T
rong thời gian điều trị bệnh, tôi luôn tự nhủ rằng mình phải thay đổi bản tính cộc cằn và hung hăng bấy lâu của mình. Tôi tự răn đe bản thân không được nói năng thô lỗ, không được chè chén và không bao giờ được nóng nảy mà mất đi sự kiểm soát. Tôi muốn trở thành người đàn ông thân thiện và dễ mến. Nhưng thời gian không dừng lại để bạn có thể trở thành những gì như bạn mong muốn. Mọi thứ thay đổi, tôi bị cuốn vào hàng trăm công việc đến nỗi không còn thời gian để tự suy xét bản thân. Và chuyện gì đến đã đến.
Làm thế nào bạn quay lại cuộc sống sau khoảng thời gian dài gần như đã từ bỏ nó? Tôi cứ trăn trở mãi với ý nghĩ mình sẽ làm gì, mình sẽ đối mặt ra sao với những điều tưởng chừng như rất quen mà lại xa lạ đó. Câu nói “Hãy sống như thể đó là ngày cuối cùng bạn tồn tại trên thế giới này” có lẽ không giúp ích tôi nhiều. Đôi khi, thực tế không đơn giản như những gì chúng ta nghĩ.
Mọi người cho rằng sự trở lại của tôi là biểu hiện của sự hiếu thắng. Họ không biết rằng những nỗ lực của tôi cho sự trở lại này rất khó khăn, nếu không nói là cực kỳ khó khăn. Một khi bạn đã mất hơn một năm để chờ đợi, hy vọng và đấu tranh với cái chết luôn chực chờ bên cạnh, bạn sẽ cảm nhận được thế nào là phần thưởng xứng đáng khi giành lại được phần đời còn lại. Tuy nhiên, điều đó chỉ tồn tại trong ý nghĩ – bởi vì bạn còn trách nhiệm với gia đình, với công việc và với chính bản thân mình. Nhưng tôi không muốn quay lại cuộc sống bộn bề như trước kia, một phần trong tôi đã quá chán nản và mệt mỏi vì nó. Tôi muốn một cuộc sống khác, tôi cần thay đổi.
Chúng tôi đến châu Âu vào tháng Một để gia nhập cùng đội U.S Postal – đội đua xe đạp mà tôi mới trở thành thành viên. Kik quyết định nghỉ việc, thu xếp cho thuê căn hộ nàng đang sống và đi cùng tôi. Chúng tôi thuê một căn hộ ở Vịnh Cap Ferrat nằm giữa Nice và Monaco. Tôi thường để Kik ở nhà một mình vì phải dành phần lớn thời gian luyện tập cùng đồng đội. Nơi tập luyện của vận động viên không thích hợp để dẫn vợ hay bạn gái đi cùng bởi ở đó mọi người ai nấy đều có việc phải làm, ai cũng đều có một trách nhiệm riêng và bạn không thể để mình bị phân tâm.
Kristin bắt đầu cuộc sống ở một đất nước xa lạ, không bạn bè, không người thân và cũng không rành tiếng địa phương. Nhưng Kik thích nghi với cuộc sống rất nhanh: nàng đăng ký học một lớp tiếng Pháp cấp tốc, phần thời gian còn lại Kik lo sắm sửa đồ đạc cho căn hộ mới và tỏ ra rất thích thú với những trải nghiệm thú vị nơi đây. Chưa một lần Kik than vãn với tôi về bất kỳ điều gì, tôi cảm thấy tự hào về nàng.
Vẫn còn rất nhiều áp lực đè nặng lên tôi cho sự trở lại lần này. Mọi thứ đối với tôi không mấy dễ dàng. Một lần nữa tôi lại nếm trải những khó khăn mà một cua-rơ phải đối mặt trên đường đua. Tôi đã quên cảm giác đó trong một thời gian khá dài. Lần cuối cùng tôi đến đây là lần đi du lịch cùng Kik. Khi đó, chúng tôi chỉ nghỉ ngơi và đi thăm thú các danh thắng ở châu Âu. Nhưng giờ đây, tôi đã trở lại guồng quay cũ: chi tiêu hạn hẹp, nơi ở không tiện nghi, thức ăn không vừa miệng và điều khiến tôi mệt mỏi nhất là phải di chuyển liên tục. Tôi thật lòng không hứng thú với điều này chút nào.
Có lẽ tất cả chỉ do tôi chưa thật sẵn sàng. Suy nghĩ kỹ hơn, tôi nhận ra quyết định trở lại đường đua của mình chịu tác động của yếu tố tâm lý rất nhiều. Nếu tôi trải qua một ngày không ưng ý, tôi thường than vãn: “Mình đã vượt qua bao nhiêu là khó khăn, mình đã từng trải qua ba cuộc phẫu thuật quan trọng, tiếp theo đó là ba tháng ròng rã vào thuốc để tiến hành giai đoạn hóa trị; và phải mất hơn một năm theo dõi bệnh tình. Cơ thể mình bị suy nhược quá nhiều. Điều đó khiến mình không còn đủ sức khỏe và là lý do vì sao mình đánh mất phong độ”. Tôi không nhận ra mình chỉ nên nghĩ đơn giản rằng: “Thôi nào, đây chỉ là một ngày không như ý. Ngày mai sẽ khác”.
Tôi cố gắng bắt đầu lại từ đầu, cố gắng dẹp bỏ cái tôi quá lớn của mình. Tôi hiểu rằng giờ đây mình không còn là một cua-rơ đẳng cấp với mức lương hậu hĩ. Tôi gọi vui phần thù lao mình bị mất đi là tiền thuế phải chịu để vượt qua căn bệnh ung thư – dù rằng sự mất mát đó lên đến 80%. Tôi đã quá tự phụ khi cho rằng giây phút tôi xuất hiện trước công chúng và vỗ ngực tuyên bố mình sẽ quay lại đường đua thì những nhà tài trợ danh tiếng của Mỹ sẽ bước đến và đề nghị ký hợp đồng với tôi ngay. Và khi điều đó không xảy ra, tôi lại quay sang quy trách nhiệm cho Bill. Tôi khiến anh mệt mỏi vì luôn đặt câu hỏi rằng vì sao anh không bao giờ mang đến cho tôi một tin tốt nào. Lúc tôi đang ở châu Âu còn Bill đang ở Texas, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thẳng thắn qua điện thoại. Sau khi nghe những lời phàn nàn quen thuộc của tôi, Bill tỏ ra mệt mỏi:
- Lance, tôi muốn nói với cậu điều này. Tôi sẽ tìm giúp cậu một người đại diện khác. Có lẽ tôi cần nghỉ ngơi một thời gian, tôi không còn sức kham nổi những việc như thế này nữa. Chúng ta chấm dứt mọi việc ở đây thôi.
Tôi chết lặng trong giây lát rồi dịu giọng:
- Bill, ý tôi không phải vậy.
Và rồi tôi bắt đầu tự vấn bản thân. Tôi đang cố nghĩ xem vì sao các nhà tài trợ lại mất niềm tin với tôi như vậy, ngay cả những đội đua châu Âu và Mỹ cũng không dám đầu tư giúp tôi phát triển sự nghiệp.
Chặng đua chuyên nghiệp đầu tiên đánh dấu sự trở lại của tôi là giải Ruta del Sol - một cuộc đua vòng quanh Tây Ban Nha. Tôi xếp vị trí thứ mười bốn chung cuộc. Đối với mọi người đây là kết quả đáng ngạc nhiên với một cua-rơ vừa trở lại đường đua sau thời gian dài bị ung thư, nhưng riêng tôi thì không cảm thấy hài lòng. Tôi đã quen với cảm giác chiến thắng và việc thường dẫn đầu hoặc cạnh tranh những vị trí cao trong bảng xếp hạng. Tôi giải thích kết quả lần này có thể là do tôi đã bị áp lực trong suốt chặng đua. Tôi quá lo lắng và hồi hộp vì sự có mặt của giới báo chí. Tôi chỉ ước rằng sự xuất hiện của mình không bị ai chú ý để tôi có thể lẳng lặng hòa vào đoàn đua và chỉ tập trung vào con đường phía trước mà thôi. Tôi chỉ muốn tham gia vào giai đoạn peloton và rèn luyện sức bền, độ dẻo dai cho đôi chân của mình.
Hai tuần sau, tôi tham gia một giải đấu khác xuất phát từ Paris và kết thúc tại Nice – một trong những chặng đua khó nhất bên cạnh lộ trình truyền thống của giải Tour de France. Các cua-rơ phải trải qua ròng rã tám ngày trên yên xe và phải chịu đựng thời tiết lạnh giá cắt da cắt thịt. Có một chặng đua phụ diễn ra trước chặng đua chính thức. Người về đầu sẽ là người dẫn dắt cả đoàn đua trong ngày cuộc đua diễn ra. Tôi về ở vị trí thứ mười chín. Một lần nữa, tôi không chút hài lòng.
Sáng hôm sau, trời đổ mưa dữ dội. Ngay khi thức dậy, tôi biết thời tiết đã không ưu ái cho tôi trong lần trở lại này. Tôi dùng bữa sáng với tâm trạng rầu rĩ. Sau đó, tôi đến gặp cả đội để bàn về chiến lược thi đấu. Tất cả chúng tôi nhất trí sẽ lùi về sau để hỗ trợ cho đội trưởng George Hincapie.
Với điều kiện thời tiết thế này, như thường lệ, tôi ngồi vào một chiếc ô tô và bật máy điều hòa để giữ ấm cho cơ thể. Tôi bắt đầu cảm thấy nản lòng. Một khi bạn đã nản lòng và không có niềm tin thì mọi chuyện tiếp diễn sau đó có vẻ sẽ không thể tốt đẹp hơn. Khi bước ra khỏi xe, tôi vội vàng kéo chiếc vớ len dùng để giữ ấm hai chân lên cao và chỉnh sửa lại bộ đồng phục.
Chúng tôi khởi hành. Cơn mưa rả rích làm con đường đua ướt sũng. Một luồng gió mạnh thổi qua khiến tôi phải co người lại vì lạnh. Không có gì khắc nghiệt hơn việc phải đạp xe trên đoạn đường dài dưới cơn mưa tầm tã thế này. Trong lúc vượt đèo, cơ thể bạn có thể sinh nhiệt nhiều hơn do phải vận động nhiều, nhưng khi chạy trên đường bằng phẳng, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt cái lạnh se sắt đang dần thấm vào cơ thể. Những lớp áo bạn mặc trên người đều không thể giữ ấm. Trước đây, tôi hoàn toàn có khả năng chịu đựng những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế này – nhưng bây giờ thì không!
Đột nhiên, xe của Hincapie bị nổ lốp.
Tất cả chúng tôi đều dừng lại. Đoàn người peloton chạy vụt qua mặt và bỏ lại chúng tôi. Trước khi khởi hành trở lại, cả đội đã bị vận động viên dẫn đầu bỏ lại phía sau một quãng khá xa. Với điều kiện thời tiết thế này, chúng tôi sẽ phải mất gần một giờ và tiêu hao năng lượng ở mức cao nhất mới có thể rút ngắn khoảng cách đó. Cả đội lại lao vào màn mưa trắng xóa.
Gió thốc mạnh vào sườn xe khiến tôi rất khó điều khiển bánh lái khi đến gần những khúc cua. Chạy chưa được bao lâu, tôi đột ngột hãm phanh, nhấc một tay khỏi bánh lái, rướn người dậy và cho xe tấp vào lề.
Tôi xuống xe và gỡ bỏ số báo danh trên người mình. Tôi nghĩ: “Đây không phải là cuộc sống mà mình muốn sống – quá lạnh lẽo, cô độc và thảm hại”.
Frankie Andreu khi ấy ở ngay cạnh sau tôi. Anh nhớ rất rõ hình ảnh tôi ngồi bên vệ đường, gương mặt cau có, rồi tôi vùng dậy và di chuyển ra khỏi đường đua. Về sau, Frankie tâm sự với tôi là lúc ấy anh nghĩ rằng tôi đã không chịu nổi áp lực của thời tiết nên đã từ bỏ cuộc đua.
Khi cả đội về đến khách sạn sau chặng đua, tôi thu xếp đồ đạc và nói với Frankie: “Tôi sẽ về nhà. Tôi sẽ không thi đấu nữa”. Lúc đó, tôi thật tình không hề quan tâm liệu các đồng đội có hiểu và thông cảm với tôi hay không. Tôi nói lời chào tạm biệt mọi người rồi khoác ba lô bỏ đi.
Quyết định ngừng thi đấu không liên quan đến tình hình sức khỏe của tôi. Tôi chỉ không muốn ở đó thêm một phút giây nào nữa. Tôi chỉ không muốn cuộc sống của mình phải chịu thêm bất kỳ sự khắc nghiệt nào nữa.
Khi tôi gọi cho Kik, nàng vừa học xong và đang đi sắm sửa một số vật dụng gia đình. Tôi nói: “Kik, tối nay anh sẽ về nhà”. Kik không nghe rõ do tín hiệu đường truyền bị ngắt quãng. Nàng hỏi lại:
- Có chuyện gì vậy anh?
- Anh sẽ nói chuyện với em sau.
- Anh bị đau à? – Kik nghĩ tôi đã bị chấn thương.
- Không, anh chẳng làm sao cả. Tối nay anh sẽ gặp em và chúng ta sẽ nói chuyện.
Vài giờ sau, Kik đón tôi ở sân bay. Phần lớn thời gian chúng tôi im lặng cho đến lúc về nhà. Tôi chủ động mở lời:
- Kik à, anh đã sai. Anh không thích việc này chút nào.
- Vì sao vậy, Lance?
- Anh không cần biết mình còn bao nhiêu thời gian, nhưng anh không muốn dùng khoảng thời gian còn lại đó để đua xe nữa. Anh ghét nó. Anh ghét việc phải xa em. Anh ghét cách sống ở đây. Anh không muốn sống ở châu Âu. Anh đã dẹp bỏ mặc cảm của một người từng mang bệnh ung thư để tuyên bố với mọi người rằng anh sẽ quay lại đường đua, và anh đã làm được khi xuất hiện tại giải Ruta del Sol. Giờ thì anh không còn gì để chứng minh cho mình và cho những người bạn bị ung thư của mình nữa. Anh cho rằng đến đây là đủ rồi.
Tôi nghĩ Kik đã có thể trách móc tôi: “Thế còn việc học của em, công việc của em thì như thế nào? Vậy sao ngay từ đầu anh lại kêu em đến đây?”. Nhưng Kik vẫn bình tĩnh, nàng chỉ trả lời:
- Thôi được, Lance. Mọi chuyện sẽ ổn mà.
Trên chuyến bay trở về Cap Ferrat, tôi tình cờ xem được một quảng cáo của hãng xe máy Harley-Davidson. Nó thể hiện được phần nào tâm trạng xáo trộn của tôi lúc đó. Trong mẫu quảng cáo có ghi: “Nếu được quyền bắt đầu lại cuộc sống của mình, tôi sẽ…” và sau đó liệt kê một loạt những lựa chọn kiểu như “Tôi mong muốn nhìn thấy ánh hoàng hôn…”. Tôi xé trang quảng cáo ra khỏi tờ tạp chí và đưa nó cho Kik:
- Đây chính là vấn đề. Anh không muốn cuộc sống của mình tẻ nhạt.
- Sẽ ổn mà, Lance. Trước hết anh hãy nghỉ ngơi đi đã, chúng ta sẽ dành vài ngày để suy nghĩ thấu đáo mọi việc trước khi quyết định nhé.
Ngày hôm sau, Kik vẫn đến trường học. Tôi ở nhà và chẳng muốn làm gì – thậm chí không buồn nhìn vào chiếc xe đạp. Trường của Kik không cho phép nhận điện thoại trong giờ học. Thế mà tôi gọi nhỡ cho Kik đến ba lần.
- Kik, anh không chịu nổi cảm giác ngồi không mà chẳng làm gì. Anh vừa nói chuyện với nhân viên lữ hành. Chúng ta sẽ rời khỏi đây ngay.
- Lance à, em đang học mà.
- Anh sẽ đến đón em. Đừng lãng phí thời gian nữa.
Kik rời lớp học và ngồi đợi ở băng ghế ngoài sân trường. Vừa trông thấy tôi, nàng bật khóc. Đã mấy tuần nay, Kik ra sức học ngoại ngữ với ý muốn mau chóng hòa nhập với cuộc sống mới nơi đây. Nàng cũng đã thu xếp mọi chuyện trong gia đình ổn thỏa, học cách chi tiêu và tìm hiểu về lối sống của mọi người. Kik cũng quen với việc chạy xe trên xa lộ và cách thanh toán lệ phí cầu đường tự động. Bây giờ, mọi nỗ lực của nàng đều trở nên vô nghĩa.
Tôi cuống lên:
- Sao em lại khóc?
- Vì chúng ra sắp rời khỏi đây.
- Ý em là sao? Ở đây em không có bạn bè, em cũng không thể nói tiếng địa phương. Em không có việc làm. Vậy sao em lại muốn ở lại một nơi như thế này?
- Vì đây là nơi em và anh đã bắt đầu một cuộc sống mới và em không muốn từ bỏ… Nhưng nếu anh nghĩ chúng ta nên đi, em sẽ theo anh.
Đêm hôm đó, Kik miễn cưỡng thu xếp đồ đạc vào va-li và chuẩn bị lên đường. Tôi gọi cho Kevin Livingston để chuyển giao tất cả đồ dùng mà Kik đã sắm sửa như khăn tắm, bộ muỗng nĩa, đèn ngủ, máy hút bụi… Tôi nói với Kevin: “Anh chị sẽ không quay lại đây nữa. Do vậy, anh cũng chẳng cần những thứ này đâu. Em cứ giữ lấy”. Nhìn gương mặt của Kevin, tôi đoán cậu ấy cho rằng tôi đang nhất thời mất bình tĩnh, nhưng Kevin quá hiểu bản tính của tôi – mọi lời khuyên lúc này đều sẽ vô dụng nên cậu ấy chọn cách im lặng. Ngày tôi quyết định quay lại đường đua, Kevin đã rất lo lắng và luôn khuyên tôi hãy xem trọng và quan tâm đến sức khỏe, đừng vì một chuyện gì đó mà tạo áp lực quá nhiều cho bản thân. Cậu ấy đã ở cạnh tôi suốt thời gian tôi điều trị bệnh, và điều cậu ấy quan tâm nhiều nhất vẫn là sức khỏe của tôi. Khi tôi trao cho Kevin những thùng đồ đã được đóng gói cẩn thận, Kevin rất buồn.
Tất cả đối với tôi như một cơn ác mộng. Ký ức đẹp nhất mà tôi còn lưu giữ chính là những tình cảm mà Kik dành cho tôi. Nàng vẫn ở bên cạnh và an ủi tôi trong mọi hoàn cảnh. Nếu lúc ấy, Kik đề nghị chia tay, tôi cũng sẽ không trách nàng, bởi Kik đã hy sinh mọi thứ để cùng tôi đến Pháp - một nơi hoàn toàn xa lạ. Vậy mà chỉ trong vòng một đêm, tôi lại nhất quyết quay về Austin và quyết định sẽ giải nghệ. Nhưng Kik vẫn ủng hộ tôi. Nàng luôn là người hiểu tôi, thông cảm cho tôi dù lắm lúc lại là nạn nhân của những luồng cảm xúc thất thường từ tôi.
Sau khi tôi âm thầm trở về Mỹ, cánh báo chí không khỏi ngạc nhiên trước sự biến mất của tôi trong khi giải đua vẫn đang diễn ra. Một phóng viên gọi cho Chris: “Anh biết Lance Armstrong đang ở đâu không?”. Chris trả lời: “Cậu ấy đang tham gia giải đua xe ở Pháp”. Và tên phóng viên đáp lời bằng một giọng Anh lơ lớ: “Không, cậu ta bỏ cuộc rồi”. Chris gác máy. Một phút sau đó, chuông điện thoại lại reo – là một phóng viên khác gọi đến từ Pháp để hỏi về tin tức của tôi.
Chris liên lạc với Bill Stapleton. Bill nói rằng anh ấy cũng không nhận được tin gì từ phía tôi. Cả Och cũng vậy. Chris cố gắng gọi vào số nhà và số di động của tôi nhưng không được. Anh ấy để lại lời nhắn, nhưng tôi cũng không trả lời – điều đó khiến anh càng lo lắng.
Sau khi đến sân bay, tôi mới chủ động gọi cho Chris:
- Tôi đang trên đường về Mỹ. Tôi chán ghét phải ở trong những khách sạn tồi tàn, thức ăn thì khó nuốt và phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt như thế. Tôi ghét tất cả.
- Lance, cứ làm những gì cậu muốn. Nhưng hãy luôn cố gắng bình tĩnh! – Chris cố gắng thuyết phục tôi. – Cậu khoan hãy thông báo với giới báo chí, đừng nói gì cả. Đừng nói cậu sẽ bỏ cuộc. - Chris cảnh báo tôi.
Nói chuyện với Chris xong, tôi gọi cho Stapleton:
- Kết thúc rồi, tôi đã nói với họ tôi sẽ bỏ cuộc.
Bill cố giữ bình tĩnh:
- Được rồi Lance, cậu cứ bình tĩnh. – Bill vừa nói chuyện với Chris và anh đã biết mọi chuyện. Cũng như Chris, Bill cố gắng không để tôi bị kích động.
Bill cũng đồng tình với việc tôi nên im lặng trước khi có một quyết định rõ ràng hơn về vấn đề sẽ giải nghệ. Anh khuyên:
- Lance, chúng ta hãy dành khoảng một tuần để suy nghĩ thấu đáo hơn. Đừng vội vàng, lúc này vội vàng sẽ không tốt đâu.
- Không, anh không hiểu gì hết. Tôi muốn tuyên bố giải nghệ ngay lúc này.
- Lance này, tôi hiểu cậu đang lung lay ý chí. Không sao cả nhưng tôi muốn chúng ta sẽ cùng trò chuyện. Ít nhất cậu cũng cho tôi vài ngày chứ.
Tôi tiếp tục gọi cho Och.
- Tôi bỏ cuộc rồi.
- Ừ, không sao đâu.
- Tôi nói là tôi đã bỏ cuộc. Tôi sẽ không đua xe nữa.
- Hãy bình tĩnh. Đừng vội quyết định lúc này. Chúng ta sẽ nói chuyện sau. – Och cũng nói những điều như Bill và Chris đã khuyên tôi.
Chuyến bay của tôi và Kik bị trễ. Điện thoại di động trong tay tôi reo liên tục. Mọi người đang tìm kiếm tôi và muốn biết vì sao tôi lại biến mất. Sau một ngày chờ đợi do chuyến bay gặp sự cố, tôi và Kik đến gặp Bill tại văn phòng của anh.
Tôi chủ động mở lời:
- Tôi không đến đây để nói về việc tôi sẽ trở lại đường đua. Tôi đã quyết định giải nghệ. Tôi sẽ không quan tâm mọi người nghĩ gì về điều đó nữa.
Bill nhìn Kik. Hai người nhìn nhau rồi thở dài. Họ hiểu rằng tôi đang bị kích động quá mức nên tốt nhất là không nên tranh cãi với tôi lúc này.
Phải mất một lúc sau Bill mới nói:
- Vâng, vì chúng ta sẽ thông báo một tin quan trọng nên tôi muốn nó phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng ta không nên để một sai sót nào xảy ra.
- Chỉ cần mở một buổi họp báo và tuyên bố thôi. Có chuyện gì cần bàn nữa nào?
- Đó không phải là ý kiến hay đâu, Lance.
- Tại sao?
- Cậu biết rõ tất cả các giải đấu nhà nghề ở châu Âu nhưng không phải người Mỹ nào cũng từng nghe đến chúng. Không ai ở đây biết tin cậu đã trở lại đường đua. Vì thế cậu hoàn toàn có thể tổ chức họp báo và nói rằng cậu sẽ giải nghệ. Tôi biết cậu nghĩ rằng cậu đã có một sự trở lại rất vinh quang. Tôi đồng ý với cậu về việc đó. Những việc cậu làm không phải ai cũng làm được. Chỉ riêng việc cậu chiến thắng căn bệnh ung thư cũng đã là một sự trở lại đáng tự hào. Nhưng mọi người sẽ không thể hiểu được ngọn ngành câu chuyện. Họ chỉ nhìn thấy bề ngoài của vấn đề mà thôi.
- Tôi đã về đích ở vị trí thứ mười bốn trong giải Ruta del Sol đấy. – Tôi gằn giọng.
- Lance, cậu sẽ không đua xe nữa. Cậu muốn như vậy mà.
Bill cố gắng kích tôi khi đưa ra hàng loạt câu hỏi:
- Tôi biết cậu sẽ giải nghệ. Nhưng cậu sẽ tuyên bố điều này như thế nào?
Bill hỏi liệu tôi có muốn tổ chức một buổi họp báo chuyên nghiệp hay không. Anh đề nghị chúng tôi nên có một cuộc gặp mặt riêng với các nhà tài trợ. Bill nói hết ý của anh:
- Ít nhất cậu hãy tham gia một giải đấu nào đó và xem đó như sự kiện để cậu nói lời chia tay với người hâm mộ. – Bill hiểu tôi không thể buông xuôi tất cả một khi chưa đáp lại tình cảm của người dân Mỹ đã dành cho mình.
- Tôi cũng không chắc. Chỉ là tôi nghĩ mình không còn muốn ngồi lên yên xe đạp nữa.
Bill ra sức thuyết phục tôi dời cuộc họp báo. Với mỗi lý lẽ mà anh đưa ra, Bill càng lôi kéo tôi về phía anh ấy. Bill nói tôi không nên giải nghệ trước ngày chiến dịch “Chặng đua hoa hồng” diễn ra, và điều đó nghĩa là tôi phải đợi cho đến tháng Năm.
Cuối cùng, Bill cũng thuyết phục được tôi.
Đội US Postal có vẻ rất kiên nhẫn với tôi. Thom Weisel thông báo rằng họ sẽ đợi tôi quay lại. Nhưng một tuần, rồi một tháng trôi qua, tôi vẫn không chạm vào chiếc xe đạp. Nó đã bị bỏ xó ở một góc và bám đầy bụi.
Tôi không còn bận tâm đến bất cứ việc gì nữa. Tôi đến câu lạc bộ và chơi golf mỗi ngày. Tôi lướt ván, uống bia. Khi về nhà, tôi nằm ì trên sa-lon và chăm chăm vào màn hình ti-vi.
Tôi đến quán Chuy’s và không phải kiêng khem như hồi còn là một vận động viên. Nhớ ngày trước, bất kỳ khi nào trở về từ châu Âu, dù trễ đến mấy tôi cũng đều đến ngay quán Chuy’s và kêu một đĩa mì Ý xốt cà chua thật to cùng một ly cocktail thật lớn. Giờ thì tôi đã nếm thử tất cả các món trong thực đơn của Chuy’s. Tôi không muốn gò ép bản thân mình nữa. Tôi đang có cơ hội thứ hai để sống cuộc đời của chính mình và tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội đó.
Nhưng tôi vẫn không cảm thấy thoải mái. Ngược lại, tôi cảm thấy bị áp lực. Tôi cố gắng đối xử với Kik như quãng thời gian chúng tôi được hạnh phúc nhất, nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác. Tôi không hiểu nổi vì sao mọi chuyện lại xảy ra nhanh như vậy. Lúc này, tôi bắt đầu cảm thấy rất xấu hổ. Tôi luôn bị ám ảnh bởi hành động bỏ cuộc của mình trong giải đấu tại Paris. Mẹ tôi từng nói: “Con trai, mẹ biết con không bao giờ bỏ cuộc” – nhưng lần này thì tôi đã khiến mẹ thất vọng.
Tôi không còn kiểm soát được hành động của chính mình, tất cả chỉ vì sự trở lại của tôi đã không diễn ra như mong muốn. Tôi đã từng có một công việc, những chiến thắng đầy vinh quang, rồi tôi bị bệnh và mọi thứ đều thay đổi. Khi tôi chiến thắng căn bệnh nan y quái ác và quay trở lại cuộc sống cũ, tôi hụt hẫng vì giờ đây, mọi thứ đều khác. Chỉ trong phút chốc, tôi cảm thấy không thể trụ vững trên chính đôi chân mình.
Tôi không còn hứng thú với chiếc xe đạp. Nhưng tôi chợt nghĩ: “Vậy mình sẽ làm gì đây? Đi làm một tên sai vặt trong các văn phòng ư?”. Những cảm giác vinh quang ngày xưa đã vụt tắt. Tôi như con tàu mất phương hướng. Tôi vật lộn tìm lối thoát và khi không tìm được tôi chỉ muốn quay lưng lại với tất cả - đó chính là những gì tôi đã làm. Tôi từ bỏ trách nhiệm mà đáng ra tôi phải nắm giữ.
Tôi biết rằng sống sót sau cơn bạo bệnh không chỉ đơn thuần là cơ thể tôi khỏe mạnh trở lại mà tôi còn muốn tâm hồn và ý chí của mình cũng phải được hồi sinh.
Mọi người không ai hiểu tôi thật sự - trừ Kik. Trong khi tôi đến câu lạc bộ và chơi golf mỗi ngày, Kik chỉ cô độc một mình – không công việc, không nhà cửa. Hàng ngày, Kik nhìn chăm chăm vào mục rao vặt của mấy tờ báo và tự hỏi liệu cuộc sống ngày sau của chúng tôi sẽ như thế nào. Mẹ tôi rất thương và thông cảm với Kik. Bà thường gọi điện cho chúng tôi và hỏi han Kik: “Con thế nào rồi?”.
Nhưng chỉ vài tuần sau, Kik cho rằng tôi nghỉ ngơi như vậy là đã đủ rồi. Nàng hiểu đã đến lúc phải dùng biện pháp mạnh với một kẻ ngang bướng như tôi. Buổi sáng như thường lệ, chúng tôi ngồi uống cà phê ngoài vườn, tôi đặt cốc cà phê xuống chuẩn bị đi:
- Chào em nhé, anh sẽ gặp em sau. Đến giờ anh đến câu lạc bộ đánh golf rồi.
- Lance, ý anh là sao?
…
- Anh không định hỏi xem hôm nay em sẽ làm gì sao? Anh cũng không hỏi xem em thích gì, em muốn gì, hay em có phiền không nếu anh cứ đi đến câu lạc bộ mãi thế này. Có bao giờ anh quan tâm em muốn gì không?
- Anh xin lỗi, Kik.
- Hôm nay em sẽ làm gì đây? Anh khuyên em hôm nay em sẽ phải làm gì?
Tôi im lặng. Quả thật tôi không nói được câu nào nữa. Tôi đã quá vô tâm khi chỉ biết nghĩ đến cảm xúc của mình mà quên đi cảm giác của những người thân yêu nhất.
- Lance, đã đến lúc anh cần có một quyết định rõ ràng. Anh cần quyết định xem anh có thật sự muốn giải nghệ và ngày ngày chỉ lê la đến các quán ăn rồi vui chơi ở các câu lạc bộ hay không. Nếu đó là điều anh muốn, em sẽ tôn trọng vì em yêu anh. Nhưng ít nhất em cũng cần biết dự định tương lai của anh ra sao và trước mắt, em muốn tìm một công việc để trang trải những chi phí hiện tại của chúng ta.
Tôi chưa kịp đáp lời, Kik đã nói tiếp:
- Nhưng nếu anh vẫn còn đam mê với đường đua và những giải đấu thì tốt nhất anh nên xem lại chế độ ăn uống của mình. Lance, có phải anh đang lẩn trốn chính mình? Có thể do anh quá mệt mỏi nhưng như vậy không giống anh ngày trước chút nào. Em không nghĩ là anh đang làm đúng. Vì em rất yêu anh nên em mong anh hãy sáng suốt và sẽ có một quyết định đúng đắn nhất.
Kik không hề tỏ ra nổi giận khi nói những lời này. Nàng nói đúng: tôi không biết mình muốn gì và đang cố gắng để đạt được điều gì. Tôi chỉ là một kẻ vô công rồi nghề chẳng nghĩ gì đến tương lai. Kik mong muốn bên cô ấy phải là một người đàn ông có chí hướng, một cuộc sống có mục tiêu.
Như nhìn thấu nỗi băn khoăn trong tôi, Kik càng dịu giọng hơn:
- Em cần biết liệu chúng ta có tiếp tục sống ở Austin lâu dài hay không. Nếu như vậy, em sẽ phải đi tìm một công việc. Nếu cứ ở nhà mãi, em cảm thấy buồn chán lắm.
Hơn ai hết Kik hiểu rằng tôi rất bướng bỉnh, không bao giờ chịu nghe lời người khác khuyên bảo, nó đã trở thành một phần bản chất trong tôi. Tôi không thích bị người khác dồn vào chân tường hay chỉ bảo tôi phải làm thế này thế kia, tôi chỉ muốn tự tìm lối thoát cho bản thân mình. Nhưng khi Kik thẳng thắn trò chuyện với tôi như thế, tôi không cảm thấy bị tổn thương hay bị khiêu khích, tôi cảm ơn Kik vì nàng đã giúp tôi thức tỉnh. Đó có lẽ là cuộc nói chuyện chân thành mà tôi trân trọng nhất.
Tôi đứng dậy và rời bàn:
- Ừ, anh sẽ suy nghĩ những gì em nói.
Và tôi đến câu lạc bộ như thường lệ, bởi vì tôi biết Kik sẽ không phiền điều đó. Nhưng vấn đề không phải là tôi có đi chơi golf hay không, mà vấn đề chính là tôi đã bắt đầu hành trình tìm lại chính mình.
Kik, Stapleton, Carmichael và Och cùng tìm cách thuyết phục tôi trở lại đường đua. Ban đầu tôi vẫn quả quyết sẽ không bao giờ quay lại nhưng dần dần, những lý lẽ của họ khiến tôi lung lay. Bill khuyên tôi nên tham dự một giải đấu cuối cùng trước khi kết thúc sự nghiệp của một cua-rơ, đó là giải vô địch toàn nước Mỹ mang tên U.S. Pro Championships sẽ diễn ra vào tháng Năm ở Philadelphia.
Chris Carmichael đón chuyến bay đến Austin và khi nhìn thấy chiếc xe đạp bị tôi quăng vào một xó trong nhà xe, anh lắc đầu. Cũng như Kik, Chris muốn biết liệu tôi có thật sự muốn từ bỏ nghiệp đua xe hay không. Chris nói với tôi: “Cậu đã hoàn toàn hồi phục và bây giờ cậu cần sống cuộc đời của chính mình”. Anh cũng hiểu tôi đang bị xáo trộn tinh thần và không thể có một sự trở lại như ý muốn được. Vì vậy, Chris đến Austin lần này với mục đích là lên kế hoạch tập luyện cho tôi để chuẩn bị cho giải U.S. Pro Championships sắp tới. Mặt khác, chiến dịch “Chặng đua Hoa Hồng” lần thứ hai cũng đã đến gần, và do hành trình của nó chỉ vòng quanh thành phố Austin nên mọi người đều cho rằng tôi tham gia vào chiến dịch này sẽ tạo nên sức hấp dẫn mới. Chris thuyết phục tôi: “Cậu không thể bỏ cuộc như vậy. Cậu không muốn làm rạng danh tổ chức của mình sao”.
Chris quả quyết rằng dù tôi không thay đổi ý định sẽ giải nghệ nhưng ít nhất tôi cũng phải dành ra khoảng tám đến mười ngày tập luyện để lấy lại thể hình trước đây. Và có lẽ tôi cần một không gian khoáng đạt hơn thành phố Austin nhộn nhịp này. Chris nhận định: “Ở đây cậu không thể tập trung được đâu – sự ồn ào, náo nhiệt sẽ khiến cậu phân tâm”.
Chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch tìm một nơi thật thích hợp. Arizona? - Quá nóng. Colorado? – Quá cao so với mực nước biển. Cuối cùng tôi đề nghị: “Boone thì sao? Thành phố nhỏ ở North Carolina đó?”.
Boone là một địa điểm nằm trong hành trình của giải đấu Tour Du Pont trước đây và tôi đã có nhiều kỷ niệm vui với nơi này. Tôi đã từng hai lần chiến thắng giải Tour du Pont tại đây và thường rong ruổi trên các con đường của Boone vào những buổi trưa nắng gắt để luyện sức bền. Tôi không thể nào quên ngọn núi Beech – một thách thức với các cua-rơ trong toàn chặng đua. Boone là một thành phố có khá nhiều con dốc, khung cảnh nên thơ, hữu tình. Boone quy tụ khá nhiều sinh viên và các giáo sư giỏi đến từ trường Đại học Appalachian gần đó. Trong khuôn viên trường đại học còn có một phòng tập thể hình được trang bị các máy tập hiện đại. Ngoài ra, chúng tôi có thể thuê một ngôi nhà gỗ nhỏ cạnh bìa rừng để tiện cho việc tập luyện.
Tôi lên mạng và tìm thuê một căn nhà nhỏ. Tiếp theo, tôi quyết định sẽ mời một người bạn cũ là Bob Roll đi cùng để làm bạn đồng hành trong lúc tập luyện. Bob từng là một vận động viên đua xe đạp đường trường nhưng nay đã chuyển sang thi đấu đua xe vượt đường đèo. Tuy đã ba mươi tám tuổi nhưng trông anh vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Nhận được lời mời, Bob vui vẻ đồng ý ngay.
Chúng tôi bay đến Charlotte, North Carolina rồi tiếp tục lái xe gần ba giờ đến vùng núi. Điểm dừng đầu tiên là bang Appalachian nơi Chris đã thu xếp giúp tôi một cuộc kiểm tra sức khỏe tại một trung tâm huấn luyện thể thao. Chris nhìn vào kết quả đo nồng độ VO2 hiện tại của tôi cùng các chỉ số khác rồi đánh giá về hiện trạng sức khỏe của tôi: tôi hơi thừa cân.
Chris tuyên bố với các nhân viên ở trung tâm huấn luyện: “Cậu ấy chỉ cần một tuần để lấy lại vóc dáng như xưa”.
Hơn ai hết, Chris biết rằng cơ thể tôi thích ứng rất nhanh và anh tin tôi chỉ cần một vài ngày là có thể lấy lại vóc dáng cũng như các chỉ số đo như mong muốn. Nhưng để khích tôi, anh đã cố tình đặt cược rằng: “Tôi cá 100 đô-la rằng anh sẽ không thể đạp 500 vòng/phút”. Chris đã thành công – tôi chấp nhận lời cá cược đó.
Từ hôm đó, tất cả những gì chúng tôi làm chỉ là ăn, ngủ và tập luyện. Mùa xuân tràn về trên khắp Boone mang theo những cơn mưa phùn lạnh buốt. Buổi sáng, màn sương dày bao phủ khắp cả rừng thông. Hằng ngày, chúng tôi đạp xe dưới trời mưa. Cái lạnh khiến tôi phải co người lại, mỗi hơi thở tôi phả ra là một làn hơi trắng, nhưng tôi không sợ nữa. Tôi cảm thấy cơ thể mình được thanh lọc và đang khỏe mạnh lên từng ngày. Cứ thế, chúng tôi gắng sức đạp xe ngược chiều gió trên những con đường mòn nhỏ len lỏi vào trong hẻm núi. Sỏi đá, những thảm cỏ dày, những cành cây treo ngang trước mắt không thể ngăn cản bước tiến của chúng tôi.
Buổi tối, Chris tự tay làm một đĩa mì Ý thật to và nướng khoai tây. Chúng tôi ngồi quây quần bên bàn ăn và cùng ăn ngấu nghiến sau một ngày tập luyện vất vả. Vừa ăn mọi người vừa tán gẫu, nhắc lại những chuyện lúc xưa khi lần đầu chúng tôi gặp nhau, rồi trở thành bạn bè như thế nào và hồi tưởng về khoảng thời gian tôi đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Mỗi tối như thế tôi đều gọi về nhà thăm Kik. Kik nói rằng tôi đang dần trở lại là Lance của ngày xưa: vui vẻ, hòa đồng và lạc quan. Khi kể với nàng về những chuyến đi, về thời tiết và những cơn mưa, tôi cười đùa: “Anh thật sự cảm thấy yên lòng lắm”.
Tôi bắt đầu ép mình vào khuôn phép: ban ngày tập luyện và trở về nghỉ ngơi khi trời đã sụp tối. Thời tiết ở đây tuy khắc nghiệt nhưng nhờ nó, tôi nhớ đến những việc đã diễn ra tại Paris và có dịp nhìn thẳng vào những vấp ngã mà mình đã trải qua. Cũng chính những cơn mưa rả rích, cái lạnh cắt da đã khiến tôi nản lòng trong giải đấu ở Paris nhưng giờ đây, tôi tự tin và cảm thấy hứng thú khi vượt qua những thử thách đó.
Gần đến ngày kết thúc đợt huấn luyện, chúng tôi quyết định sẽ làm một vòng lên ngọn núi Beech. Chris có dụng ý khi đề xuất việc này bởi vì đây cũng chính là nơi đánh dấu thắng lợi của tôi hai lần liên tiếp tại giải Tour Du Pont. Chặng đường kéo dài đến hơn một trăm ki-lô-mét và cực kỳ khó đi bởi đỉnh núi đã bị tuyết phủ kín. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh tôi dũng mãnh cưỡi xe đạp và vượt qua những con đường men theo sườn núi, người hâm mộ đứng tràn cả hai lối đi và họ đã ưu ái sơn tên tôi lên mặt đường với dòng chữ “Tiến lên Armstrong!”.
Chúng tôi khởi hành trong một ngày mưa rả rích. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đạp xe khoảng 160 km, sau đó quay về và tiến hành chinh phục đoạn dốc của núi Beech. Chris sẽ lái xe theo sau tôi, vì vậy sau khi leo lên đến đỉnh, tôi có thể tháo chiếc xe đua của mình và xếp gọn lên xe của Chris rồi cùng lái về nhà dùng bữa tối.
Chúng tôi vượt qua cơn mưa dài rả rích trong suốt bốn giờ, rồi năm giờ. Trước khi đến chân núi Beech, tôi đã ngồi trên xe đạp hơn sáu giờ. Cả người tôi ướt sũng. Nhưng tôi cố rướn người dậy và dùng hết sức đạp mạnh vào bàn đạp – bánh xe quay tít đẩy tôi bỏ Bob Roll một đoạn khá xa.
Trong lúc gắng sức tăng tốc, tôi kinh ngạc khi nhận ra con đường vẫn in dòng chữ có tên tôi như ngày nào.
Bánh xe của tôi xoay đều lướt qua dòng chữ được sơn hai màu vàng và trắng. Tôi khẽ cúi nhìn xuống làn đường, một dòng chữ đã bị mờ theo thời gian bắt đầu hiện ra - “Lance muôn năm!”.
Tôi tiếp tục tiến về phía trước. Con đường càng lúc càng dốc hơn. Tôi tăng sức đạp lên hai bàn đạp. Cả cơ thể tôi nóng bừng lên tựa như một luồng nước đang bốc hơi. Mồ hôi túa ra khắp người. Tôi đang có những phản ứng tích cực như một cua-rơ thực thụ. Cứ thế, tôi nắm bắt ngay nhịp thở, nhịp đạp từ đôi chân mình – sự kết hợp này tạo nên một bứt phá ngoạn mục. Chris vẫn đang ở sau tôi, anh mở cửa kính và không ngừng động viên: “Lance, cứ như thế nhé, đạp, đạp mạnh hơn nữa!”. Tôi quay lại nhìn Chris. Anh ấy vẫy tay hét lớn: “Cố lên! Cố lên nào Lance! Hãy cố lên!”. Tôi nghe tim mình đập mạnh, nhịp thở gấp gáp và tôi chỉ còn biết tiếp tục dồn sức vào đôi chân.
Chuyến huấn luyện đó thức tỉnh phần hồn đã chết bấy lâu nay trong tôi. Khi gắng sức để chinh phục ngọn đèo, tôi mơ hồ nhớ lại thuở ấu thơ của mình, những chặng đua lịch sử đánh dấu vàng son trong sự nghiệp của tôi, rồi hình ảnh một Lance bị ung thư lại hiện ra, nhưng hình ảnh rõ nét nhất chính là tôi – một Lance khỏe mạnh và hừng hực niềm tin chiến thắng. Có lẽ mọi ức chế trong tôi suốt mấy tuần qua đã được giải tỏa trong chuyến đi thử thách này. Đã đến lúc tôi phải tiến lên, tôi không thể dừng lại. Tôi tự răn bản thân mình: “Nếu tiến lên, mày sẽ không chết”.
Tôi vừa đạp vừa nhìn xuống con đường mòn, mưa vẫn rơi rả rích, bánh xe tôi vẫn đang quay tròn rẽ ngang những vũng nước đầy. Tôi lại bắt gặp dòng chữ dù đã phai màu - “Tiến lên Armstrong!”.
Hơn lúc nào hết, tôi nhận ra cuộc sống của mình chính là đây – mọi khắc khoải buồn vui đều hiện ra trước mắt. Tôi nhận ra lý tưởng sống của mình: tôi sinh ra là để làm một vận động viên, tôi khao khát những đoạn đường dốc đứng để thử thách bản lĩnh và khả năng của mình.
Và tôi đã đến đích. Phía sau tôi, Chris chứng kiến tất cả mọi biến chuyển trong hành động của tôi trên chiếc xe đạp đua – những biến chuyển đó xuất phát từ sự giác ngộ trong chính một tâm hồn đã tìm lại được lẽ sống. Tôi và chiếc xe đã hòa làm một, chúng tôi không chỉ đang di chuyển mà chúng tôi đang lướt cùng thời gian.
Tôi dừng xe. Chris cũng đỗ xe và nhanh chóng bước ra ngoài. Chúng tôi không nói gì về những chuyện vừa xảy ra. Chris chỉ nhìn tôi:
- Tôi sẽ giúp cậu khiêng xe đạp lên nóc ô tô.
- Không, hãy đưa cho tôi chiếc áo khoác. Tôi sẽ tự mình đạp xe xuống núi.
Tôi đã trở lại là một cua-rơ đúng nghĩa: một khi đã vào đường đua sẽ phải thi đấu đến cùng. Chris nở nụ cười và anh quay lại xe của mình.
Tôi thả dốc xuống ngọn đồi và say sưa trong cảm giác yên bình ngắm nhìn phong cảnh núi rừng trùng điệp. Tôi cảm thấy thỏa mãn. Tôi yêu sao chiếc xe đạp bé nhỏ đã theo tôi suốt những ngày tháng tủi nhục xen lẫn vinh quang. Boone như một chốn hành hương đưa tôi về vùng đất Thánh. Một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại đây để tìm kiếm câu trả lời – Vì sao tôi luôn tìm lại được cuộc sống đích thực của mình từ những chuyến đi như thế này?
Vài ngày sau, chúng tôi quay lại trung tâm huấn luyện thể thao của trường Đại học Appalachian để kiểm tra tốc độ đạp của tôi. Tôi dồn sức và đạp mạnh vào bàn đạp liên tục. Con số hiển thị trên màn hình cứ biến đổi không ngừng đến nỗi Chris không thể đọc một cách rõ ràng được. Vòng bánh xe xoay tít. Chris cười nắc nẻ và vui vẻ dúi vào lòng bàn tay tôi 100 đô-la.
Đêm hôm đó, tôi bất chợt nói với Chris:
- Tôi đang tự hỏi không biết liệu mình có thể tham gia vào một vài chặng đua ở Atlanta hay không.
- Cứ thử xem nào, Lance. – Chris động viên.
Ngay lập tức, chúng tôi cùng ngồi bàn thảo về sự trở lại đầy bất ngờ này của tôi. Chris nhấc điện thoại và liên lạc với một số bạn bè để tìm mua giúp tôi hai chiếc bánh xe mới. Sau đó, anh gọi ngay cho Bill Stapleton và nói: “Lance đã hồi sinh. Cậu ấy đã thật sự sẵn sàng để đánh bại mọi cua-rơ khác”.
Dĩ nhiên, mọi chuyện không đơn giản. Không phải chỉ cần ngồi lên yên xe là có thể chiến thắng. Sự nghiệp đua xe của tôi đã trải qua biết bao thăng trầm, buồn tủi xen lẫn vinh quang. Tuy nhiên lần này, tôi quyết tâm không để ngoại cảnh chi phối mình một lần nữa.
Sau chuyến đi đến Boone, tôi tìm lại được cảm hứng với môn đua xe đạp. Ý nghĩ từ bỏ sự nghiệp đã hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí tôi. Mỗi ngày, tôi chăm chỉ tập luyện dù rằng tôi vẫn chưa hoàn toàn lấy lại được vóc dáng cũ, dù rằng tôi vẫn thường xuyên cảm thấy mỏi mệt, kiệt sức nhưng tôi quyết tâm phải vượt qua chính mình.
Tôi tận hưởng cảm giác thích thú mỗi ngày trên yên xe. Thậm chí hôm đám cưới tôi và Kik, tôi còn mang theo cả chiếc xe đạp thân yêu của mình. Tháng 5 năm 1998 – một tháng sau khi từ Boone trở về, tôi và Kik chính thức kết hôn tại Santa Barbara. Khách mời chỉ khoảng một trăm người và đám cưới diễn ra trong một nhà thờ nhỏ - vì Kik là người theo đạo, sau đó chúng tôi có một bữa tiệc rất vui và thân tình. Mọi người tham gia vào ngày vui của chúng tôi, họ nhảy múa tưng bừng khắp khán phòng làm không khí càng thêm sôi nổi. Tôi và Kik ngất ngây hạnh phúc đến nỗi chúng tôi cứ mong thời gian sẽ ngừng trôi và mọi người có thể bên nhau vui vẻ mãi như thế. Sau bữa tiệc, mọi người nhất trí cùng đến một câu lạc bộ đêm để tiếp tục cuộc vui. Chúng tôi ngồi uống cùng nhau vài ly rượu và tán gẫu.
Tôi và Kik nghỉ ngơi tại căn nhà nhỏ cạnh bờ biển vài ngày – nhưng đó chưa hẳn là một kỳ trăng mật hoàn hảo bởi vì tôi vẫn còn quá hăng say với lịch tập luyện. Tôi vẫn đạp xe mỗi ngày. Cuối cùng, chúng tôi quay về nhà tại Austin để chuẩn bị cho chiến dịch “Chặng đua hoa hồng” lần thứ hai sắp diễn ra. Tôi càng phấn khởi khi giờ đây, cuộc thi mà mình phát động đã trở thành một sự kiện lớn được nhiều người quan tâm. Trong lúc diễn ra cuộc đua, rất nhiều người tụ tập hai bên đường, hò hét để cổ vũ cho các vận động viên. Đèn sáng trưng suốt các con đường nơi đoàn đua đi qua. Tôi về đầu trong cuộc đua đó. Khi tôi bước lên khán đài để nhận kỷ niệm chương, Kik vui mừng hò hét cổ vũ như thể tôi vừa chiến thắng tại giải đấu Tour de France. Nàng chưa bao giờ trông thấy tôi trong hình ảnh vinh quang như thế. Tôi nói với Kik: “Không có gì đặc biệt đâu” nhưng sự thật là tôi cũng đang ngất ngây hạnh phúc.
Cảm giác được trở lại đường đua thật tuyệt. Vào tháng Sáu, tôi tham dự một giải đấu khác và lần thi này chính thức đánh dấu sự trở lại của tôi với vai trò là một cua-rơ chuyên nghiệp. Đó là giải đấu vô địch toàn nước Mỹ U.S. Pro Championships. Tôi về thứ tư. Đồng đội và cũng là bạn của tôi George Hincapie đã giành được vị trí thứ nhất.
Một ngày, tôi đã nói với Kik về quyết định của mình: “Kik này, có lẽ đã đến lúc anh quay lại châu Âu”. Nàng mỉm cười gật đầu. Từ trước đến nay tôi luôn thông báo với Kik những quyết định quan trọng của mình và mong muốn cô ấy làm theo, nào là “Kik, chúng ta thu xếp để đến châu Âu nhé”, và khi đến châu Âu, tôi lại nói: “Kik, chúng ta quay về Austin thôi”. Giờ đây, khi chúng tôi đang có những ngày hạnh phúc ở Austin, tôi lại thông báo rằng: “Kik, anh đã suy nghĩ lại. Chúng ta bắt đầu cuộc sống mới ở châu Âu nhé”. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Kik đều đồng ý đi cùng tôi vô điều kiện. Nàng luôn là niềm động viên và tự hào của tôi. Tôi yêu Kik vì điều đó.
Kik không ngại thử thách, nàng hứng thú khi được khám phá một ngôn ngữ mới, cách sống mới ở một nơi xa lạ. Chính vì vậy, khi tôi nói với nàng rằng: “Chúng ta hãy thử một lần nữa nhé” thì tôi biết nàng sẽ không ngần ngại.
Chúng tôi đến châu Âu và thuê một căn hộ ở Nice. Kik quay lại trường học để hoàn thành khóa học tiếng Pháp cấp tốc. Tôi vẫn ngày ngày gắng sức tập luyện cùng chiếc xe thân yêu của mình. Tôi tham gia giải đấu Tour of Luxembourg và chiến thắng. Ngay sau chặng đua đầu tiên, tôi gọi cho Kik. Giọng tôi rất điềm tĩnh, vì vậy mà Kik cứ mãi băn khoăn vì sao tôi lại không hưng phấn khi được trở lại là chính mình. Nhưng có lẽ chỉ mình tôi hiểu, tôi lo sợ sự tự ti sẽ quật ngã tôi một lần nữa, thế nên tôi tỏ ra thận trọng và cố gắng kìm giữ cảm xúc của mình. Đây chỉ là một giải đấu diễn ra trong bốn ngày, chiến thắng lần này không phải là quá lớn. Nhưng với tôi, tôi thật sự vui và hạnh phúc vì tôi biết mình lại có thể chiến thắng một lần nữa, ngoài ra chiến thắng đó giúp tôi đạt được một số điểm thưởng của ICU. Có thể nói, tôi hoàn toàn mãn nguyện vì quyết định trở lại của mình.
Tiếp đó, tôi đến Hà Lan để tham gia giải Tour of Holland. Lần này, tôi về thứ tư. Giải Tour de France sẽ diễn ra vào tháng Bảy nhưng tôi không đăng ký tham gia bởi vì tôi cho rằng mình chưa thật sự sẵn sàng cho một giải đua quan trọng như vậy. Tuy nhiên, suốt thời gian đó, tôi nghiên cứu rất kỹ các băng ghi hình đoàn đua cũng như theo dõi sát sao mọi diễn biến được cập nhật hàng ngày trên ti-vi. Trong một cuộc kiểm tra bất ngờ, cảnh sát Pháp phát hiện một số lượng lớn các vận động viên đã dùng chất kích thích. Những người được xác định sử dụng chất kích thích đã bị vào tù. Tất cả mọi người có liên quan đều được đưa vào diện nghi vấn và điều tra. Các cua-rơ bất ngờ và hoảng sợ trước thái độ cứng rắn của nhà cầm quyền. Trong số hai mươi mốt đội tham gia giải đấu, chỉ có mười bốn đội đi đến cùng. Một đội bị tước quyền thi đấu do vi phạm quy định của liên đoàn, sáu đội khác đã bỏ cuộc.
Sử dụng chất kích thích là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng trong các cuộc thi đấu thể thao. Một số vận động viên xem nó giống như một thứ vũ khí hạt nhân – họ cần đến nó để duy trì và nâng cao sức lực trong giai đoạn peloton. Riêng tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó lại cần thiết đến vậy. Sau khi trải qua quá trình hóa trị, ý nghĩ tiêm vào cơ thể mình một chất gì đó khiến tôi ghê sợ. Cũng trong năm đó, tôi có những suy nghĩ rất khác nhau về giải Tour de France 1998: một phần, tôi rất thông cảm với những vận động viên đã bị phát hiện sử dụng chất kích thích sau cuộc kiểm tra – một vài người trong số họ quen với tôi; nhưng đồng thời, nhờ việc này mà tôi càng xác định rằng Tour de France là một giải đấu rất nghiêm túc và công bằng.
Tôi tiếp tục kiên trì tập luyện suốt mùa hè. Đến tháng tám, tôi và Kik mua một ngôi nhà ở Nice vì chúng tôi quyết định sẽ phát triển sự nghiệp của tôi tại đây. Trong lúc Kik một mình xoay xở với các nhân viên ngân hàng bằng giọng tiếng Pháp còn chưa rành rọt của mình và sắm sửa đồ đạc cho ngôi nhà mới, tôi phải đi cùng với đội đến Tây Ban Nha trong ba tuần để tham gia giải Vuelta a España – một trong những giải rất khó của giới đua xe đạp. Bạn cứ hình dung thế này, trong môn đua xe đạp thì có ba giải đấu lớn nhất đáng quan tâm: một là của Ý, hai là của Pháp và ba là của Tây Ban Nha.
Ngày 1 tháng 10 năm 1998, sau hai năm kể từ ngày phát hiện mình bị bệnh ung thư, tôi đã hoàn thành trọn vẹn chặng đua Vuelta. Tôi về đích thứ tư. Chiến thắng này cũng quan trọng như rất nhiều chiến thắng khác mà tôi đã đạt được. Tôi đạp xe qua chặng đường dài khoảng 3.760 km suốt trong hai mươi ba ngày và chỉ kém người về thứ ba khoảng thời gian sít sao: sáu giây. Nhà vô địch Abraham Olano của Tây Ban Nha về đích trước tôi 2 phút 18 giây.
Xếp ở vị trí thứ tư tại Vuelta là một kết quả ngoài sức mong đợi của tôi cho sự trở lại lần này. Trước đây, tôi nổi tiếng là hung thần của những chặng đua ngắn nhưng tôi chưa bao giờ bảo toàn được sự hưng phấn cũng như sức bền trong những chặng đua dài diễn ra trong nhiều tuần. Chiến thắng ở Vuelta không những ghi dấu sự trở lại đầy ngoạn mục của tôi, mà nó còn chứng minh rằng tôi đã tiến bộ hơn trước. Hơn lúc nào hết, tôi hoàn toàn tự tin để nói rằng tôi có thể chiến thắng bất kỳ giải đấu nào. Những điểm thưởng của ICU dành tặng cho những cua-rơ có biểu hiện tốt trong các chặng đua đều thuộc về tay tôi. Và mọi người bắt đầu chú ý đến một hiện tượng lạ của làng thể thao đua xe đạp – không ai khác chính là tôi: Lance Armstrong.
Trong lúc tôi tập trung vào cuộc thi ở Vuelta thì Kik ở nhà bận bịu với chuyện sửa sang và sắm sửa cho tổ ấm mới của chúng tôi. Căn hộ cũ của hai vợ chồng nằm ở tầng ba, vì vậy Kik phải sử dụng thang máy để vận chuyển đồ đạc như quần áo, các phụ tùng xe của tôi và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Hầu như nàng chỉ làm việc một mình mà không nhờ sự giúp đỡ của ai, nên sau khi thu xếp mọi việc ổn thỏa trong hai ngày, trông nàng mệt đờ cả người.
Khi tôi về nhà, quần áo đã được chuẩn bị tươm tất, tủ lạnh đầy rau quả tươi ngon và Kik dúi vào tay tôi một chùm chìa khóa mới. Điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đây có lẽ là niềm vui tuyệt vời nhất của tôi trong suốt một năm qua. Chúng tôi đã làm được, chúng tôi đã bắt đầu một cuộc sống mới thật sự, sự nghiệp của tôi cũng tiến triển rất nhiều. Kik giờ đây đã có thể trò chuyện bằng tiếng Pháp và đáng tự hào là hai vợ chồng đã có một ngôi nhà riêng. Đối với chúng tôi, đó là tất cả. Kik rạng rỡ nói: “Ôi Lance, chúng ta đã có một cuộc sống mới!”.
Để mừng ngày tôi trở về và mừng cho tổ ấm mới của hai vợ chồng, tôi và Kik đi du lịch vài ngày đến Hồ Como – một trong những nơi yêu thích nhất của tôi. Tôi cẩn thận chọn một khách sạn thật vừa ý nằm trên một ngọn đồi có tầm nhìn bao quát xung quanh. Tất cả những gì chúng tôi làm là nghỉ ngơi, đi dạo và cùng nhau thưởng thức những bữa ăn ngon.
Thời gian sau đó, tôi và Kik trở về nhà ở Austin để chuẩn bị cho kỳ nghỉ thu đông. Không lâu sau khi quay về, tôi nhận một bức e-mail từ giám đốc của đội U.S. Postal là ông Johan Bruyneel. Trong thư, ông chúc mừng chiến thắng của tôi tại Vuelta và có nhắc đến một điều khiến tôi chú ý ngay: “Tôi nghĩ vị trí thứ tư là một kết quả ngoài sức mong đợi của cậu. Nhưng tôi cho rằng cậu sẽ có khả năng giành được một vị trí trên bục vinh quang của giải Tour de France vào năm sau đấy”.
Đó là câu kết thúc bức e-mail mà Johan gửi cho tôi. Tôi lưu bức thư đó vào đĩa, cho in ra và ngồi nhìn từng dòng chữ. Giải Tour de France ư? Johan không những bảo rằng tôi có thể tham gia giải Tour de France, ông còn tin tưởng rằng tôi sẽ giành được một vị trí cao trên bục vinh quang.
Đó là một câu nói rất đáng để suy nghĩ.
Suốt mấy ngày sau, tôi cứ đọc đi đọc lại bức thư. Sau một năm đầy biến cố và suy sụp tinh thần, giờ đây tôi đã biết mình nên làm gì.
Tôi muốn chiến thắng trong giải Tour de France.
Điều bạn học được từ sự hồi sinh chính là sau những biến cố quan trọng trong cuộc đời, sau chuỗi ngày khủng hoảng cả tinh thần lẫn thể chất, sau khi bạn đã chấp nhận một sự thật rằng mình bị ung thư và rồi từng ngày đấu tranh sinh tồn với nó để cuối cùng, bạn hân hoan chào đón sự hồi sinh của chính bản thân mình, bạn quay lại nếp sống cũ với những thói quen và niềm hy vọng về một công việc ổn định, một gia đình đầm ấm, một người vợ chu đáo, một đứa con để quan tâm và chăm sóc – thì tất cả những điều đó đã vô hình gắn kết mỗi ngày của bạn lại với nhau thành một hành trình mà chúng ta có thể gọi đó là cuộc đời. Tôi yêu sao những ngày tháng mà tôi đang trải qua lúc này!
Tôi yêu thích cảnh vật của Boone. Khi tôi đạp xe vòng quanh những con đường ở Boone, cảnh vật hiện ra đẹp đến xao lòng: hàng cây xanh cao vút, những triền núi nhấp nhô kéo dài đến tận chân trời. Tôi cảm nhận được cuộc sống hiện tại của tôi cũng vậy – cũng bao la và yên bình như thế.
Tôi muốn có một đứa con. Khi tôi bệnh, tôi không nhận được sự quan tâm chăm sóc của một người cha. Giờ đây, tôi nhận ra mình khao khát có một đứa con. Kik cũng có cùng suy nghĩ như tôi. Sau nhiều biến cố của năm vừa qua, chúng tôi càng hiểu và càng khắng khít với nhau hơn – một cảm giác yên tâm và tin tưởng khiến bạn mong muốn sẽ cùng nhau tạo nên một sinh linh bé nhỏ như là kết tinh của tình yêu, của hạnh phúc.
Tuy nhiên, việc có con của tôi và Kik không dễ dàng và suôn sẻ như những cặp vợ chồng khác bởi tôi đã không còn khả năng sinh sản. Để có thai, Kik phải tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách trích xuất tinh trùng của tôi được lưu giữ ở San Antonio. Quá trình thụ tinh diễn ra cũng phức tạp như khi tôi điều trị bệnh ung thư. Mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và chi tiết. Tôi và Kik phải uống thuốc, tiêm thuốc và trải qua hai cuộc phẫu thuật quan trọng.
Tôi xin chia sẻ tiếp theo đây những trải nghiệm của tôi và Kik trong quá trình thụ tinh để có một đứa con như mong muốn. Tôi sẽ thuật lại một cách cởi mở và không giấu giếm bất kỳ điều gì. Một vài cặp vợ chồng rất kín đáo về chuyện họ đi thụ tinh nhân tạo và cũng không muốn nói nhiều về việc này. Đó là quyền của họ. Nhưng chúng tôi thì khác. Vợ chồng tôi có thể sẽ bị chỉ trích vì đã phơi bày chuyện riêng tư nhưng cả hai đã quyết định sẽ cởi mở trong vấn đề này bởi vì còn rất nhiều cặp vợ chồng khác đang đau khổ và dằn vặt với nỗi sợ rằng mình sẽ không có một gia đình trọn vẹn. Chúng tôi đồng cảm và muốn chia sẻ với họ để họ đủ tự tin hơn khi đối mặt với phương pháp khoa học này.
Hai vợ chồng tôi quyết định sẽ tiến hành thụ tinh khi năm mới vừa sang. Chính vì vậy, tôi đã tìm hiểu thông tin về cách thức tiến hành rất kỹ lưỡng, chi tiết và cẩn thận như hồi tôi tìm hiểu về căn bệnh ung thư của mình. Chúng tôi dự định sẽ thực hiện một chuyến đi đến New York để gặp các chuyên gia về thụ tinh nhân tạo ở trường Đại học Cornell. Nhưng khi ngày hẹn sắp đến gần, tôi và Kik lại có một quyết định khác. Chúng tôi không muốn phải nằm chờ trong một khách sạn lạ lẫm hàng tuần liền, điều đó khiến tôi nhớ lại chuỗi ngày mình bị bệnh. Chúng tôi quyết định nhờ một chuyên gia khác ở ngay Austin – bác sĩ Thomas Vaughn.
Ngày 28 tháng 12, tôi và Kik có buổi gặp mặt lần đầu tiên với bác sĩ Thomas Vaughn. Hai chúng tôi đều rất căng thẳng và lo lắng khi ngồi đợi trong văn phòng bác sĩ. Như những lần tôi đến bệnh viện để kiểm tra trước đây, tôi mặc một bộ quần áo lịch sự và tỏ thái độ rất nghiêm trọng. Điều đó khiến Kik cũng phải bật cười.
Khi chúng tôi thảo luận về quy trình thụ tinh nhân tạo, tôi để ý thấy Kik thoáng chút bối rối. Cô ấy không quen với ngôn ngữ y khoa. Nhưng đối với tôi, kể từ sau khi điều trị căn bệnh ung thư tinh hoàn, việc đề cập đến vấn đề tình dục một cách công khai và cởi mở với người lạ không khiến tôi phải bối rối hay e ngại. Chúng tôi ra về với một kế hoạch sơ lược ban đầu và nếu không có gì trục trặc thì mọi chuyện có thể diễn ra rất nhanh. Kik có khả năng sẽ được thụ thai trước tháng Hai. Thời gian là rất quan trọng bởi vì chúng tôi đã lập kế hoạch chào đón đứa con đầu lòng song song với lịch thi đấu của tôi nếu tôi vẫn muốn tham gia và chiến thắng tại giải Tour de France.
Hai ngày sau, Kik đến phòng xét nghiệm để chụp X-quang như đã hẹn. Họ muốn bảo đảm rằng Kik hoàn toàn đủ sức khỏe và không gặp vấn đề gì về tử cung.
Đêm hôm sau là giao thừa và chúng tôi chuẩn bị tinh thần để tiến hành các bước như đã hoạch định.
Một tuần sau, chúng tôi đến bệnh viện như lịch hẹn. Ban đầu cả hai đều cho rằng cuộc hẹn này chỉ đơn giản là tiếp nhận vài lời khuyên nhưng chúng tôi đã lầm. Tôi và Kik bước vào một căn phòng khá ngột ngạt và yên lặng, bên trong phòng đặt hai chiếc bàn đối diện nhau và lúc đó có nhiều cặp vợ chồng khác đang căng thẳng nắm chặt tay nhau. Một nữ y tá tươi cười bước vào nói rằng cô cần chụp hình tôi và Kik để lưu lại trong hồ sơ. Thế là chúng tôi gượng cười và sau đó tiếp tục ngồi gần hai giờ để lắng nghe một bài giảng về cơ chế thụ thai. Chúng tôi đã được học về chuyện này ở trường trung học và không ai trong chúng tôi muốn nghe lại cả. Các y tá phát cho mỗi người một xấp tài liệu dày cộm và lần lượt giảng giải từng trang một. Tôi chỉ còn biết ngồi nghịch vớ vẩn và kể cho Kik nghe những câu chuyện cười để giết thời gian.
Tôi thúc tay Kik ra hiệu chúng tôi nên về. Tôi không muốn ngồi ở đây chỉ để nghe những điều này. Thế rồi chúng tôi tìm cơ hội thích hợp nhất để chạy ra ngoài như những đứa trẻ trốn học và cười ngặt nghẽo.
Vài ngày sau, chúng tôi quay lại bệnh viện để xét nghiệm máu. Và cũng ngay đêm hôm đó, Kik được tiêm Lupron(*******) lần đầu tiên. Và cứ sau mỗi hai mươi bốn giờ lại phải tiêm một lượng nhất định. Điều đó có nghĩa mỗi đêm, Kik đều phải đối mặt với nỗi sợ tiêm thuốc cho đến khi các bác sĩ bảo dừng lại. Kik thật sự căng thẳng. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi nàng phải tự tiêm cho mình.
******* Lupron là một loại thuốc có tác dụng ngăn chu kỳ rụng trứng của phụ nữ.
Thế là mỗi tối cứ đến tám giờ ba mươi, Kik vào phòng tắm và tự tiêm một mũi thuốc vào đùi. Lần đầu tiên Kik làm, tay nàng run đến nỗi không thể đẩy ống bơm của kim tiêm. Nhưng rồi mọi việc cũng đâu vào đấy.
Vào khoảng trung tuần, đại diện của đội U.S. Postal đến Austin để thực hiện kiểm tra lực gió. Sau chuyến kiểm tra, đội U.S. Postal đến California để tập luyện và tôi phải đi cùng họ. Điều này nghĩa là Kik phải ở lại và một mình thực hiện quy trình thụ tinh trong vài ngày tới. Trong lúc tôi không có nhà, Kik có nhiệm vụ phải đi một chuyến đi dài đến San Antonio để lấy phần tinh trùng đang được lưu trữ của tôi. Mỗi năm, tôi mất 100 đô-la cho chi phí bảo quản và lưu trữ chúng.
Sáng sớm hôm đó, Kik đến bệnh viện ở Austin để nhận một thùng đông lạnh khá lớn vẫn được dùng trong y khoa. Trong lúc ngồi đợi các y tá chuyển giao phần tinh trùng đã được trữ lạnh vào thùng, Kik ngồi xem tạp chí. Theo yêu cầu của tôi, cô y tá mở nhanh thùng đông lạnh và chỉ cho Kik thấy chiếc lọ nhỏ lạnh băng có khắc ký tự tên tôi LA trên đó.
Kik nói vui: “Em mong chiếc lọ đó không phải của gã đàn ông nào tên là Larry Anderson”.
Trên đường về, Kik tập trung lái xe và trả lời các cuộc điện thoại hỏi thăm của tôi. Tôi không sao yên tâm được cho đến lúc Kik trao lại chiếc thùng đó cho các nhân viên ở bệnh viện. Đối với tôi, khoảnh khắc đó rất thiêng liêng – vậy là chúng tôi đã có thể hình dung về một đứa trẻ khỏe mạnh của riêng tôi và Kik.
Kik vẫn tiếp tục tiêm thuốc đều đặn mỗi ngày. Một tối, Kik mời một số bạn bè về nhà dùng bữa tối. Đến đúng tám giờ ba mươi, Kik cáo lỗi cùng mọi người để đi tiêm thuốc. Mọi người khá tò mò vì biết rằng cô rất sợ kim tiêm. Vậy là tất cả tập trung vào phòng tắm để chứng kiến tận mắt cảnh Kik tự tiêm thuốc cho mình. Quá bối rối, Kik vuột tay làm rơi cả lọ thuốc Lupron xuống nền nhà khiến nó vỡ tan. Nàng bắt đầu hoảng loạn vì biết rằng nếu bị hụt lần tiêm này, quá trình thụ tinh sẽ không thể thành công và chúng tôi sẽ phải thực hiện lại từ đầu. Kik òa khóc. Trong lúc bạn bè giúp lau dọn phần thuốc và miểng chai dưới sàn để tránh chú chó cưng ăn phải, Kik vội vàng truy tìm số điện thoại của cô y tá và gọi cho cô ấy giải thích mọi việc trong tiếng nấc. Lúc đó đã là tám giờ bốn mươi lăm tối thứ bảy. Cô y tá cũng tỏ ra sốt sắng. Cả hai tức tốc gọi điện đến các tiệm thuốc trong thành phố. Cuối cùng, Kik tìm được một cửa hàng còn mở cửa. Nàng nhanh chóng rời nhà và chạy ngay đến đó. Người chủ tiệm đợi Kik đến và trao cho nàng lọ thuốc Lupron kèm lời chúc may mắn.
Vài ngày sau, Kik quay lại văn phòng bác sĩ Vaughn để tiến hành xét nghiệm và kiểm tra số nang trứng đang mang. Thật khó cho Kik khi phải một mình đến những nơi như thế. Tất cả các phụ nữ khác đang ngồi đợi trong hành lang đều có chồng theo cùng và khi trông thấy Kik đi một mình, họ tỏ ra e ngại. Kik đọc được suy nghĩ của họ, có lẽ họ đang thắc mắc vì sao một phụ nữ trẻ như Kik lại cần thụ tinh nhân tạo và vì sao chồng Kik lại không có mặt bên cạnh nàng lúc này.
Bác sĩ Vaughn tiêm cho Kik một mũi thuốc Gonal-F. Đây là loại thuốc giúp kích thích buồng trứng và đẩy nhanh sự rụng trứng ở cơ thể người phụ nữ. Kể từ lúc này, Kik sẽ phải tự tiêm cho mình hai mũi thuốc: một mũi 5cc Lupron và một mũi gồm ba ống đầy Gonal-F. Kik nói vui với tôi rằng cơ thể nàng bây giờ giống như một chiếc gối dùng để giắt ghim.
Việc trộn lẫn và hòa tan ba ống Gonal-F không phải dễ. Các bác sĩ đưa thuốc cho Kik ở dạng bột trong lọ thủy tinh. Kik phải sử dụng một ống tiêm mũi dài – chỉ nhìn thấy thôi cũng đủ khiến nàng sợ hãi – để hút lấy một nửa lọ dung môi hòa tan. Sau đó, nàng sẽ tiêm chất lỏng đó vào mỗi lọ thuốc bột, hút dung dịch đã được hòa tan vào kim tiêm và ấn nhẹ pit-tông để giải phóng lượng không khí tồn đọng bên trong ống tiêm. Và cuối cùng – như thường lệ - Kik nhanh chóng cắm phập mũi tiêm vào đùi mình.
Ngày 22 tháng 1, Kik đến gặp bác sĩ Vaughn vào lúc 7 giờ sáng để xét nghiệm máu một lần nữa. Đến bốn giờ chiều cùng ngày, Kik quay lại văn phòng bác sĩ Vaughn để lấy kết quả. Kết quả cho thấy, buồng trứng của Kik đã phóng thích mười hai nang trứng khỏe mạnh như các bác sĩ dự tính.
Điều buồn cười là cũng trong ngày hôm đó, trong lúc Kik đến bệnh viện để tiến hành giai đoạn kiểm tra chuẩn bị cho việc thụ tinh thì cũng là lúc tôi phải đến California để gặp bác sĩ Nichols theo như lịch hẹn định kỳ sáu tháng. Bác sĩ Nichols đã chuyển công tác từ Trung tâm Indianapolis đến Portland, nhưng tôi vẫn đến khám sức khỏe định kỳ ở chỗ ông. Tôi không thể quên được cảm giác cùng một lúc, cả hai vợ chồng tôi đều đến gặp bác sĩ trong cùng một ngày. Tuy với hai mục đích hoàn toàn khác nhau nhưng chúng tôi tự nhủ rằng hai lần khám này có một ý nghĩa chung là đều để xác định khả năng sống sót của một người và sự ra đời của một sinh linh bé bỏng.
Kik đã sẵn sàng cho cuộc giải phẫu lấy trứng ra để chuẩn bị cho việc thụ tinh. Một ngày trước khi Kik phẫu thuật, tôi trở về nhà vì muốn Kik sẽ yên tâm hơn. Ngày hôm sau, Kik tiếp tục tiến hành xét nghiệm máu và thực hiện một số công việc quan trọng trước khi vào phòng mổ. Các bác sĩ tiêm cho nàng một mũi HCG – loại chất đã từng ám ảnh tôi trong suốt thời gian hóa trị. Nhưng trong trường hợp của Kik, HCG lại có tác dụng tích cực, nó kích thích các nang trứng mau chóng trưởng thành và di chuyển xuống thành tử cung.
Kik nhận mũi tiêm vào lúc 7 giờ 30 tối, tức là ba mươi sáu tiếng trước khi phẫu thuật. Mũi tiêm khá dài khiến Kik lại e sợ như mọi khi, cũng may là cô y tá khá tinh ý nên đã cố gắng giúp Kik cảm thấy thoải mái hơn.
Vào ngày đặc biệt quan trọng, chúng tôi thức dậy lúc sáu giờ sáng và thu xếp đến bệnh viện. Kik thay bộ quần áo dành cho người sắp phẫu thuật gồm một áo choàng rộng và chiếc mũ màu xanh lơ trên đầu. Vị bác sĩ gây mê giải thích với chúng tôi về quy trình của cuộc phẫu thuật. Anh đặt vào tay tôi một xấp tài liệu và yêu cầu tôi ký vào. Tôi và Kik khá căng thẳng bởi vì trong đó có đề xuất sẽ cho phép các bác sĩ rạch vùng ổ bụng của Kik để lấy nang trứng trong trường hợp họ không thể lấy chúng theo cách truyền thống bằng ống tiêm. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, Kik được đưa vào phòng mổ.
Khi Kik tỉnh dậy trong phòng hồi sức, nàng vui mừng vì thấy tôi đang ngồi bên cạnh. Kik nói: “Lance, anh nằm cạnh em nhé?”. Thế là tôi lên giường và nằm cạnh vợ mình cho đến lúc nàng ngủ thiếp đi. Khi thuốc mê hoàn toàn hết tác dụng, bệnh viện cho phép chúng tôi ra về. Tôi bồng Kik đặt lên xe lăn và đẩy nàng đến chỗ đậu xe. Lần thứ hai trong đời, tôi lái xe thật chậm và từ tốn.
Kik dành trọn kỳ nghỉ cuối tuần để nghỉ ngơi, ngủ và xem ti-vi, tôi đảm nhiệm phần cơm nước và chăm sóc nàng. Vợ của Bart Knagg là Barbara đến thăm chúng tôi và tặng vợ chồng tôi một bức tranh vui có hình những quả trứng. Kik phải bật cười.
Ngày 1 tháng 2, bác sĩ Vaughn gọi chúng tôi để thông báo về kết quả thụ tinh. Các bác sĩ đã tiến hành làm tan băng những tinh trùng đã được trữ lạnh của tôi và cấy vào trứng của Kik. Kết quả cho thấy có chín phôi có đủ khả năng sống sót. Trong số đó, sáu phôi rất khỏe mạnh, hai phôi khỏe vừa và một phôi đã bị vỡ. Chúng tôi quyết định sẽ cấy ba phôi khỏe mạnh nhất vào tử cung của Kik, ba phôi còn lại sẽ tiếp tục được trữ lạnh.
Ngay sau cuộc điện thoại thông báo về tình hình thụ tinh đó, tôi và Kik chợt sững người. Tôi nói: “Gia đình mình sẽ thế nào nếu có thêm ba đứa trẻ nhỉ?”. Lúc đó, chúng tôi chỉ có thể hình dung là hình ảnh ba đứa trẻ chập chững la khóc và vòi vĩnh suốt cả ngày.
Ba ngày sau cuộc phẫu thuật, vợ chồng tôi quay lại bệnh viện để thực hiện chuyển phôi vào tử cung của Kik. Chúng tôi xem đây là ngày quan trọng và ý nghĩa thứ hai sau ngày kết hôn. Cả hai được đưa vào khu vực cách ly và gặp chuyên gia phôi học Beth Williamson. Cô ấy nói rằng cô đã theo dõi rất kỹ trường hợp của chúng tôi.
Kik không nén nỗi tò mò nên hỏi: “Chúng tôi có thể biết giới tính của đứa trẻ không?”.
Bác sĩ Williamson từ chối trả lời câu hỏi này vì việc kiểm tra giới tính ở giai đoạn này khá phức tạp và nguy hiểm. Các bác sĩ sẽ phải trích xuất một tế bào trong phôi và tiến hành xét nghiệm DNA. Tôi nghĩ chúng tôi còn nhiều thời gian nên việc này xem ra cũng không thật cần thiết. Sự tò mò sẽ khiến tôi và Kik cảm thấy hào hứng hơn.
Sau khi Beth đi khỏi, một nữ y tá bước vào và đưa cho chúng tôi hai bộ quần áo để thay – một cho tôi và một cho Kik. Kik đùa: “Trông anh đẹp trai hẳn ra đấy”. Chúng tôi bật cười khanh khách. Tôi yêu cầu bác sĩ Vaughn chụp giúp vợ chồng tôi một bức ảnh để đánh dấu khoảnh khắc cuối cùng trước khi chúng tôi thật sự trở thành những người làm cha làm mẹ đúng nghĩa. Tôi và Kik đi vào phòng mổ. Chúng tôi không còn căng thẳng, chúng tôi chỉ cảm thấy quá nôn nao trước giây phút trọng đại này. Các bác sĩ ra hiệu đã đến lúc bắt đầu. Họ bước vào phòng mang theo ống tiêm chứa ba phôi đã được thụ tinh. Tôi ngồi cạnh giữ chặt hai tay vợ mình dưới lớp đệm bông. Mọi chuyện diễn ra chỉ trong vòng năm phút.
Tiếp theo, các y tá nhẹ nhàng chuyển Kik sang một băng ca và đưa nàng đến phòng hồi sức. Kik được yêu cầu phải nằm nghỉ ngơi và hoàn toàn yên tĩnh trong một giờ. Tôi nằm cạnh Kik ở giường bên. Chúng tôi chỉ nằm đó, nhìn lên trần nhà và trêu đùa nhau rằng vợ chồng tôi sắp có một ca sinh ba.
Sau một giờ, cô y tá bước vào và dặn dò rằng Kik cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong suốt vài ngày tới và không được phép vận động nhiều. Tôi lái xe chở Kik về nhà thật cẩn thận, bồng nàng lên giường và chăm sóc nàng thật chu đáo. Đến bữa tối, tôi chuẩn bị một bàn ăn thật gọn gàng với những chiếc khăn ăn trắng trẻo, tinh tươm.
Tôi đùa rằng: “Đây là bữa tiệc thịnh soạn dành cho năm người chúng ta”.
Tôi sốt sắng chăm lo, phục vụ nàng. Trong lúc chờ đợi món ăn dọn lên, tôi để Kik nằm nghỉ trên ghế sofa và nàng vui cười gọi tôi là anh bồi bàn đáng yêu.
Sáng hôm sau, khi Kik tỉnh giấc, tôi hôn nhẹ lên bụng nàng. Song song với việc phải giữ tinh thần thoải mái và an dưỡng, Kik cần uống một số thuốc theo yêu cầu của bác sĩ. Nhóm các chuyên gia thụ tinh đã chọc thủng một lỗ rất nhỏ trên mỗi nang trứng đã qua thụ tinh trước khi chúng được chuyển vào bụng của Kik. Giờ đây, những loại thuốc mà bác sĩ đã căn dặn sẽ giúp nang trứng bám chặt vào thành tử cung và tiếp tục phát triển.
Phải đến ngày 15 tháng 2 tức sau hai tuần kể từ ngày cấy phôi, chúng tôi mới biết được liệu quá trình thụ tinh có thành công hay không. Chúng tôi không còn cách nào khác ngoài chờ đợi và hy vọng. Tôi và Kik nôn nao mong chờ đến nỗi mọi biến chuyển trong hoạt động hay cảm giác của Kik đều khiến hai chúng tôi quan tâm. Nhưng vì Kik đã phải dùng thuốc trong một khoảng thời gian dài, cả thuốc tiêm lẫn thuốc uống nên rất khó để phân biệt đâu là những thay đổi nhỏ trong cơ thể Kik. Tôi liên tục hỏi Kik với vẻ lo lắng: “Em có cảm thấy gì khác trước không?”, “Em cảm thấy thế nào rồi?”. Không những tôi mà cả Kik cũng rất nôn nao.
Vào ngày thứ mười một sau khi thực hiện cấy phôi, Kik đến bệnh viện từ rất sớm để đo nồng độ HCG trong máu. Kik căng thẳng đến nỗi trên đường đi, nàng tắt cả radio và liên tục cầu nguyện. Kết quả sẽ có vào lúc một giờ ba mươi chiều, vì vậy chúng tôi giết thời gian bằng cách sửa soạn một bữa điểm tâm thật ngon, tắm rửa và thu dọn đồ đạc chuẩn bị cho chuyến đi đến châu Âu.
Ngay khi Kik chuẩn bị dắt chú cún cưng ra ngoài để đi dạo thì chuông điện thoại reo. Tôi tức tốc chạy đến nhấc máy. Tôi không thể tin vào tai mình. Mắt tôi nhòe đi. Tôi gác máy và bước đến ôm Kik vào lòng.
- Kik, em có thai rồi.
Kik cũng vui mừng khôn xiết:
- Anh chắc chứ, Lance?
Tôi gật đầu, và chúng tôi khóc.
Giờ thì vợ tôi đã mang thai. Tôi phấn khởi nói rằng tôi rất hy vọng vợ tôi sẽ sinh ba:
- Càng đông trẻ con càng vui em à.
Kik tròn xoe mắt nhìn tôi:
- Ông chồng của tôi vui tính thật đấy. Hay ông chồng tôi tính làm khổ tôi đây.
- Kik, anh đang hình dung cảnh em ngồi trên chuyến bay kéo dài mười một tiếng đến châu Âu và một mình em phải trông đến ba đứa trẻ. Em biết thế nào không: sẽ mệt mỏi, sẽ phát điên lên và tất nhiên em sẽ mất ngủ vì chúng đấy.
Kik thận trọng trong mọi việc để cái thai được phát triển khỏe mạnh. Nàng cố gắng ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm dinh dưỡng, mỗi ngày đi bộ để rèn luyện sự dẻo dai. Ngoài ra, Kik cũng dùng một số loại vitamin trước khi sinh và cố gắng ngủ đủ giấc. Kik còn mua về một chồng sách dành cho phụ nữ mang thai. Chúng tôi cũng sắm cho đứa con sắp chào đời một chiếc nôi thật xinh xắn – hai vợ chồng rất thích ngắm chiếc nôi đung đua. Bạn bè chúng tôi khi biết tin đã liên tục gọi điện hỏi thăm và chúc mừng.
Không lâu sau đó, tôi phải quay lại châu Âu để tập trung cùng đội U.S. Postal. Kik sẽ đi sau do còn một số cuộc kiểm tra về tình trạng thai nhi. Ngày 5 tháng 3, Kik đến bệnh viện để xác định liệu chúng tôi sẽ có bao nhiêu đứa trẻ. Kết quả cuối cùng cho thấy chúng tôi sẽ có một đứa bé duy nhất và hiện tại nó đang rất khỏe mạnh. Không sinh đôi – và cũng không sinh ba. Kik cảm thấy yên lòng, nhưng trong thâm tâm, Kik tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với hai phôi còn lại. Nàng hỏi bác sĩ Vaughn về chuyện này. Bác sĩ Vaughn trấn an Kik và nói rằng có những chuyện đến một cách tự nhiên và không thể giải thích được – dù đây là một quy trình khép kín có sự can thiệp của bàn tay con người.
Bác sĩ Vaughn sau khi siêu âm nhịp tim của đứa trẻ đã nói: “Đứa bé này có nhịp tim khá mạnh đấy”.
Vừa nói ông vừa chỉ tay vào một đốm sáng to bằng hạt đậu trên màn hình siêu âm. Đốm sáng ấy cử động đều đặn và dứt khoát. Kik cười và nói: “Chính Lance đã truyền sức sống cho con của chúng tôi đấy. Thế nên tim nó mới khỏe mạnh như vậy”. Bác sĩ Vaughn cho in bức ảnh siêu âm nhịp tim của đứa bé và tặng Kik để nàng mang theo khi đến châu Âu.
Vài ngày sau, Kik đã có mặt ở Nice. Nàng trao cho tôi bức ảnh thiêng liêng đó. Tôi nhìn chăm chăm vào bức ảnh. Đốm sáng hình hạt đậu thể hiện nhịp tim của con tôi đã mang lại cho tôi một sự bình yên kỳ lạ. Tôi cảm thấy yêu quý cuộc sống này biết bao. Lòng tôi thanh thản và bình yên như đang đứng trước khung cảnh bao la của Boone. Bức ảnh đó khiến tôi nhận ra mình đã hồi sinh thật sự.
Kik nói khẽ: “Hãy thi đấu vững vàng anh nhé. Anh có em và cả con của chúng ta luôn đứng sau để cổ vũ và ủng hộ cho anh đấy”.