Những đứa trẻ dám ước mơ sẽ đạt được ước mơ đó
1. Tại sao chúng ta phải học?
Sẽ có lúc con đột nhiên hỏi bạn: “Tại sao con phải học?”. Nếu bạn trả lời: “Học hành tốt cho bản thân con. Con phải học để có thể vượt qua các kỳ thi tuyển và để xin được việc làm” thì con bạn chắc chắn sẽ không cảm thấy được thuyết phục.
Vậy cha mẹ nên trả lời thế nào?
Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể trả lời như sau: “Khi đến tuổi trưởng thành, người ta phải tìm một công việc để trở nên có ích cho xã hội. Trẻ ngoan là trẻ biết cố gắng làm cho người khác hạnh phúc và sống có ích. Bây giờ con phải học để sau này trở thành người hữu ích và có thể cống hiến cho xã hội”.
Một ví dụ thú vị trong việc giáo dục con trong cộng đồng Do Thái: Trong những lời cầu nguyện hàng ngày, một đứa trẻ Do Thái từ hai đến ba tuổi đã bắt đầu hứa rằng chúng sẽ cố gắng cải thiện bản thân và thế giới xung quanh. Điều này khiến trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc học hành chăm chỉ.
Khi lên bốn tuổi, trẻ con Do Thái đã được dạy về tinh thần trách nhiệm: “Con có nghĩa vụ phải dùng kiến thức của mình để cải thiện thế giới xung quanh”. Tinh thần trách nhiệm về việc cải thiện thế giới xung quanh và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học chính là nguồn động lực giúp cho nền giáo dục Do Thái thành công. Điều này giải thích tại sao có nhiều người Do Thái giành được giải Nobel đến thế.
Cộng đồng Do Thái rất coi trọng giáo dục. Tuy nhiên, không giống với Nhật Bản, giáo dục đối với người Do Thái không chỉ nhằm giúp con vào được các ngôi trường danh tiếng, các công ty lớn hoặc các tổ chức chính phủ sau khi tốt nghiệp. Ở Nhật có một khuynh hướng khá mạnh mẽ cho rằng học chỉ đơn thuần là một công cụ để ổn định cuộc sống mà thôi. Khi nhìn vào các số liệu thống kê, chúng ta có thể thấy rõ người Nhật đang tạo nên một xã hội gồm những con người chỉ quan tâm đến việc sở hữu ngôi nhà của chính mình. Không mấy ai tỏ ra muốn cống hiến điều gì đó cho xã hội.
Khuynh hướng nỗ lực làm việc để có được một ngôi nhà của riêng mình, sống theo sở thích cá nhân và thụ hưởng những hoạt động giải trí bản thân yêu thích đã trở thành một điều hiển nhiên thông qua một loạt các số liệu thống kê. Rõ ràng điều này sẽ không làm cho xã hội Nhật Bản phát triển hơn và đây chính là sự thất bại của nền giáo dục Nhật Bản. Chúng ta cần phải dạy dỗ con ngay từ khi con vừa lên ba, lên bốn, dạy cho con hiểu ý nghĩa của việc học, không ngừng gợi mở, nhắc nhở để con nhận thức được vai trò của bản thân trong việc đóng góp và cống hiến cho xã hội.
Những công dân được nuôi dạy tốt là những người có khả năng cống hiến cho cộng đồng.
Bạn biết không, hình ảnh về những người có cống hiến cho cộng đồng được vẽ trên tường các lớp học ở Ru-ma-ni. Mục tiêu của các lớp học này là giáo dục trẻ em thành những con người có thể đóng góp cho cộng đồng, giống như những người đã được vinh danh và vẽ lên tường lớp học. Các học sinh ở đây nhìn thấy những tấm gương này mỗi ngày và lớn lên để trở thành những người phục vụ mọi người. Đó là một trong những cách thúc đẩy động lực mong muốn trở nên có ích của trẻ.
Trên thực tế, đáng tiếc là không có nhiều trường học ở Nhật Bản có lối tư duy này. Ở Nhật, cả cha và mẹ đều động viên con cái học hành chăm chỉ, nhưng họ lại không dành nhiều thời gian để giải thích cho con hiểu tại sao con cần phải học.
Trong quá trình học tập, rất nhiều trẻ em thường xuyên nghe cha mẹ nói những câu như: “Học hành đâu phải cho ai khác, mà là cho chính bản thân con, vì tương lai của con”. Đây chính là một trở ngại lớn trong việc nuôi dạy con. Khi con còn nhỏ, chúng cảm thấy cha mẹ đang nghĩ cho tương lai của chúng khi nói những lời như vậy và con tiếp tục học tập. Tuy nhiên, khi vào trung học, chúng sẽ bắt đầu suy nghĩ tại sao chúng phải tiếp tục học hành chăm chỉ và việc học có liên quan gì đến mong muốn của chúng trong tương lai? Nhiều trẻ sẽ lý luận rằng nếu chỉ học cho bản thân mình thôi thì chúng không cần phải tiếp tục học hành siêng năng như thế. Khi điều này xảy ra, con sẽ mất động lực, không còn hứng thú học hành. Con sẽ không còn khả năng khám phá ra ý nghĩa sâu sắc của việc học nữa. Đây là cột mốc cho thấy con bạn bắt đầu mất phương hướng trong cuộc sống và bắt đầu hành xử lệch lạc.
Để tránh trường hợp này xảy ra, bạn nên nuôi dạy con cái bằng cách thể hiện tình yêu thương của mình một cách thích hợp từ khi con còn nhỏ. Bạn cũng nên giúp con hình thành ý chí, dạy con biết quan tâm đến người khác và không sống ích kỷ. Đồng thời, hãy cố gắng giúp con cảm thấy có trách nhiệm. “Những gì hiện giờ các con đang học sẽ giúp con cống hiến cho xã hội khi con lớn lên”. Hãy nói với con như thế kể từ khi con được ba hoặc bốn tuổi. Hãy dạy cho con có khái niệm về mục đích và giá trị của việc học.
2. Những người cha tại một số quốc gia trên thế giới và những người cha Nhật Bản
Tuy số liệu này đã hơi cũ nhưng những thống kê dưới đây vẫn cho thấy vai trò của những người cha trong việc nuôi dạy con.
Cha có dạy con học hơn một lần mỗi tuần không?
Mỹ: 50%
Tây Đức cũ: 50%
Nhật Bản: 10%
Cha có dạy con học với thái độ tích cực không?
Mỹ: 89%
Tây Đức cũ: 63%
Nhật Bản: 47%
Tại sao cha có vai trò tích cực trong việc học của con?
Mỹ: Bởi vì người cha cảm thấy việc học của con quan trọng hơn công việc của chính mình.
Tây Đức cũ: Bởi vì người cha không nên để vợ phải nuôi dạy con một mình.
Nhật Bản: Bởi vì người cha muốn dạy con mình nhiều thứ khác nhau.
Người cha có cảm thấy con mình đáng tin cậy không?
Mỹ: 99%
Tây Đức cũ: 85%
Nhật Bản: 50%
So sánh mang tính thống kê này cho thấy những người cha Nhật Bản không mấy quan tâm đến việc học hành của con. Điều này liệu có ổn?
Người Do Thái được cho là dân tộc cực kỳ thông minh. Có tới 32% những người đoạt giải Nobel là người Do Thái. Chúng ta cần nhớ là người Do Thái chỉ chiếm khoảng 0,38% dân số thế giới. Con số này là một con số đáng kinh ngạc.
Dân tộc Do Thái là một dân tộc nổi trội? Tác giả của quyển “Jewish Child – Rearing Methods” (tạm dịch “Phương pháp nuôi dạy trẻ em Do Thái”), Ruth Shiloh, đã từng nói:
“Không phải người Do Thái sở hữu trí tuệ phi thường. Họ chỉ đơn giản là có phương pháp giáo dục khác biệt mà thôi”.
Nhận định này cho thấy sự vượt trội của người Do Thái là kết quả của phương pháp nuôi dạy con, có rất nhiều điều để chúng ta học hỏi. Chẳng hạn, những người cha Do Thái luôn dành ngày lễ Sabbath để ở cùng gia đình. Bên cạnh đó, họ luôn dành thời gian cho việc giáo dục con cái. Mỗi tuần họ nghỉ một ngày để tập trung cho việc giáo dục con. Hơn nữa, thuật ngữ “giáo dục” mà người Do Thái sử dụng không có nghĩa là nhồi nhét kiến thức của mình cho con. Họ coi trọng sự khôn ngoan hơn kiến thức. Họ dạy con rằng: “Tài sản duy nhất của chúng ta chính là sự khôn ngoan”. Có một câu ngạn ngữ Do Thái như sau:
“Cho người con cá, ta nuôi sống người một ngày. Dạy người cách câu cá, ta nuôi sống người cả đời”.
Những người cha Do Thái thường kể cho con nghe câu chuyện ngụ ngôn sau.
Hai người đàn ông cùng ở trên một con tàu, một người có rất nhiều tiền, một người có nhiều trí khôn.
Ai là người giàu có hơn?
Người đàn ông có nhiều tiền khoác lác, khoe với người kia về trang sức và tiền bạc của mình. Người đàn ông khôn ngoan chẳng có gì để khoe với người đàn ông nhiều tiền. Giữa hai người đó, ai giàu có hơn?
Con tàu của hai người bị hải tặc tấn công. Chúng cướp sạch mọi thứ mà người đàn ông nhiều tiền có, nhưng chẳng cướp được gì từ người đàn ông khôn ngoan.
Vào ngày lễ Sabbath, những người cha Do Thái kể những câu chuyện này để giúp con rút ra các bài học đạo đức. Họ cũng kể cho con nghe những câu chuyện về các bậc tổ tiên và lịch sử Do Thái. Người Do Thái tin rằng bằng cách duy trì những thói quen này trong gia đình vào ngày lễ Sabbath, dân tộc và trí thông minh của họ sẽ không bao giờ bị hủy hoại. Đây chính là lý do trẻ em Do Thái rất thông minh bởi vì phạm vi kiến thức mà chúng được dạy rất rộng lớn.
3. Cha mẹ chắp cánh cho những ước mơ lớn lao
Thực chất của việc nuôi dạy con thông minh chính là vun đắp những ước mơ. Những đứa trẻ có ước mơ lớn lao sẽ đạt được nhiều điều vĩ đại trong tương lai. Trước đây, Nhật Bản đã từng có một hệ thống giáo dục tương đương với hệ thống giáo dục Do Thái. Đó là câu chuyện của trường tư thục Shokason ở Hagi, quận Yamaguchi.
Yoshida Shoin, chủ của ngôi trường này, đã đào tạo ra nhiều nhân vật xuất chúng. Do đó, ông được xem là nhà giáo dục lỗi lạc nhất Nhật Bản. Yoshida Shoin đã dạy các học sinh ở trường tư thục Shokason trong hai năm từ năm 1856 đến năm 1858. Nhiều võ sĩ samurai đóng vai trò quan trọng trong công cuộc Cải cách Minh Trị(*) là học trò của ông.
(*) Cải cách Minh Trị, hay Cách mạng Minh Trị, Minh Trị Duy tân, diễn ra từ năm 1866 đến 1869, là một chuỗi các sự kiện cải cách dẫn đến sự thay đổi lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản.
Shoin đã làm thế nào để đào tạo ra được nhiều con người xuất chúng như thế chỉ trong vòng hai năm?
Yoshida Shoin đã luôn hỏi các học sinh muốn theo học tại trường Shokason là: Tại sao họ muốn học? Hầu hết các học sinh này đều trả lời rằng họ muốn đọc được sách. Shoin đã nói với họ: “Đừng trở thành học giả, hãy thực hành trước đã”. Rồi ông giảng giải về sự cần thiết của việc thực hành và việc nuôi chí lớn. Đó chính là cách ông khơi dậy khát vọng của học trò. Ông nói: “Nếu học mà không có động lực thì sẽ chẳng đạt được gì cả”. Và ông giải thích thêm:
“Nhiều người đã bỏ cuộc bởi vì họ tin rằng mình bình thường và không có khả năng đạt được một điều gì đó. Khổng Tử và Mạnh Tử đều là những người bình thường, nhưng họ đã trở nên phi thường trong mắt hậu thế là bởi vì họ có quyết tâm mạnh mẽ. Nếu các con có quyết tâm mạnh mẽ, các con chắc chắn sẽ thành công”.
Bản thân Shoin có một khát khao mãnh liệt. Ông muốn thay đổi nước Nhật. Ông đã truyền đạt điều đó cho những thiếu niên mà ông dạy dỗ. Từ đó, ông tạo nên những con người lỗi lạc.
Shoin đã thu nhận mọi học sinh tìm đến trường của ông, thậm chí ông còn nhận cả những tội phạm vị thành niên. Ông tin rằng mỗi cá nhân đều có nhiều tài năng tiềm ẩn. Nhờ đó, ông khéo léo phát hiện ra những nét cá tính tốt đẹp, khen ngợi và cổ vũ những đặc điểm mà ông nhìn thấy ở các học trò của mình.
Trong tiếng Latin, từ gốc của từ “giáo dục” có nghĩa là “khơi gợi”. Shoin luôn nhiệt tình đánh giá và đưa ra những lời khuyên cho học sinh, nói cho họ biết họ cần phải làm gì và làm sao để đạt được những điều họ muốn.
Ông có thể bật khóc và nổi giận vì lợi ích của mỗi học trò. Ông xác định tài năng của từng người, truyền cho họ trái tim tràn đầy tự tin và nhiệt huyết. Bất cứ học sinh nào cũng cảm động sâu sắc trước một người thầy như thế.
Shoin đích thực là một nhà giáo dục tâm hồn chân chính. Ông không chỉ dạy dỗ các thanh thiếu niên, mà còn dạy dỗ nhiều trẻ em từ năm đến mười hai tuổi. Shoin khéo léo lồng ghép các bài học đạo đức vào trong những câu chuyện. Ông kể cho bọn trẻ nghe về các tướng lĩnh từ thời Chiến quốc (từ cuối thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 16). Điều này giúp bọn trẻ cải thiện hành vi một cách đáng kể và trở nên yêu thích học tập.
Xin đừng nhầm lẫn cho rằng giáo dục chỉ đơn thuần là nhồi nhét kiến thức cho con và cố gắng tạo nên một đứa trẻ đạt được điểm số xuất sắc ở trường. Các bậc cha mẹ cần phải lưu ý đến việc phát triển lòng quyết tâm ở con.
Shoin đã phát triển lòng quyết tâm của các học trò bằng cách cho họ đọc thật nhiều sách. Cụ thể là ông đã dạy cho các học trò hiểu tầm quan trọng của việc học sử. Ông tin rằng việc ngẫm nghĩ và đánh giá hành động của các nhân vật lịch sử trong quá khứ sẽ cổ vũ niềm đam mê của các học trò. Thay vì chỉ đơn thuần bắt chước cách sống của ông cha khi trước, ông muốn các học trò phát triển cách sống đó. Điều này cho phép Shoin tạo nên nhiều nhân vật xuất chúng.
Shoin đã giải thích với các học trò của mình:
“Hãy tận dụng toàn bộ đầu óc của mình và hãy học cách sống có ích cho xã hội. Hãy chọn đọc những quyển sách hữu ích. Nếu không thì các con sẽ không thể đạt được những mục tiêu mà các con đã đặt ra cho bản thân”.
Nền giáo dục ngày nay đã thiếu mất phần này.
Hãy khuyến khích con bạn dám ước mơ về những điều lớn lao. Để làm được điều này, bạn cần phải kể cho con nghe câu chuyện về những bậc vĩ nhân ngay từ khi con còn nhỏ. Hãy đọc cho con nghe tiểu sử của các nhân vật lịch sử anh hùng.
Hiện nay, trẻ em được giáo dục từ rất sớm nhưng không thể đạt được kết quả như mong đợi khi chúng lớn lên. Điều gì đã xảy ra với những đứa trẻ này? Nguyên do của hiện tượng này là vì trẻ được dạy để trở nên thông minh hơn mà không được dạy để có lòng quyết tâm mạnh mẽ.
4. Hãy dạy con biết sáng tạo
Một trong những mục tiêu của việc nuôi dạy con là bồi dưỡng khả năng sáng tạo. Tại sao Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc kinh tế của thế giới? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân đó là người Nhật rất thích phát minh. Mỗi năm người Nhật đăng ký đến gần 750.000 bằng sáng chế. Con số này gần như chiếm một nửa tổng số bằng sáng chế trên thế giới và cho thấy tại sao Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng về việc phát minh. Số lượng bằng sáng chế từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Nga,... cộng lại mới tương đương được với Nhật Bản. Điều này thể hiện phạm vi tư duy rộng lớn của Nhật Bản (gấp nhiều lần so với Mỹ, Anh, Pháp, Nga,...).
Sự thăng trầm của một quốc gia được đánh giá thông qua chất lượng và số lượng của các phát minh. Sự thăng trầm của một doanh nghiệp cũng tương ứng với việc liệu nó có sản xuất ra được một sản phẩm độc đáo, tốt hơn hẳn các sản phẩm khác trên thị trường hay không. Nếu một doanh nghiệp có thể tạo ra thế độc quyền trong việc sản xuất và bán sản phẩm thì doanh nghiệp ấy sẽ phát triển thịnh vượng.
Hãy cùng xem xét một số ví dụ trong lịch sử:
Sony đã “nổi lên” từ chiếc máy ghi âm dùng băng cassette.
Hitachi được “nở mày nở mặt” qua phát minh mô-tơ.
Toyota “xứng mặt anh tài” với máy dệt tự động.
Panasonic tìm được chỗ đứng nhờ vào chiếc đèn bàn hoạt động bằng pin.
Giờ đây, ưu tiên hàng đầu với những công ty này là tuyển dụng những nhân viên trẻ tuổi, sáng tạo và tài năng. Nói cách khác, đó phải là lực lượng lao động trẻ có khả năng phát minh, sáng chế. Công ty sẽ đạt được lợi nhuận cao chỉ nhờ vào một phát minh độc đáo, nổi bật.
Tuy nhiên, cho tới hiện nay, trọng tâm của việc giáo dục vẫn là chú trọng quá mức vào việc ghi nhớ. Học trò với trí nhớ xuất sắc có thể dễ dàng vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng lại “hụt hơi” khi bước chân vào đời. Bởi vì, xã hội cần những con người sáng tạo, có khả năng tư duy chủ động, chứ không phải là những con robot chỉ biết rập khuôn một cách máy móc. Do đó, khi nuôi dạy con trẻ, chúng ta cần hướng đến cách nuôi dạy để tạo nên những cá nhân có khả năng sáng tạo.
Tuy nhiên, thật là sai lầm khi tin rằng trẻ sáng tạo thì không cần rèn luyện trí nhớ. Ghi nhớ là nền tảng cơ bản cho việc học. Nếu cha mẹ có định kiến về việc rèn luyện trí nhớ ngay khi con còn nhỏ thì khả năng sáng tạo của con sẽ bị đình trệ và con sẽ lớn lên mà không có khả năng thích nghi. Do vậy cha mẹ cần cẩn trọng và đảm bảo điều này không xảy ra.
Hiện nay, có một sự thay đổi lớn trong tiêu chí tuyển dụng lao động của các công ty. Những công ty chỉ thuê nhân công tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng thường kém linh hoạt hơn và không thể thoát khỏi những hệ thống cứng nhắc vốn có. Điều này cản trở khả năng cạnh tranh của họ trong môi trường kinh doanh khốc liệt như hiện nay. Do đó, thay vì yêu cầu những ứng viên tiềm năng giới thiệu tên trường mình đã theo học, một số công ty đã lập ra tiêu chí tuyển dụng riêng: dựa trên những năng lực khác nhau của người lao động.
Bên cạnh đó, một số công ty chỉ nhận những ứng viên từng học “lưu ban” từ một đến hai năm. Trong buổi phỏng vấn, các ứng viên được hỏi rằng họ có bị học “đúp” không, nếu có thì người phỏng vấn sẽ truy hỏi tiếp để biết họ cảm thấy như thế nào về việc đó. Những ai trả lời rằng: “Tôi thấy hối tiếc vì đã không học hành chăm chỉ hơn” sẽ bị gạt bỏ; còn những ai trả lời rằng họ thấy vui khi được học “trả nợ” thêm năm nữa – thường sẽ được hỏi tiếp nguyên nhân vì sao – sau đó thì khả năng được mời làm việc rất cao.
Khi được hỏi tại sao lại có chính sách tuyển dụng “kỳ lạ” như vậy, các công ty này cho rằng nhiều nhân viên xuất sắc nhất của công ty chính là những người từng học “đúp” từ một đến hai năm. Mục tiêu của công ty này là tìm kiếm “trứng vàng”, nghĩa là những sinh viên có kinh nghiệm “nhiều năm” học tập hơn là những người muốn gia nhập công ty ngay sau khi tốt nghiệp đại học.
Nhìn chung, trong thế kỷ 21, các công ty có xu hướng tuyển dụng những cá nhân có tính cách mạnh mẽ, sáng dạ và lanh lợi.
Như vậy, có thể thấy rằng, nếu cha mẹ chỉ đơn thuần động viên con chăm chỉ học thôi thì vẫn chưa đủ. Thậm chí nếu thành tích học tập của con có dẫn đầu trong lớp thì con cũng sẽ bị hạn chế so với những người “bình thường” khi bước ra xã hội.
Cha mẹ cần hiểu rằng trong việc nuôi dạy con cái có những điều còn quan trọng hơn cả thứ hạng hay điểm số ở trường. Đó chính là sự khơi gợi cho con trẻ ước mơ giúp đỡ mọi người hoặc mong muốn đóng góp điều gì đó mới mẻ cho xã hội.
Có nhiều phụ huynh không cần con mình phải vượt bậc, chỉ cần “sàn sàn” với bạn bè đồng trang lứa là được. Hoặc giữa môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều phụ huynh cảm thấy nhẹ nhõm nếu học lực của con họ đạt trên trung bình và được vào trường tốt. Hoặc nếu con họ “lệch chuẩn”, họ trở nên cực kỳ lo lắng. Tuy nhiên, nếu tinh ý, cha mẹ sẽ nhận thấy rằng, những trẻ “lệch chuẩn” thường mang ước mơ, hoài bão lớn và có những năng lực tuyệt vời.
Cha mẹ cần nhớ rằng nền giáo dục tốt phải bao gồm cả việc phát huy tối đa những nét độc đáo mà mỗi người vốn có. Và cũng đừng quên giáo dục chính là mang lại hạnh phúc cho con người.
Tóm lại, sau đây là năm điều mà cha mẹ cần rèn luyện cho con trước khi con bước ra đời:
1. Tinh thần hợp tác
2. Tinh thần tự lực cánh sinh
3. Tinh thần trách nhiệm
4. Tinh thần sẻ chia, đóng góp cho xã hội
5. Đạo đức
Tại sao cần dạy cho con tinh thần hợp tác? Bởi vì khi một cá nhân bước vào xã hội, cá nhân ấy sẽ được yêu cầu hợp tác với những người khác. Vì lẽ đó, cha mẹ nên truyền dạy cho con tầm quan trọng của việc tôn trọng và hợp tác với bạn bè – nền tảng của việc mang đến hạnh phúc cho mọi người.
Tinh thần tự lực cánh sinh cũng không kém phần quan trọng, nó sẽ giúp con bạn tiên phong trong cách nghĩ và có thể hành động độc lập mà không cần chờ người khác sai bảo. Thay vì chờ đợi, trẻ nên được dạy cách tiến lên, đưa ra ý tưởng mới của riêng mình và thực thi nhiệm vụ. Để làm được như vậy, cha mẹ nên cho trẻ biết tầm quan trọng của việc đặt ra mục tiêu, biết ước mơ và có ý chí mạnh mẽ trong việc tự rèn luyện, trau dồi năng lực của bản thân. Hãy dạy trẻ biết cách hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách có trách nhiệm và cẩn thận. Người có trách nhiệm luôn chiếm được lòng tin của mọi người.
Điều tiếp theo bạn cần dạy con là tầm quan trọng của tinh thần sẻ chia, đóng góp cho xã hội. Trong nhiều tình huống khác nhau, hãy giải thích cho con hiểu cách sống “thắp sáng những góc khuất của thế giới”. Saicho, người sáng lập trường Phật học Tendai, cho rằng:
“Kho báu của một đất nước không phải là vàng bạc. Bất kể bạn đang làm việc gì, bạn nên xem trọng công việc đó và cống hiến hết mình. Tiêu chí để đánh giá sự giàu có của đất nước là có bao nhiêu người như thế tồn tại. Những người đang thắp sáng cho những góc khuất của thế giới chính là kho báu thật sự của quốc gia”.
Cuối cùng, hãy giải thích cho con bạn hiểu tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp và nhắc nhở con không nên làm những việc trái với các nguyên tắc đạo đức thông thường. Dạy con biết kiểm điểm hành động của bản thân để chắc chắn rằng chúng xuất phát từ động cơ cao đẹp, không vị kỷ. Hãy giúp con xác lập tiêu chuẩn để suy xét hành động của mình.