1. Điều quan trọng nhất cha mẹ phải làm
Điều quan trọng nhất cha mẹ phải thực hiện là gì? Câu trả lời đơn giản là nhìn nhận con đúng với những gì con có. Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ thường tạo ra một hình ảnh lý tưởng mà con buộc phải đạt tới và đối xử với con như thể đó chính là hình ảnh thực sự của con mình. Điều này đã tạo nên khoảng cách giữa hình ảnh lý tưởng và trạng thái thực của trẻ. Qua đó, cả cha mẹ và con cái đều cảm thấy căng thẳng.
Cha mẹ không nên tạo ra hình ảnh lý tưởng và bắt con mình phải đáp ứng tiêu chuẩn, trở thành người giống với hình ảnh đó. Nếu cha mẹ cố gắng áp đặt hình ảnh lý tưởng lên con thì hành động này sẽ buộc họ phải vật lộn để cố gắng ép con mình vào hình ảnh họ đã vẽ nên từ đầu.
Mỗi đứa trẻ đều khác biệt, được sinh ra với một cá tính tuyệt vời, một tiềm năng riêng. Cha mẹ có nhiệm vụ tạo ra môi trường thuận lợi để con được tự do phát triển hết tiềm năng của mình. Khi con được nhìn nhận vô điều kiện, được yêu thương và được nuôi dạy cẩn thận, con sẽ phát triển tốt. Thế nhưng trong thực tế, tôi nhận thấy rằng nhiều bậc cha mẹ đang làm điều ngược lại. Họ nuôi dạy con bằng lý trí chứ không phải bằng tình cảm. Nói cách khác, họ xem việc nuôi dạy con là một kỹ thuật và không hiểu rằng họ phải tập trung bồi dưỡng tâm hồn con.
Hãy kiểm tra lại những điểm sau:
Trong quá trình nuôi dạy con, bạn có thường làm cho con khóc không? Bạn có quên mất rằng trẻ con luôn cần được cười tươi? Bạn có thường xuyên la mắng con không?
Bạn có thích những tương tác hàng ngày giữa mình với con hay không? Bạn có tin rằng nuôi dạy con là rất thú vị?
Quá trình nuôi dạy con của bạn diễn ra như thế nào? Nếu bạn có khuynh hướng giống với trường hợp 1, tức là bạn đã không nhìn sâu vào bên trong tâm hồn con. Nếu bạn có khuynh hướng giống với trường hợp 2, bạn đang bồi đắp tâm hồn con một cách đúng đắn.
Khi bạn nuôi dạy con, điều quan trọng nhất là phải bồi đắp tâm hồn cho con. Bồi đắp tâm hồn tức là giúp con cảm thấy thoải mái. Hệ tim mạch hoạt động hiệu quả 100% khi bộ não thư giãn và sóng alpha xuất hiện. Bộ não có chức năng điều khiển cơ thể. Do đó, khi con người thư giãn, não ở trạng thái điều khiển tốt nhất mọi tế bào trong cơ thể. Khi tâm trí thoải mái, não có thể dễ dàng tiếp thu mọi điều xung quanh và học tập hiệu quả. Ngược lại, khi đầu óc căng thẳng, sóng não phần lớn là sóng beta, loại sóng này làm giảm khả năng tiếp thu của trẻ. Khi khả năng tiềm tàng của não không được tận dụng, con trẻ không thể học hỏi tốt bởi vì tâm trí của con đã đóng lại.
Thật ra, không có nhiều sự khác biệt về khả năng giữa người này và người kia. Có chăng chỉ là sự khác biệt về tâm hồn giữa các cá nhân. Việc bồi đắp tâm hồn một cách đúng đắn sẽ mang lại những kết quả tuyệt vời. Ngược lại, nếu làm không đúng thì kết quả sẽ trở nên tồi tệ. Việc kiểm soát năng lực của một cá nhân phụ thuộc vào sự khác biệt này. Hãy thử ngẫm lại xem, liệu bạn đã kiểm soát được tinh thần của bản thân và con chưa? Liệu bạn có la mắng con vì những việc nhỏ nhặt? Liệu bạn có dễ nổi giận với con không?
Nếu các bà mẹ để mặc cho năng lượng tiêu cực xâm chiếm tâm trí mình thì tinh thần của con sẽ dễ bị ảnh hưởng và có khuynh hướng tiêu cực giống mẹ. Tiềm thức của con người là một kho lưu trữ dữ liệu. Nếu hàng ngày người mẹ tương tác với con bằng thái độ tiêu cực thì con sẽ tự mình thiết lập hình ảnh tiêu cực về bản thân, tự cho rằng mình không tốt và không có khả năng làm bất cứ việc gì. Bất luận con có học nhiều đến đâu, nếu con cứ giữ hình ảnh tệ hại về bản thân trong đầu và thật sự tin rằng mình không có năng lực thì hình ảnh đó sẽ trở thành hiện thực.
Đây là điều chúng ta cần thay đổi. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc thay đổi cách tương tác với con, nhìn nhận con, kết nối với con. Nếu cha mẹ liên tục cư xử khắt khe với con trong một khoảng thời gian dài thì trẻ sẽ tiếp tục phát triển tinh thần tiêu cực.
Tinh thần con thay đổi khi cách nhìn nhận của cha mẹ thay đổi. Nếu cha mẹ cố gắng thay đổi con nhưng lại không thay đổi bản thân mình thì họ sẽ khó có cơ hội thành công.
Chúng ta cần phải hiểu rằng trẻ con trưởng thành thông qua những gì con có được trong tâm hồn chứ không phải thông qua kiến thức. Nếu bạn là một người mẹ bít kín lịch của con từ thứ hai đến thứ bảy bằng nhiều buổi học và các hoạt động khác nhau thì xin hãy tự ngẫm lại xem liệu con bạn có biểu hiện chán nản hay buồn bã không? Hãy kiểm tra xem liệu bạn có đang ép con học một môn nào đó mà con thực sự không thích hay không?
Thực tế, một số trẻ thích tham gia vài hoạt động nào đó, trong khi những trẻ khác lại hoàn toàn không thích. Nếu trẻ thấy vui vẻ thì trẻ sẽ tham gia một cách tích cực và điều đó sẽ giúp phát triển tâm hồn, độ nhạy bén và vốn hiểu biết của trẻ. Còn nếu trẻ cảm thấy không vui thì hoạt động mà trẻ tham gia sẽ khiến tinh thần của trẻ trở nên u ám và khiến sự nhạy bén của trẻ bị tổn thương. Nếu bị ép làm việc mình không thích, trẻ sẽ trở nên buồn bã và dần đánh mất nụ cười. Khi đó cha mẹ cần phải nhận thức được rằng cách nuôi dạy con của mình đã nghiêng theo hướng tiêu cực.
Bồi đắp tâm hồn là phần quan trọng trong quá trình nuôi dạy trẻ. Nếu tâm hồn con phát triển tốt thì cha mẹ và con sẽ hiểu được nhau. Con sẽ hiểu và hài lòng với những gì cha mẹ làm, sẽ yêu quý cha mẹ và ham học hỏi. Kết quả là cha mẹ thấy vui và con cũng lớn lên một cách thoải mái.
2. Những điều cha mẹ cần xem xét
Sau đây là danh mục những điều cha mẹ cần xem xét để bồi đắp tâm hồn con trẻ:
1. Bạn có yêu cầu con một cách lịch sự không?
2. Bạn có thấy cảm động trước những gì con mình làm?
3. Bạn có thấy biết ơn con mình?
4. Bạn có đối xử với con một cách tôn trọng?
5. Bạn có đánh giá cao những gì con làm được ở nhà hơn là những gì con làm được ở trường?
6. Bạn có giao cho con nhiệm vụ nào không?
Ẩn sau những điều trên là chìa khóa giúp bạn bồi đắp tâm hồn cho con. Hãy bắt đầu bằng việc kiểm tra xem bạn có lịch sự khi đưa ra những lời yêu cầu với con không. Có rất nhiều bậc cha mẹ xin tham khảo ý kiến tôi về việc con họ không có động lực làm việc và làm thế nào giúp con khơi dậy nguồn động lực này. Bí quyết để giúp con có động lực trong cuộc sống, đó là cha mẹ không nên tỏ ra quá vượt trội. Thay vì lúc nào cũng thể hiện mình giỏi hơn con, cha mẹ nên để con thấy con giỏi hơn cha mẹ. Cha mẹ nên giả vờ là mình không có khả năng để hoàn thành và yêu cầu con hoàn tất công việc thay mình. Làm như thế có thể cải thiện những trẻ cực kỳ khó tính. Đây thực sự là bí quyết hàng đầu giúp thay đổi trẻ theo chiều hướng tích cực, vì vậy tôi đặt nó ở vị trí đầu tiên trong bảng danh mục.
Cha mẹ thường cho rằng mình giỏi hơn con và mình phải dạy dỗ con. Họ hướng dẫn con bằng những lời mang tính mệnh lệnh, ví dụ như: “Làm việc này đi”, “Ra khỏi giường nào”, hoặc “Nhanh lên và ăn cơm đi”. Thay vì làm theo lời cha mẹ, con sẽ làm mọi việc hết sức chậm chạp. Những lời lẽ mang tính mệnh lệnh không thuyết phục được trẻ. Chúng khiến trẻ không có động lực, không tự giác hành động. Trẻ sẽ cho rằng cha mẹ là người phải làm mọi việc và phải dạy mọi thứ.
Để tạo động lực cho con, cha mẹ cần giả vờ mình phụ thuộc con và nhờ con giúp đỡ trong các tình huống sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ, hãy thử yêu cầu con làm những việc như: “Yuki, con có thể đưa cái này cho bố được không? Mẹ bận quá nên không làm được”, hoặc “Con có thể giúp mẹ sắp xếp ngay ngắn giày dép ở trước cửa không?”. Khi con hoàn thành công việc, bạn nên ôm con, cảm ơn con, thể hiện sự hài lòng và khen ngợi con. Trong lòng con sẽ tràn ngập niềm vui vì được mẹ nhìn nhận, khen ngợi và yêu thương.
Bí quyết giúp con trở nên quyết đoán là sự trông cậy. Cha mẹ cần tin tưởng và trông cậy vào con. Hãy nhờ con hướng dẫn bạn cách làm việc. Yêu cầu con giúp đỡ sẽ làm con cảm thấy: “Khi mình giúp mẹ, mẹ rất vui và ôm chầm lấy mình. Mẹ rất thương mình”. Qua đó, trẻ thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa, điều hết sức quan trọng với quá trình trưởng thành của trẻ.
Nếu một đứa trẻ thường bị la mắng, bị ra lệnh và tin rằng: “Mình chẳng có ý nghĩa gì”, “Mình thật vô dụng”… thì trẻ sẽ không thể nhận ra được giá trị tồn tại của mình. Tuy nhiên, khi cha mẹ trông cậy ở con, con sẽ cảm nhận được giá trị bản thân. Con sẽ cảm thấy từ trong vô thức rằng: “Mẹ trông cậy ở mình. Mình có thể giúp đỡ mẹ. Mẹ rất hài lòng trước những gì mình làm. Mình là một người hữu ích. Mình xứng đáng được cha mẹ yêu thương”.
Việc giúp con cảm thấy tự tin về sự tồn tại của bản thân là phần quan trọng nhất trong quá trình nuôi dạy con. Những đứa trẻ cảm nhận được giá trị tồn tại và tự tin vào những việc mình làm là những đứa trẻ quyết đoán. Thế nhưng rất tiếc là phần lớn cha mẹ vẫn thường làm điều ngược lại, họ tự cho là mình hiểu biết hơn con, thường dùng những lời lẽ mang tính ra lệnh, tiêu cực và cấm đoán khi tương tác với con. Đó chính là nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy thiếu thốn tình cảm, lo lắng, không thỏa mãn và bắt đầu mặc cảm tự ti. Dần dần, trẻ không còn khả năng đón nhận mọi thứ với tâm hồn cởi mở. Để thay đổi thực trạng này, cha mẹ cần phải thay đổi cách đối xử với con, chuyển từ thái độ ra lệnh sang thái độ yêu cầu. Sự điều chỉnh đơn giản này sẽ ngay lập tức làm con thay đổi.
3. Cảm động trước những điều con làm
Bạn có cảm động trước những gì con mình làm không?
Bạn có xem nhẹ những gì con mình làm không?
Bạn có quên thể hiện cảm xúc hoặc quên khen ngợi con không?
Những người mẹ thực sự cảm thấy xúc động trước từng việc con mình làm và khen ngợi con thật lòng luôn là những người nuôi dạy con hết sức tuyệt vời. Khi một đứa trẻ được sinh ra, cả cha và mẹ đều hết sức xúc động. Họ ấn tượng trước việc đứa trẻ sơ sinh có thể tự bú mẹ giỏi. Họ xúc động khi trẻ biết lật, biết đứng, biết đi và khi trẻ bắt đầu học nói.
Tuy nhiên, khi đứa trẻ bắt đầu có khả năng di chuyển tự do, trẻ sẽ di chuyển khắp nơi và chạm vào mọi thứ. Trẻ sẽ mở tủ quần áo, kéo hết quần áo ra ngoài. Trẻ sẽ ném bất cứ thứ gì trong tầm tay, phá phách bằng hết những khả năng bé có được. Khi bước sang tuổi lên hai, đứa trẻ từng yên lặng lắng nghe những gì mẹ nói sẽ đột nhiên phát triển cảm nhận về bản thân. Trẻ sẽ không vâng lời mẹ nữa. Ngay trong giai đoạn này, người mẹ vô tình quên đi cảm giác xúc động trước những gì con làm. Ngược lại, mẹ bắt đầu phản ứng khắt khe liên tiếp: “Không”, “Con đừng làm thế nữa”…
Đây là điểm tạo nên sự khác biệt giữa quá trình nuôi dạy con dễ dàng và nuôi dạy con khó khăn. Giai đoạn này được gọi là “khủng hoảng tuổi lên hai”. Nếu bạn nói: “Con đừng làm thế” thì con bạn sẽ càng cố tình làm trái ý bạn. Con sẽ tự ý làm nhiều việc. Nhưng vì không thể tiến hành mọi việc thuận lợi nên con sẽ thất vọng và có hành động bạo lực. Nếu bạn đưa cho con những học cụ thú vị và rèn cho con biết cách sử dụng ngôn ngữ đúng đắn trong giai đoạn này thì những hành vi gây rối của con sẽ giảm đi. Nếu con được dạy cách đối xử với mọi vật xung quanh một cách đúng đắn thì con sẽ không cảm thấy thất vọng và những việc khiến con bực mình sẽ biến mất.
Trong giai đoạn này, cha mẹ không nên sử dụng lời lẽ mang tính cấm đoán như: “Không”, “Đừng”, “Cấm”... Thay vào đó hãy dùng những lời lẽ tình cảm. Tốt hơn hết, bạn nên thể hiện cho con trẻ thấy bạn cảm động như thế nào khi con quyết định không thực hiện một việc gì thay vì lạnh lùng cấm đoán. Ví dụ, khi con tập dùng muỗng, con chưa thể hoàn thành tốt động tác xúc bỏ vào miệng và có thể làm đổ phân nửa chỗ thức ăn ra ngoài. Thường thì cha mẹ sẽ gào lên: “Không” rồi giật chiếc muỗng lại. Cha mẹ nghĩ rằng họ nên đút cho con chứ không để con làm đổ hết thức ăn ra sàn. Nếu cha mẹ cho rằng con còn quá nhỏ, nói: “Không” hoặc “Đừng”… và không đưa muỗng cho con nữa thì họ đã tước mất một cơ hội quan trọng của con. Đây chính là thời điểm để trẻ học cách sử dụng muỗng một cách thành thục, vậy tại sao cha mẹ lại không cho phép con tự làm điều đó?
Khi bị đối xử như một em bé, trẻ sẽ cảm thấy bất mãn và bực mình. Cảm xúc khó chịu này tích tụ dần. Con sẽ trở nên giận dữ, chống đối trong mọi việc, phá phách và la hét. Khi con cảm thấy bản thân không được tin cậy, con sẽ không nghe lời nữa và trở thành một đứa trẻ khó dạy. Vì vậy, nếu con muốn sử dụng muỗng thì bạn hãy đưa muỗng cho con. Mới đầu, trẻ không biết dùng muỗng đúng cách là chuyện bình thường. Con sẽ làm đổ thức ăn ra ngoài và có thể gây khó khăn cho cha mẹ. Tất cả những gì cha mẹ phải làm sau bữa ăn chỉ đơn giản là dọn dẹp. Quan trọng là khi con múc được dù chỉ một thìa cơm cha mẹ vẫn nên thể hiện sự xúc động, vỗ tay và khen ngợi: “Ôi, con tự xúc cơm giỏi lắm!”.
Khi cha mẹ làm vậy, cảm xúc tích cực của họ sẽ truyền sang con. Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được khen ngợi. Con sẽ phát triển lòng tự tin, dám trải nghiệm và thành công. Con sẽ có động lực để cố gắng hơn nữa, có tham vọng hoàn thành việc gì đó giỏi hơn nữa. Đây chính là cách tạo ra động lực và giúp con phát triển tinh thần một cách ổn định. Việc tạo cơ hội cho con trải nghiệm những thành công nho nhỏ rất quan trọng. Thậm chí dù con không thể làm tốt bất cứ việc gì, bạn vẫn cần tìm ra cho bằng được những điểm tốt nho nhỏ của con, thể hiện cảm xúc và khen ngợi con. Đó chính là nghệ thuật vun đắp cho tâm hồn con trẻ.
4. Hãy biết ơn con
Có hai mẫu người mẹ: người mẹ có lối tư duy cứng nhắc và người mẹ có lối tư duy linh hoạt.
Người mẹ có lối tư duy cứng nhắc thường tin rằng khả năng của con mình rất kém. Người mẹ này cho rằng con kém cỏi hơn mình, dùng lời lẽ ra lệnh và ép con phải suy nghĩ, hành động theo ý mình, trong khi đó lại không chịu lắng nghe những gì con nói. Kiểu người mẹ này thường gán cho con một giá trị tiêu cực, cho rằng điều gì con làm cũng kỳ cục hoặc không hay, cho rằng con không thể làm một số việc nhất định hoặc tự hỏi tại sao con vẫn chưa học được cách làm tốt một việc gì đó. Điều này khiến trẻ mất hết động lực và nổi loạn. Tất nhiên là sau đó con sẽ càng ngày càng phát triển theo hướng mà cha mẹ không mong muốn. Mẫu người mẹ này hiếm khi chúc mừng, thể hiện lòng biết ơn, khen ngợi hay dùng những lời lẽ thể hiện tình cảm mãnh liệt với con.
Ngược lại, người mẹ có tư duy linh hoạt thường biết tôn trọng tiềm năng to lớn của con, tin tưởng khả năng của con và cẩn thận quan sát những gì con làm. Người mẹ này biết kinh ngạc trước từng việc con mình làm được, biết xúc động trước nỗ lực của con và luôn cổ vũ tinh thần để con cố gắng hết sức. Khi con trao đổi với mình, người mẹ này thấy vui rằng con đã học được cách chia sẻ quan điểm. Khi con học được cách làm một việc gì đó, người mẹ này nhìn nhận khả năng của con và khen ngợi con bằng lời. Việc này khiến cho con cảm thấy hạnh phúc và càng gia tăng động lực cho con: “Mình sẽ cố gắng để làm cho cha mẹ vui hơn nữa. Mình muốn giỏi hơn nữa”.
Một người mẹ có tư duy linh hoạt luôn động viên tinh thần con, để tâm nói chuyện với con ngay từ khi con vừa ngủ dậy và động viên tinh thần con bằng những câu kiểu như: “Chào con, sáng nay con thức dậy thật ngoan và tràn đầy năng lượng!”. Nói cách khác, mẫu người mẹ này không đứng ở trên nhìn xuống mà tự xem mình ngang hàng với con, hay thậm chí còn thấp hơn con nữa. Họ có thể hiểu được tâm hồn trẻ. Bằng việc không xem con là người thấp kém, một khi đã hiểu được tâm hồn con, việc nuôi dạy con sẽ diễn ra hết sức suôn sẻ.
Tinh thần của trẻ có khả năng bị đẩy vào trạng thái bất an trước thái độ và lời lẽ của cha mẹ, đặc biệt là khi con cứ phải nghe những lời phàn nàn, chỉ trích suốt ngày. Để bồi đắp tâm hồn cho con, cha mẹ cần dịu dàng ôm chặt lấy con, đồng thời thủ thỉ bên tai con những lời lẽ thể hiện sự nhìn nhận, khen ngợi, trân trọng và biết ơn.
Mẹ có thể giao nhiệm vụ cho con. Khi con hoàn tất công việc thì hãy tỏ thái độ biết ơn, ôm con vào lòng và nói với con: “Cảm ơn con đã giúp mẹ!”. Hành động này sẽ khiến trẻ cảm nhận được sự hữu ích của mình, sẽ khiến trẻ cảm động, làm cho tâm hồn khép kín của trẻ trở nên rộng mở và trở thành động lực để trẻ tiếp tục làm nhiều việc tốt. Nhờ đó, trẻ sẽ hình thành nhu cầu giúp đỡ người khác. Nếu người mẹ tiếp tục thể hiện lòng biết ơn đối với con thì khi người khác đối xử tốt với con, con sẽ biết cách để thể hiện lòng biết ơn mà không cần mẹ nhắc nhở.
Trẻ con, nhất là ở độ tuổi tiểu học, cần được dạy dỗ về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng lòng bao dung và một tâm hồn rộng lượng, bởi đó là một phần trong quá trình phát triển cần thiết của một con người. Hãy hỏi con những câu hỏi như thế này:
“Khiến mọi người hạnh phúc và dễ chịu sẽ giúp con trở thành một người bao dung và lương thiện. Khi mọi người đối xử tốt với con, con có hạnh phúc không?”.
Nếu mỗi người đều nghĩ đến việc “làm cái gì đó để khiến mọi người hạnh phúc” và tâm niệm rằng “mang lại hạnh phúc cho người khác cũng chính là mang lại hạnh phúc cho bản thân” thì thế giới này sẽ tốt đẹp đến thế nào? Tôi cho rằng suy nghĩ này sẽ mang lại một thế giới hòa bình.
Để có thể nuôi dạy một đứa trẻ có cách nghĩ và tâm hồn như thế, cha mẹ cần thường xuyên giao cho con những nhiệm vụ nho nhỏ. Khi con hoàn thành nhiệm vụ, hãy thể hiện cho con thấy cách nói lời cảm ơn bằng sự chân thành. Hãy biết ơn con. Nhờ đó, con sẽ hiểu được việc làm cho người khác hạnh phúc có ý nghĩa thế nào. Đồng thời, khi con cảm nhận được niềm hạnh phúc từ việc mang lại hạnh phúc cho người khác, con sẽ muốn làm nhiều điều tốt, khiến nhiều người hạnh phúc hơn nữa. Nếu bạn biết ơn con mình thì con sẽ học được “lòng biết ơn”.
Các bà mẹ cũng nên biết ơn chồng mình, cố gắng làm cho chồng hạnh phúc. Nếu bạn làm vậy, chồng bạn sẽ trở thành một người chồng tốt.
Khi bạn thể hiện lòng biết ơn, người nhận lời cảm ơn cũng cảm thấy hạnh phúc. Lời lẽ thể hiện lòng biết ơn khiến con người trở nên tử tế, tốt bụng hơn. Thay vì la mắng, những lời nói này của cha mẹ sẽ làm cho tâm hồn con tươi sáng, hiền hòa và đầy nhiệt huyết.
5. Hãy tôn trọng con như một con người độc lập
Mọi đứa trẻ đều cần được đối xử bằng sự tôn trọng với tư cách là một con người độc lập. Cha mẹ không nên nghĩ rằng vì con còn nhỏ, con là con của mình nên nuôi dạy thế nào là tùy ý mình. Bởi vì, dù còn nhỏ nhưng con cũng là một con người có cá tính riêng và đầy đủ các quyền bình đẳng. Nếu cha mẹ đối xử với con bằng sự tôn trọng thì việc nuôi dạy con sẽ diễn ra suôn sẻ.
Một số cha mẹ thường lãnh đạm nói với con những lời mà họ sẽ không bao giờ nói với những người trưởng thành khác. Trong thâm tâm, họ biết nếu họ sử dụng những lời lẽ như thế trong quan hệ hôn nhân chẳng hạn thì hai vợ chồng có thể sẽ ly dị nhau trong vòng một tuần. Đó là những lời kiểu như: “Tại sao anh không bao giờ chịu hiểu, bất kể em nói ‘Không’ biết bao nhiêu lần rồi?” hoặc “Em đã bảo đừng làm vậy, nhưng tại sao anh không chịu nghe?”. Tuy vậy, cha mẹ lại nói những lời kiểu này với con một cách dễ dàng, bởi vì trẻ con thường không có quyền phản kháng.
Mỗi đứa trẻ đều có những ưu điểm, những đặc tính nổi bật và cá tính riêng. Nhiệm vụ của người nuôi dạy trẻ là phải phát triển được nét cá tính này. Nếu cha mẹ có thể tìm ra điểm mạnh của trẻ, nhìn nhận và khen ngợi chúng thì mỗi đứa trẻ đều có thể phát huy cá tính, sở trường vốn có của mình một cách tuyệt vời. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ lại có khuynh hướng xem nhẹ tính cách của con, chỉ tập trung vào sự phát triển trước mắt, liên quan đến khả năng và kỹ năng học tập của con. Họ thường tập trung vào các khuyết điểm và nói với con những lời lẽ tiêu cực.
Bạn cần nhớ rằng, những lời nói này có thể thay đổi cuộc đời con. Chúng khiến cho tâm trí con trở nên u ám, làm con mất tự tin và khiến trái tim con không còn biết rung động nữa. Con sẽ tin rằng mình không phải là người tốt, mất hết động lực, không còn tính hiếu kỳ (một trong những đức tính tạo nên kỳ tích ở trẻ) và mất khả năng quyết đoán.
Bạn cũng cần nhớ rằng, những lời cha mẹ nói với con đóng vai trò định hình nhân cách cho con. Các bậc phụ huynh không ý thức được điều này, nên họ la mắng, thậm chí còn đánh đập con.
Tôi muốn các bậc phụ huynh hiểu điều này và điều chỉnh hành vi của mình theo một hướng khác hoàn toàn. Những người mẹ bắt đầu gặp rắc rối trong việc nuôi dạy con không nên tiếp tục hạ thấp con mình. Họ cần phải nhìn nhận sự bình đẳng và đối xử với con bằng thái độ tôn trọng. Làm được như vậy, con cái họ sẽ thay đổi. Những lời nói thể hiện “sự nhìn nhận” sẽ giúp phát triển lòng tự tin và sự vâng lời. Khi con được đối xử như người lớn, con sẽ thay đổi.
Một người mẹ đã tiếp nhận quan điểm này và quyết định đối xử với con như một người lớn. Cô bắt đầu yêu cầu đứa con hay khóc nhè giúp cô làm các việc vặt trong nhà.
Đầu tiên, cô yêu cầu con lấy giúp đồ hốt rác khi cô dọn dẹp nhà cửa. Khi đứa trẻ mang đồ hốt rác đến cho cô, cô cảm ơn con: “Cảm ơn con đã giúp mẹ. Nhờ con mà việc dọn dẹp trở nên dễ dàng hơn”. Cô kể cho chồng nghe việc con đã giúp đỡ mẹ nhiều thế nào khi anh đi làm về. Chồng cô đã khen ngợi con. Những hành động này ngay lập tức làm thay đổi con của họ. Cô bé đã có thể tự mình đến cửa hàng để mua đậu phụ. Dần dần, bé không còn khóc nhè nữa và trở thành một cô bé rất ngoan ngoãn.
Một trường hợp thành công khác là trường hợp của một học sinh cấp ba nổi tiếng ngang ngược. Tất cả các giáo viên đều đối xử lạnh nhạt với cậu và khiếp hãi trước hành vi hung hãn và bạo lực của cậu. Vào học kỳ mới, một giáo viên mới được điều chuyển đến trường trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp cậu. Những giáo viên cũ của trường rất sợ phải làm giáo viên chủ nhiệm lớp này, nên người giáo viên mới bị ép phải nhận vị trí ấy. Tuy nhiên, quyết định này đã trở thành một bước ngoặt may mắn đối với cậu bé. Giáo viên này hiểu được tâm lý học sinh. Ông xem mỗi học sinh là một cá nhân độc lập với cá tính riêng và đối xử với mỗi học sinh bằng sự tôn trọng. Khi giáo viên này trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp, các giáo viên khác kể cho ông nghe vô vàn những tật xấu của cậu. Thế nhưng vị giáo viên mới vẫn bình tĩnh, không bị chi phối bởi những lời nhận xét. Vị giáo viên này đã gọi cậu bé vào phòng thể dục khi không có ai và trò chuyện với cậu như với một người bạn bằng cách đặt câu hỏi:
“Mọi người đều sợ em vì em là thủ lĩnh của đám đầu gấu trong trường. Tại sao lại như thế?”
Và cậu bé bắt đầu bày tỏ những suy nghĩ của mình:
“Mọi người cứ nghĩ về em như vậy…”
Vị giáo viên này đã không nhìn nhận học sinh của mình bằng quan điểm thiên lệch. Thay vào đó, ông bảo rằng ông sẽ đối xử với cậu một cách tôn trọng như đối với một người đã trưởng thành. Những lời lẽ đầy yêu thương đã thay đổi cậu bé. Kể từ ngày hôm đó, cậu bé đã không còn cầm đầu đám học sinh đầu gấu trong trường nữa.
6. Giáo dục tại gia đình quan trọng hơn giáo dục tại trường?
Mục đích của việc nuôi dạy con là giúp con phát triển được những nét riêng trong tính cách cũng như tư duy sáng tạo của con. Người ta thường nghĩ nước Nhật là đất nước đề cao sự giáo dục. Nhật Bản có tỷ lệ học sinh học tiếp lên đại học cao đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga. Tuy nhiên, khi xét về nội dung giáo dục, có vẻ như Nhật Bản không được đánh giá cao lắm.
Một đặc tính của nền giáo dục Nhật Bản đó là mọi người đều cố gắng học để vượt qua các kỳ thi. Để được vào những trường nổi tiếng, học sinh phải học thuộc lòng. Đó là điểm yếu hạn chế những phương pháp đề cao tính độc lập của học sinh. Đây chính là phương pháp giáo dục điển hình ở Nhật: giáo dục tạo áp lực cho con cái.
Kết quả của những năm tháng học tập theo phương pháp này là học sinh có thể bắt chước người khác hết sức tài tình khi họ gia nhập đội ngũ lao động. Nhưng phương pháp giáo dục này cũng tạo nên những người Nhật thiếu kỹ năng hình thành ý tưởng cá nhân. Có thể nói, phương pháp giáo dục này chính là lý do tại sao không có nhiều người Nhật giành được giải Nobel. Ngược lại, đa phần những người nhận được giải Nobel là người Do Thái.
Tại sao có nhiều người Do Thái nhận được giải Nobel đến vậy? Người ta cho rằng nguyên nhân chính là do hầu hết các bà mẹ Do Thái đều suy nghĩ rất cẩn trọng mỗi ngày. Thông qua quan sát, trẻ em Do Thái học được cách suy nghĩ một cách tự nhiên ngay khi còn nhỏ.
Nhiều bà mẹ Do Thái đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về thực đơn hàng ngày. Họ luôn tìm tòi và cân nhắc xem mỗi bữa ăn nên được thiết kế như thế nào, làm sao để các món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng. Nếu bạn bước vào một hiệu sách ở Mỹ, bạn sẽ thấy có rất nhiều sách hướng dẫn nấu các món ăn Do Thái. Ẩm thực Do Thái là một trong những nền ẩm thực đa dạng nhất thế giới.
Tất nhiên, trẻ con không chỉ phát triển tâm hồn thông qua những bữa cơm mẹ nấu. Trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống thường nhật, người Do Thái đều tư duy và cân nhắc kỹ càng.
Đề cao cách tư duy là một phần rất quan trọng trong gia đình, đồng thời cũng là yếu tố cần thiết đối với trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Bạn cần hiểu rõ ràng quá trình nuôi dưỡng óc sáng tạo và phát triển khả năng tư duy cho con cần được thực hiện ngay trong gia đình. Trên thực tế, việc giáo dục con phải do gia đình đảm nhiệm chứ không thể hoàn toàn phó thác cho trường học. Trẻ có thể nhận được kiến thức ở trường, nhưng sự khôn ngoan mà trẻ cần cho cuộc sống thì phải được dạy tại nhà.
Dĩ nhiên, hiện nay trẻ vẫn được đánh giá và phân loại dựa vào lượng kiến thức mà chúng có được. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá xem trọng thành tích học tập ở trường của con. Thay vào đó, họ nên coi trọng việc tương tác với trẻ tại nhà. Có rất nhiều trường hợp trẻ vẫn phát triển tốt vì được cha mẹ đánh giá cao tại nhà, mặc dù điểm số của trẻ ở trường rất tệ.
Ví dụ, trường hợp của Thomas Edison và Albert Einstein.
Cả Edison và Einstein đều có điểm số rất tệ và là những học sinh yếu kém. Ở trường, họ bị buộc phải học thuộc lòng nhiều thứ. Kiểu giáo dục này không hợp với cả hai vì họ thuộc mẫu người thích tự tư duy. Đừng vội cho rằng họ là những học sinh yếu kém, bất tài, bởi họ chính là người sở hữu khả năng tư duy độc lập, thứ mà những đứa trẻ khác không có.
Khi Edison được dạy rằng 1 + 1 = 2, ông không dễ dàng thừa nhận kết quả này mà cẩn trọng hỏi tại sao lại có kết quả như thế. Cho rằng Edison không thể hiểu được phép tính giản đơn này, giáo viên đã nghĩ Edison không thông minh. Nhưng mẹ của Edison lại không nghĩ vậy. Edison bị xem là học sinh yếu kém ở trường nhưng mẹ của ông đã dạy dỗ ông như một đứa trẻ tài năng.
Trường hợp của Einstein cũng giống như vậy. Ông không quen với việc học thuộc lòng những kiến thức được dạy ở trường. Kết quả là điểm số của ông rất thấp. Nhưng ở nhà thì khác, ông được đánh giá rất cao. Nhờ vậy mà ông có thể sống một cách tự tin.
Chúng ta có thể dùng ví dụ này để hiểu về tầm quan trọng của việc phát hiện ra cá tính của con và nhìn nhận con thay vì chỉ đánh giá con dựa trên các điểm số ở trường. Khi cha mẹ tập trung nhìn nhận tính cách của con và đánh giá cao tính cách ấy, trẻ sẽ cảm nhận được sự nhìn nhận tích cực này. Cách nhìn này sẽ giúp con bạn học được cách khám phá ra mục đích của riêng mình và phát triển những ý tưởng sáng tạo đột phá.
7. Bạn có giao nhiệm vụ cho con mình không?
Một phần quan trọng khác của việc nuôi dạy con là giúp con học được cách làm việc độc lập. Cha mẹ không nên bao bọc con quá mức. Hãy để con tự lo cho bản thân và yêu cầu con phụ giúp việc nhà thường xuyên. Những đứa trẻ không thể tự lo cho bản thân sẽ khó có khả năng suy nghĩ độc lập. Chúng chỉ hành động theo lời người khác và dễ trở thành những đứa trẻ vô cảm. Nếu cha mẹ giúp đỡ con quá nhiều thì cha mẹ sẽ khiến con ỷ lại.
Cha mẹ không nên làm hết tất cả mọi việc hay không giao bất cứ việc gì cho con. Thay vào đó, cha mẹ nên yêu cầu con tự mình hoàn thành những việc được giao. Bên cạnh đó, phụ huynh cần hình thành thói quen cho trẻ bằng cách tăng dần lượng công việc trẻ phải đảm nhận. Nếu phụ huynh không làm như vậy thì trẻ sẽ sớm chây ỳ. Khi chuyện này xảy ra, trí sáng tạo của trẻ cũng sẽ ngừng phát triển.
Nền tảng của quá trình phát triển óc sáng tạo là tạo ra những nhiệm vụ nho nhỏ cho con và yêu cầu con hoàn thành chúng. Khi bạn làm vậy, con sẽ có cơ hội để thử và làm nhiều việc khác nhau. Nhờ vậy, con bạn sẽ trở thành một đứa trẻ có tinh thần sáng tạo mạnh mẽ.
Nỗi thất vọng sẽ tích tụ trong lòng trẻ nếu cha mẹ quá ôm đồm và không cho phép con đụng tay vào bất cứ việc gì. Điều này sẽ khiến trẻ bị kích động và phản ứng bằng cách thường xuyên gào khóc hay la hét.
Bạn cần lưu ý, không dùng thái độ ra lệnh khi giao việc cho con. Bạn nên yêu cầu con thực hiện những công việc phù hợp với khả năng của mình. Ví dụ: “Yuka, con vui lòng giúp mẹ một chút được không? Con có thể đưa cái này cho bố không? Giờ mẹ bận quá, không làm được”. Yêu cầu con hoàn thành nhiệm vụ và nói lời cảm ơn khi con đã hoàn thành sẽ khơi gợi cảm giác hài lòng ở con. Nếu tinh thần của trẻ đã bị tổn thương thì hành động này có thể giúp điều chỉnh lại tinh thần của con.
Tuy nhiên, có những bậc cha mẹ tin rằng họ không nên yêu cầu con làm việc này việc kia, mà chỉ để yên cho con học. Chỉ cần chịu khó quan sát, bạn sẽ nhận thấy những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này không bao giờ hình thành những thói quen độc lập như: tự vệ sinh cá nhân, chuẩn bị bữa ăn hoặc dọn giường. Sau này, khi lớn lên, những đứa trẻ này không thể tự lo cho cuộc sống của bản thân. Chúng trở thành những người bất cẩn.
Một số thống kê gần đây cho thấy, càng ngày trẻ càng ít bị cha mẹ yêu cầu làm việc nhà. Khi còn nhỏ, trẻ thường làm nhiều việc nhà nhưng khi trẻ bắt đầu đi học và học lên những lớp cao hơn, các gia đình có xu hướng hạn chế giao việc cho trẻ để trẻ tập trung vào việc học. Đây là điều không tốt. Ở Nhật, người ta thường tin rằng nếu một đứa trẻ biết sắp xếp giày dép ngay ngắn ở lối vào và tiếp tục thực hiện việc này cho đến khi tốt nghiệp trung học thì trẻ sẽ có nhiều khả năng thi đậu đại học. Những đứa trẻ sống có trách nhiệm và không bỏ qua những công việc nhỏ thường ngày sẽ trở thành những người có trách nhiệm trong mọi lĩnh vực. Việc duy trì bền bỉ thói quen này rất có ý nghĩa đối với thành công sau này của trẻ.
Làm việc nhà giúp khơi dậy động lực, sức mạnh ý chí, tinh thần trách nhiệm, tài năng và tâm hồn của trẻ. Do vậy, hãy yêu cầu con hoàn thành những việc phù hợp với lứa tuổi của mình. Yêu cầu trẻ làm một điều gì đó thể hiện sự tin tưởng của cha mẹ đối với con mình. Nó cho phép cha mẹ đối xử với con như một người trưởng thành và ghi nhận sự tiến bộ của con mỗi ngày.
Việc nhà có thể bao gồm những việc như nhờ con mua đồ hoặc mang thứ gì đó đến nhà ông bà. Đây là những việc dành cho những trẻ đã đạt đến một độ tuổi nhất định. Hoàn thành những việc như thế này sẽ khiến trẻ nhanh chóng trưởng thành.
Bạn cũng có thể nhờ con giúp cha đóng bàn ghế trong nhà hoặc giúp mẹ nấu nướng. Phát triển ý thức trách nhiệm là một trong những khía cạnh quan trọng của việc cho phép trẻ phụ giúp việc nhà. Giao nhiệm vụ cho con là cách giúp con rèn luyện tính siêng năng và nâng cao khả năng làm việc. Đây là bước quan trọng giúp hình thành khả năng hòa nhập với xã hội và cộng đồng, đồng thời cũng là quá trình quan trọng, giúp trẻ biết nghĩ cho mọi người hơn và bồi dưỡng một trái tim lương thiện.
Tất cả điều này đều có tác động và ảnh hưởng lớn đến tinh thần của trẻ. Giúp đỡ người khác, làm cho người khác hạnh phúc, tất cả đều giúp mở rộng trái tim và phát triển tâm hồn của trẻ.
Chỉ có một điều mà các bậc cha mẹ nên cẩn thận. Đó là họ phải hiểu được tầm quan trọng của việc cùng làm việc nhà với con. Khi cha mẹ cùng tham gia với con, thời gian làm việc sẽ trở thành khoảnh khắc vui vẻ bên nhau. Con sẽ thấy hài lòng bởi vì mình có thể làm cho cha mẹ vui và thấy mình có ích. Cảm xúc đó sẽ thay đổi tâm hồn của một đứa trẻ. Còn nếu như bạn để con làm việc nhà một mình thì nhiệm vụ ấy sẽ nhanh chóng trở thành một mệnh lệnh. Con sẽ không còn thấy thích hoạt động đó nữa. Vì vậy, lần đầu tiên yêu cầu con làm việc nhà, bạn không nên để con làm một mình. Hãy đồng hành với con để con cảm nhận được sự thú vị khi làm việc nhà.