1. Lời gợi ý tích cực là công cụ giáo dục tuyệt vời nhất
Phương pháp tuyệt vời nhất để nuôi dạy nên một con người kiệt xuất là gì? Friedrich Wilhelm Ostwald đã nghiên cứu về sự thành công của một số vĩ nhân bằng cách xem xét kỹ lưỡng các nhân tố chính trong quá trình nuôi dạy các nhân vật lịch sử này. Ông đã dành rất nhiều năm để nghiên cứu đề tài này và cuối cùng đi đến kết luận như sau:
“Tất cả những người vĩ đại trở nên thành công là nhờ những gì họ đã đọc và những lời gợi ý mà họ nhận được.”
Điểm chung thứ nhất của các nhân vật lịch sử này là họ đều ham thích đọc sách. Điểm chung thứ hai là suốt thời ấu thơ, họ nhận được những lời gợi ý tích cực từ cha mẹ.
Không gì bằng lời gợi ý từ cả cha lẫn mẹ trong quá trình nuôi dạy nên một cá nhân xuất sắc. Nhưng trước khi chúng ta có thể sử dụng những lời gợi ý để cổ vũ con cái, chúng ta phải hiểu đúng thực chất những lời gợi ý này là gì. Lời gợi ý là những câu nói đi vào tiềm thức của con người. Con người có ý thức và tiềm thức. Bình thường có vẻ như chúng ta hành động theo ý thức, nhưng thực ra hầu hết các hành vi của chúng ta đều bị chi phối bởi tiềm thức.
Đâu đó sâu thẳm trong trái tim mỗi người, tiềm thức đang thủ thỉ những điều như “Anh có trí nhớ rất tệ”, “Anh không có khả năng thấu hiểu”, “Anh không thể thay đổi được bản chất của mình đâu”... Hầu hết mọi người đều tin những điều này là sự thật. Cứ như thế, không phải ý thức, mà chính tiềm thức đã định hình cá tính và khả năng của mỗi người. Do vậy, trẻ con cũng không ngoại lệ, chịu tác động rất nhiều từ tiềm thức.
Vài năm trước, tôi đã gặp tiến sĩ O – một nhà phát minh – tại Kyoto. Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thú vị.
Trong suốt quá trình nuôi dạy con của mình, tiến sĩ O đã sử dụng những lời gợi ý. Ông đã nuôi dạy con hết sức dễ dàng. Kể từ khi đứa con gái đầu lòng ra đời, ông đã nuôi dạy cô bé bằng cách lặp lại một lời gợi ý với con hàng nghìn lần. Khi ôm con trong lòng, ông nói: “Sự cứng đầu, ích kỷ hoặc tính hay nhõng nhẽo đều không tốt đâu con nhé. Con nên tử tế, dịu dàng và trả lời ‘Vâng’ khi người khác nói chuyện với con”.
Khi con khóc, ông ôm con trong tay và lặp lại câu nói này. Khi nghe những lời này, cô bé lập tức ngưng khóc ngay. Ông đã nuôi dạy nên một đứa con gái như những gì ông mong đợi. Theo tiến sĩ O, cách nuôi dạy con như thế cho phép con khám phá một cá tính tuyệt vời một cách vô thức, hiệu quả hơn nhiều so với dùng lý lẽ để dạy dỗ con khi con còn quá nhỏ.
Tôi đã từng đọc được ở đâu đó về một người mẹ nói với đứa con chậm chạp của mình rằng: “Không sao đâu con. Con luôn cố gắng hết sức mình. Vì vậy, một ngày nào đó con sẽ thành đạt. Những người cẩn trọng thường xong việc sau người khác”. Người mẹ này đã thực sự nuôi dạy nên một con người xuất sắc. Tôi mong rằng những người mẹ đọc cuốn sách này nên sử dụng những lời gợi ý trong việc nuôi dạy để phát triển tối đa tiềm năng của con.
Một lần nọ, tôi đã đến thăm một trường dạy bơi tại Tokyo, nơi đã đào tạo nên rất nhiều vận động viên bơi lội đẳng cấp Olympic. Tôi hỏi một vị huấn luyện viên ở đó: “Bí quyết nào giúp đào tạo nên nhiều vận động viên Olympic kiệt xuất như vậy?”. Vị huấn luyện viên trả lời: “Tôi luôn động viên họ bằng cách nói: Rồi em sẽ có mặt tại Olympic”. Đúng như tưởng tượng của tôi, ngay cả trong trường hợp này, lời gợi ý tích cực vẫn phát huy tác dụng.
Thông thường, các bà mẹ thường lặp đi lặp lại những câu nói tiêu cực với con như: “Không được”, “Tại sao con chậm chạp thế?”... Họ đâu biết rằng những câu nói này sẽ đi vào tiềm thức của con. Dần dần, theo thời gian các bà mẹ sẽ bắt đầu thấy con có biểu hiện đúng như những lời nhận xét mà họ đưa ra. Thế là họ than thở và la mắng con mình.
Nhiều bà mẹ rất tiêu cực, cứ liên tục truyền sự tiêu cực ấy sang con ngay từ khi con còn nhỏ. Kết quả, trong tâm hồn của con họ dần hình thành những đường dẫn tiêu cực.
Chính những lời mà người mẹ nói với con kể từ khi con lọt lòng sẽ quyết định việc đường dẫn tích cực hay tiêu cực sẽ mở ra trong tâm trí con họ. Đường dẫn tích cực thúc đẩy sự sản sinh beta-endorphin, nội tiết tố giúp cho việc học hỏi dễ dàng hơn. Còn đường dẫn tiêu cực thúc đẩy sản sinh adrenalin, nội tiết tố làm cho việc học hỏi trở nên khó khăn hơn.
Những trẻ có đường dẫn tích cực rộng mở có tinh thần sôi nổi hơn, dễ phát triển và tràn đầy nguồn năng lượng tích cực. Chúng yêu thích mọi việc mình làm. Tình cảm và tâm trí trẻ luôn ở trạng thái thoải mái. Trẻ sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc học hành.
Xin hãy nhớ điều này: nếu bạn đặt con mình vào trạng thái tiêu cực bằng cách sử dụng những gợi ý tiêu cực thì con bạn sẽ có những phản ứng tiêu cực. Ngược lại, nếu bạn đặt con vào trạng thái tích cực thông qua gợi ý tích cực thì con bạn sẽ có phản ứng tích cực.
2. Hãy là người mẹ tràn đầy nguồn năng lượng tích cực
Ai cũng muốn nuôi dạy con một cách hiệu quả, nhưng không phải ai cũng có khả năng làm được điều này. Tôi tin rằng có rất nhiều bà mẹ cho rằng việc nuôi dạy con là công việc hết sức khó khăn. Nuôi dạy con hiệu quả không có nghĩa là chỉ tập trung vào kiến thức và các kỹ năng. Bí quyết quan trọng nhất của quá trình này là bồi đắp cho tâm hồn con trẻ. Những đứa trẻ thông minh và học hỏi dễ dàng là những đứa trẻ có tâm hồn được bồi đắp tốt. Vậy thế nào là một tâm hồn được bồi đắp tốt?
Có hai dạng tâm hồn: tích cực và tiêu cực. Tâm hồn được bồi đắp tốt là tâm hồn tích cực và quyết đoán.
Xung quanh con người luôn tồn tại hai nguồn năng lượng: tích cực và tiêu cực. Trước tiên bạn phải hiểu rằng khi nguồn năng lượng tích cực chảy qua, mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ; nhưng nếu nguồn năng lượng tiêu cực chảy qua, mọi thứ sẽ không diễn ra suôn sẻ được.
Thí nghiệm sau đây được tiến hành tại trường Đại học California, Hoa Kỳ. Trong thí nghiệm đơn giản này, người ta đặt hai con chuột, A và B (có cùng mẹ sinh ra), vào trong một mê cung và quan sát xem con chuột nào có thể đến được chỗ để mồi nhanh hơn.
Một nhà nghiên cứu đã giải thích với những người quan sát thí nghiệm này rằng con chuột A luôn được tin là thông minh, còn con chuột B thì không được như vậy. Thực ra chẳng có sự khác biệt nào về trí thông minh của hai con chuột.
Khi cuộc thí nghiệm bắt đầu, con chuột được cho là thông minh có thể dễ dàng vượt qua mê cung để tìm đến miếng mồi. Còn con chuột được cho là không thông minh thì không thể vượt qua mê cung và phải mất rất nhiều thời gian mới đến được chỗ miếng mồi. Cuộc thí nghiệm được lặp lại nhiều lần, nhưng kết quả vẫn luôn như vậy.
Việc nuôi dạy con cũng tương tự như vậy. Quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ như một tấm gương phản ánh đúng tình trạng này. Những đứa trẻ nhận được nguồn năng lượng tiêu cực từ cha mẹ sẽ vô tình có những phản ứng tiêu cực.
Nếu cha mẹ hiểu được điều này và thay đổi nguồn năng lượng của mình thành năng lượng tích cực thì con của họ sẽ thay đổi, tràn đầy năng lượng tích cực. Nguyên nhân là do sự cộng hưởng sóng não giữa cha mẹ và con là rất mạnh. Đó là lý do tại sao tôi luôn nói rằng nếu cha mẹ thay đổi thì con cái sẽ thay đổi theo.
Để cải thiện việc nuôi dạy con, cha mẹ cần nhanh chóng nhận ra sự tồn tại của nguồn năng lượng tích cực và tiêu cực này. Khi bạn nhìn nhận điều gì đó một cách tiêu cực, nguồn năng lượng tiêu cực sẽ được sinh ra.
Khi tôi trả lời hỏi đáp tại các buổi thuyết trình, các bà mẹ thường bảo: “Dù tôi có làm gì đi nữa, tôi không thể nhìn nhận con mình một cách tích cực được”.
Tôi bảo với họ rằng: “Mặc dù ban đầu mọi chuyện không thực sự đúng như vậy nhưng bạn hãy tưởng tượng con bạn đang trưởng thành theo một cách tích cực nhất. Khi bạn suy nghĩ tích cực về con, con bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng mà bạn hình dung”. Hiện tượng này đã được khoa học chứng minh.
Thư của mẹ
Lời gợi ý tích cực đã thay đổi con tôi
Xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ không ngừng của ông. Đồng thời, xin cảm ơn lời khuyên quý báu của ông về vấn đề hiện tại của tôi.
Lời khuyên của ông đã xóa tan hoàn toàn những nỗi lo lắng triền miên của tôi khi quan sát con mình lớn lên trong vài tháng qua. Trước đó, về mặt lý trí, tôi đã hiểu, nhưng tôi không thể thực sự thay đổi bản thân. Tôi thường rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Trong mối quan hệ với con, tôi tự hỏi vì sao con tôi không thể làm được việc này việc kia và cứ đổ lỗi cho bé.
Khi đọc lời khuyên của ông, tôi không thể ngừng khóc. Từ tận đáy lòng mình, tôi cảm thấy có lỗi với con rất nhiều.
Hiện tại, mỗi ngày tôi đều áp dụng lời gợi ý tích cực của ông. Ông có thể đoán được kết quả không? Số lần bé bám lấy tôi và kêu: “Mẹ ơi, mẹ ơi” đã giảm xuống. Thay vào đó, bé thường đến bên tôi, ôm chầm lấy tôi và nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ”. Tôi cũng ôm con thật chặt và nói với con: “Đối với mẹ, con là điều quan trọng nhất trên đời”. Bé thấy lòng bình yên và giờ có thể tự chơi đùa một mình. Thật lòng mà nói, tôi thấy kết quả này khó tin vô cùng.
K. N., Thành phố Takamatsu
3. Phương pháp 5 phút thủ thỉ
Tôi muốn tất cả các bậc phụ huynh thử áp dụng Phương pháp 5 phút thủ thỉ. Phương pháp này sẽ giúp bạn điều chỉnh những nét tính cách không tốt ở con, đồng thời giúp cải thiện chức năng não bộ của con. Tôi xin mô tả phương pháp này như sau:
Khi bạn nghĩ con đã thiu thiu ngủ, hãy thì thầm những lời gợi ý sau vào tai con:
“__(Tên con bạn)__, con đang ngủ rất ngon. Con đang trôi bồng bềnh, chìm vào giấc ngủ với cảm giác thật tuyệt. Càng ngủ ngon thì con càng khỏe mạnh. Con thực sự đang chìm sâu vào trong giấc ngủ.”
Cách làm này sẽ giúp những trẻ khó ngủ có được giấc ngủ sâu hơn.
Hãy cho bé biết bé được yêu thương như thế nào bằng những lời nói chân thành như:
“__(Tên con bạn)__, con rất biết nghe lời, con là đứa bé ngoan. Bởi vì con luôn vui vẻ và ngoan ngoãn nên mẹ yêu con rất nhiều. Cha con cũng rất yêu con, __(tên bé)__. Cha và mẹ luôn ở bên con.”
Hay:
“Con là một đứa trẻ tuyệt vời. Tất cả mọi người đều yêu quý con. __(tên bé)__, con biết vâng lời và rất ngoan, nên cha mẹ và mọi người đều rất yêu con.”
Sau đó, bạn hãy bắt đầu đưa ra những gợi ý tích cực như:
“__(Tên bé)__, con đã tròn ba tuổi rồi, giờ con đã lớn. Vậy nên con không cần phải mút ngón tay cái nữa đâu. Mỗi khi tay con đưa tới miệng, con sẽ tự thấy rằng mình không nên làm như vậy.”
Hoặc:
“Con sẽ không tè dầm cho đến sáng nhé. Hãy để bản thân cảm nhận giấc ngủ sâu tuyệt vời như thế nào. Con sẽ ngủ ngon cho đến sáng và sẽ thức dậy với cảm giác hết sức phấn chấn. Rồi con sẽ có một ngày tuyệt vời.”
Sau đó hãy đưa con trở lại với giấc ngủ:
“Con thấy không? Con đang tận hưởng giấc ngủ ngon. Con có thể ngủ suốt đêm với cảm giác thoải mái. Con gái ngoan, hãy ngủ đến sáng mai nhé.”
Tôi đã hướng dẫn phương pháp này cho các bà mẹ tìm đến tôi để được tư vấn với những trăn trở như: “Tôi rất lo lắng không biết làm thế nào để con bỏ tật mút ngón tay” hay “Con gái tôi không chịu đi nhà trẻ, nhưng tôi muốn con cảm thấy thích thú với việc đến trường”. Tôi đã nhận được nhiều thư phúc đáp rằng khi họ vận dụng phương pháp này thì ngay ngày hôm sau, hành vi của con đã được cải thiện. Phương pháp 5 phút thủ thỉ không chỉ hiệu quả trong việc điều chỉnh những thói quen khó chịu mà còn có thể áp dụng để cải thiện chức năng não bộ hoặc cải thiện trí nhớ.
Một giáo sư đến từ Kansas, Hoa Kỳ, tiến sĩ James O’Dell, đã chia sẻ phương pháp này với những bậc cha mẹ có con bị rối loạn chức năng não bộ và kém thông minh. Hai bé gái có chỉ số IQ 25 và 40 gặp rắc rối với việc phát âm chữ “r”. Ông đã làm một cuộn băng ghi âm nhiều từ có chứa chữ “r” và hướng dẫn cha mẹ mở băng cho hai bé nghe ngay sau khi các bé chìm vào giấc ngủ. Sau 21 ngày được nghe băng, cả hai bé đều có thể phát âm chính xác chữ “r”.
Tại Liên Xô cũ, một phương pháp trị liệu bằng giấc ngủ đã được áp dụng để trị bệnh. Nó tương đương với Phương pháp 5 phút thủ thỉ.
Tại Mỹ, lời thủ thỉ trong lúc ngủ (liệu pháp giấc ngủ) được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm y khoa, tâm lý trị liệu và trong các phương pháp cải thiện năng lực. Phương pháp này cũng được đánh giá cao trong các lĩnh vực như nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, sản khoa, phụ khoa và nha khoa.
Thư của mẹ
Phương pháp 5 phút thủ thỉ đã thay đổi con tôi
Tiến sĩ Shichida, xin cảm ơn bài phát biểu của ông. Việc nuôi dạy con vốn là một thử thách đối với tôi. Thế nên, trong suốt quá trình này, mỗi khi tôi khám phá ra một điều mới, tôi lại có thêm nguồn sức mạnh tinh thần để tiếp tục cố gắng.
Năm nay con tôi vào lớp mẫu giáo dành cho trẻ ba tuổi. Có điều, bé quá hiếu động. Bất cứ khi nào cô giáo rời mắt là bé lại chạy biến đâu mất. Tất cả các giáo viên đều phải đi tìm bé.
Trước đây, bé rất thích những quyển bách khoa toàn thư bằng hình ảnh và các con vật như cá, chim, các loài động vật. Giờ sở thích của con chuyển sang xe ô tô. Bé không thích các hoạt động ở trường mẫu giáo và thường trốn ra ngoài để nhìn xe ô tô.
Trong buổi họp phụ huynh gần đây, cô giáo của bé đã hỏi tôi: “Chúng ta nên làm gì đây? Tôi thực sự lo quá”. Bản thân tôi cũng bối rối chẳng biết làm gì.
Tối hôm đó tôi nhớ đến phương pháp 5 phút thủ thỉ và thấy phương pháp này cũng có tính thuyết phục. Tôi nghĩ mình nên thử áp dụng xem sao. Tôi ngắm nhìn gương mặt say ngủ của con và chậm rãi nói chuyện với con:
“Y, con rất yêu thích các hoạt động ở trường mẫu giáo (cắt tỉa rau củ, may vá,...). Ở lớp, con đã học cách hoàn thành từng việc một cách cẩn thận. Con thật tuyệt vời! Khi lớn lên, con sẽ có thể giúp đỡ những người bệnh giống như cha con đang làm. Thượng đế đã ban cho con rất nhiều sức mạnh, trong con tràn đầy sức mạnh của Ngài, Y ạ. Cha mẹ, cô giáo và tất cả bạn bè đều yêu thương con, Y. Hãy ngủ thật ngon. Ngày mai con sẽ đi học và có một ngày đầy năng lượng. Chúc con ngủ ngon”.
Đây là những gì tôi đã chậm rãi thủ thỉ với con.
Kỳ lạ là khi bé tỉnh dậy, con đã hỏi tôi về những gì tôi nói đêm qua: “… là gì vậy mẹ?”.
Những lúc bé không muốn đi mẫu giáo và phàn nàn về việc đó, thay vì thúc giục hay la mắng con, tôi dùng giọng nói chậm rãi mà tôi đã sử dụng trong phương pháp 5 phút thủ thỉ và nói: “Không sao đâu. Chúng ta hãy đi học nào”. Khi tôi làm vậy, bé trông có vẻ ngạc nhiên và nhanh chóng rời khỏi nhà.
Trên tấm thiệp sinh nhật ở trường mẫu giáo có một chỗ trống để các bé điền ước mơ của mình vào. Khi cô giáo hỏi sau này con muốn làm gì, bé trả lời rành rọt: “Khi lớn lên, con muốn giống như Kitazato Shibasaburo (Nhà vật lý học và sinh vật học Nhật Bản) giúp đỡ những người bệnh tật”.
Những lời thủ thỉ đã phát huy hiệu quả đáng kinh ngạc. Tất cả những gì tôi làm chỉ là thì thầm bên tai con trong vài phút.
K. N., Thành phố Fukuoka
4. Ghi âm và mở những lời thủ thỉ cho con nghe
Phương pháp thủ thỉ rất hữu ích trong việc dạy dỗ cũng như trong việc cải thiện khả năng học tập của con. Hãy học cách sử dụng những lời thủ thỉ một cách tích cực. Nếu việc thì thầm những lời thủ thỉ bên tai con hàng đêm đối với bạn là một chuyện quá khó thì bạn có thể sử dụng máy ghi âm.
Trước tiên tôi sẽ giải thích cho bạn rõ, làm thế nào những lời thủ thỉ được ghi âm lại có thể thay đổi đứa trẻ nổi loạn thành đứa trẻ biết vâng lời, hoặc biến đứa trẻ thiếu tự tin thành đứa trẻ tự tin đầy nhiệt huyết.
Những lời thủ thỉ có liên quan đến sóng não. Khi con người tỉnh táo, các sóng beta hoạt động. Mỗi đêm, trong suốt quá trình ngủ, chúng ta chuyển từ sóng beta (hoạt động khi chúng ta tỉnh táo) sang sóng alpha (thích hợp cho việc học hỏi), sóng theta (giúp dễ dàng tiếp nhận những lời thủ thỉ) và sóng delta (khi chúng ta ngủ sâu, không tiếp nhận bất cứ điều gì). Trong thời gian chuyển từ sóng beta sang sóng alpha, bộ lọc giữa ý thức và tiềm thức (thường ở trạng thái hoạt động khi chúng ta tỉnh táo) ngưng hoạt động, mở ra một lối vào rộng lớn.
Khi điều này xảy ra, những lời thủ thỉ có thể dễ dàng đi vào tiềm thức. Vì vậy, khi một đứa trẻ tiếp nhận những lời thủ thỉ lúc chúng vừa ngủ, những lời thủ thỉ này có thể êm ái đi vào tiềm thức của con. Hãy ghi âm lại tất cả những mong muốn của bạn đối với con và mở băng ghi âm bên tai con với âm lượng vừa đủ như một lời thì thầm trong vòng 5 phút đầu.
Hãy làm một cuốn băng ghi âm những lời tương tự như:
“Yukiko, con sẽ ngủ thật ngon cho đến sáng. Khi con nghe thấy giọng nói của mẹ, con sẽ thư giãn và đi vào giấc ngủ sâu hơn. Mỗi khi con hít thở nhẹ nhàng, con cũng sẽ ngủ thật thoải mái.
Con đang ngủ rất sâu, nhưng con vẫn có thể nghe rõ giọng nói của mẹ trong mơ. Con sẽ lắng nghe vì con biết những lời mẹ sắp nói rất quan trọng và ý nghĩa.
Mẹ yêu con nhiều lắm. Mẹ yêu mọi điều ở con. Con hãy yên tâm vì mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh con.
Yukiko, con là một đứa trẻ ngoan, biết vâng lời. Con cũng rất tốt, rất lịch sự với hàng xóm và bạn bè. Mọi người đều rất yêu con. Mọi người đều cảm thấy vui vẻ khi ở bên cạnh con. Yukiko, con luôn trả lời một cách vui vẻ khi ai đó nói chuyện với con. Mọi người cảm nhận được sự tử tế và chu đáo của con, nên họ đối xử với con rất tử tế và lịch sự.
Con biết trân trọng tình bạn, nên bạn bè cũng rất yêu quý con, Yukiko.”
Sau đó, hãy ghi âm lại hai hoặc ba điều mà bạn mong đợi ở con. Hãy mở băng ghi âm này cho con bạn nghe mỗi đêm khi bé ngủ.
5. Phương pháp học hỏi dựa trên lời gợi ý tích cực
Phương pháp thủ thỉ không chỉ có thể vận dụng khi con bắt đầu ngủ mà còn có thể vận dụng cả vào những lúc con đang tỉnh táo, như khi con đang học hành chẳng hạn.
Mặc dù hiện tại không còn hoạt động nữa, nhưng vài năm trước đây, có một trung tâm giáo dục ở Tokyo tên là Learn with Joy, tức Chơi mà học. Một năm nọ, ngày 9 tháng 2, hai nữ sinh cấp 2 đến trung tâm. Họ nói với nhân viên của trung tâm:
“Trong vòng hai tuần nữa, chúng cháu phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào trường cấp 3, nhưng chúng cháu hoàn toàn không tự tin chút nào. Xin hãy giúp chúng cháu vượt qua kỳ thi này”.
Giáo viên ở trường của các em đã bảo với các em rằng vì các em đạt điểm rất thấp ở các môn xã hội, nên các em nên bỏ kỳ thi này đi. Người hướng dẫn của trung tâm, sau khi nghe, đã suy nghĩ ít phút rồi trả lời:
“Không sao đâu. Chúng ta hãy cùng học với nhau. Các em có thể vượt qua được kỳ thi mà”.
Ngày hôm sau, người hướng dẫn lập tức bắt đầu sử dụng những lời gợi ý tích cực trong các giờ học của mình. Quy trình học tập trước tiên là luyện tập hít thở, dùng âm nhạc để thư giãn và sau đó là lời gợi ý tích cực. Thay vì tập trung vào nỗ lực của người học, phương pháp này tập trung vào việc tạo bầu không khí giúp tâm trạng thoải mái và đo lường sóng alpha trong não trước khi tiến hành bài học.
Bạn nghĩ kết quả sẽ thế nào? Hai nữ sinh học hơn mười tiếng đồng hồ mỗi ngày nhưng không hề cảm thấy kiệt sức. Hai tuần nhanh chóng trôi qua. Hai nữ sinh tham dự kỳ thi. Kết quả được công bố vào ngày 3 tháng 3, ngày của các Cô gái (một lễ hội của người Nhật). Cả hai cô đều thi đậu. Họ thi đậu cả một trường tư thục mà họ đã đăng ký trước đó để dự phòng. Kết quả hoàn toàn nằm ngoài mong đợi và tạo dư luận xôn xao tại trường.
Khi những lời gợi ý tích cực được áp dụng trong việc học, năng lực tiềm thức được tận dụng. Những thử thách như vừa nêu ở trên có thể vượt qua dễ dàng.
Bộ não người, mà cụ thể là tiềm thức, có những khả năng bí ẩn mà gần đây chúng ta mới bắt đầu hiểu được. Nếu chúng ta tập trung phát triển những khả năng này thì không đứa trẻ nào là yếu kém cả.
Đến nay, hiểu biết của chúng ta về trẻ nhỏ và cách nuôi dạy trẻ vẫn còn hạn hẹp, chỉ dừng lại ở việc nhồi nhét kiến thức và kỹ năng để trẻ được “thông minh”. Quan điểm giáo dục này sẽ không cho phép trẻ phát triển đúng đắn và khiến vô số các vấn đề nảy sinh, đẩy cả cha mẹ và con trẻ vào tình trạng khó chịu. Tuy nhiên, nếu chúng ta tập trung vào tiềm thức và hiểu được các phương pháp khai thác những khả năng còn ẩn chứa bên trong thì chúng ta sẽ có thể khai phá những khả năng nổi trội vốn có của trẻ.
Thay vì nhồi nhét kiến thức, sứ mệnh của giáo dục là phải khơi gợi những tiềm năng của trẻ. Đây mới là nền giáo dục có ý nghĩa. Thực tế là cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện ra những tiềm năng này. Khi cha mẹ nuôi dạy con mình bằng cách xây dựng những ước mơ tươi sáng cho con, trao cho con tình yêu thương vô bờ bến và những lời gợi ý tích cực, những khả năng này tự nhiên sẽ xuất hiện. Để thực hiện được điều này, cha mẹ cần phải hiểu rõ những khả năng tiềm tàng của con. Những khả năng này có thể được phát hiện thông qua quá trình áp dụng phương pháp gợi ý tích cực.
Tại thủ đô Sofia của Bungari có Viện Nghiên cứu Quốc gia về phương pháp gợi ý tích cực. Ở đó, người ta dạy các phương pháp giáo dục sử dụng sóng não alpha. Giám đốc Viện Nghiên cứu, tiến sĩ Georgi Lozanov, là người đã phát triển bộ môn Phương pháp gợi ý tích cực.
Một cuộc thí nghiệm về trí nhớ đã được thực hiện tại Viện nghiên cứu này. Số tình nguyện viên tham gia cuộc thí nghiệm là 15 người, cả nam lẫn nữ, từ độ tuổi 22 – 60. Họ được dạy một bài học tiếng Pháp. Đến cuối ngày, họ được cho làm một bài kiểm tra tiếng Pháp về những nội dung đã học. Điểm trung bình của bài kiểm tra này là 97 điểm. Điều này có nghĩa là mỗi người có thể ghi nhớ trung bình khoảng 1.000 từ. Đây là bằng chứng cho thấy bộ não người có khả năng dễ dàng ghi nhớ 1.000 từ mỗi ngày.
Hiện nay trẻ em Bungari đang áp dụng phương pháp học tập này. Người ta ước lượng rằng lượng kiến thức mà trẻ con Bungari học trong một tháng tương đương với lượng kiến thức mà trẻ con ở những nước khác học trong sáu tháng.
Mỗi đứa trẻ đều có những khả năng nổi trội chưa được khai phá. Chúng bị che đậy bởi tiềm thức. Nếu không biết cách khai thác sức mạnh của tiềm thức thì bạn sẽ không thể tận dụng được những khả năng này. Các phương pháp giáo dục thông thường không giúp khơi dậy những năng lực tiềm thức này.
Ngay từ khi mới sinh, trẻ đã vô tình nhận được những lời gợi ý tiêu cực từ những người xung quanh. Chúng khiến trẻ nghĩ rằng mình là người kém cỏi, cho nên trẻ không có đủ yếu tố thuận lợi để phát triển.
Chúng ta phải tập trung vào việc nuôi dạy con từ khi con còn nhỏ, thậm chí ngay từ tuổi sơ sinh. Nhưng cần nhớ, điều này không có nghĩa là phải nhồi nhét thật nhiều kiến thức cho con ngay khi còn nhỏ.
6. Hãy thôi nhìn nhận con một cách tiêu cực
Khi nghiên cứu kỹ, chúng ta sẽ thấy rõ sức mạnh tuyệt vời của những lời gợi ý. Tuy nhiên, bởi vì nó quá “quyền năng” nên cũng có thể khiến ta lo lắng. Thay vì lắng nghe những gì người khác nói và hành động, con người cần phải tự mình suy nghĩ và quyết định xem nên hành động như thế nào. Điều này khiến một số người tự hỏi liệu cá tính của con có bị tổn thương không khi cha mẹ liên tục đưa ra những lời gợi ý để định hướng hành động của con.
Những lời mà người mẹ thường nói với con hằng ngày thực chất là những lời gợi ý. Do không nhận ra điều này, nhiều bậc cha mẹ đã nói những lời tiêu cực với con. Đây là lý do vì sao cha mẹ cần phải ý thức rõ việc mình đang làm và phải sửa đổi cách nói năng của mình, mỗi ngày đều chỉ nên nói với con những lời tích cực.
Không ý thức được sự thật này, tiếp tục sử dụng những lời gợi ý tiêu cực hay nhận thức được, chấp nhận sửa đổi, biến những lời gợi ý tiêu cực thành tích cực, theo bạn thì cái nào tốt hơn? Bạn có nghĩ tốt hơn hết là bạn nên thay đổi quan điểm, nhìn nhận con mình một cách tích cực và thay đổi cách nói chuyện không? Tôi tin rằng tất cả các bậc cha mẹ đều thực sự hy vọng nhìn thấy con mình phát triển theo hướng tích cực. Đó chính là lý do tôi muốn mọi người vận dụng phương pháp gợi ý tích cực đầy “quyền năng” này để đạt được kết quả như ý.
Thư của mẹ
Thói quen tè dầm của con tôi đã dần biến mất
Xin cảm ơn ông vì đã luôn đưa ra những lời khuyên tuyệt vời. Tôi đã đọc câu trả lời vắn tắt của ông về chứng tè dầm của con tôi. Tôi đã ghi âm những lời tôi muốn nói với con như sau:
“Con sẽ ngủ ngon bởi vì con đã đi tiểu trước khi lên giường ngủ. Hãy ngủ ngon cho đến sáng con nhé. Con sẽ không cần phải đi tiểu cho đến khi thức dậy.”
Tôi đã mở cuộn băng này cho con tôi nghe ngay khi cháu vừa ngủ. Kể từ đêm hôm đó, cháu không còn tè dầm nữa. Trước đó, hầu như đêm nào quần áo cháu cũng ướt sũng nước tiểu. Tôi nghĩ không nên đánh thức cháu dậy trong khi cháu đang ngủ, cũng không nên la mắng cháu, nên tôi đã kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng tôi tự hỏi không biết như thế có ổn không vì cháu cũng gần tròn bốn tuổi rồi… Tôi đã luôn lo lắng về việc này.
Một tháng trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu bật băng ghi âm cho cháu nghe, chỉ có một đêm cháu bị ướt, ba đêm khác cháu đánh thức tôi dậy để nhờ tôi dẫn cháu vào nhà vệ sinh. Suốt thời gian còn lại, cháu ngủ ngon cho đến sáng và hoàn toàn khô ráo. Lúc ngủ trưa cháu cũng không còn tè dầm nữa. Tôi thực sự rất ngạc nhiên. Xin cảm ơn ông.
Gần đây, tôi không còn mở băng ghi âm cho cháu nghe nữa nhưng cháu cũng không còn tè dầm. Những lời thủ thỉ thực sự rất hiệu nghiệm. Khi tôi kể với chồng, anh ấy nói: “Các bà mẹ luôn nói với con vô vàn những lời gợi ý tích cực”. Tôi nhận ra rằng chúng tôi ở bên nhau mỗi ngày và việc nói cùng một điều mỗi ngày cũng tương đương với việc lặp lại lời thủ thỉ trong đêm. Tôi nhận thấy mình phải cẩn thận hơn trong cách khen ngợi và la mắng con. Xin cảm ơn ông vì đã quan tâm giúp đỡ.
- F. M., Thành phố Ube
Hãy tận dụng sức mạnh của những lời gợi ý, hãy tin tưởng vào tiềm năng to lớn của con mình và nhìn nhận con một cách tích cực.