. Trong những bức ảnh trước đây, tôi trông giống như một cầu thủ bóng đá với cổ to và thân hình vạm vỡ. Dáng vóc này sẽ có lợi khi tôi thi đấu đường trường. Tuy nhiên, tôi sẽ trở nên nặng nề và kém linh hoạt khi thi đấu trên những chặng đua vượt đường đèo bởi vì tôi sẽ phải tốn nhiều năng lượng hơn để chế ngự cả khối trọng lượng to lớn của mình. Hiện tại, tôi khá gầy. Với vóc dáng này, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi ngồi trên yên xe. Tinh thần tôi cũng vì thế mà vững vàng hơn.
Trước đây, tôi không có sở trường leo núi, chính vì vậy mọi người tỏ ra nghi ngờ khả năng vượt đèo của tôi trong những chặng đua quan trọng của giải Tour de France. Tôi có thể tăng tốc chạy nước rút rất hiệu quả, nhưng địa hình đồi núi dường như không phải là thế mạnh của tôi. Eddy Merckx từng khuyên tôi nên giảm cân và giờ tôi đã hiểu dụng ý của ông. Ông khuyên tôi nên giảm 2 ký – giờ thì tôi đã sụt gần 7 ký. Điều đó khiến tôi dễ dàng điều khiển xe trên địa hình trúc trắc của đường núi và cũng trở nên linh hoạt hơn rất nhiều.
Mỗi sáng, tôi thức dậy và dùng điểm tâm với một thực đơn không đổi: bánh mì và trái cây. Nếu lịch tập luyện hôm đó kéo dài hơn thường ngày, tôi sẽ dùng thêm một đĩa trứng bác. Trong lúc đó, Kik giúp tôi chuẩn bị nước để mang theo. Đúng tám giờ, tôi rời nhà và đi tập luyện cùng Kevin và Tyler. Thông thường, tôi sẽ tập luyện suốt từ trưa đến tận ba giờ chiều. Khi trở về nhà, tôi tắm rửa sạch sẽ và chợp mắt một lúc. Đến bữa tối, tôi thức dậy, cân đĩa mì ống theo đúng khẩu phần đã định và ăn tối cùng Kik.
Sau bữa tối, tôi và Kik không làm gì và cũng không đi đâu. Ăn xong, chúng tôi sẽ lên giường ngủ để sáng ngày mai, tôi lại dậy sớm và tiếp tục lịch tập luyện của mình. Cuộc sống của tôi diễn ra như thế trong nhiều tháng liền. Thỉnh thoảng, bạn bè Kik trầm trồ khi biết rằng Kik đang sống tại phía nam của nước Pháp – nơi có rất nhiều cảnh đẹp, nhưng họ không ngờ rằng tôi và Kik lại có một cuộc sống bình dị như thế.
Những khi tôi không có nhà, Kik sẽ làm một số việc vặt trong gia đình và nghỉ ngơi bên mái hiên ngoài sân. Nàng nói Nice là một nơi yên bình, rất thích hợp để dưỡng thai. Nàng vẫn thường đi dạo ra phố chỉ để ghé vào những cửa hàng để mua trái cây và rau quả. Mỗi tối sau khi dùng bữa, chúng tôi cùng nhau nghiên cứu các sách dành cho bà mẹ đang mang thai và háo hức chờ đón sự ra đời của đứa con đầu lòng.
Kik thông cảm và rất tôn trọng sự nghiệp của tôi. Đua xe đạp là một nghề rất khó khăn đòi hỏi phải có sự kiên trì và một tinh thần thép. Mỗi buổi sáng khi tôi chuẩn bị rời nhà, Kik đều chúc tôi: “Anh tập luyện thật tốt nhé”. Tôi cảm thấy mình hạnh phúc vì có một người vợ thông hiểu và tôn trọng công việc của chồng. Vợ tôi đã trở thành một người đồng đội trung thành chia sẻ cùng tôi mọi buồn vui trong cuộc sống. Có Kik bên cạnh, mọi việc tôi làm đều ý nghĩa hơn.
Kevin có vẻ ngưỡng mộ hạnh phúc của gia đình tôi. Không giống tôi, Kevin còn độc thân. Chính vì vậy, sau một ngày tập luyện vất vả, Kevin quay về ngôi nhà chỉ có một mình. Tôi thì khác, tôi trở về nhà thì đã thấy nhà cửa sạch sẽ, quần áo tinh tươm và một bữa ăn nóng hổi đang chờ đợi. Tôi rất thương vợ - nàng đang mang thai nhưng vẫn cố gắng chăm sóc chu đáo cho tôi. Lúc chưa kết hôn, tôi luôn cảm thấy cô độc và lạc lõng giữa một nơi rộng lớn như châu Âu. Từ khi kết hôn cùng một người phụ nữ tuyệt vời là Kik, cảm giác ấy hoàn toàn không còn nữa. Tôi bắt đầu học cách nâng niu và trân trọng hạnh phúc mà mình đang nắm giữ.
Có những hôm xe tôi bị nổ lốp giữa đường, tôi gọi cho Kik và nàng lập tức đến giúp tôi ngay. Cũng có khi giữa trưa, Kik chạy cả quãng đường dài lên núi chỉ để mang cho tôi bình nước và ít thức ăn nhẹ. Nàng tìm hiểu tất cả mọi thứ về môn đua xe đạp. Vợ tôi rất tinh tế. Nàng biết tôi cần gì và cần lúc nào. Nàng biết khi nào tôi cần trò chuyện, cần chia sẻ và khi nào tôi muốn được yên tĩnh.
Vào những ngày tập luyện căng thẳng, Kik cũng tỏ ra bồn chồn, lo lắng vì hơn ai hết, Kik hiểu những kết quả nhận được quan trọng và có ý nghĩa đối với tôi như thế nào. Nếu mọi chuyện không suôn sẻ, tôi thường lầm lì và cau có. Kik luôn thông cảm với tôi. Nàng không bao giờ phàn nàn hay than vãn gì cả.
Cuối tháng Tư, tôi quyết định tham gia một chặng đua truyền thống Amstel Gold Race diễn ra trong ngày để đánh giá khả năng của mình sau chuỗi ngày tập luyện vừa qua. Ngay khi xuất phát, tôi đã cảm thấy sung sức lạ thường. Suốt chặng đua, tôi tranh giành vị trí dẫn đầu với Michael Boogerd của Hà Lan – một trong những tay đua hàng đầu thế giới.
Khi còn cách đích khoảng hơn 10 km, tôi bứt phá vượt lên trước. Boogerd vẫn theo sát tôi. Tôi tự tin mình sẽ đánh bại anh ta trong những dặm cuối. Tôi dư sức làm điều đó. Tôi chắc thế.
Tôi tăng tốc cho đoạn nước rút cuối cùng. Boogerd vẫn không chịu thua. Không ai nhường ai, hai bên cứ mãi tranh giành cho đến khi còn cách đích vài trăm mét. Cuối cùng, Boogerd thắng. Tôi chỉ thua anh ta một centimet – chưa bằng bề rộng của chiếc lốp xe – một khoảng cách sít sao.
Tôi hụt hẫng. Tôi đã hoàn toàn tin rằng mình sẽ thắng, nhưng điều khiến tôi thất vọng nhất là việc Boogerd vẫn được xem là tay đua tiềm năng của chiếc cúp Tour de France. Khi chúng tôi đứng cạnh nhau trên bục nhận giải, tôi chỉ nghĩ liệu kết quả này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch chinh phục giải Tour de France của tôi không. Đột nhiên, tôi quay người sang phía Michael và nói:
- Tôi sẽ phục thù vào tháng bảy này.
Boogerd nhìn tôi ngạc nhiên:
- Cậu đang nói gì thế? Giờ đã là tháng Tư rồi.
Trở về sau chặng đua, tôi tiếp tục lao vào tập luyện. Tôi chạy xe như chưa từng được chạy và thách thức bản thân qua tất cả những ngọn đồi mà tôi muốn vượt qua. Có đến gần năm mươi ngọn đồi hiểm trở và dốc dứng ở Nice. Vấn đề không phải là cùng một lúc phải vượt qua nhiều ngọn đồi mà tôi cần kiên trì tập luyện để chinh phục các ngọn đồi trong thời gian ngắn nhất. Mỗi ngày, tôi đều tập luyện để vượt qua các ngọn đồi trong suốt thời gian từ sáu đến bảy giờ. Và thường tôi cần khoảng một giờ để vượt gần 20 km đường đèo – nói như vậy để bạn hình dung chương trình tập luyện của tôi căng thẳng đến mức nào.
Tôi đạp xe với cường độ mà đôi lúc, cả những đồng đội của tôi cũng không kham nổi. Tôi nhớ như in ngày 3 tháng 5, hôm đó trời rất lạnh. Tôi rẽ tay lái hướng lên ngọn đồi Alps và Johan vẫn lái xe sau tôi. Trời bắt đầu đổ mưa dữ dội, nhiệt độ chỉ còn OoC. Nhưng tôi không quan tâm. Chúng tôi đứng tại chân đồi và ngước nhìn bầu trời xám xịt. Johan đề nghị tôi nên quay về. Nhưng tôi quả quyết: “Không! Tôi sẽ chinh phục được. Chúng ta lên đường thôi”. Tôi đạp xe ròng rã suốt bảy giờ đồng hồ liền. Tôi biết rằng, để chiến thắng giải Tour de France, tôi cần sẵn sàng thi đấu ngay cả khi những người khác đều từ bỏ.
Chặng đua khó khăn nhất ở Nice là chặng Col de la Madone hay còn gọi là Madonna. Đó là một đoạn đồi nổi tiếng về độ dốc dài khoảng 13 km uốn quanh thành phố. Từ nhà tôi, bạn có thể nhìn thấy ngọn đồi uốn lượn đến tận chân trời. Chặng Madone rất khó chinh phục, nhưng nếu làm được, tôi sẽ rèn luyện thêm độ bền và sức dẻo dai. Mọi người trong đội chỉ tập luyện ở đây một đến hai lần trong một mùa giải, riêng tôi đều đặn quay lại đây mỗi tháng một lần.
Tony Rominger, nhiều năm liền từng là tay đua hàng đầu thế giới, cũng đã đến Madone tập luyện khi anh còn sống ở Monaco. Tony đã lập một kỷ lục cho thời gian chinh phục ngọn đồi Madone: 31 phút 30 giây. Kevin Livingston, vận động viên leo núi tài năng nhất của đội U.S. Postal, từng chinh phục Madone trong 32 phút. Vào đầu mùa giải năm 1998, tôi từng thử một lần đến đây và thời gian của tôi là 36 phút. Kết quả này khiến tôi không hài lòng. Tôi biết để chiến thắng, tôi cần phải nỗ lực hơn nữa để rút ngắn thời gian đó.
Một ngày nọ, tôi nói với Kevin:
- Anh sẽ chinh phục Madone trong 31 phút.
Đó là tuyên bố liều lĩnh của một người mà trước mắt, anh ta không thể phá vỡ ngưỡng 36 phút của chính bản thân mình.
- Anh điên sao, Lance? Không thể nhanh như thế được. – Kevin không tin vào điều tôi vừa nói.
Nhưng tôi đã chứng minh điều tôi nói. Tôi đã bước đầu rút ngắn thời gian đó xuống còn 34 phút, rồi 33 phút. Đến một ngày, tôi đã chạm được ngưỡng 32 phút 30 giây. Vài tuần trước giải Tour de France, tôi và Kevin thực hiện một chuyến chinh phục lần cuối tại ngọn đồi Madone.
Ngày hôm đó, trời lặng gió. Thời tiết khá ẩm ướt và oi nồng. Chúng tôi chạy xe lên đỉnh đồi. Ngọn Madone cao gần 1.200 mét so với mực nước biển núp bóng sau đám mây dày đặc. Khi chỉ còn cách đỉnh đồi khoảng 1 km, Kevin bỗng bị xì lốp xe. Trong lúc cậu ấy dừng lại để thay, tôi vẫn chạy tiếp. Khi lên đến đỉnh, tôi nhìn xuống chiếc đồng hồ điện tử gắn trên xe.
Tôi đợi Kevin. Khi cậu ấy đến, thở hổn hển và càu nhàu về sự cố với chiếc lốp, tôi chỉ cho Kevin thấy chỉ số trên đồng hồ. Kevin thốt lên: “Thật không thể tin được”. Bất chợt, hình ảnh về những chặng đua trong giải Tour de France bỗng hiện lên trước mắt tôi.
Kik biết rằng hôm nào tôi tập luyện ở đồi Madone, hôm đó sẽ là một ngày rất căng thẳng. Những ngày đó, ngay từ bữa ăn sáng tôi đã lầm lì không nói năng gì - tôi đang tập trung cao độ cho tiến trình tập luyện. Và rồi khi tôi trở về nhà, nàng sẽ ngồi đợi tôi trước cửa để hỏi thăm tôi, cho dù tôi có vui vẻ hay cáu gắt với nàng. Hôm đó, Och đến thăm tôi. Ông cũng đang ngồi đợi tôi, dáng vẻ bồn chồn không kém gì Kik.
Tôi bước thẳng vào nhà, tỏ vẻ lạnh lùng.
- Kết quả thế nào, Lance?
- Thời tiết hôm nay tệ quá.
- Vâng.
- Nhưng anh đã chinh phục được đồi Madone chỉ trong 30 phút 47 giây.
Kik vui sướng ôm chầm lấy tôi. Och vỗ vai tôi vẻ hài lòng. Tôi quay sang nói với ông:
- Jimmy, tôi đã sẵn sàng để tham gia giải Tour de France.
Vài ngày sau, Och quay về Mỹ. Ông hào hứng nói với mọi người rằng tôi sẽ chiến thắng trong giải Tour de France năm nay.
Tôi cẩn thận thu xếp quần áo cùng các vật dụng cần thiết chuẩn bị lên đường tham gia giải Tour de France và có phần hơi căng thẳng. Tôi vẫn giữ thói quen xếp hành lí theo ý của mình: nào là những chiếc quần đùi đua xe phải được xếp gọn lại, nào là đôi giày phải được đặt phía bên phải, còn đôi găng tay sẽ xếp vào một góc riêng, bộ quần áo ấm thì đặt ở phía đối diện… Tất cả mọi thứ phải được sắp vào đúng chỗ để khi cần tôi có thể lấy ra dễ dàng.
Chúng tôi đến Paris để hoàn tất thủ tục tham gia giải Tour de France. Theo nguyên tắc, các cua-rơ sẽ được kiểm tra sức khỏe và dự một cuộc họp nghe ban tổ chức phổ biến nội dung cũng như thể lệ cuộc thi. Mỗi cua-rơ được phát một quyển cẩm nang trong đó chỉ dẫn và minh họa cặn kẽ về mỗi chặng đua của toàn giải, về lịch trình thi đấu cũng như thông tin về những trạm hỗ trợ dọc đường. Phần còn lại, các vận động viên sẽ có thời gian chuẩn bị và sửa sang cho con ngựa chiến của mình để nó đạt tốc độ tốt nhất trên đường đua. Chúng tôi kiểm tra tay lái và các thanh chèn trên bàn đạp – mọi thứ phải thật hoàn hảo nhằm tránh mọi sự cố đáng tiếc xảy ra. Tôi cùng một số cua-rơ khác rất tỉ mỉ và thận trọng coi sóc cho chiếc xe của mình, trong khi một số khác lại rất lơ là. Tôi cẩn thận đến mức các đồng đội thường gọi trêu tôi là chàng tỉ mỉ.
Đội U.S. Postal của chúng tôi không được mọi người đánh giá cao trong giải đua này. Không một ai nghĩ rằng chúng tôi sẽ có cơ hội chiến thắng. Họ chỉ tập trung bàn tán về những cua-rơ danh tiếng như Michael Boogerd – người đã đánh bại tôi tại chặng đua ở Amstel, về Alexander Zulle của Thụy Sĩ và Fernando Escartin của Tây Ban Nha. Họ bình luận về những cua-rơ đã bị loại khỏi giải đấu do sử dụng chất kích thích. Theo đánh giá của mọi người, tôi hoàn toàn không có mặt trong danh sách những cua-rơ tiềm năng tranh giải cao nhất. Mọi người chỉ nghĩ về tôi như một tấm gương đã dũng cảm chiến đấu với căn bệnh ung thư và sau đó đã quay lại giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Chỉ duy nhất một người cho rằng tôi có khả năng chiến thắng. Trước khi giải đua chính thức diễn ra, một phóng viên đã hỏi Miguel Indurain rằng anh nghĩ ai là đối thủ đáng gờm nhất của mình. Có lẽ do Indurain nhớ lại cuộc nói chuyện của chúng tôi vài tháng trước đây và do anh cũng nghe nói về lịch tập luyện của tôi nên anh đã trả lời: “Lance Armstrong”.
Giải Tour de France mở đầu bằng một chặng đua cá nhân tính giờ (prologue) dài khoảng 8 km diễn ra ở Le Puy du Fou – thành phố với những lâu đài mái vòm cổ kính và một công viên theo kiểu trung cổ. Chặng đầu tiên này nhằm phân loại các cua-rơ và người thắng cuộc sẽ có cơ hội dẫn đầu đoàn đua trong ngày thi đấu chính thức. Dù rằng chặng đường chỉ kéo dài 8 km nhưng đó thật sự là một cuộc rượt đuổi ngoạn mục mà các cua-rơ không được phép phạm phải bất kỳ một sai sót nào. Bạn phải dùng hết tốc lực để chạy nước rút ngay từ đầu, nếu không bạn sẽ bị tụt lại phía sau ngay lập tức. Vận động viên nào muốn tranh giành vị trí dẫn đầu trong ngày đua chính thức sẽ phải duy trì được trong nhóm ba đến bốn cua-rơ về đích đầu tiên.
Chặng đua bắt đầu với cuộc rượt đuổi giữa các cua-rơ trong vòng 5 km đầu tiên. Tiếp đó, các cua-rơ sẽ đối mặt với một ngọn đồi dài khoảng bảy trăm mét – đây là lúc họ phải dốc toàn lực nếu không muốn bị đối phương vượt mặt. Vượt qua ngọn đồi, các cua-rơ tiếp tục chạy nước rút để về đích. Chặng đua này thích hợp với những vận động viên gan lì như tôi và dĩ nhiên, nó không thể gây một trở ngại nào cho Indurain – người đã từng lập kỷ lục chinh phục ngọn đồi chỉ trong vòng 8 phút 12 giây.
Như vậy, 9 phút là khoảng thời gian tối đa cho chặng này. Khó khăn lớn nhất chính là ngọn đồi. Bạn sẽ không muốn tiêu hao hết toàn bộ năng lượng của mình trong năm kilomet đầu tiên để rồi sau đó kiệt sức và bị ngọn đồi khuất phục. Có một quyết định quan trọng mà tôi cần cân nhắc liên quan đến chiến lược chinh phục ngọn đồi: tôi đang băn khoăn không biết nên sử dụng loại niềng kích cỡ lớn hay nhỏ cho chiếc xe đạp của mình. Vấn đề này khiến tôi và đồng nghiệp tranh cãi nhau suốt mấy ngày.
Johan tỏ ra điềm tĩnh và rất quyết đoán khi vạch ra một chiến lược đua hoàn hảo. Ông phân chia chặng đua thành từng đoạn tương ứng với mức tiêu hao năng lượng tương ứng và cho tôi những lời khuyên cụ thể. Johan thậm chí tính toán nhịp tim mà tôi cần duy trì trong suốt chặng chạy nước rút đầu tiên, khoảng 190 nhịp/phút.
Nhận được tín hiệu, các cua-rơ bắt đầu xuất phát. Ba phút đầu tiên, quang cảnh đường đua có vẻ xô bồ, cua-rơ liên tục va quẹt nhau. Frankie Andreu, một đồng đội của tôi, đã chấp nhận thử nghiệm khi anh chọn lắp chiếc niềng kích lớn vào xe để vượt đèo. Và đó là một quyết định sai lầm. Trước khi Frankie có thể lên đến đỉnh đồi, anh đã bị bỏ lại khá xa. Và anh không thể nào rút ngắn được khoảng cách đó nữa.
Olano phá kỷ lục khi chinh phục ngọn đồi chỉ trong 8 phút 11 giây. Tiếp theo sau, Zulle phá kỷ lục của Olano, thành tích của anh là 8 phút 7 giây.
Đến lượt của tôi – tôi hưng phấn tập trung toàn bộ cảm giác vào đôi chân mình. Lúc này, chúng giống như hai chiếc pít-tông hoạt động dũng mãnh và liên tục. Ở phía sau, Johan quan sát thấy vai của tôi rất vững không hề lắc lư theo nhịp chân đạp. Điều đó có nghĩa năng lượng của tôi được giữ ở mức tiêu hao hiệu quả nhất – mọi cử động cơ thể đều dồn hết vào đôi chân để chạy nước rút.
Johan liên tục cập nhật thông tin và đưa ra những lời khuyên dành cho tôi thông qua máy bộ đàm.
- Lance, cậu rướn người quá cao rồi. Ngồi xuống.
Tôi đang quá tập trung nên đã không nhận ra mình đã rướn người khỏi yên xe. Thế là tôi ngồi xuống và chú ý hơn đến trọng tâm của mình trên xe. Tôi không biết thời gian của mình là bao nhiêu. Tôi chỉ dốc sức đạp hết tốc lực.
Và tôi cán đích. Tôi cúi nhìn vào chiếc đồng hồ điện tử gắn trên xe.
Con số thể hiện trên đồng hồ là 8 phút 2 giây.
Tôi không khỏi nghi ngờ: “Không nhanh như thế chứ?”.
Tôi cúi xuống nhìn vào đồng hồ một lần nữa – vẫn là 8 phút 2 giây.
Thật bất ngờ, tôi đã trở thành người dẫn đầu đoàn đua của giải Tour de France năm nay. Lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, tôi được vinh dự khoác lên người chiếc áo vàng – maillot jaune để phân biệt tôi với những tay đua khác.
Trở về nơi tập trung, tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ các đồng đội trong đó có Johan. Ông ôm chầm lấy tôi và không nén nổi sự vui mừng. Một phóng viên của kênh ESPN chạy đến để phỏng vấn tôi nhưng quả thật lúc đó, tôi không thể nói một lời nào. Môi tôi mím chặt, tôi sợ rằng mình sẽ vỡ oà mất. Giọng tôi run run: “Tôi… thật sự bất ngờ… bất ngờ quá”.
Phía ngoài đám đông, tôi trông thấy Indurain. Anh ấy len vào và tiến đến chỗ tôi. Indurain bắt tay và trao cho tôi một cái ôm nồng nhiệt.
Không có nhiều thời gian để tận hưởng chiến thắng trong các chặng đua của giải Tour de France bởi vì mọi hoạt động đều đã được tính toán thời gian và bạn phải tuân theo nghiêm ngặt. Sau buổi kiểm tra sức khỏe, các cua-rơ phải lập tức tiến hành đầy đủ các bước theo quy định. Chính vì vậy, tôi phải tức tốc quay về trại tắm rửa sạch sẽ rồi quay trở ra để làm lễ trao giải chiếc áo vàng. Dù đã chuẩn bị rất kỹ cho giải Tour de France nhưng đây là khoảnh khắc tôi chưa kịp nghĩ đến. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có thể khoác chiếc áo vàng sớm như vậy, cảm giác từng sợi vải cọ xát vào da thịt khiến tôi ngây ngất.
Ở Nice, Kik chăm chú nhìn vào màn hình ti vi đang được truyền hình trực tiếp hình ảnh tôi bước lên bục đài danh dự để nhận chiếc áo vàng. Nàng vui sướng đỡ lấy chiếc bụng đang ngày càng to dần mà nhảy múa khắp nhà, vừa nhảy vừa hét lên đầy phấn khích. Sau lễ trao giải, tôi lập tức về phòng gọi điện cho Kik.
Tất cả những gì tôi nghe được từ đầu dây bên kia là: “Ôi lạy Chúa, lạy Chúa” và sau đó là tiếng Kik nghẹn ngào trong điện thoại. Mãi sau nàng mới nói được trong sự xúc động: “Lance, chúc mừng anh. Anh đã làm được”.
Liền sau đó, một sự việc diễn ra khiến tôi cảm nhận một khoảnh khắc huy hoàng thứ hai. Khi tôi rẽ đám đông đi về vạch đích, tôi đi ngang đoàn của Cofidis – những người mà tôi cho rằng đã bỏ rơi tôi vào khoảng thời gian tôi còn nằm viện.
- Chiến thắng này tôi dành cho các anh đấy. – Tôi vừa nói vừa đi ngang qua họ.
Chúng tôi khởi hành chặng đua tiếp theo tiến vào vùng đồng bằng phía bắc của nước Pháp. Tôi là vận động viên người Mỹ của đội tuyển Mỹ đầu tiên dẫn đầu đoàn đua tại một giải đấu lớn như Tour de France. Hôm đó là ngày 4 tháng 7.
Bỗng nhiên, tôi cảm thấy căng thẳng. Chiếc áo vàng tôi đang khoác trên người bỗng chốc trở thành một gánh nặng. Bây giờ, thay vì là kẻ tấn công, tôi trở thành kẻ mà tất cả các cua-rơ còn lại làm đích nhắm để ganh đua. Tôi cảm thấy áp lực vì mình phải bảo vệ chiếc áo vàng đang khoác trên người.
Những chặng đầu của giải Tour de France ghi dấu sự rượt đuổi ngoạn mục của các tay chạy nước rút. Các cua-rơ thường xuyên cọ quẹt nhau trên suốt chặng đua và ganh nhau từng giây như một trò chơi tốc độ. Ai nấy đều căng thẳng bởi vì giai đoạn chạy peloton là lúc mà nhiều cua-rơ dùng thủ thuật, mánh khóe để loại đối thủ của mình càng nhanh càng tốt. Chính vì vậy, va chạm là điều không thể tránh khỏi.
Những tiếng tay lái cọ quẹt, tiếng xóc nảy của xe khi cố tình đụng nhau, tiếng lốp xe xì hơi do va chạm quá mạnh… liên tục vang lên. Ở những chặng đầu, sự ganh đua chưa thật sự gay gắt nên ai cũng muốn cố gắng để đạt thành tích tốt nhất có thể. Đường thì không đủ rộng để mỗi cua-rơ có thể di chuyển thoải mái. Với gần hai trăm vận động viên cùng hàng loạt chiến thuật để tranh giành vị trí tốt, họ liên tục gây khó khăn cho nhau. Ở những chặng đua mở đầu như thế này, tốt hơn hết là phải tránh va quẹt càng nhiều càng tốt. Vì chỉ cần một va chạm nhỏ cũng có thể khiến bạn bị đẩy lùi về sau nhanh đến mức bạn không thể ngờ. Một năm trước đây, Kevin hai lần bị va chạm với các cua-rơ khác và kết quả là cậu ấy bị chậm mười lăm phút so với thời gian vượt đèo đã dự định.
Đội hỗ trợ của U.S. Postal gồm hai xe ô tô và một xe tải. Một xe do Johan dẫn đầu cùng với các nhân viên của đội, phía trên nóc xe là những chiếc xe đạp dự bị để thay thế cho đoàn đua nếu cần. Chiếc còn lại chở các nhà quản lý đoàn đua và một vài nhà tài trợ có mặt. Xe tải cuối cùng dùng để chứa tất cả máy móc, thiết bị, phụ tùng và vật dụng cá nhân. Nếu một vận động viên bỗng nhiên bị xì lốp, lập tức sẽ có một thợ máy xuất hiện để khắc phục sự cố. Trong trường hợp chúng tôi cần nước hoặc thức ăn, đoàn hỗ trợ sẽ cử người đáp ứng ngay.
Johan ngồi trong ô tô và chỉ đạo đoàn đua từ xa. Ông liên tục cập nhật thông tin về thời gian và ra chỉ thị cho toàn đội thông qua máy bộ đàm hai chiều nối giữa đoàn hỗ trợ và xe của các cua-rơ. Tất cả các diễn biến đều rất dễ dàng cập nhật vì mỗi vận động viên đều được trang bị một tai nghe nhỏ và máy bộ đàm gắn trên cổ áo trước ngực. Đồng thời, cơ thể họ cũng được nối với một thiết bị đo nhịp tim để Johan có thể theo dõi diễn biến sự vận động cũng như những thay đổi về mặt thể chất của vận động viên.
Theo kế hoạch, đồng đội của tôi sẽ di chuyển lên phía trước để chắn gió và bảo vệ tôi khỏi các va chạm không cần thiết cũng như một số mối nguy hại khác. Chúng tôi liên tục phải tập trung để tránh những cổ động viên hoặc những tay săn ảnh quá khích, chưa kể đến một số vật dụng linh tinh mà họ mang theo vào đường đua.
Đến chặng thứ hai - Passage du Gois, chúng tôi đối mặt với con đường dài 4 km được đắp cao sát bờ biển. Đoạn đường vừa dài, vừa hẹp được rải nhựa phẳng lì. Mùi nước biển mằn mặn, những đợt sóng bất chợt ùa lên mặt đường khiến nó ẩm ướt và trơn nhầy. Hai bên vệ đường bị rong tảo và những con hàu bám kín.
Giai đoạn peloton vẫn chưa kết thúc, các cua-rơ vẫn va chạm và cọ quẹt nhau khiến việc muốn vượt lên trên gần như là không thể. Những đội dẫn đầu sẽ tránh được sự chen lấn từ đoàn người phía sau do đó đội chúng tôi quyết định bao quanh tôi và khéo léo di chuyển. Trong lúc tạo cách biệt với các nhóm còn lại, một số cua-rơ của U.S. Postal không theo kịp đã tụt lại và lập tức bị nhóm phía sau cô lập. Frankie và George hỗ trợ tôi di chuyển lên tuyến đầu mà không tốn nhiều công sức. Vấn đề còn lại là mặt đường rất trơn khiến chúng tôi phải hết sức thận trọng khi điều khiển xe. Thỉnh thoảng, vài cơn gió mạnh thổi qua càng thách thức khả năng giữ thăng bằng của các cua-rơ.
Những cua-rơ ở tuyến sau có vẻ không gặp nhiều may mắn. Họ bị dồn ép mà không cách nào thoát ra được.
Nhiều cua-rơ đã thực hiện chiến thuật là cố tình hãm phanh khiến các đối thủ gần đó bị ngã nhào xuống mặt đường. Xe cũng bổ nhào theo, bánh xe chỏng chơ xoay tít. Tác động này lan nhanh đến các cua-rơ phía sau tạo thành hiệu ứng dây chuyền. Chúng tôi mất Jonathan Vaughters trong sự cố đó. Cậu ấy bị ngã và va đầu xuống đất, gãy cằm và phải bỏ cuộc giữa chừng. Jonathan suýt rơi vào một trường hợp tương tự trong ngày hôm trước. May thay, Jonathan chạm đất bằng chân nên tránh được tổn thương nghiêm trọng ở vùng đầu. Sau sự cố đó, mọi người trong đoàn đua gọi trêu Jonathan bằng biệt danh người mèo. Tyler Hamilton cũng bị va chạm nhưng vượt qua được, cậu ấy chỉ bị chấn thương nhẹ ở đầu gối.
Với những sự cố khôn lường như vậy, Passage du Gois trở thành một trong những chặng đua khó khăn nhất của giải Tour de France. Nhờ duy trì ở nhóm đua đầu và về đích sớm nên tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian, trong khi các cua-rơ khác bị kẹt lại ở sau đa phần là các cua-rơ nổi tiếng. Michael Boogerd và Alex Zulle bị rớt lại đằng sau gần sáu phút, kết quả này sẽ bất lợi cho họ trong những chặng đua sau.
Trong vòng mười ngày đầu tiên của giải đấu, chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất – cố gắng duy trì ở nhóm đầu và tránh tối đa các va chạm. Tôi bắt đầu nhận định về mục tiêu của mình: tôi muốn tiếp tục ganh đua để được mọi người công nhận, nhưng tôi biết mình phải giữ sức để chinh phục những chặng đua khó khăn liền sau đó, đặc biệt là chặng đua tính giờ đến Metz. Vì vậy, tôi cân bằng tâm lý và quyết định sẽ tạm thời từ bỏ chiếc áo vàng của những chặng đua đầu.
Giải Tour de France diễn ra ròng rã suốt mấy tuần liền. Có những ngày đua dài lê thê với cùng một con đường, cùng một cảnh vật… Chúng tôi đi từ Nantes, qua Laval rồi đến Amiens, nhưng cứ như là chúng tôi cứ đi mà chẳng tới đâu. Mario Cippolini của Ý chiến thắng bốn chặng liên tiếp và lập kỷ lục người đạt nhiều áo vàng nhất của giải Tour de France tính đến thời điểm đó. Đội của tôi không cảm thấy thất vọng nhiều vì đã xác định mục tiêu ngay từ đầu là giữ sức cho những chặng đua sau. Cipplolini là một cua-rơ có tài, nhưng anh ta không giỏi leo núi và vì vậy chúng tôi biết anh sẽ không phải là một đối thủ đáng gờm tranh chức vô địch toàn giải Tour de France.
Mỗi tối, chúng tôi đều có một lịch trình cố định: xoa bóp chân và những chỗ bị đau, ăn tối và rồi sau đó, cả đội xem ti vi giải trí. Johan không cho phép tôi mang theo máy tính xách tay bởi vì ông sợ tôi sẽ thức khuya mà không giữ sức cho ngày hôm sau.
Chúng tôi vẫn tăng tốc băng qua những cánh đồng và đang tiến gần đến Metz.
Tôi thận trọng.
Những chặng đua đầu phân loại các vận động viên dựa vào sức khỏe: ai khỏe, ai dẻo dai và bền sức sẽ duy trì được ở nhóm đầu. Những vận động viên yếu hơn sẽ bị bỏ lại phía sau và chỉ cần sau vài chặng, họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi hoàn toàn.
Chúng tôi đến Metz để chuẩn bị cho chặng đua tính giờ. Khác với chặng đua chạy nước rút cá nhân prologue, các cua-rơ sẽ có cơ hội tận dụng hoặc sẽ bỏ lỡ thời gian để tiết kiệm sức lực. Chặng đua tiếp theo dài 56 km. Các vận động viên sẽ phải thi đấu ròng rã hơn một giờ. Bất kỳ ai không đảm bảo được thời gian theo đúng quy định sẽ phải từ biệt mọi người và rời cuộc chơi. Đó là lý do vì sao chúng tôi gọi chặng đua này là chặng đua sự thật.
Kik đến Nice thăm tôi. Suốt tuần qua, nàng luôn dõi theo tôi qua truyền hình nhưng giờ đây, Kik mong muốn được đến châu Âu để thăm nom tôi và vui vầy cùng bố mẹ ruột. Không khí căng thẳng của giải Tour de France không thích hợp để vợ chồng sum họp bởi vì tôi và đoàn đua bị cô lập và luôn bận bịu với các chiến lược thi đấu tiếp theo. Tuy nhiên, được gặp Kik dù chỉ một ngày thôi cũng là quá tốt rồi. Tôi nôn nóng muốn nhìn thấy bụng Kik đã to đến mức nào. Mặt khác, sự có mặt và động viên của Kik giúp tôi nhớ lại quãng thời gian tôi đã kiên trì tập luyện và chuẩn bị cho giải Tour de France. Nhờ đó, tôi có thêm niềm tin và động lực.
Sáng hôm tiếp tục chặng đua tiếp theo, tôi ra ngoài và xem xét con đường mình sắp phải đối mặt. Tôi đã quá quen thuộc với lộ trình này bởi vì tôi đã gắn bó cùng nó trong suốt thời gian tập luyện cùng đồng đội. Có hai ngọn đồi quan trọng cần vượt qua trong chặng này: một dài 1.500 mét và một dài 4.000 mét. Chặng đua dẫn lên ngọn đồi đầu tiên có vẻ khá dễ nhưng khi xuống dốc, chúng tôi sẽ phải đối mặt với những cơn gió mạnh thốc vào người. Chặng đua này đòi hỏi các cua-rơ phải có sức bền và sức chịu đựng cao vì họ sẽ phải lao thẳng vào vùng ngược gió. Chỉ vững tay lái thôi chưa đủ, chúng tôi phải làm sao duy trì được tốc độ ở mức cao nhất trong suốt thời gian hơn một giờ đồng hồ.
Tôi khởi động để làm ấm cơ thể trước khi ra đường đua. Các cua-rơ lần lượt tiến ra vạch xuất phát. Alex Zulle, cua-rơ tài năng của Thụy Sĩ, người không may bị vướng vào một vụ va chạm trong chặng Passage du Gois vừa qua là người đầu tiên xuất phát và đã chinh phục chặng đua trong thời gian 1 giờ 9 phút. Tôi không ngạc nhiên lắm. Zulle là một vận động viên tóc vàng với thân hình to cao, vạm vỡ và ý chí thi đấu kiên cường. Tôi sẽ phải học hỏi nhiều từ những vận động viên như thế trong suốt hành trình của chặng đua.
Abraham Olano, cua-rơ triển vọng cho chiếc áo vàng, ở lượt thứ hai. Tôi quan sát thấy Olano đã có một va chạm nhỏ khi đến đoạn cua và bị bỏ lại phía sau mất ba mươi giây. Anh ấy ngồi dậy và tiếp tục chặng đua nhưng tinh thần thì xuống hẳn trong sự cố đó.
Đến lượt tôi, tôi tự tin tiến ra vạch xuất phát và chạy rất sung sức. Bên tai tôi, Johan liên tục nhắc nhở và cập nhật cho tôi một số thông tin cần thiết về thời gian, nhịp thở… Qua hai mốc đầu tiên của chặng, Johan thông báo tôi đang ở trạng thái hưng phấn, tốc độ của tôi vượt hẳn hai cua-rơ trước đó.
Đến mốc thứ ba, tôi đã vượt mặt Zulle và tiếp tục kéo dài khoảng cách tương ứng với thời gian 1 phút 40 giây.
Trước mặt tôi giờ đây là tấm lưng của Olano.
Olano chưa từng bị đánh bại trong chặng đua cá nhân tính giờ nào. Bất chợt, Olano quay đầu về sau và trông thấy tôi. Tôi vươn người tăng tốc.
Tôi vượt lên ngang với Olano. Anh ta tỏ ra rất ngạc nhiên và sững sờ. Tôi đuổi kịp anh ấy – và lập tức vượt mặt. Khoảng cách ngày càng xa - Olano dần biến mất sau lưng tôi.
Johan vẫn không ngừng nhắc nhở và hướng dẫn tôi. Tôi đang đạp xe với tốc độ 100 vòng/phút. Johan cảnh báo: “Lance, nhanh quá, điều chỉnh sức lại ngay”. Nhận được lời cảnh báo, tôi lập tức giảm sức đạp trên hai chân.
Tôi bẻ lái theo khúc cua xuống đồi và bước vào chặng đua cuối. Hai bên đường chất đầy những đống cỏ khô đã úa màu. Bất chợt, tôi trông thấy một cua-rơ bị chấn thương đang nằm ngay bên vệ đường trước mặt. Qua màu áo của anh ta, tôi nhận ra cua-rơ đó thuộc đội Cofidis.
Chính là Bobby Julich – người đồng đội cũ của tôi.
Bobby đã mất tay lái và ngã khi vòng cua xuống đèo. Về sau, tôi nghe tin anh bị dập phổi và gãy xương sườn. Vậy là anh không thể tiếp tục cuộc đua.
Vòng cua vẫn chưa hết, tôi thả phanh lao người về trước.
Từ đám đông bên đường, một đứa bé bất ngờ chạy vụt qua.
Tôi lập tức bẻ lái để tránh. Nhịp tim tôi tăng mạnh do sự cố bất ngờ đó.
Nhưng tôi nhanh chóng lấy lại sự tập trung và tiếp tục chặng đua. Trước mặt tôi xuất hiện một vận động viên khác. Tôi dồn sức chạy nước rút cho đoạn cuối và cũng muốn vượt lên để nhìn rõ xem người đó là ai. Chiếc áo khoác màu xanh giúp tôi nhận ra anh là Tom Steels của đội tuyển Bỉ - một tay chạy nước rút cừ khôi đã giành chiến thắng trong hai chặng mở đầu trước đó và được xem là đối thủ đáng gờm cho chức vô địch.
Tôi tự hỏi: “Steels xuất phát trước mình đến sáu phút. Chẳng lẽ mình chạy nhanh đến thế sao?”.
Ngay lúc đó, tôi nghe tiếng Johan hét lớn vào tai nghe:
- Cậu đang đẩy nhanh nhịp độ của đoàn đua đấy. Mọi người đang rất phấn khích vì cậu đấy, Lance.
Và tôi vượt mặt Steels.
Tôi cảm thấy hai chân mình bỗng trở nên nặng nề, có lẽ axit lactic đã tiết ra quá nhiều khiến các cơ bắp tôi bị co cứng và kém linh hoạt. Tôi nhăn nhó vì kiệt sức. Tôi đã dồn sức quá nhiều ngay từ đầu chặng đua và giờ tôi phải trả giá vì điều đó. Gần về tới đích, một cơn gió mạnh thốc qua khiến tôi loạng choạng. Tôi tưởng như mình đã không thể giữ vững tay lái trước cơn gió đó. Vòng xe của tôi chậm dần, khoảng cách giữa tôi và Zulle ngày càng ngắn. Từng giây từng giây trôi qua, tôi gắng sức tiến về đích.
Cuối cùng, tôi cũng chạm đích và kết thúc chặng đua.
Tôi kiểm tra lại đồng hồ: 1 giờ 8 phút 36 giây. Tôi đã thắng. Tôi về trước Zulle chỉ vỏn vẹn 58 giây.
Tôi bước xuống xe, hai mắt lờ đờ do quá kiệt sức. Dù rất mệt nhưng tôi cảm thấy hưng phấn vì mình lại dẫn đầu trong một chặng đua của giải Tour de France. Đón nhận chiếc áo vàng của ban tổ chức và khoan khoái với những sợi vải cọ xát vào người, tôi biết rằng nó đã được đặt đúng chỗ.
Tôi bước xuống bục đài và tiến nhanh đến chỗ Kik. Tôi trao hoa và ôm hôn nàng. Đêm hôm đó, tôi đã nói với Kik: “Anh nhất định sẽ chinh phục giải đua này”.
Trở về khách sạn, đội U.S. Postal đã khui sâm-panh chúc mừng cho chiến thắng của tôi. Chúng tôi không uống nhiều bởi vì chặng đua hôm nay đã khiến mọi người gần như kiệt sức. Sau bữa ăn, Johan đứng dậy và tuyên bố:
- Được rồi, mọi người không uống thêm nữa nhé. Đây là ly cuối cùng bởi vì chúng ta sẽ còn uống sâm-panh suốt cả chặng đường từ đây đến Paris để ăn mừng cho những chiến thắng tiếp theo của đội.
Tất cả mọi người nâng ly tán thưởng cho câu nói ấy.
Chúng tôi bắt đầu bước vào chặng leo núi.
Kể từ lúc này, lộ trình sẽ không bằng phẳng, dễ dàng như ở đồng bằng. Chặng đua sẽ diễn ra hoàn toàn trên các vùng núi cao, nguy hiểm và đầy thử thách. Chặng đua vượt núi đầu tiên kéo dài 132,7 km tiến vào thành phố Sestrière nằm sát biên giới Pháp và Ý. Tôi đoán được suy nghĩ của các vận động viên khác: họ cho rằng tôi sẽ thua bởi trước đây, những chặng leo núi không phải là sở trường của tôi. Và họ bắt đầu nhìn ngắm chiếc áo vàng tôi đang khoác trên người.
Tôi dẫn đầu đoàn đua trong 2 phút 20 giây đầu tiên nhưng điều đó chưa thể nói gì, lộ trình chặng đua trên núi có thể khiến bạn bị tụt lại phía sau bất kỳ lúc nào và rất khó để rút ngắn khoảng cách một khi đã bị bỏ lại phía sau. Trong khi đó, tôi chưa từng được đánh giá cao trong những chặng leo núi. Một chặng đua đầy khó khăn và thử thách đang đợi tôi cũng như các cua-rơ khác. Nhưng xét cho cùng, nếu không có chiến thuật tốt thì bất kỳ vận động viên nào cũng có thể bị đào thải ngay. Tôi đã chuẩn bị tinh thần bị các đối thủ tấn công quyết liệt để tranh chiếc áo vàng, và họ không biết rằng tôi đã tập luyện gian khổ và quyết tâm đến thế nào cho chặng đua này.
Đây là chặng đua đòi hỏi sự chuẩn mực về thể chất lẫn đạo đức nghề nghiệp bởi vì tôi sẽ phải trông cậy vào các đồng nghiệp như Kevin Livingston và Tyler Hamilton rất nhiều ở giai đoạn đầu. Tinh thần đồng đội trong chặng này là rất quan trọng: Kevin và Tyler sẽ chạy trước dẫn tôi trong những đoạn vượt đèo để tiết kiệm sức cho tôi, như vậy tôi sẽ tiết kiệm được một phần sức lực để chạy nước rút vào đoạn cuối khi tiến vào Sestrière – đó mới là thời điểm các cua-rơ tấn công nhau quyết liệt để tranh giành chiếc áo vàng.
Chúng tôi đã có những nhận định chiến thuật như sau: chặng này xuất hiện một số đối thủ đáng gờm như Alex Zulle của Thụy Sĩ, Fernando Escartin của Tây ban Nha – người đã liên tục bám sát tôi trong các chặng gần đây. Giả sử nếu Zulle tìm cách vượt lên trên, một trong những cua-rơ của chúng tôi, có thể là Kevin, sẽ tách ra và lập tức cản đường anh ta. Một tay đua lão làng như Zulle hoàn toàn có khả năng bứt phá và tạo khoảng cách tương ứng với thời gian 2 phút trước khi có bất kỳ ai kịp nhận ra. Nếu không thận trọng với Zulle, anh ta sẽ soán vị trí dẫn đầu của tôi.
Nhiệm vụ của Kevin là lui về phía sau Zulle và theo sát mọi cử động của anh ta, đồng thời ngăn cản anh ta tách riêng đoàn đua và vượt đèo một mình. Chiến thuật này gọi là bám sát đối phương. Trong lúc Kevin bám sát và cản đường Zulle, các đồng đội khác sẽ giúp bảo vệ tôi khỏi mọi sự tấn công và hỗ trợ tôi vượt đèo. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng tôi sẽ kiểm soát được đoàn đua và có nhiều cơ hội giành chiến thắng.
Không phải bất kỳ vận động viên nào bứt phá vượt lên trước thì chúng tôi đều cử người ngăn lại. Đội chúng tôi sẽ không lãng phí thời gian và sức lực để canh chừng những cua-rơ hiếu thắng và không phải là đối thủ của tôi trong toàn chặng đua. Những lúc ấy, đồng đội tôi chỉ tập trung bảo vệ và giúp tôi vượt đèo. Họ chạy bao quanh tôi để chắc rằng các cua-rơ sẽ không thể tiếp cận và gây hại cho tôi trước khi tôi thật sự tách ra và chạy nước rút. Trường hợp tôi cần tiếp nước, đồng đội cũng sẽ nhiệt tình quay lại và lấy nước cho tôi.
Có ba ngọn đồi cao trên chặng đua tiến vào Sestrière: ngọn đầu tiên là đồi Télégraphe, thứ hai là đồi Galibier và cao nhất là ngọn Montgenèvre. Vạch đích sẽ nằm thoai thoải nơi dốc đồi hướng về Sestrière.
Để chinh phục chặng đường dài 240 km của ngày hôm đó, toàn đội U.S. Postal hành động như một cỗ máy được lập trình sẵn, mọi sự thay đổi đều đã có kế hoạch dự phòng, bất kỳ vấn đề nào phát sinh cũng sẽ được chúng tôi kịp thời ứng phó.
Đội Tây Ban Nha tấn công chúng tôi ngay từ khi mới xuất phát. Escartin tăng tốc khi rẽ vào chặng Télégraphe và có ý nhử chúng tôi đuổi theo. Nhưng tất cả thành viên trong đội quyết tâm giữ bình tĩnh và giữ sức cho những đoạn sau. Đến chặng Galibier, Kevin Livingston giúp tôi vượt lên tuyến đầu thì bất chợt trời đổ mưa to. Tôi chạy nép sát Kevin và liên tục động viên: “Kevin, cậu cừ lắm. Những kẻ phía sau chúng ta sẽ gặp rắc rối đây”.
Chúng tôi tạm biệt ngọn đồi Galibier rẽ xuống đoạn đường có hai hàng thông cao vút. Tôi khom người trên chiếc xe đạp đua và lao nhanh về phía trước với tốc độ gần 100 km/giờ. Mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn hơn khi chặng xuống đồi địa hình trở nên trúc trắc và ngoằn ngoèo. Sương mù vẫn phủ đầy. Nước mưa từ sườn núi cao chảy xiết xuống mặt đường. Phía sau tôi, Kevin bị trật bánh và té ngã do vạt áo mưa quấn vào bánh xe. Cậu ấy ngồi dậy và đi tiếp, nhưng sau trận mưa hôm ấy, Kevin lên cơn sốt mất mấy ngày.
Trước mặt chúng tôi đã là ngọn đồi Montgenèvre, trời mưa to trắng xóa cả con đường. Chúng tôi phải chạy xe hơn sáu giờ trong thời tiết lạnh buốt. Càng lên đến đỉnh đồi thời tiết càng khắc nghiệt hơn. Đến đoạn dẫn xuống đồi thì trời đổ cơn mưa đá. Lúc này, chỉ còn một số ít tay đua ở tuyến đầu, họ liên tục tấn công tôi như muốn húc tôi ngã nhào. Điều đó khiến tôi tức giận. Những vận động viên yếu sức đã bị bỏ lại phía sau. Tôi đang dẫn đầu đoàn đua cùng với nhiều tay đua leo núi nổi tiếng của thế giới. Và tôi chỉ còn lại một mình – không một đồng đội nào bên cạnh.
Điều an ủi duy nhất của tôi lúc này là vẫn được nghe giọng nói của Johan bên tai. Ông ấy vẫn đang dõi theo tôi trên chiếc ô tô của đoàn hỗ trợ, ngồi cạnh ông là Thom Weisel – nhà tài trợ chính cho đội U.S. Postal.
Đến dốc bên kia của đồi Montgenèvre, Ivan Gotti và Fernando Escartin bứt phá vượt lên đầu qua khúc cua cuối và tạo một khoảng cách khoảng 25 giây với nhóm phía sau gồm tôi và năm cua-rơ khác.
Chúng tôi bước vào chặng đua cuối vượt đèo Sestrière với đoạn đường dài gần 30 km. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã ngồi trên yên xe suốt hơn năm giờ và vẫn đang rất cố gắng để hoàn thành chặng đua. Tất cả chỉ còn là vấn đề ai sẽ bỏ cuộc, ai sẽ bám trụ và còn đủ sức để chạy nước rút về đích.
Khi còn cách đích 8 km, tôi bị kẹt trong nhóm thứ hai cùng năm cua-rơ khác và cách nhóm dẫn đầu 32 giây. Tất cả chúng tôi đang dồn sức để lên đồi. Bốn vận động viên cạnh tôi đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nổi trội nhất trong số họ là Zulle của Thụy Sĩ, anh vẫn luôn là nỗi ám ảnh của tôi.
Đã đến lúc tôi thực hiện chiến thuật tấn công.
Sắp đến một khúc cua nhỏ, tôi thình lình di chuyển vào giữa nhóm đua. Rồi tôi đứng bật người dậy và tăng tốc. Con ngựa chiến của tôi như thể lồng lên sau từng nhịp đạp. Tôi gần như thúc xe đụng vào những chiếc mô tô của ban tổ chức đang đi bên cạnh.
Từ phía sau, Johan cất giọng nói: “Lance, khoảng cách của cậu với nhóm dẫn đầu bây giờ là 30 mét”.
Johan lập tức kiểm tra nhịp tim để xác định ngưỡng chịu đựng cũng như mức độ tiêu hao năng lượng của tôi. Nhịp tim hiện tại của tôi đang là 180 – không quá đáng lo. Tôi vẫn cảm thấy thoải mái và tinh thần rất tốt.
Johan hét lên cảnh báo: “Lance, chạy nước rút đi, họ đang bỏ xa cậu đấy”.
Tôi rướn người đạp mạnh và lao vút về phía trước.
Cách đích 1 km, tôi đã rút ngắn thời gian với nhóm dẫn đầu xuống còn 11 giây. Thật lạ là tôi không hề cảm thấy mệt mà ngược lại, tôi đang rất sung mãn.
Hai cua-rơ đang dẫn đầu – Escartin và Gotti – quay người lại và nhìn thấy tôi. Tôi tiếp tục lao nhanh về trước. Khoảng cách mỗi lúc một thu hẹp lại.
Tôi đã tiến sát bánh xe sau của Escartin. Anh ta nhìn chằm chằm vào tôi và có vẻ hoảng hốt. Gotti cố gắng giữ khoảng cách để tôi không thể vượt mặt. Nhưng cuối cùng tôi dồn sức tăng tốc và vượt mặt cả hai người họ.
Tôi lơi sức đạp lên hai chân nhưng vẫn duy trì nhịp chạy khá nhanh. Tôi đang có ý thăm dò Escartin và Gotti để xem họ sẽ phản ứng như thế nào trước sự tấn công vừa rồi của tôi.
Tôi cố tình tạo một khoảng cách vừa phải với họ nhưng cả hai đều không rượt đuổi theo tôi. Thật lạ! Họ kiệt sức ư?
Johan thông báo: “Lance, khoảng cách đang là 10 mét”.
Tôi vung người chạy nước rút.
Johan tiếp tục: “30 – 40 – 50 mét rồi”. Ông bỗng ngừng lại rồi bất chợt nói tiếp: “Này Lance, sao cậu không đạp nhanh hơn nữa?”.
Tôi nhấc bổng người trên yên xe, chân tôi đạp vào bàn đạp xoay tít.
- Lance, tốt lắm, khoảng cách là 100 mét rồi. - Vẫn là giọng của Johan.
Một khi bạn tạo được khoảng cách với đối thủ và họ không phản ứng, điều đó cho thấy họ đang bị đau hoặc đã kiệt sức. Và đó là lúc bạn cần tận dụng cơ hội để bứt phá.
Chúng tôi chỉ còn cách đích hơn 6 km. Tôi vẫn không lơi nhịp đạp.
- Cậu đã bỏ xa họ rồi, Lance. – Johan hét lên đầy phấn khích.
Nhưng sau đó, Johan cảnh báo tôi rằng Zulle đang tăng tốc và rượt đuổi theo tôi. Zulle - vẫn là Zulle – anh ta luôn là nỗi ám ảnh của tôi.
- Johan này, tôi chỉ mới bắt đầu thôi. Tôi nhất định sẽ đánh bại anh ta. – Tôi đáp lời một cách quả quyết.
Kik lúc này đang nghỉ tại một khách sạn ở Ý và ngồi nhìn chăm chăm vào màn hình ti vi. Khi tôi vung người đứng dậy và thoăn thoắt từng nhịp trên bàn đạp, cô ấy cũng rướn người khỏi ghế lộ vẻ hồi hộp.
- Đạp nhanh nữa nào, Lance. – Kik hét lớn như thể tôi có thể nghe thấy lời nàng.
Tại Plano, Texas, mẹ tôi cũng đón xem đoạn tường thuật của cuộc đua vào cuối ngày do Pháp và Mỹ lệch múi giờ. Chính vì vậy, bà không biết rõ tình hình đang diễn ra của đoàn đua.
- Cẩn thận nào Lance. – Mẹ tôi hét lớn. – Lạy Chúa, thằng bé đã làm được!
Chiếc xe lắc dữ dội vì sức đạp của tôi. Tôi bắt đầu cảm nhận sự mệt mỏi đè nặng trên vai mình. Có vẻ như tôi đang dần kiệt sức, sức nặng cơ thể đang dồn hết lên chiếc xe đạp đua. Hốc mũi của tôi căng to để hít thật nhiều không khí cho mỗi nhịp thở. Hàm răng tôi nghiến chặt thể hiện sự quyết tâm cao độ.
Từ đây đến vạch đích vẫn còn một đoạn dài, tôi đang lo rằng Zulle sẽ theo kịp và vượt mặt tôi. Nhưng tôi không cho phép mình nản lòng. Tôi vẫn đang là người kiểm soát thế trận.
Tôi ngoái đầu nhìn lại phía sau, một phần ngông cuồng trong tôi vẫn mong rằng Zulle sẽ xuất hiện.
Nhưng tôi không thấy ai sau mình cả.
Tôi quay người trở lại phía trước và tập trung cao độ. Tôi đã thoáng thấy vạch đích ở cao trên dốc đồi. Thế là tôi lao nhanh về phía trước.
Bạn có nghĩ rằng trong đoạn đường cuối cùng đó, tôi có nghĩ đến căn bệnh ung thư mà mình đã mắc phải hay không? Không ư? Nếu khẳng định là không thì tôi đang nói dối, nhưng quả thật đó chỉ là những ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi. Mọi thứ đã được lưu lại trong một phần não bộ về khoảng thời gian tôi chiến đấu với căn bệnh, hay những suy nghĩ đắn đo về việc quay lại đường đua. Mỗi dòng suy nghĩ thoáng qua khiến tôi có lúc đạp nhanh hơn, có lúc buông lơi nhịp chân trên bàn đạp – nhưng tôi vẫn nhớ mình đang làm gì và phải làm gì.
Trên đoạn leo dốc, tôi bỗng có cảm giác đau, nhưng sự hân hoan phần nào giúp tôi lấn át được cơn đau đó. Đua xe là sự nghiệp của tôi, tôi hoàn toàn có thể rơi vào hiểm nguy trên đường đua mà không thể đoán trước được. Nhưng ít nhất, tôi sẽ không phải quay lại những ngày tháng nằm trên giường bệnh, chịu đựng những cơn vào thuốc kinh khủng như thể chúng sắp thiêu đốt cả cơ thể tôi và cả những cơn nôn ói vật vã liên tục năm ngày một tuần. Tôi sẽ không bao giờ quay lại khoảng thời gian khủng khiếp đó.
Vậy tôi đang nghĩ gì? Thật buồn cười vì tôi chợt nhớ đến một cảnh trong bộ phim Good Will Hunting. Trong phim, Matt Damon vào vai một thanh niên đường phố có tuổi thơ bất hạnh nhưng lại có bộ óc của một thiên tài toán học. Tôi nhớ mãi cảnh anh ta cố gắng bắt chuyện với những sinh viên giới thượng lưu của Đại học Harvard trong một quán rượu và giành phần thắng trước một anh bạn kiêu căng khi chiếm được cảm tình của một cô gái.
Damon đã hả hê hỏi anh bạn kia:
- Này, cậu có thích táo không?
- Có chứ, tôi thích.
- Tôi đã có số điện thoại của cô gái rồi đây. – Damon nói với vẻ đắc thắng. – Mà sao cậu lại thích táo nhỉ?
Vượt qua những chặng đường trắc trở của đường núi và chịu đựng điều kiện thời tiết khắc nghiệt, một chút hồi tưởng về bộ phim đó khiến tôi bật cười khanh khách.
Khi đang tiến sát về vạch đích, tôi cúi người nói vào bộ đàm đến Johan và Thom Weisel.
- Này, Thom, Johan. Hai ông thích ăn táo chứ?
- Có, nhưng sao? – Tôi cảm nhận cả Thom và Johan đều rất ngạc nhiên.
Tôi hét lớn vào máy bộ đàm:
- Sao hai ông lại thích ăn táo thế nhỉ?
Và tôi cán đích trong tiếng reo hò cổ vũ của mọi người. Tôi giơ cao hai nắm tay lên trời như một hành động thể hiện niềm kiêu hãnh của mình.
Tôi đã chiến thắng.
Trong căn phòng khách sạn ở Ý, vợ tôi – Kik – ngồi khóc trên ghế sofa khi trông thấy tôi phấn khích trong niềm vui chiến thắng.
Tại Indianapolis, LaTrice Haney cùng toàn thể nhân viên của bệnh viện và tất cả bệnh nhân hiện có mặt đều tập trung dõi theo tôi trên truyền hình. LaTrice nói lớn với mọi người: “Cậu ấy đã thành công. Cậu ấy đã chiến đấu tới cùng. Đó mới chính là Lance Armstrong”.
Sau kết quả của chặng tiến về Sestrière, giờ đây tôi đang đứng đầu giải Tour de France và hơn người về nhì với tổng thời gian 6 phút 3 giây.
Các cua-rơ không thể cảm nhận được vẻ đẹp xung quanh khi đang dốc sức vượt qua những chặng đua trên các vùng núi cao. Bạn sẽ không có thời gian để thưởng ngoạn, để ngắm nhìn những vách đá cheo leo dốc đứng, những mỏm đá sắc nhọn nhô cao như thách thức với đất trời, những tảng đá to nhấp nhô suốt con đường mòn men theo sườn núi và những đồng cỏ xanh mướt phía bên kia đồi. Tất cả những gì bạn nhắm đến là con đường đua trước mặt và đối thủ ở sau lưng bởi vì – tất nhiên, bạn không muốn trả giá chỉ bởi một phút lơ đãng.
Buổi sáng sau chiến thắng tại chặng Sestrière, tôi thức dậy sớm và dùng điểm tâm với đồng đội. Chúng tôi được cung cấp khẩu phần ăn là hai mươi lăm hộp ngũ cốc mỗi tuần và rất nhiều trứng gà. Bữa ăn của tôi bắt đầu bằng một món khai vị nhẹ, sau đó đến một đĩa ốp la từ ba đến bốn trứng gà, cuối cùng là một ít mì ống. Hôm nay sẽ là một ngày leo núi vất vả, vì vậy tôi cần nhiều năng lượng hơn. Chúng tôi sẽ thực hiện lộ trình Alpe d’Huez dài 14 km lên một vùng đồi dốc. Chặng lên bao gồm hai mươi mốt khúc cua khúc khuỷu, quanh co và một đoạn đường dài hiểm trở dẫn đến đỉnh đồi. Thời tiết ở chặng lên sẽ rất nóng, nhưng ở chặng về sẽ chuyển sang lạnh. Điều đặc biệt là ở một số đoạn, bề rộng của mặt đường đua chỉ vừa chiều ngang của tay lái. Vào đầu thập niên 90, khi các chặng đua vượt núi được đưa vào lộ trình của giải Tour de France, một cua-rơ sau khi hoàn thành chặng lên núi đã quay lại và hét lớn vào đoàn xe của ban tổ chức: “Các ông là những kẻ giết người”.
Tôi tránh tối đa sự ganh đua ở chặng này. Tôi không cần thiết tấn công ồ ạt như đã làm với chặng ở Sestrière, mục tiêu của tôi giờ đây chỉ đơn giản là theo dõi thành tích của những đối thủ quan trọng: Abraham Olano xếp sau tôi 6 phút 3 giây, Alex Zulle ở vị trí thứ tư và đang cách tôi 7 phút 47 giây, tiếp đó Fernando Escartin ở vị trí thứ tám và cách tôi 9 phút. Trước mắt, tôi chỉ cần dùng sức vừa đủ và không để hụt thời gian tôi đã tạo được ở chặng Sestrière so với các đối thủ.
Đoàn đua đã sẵn sàng xuất phát cho chặng Alpe d’Huez. Tôi muốn toàn đội thấy rằng tôi vẫn đang ở phong độ rất tốt bởi vì đây là yếu tố quan trọng đối với những chặng đua trên vùng cao. Tôi nói vui vọng vào bộ đàm của Johan khi đang leo dốc:
- Johan này.
- Gì vậy Lance? – Vẫn cái giọng đều đều ấy.
- Tôi có thể chinh phục chặng này dễ như chơi nếu ông cho tôi một chiếc xe đạp ba bánh.
Tôi nghe thấy tiếng cười phía đầu dây bên kia.
Chúng tôi xuất phát với tốc độ khá nhanh nhằm giới hạn các cuộc tấn công ồ ạt và cũng để loại bớt đối thủ. Đầu tiên, Tyler Hamilton hỗ trợ và che chắn cho tôi để tôi tiến lên cao. Tôi chạy sát Tyler và tán gẫu cùng anh suốt một chặng dài. Cả hai chúng tôi vượt mặt Olano. Giọng Johan vọng bên tai tôi: “Olano đã bị bỏ lại phía sau. Hai cậu làm tốt lắm”. Đối thủ tiếp theo của tôi là Manuel Beltran, một đồng đội của Zulle. Tôi hét lớn với Tyler: “Này, cậu chịu để tên Beltran đó đánh bại cậu sao?”.
Chúng tôi còn hơn 10 nghìn mét để vượt qua trong vòng ba mươi phút. Đột nhiên, Escartin và đồng đội của anh ta là Carlos Contreras xuất hiện. Tiếp theo đó là sự rượt đuổi của Pavel Tonkov, một đồng đội của Tom Steels. Nhiệm vụ của Tyler kết thúc. Tôi giờ đây phải một mình cản bước tiến của Tonkov. Chẳng bao lâu sau, Zulle xuất hiện cùng dàn bao các đồng đội đang hỗ trợ anh ta vượt đèo. Tất cả họ đều nhắm vào tôi và muốn loại tôi ra khỏi trận đấu.
Nhưng tôi không nản chí. Tôi vẫn duy trì được phong độ rất tốt. Điều đó có nghĩa là tôi còn ở đây thì không ai có thể tạo khoảng cách quá xa với tôi. Tôi tiếp tục duy trì ở vị trí thứ tư. Mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. Lúc này, chúng tôi còn 4 nghìn mét nữa là đến đỉnh, và thời gian quy định đang đếm ngược xuống 6 phút 30 giây. Bất chợt, một tay đua của Ý, Giuseppe Guerini, người đã hai lần về thứ ba tại giải đua quốc gia ở Ý, tăng tốc. Nhưng tổng thành tích về thời gian của Guerini tính đến lúc này đã thua tôi tới mười lăm phút, vì vậy tôi không cần coi sóc anh ta quá kỹ. Guerini vượt mặt tôi – nhưng tôi không quan tâm. Trong lúc đó, Zulle bị tụt lại. Anh ta đã không theo kịp nhịp độ cuộc đua.
Guerini tạo được một khoảng cách 20 giây với vận động viên thứ hai. Nhưng bất thình lình, anh suýt đụng phải một cổ động viên. Các cổ động viên đã quá khiếp sợ những vụ va chạm trên đường đua nên tất cả đều tránh xa lộ trình chạy peloton của đoàn đua. Vậy mà một cổ động viên cuồng nhiệt lại thoát khỏi dòng người và chạy thẳng ra giữa đường, tay giơ cao chiếc máy ảnh và bấm hình liên tục. Guerini phải bẻ lái gấp để tránh anh ta. Đó là chuyện bình thường trong giải Tour de France, đồng thời cũng là bằng chứng chứng tỏ rằng không phải sự dẫn đầu nào cũng suôn sẻ. Guerini khéo léo tránh được anh chàng cổ động viên quá khích đó và tiếp tục lao về phía trước. Nhưng không may cho anh, Tonkov từ phía sau đã băng lên và quyết định tấn công. Nhưng Guerini vẫn là người cán đích, anh đoạt chiếc áo vàng chặng này.
Tôi về đích thứ năm. Tính tổng thời gian, tôi đang dẫn trước Olano 7 phút 42 giây. Zulle với sự thụt lại ở chặng này đã làm tăng thời gian thua tôi lên 7 phút 47 giây.
Một ngày thi đấu của giải Tour de France lại trôi qua.
Tôi bắt đầu có thêm nhiều đối thủ ngay trên chặng tiến vào dãy Alps. Sự bứt phá trong những chặng đua vượt đèo của tôi nhanh chóng trở thành đề tài nóng hổi trên các mặt báo với dòng tít khiêu khích “Lance Armstrong trở nên sung sức hơn với những chặng vượt đèo”. Hơn thế tờ L’Equipe và Le Monde còn ngầm ý nói rằng sự trở lại của tôi là một phép mầu.
Tôi đã đoán trước sẽ có vấn đề nảy sinh sau chặng Sestrière. Dường như đã trở thành một thông lệ của giải Tour de France khi bất kỳ vận động viên nào giành được chiếc áo vàng ở chặng này đều có dính đến trường hợp dùng thuốc kích thích. Nhưng tôi khá sốc trước phản ứng và những lời phát ngôn vô căn cứ của cánh báo chí Pháp. Một số phóng viên quả quyết rằng bằng cách nào đó, việc hóa trị ung thư đã có tác động tốt đến khả năng đua xe của tôi. Họ suy đoán tôi đã được tiêm một loại hóa chất bí ẩn trong thời gian hóa trị ung thư có tác dụng kích thích hưng phấn và tăng cường sức lực. Những điều họ nói có lẽ bất kỳ chuyên gia ung thư nào trên thế giới mà nghe được chắc chắn sẽ có một tràng cười vỡ bụng.
Tôi quả thật không hiểu. Sao họ có thể nghĩ rằng quá trình điều trị ung thư lại có tác dụng như một loại chất kích thích? Có lẽ ngoại trừ bệnh nhân ung thư – những người đã trực tiếp trải qua giai đoạn điều trị - thì không ai có thể hiểu được nó khắc nghiệt đến mức nào. Trong suốt ba tháng liền, tôi liên tục được tiêm các loại hóa chất độc hại nhất mà con người từng biết. Chúng ăn dần ăn mòn cơ thể tôi mỗi ngày. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy cơ thể tôi bị nhiễm độc. Sau hơn ba năm kể từ ngày chấm dứt giai đoạn điều trị, tôi vẫn cảm giác những hóa chất đó vẫn còn đang ngấm trong cơ thể mình.
Tôi không làm điều gì sai trái. Các cuộc kiểm tra đã chứng tỏ tôi trong sạch. Và tôi biết không phải vô cớ mà mỗi lần đại diện ban tổ chức giải Tour de France chọn ngẫu nhiên một vận động viên để kiểm tra thì người đó đều là tôi. Kiểm tra nồng độ chất kích thích trong máu là một việc mà tất cả các cua-rơ đều muốn tránh bởi vì nó chứng tỏ họ bị nghi ngờ, hay nói đúng hơn là họ không được xem trọng. Cứ sau mỗi chặng đua, tôi lại bị đưa ngay đến một căn lều di động được dựng sẵn. Tại đó, tôi được yêu cầu ngồi lên ghế và một vị bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu của tôi để kiểm tra. Khi tôi nằm đó, máy ảnh của các phóng viên đều nhắm vào tôi và lóe sáng liên tục. Chúng tôi ví von những vị bác sĩ như thế là Ma cà rồng. Nếu ai đó phải đến gặp họ, chúng tôi thường nói vui rằng: “Tớ đi gặp ma cà rồng đây”. Nhưng tất cả các cuộc kiểm tra của tôi trước giờ đều cho cùng một kết quả: tôi không sử dụng chất kích thích. Ấy thế mà tôi vẫn luôn là người được chọn đi kiểm tra – hết lần này đến lần khác.
Trước giới báo chí, tôi nói rằng: “Cuộc đời tôi, căn bệnh ung thư của tôi, sự nghiệp của tôi đều trong sạch. Tôi không làm gì để phải hổ thẹn với lương tâm”. Không có một bí ẩn nào xung quanh chiến thắng của tôi ở Sestrière: chỉ đơn giản là tôi đã cố gắng hết sức mình để chinh phục đoạn đèo đó. Mọi người cần phải biết tôi đã tập luyện, đã vun đắp cho tinh thần và nghị lực của mình như thế nào trước cuộc thi. Chính vì vậy, chặng Sestrière không phải là thử thách quá sức đối với tôi. Độ dốc của chặng vừa phải và điều kiện thời tiết không quá khắc nghiệt so với những gì tôi đã từng trải qua. Nếu có gì đó bất thường về biểu hiện của tôi ở Sestrière thì đó chính là sự sung mãn mà ngay cả tôi cũng phải bất ngờ. Lúc đó, tôi chỉ cảm thấy một nguồn động lực mạnh mẽ thôi thúc mình phải tiến lên, tiến lên và không được chùn bước. Có vẻ như cánh báo giới vẫn không buông tha tôi, họ liên tục phủ nhận và đưa ra những lời cáo buộc về sự nổi trội bất thường của tôi trong chặng vừa rồi. Cuối cùng, tôi quyết định không biện minh và tránh phát ngôn nếu không thật sự cần thiết.
Trong khi đó ở chặng tiếp theo, đội U.S. Postal tiếp tục vươn lên tấn công như vũ bão. Chúng tôi bước vào đoạn chuyển tiếp giữa dãy Alps và dãy Pyrenees, vượt qua Massif Central – một vùng địa thế cao sát núi với địa hình nhấp nhô, xốc nảy khiến đôi chân và bánh lái của chúng tôi không khi nào được ngơi nghỉ. Tầm nhìn phía trước như mở rộng ra khi trước mắt chúng tôi là cánh đồng hoa hướng dương trải dài hai bên sườn núi báo hiệu đoàn đua đã tiến vào Pyrenees.
Chặng đua đã đến hồi kịch tính: tất cả những gì chúng tôi làm là tập trung tối đa vào con đường phía trước và chỉ đạp, đạp và đạp. Các cua-rơ bắt đầu chiến thuật tấn công. Không có thời gian để lơ đãng, để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh cũng như thời gian cho bất kỳ sai sót nào, vì chỉ trong phút chốc, bạn có thể sẽ mất vị trí của mình trong đoàn đua ngay. Chúng tôi nỗ lực kiểm soát cả đoàn đua phía sau đang ùn ùn kéo đến và duy trì được vị trí dẫn đầu trong giai đoạn chạy peloton. Tuy nhiên, chạy xe trong điều kiện vừa duy trì tốc độ vừa trông chừng đối thủ, chúng tôi cảm thấy rất áp lực và căng thẳng. Thời tiết oi bức, cộng thêm đoàn người peloton quá đông khiến chúng tôi cảm giác như mặt đất đang nứt ra dưới mỗi bước tiến của mình.
Frankie, George, Christian, Kevin và Peter là những người vất vả nhất. Frankie bắt đầu tăng tốc ở đoạn cua dẫn lên núi và cố gắng duy trì nhịp chạy để tách khỏi đoàn đua. Khi Frankie đuối sức, George lập tức tiến lên để thay thế và tiếp tục bỏ xa một số cua-rơ khác không theo kịp nhịp độ trận đấu. Tiếp đến là lượt của Tyler, cậu ấy dũng mãnh lao lên làm cuộc bứt phá, đối thủ của chúng tôi chỉ còn cách ngước nhìn mà không còn đủ sức để đuổi theo. Đến lúc này, Kevin sẽ hỗ trợ tôi vượt dốc, nhờ vậy mà tôi tiết kiệm được năng lượng và tránh tối đa sự tấn công từ đoàn peloton.
Mỗi ngày, cuộc chiến trên các chặng vùng cao càng trở nên căng thẳng. Các cua-rơ khác tiếp tục chiến thuật bám sát và tấn công đội chúng tôi bất kỳ lúc nào có cơ hội. Đoàn đua tiến vào Homme Mort – nơi được mệnh danh là con dốc tử thần với địa hình cực kỳ trắc trở kéo dài đến hàng trăm km. Đoàn đua bắt đầu dãn ra, nhiều cua-rơ liên tục bị tụt lại phía sau. Các đồng đội của tôi cũng bắt đầu rời xa nhau: chân của Peter Meinert-Neilsen bị chấn thương; bệnh của Kevin cũng trở nên trầm trọng hơn vì thời tiết thay đổi đột ngột ở dãy Alps; Frankie và George đuối sức vì đã hoạt động quá nhiều. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi dưới cái nóng rát của vùng núi cao, chân của các cua-rơ trong đôi giày thể thao đều phồng rộp cả lên.
Mọi việc càng khó khăn hơn khi cùng lúc có đến ba mươi cua-rơ từ phía sau lao lên chạy nước rút. Chúng tôi phải ngăn họ lại. Trên thực tế, bạn phải ứng biến cực kỳ nhanh nhạy. Vừa thấy họ băng lên, tôi lập tức tăng tốc mà không đợi Tyler, Frankie hay một ai khác. Tôi vượt mặt họ và duy trì ở vị trí dẫn đầu. Ngay lúc đó, tôi nghe thấy tiếng thét của Kevin trong máy bộ đàm: “Lance, anh đang làm gì thế? Lui xuống ngay. Chuyện đó không phải của anh”. Tôi nhận ra mình đã phạm phải sai lầm cũ – sự nôn nóng và hiếu thắng khiến tôi lãng phí sức lực của mình một cách vô ích.
Tôi lơi nhịp đạp, lui về sau và bảo toàn năng lượng. Các cua-rơ khác của U.S. Postal lập tức tiến lên và rượt đuổi nhóm đua đang tăng tốc.
Bạn đoán tôi đã nghĩ gì trong suốt 6 - 7 giờ đồng hồ ngồi liên tục trên xe? Tôi cũng tự hỏi mình câu hỏi đó và câu trả lời thật không mấy thú vị. Tôi chỉ nghĩ về chặng đua. Tôi không mơ màng, không lơ đãng. Tôi chỉ tập trung nghĩ về chiến thuật của từng vòng đấu. Tôi tự nhắc mình rằng đây là giải đấu mà tôi phải luôn thận trọng và cố gắng nếu muốn duy trì vị trí dẫn đầu. Quả thật, tôi rất lo một cua-rơ khác sẽ lao lên và cướp mất vị trí mà tôi đã khó khăn lắm mới đạt được. Tôi theo dõi sát sao mọi biến động của các đối thủ phòng trường hợp một người trong số họ tăng tốc. Đồng thời, tôi quan sát cẩn trọng xung quanh và phía trước mình nhằm tránh mọi va chạm đáng tiếc xảy ra.
Suốt năm ngày liên tiếp, chúng tôi đã băng qua vùng trung tâm nước Pháp và tiến về dãy Pyrenees với lộ trình từ Saint-Etienne đến Saint-Galmier, Saint-Flour rồi sang Albi, Castres và Saint-Gaudens. Chặng đua thứ mười ba cũng là chặng dài nhất của giải Tour de France vượt qua hơn bảy ngọn đồi và không hề có một đoạn đường bằng phẳng nào. Frankie nói vui lộ trình chặng này nhìn trong bản đồ không khác gì một lưỡi cưa, và thật sự là như vậy. Peter Meinert-Neilsen cuối cùng phải rời đoàn đua vì chấn thương ở vùng đầu gối của cậu ấy ngày càng nặng hơn.
Suốt chặng đua, chúng tôi thường nhanh cảm thấy đói và khát nước. Những lúc như vậy, chúng tôi thường ăn tạm vài chiếc bánh ngọt làm từ bột yến mạch hay các loại thức ăn dinh dưỡng có chứa hợp chất hydrat-cacbon. Về nước uống, chúng tôi sử dụng những loại nước có đường như Cytomax và Metabol.
Hằng đêm, trong lúc ăn tối, cả đội thường tán gẫu bằng những câu chuyện phiếm được mọi người thêm thắt tình tiết vui. Đặc biệt, đội chúng tôi rất thích thú với cách kể chuyện của vị đầu bếp trưởng người Thụy Sĩ, ông Willy Balmet, nay đã 65 tuổi. Ông trở thành một chiến hữu thân tình với tôi một cách thật tình cờ. Ông Willy trông trẻ hơn so với tuổi thực và có thể nói được sáu ngôn ngữ khác nhau. Ông thậm chí còn nói được một ít tiếng Bantu. Nhà bếp chính là lãnh địa riêng của Willy và trong suốt nhiều năm qua, chưa khi nào tôi nghe thấy một lời than phiền về ông cả. Willy thường đến chung vui cùng đội của tôi và luôn có cách khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Ngoài ra, ông cũng là người duy nhất được phép chuẩn bị món mì ống cho đội U.S. Postal – không vị đầu bếp nào khác được phép sờ tay vào món này.
Về phần Kik, nàng luôn sát cánh với những chặng đua của tôi. Mỗi khi đến một thành phố hoặc một vùng nào của châu Âu, Kik đều bỏ thời gian vào nhà thờ và kính cẩn thắp một cây nến để cầu nguyện. Đến Rome, Kik đích thân vào tòa thánh Vatican để thắp một ngọn nến.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đã đối mặt với dãy Pyrenees.
Đoàn đua băng qua một vùng quê và tiến vào địa phận của Saint-Gaudens. Chặng chinh phục dãy Pyrenees là cơ hội cuối cùng để các đối thủ có thể tìm cách loại tôi ra khỏi vị trí dẫn đầu. Chỉ cần chút sơ hở và lơ đễnh là thành tích của tôi sẽ bị vượt qua. Chỉ khi nào vượt núi thành công và bon bon trên đoạn đường về đích, tôi mới thật sự tin rằng mình chiến thắng.
Áp lực tấn công từ các đối thủ khiến tôi khá căng thẳng. Tôi đã nắm rõ chiến thuật kiên trì - bám sát - giữ sức và sau đó tăng tốc chạy nước rút về đích. Nhưng chiếc áo vàng tôi đang khoác trên người vừa là một trải nghiệm mới mẻ vừa là một áp lực khác đè nặng lên vai tôi. Tôi nhận ra khi bạn giành được chiếc áo vàng thì bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều kẻ thù. Các đồng đội liên tục theo dõi tình hình sức khỏe và kỹ thuật thi đấu của tôi mỗi ngày. Nhưng điều khiến tôi phật ý chính là phản ứng và thái độ của giới báo chí trước sự trở lại đầy chông gai của tôi. Họ như thể theo dõi nhất cử nhất động của tôi và đưa ra hàng loạt những đánh giá vô căn cứ. Nói cho cùng, họ không tin vào sự trở lại trong sạch của tôi – họ cho rằng tôi có vấn đề.
Tôi quyết định phải làm một điều gì đó. Và thế là tôi tổ chức một buổi họp báo ở Saint-Gaudens. Trong buổi họp báo, tôi phát biểu: “Tôi đã từng đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Và tôi cho rằng mình đủ sáng suốt để không làm những điều gây hại cho danh dự của chính mình”. Tất cả mọi người đều biết rằng việc sử dụng chất kích thích trong thi đấu là rất nguy hại, nó có thể gây ra sự mất cân bằng trong lưu thông máu và dễ dẫn đến đột quỵ. Hơn nữa, tôi cũng nói rằng chiến thắng của tôi tại Sestrière không phải là một điều quá ngạc nhiên bởi trước khi mắc bệnh, tôi đã từng là nhà vô địch thế giới.
“Tôi tự tin khẳng định rằng mình không dùng thuốc kích thích. Tôi cho rằng với những thành tích trước đây và tình hình sức khỏe hiện tại của mình thì việc tôi bứt phá và giành chiến thắng ở những chặng đua vượt đèo không phải là chuyện quá khó. Tôi không phải mới ngày một ngày hai bước chân vào làng thể thao đua xe đạp. Tôi biết mọi người nghi ngờ về sự trở lại của tôi, nhưng tôi không gian lận trong thi đấu. Và một khi tôi được chứng minh là trong sạch, tôi hy vọng mọi người sẽ cẩn trọng hơn và không nên đưa ra những nhận định vô căn cứ”.
Để khẳng định những gì mình tuyên bố, điều tôi có thể làm lúc này là chuyên tâm cho giải đấu, tự tin bước vào các cuộc kiểm tra theo ý muốn chủ quan của ban tổ chức và mọi người, đồng thời ứng phó với các câu hỏi của cánh phóng viên. Chúng tôi bắt đầu vượt dãy Pyrenees với chặng đua xuất phát từ Saint-Gaudens đến Piau-Engaly với lộ trình phải vượt qua hơn bảy ngọn núi. Ở những chặng vượt núi trước, nếu thời tiết rất lạnh và có xuất hiện bão tuyết thì đến chặng này, thời tiết lại khá nóng và oi bức. Các vận động viên liên tục ra hiệu cần tiếp nước. Chặng xuống đồi trở nên nguy hiểm hơn khi địa hình quanh co và dốc đứng.
Chặng đua kết thúc ngay sát biên giới Tây Ban Nha – điều đó đồng nghĩa với việc các cua-rơ đội Tây Ban Nha sẽ rất hưng phấn khi được cổ động viên nhà cổ vũ nhiệt tình. Escartin trở thành cua-rơ tiềm năng cho chiếc áo vàng. Không chỉ riêng chặng này, Escartin luôn bám sát và tấn công tôi bất kỳ lúc nào anh thấy có cơ hội. Trong một khoảnh khắc xáo trộn của đoàn đua, đội U.S. Postal không may bị phân tách và chỉ còn lại một mình tôi chiến đấu ở tuyến đầu. Escartin tăng tốc như một cỗ máy. Tôi cố gắng ngăn cản anh ta bứt phá và kéo dài thời gian về đích của Escartin.
Dãy Pyrenees hùng vĩ đã xuất hiện trước mặt, lúc này, tôi quyết định vượt qua Zulle và leo lên vị trí thứ hai của đoàn đua. Chỉ còn hai ngọn đồi nữa là chúng tôi sẽ về đích. Không vận động viên nào còn đủ sức để rượt đuổi Escartin. Đến chặng cuối, tôi gần như bị kiệt sức. Năng lượng tôi hấp thụ từ lúc sáng đã tiêu hao sạch và trong suốt chặng đua từ đầu đến giờ, tôi vẫn chưa tiếp thêm năng lượng cho cơ thể. Tôi bị tụt lại phía sau và về đích ở vị trí thứ tư. Mọi suy đoán đều đúng - Escartin trở thành người chiến thắng và vượt lên vị trí thứ hai tính theo tổng thời gian. Kết quả chung cuộc: Escartin thua tôi 6 phút 19 giây, tiếp đó là Zulle với 7 phút 26 giây.
Khi tôi về đích, một phóng viên của đài truyền hình Pháp lao đến và đưa tin rằng: đã tìm được bằng chứng chứng tỏ tôi sử dụng chất kích thích. Tất nhiên, thông tin đó là hoàn toàn sai. Tôi quay về khách sạn nơi đội U.S. Postal đang nghỉ và phải khó khăn lắm mới có thể vượt qua đám đông báo giới đang vồ vập săn tin. Tôi lập tức tổ chức họp báo để minh oan cho mình. Đó là điều duy nhất tôi có thể làm trước những làn sóng phản đối của dư luận và cứ ba - bốn ngày, dù không muốn nhưng tôi vẫn phải đứng ra phát biểu trước công chúng một lần trong buổi họp báo.
Tờ Le Monde đã đăng một bài viết khẳng định rằng cuộc kiểm tra vừa qua cho thấy có một lượng nhỏ chất corticosteroid trong nước tiểu của tôi. Sự thật là tôi có sử dụng một loại kem bôi có chứa corticosteroid – một loại thuốc chống viêm và dị ứng để thoa lên những vùng cọ xát với yên xe, tuy nhiên tôi đã giải trình việc này với ban tổ chức và được họ chấp nhận ngay trước khi giải Tour de France diễn ra. Trước tình hình này, đại diện của ban tổ chức Tour de France đã phải lên tiếng bênh vực và tuyên bố tôi trong sạch. Trước báo giới, tôi nói: “Tờ Le Monde đang cố tìm kiếm một câu chuyện nào đó để gán tội cho tôi và họ chỉ tìm được một câu chuyện vụng về về tuýp kem thoa ngoài da”.
Tôi cảm thấy thất vọng và bị tổn thương trước búa rìu dư luận. Tôi đã rất cố gắng để quay lại và chứng minh cho mọi người thấy nỗ lực của tôi. Vậy mà giờ đây tôi phải trả giá cho quyết định của mình và mọi nỗ lực của tôi đều không được công nhận là trong sạch.
Sau đó, tôi phát hiện ra những người đang đứng sau và khiêu khích giới truyền thông rằng tôi sử dụng chất kích thích thật ra lại là những người đã bỏ rơi khi tôi đang nằm trên giường bệnh. Họ là những người đã thốt lên lời mỉa mai rằng: “Anh ta thế là hết đời rồi. Anh ta sẽ không bao giờ trở lại đường đua được nữa”. Khi tôi quyết định quay lại đường đua, cũng chính họ là người đã từ chối hỗ trợ tôi: “Không, chúng tôi không thể cho cậu ấy cơ hội nào nữa. Cậu ấy sẽ chẳng làm được gì đâu”.
Giờ đây, tôi đang là cua-rơ dẫn đầu của giải Tour de France, tôi đang khoác trên người chiếc áo vàng chiến thắng và tên tôi bắt đầu được mọi người nhắc đến như một trong những cua-rơ sáng giá cho chức vô địch, thì lại là họ - những con người không bao giờ công nhận nỗ lực của tôi – nói rằng: “Không thể như thế được. Các anh phải tiếp tục kiểm tra nữa đi, có điều gì đó rất bí ẩn về cậu ta”.
Nghĩ lại, tôi thấy mình thật sáng suốt khi đã không chấp nhận những đề nghị của họ trong thời gian nằm trên giường bệnh.
Ở một khía cạnh khác, tôi cảm thấy buồn vì giới phóng viên Pháp lại không đứng về phía tôi. Tôi sống ở Pháp và tôi yêu mến mảnh đất này. Sau sự cố của giải Tour de France năm vừa qua, một số các cua-rơ hàng đầu đã rời khỏi Pháp – nhưng tôi thì không. Trong khi các cua-rơ khác rất sợ bị cảnh sát quấy nhiễu và bị chính quyền theo dõi thì tôi vẫn hăng say tập luyện mỗi ngày. Tôi không sợ hay nói đúng hơn, tôi không làm gì sai trái để phải lảng tránh họ cả.
Tôi phát biểu trước các phóng viên: “Tôi sống ở Pháp. Tôi đã trải qua cả tháng năm và tháng sáu ở đây chỉ để tập luyện. Nếu tôi muốn giấu giếm chuyện gì thì tôi đã không chọn dừng chân ở đất nước này”.
Nhưng rất tiếc, họ không cho đăng tin này.
Sáng hôm sau, chúng tôi chuẩn bị tiến vào Col du Tourmalet – ngọn núi nổi tiếng nhất của toàn giải đua. Con đường dẫn lên núi dài đến 16 km và đứng từ xa nhìn nó như một vệt màu dốc đứng lên trời. Đây là chặng leo núi cuối cùng và chúng tôi biết rằng lần này những cuộc tấn công sẽ càng quyết liệt hơn rất nhiều. Tính đến lúc này, đội của tôi gần như đã kiệt sức khi luôn phải duy trì ở nhóm dẫn đầu, hứng chịu mọi cơn gió, trong khi vẫn phải luôn ngăn cản không cho đối thủ vượt lên. Nhưng chỉ cần chúng tôi điều khiển và giữ được thế chủ động trong chặng đua cuối này, sẽ không đội nhóm nào có thể soán ngôi vô địch của chúng tôi được nữa.
Ngay khi đoàn đua đến chân núi Tourmalet, các cua-rơ khác bắt đầu tấn công. Chúng tôi cố giữ nhịp chạy và duy trì khoảng cách với đối thủ. Còn 8 km nữa là đến đỉnh, chúng tôi cùng nhau tăng tốc. Virenque, một tay đua của Pháp, tiến lên so tài với Kevin và nói với vẻ khiêu khích rằng Kevin chắc chắn sẽ bỏ cuộc. Kevin quay sang và hét vào mặt anh ta: “Anh mới là kẻ phải bỏ cuộc đấy”. Nói xong, Kevin vung người đạp nhanh và bỏ lại Virenque ở phía sau. Trên suốt chặng đua, Virenque liên tục rượt đuổi chúng tôi.
Tôi và Escartin bám sát nhau trên đường lên đỉnh núi. Tôi quan sát anh ta rất kỹ. Escartin tận dụng một khúc cua để lao lên tấn công. Tôi ở ngay sau anh ta – tiếp đến là Zulle. Chỉ còn duy nhất ba chúng tôi ở nhóm dẫn đầu. Khi đã lên đến đỉnh núi, chúng tôi ngoái đầu nhìn lại màn mây trắng xóa phía sau lưng mình. Trên chặng xuống núi, sương mù và mây lại bao phủ khiến chúng tôi không thể nào nhìn thấy đoạn đường trước mặt. Đó là một cảm giác rất đáng sợ khi bạn đạp xe với tốc độ cao trên đường đèo không có rào chắn mà không thể nhìn rõ mọi thứ trước mắt mình.
Điều quan trọng nhất đối với tôi lúc này là làm sao giữ được khoảng cách ngang hàng với các đối thủ hoặc phải vượt lên họ. Chúng tôi tiếp tục đối mặt với ngọn đồi thứ hai – ngọn Col du Soulor. Escartin lại tấn công và một lần nữa, tôi phải lao lên bám sát. Đỉnh đồi cũng bị sương mù bao phủ trắng xóa. Giờ đây, chúng tôi chỉ còn một ngọn đồi phải chinh phục – ngọn Col d’Aubisque với chặng leo đồi dài 7,5 km. Sau đó, chúng tôi sẽ chạy nước rút về đích với tốc độ lên đến 100 km/giờ.
Hiện tại nhóm dẫn đầu chỉ còn ba vận động viên đang tranh nhau chức vô địch gồm tôi, Escartin và Zulle. Nhóm thứ hai với chín vận động viên đang bám sát hết sức quyết liệt. Tôi không quan tâm đến chiến thắng ở chặng này. Khi còn cách đích 4 km, tôi quyết định sẽ lơi nhịp đạp để mặc các cua-rơ khác ganh nhau vị trí dẫn đầu. Tôi không muốn bị va chạm. Tôi còn một sứ mạng cao cả hơn – đó là bảo vệ chiếc áo vàng.
Tôi tiến về vạch đích thành công theo đúng kế hoạch. Lúc này, tôi cảm thấy rất mệt nhưng khá hài lòng vì mình đã bảo vệ được vị trí dẫn đầu tính theo tổng thời gian. Nhưng sau hơn năm giờ ngồi trên yên xe và tiêu hao năng lượng liên tục, tôi sắp phải đối mặt với một buổi họp báo kéo dài gần hai giờ. Tôi có cảm giác giới truyền thông đang ra sức để đánh bại tôi về mặt tinh thần khi chứng kiến các cua-rơ khác không thể đánh bại tôi trên đường đua. Tôi có một chặng đua khác – chặng đua tìm lại sự trong sạch cho mình, và đối thủ của tôi lúc này chính là giới truyền thông.
Ngày hôm đó, Liên đoàn đua xe đạp quốc tế công bố tất cả các kết quả xét nghiệm của tôi – tất cả đều đạt chuẩn. Đồng thời, tôi nhận được sự ủng hộ hết mình của Jean-Marie Leblanc - một nhà tài trợ lớn cho các cuộc đua xe đạp. Ông nói rằng: “Tấm gương đấu tranh vượt qua bệnh tật của Armstrong là dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể loại bỏ những vụ việc tiêu cực trong giải Tour de France”.
Chúng tôi đã vượt qua tất cả sự tấn công đến từ đối thủ trên đường đua và cả những đối thủ ngoài dư luận. Chiếc áo vàng trên người tôi đã được bảo vệ thành công. Vậy là chúng tôi đã làm được, chúng tôi đã chinh phục được những ngọn núi tử thần. Kết quả chung cuộc: sau ba tuần chiến đấu với quãng đường hơn 3.500 km, tôi đang dẫn đầu đoàn đua với tổng thành tích 86 giờ 46 phút 20 giây. Về sau tôi với khoảng cách 6 phút 15 giây là Escartin, và ở vị trí thứ ba chính là Alex Zulle với thành tích kém tôi 7 phút 28 giây.
Tôi vẫn đang là chủ nhân của chiếc áo vàng.
Càng tiến gần đến Paris, tôi càng thấy sợ. Hằng đêm, tôi thường choàng tỉnh giấc và toát mồ hôi lạnh khắp người, những triệu chứng ấy làm tôi lo sợ tự hỏi liệu căn bệnh ung thư đã thật sự ra đi hay chưa. Những cơn dằn vặt vào giữa đêm diễn ra còn kinh khủng hơn khoảng thời gian tôi điều trị bệnh. Trước đây, tôi từng cố tự nhủ mình rằng cuộc chiến giành lại sự sống quan trọng hơn nhiều so với cuộc chiến chinh phục giải Tour de France, nhưng nay tôi đã nghĩ khác, tôi nhận ra chúng đều quan trọng và có ý nghĩa đối với tôi.
Tôi không phải là người duy nhất trong đoàn đua cảm thấy căng thẳng. Anh thợ máy của chúng tôi cũng tỏ ra cẩn trọng đến mức anh quyết định sẽ mang những chiếc xe đạp đua vào phòng và vừa ngủ vừa canh chừng. Anh không đồng ý đặt nó trong nhà xe vì sợ có kẻ phá hoại. Ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra với con ngựa sắt của tôi và khiến tôi không thể tiếp tục cuộc đua? Cuối chặng mười bảy, chặng tiến về Bordeaux là một ví dụ, một số kẻ quá khích đã xông ra từ hai bên đường và vung bột tiêu vào đoàn peloton, một số vận động viên phải dừng xe và nôn mửa.
Còn một mối đe dọa khác nữa là sự va chạm trong đoàn đua. Trước mắt, tôi chỉ còn một chặng đua cá nhân tính giờ trên quãng đường 57 km xuyên qua Futuroscope. Có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong chặng đua tính giờ này, đáng sợ nhất là tôi có thể bị va quẹt, té ngã và gãy xương.
Và tôi muốn chiến thắng trong chặng này. Đây là cơ hội cuối cùng để tôi chứng minh với tất cả mọi người, với các phóng viên và những kẻ chuyên tung tin xấu về tôi. Tôi đã vượt qua được những buổi họp báo (Sau chặng mười bảy, dù không xuất phát từ tin đồn tôi sử dụng chất kích thích nhưng tôi vẫn được ngẫu nhiên chọn đi kiểm tra). Tuy nhiên, mục tiêu chiến thắng trong chặng đua cá nhân tính giờ không phải là chuyện dễ dàng, bởi vì những cua-rơ băng lên tuyến đầu thường dễ bị vướng vào những vụ va chạm đáng tiếc và nếu nặng có thể sẽ phải bỏ cuộc.
Đây là thử thách mà chúng tôi thường xuyên phải đối mặt. Còn nhớ chuyện đã xảy ra với Bobby Julich ở Metz: anh chạy với tốc độ 88 km/giờ và bị lật tay lái té ngã. Bobby lập tức bị xuất huyết lồng ngực và phải dừng chặng đua. Tôi cũng đã gần như trật bánh khi tránh một đứa bé chạy băng qua đường ngay khúc cua. Trong chặng Alpe d’Huez, các cổ động viên phấn khích lao ra đường khiến Guerini bị lạc tay lái. Và Zulle ắt hẳn sẽ rút ngắn khoảng cách với tôi nếu anh ta không bị va chạm và cũng lạc tay lái trong chặng đua khởi đầu.
Vào đêm trước chặng đấu, Bill Stapleton đến thăm tôi ở khách sạn và nói:
- Lance, tôi không phải huấn luyện viên của cậu, nhưng tôi cho rằng cậu đừng quá bị áp lực về chặng đua ngày mai. Nếu không cẩn thận, cậu sẽ mất tất cả. Chỉ cần cậu hoàn thành chặng đua là tốt rồi. Đừng làm điều gì ngu ngốc cả.
Theo Bill, tốt nhất là tôi không nên liều lĩnh, không để bị té ngã, không tự làm mình bị chấn thương và không nên lãng phí thời gian vì bất kỳ cuộc va chạm nào.
Nhưng tôi không quan tâm đến những chuyện đó. Tôi trả lời Bill:
- Bill, anh nghĩ anh đang nói chuyện với ai thế?
- Sao?
- Ngày mai tôi sẽ chạy hết tốc lực. Tôi sẽ dồn hết sức vào chặng đua. Và tôi sẽ ghi tên mình vào bảng danh dự của giải Tour de France.
- Thôi được. – Bill nhượng bộ. – Nhưng tôi nghĩ cậu nên suy nghĩ về những điều tôi nói.
Tôi đã bảo vệ chiếc áo vàng thành công từ chặng đua ở Metz và tôi không muốn từ bỏ nó lúc này. Ở những chặng trước, tôi và đồng đội đã phối hợp với nhau rất hoàn hảo nhưng giờ đây, tôi muốn chiến thắng với vai trò là một cá nhân độc lập. Trong lịch sử, chỉ có duy nhất ba cua-rơ đã đánh bại mọi kỷ lục của giải Tour de France và họ cũng là ba tay đua kiệt xuất nhất. Đó là Bernard Hinault, Eddy Merckx và Miguel Indurain. Tôi muốn mình cũng được như họ.
Đêm đó, tôi không ngủ được. Scott MacEachern của hãng Nike đến thăm tôi và Stapleton cũng đến. Johan ngạc nhiên khi trông thấy Scott nằm dài trên giường tôi còn tôi thì đứng. Johan nhìn đồng hồ: đã 11 giờ 30 tối. Ông ra lệnh: “Lance, đến giờ đi ngủ rồi đấy”.
Mẹ tôi cũng bay đến Futuroscope. Tôi sắp xếp để bà được đi cùng trên một trong những chiếc xe của đoàn hỗ trợ. Bà muốn ở cạnh tôi để chắc rằng tôi sẽ không gặp bất cứ bất trắc nào.
Thực ra, chặng đua cá nhân tính giờ chỉ là cuộc đấu giữa cua-rơ và chiếc đồng hồ. Lộ trình của chặng đua dài hơn 57 km và theo quy định, các cua-rơ phải hoàn thành trong thời gian tối đa là 1 giờ 15 phút.
Các cua-rơ khởi hành theo thứ tự từ dưới lên, điều đó đồng nghĩa với việc tôi là người xuất phát cuối cùng. Thế là tôi trở vào chuẩn bị cho con ngựa sắt của mình.
Trong lúc tôi khởi động làm ấm cơ thể, thì đồng đội Tyler Hamilton của tôi bước vào vạch xuất phát. Tyler được giao nhiệm vụ tiền trạm và đều đặn gửi về cho tôi thông tin về mọi diễn biến của toàn chặng. Trong chặng này, Zulle về đích với thời gian 1 giờ 8 phút 26 giây.
Đến lượt tôi. Tôi tiến ra vạch xuất phát và lao đi như một cơn lốc. Trước mặt tôi đang là Escartin, anh đã khởi hành trước tôi ba phút.
Tôi cúi đầu xuống thấp và bám sát theo Escartin. Tôi tập trung hoàn toàn vào con đường trước mặt.
Tôi đạt thời gian nhanh nhất trong hai cột mốc đầu của toàn chặng. Trên đoàn xe phía sau, cả người mẹ tôi đang lắc lư không ngừng khi xe tăng tốc để theo kịp mỗi vòng chạy của tôi.
Sau ba lần kiểm tra, tôi vẫn đang ở vị trí dẫn đầu với thời gian 50 phút 55 giây. Vấn đề chính là liệu tôi có duy trì được phong độ này trong suốt chặng đường còn lại hay không.
Khi còn cách đích 6 km, tôi đang dẫn trước Zulle 20 giây. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy đuối sức, những chặng đua trước đã lấy đi của tôi quá nhiều năng lượng. Tôi đang mất dần thời gian và tôi biết điều đó. Nếu tôi đánh bại được Zulle, kết quả chắc sẽ chỉ sít sao trong vài giây. Đến khúc cua cuối, tôi rướn người dậy và tăng tốc. Tôi cố gắng chạy nước rút cho đoạn cuối và tập trung cao độ để tránh va chạm. Tuy nhiên, với tốc độ nhanh như một cơn lốc, có lúc tôi tưởng mình đã bị bắn khỏi đường đua mỗi khi cua gấp.
Vạch đích đã hiện ra trước mắt. Tôi nghiến chặt răng, vừa nhẩm đếm thời gian vừa dồn sức vào hai chân. Và tôi cán đích. Đồng hồ trên xe tôi báo: 1 giờ 8 phút 17 giây.
Tôi chiến thắng với kết quả sít sao 9 giây so với người về thứ hai.
Tôi vòng xe vào khu cách ly, hãm phanh và ngồi bệt xuống đất.
Tôi đã chiến thắng, tôi đã chinh phục được giải Tour de France. Giờ đây, tôi có thể chắc chắn như thế. Đối thủ duy nhất còn lại của tôi lúc này là Zulle. Tuy nhiên, xét trên tổng thời gian, Zulle đang thua tôi 7 phút 37 giây – một biên độ quá xa mà anh không thể rút ngắn được trong chặng cuối cùng tiến về Paris.
Tôi đã đến rất gần với chiến thắng. Nghĩ lại, tôi thấy mình đã vượt qua hai cuộc chiến thật sự: một cuộc chiến để vượt qua bản thân mình để quyết định tham gia giải Tour, cuộc chiến thứ hai là cuộc chiến với các đối thủ ngay trong giải Tour de France. Khởi đầu với chặng prologue, tôi chưa cảm thấy áp lực nhiều và cực kỳ hưng phấn. Tuần đầu tiên diễn ra khá an toàn vì các cua-rơ còn trong giai đoạn thăm dò lẫn nhau. Những chặng tiếp theo khiến tôi lao lực nhiều hơn khi băng qua Metz và Sestrière, chưa kể đến những thông tin bên lề cuộc đấu khiến tôi càng thêm căng thẳng. Giờ đây, chiến thắng ở chặng đua cuối mang lại cho tôi một cảm giác sảng khoái lạ thường. Tôi vui vì biết rằng quyết định quay lại đường đua của tôi là hoàn toàn đúng đắn. Tôi sẽ vẫn mặc chiếc áo vàng trong chặng tiến về thủ đô Paris.
Khi tôi bước lên bục vinh quang, mẹ tôi vỗ tay phấn khởi, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào. Trước lúc chặng đua diễn ra, tôi không được gặp bà, nên ngay sau lễ trao giải, tôi liền chạy đến ôm mẹ thể hiện niềm vui chiến thắng. Mẹ tôi nói: “Con sẽ không tin chuyện gì đang xảy ra ở nhà đâu. Mẹ biết thật khó để con hiểu hay thậm chí nghĩ đến việc đó lúc này nhưng hiện tại, mọi người ở Mỹ đang rất vui và tự hào vì con đấy. Họ cổ vũ cho con nồng nhiệt. Nói thật là mẹ chưa từng thấy kỳ tích nào như vậy trước đây cả”.
Sau đó tôi và mẹ đi ăn trưa rồi trở về khách sạn. Đám đông phóng viên đang vây kín khắp các hành lang và cửa ra vào. Tôi che chắn cho mẹ quay trở về phòng. Một phóng viên người Pháp cố gắng phỏng vấn mẹ tôi:
- Xin lỗi, chúng ta nói chuyện một chút được không?
Tôi quay lại trả lời:
- Mẹ tôi sẽ không nói chuyện với phóng viên Pháp đâu.
Ấy vậy mà cậu ta vẫn chưa chịu buông tha. Tôi phải hét lên:
- Để mẹ tôi được yên.
Tôi dang tay ôm lấy mẹ và đưa mẹ về phòng.
Đêm hôm đó, tôi bắt đầu suy nghĩ những lời mẹ nói về phản ứng và thái độ của người dân Mỹ đối với mình. Một phóng viên của tờ People đến và xin được phỏng vấn. Các nhà tài trợ liên tục đến khách sạn để chúc mừng chúng tôi. Bạn bè của tôi cũng đón chuyến bay sớm nhất đến Pháp để chia vui. Bill Stapleton mời tôi đi ăn tối và thông báo rằng các chương trình truyền hình cùng các chương trình đối thoại trực tuyến muốn mời tôi tham gia vào buổi ghi hình của họ. Bill đề nghị tôi quay về Mỹ sau khi kết thúc giải Tour de France để sẵn sàng cho buổi phỏng vấn.
Tuy nhiên, theo truyền thống, vận động viên chiến thắng trong giải Tour de France sẽ phải du hành qua một số con đường ở châu Âu để vinh danh chiếc áo vàng, và thật lòng tôi muốn như thế. Tôi nói với Bill:
- Tôi đã quyết định rồi. Tôi sẽ ở lại.
- Thôi được. Tùy anh.
- Anh đang nghĩ gì, Bill?
- Tôi nghĩ cậu thật ngốc.
- Vì sao?
- Bởi vì cậu không biết chuyện gì đang diễn ra ở Mỹ và nó quan trọng như thế nào. Nhưng rồi cậu sẽ biết ngay thôi. Ngay khi giải đấu kết thúc, cậu sẽ không lảng tránh được nữa. Những người hâm mộ ở Mỹ đang rất nóng lòng được nhìn thấy cậu.
Nike muốn tôi tham gia vào buổi họp báo ở Mỹ ngay tại cửa hàng trung tâm của họ, với sự góp mặt của ngài thị trưởng và Donald Trump(********). Người dân ở Austin muốn tổ chức một cuộc diễu hành để ăn mừng chiến thắng của tôi. Đặc biệt, hãng Nike đề nghị sẽ cử phi cơ riêng đến đưa đón tôi về Mỹ rồi quay lại châu Âu chỉ trong vòng một ngày để đảm bảo tôi vẫn hoàn tất chặng đua. Tôi thật sự ngạc nhiên. Trước đây tôi đã chiến thắng nhiều cuộc đua nhưng nào có ai quan tâm như vậy.
******** Donald John Trump (sinh 14 tháng 6 năm 1946) là một nhà kinh doanh bất động sản, một nhà văn người Mỹ. Ông là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Trump Organization, một công ty phát triển bất động sản đặt trụ sở tại Mỹ. Ngoài ra ông còn là nhân vật truyền thông có tiếng, là người dẫn chương trình kiêm nhà sản xuất của show truyền hình thực tế, The Apprentice, trên đài Star World.
Giờ thì khác, tất cả họ đều đang hướng về tôi.
Tôi tự nhủ mình vẫn còn một chặng đua cuối cùng nữa, nhưng tôi mơ hồ cảm thấy mình sẽ chiến thắng. Sau khi ăn tối, tôi về phòng và nghỉ ngơi. Tôi xoa bóp hai chân rồi lên giường ngủ.
Chặng cuối cùng dài 142 km, xuất phát từ Arpajon tiến về Paris. Đây thực chất là một cuộc diễu hành vô cùng hoành tráng. Theo truyền thống, đoàn peloton sẽ chạy với nhịp độ vừa phải cho đến khi chúng tôi trông thấy Tháp Eiffel và tiến vào Arc de Triomphe. Tại đây, đội U.S. Postal sẽ dẫn đầu và đưa đoàn đua đi tiếp đến đại lộ Champs-Elysées. Sau đó, đoàn đua sẽ chạy nước rút mười vòng theo lộ trình đã được quy định ngay trong trung tâm thành phố để xác định nhà vô địch. Cuối cùng, nhà vô địch sẽ diễu hành qua thành phố để vinh danh chiến thắng của mình.
Khi chúng tôi tiến về Paris, tôi trả lời phỏng vấn ngay trên yên xe và tán gẫu với đồng nghiệp trong suốt giai đoạn peloton. Tôi thậm chí còn thưởng thức một que kem mát lạnh. Đội U.S. Postal vẫn đồng hành bên tôi với đội hình hùng hậu. Tôi nói với một phóng viên truyền hình: “Tôi không phải làm gì cả. Họ đều là những vị thần hộ mệnh của tôi”.
Một lúc sau, một phóng viên khác vụt lên. Tôi nói tiếp: “Tôi muốn gửi lời chào đến Kelly Davidson hiện đang sống ở Fort Worth, Texas. Kelly - chiến thắng này là dành cho cô”. Kelly là một bệnh nhân ung thư tôi đã gặp trong chiến dịch “Chặng đua hoa hồng”. Và sau đó cô cùng gia đình đã trở thành người bạn thân thiết của tôi.
Cuối cùng, chúng tôi đã đến thành phố Paris hoa lệ. Tôi cảm thấy hưng phấn lạ thường khi lần đầu lái xe đến đại lộ Champs-Elysées. Cả con đường được cách ly để đón chào chúng tôi. Khung cảnh thật tráng lệ khi hàng triệu người đứng vây quanh hai bên vệ đường được lát gạch thẳng tắp. Không khí tràn ngập sự uy nghiêm với tiếng kèn và rừng cờ đang tung bay phấp phới. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những lá cờ Mỹ trong tay người dân Pháp.
Từ trong đám đông, một cổ động viên giơ cao tấm bảng ghi dòng chữ “Texas”.
Khi diễu hành xuống đại lộ Champs, tôi nhận ra không phải bất kỳ lá cờ nào cũng in hình những ngôi sao và những vệt sọc tượng trưng cho nước Mỹ. Một số trong những lá cờ tung bay đó được in hình ngôi sao biểu tượng của Texas. Tôi thật sự phấn khích.
Tôi duy trì nhịp chạy và tránh va chạm ở vòng đua cuối. Và tôi cán đích nhẹ nhàng. Một cảm giác rất thực – tôi đã là nhà vô địch.
Tôi bước xuống xe và lẫn vào dòng người đang hết sức phấn khích. Các tay săn ảnh từ khắp mọi phía ùa về. Tất cả mọi người từ nhân viên an ninh, các nhà tài trợ và bạn bè đều vỗ tay tán thưởng cho chiến thắng của tôi. Phải có đến năm mươi người thân và bạn bè của tôi đã đón chuyến bay từ Austin đến đây. Trong số họ có Bart Knaggs, người bạn thân Jeff Garvey và bạn có tin được không, cả bác Jim Hoyt - người thầy đầu tiên của tôi cũng đi suốt chặng đường dài đến đây để chung vui cùng tôi.
Tôi nhanh chóng được dẫn đến bục vinh quang nơi tôi được trao chiếc cúp của nhà vô địch giải Tour de France. Tôi kiêu hãnh giơ cao chiếc cúp trong sự tán thưởng cuồng nhiệt của tất cả người hâm mộ. Lúc này, tôi không còn kìm giữ được cảm xúc của mình nữa. Cảm xúc đã vỡ òa. Khi các tay săn ảnh vây lấy tôi, tôi chỉ hỏi họ: “Mọi người có thấy mẹ tôi đâu không?”. Đám đông tản ra và tôi nhìn thấy mẹ. Tôi chạy đến ôm chặt bà. Giới báo chí lao đến vây lấy mẹ tôi, họ hỏi bà rằng liệu bà có cho rằng chiến thắng lần này là một biến cố quan trọng trong cuộc đời của tôi không.
- Cuộc đời của Lance đã trải qua rất nhiều biến cố rồi. Nhưng tôi tin con trai tôi, nó không bao giờ từ bỏ bất kỳ một thử thách nào. – Mẹ tôi trả lời trong niềm vui khôn tả.
Tiếp theo là phần nghi thức quan trọng nhất - cuộc diễu hành vinh danh nhà vô địch – tôi và đồng đội của mình sánh bước bên nhau trong một vòng chạy cuối cùng. Chúng tôi chạy trên đại lộ Champs-Elysées với dòng cảm xúc lắng đọng hồi tưởng về ba tuần vừa trải qua của giải đấu. Một cổ động viên chạy khỏi đám đông bên ngoài và đến trao tận tay tôi lá quốc kỳ Mỹ. Tôi giơ cao lá cờ và cảm thấy vô cùng tự hào.
Sau cuộc diễu hành, tôi quay lại bục đài và trò chuyện với giới báo chí. Tôi không nén nổi sự xúc động. Tôi đã khóc. Tôi nói trong nước mắt: “Bất ngờ quá. Thật là bất ngờ quá… Tôi chỉ muốn nói một điều: nếu bạn có cơ hội được sống lại lần thứ hai… thì bạn hãy làm lại từ đầu… và hãy kiên định với mục tiêu mà mình đã chọn”.
Tôi và đồng đội nhanh chóng kết thúc buổi lễ vinh danh để quay về và chuẩn bị cho bữa tiệc tối hôm đó dành cho 250 khách được tổ chức trong bảo tàng Orsay nổi tiếng – nơi lưu giữ rất nhiều kiệt tác nghệ thuật của thế giới. Chúng tôi thật sự đã kiệt sức trong suốt ba tuần vừa qua, nhưng ai cũng nóng lòng được nâng ly chúc mừng chiến thắng vĩ đại của tôi.
Chúng tôi đến bảo tàng Orsay và kinh ngạc trước sự uy nghi, tráng lệ của nó. Những chiếc bàn được bày biện một cách trang trọng và công phu. Mỗi bàn được trang trí một chậu hoa cách điệu rất lạ - đó là đề xuất của Thom Weisel.
Khắp khán phòng được đặt những quả táo chín mọng.
Chúng tôi đã hoãn việc nâng cốc chúc mừng kể từ khi kết thúc chặng đua ở Metz để đợi đến giây phút này đây. Tôi đứng dậy và nói với mọi người: “Tôi đang khoác trên người chiếc áo vàng chiến thắng. Nhưng tôi chợt nhận ra có lẽ thứ duy nhất trên chiếc áo này thuộc về mình, đó là dây kéo khóa – nó chỉ là một phần rất nhỏ của chiếc áo mà thôi. Phần còn lại là dành cho tất cả những người đồng đội thân yêu của tôi. Các bạn xứng đáng vì điều đó”.
Cả khán phòng vỡ òa trong tiếng vỗ tay và tung hô tán thưởng.
Mọi người giơ cao nắm đấm thể hiện sự tự hào và niềm kiêu hãnh.
Những quả táo chín mọng, đỏ thắm như sáng bừng lên quanh tôi.
Đêm hôm đó, Kik và tôi đến nghỉ ở khách sạn Ritz. Chúng tôi chọn một căn phòng rộng nhất và đắt nhất. Chúng tôi quyết định khui một chai sâm-panh và tận hưởng những phút giây riêng tư bên nhau. Sau bữa tối, chúng tôi đã có một giấc ngủ thật sâu, thật ấm áp và bình yên.
Tôi thức dậy vào sáng hôm sau nhưng lập tức nằm xuống và vùi mình vào chiếc gối ngủ. Tôi đang cố tận hưởng một thứ cảm giác là lạ nhưng thật ấm êm và hạnh phúc len nhẹ trong người. Bên cạnh tôi, Kik cũng vừa tỉnh giấc. Chúng tôi nhìn nhau và dường như hiểu hết những suy nghĩ của nhau.
- Ôi Kik, anh là nhà vô địch Tour de France.
- Chứ còn gì nữa!
Và chúng tôi bật cười khanh khách.