Trân trọng những nét riêng của con
1. Tạo dựng lòng tin cho con trước khi nghĩ đến kỷ luật
Việc nuôi dạy trẻ sẽ trở nên khó khăn nếu lòng can đảm của trẻ bị tổn thương. Khi lòng can đảm và nghị lực của trẻ bị hạ thấp, trẻ sẽ trở thành một đứa trẻ bất trị. Có sáu điều các bậc cha mẹ thường làm sau đây có thể gây tổn thương đến lòng can đảm của trẻ:
- Tập trung vào khiếm khuyết, không nhìn nhận điểm mạnh cũng như khả năng của trẻ.
- Xem trọng kết quả hơn là quá trình phấn đấu và nỗ lực của trẻ.
- Đánh giá trẻ bằng con mắt cầu toàn, nghĩa là kỳ vọng trẻ lúc nào cũng phải đạt 100% trên mọi phương diện.
- So sánh trẻ với những trẻ khác.
- Quan niệm việc học quan trọng hơn tất cả những việc khác
- Chỉ nhìn nhận con sau khi con đáp ứng được một số yêu cầu nhất định của mình
Nếu bạn làm ngược lại những điều trên thì việc nuôi dạy trẻ sẽ trở nên hết sức dễ dàng. Dưới đây là sáu quan điểm nhìn nhận trẻ mà cha mẹ nên áp dụng:
- Hãy bỏ qua những khiếm khuyết, chỉ tập trung vào những điểm mạnh cũng như khả năng của trẻ.
- Hãy quan sát quá trình phát triển của trẻ chứ đừng xem trẻ như một sản phẩm đã hoàn thiện.
- Hãy nhìn nhận một cách tích cực việc con bạn có nhiều điểm chưa hoàn hảo.
- Đừng so sánh con với các trẻ khác.
- Đừng xem kết quả học tập là trọng tâm của việc nuôi dạy con.
- Hãy nhìn nhận con vô điều kiện.
Nguyên tắc thứ ba trong ba “nguyên tắc vàng” của việc nuôi dạy con là sự tin tưởng. Nếu cha mẹ làm theo sáu điều vừa nêu trên thì họ có thể hoàn toàn tin tưởng ở con mình. Thông thường, các bậc phụ huynh luôn muốn nuôi dạy con thật tốt. Trong suốt quá trình này, họ đã vô tình tập trung vào việc nâng cao khả năng cho con. Dần dần, họ bắt đầu đánh giá con dựa trên những gì con có thể hoặc không thể làm. Nếu cha mẹ đánh giá con dựa trên khả năng của chúng thì họ sẽ bị “sa lầy” ngay lập tức. Bởi vì họ bắt đầu đánh giá con mình dựa trên nguyên tắc của một cuộc tranh đua.
Một trong những điểm quan trọng trong việc nuôi dạy con là bạn cần nhìn nhận con đúng với những gì con có. Vấn đề không nằm ở chỗ con có thể hoặc không thể làm một việc gì. Bạn cần nói với con những lời như: “Cha mẹ thật hạnh phúc khi có con”.
Trước khi thắc mắc liệu con có làm được điều gì đó hay không, trước khi cân nhắc nên dạy dỗ con ra sao, hoặc trước bất kỳ hành động hay quyết định nào, hãy nhớ là bạn và con cần xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau. Chỉ cần có mối liên hệ này, tất cả những vấn đề đáng lo ngại sẽ tự động biến mất.
Một ngày nọ, khi tôi thuyết trình tại Hiroshima, một người mẹ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như sau:
Tôi thật hạnh phúc! Tôi có một đứa con hết sức chu đáo và bé đối xử với mọi người xung quanh rất tử tế. Chỉ vài tháng trước thôi, mọi việc hãy còn hết sức tồi tệ. Con gái tôi bỗng nổi loạn và việc dạy dỗ con trở thành nỗi khổ đối với tôi. Khi tôi đưa ra trường hợp này trong khóa học làm cha mẹ (do tác giả cuốn sách này hướng dẫn - ND), mọi người nói với tôi rằng: “Điều quan trọng là bạn phải nhìn nhận, khen ngợi và yêu thương con đúng với những gì con có. Thay vì cố gắng thay đổi con theo ý mình, hãy thay đổi cách nhìn nhận về con của bạn. Hãy thay đổi thái độ khi bạn giao tiếp với con”.
Ban đầu, tôi thực sự không thể làm được điều này. Ngay cả khi tôi nghĩ con mình như thế này là ổn lắm rồi, tôi cũng vẫn vô tình quở trách hoặc đánh đòn con mỗi khi nhận thấy con làm điều sai trái. Tôi càng làm vậy mọi chuyện càng chẳng đâu vào đâu. Dù hiểu rằng tự thân tôi phải thay đổi, thế nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Mất khoảng bốn tháng, cuối cùng tôi mới học được cách nhìn nhận con mình đúng với những gì con có. Tôi đã học được cách bao dung, khen ngợi và yêu thương con thật sự. Kể từ đó trở đi, con gái tôi đã hoàn toàn thay đổi. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng con bé chỉ chống đối cách tôi đánh giá và đối xử với cháu thôi.
Như tôi đã nói từ đầu, hiện tại gia đình tôi rất hạnh phúc. Tôi đã có thể nghĩ đến những mặt tốt của con và không chú ý đến những điểm tiêu cực nữa. Khi tôi bắt đầu đối xử với con tử tế và thật sự tin tưởng rằng con là báu vật của cả nhà, gia đình tôi hoàn toàn thay đổi. Do vậy, tôi cho rằng trước khi nghĩ về những vấn đề của con và cách giải quyết những vấn đề đó, hãy thử nhìn nhận, khen ngợi và yêu thương con mình. Nếu bạn làm thế thì bạn có thể xây dựng sự tin cậy lẫn nhau hết sức tuyệt vời giữa các thành viên trong gia đình.
2. Đừng tập trung vào khiếm khuyết của con
Trẻ em luôn muốn được yêu thương, được nhìn nhận và khen ngợi. Người cha người mẹ giỏi là người nắm bắt được tâm lý này và khéo léo dạy con thông qua những lời khen ngợi. Những người cho rằng nuôi dạy con là một công việc khó khăn là những người thường xuyên quở trách con một cách vô lý. Trung bình, khoảng 70% lời lẽ một người mẹ nói với con mỗi ngày là những lời phê bình và mắng mỏ. Điều này khiến cho trẻ bất mãn và nổi giận, dần dần sẽ dẫn đến thái độ nổi loạn.
Khuyên nhủ và cảnh báo con là việc có thể thông cảm được, nhưng bạn không nên đổ dồn sự chú ý vào lỗi lầm của con. Thay vào đó, hãy tìm những mặt tốt để khen ngợi, rồi những mặt tốt này sẽ được phát huy mạnh mẽ và lỗi lầm sẽ dần biến mất.
Thực ra, ưu điểm và khuyết điểm của con không phải hai vấn đề tách biệt. Chúng thực chất là hai mặt của một vấn đề, giống như hai mặt của đồng tiền vậy. Nếu ưu điểm tăng lên thì khuyết điểm sẽ giảm đi. Một căn phòng tối và một căn phòng sáng thoạt nhìn tưởng là hai “thực thể” riêng biệt. Thế nhưng, nếu bạn bật đèn trong căn phòng tối thì nó sẽ trở thành căn phòng sáng. Ưu và khuyết điểm cũng vậy. Nếu bạn tập trung phát triển ưu điểm của con thì khuyết điểm sẽ biến mất. Dần dần, những khuyết điểm chỉ còn là “cái bóng” trong tính cách của con mà thôi. Chúng không thực sự tồn tại. Ban đầu, cá tính thực sự của trẻ không có khuyết điểm. Thậm chí dù có tồn tại thì chúng cũng sẽ biến mất nếu bạn chỉ tập trung vào ưu điểm. Điều này cũng được phản ánh trong Nguyên tắc về sự tăng trưởng, trong đó chỉ ra rằng những gì càng được sử dụng và được chú ý đến thì sẽ càng phát triển, còn những thứ không được sử dụng sẽ bị thoái hóa dần. Nguyên tắc này đúng khi áp dụng với cơ thể sống và cũng đúng khi áp dụng vào đời sống kinh tế, chính trị.
Khi tôi bảo rằng bạn không nên chăm chăm vào khuyết điểm mà chỉ nên tập trung phát triển ưu điểm, điều đó không có nghĩa là bạn nên nhắm mắt cho qua những lỗi nhỏ.
Nếu cha mẹ cứ liên tục nói những câu như: “Không” hay “Con không thể” mà không ngăn chặn hành động của con thì trẻ sẽ càng ngày càng bị thôi thúc, muốn làm những gì cha mẹ cấm đoán. Do đó cha mẹ không nên đối phó với sai lầm của con. Thay vào đó, tốt hơn là cha mẹ nên trân trọng những ưu điểm mà con có.
Nếu muốn nâng cao lòng nhiệt huyết và động lực của con thì cha mẹ không nên lạm dụng câu “Không” và “Con không thể” trong cuộc sống hàng ngày. Hãy nhớ rằng mọi đứa trẻ đều có ưu điểm. Bạn cần tìm ra những ưu điểm nho nhỏ này và khen ngợi con bằng lời. Trong lúc nói, bạn hãy ôm chầm lấy con hoặc vuốt ve con, con sẽ rất hạnh phúc khi được khen ngợi và nỗ lực nhiều hơn để củng cố thêm ưu điểm đó. Nếu ứng dụng thành công Nguyên tắc về sự tăng trưởng này, bạn sẽ có thể nuôi dạy con một cách nhẹ nhàng.
3. Đừng xem trạng thái hiện tại của con là trạng thái hoàn thiện
Đừng xem trạng thái hiện tại của con là trạng thái hoàn thiện. Bất luận bạn đang khó chịu với khía cạnh nào trong hành vi của con, bạn vẫn cần tin tưởng vào sự thật rằng con người có tiềm năng thay đổi hoàn toàn cá tính của mình. Thậm chí nếu con bạn không thay đổi sau một vài ngày, hãy kiên trì trong vòng từ một đến hai tuần. Sau đó, con bạn chắc chắn sẽ thay đổi.
Điều quan trọng trong việc nuôi dạy con là tạo cho trẻ một hình ảnh tích cực về bản thân. Khi đó, con sẽ thay đổi. Tinh thần con sẽ tràn đầy năng lượng. Con sẽ có thể sống hòa hợp với nhiều người, sẽ không còn gắt gỏng với mọi người xung quanh và trở nên tử tế hơn, đồng thời học được cách hợp tác với trẻ đồng trang lứa.
Trong trường hợp cha mẹ lúc nào cũng trấn áp con bằng cách nổi giận, con sẽ khó hòa hợp với mọi người. Nhiều trường hợp cho thấy khi cha mẹ chuyển sang phong cách nhìn nhận, khen ngợi và yêu thương con, con không còn hung hăng nữa. Con sẽ thay đổi. Từ một đứa trẻ hay khóc nhè thành một đứa trẻ mạnh mẽ chỉ trong vòng vài tuần.
Mọi trẻ em trên thế gian này đều có bản tính tuyệt vời. Hãy tin tưởng con bạn. Chỉ cần bạn điều chỉnh cách ứng xử với con, tích cực khen ngợi con và thay đổi thái độ, con bạn chắc chắn sẽ thay đổi. Những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này thường học được cách yêu thương và cố gắng bảo vệ cha mẹ. Trẻ sẽ ngoan ngoãn vâng lời và tự giác giúp đỡ cha mẹ. Trẻ mang hình ảnh tích cực về bản thân và có tâm hồn rộng mở. Điều này sẽ giúp cho việc học hành của trẻ tiến triển suôn sẻ.
Dù con bạn có cư xử thế nào, bạn cũng cần nhớ rằng cá tính của con chưa hoàn thiện và không tồn tại vĩnh viễn. Đừng tự động đặt các giả định rằng con bạn học dở hay con bạn có vấn đề về tâm lý. Khi con lớn hơn, các khía cạnh này sẽ thay đổi. Đầu tiên, trứng nở thành sâu, sâu biến thành nhộng, rồi nhộng mới trở thành bướm. Sự phát triển của trẻ cũng vậy. Bạn không thể nhìn thấy một con bướm ngay được. Bạn có thể xem tính cách hiện tại là một phần của quá trình trưởng thành ở con.
“Sợ người lạ” là một giai đoạn trong quá trình phát triển của con. Con nói: “Không” với mọi thứ cũng là một giai đoạn của quá trình này. Năm trẻ lên hai, trẻ trải qua khoảng thời gian dễ cáu kỉnh. Hãy quan sát con và nhớ rằng những hành vi này chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định. Hãy cố cư xử thật bình tĩnh và đợi con bước sang giai đoạn trưởng thành tiếp theo.
Tôi vẫn thường nhận được nhiều câu hỏi từ các bà mẹ, những người cảm thấy bối rối không biết phải làm thế nào trước những cơn cáu giận của con. Những người mẹ này lo lắng, rằng nếu họ không thay đổi hành vi của con ngay bây giờ thì chúng sẽ gặp rắc rối về sau.
Ở tuổi lên hai, khi bạn yêu cầu con ghép một bức hình, con sẽ cảm thấy việc này thật khó, và con sẽ tỏ ra khó chịu. Con sẽ ném các mảnh ghép đi, nằm ngửa ra sàn mà la hét; thậm chí ngay cả khi bạn đã cố gắng dỗ dành, con vẫn sẽ tiếp tục khóc lóc một hồi. Nhưng bạn chỉ cần đợi thêm khoảng nửa năm, con có thể dễ dàng thực hiện bức tranh ghép cũng như bộc lộ rõ cảm xúc của mình. Trạng thái thất vọng của con sẽ biến mất, con sẽ trở nên điềm tĩnh đến khó tin. Hãy nghĩ đến những hành động đầy lo lắng mà con bạn thể hiện vào những giai đoạn phát triển của con. Thậm chí nếu con không thể chơi tốt một môn thể thao nào đấy hoặc học kém thì bạn cũng đừng vội nghĩ khả năng của con chỉ có thế. Chỉ cần con cố gắng, con vẫn có thể tiến bộ hơn nữa. Hãy tin rằng khi cha mẹ ôn tồn và ủng hộ con, con chắc chắn sẽ thay đổi. Ngược lại, nếu cha mẹ thường xuyên quở trách khắt khe thì tính cách của con sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Tôi từng nhận được thư của một người mẹ hỏi như sau: “Con tôi bắt đầu biết đánh tôi. Trước giờ chẳng có ai đánh bé cả, tôi không biết bé học được hành động này từ đâu?”.
Trong tình huống này, con đánh mẹ không phải vì con từng nhìn thấy ai đó đánh nhau và học được hành vi ấy, mà là vì mẹ cứ la mắng con trước mặt người khác nên con bực bội và bắt đầu đánh mẹ. Nếu mẹ đối xử dịu dàng với con thì thái độ hung hăng của con sẽ biến mất. Hành vi hung hăng ấy bắt đầu xuất hiện khi con không nhận được đầy đủ tình thương từ cha mẹ. Trẻ sẽ thay đổi nếu cha mẹ không dùng lời lẽ và hành động quá khắt khe, đồng thời không nhìn nhận cảm xúc nhất thời của con với thái độ tiêu cực. Tôi đã nhận được lá thư sau đây từ một phụ huynh trong trường của chúng tôi.
Thư của mẹ
Tôi nhận ra mình đã chưa dành đủ tình yêu thương cho con
Chuyện liên quan đến đứa con hung hăng mà tôi từng nhờ ông tham vấn ý kiến giờ đã được giải quyết. Nhìn lại cả quá trình, tôi nhận ra tôi đã vô tình đẩy con mình ra xa. Con tôi đã cư xử bạo lực với một người bạn của bé nên tôi đã tách chúng ra và không cho chúng chơi với nhau trong vài tháng.
Thế rồi, con tôi bắt đầu cư xử như một đứa trẻ nhõng nhẽo, lúc nào cũng bắt tôi ẵm bồng. Dù thực sự không muốn như thế vì bé đã lên ba nhưng tôi nghĩ mình nên làm theo yêu cầu của bé. Vào những lúc có thể, tôi ẵm bồng và ôm bé trong lòng. Khi tôi làm vậy, con tôi có vẻ bình tĩnh lại. Cùng lúc đó, tôi cảm thấy tình thương mình dành cho con thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Tôi nhận ra mình chưa dành đủ tình yêu thương cho con. Giờ con tôi đã có thể hòa nhã chơi đùa với cậu bạn mà bé đã từng có thái độ hung dữ.
T. K., Thành phố Urayasu
4. Đừng cầu toàn trong việc nuôi dạy con
Mọi người mẹ đều muốn nuôi dạy nên những đứa trẻ khỏe mạnh và thông minh. Tuy nhiên, việc nuôi dạy con đôi khi trở nên khó khăn. Khi thấy con cư xử trái với ý muốn của mình, các bà mẹ liền có cảm tưởng họ dạy con không khéo. Nhiều người thậm chí còn rơi vào trạng thái căm ghét bản thân mình. Nếu bạn quá thiết tha trong việc mang đến cho con sự giáo dục lý tưởng thì việc đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả mà bạn mong muốn. Thật khó mà đạt được các tiêu chuẩn lý tưởng vì một khi bạn đã lấy những tiêu chuẩn này làm trọng tâm, bạn sẽ buộc mình phải liên tục cố gắng giúp con đạt được chính xác những điều bạn kỳ vọng. Khi đó, bạn sẽ không thể nuôi dạy con một cách thoải mái và sẽ bị sự căng thẳng đè nặng. Việc này sẽ tạo nên một môi trường trưởng thành không tốt cho con bạn. Tôi đề nghị những bà mẹ đang vật lộn với cảm xúc này nên tham khảo Lý thuyết “Cái tốt thứ cấp” (Second Best Principle). Lý thuyết “Cái tốt thứ cấp” là một nguyên tắc cho rằng: khi một phương án để đạt được một kết quả tối ưu trở nên bất khả thi (không thể thỏa mãn được), thì bạn nên chuyển sang phương án tốt nhất thứ hai với những thay đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Bằng cách này, phương án tốt nhất thứ hai khi đó có thể đem lại hiệu quả cao hơn kỳ vọng mà bạn đặt ra cho phương án thứ nhất.
Tương tự như vậy, thay vì cố gắng đạt được quy trình giáo dục hoàn hảo bằng mọi giá (một việc gần như không thể), bạn nên áp dụng Lý thuyết “Cái tốt thứ cấp” và điều chỉnh sao cho phù hợp với hoàn cảnh sống của gia đình cũng như khả năng của con bạn. Bằng cách này, bạn có thể giữ được thái độ bình tĩnh. Cảm giác bình tĩnh này sẽ truyền sang con. Con sẽ vui vẻ đáp lại.
Trái với tư tưởng cầu toàn, việc điềm tĩnh giáo dục con dựa trên quan điểm này sẽ cho phép cha mẹ tạo ra môi trường nuôi dạy tốt nhất dành cho con.
Khi cha mẹ đòi hỏi sự hoàn hảo trong quá trình đánh giá con, bất luận con làm gì, cha mẹ cũng chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực. Họ quên mất nhịp điệu phát triển tự nhiên của con và cứ mãi thắc mắc tại sao con mình không thể làm được một số việc nhất định. Họ sẽ đề ra những tiêu chuẩn rất cao và khi con họ không thể đạt được, họ sẽ bực mình.
Thay vì chấp nhận con đúng với những gì con có, quá trình nuôi dạy trở nên khó khăn vì cha mẹ đơn phương thiết lập tiêu chuẩn riêng của họ, cố gắng nuôi dạy để con đáp ứng được những tiêu chuẩn đó.
Cha mẹ cần biết rằng con trẻ có nguyện vọng của riêng mình. Chúng không thể cư xử chính xác như những gì cha mẹ muốn. Những bậc cha mẹ cố gắng điều khiển con dựa theo mong muốn của bản thân sẽ không thể nào thoát khỏi trạng thái cáu kỉnh và bực tức. Từ đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con sẽ ngày càng trở nên khó chịu hơn. Con họ sẽ không thể tự làm được việc gì, trong khi vấn đề và rắc rối thì ngày một gia tăng. Cha mẹ phải lập tức nhận thức được khi việc này xảy ra. Cha mẹ cần nhớ rằng vốn dĩ con đã hoàn hảo theo cách của riêng mình.
Tuy nhiên, vì không nhận thức được điều này, nhiều bà mẹ bắt đầu đề ra tiêu chuẩn thật cao khi nuôi dạy con. Họ sẽ đâm ra lo lắng khi con không đạt được những tiêu chuẩn này và bắt đầu tin rằng con mình lúc nào cũng đầy khiếm khuyết.
Chúng tôi thường đề nghị cha mẹ cho con nhỏ xem các tấm thẻ có tranh ảnh, chữ và số ngay từ tuổi sơ sinh. Nhưng nếu bé nhà bạn tỏ ra không muốn nhìn chúng nữa thì bạn cũng nên ngưng cho con xem những thẻ này. Nếu con không còn thích nghe bạn đọc truyện nữa thì bạn không cần phải ép con tiếp tục nghe. Nếu con đã không muốn làm bài tập thì không cần phải làm nữa. Việc ép buộc con làm một việc gì đó chỉ khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn bắt đầu tin rằng con bạn kém cỏi thì bạn cũng sẽ bắt đầu tin rằng mình đã thất bại trong việc nuôi dạy con.
Nhìn chung, hầu hết các bà mẹ đều vô tình đề ra những tiêu chuẩn quá cao trong việc nuôi dạy con và khiến bản thân mình mắc kẹt trong những tiêu chuẩn đó. Trẻ con có cá tính riêng, không bị giới hạn hay buộc phải hành động theo những khuôn mẫu đã định. Tuy nhiên, các bà mẹ thường cố bắt con mình phải hành xử giống với những “khuôn mẫu” khác.
Điều quan trọng là bạn phải hiểu cảm xúc và quá trình phát triển của con. Đừng bắt con phải tuân theo một chương trình định sẵn. Hãy giúp con cảm thấy rằng chúng có thể tự làm mọi việc và thích ứng với sự phát triển của con. Nếu bạn làm vậy thì con bạn có thể lớn lên mà không cần lo lắng gì cả.
Thư của mẹ
Con tôi thực ra rất thích học
Khi con tôi tròn bốn tuổi, chúng tôi rơi vào tình trạng bế tắc vì những hành động của bé. Sự thiếu kiên nhẫn và thái độ hối thúc của tôi khiến bé chịu nhiều áp lực. Tôi bắt đầu cảm thấy mình đang khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn và tôi rất lo lắng. Dần dần, tôi quyết định giảm bớt số hoạt động cùng tham gia với con, chúng tôi chỉ còn duy trì việc đọc sách và làm bài tập cùng nhau.
Rồi một ngày nọ, con gái tôi nói với chị gái tôi: “Ở nhà vui hơn đi mẫu giáo nhiều vì ở nhà mẹ cháu dạy cháu rất nhiều thứ. Nhưng dạo gần đây mẹ chẳng dạy cháu nhiều nữa nên ở nhà chẳng vui gì cả”. Tôi đã giảm số hoạt động cùng tham gia với con. Động thái đó giải quyết được sự năng động thái quá của bé và giảm thiểu những hành vi nổi loạn. Tôi đã nghĩ rằng đó là một việc tốt. Nhưng khi nghe những gì con nói, tôi mới nhận ra con gái tôi thực sự rất thích học.
Kể từ đó, tôi đối xử với con thoáng hơn và nhận được những kết quả tuyệt vời. Nếu bạn đối xử bao dung với con thì con bạn sẽ thấy thoải mái và bắt đầu bộc lộ những điểm mạnh đáng ngạc nhiên.
K. K., Quận Chiba
5. Đừng so sánh con với trẻ khác
So sánh con mình với trẻ khác có thể khiến cho việc nuôi dạy con trở nên khó khăn. Chẳng có gì tốt đẹp trong việc so sánh. Thông thường, các bà mẹ hay so sánh con với những đứa trẻ có khả năng làm việc gì đó một cách khéo léo. Nghĩ đến chuyện con mình không làm được giống như vậy, họ cảm thấy rất buồn. Có điều, cha mẹ cần nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều có cá tính, sự phát triển và sở thích riêng, hoàn toàn khác biệt với người khác. Làm sao chúng ta có thể đánh giá con dựa trên một tiêu chuẩn chung được!
Albert Einstein hoàn toàn không biết nói cho đến tận tuổi lên ba. Trí nhớ của ông rất kém và điểm số ở trường của ông không cao lắm. Khi quá trình phát triển của con bạn khác với những trẻ khác, hãy thử nghĩ rằng con bạn có lẽ giống với Einstein! Một số người có bán cầu não trái phát triển hơn, trong khi một số người khác có bán cầu não phải phát triển hơn. Những người có bán cầu não trái phát triển hơn có khả năng ngôn ngữ vượt trội, còn những người có bán cầu não phải phát triển hơn có khả năng tưởng tượng phong phú. Đó chính là lý do xã hội có nhiều mẫu người với nhiều cá tính khác nhau.
Để có thể nuôi dạy con tốt, cha mẹ cần phải có sự kiên nhẫn. Khi bạn cố thúc giục con, oái oăm thay, con bạn sẽ không thể phát huy được năng lực của mình. Nếu bạn đối xử dịu dàng, thoải mái với con thì những khả năng của con sẽ bộc lộ.
Cảm giác thiếu kiên nhẫn nảy sinh từ việc so sánh con với những đứa trẻ khác. Mỗi người đều có một sứ mệnh độc đáo và khác biệt. Vì vậy, mỗi người đều có hình ảnh cá nhân của riêng mình. Rèn luyện cá tính có nghĩa là tận dụng một cách tốt nhất nét cá tính riêng của mỗi người. Nếu bạn phát triển khả năng của con mình theo hướng thực sự phù hợp với con thì việc giáo dục sẽ mang đến hạnh phúc cho cả bạn và con bạn.
Vào ngày 21/07/1995, tờ báo Asahi đã đăng tải bài báo về cậu bé 10 tuổi, Asai Rikiya, trên mục Tensei Jingo.
Một tháng sau khi Asai Rikiya ra đời, cậu bé được chẩn đoán bị chứng bại não. Bác sĩ bảo rằng có thể cậu sẽ không sống được lâu vì những phần bất thường trong não. Không suy nghĩ tiêu cực, mẹ cậu cho rằng: “Dù có một vài vùng não bị tổn thương nhưng vẫn còn nhiều tế bào não bình thường khác có thể hỗ trợ cho những vùng bị tổn thương”. Bà đã suy nghĩ rất tích cực, tin tưởng rằng việc cung cấp các tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài sẽ đánh thức phản ứng của não. Bà đã nuôi dạy Rikiya bằng nhiều giải pháp khác nhau.
Cậu bé không thể chuyển động các cơ và không thể giữ thẳng đầu. Việc ăn uống hết sức khó khăn. Vì cậu gặp rắc rối trong việc điều hòa thân nhiệt nên gia đình phải chuyển từ Tokyo đến Hawai để tránh khí hậu lạnh. Suốt quá trình Rikiya đi học, gia đình đã cùng cậu liên tục di chuyển giữa bệnh viện và trường học. Cậu nhận được sự quan tâm chu đáo của thầy cô và các bạn.
Rikiya gặp khó khăn trong việc nói năng. Nhưng cậu và mẹ vẫn có thể hiểu nhau. Cậu bé dùng dấu hiệu để thể hiện thái độ đồng ý hay từ chối trước những gì mẹ nói. Họ đã nghĩ ra nhiều phương pháp khác nhau để giúp Rikiya thể hiện yêu cầu của mình.
Được nuôi nấng bằng tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, Rikya đã đáp lại bằng lòng vị tha, tình yêu thương và sự tin tưởng mà cậu dành cho những người xung quanh và điều này đã mang đến cho mọi người nhiều bài học đáng kinh ngạc. Dần dần, cậu bé học cách bước đi.
Năm cậu lên bốn, cậu tỏ vẻ thích màu sắc của một bức tranh trong một cửa hiệu. Kể từ đó, cậu bắt đầu học vẽ.
Rikiya đã có buổi triển lãm các bức tranh sơn dầu với nhiều kích cỡ khác nhau tại Nhà hát Nghệ thuật Tokyo ở Ikebukuro, Tokyo. Sự tươi sáng, nét dịu dàng và nguồn năng lượng dâng trào trong các bức tranh, cũng như cách sử dụng màu sắc tuyệt diệu của cậu đã khiến khách tham quan mãn nhãn. Điều này có được là nhờ mẹ của Rikiya đã giúp cậu bồi đắp một nét cá tính sáng ngời.
Câu chuyện trên là một ví dụ cho thấy sự ganh đua trong việc nuôi dạy con thật sự vô nghĩa! Bạn không nên so sánh con với những trẻ khác. Thay vào đó, bạn cần giúp con phát huy cá tính của mình.
Mỗi đứa trẻ đều có sở thích và thế mạnh riêng. Nếu cha mẹ biết cách khéo léo vun đắp những thế mạnh này thì bạn sẽ có thể giúp con phát triển một nhân cách sáng ngời.
Phương pháp giáo dục giúp phát triển nhân cách là phương pháp nuôi dạy con hiệu quả nhất cho tâm hồn của trẻ. Hãy nhớ, mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất. Nếu bạn có thể nhìn nhận con như vậy thì bạn sẽ không cảm thấy áp lực bởi những ý nghĩ so sánh vô nghĩa. Các bậc phụ huynh nên phát huy những điểm mạnh của con sao cho phù hợp với cá tính riêng. Nhiều bậc cha mẹ thường không nuôi dạy con theo quan điểm này. Họ luôn so sánh con với những đứa trẻ khác. Thế nên họ mới thấy con mình thua kém hơn những trẻ đồng trang lứa. Thực ra, không có đứa trẻ nào thua kém đứa trẻ nào. Chẳng qua vì cha mẹ đã đưa ra các tiêu chuẩn cạnh tranh nên đã đánh giá sai con mình. Ai cũng biết những bậc thiên tài như Thomas Edison, Isaac Newton và Albert Einstein đều có điểm số rất thấp. Nhưng tại sao những cá nhân này lại trở nên xuất chúng? Bởi vì họ đã phát triển được điều họ thật sự yêu thích.
6. Đừng chỉ chăm chăm học kiến thức sách vở
Đừng nuôi dạy con dựa trên các nguyên tắc cạnh tranh. Một số bậc cha mẹ cho con học trước tuổi để con mình giỏi hơn những trẻ khác. Làm như vậy chưa chắc đào tạo được một đứa trẻ vượt trội. Thay vào đó, bạn có thể sẽ tạo nên một đứa trẻ có tâm hồn méo mó.
Giáo dục không có nghĩa là cố nhồi nhét kiến thức vào đầu con. Giáo dục phải giúp con phát triển những khả năng và những phẩm chất thiên bẩm của mình.
Cha mẹ nên để lại “di sản” gì cho con? Thay vì để lại của cải hoặc nền tảng học vấn, cha mẹ nên giúp con phát triển trí tuệ và khả năng tự vạch ra con đường của riêng mình.
Để làm được điều này, bạn phải dạy con biết cách tự suy nghĩ, hành động độc lập, hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân. Hãy dạy cho con biết cách làm việc chăm chỉ, tự thân vận động, kiên trì và không đầu hàng trước khó khăn. Có đạt được điểm số cao hay không cũng không quan trọng. Điều quan trọng là bạn phải nhìn nhận sự nỗ lực của con. Bạn cho rằng điểm số 60/100 là tệ? Dù con chỉ đạt được chừng ấy điểm thì bạn cũng nên nói với con rằng: “Nếu con đã cố gắng hết sức thì 60 điểm cũng chẳng khác nào 100 điểm”.
Bạn nên công nhận những nỗ lực mà con đã bỏ ra. Bạn cần thể hiện thái độ quan tâm với sự phấn đấu của con. Đừng bắt con phải đạt được điểm số tuyệt đối hoặc phải là người đứng đầu. Thay vào đó, hãy đánh giá cao nỗ lực mà con đã bỏ ra để đạt được 100 điểm hoặc vị trí đứng đầu.
Các bậc phụ huynh không nên quan trọng hóa điểm số ở trường của con. Có rất nhiều ví dụ cho thấy nhiều người đạt điểm số tuyệt đối nhưng lại chẳng làm được gì cho xã hội sau khi tốt nghiệp. Tôi cho rằng có lẽ những gia đình như thế đã nhầm lẫn trong mục đích nuôi dạy con.
Trong quyển “The Intellectual Life” (tạm dịch “Đời sống Trí tuệ”), tác giả người Anh, P. G. Hamerton đã thực hiện một so sánh rất thú vị như sau:
Đà điểu và gà là hai giống chim có khả năng đi lại trên mặt đất khéo léo. Trái lại, diều hâu và nhạn không thể đi lại giỏi, nhưng chúng bay lượn rất thành thục. Hamerton tin rằng loài người cũng giống như loài chim, cũng có nhiều mẫu người khác nhau với năng lực trí tuệ, khả năng tư duy và trí thông minh khác nhau.
Các bài kiểm tra IQ có thể đo lường trí thông minh, nhưng không thể đo lường năng lực trí tuệ và khả năng tư duy. Những người có trí thông minh cao có thể khéo léo giải quyết được các vấn đề được giao phó. Khi còn học tập tại trường, mẫu người này thường nhận được điểm số tốt. Khi vào làm việc tại công ty, anh ta có thể hoàn tất công việc của mình một cách hiệu quả. Sau khi mẫu người này bước sang tuổi 35 và lên được chức trưởng phòng, đôi khi anh ta sẽ bị trầm cảm. Dù có thể hoàn tất công việc một cách hiệu quả nhưng anh ta vẫn thấy chán nản khi phải chịu áp lực quá lớn. Anh ta gặp hạn chế trong việc tư duy về những việc như: quản lý nhân viên, mở rộng thị trường mới, phát triển công ty... Rắc rối nảy sinh là do mẫu người này chỉ cải thiện được trí thông minh nhanh nhạy nhưng không thể trau dồi được năng lực trí tuệ và khả năng tư duy. Người có trí tuệ là người có khả năng sống một cách khéo léo. Khả năng này có liên quan đến sự nỗ lực của mỗi cá nhân.
Khi Tezuka Osamu còn nhỏ, ông là một cậu bé nhỏ con và hay khóc nhè. Ông bắt đầu đặc biệt quan tâm đến truyện tranh khi học lớp Hai và tập vẽ theo những tranh vẽ trong truyện. Về sau, khả năng này của ông đã thực sự đơm hoa kết trái. Khả năng này hoàn toàn không liên quan gì đến điểm số ở trường. Đây chính là một ví dụ cho thấy chúng ta không nên đánh giá con dựa vào điểm số.
Thường thì những người học hành không giỏi lắm lại tài năng hơn những người học giỏi. Tại sao lại như vậy?
Triết gia nổi tiếng người Mỹ A. L. Williams đã từng viết:
“Theo kinh nghiệm của tôi, dù bạn không có nhiều tài năng nhưng nếu bạn toàn tâm toàn ý muốn trở thành người xuất chúng thì bạn sẽ thành công. Đó là do bạn đã nỗ lực rất nhiều và học được những giá trị cần thiết để thành công”.
Những người tài năng có thể hoàn thành tốt công việc mà không cần nỗ lực. Thường thì đó chính là lý do họ không luyện được tinh thần kiên trì theo đuổi mục tiêu, bất chấp những khó khăn trên con đường dẫn đến thành công.
Thông thường, những đứa trẻ đạt điểm số cao thường là những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất. Những đứa trẻ này luôn bị yêu cầu phải đạt điểm số tuyệt đối và được nuôi dạy để tìm kiếm sự hoàn hảo. Chúng sẽ bỏ cuộc trong nỗi thất vọng ê chề khi gặp phải thất bại dù chỉ là nhỏ nhất. Nếu trẻ thường xuyên được yêu cầu thiết lập mục tiêu và không bao giờ được phép thất bại, trẻ sẽ không bao giờ bắt tay vào thực hiện một việc gì đó nếu trẻ không nắm chắc kết quả thành công. Điều này thật sự rất nguy hiểm. Thói quen này sẽ khiến trẻ không biết cách tự tạo động lực cho bản thân và không có sự sáng tạo. Do vậy, chúng ta không nên đòi hỏi con phải giành vị trí đứng đầu trong bất kỳ môn học nào.
7. Con bạn vốn đã hoàn hảo với những gì con có
Thay vì đòi hỏi con mình phải hoàn hảo, hãy nhìn nhận sự thật là đứa trẻ nào cũng có những điểm yếu nhất định. Việc con không thể trở thành người hoàn hảo cũng chẳng có gì đáng lo ngại. Hãy dạy con biết nỗ lực hơn nữa để cải thiện những điểm yếu của mình.
Các bà mẹ không nên buộc con phải hoàn hảo trên mọi phương diện. Thậm chí ngay cả khi trẻ có khuyết điểm hay sai lầm nào thì cha mẹ cũng cần nhìn nhận con hoàn hảo với những gì con có.
Có nhiều bà mẹ tin rằng con của họ toàn phạm lỗi và đầy khuyết điểm. Họ mặc định là trẻ sẽ không bao giờ có thể phát triển toàn vẹn. Có một phương pháp đơn giản giúp những trẻ này trở nên hoàn hảo là cha mẹ hãy bỏ qua các khuyết điểm của con, chỉ nhìn vào những ưu điểm mà thôi. Vì nếu bạn không nhìn vào khuyết điểm của con mình thì trong mắt bạn sẽ chỉ toàn là ưu điểm, con bạn sẽ trở nên hoàn hảo trong nháy mắt. Bên cạnh đó, nếu bạn nuôi dạy con bằng cách chú tâm khen ngợi những ưu điểm mà con có thì những khuyết điểm sẽ dần dần biến mất.
Ngược lại, nếu bạn tiếp tục nhìn vào khuyết điểm của con thì những khuyết điểm ấy sẽ ngày càng nhiều thêm. Nếu bạn cứ để chúng sang một bên và nhìn nhận ưu điểm của con, thường xuyên nói lời khen ngợi thì những điều tốt đẹp sẽ liên tục được phát huy. Kết quả là khuyết điểm của con sẽ dần biến mất, trước cả khi bạn kịp nhận ra điều đó.
Chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp này với gia đình và người thân của mình. Cố gắng đừng bao giờ chỉ ra bất cứ khuyết điểm nào của họ. Thay vào đó, hãy nói về những mặt tốt với thái độ biết ơn. Cách nhìn này sẽ biến họ trở thành người tử tế.
Nếu bạn chỉ chăm chăm soi mói khuyết điểm của các thành viên trong gia đình và người thân của bạn thì bạn sẽ không thể hòa hợp với họ. Nếu bạn chỉ nhìn vào điểm mạnh của họ và đối xử với họ một cách trân trọng thì họ sẽ thay đổi cách cư xử đối với bạn. Trẻ con cũng giống như thế.
Một lần, khi tôi trả lời thắc mắc sau buổi thuyết trình, các bậc phụ huynh bắt đầu mô tả những khuyết điểm của con mình. Sau đó, tôi đã chân thành tư vấn cách khắc phục những khuyết điểm này. Tôi đề nghị các bậc cha mẹ nên nhìn nhận con với những gì con có, không để tâm đến khuyết điểm mà chỉ chú ý đến ưu điểm và khen ngợi con. Ví dụ, một người mẹ bảo rằng con của bà làm gì cũng chậm chạp, tôi đã nói: “Điều đó thật tuyệt vời. Tiến sĩ Yukawa Hideki, người đã nhận được giải Nobel, cũng từng là đứa trẻ chậm chạp. Như vậy hẳn là con bạn cũng có một số ưu điểm giống với tiến sĩ Yukawa. Hãy nói với con điều này. Tôi mong là bạn sẽ hạn chế việc thúc giục con phải nhanh lên. Đồng thời, hãy tin vào cá tính thật của con và kiên nhẫn chờ con. Nếu bạn có thể làm như vậy thì con bạn chắc chắn sẽ thay đổi”.
Khi các bà mẹ thay đổi cách nhìn nhận và đối xử thì con họ sẽ bắt đầu thay đổi một cách kỳ diệu. Khi các bà mẹ không chê bai con nữa, con họ bắt đầu trở nên năng động hơn. Những trẻ đã từng chậm chạp sẽ bắt đầu hoạt động độc lập và tự động gia tăng tốc độ làm việc của mình. Dần dần, cha mẹ sẽ nhận ra chính thói quen càm ràm và hay soi mói khuyết điểm của họ mới là nguyên nhân khiến cho con họ trở nên ù lì.
Khi bị ra lệnh, trẻ thường làm mọi việc một cách miễn cưỡng và lề mề cũng là chuyện bình thường. Chỉ cần áp lực này được gỡ bỏ, gương mặt con sẽ trở nên rạng rỡ và con bắt đầu hoạt động một cách đầy sức sống. Bí quyết để giúp con hoạt động sôi nổi đó là nhìn nhận con đúng với những gì con có, trân trọng và khen ngợi những gì con làm. Khi bạn làm vậy, tình yêu thương của bạn sẽ truyền sang con. Con sẽ nói với bạn rằng con yêu bạn biết nhường nào.
Trẻ con có hai trạng thái: tích cực và tiêu cực. Cả hai trạng thái này đều có sẵn trong con bạn.
Vậy ai là người tạo ra trạng thái tiêu cực? Chính là cha mẹ. Bởi vì cha mẹ có cái nhìn bi quan về con và đối xử với con bằng những cảm xúc tiêu cực nên trạng thái tiêu cực ở con mới có cơ hội phát triển.
Thư của mẹ
Khi tôi nhìn nhận con một cách tích cực, con cảm thấy dễ chịu
Những lời chỉ dẫn của ông vào tháng trước thực sự đã lay động được tôi. Tôi đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, đánh giá tiêu cực về con và nói chuyện với con bằng thái độ lạnh lùng. Thay vì đối xử với con một cách thiếu kiên nhẫn, đáng ra tôi nên nhớ rằng tất cả mọi hoạt động đều mới mẻ đối với bé và việc bé không thể làm được một số thứ là điều bình thường.
Khi tôi lặp lại trong đầu lời khuyên của ông, tôi thấy thoải mái hơn. Tôi đã rất vui. Khi tôi làm theo lời khuyên của ông, hẳn là con biết tôi đã thay đổi nên thằng bé cũng trở nên dễ chịu. Con trai tôi đã đột nhiên chịu học hành mà không cần tôi nhắc nhở nữa.
Tôi nghe nói có rất nhiều bà mẹ giống như tôi và tôi cảm thấy thanh thản đôi chút khi biết mình không phải người duy nhất. Ít nhất kể từ bây giờ, tôi sẽ nhìn nhận con mình một cách tích cực. Tôi hy vọng có thể tận hưởng mọi thứ với con càng nhiều càng tốt.
- T. S., Tokyo
8. Hãy tin tưởng con
Nhiều bà mẹ đã quá cầu toàn. Họ tự đặt ra một số việc bắt buộc phải hoàn thành trong ngày cho bản thân và con của họ. Khi họ không thể hoàn tất những công việc này, họ chỉ trích con và chính mình. Họ kỳ vọng con phải hoàn hảo và sẵn sàng chỉ trích con khi chúng không đáp ứng chính xác yêu cầu của họ; đồng thời cảm thấy chán nản vì đã không thể nuôi dạy một đứa trẻ như mong muốn.
Con trẻ chỉ cần thực hiện được những việc vừa sức mình là đủ. Nhồi nhét hoặc dạy trước kiến thức cho con không phải là giáo dục. Điều quan trọng mà cha mẹ cần làm là phát triển cá tính, sự nhạy bén, sự sáng tạo, tâm hồn và nhân cách cho con.
Sai lầm thường thấy nhất của các bậc phụ huynh là vô tình tự tạo áp lực phải nhồi nhét kiến thức cho con. Khi con họ từ chối, họ trở nên hết sức căng thẳng. Đó là vì họ đã đề ra tiêu chuẩn và đòi hỏi sự hoàn hảo. Trong khi đó, cha mẹ lại không ý thức được rằng trẻ vốn dĩ đã hoàn hảo. Cha mẹ chỉ cần khéo léo khai thác sự hoàn hảo ấy, giúp con phát triển theo cách riêng của chúng. Những cha mẹ muốn nuôi dạy con dựa trên tiêu chuẩn của bản thân và kỳ vọng con phải đáp ứng những tiêu chuẩn ấy một cách hoàn hảo chắc chắn sẽ thất bại.
Hãy tin tưởng vào khả năng thiên bẩm của trẻ. Hãy nhìn nhận và khen ngợi từng bước phát triển của con. Hãy yêu thương con vô điều kiện. Tôn trọng, biết ơn và cảm động trước những gì con làm được. Học cách thông cảm cho con. Khi bạn làm được như vậy, con bạn sẽ nhanh chóng trưởng thành.
Bất luận việc nuôi dạy con có khó khăn đến đâu, chỉ cần cha mẹ vận dụng cách nhìn này, con họ sẽ thay đổi. Hãy đối xử với con bằng sự tôn trọng thay vì suốt ngày lo lắng không biết con có làm được không, hoặc bạn có đang dạy con đúng cách không.
Nếu bạn xem mối quan hệ giữa bạn và con là mối quan hệ “kẻ trên người dưới” thì bạn đã quên mất sự tôn trọng dành cho con rồi. Với cách nhìn này, bạn sẽ trút lên con những lời lẽ khắt khe. Xin hãy nhớ rằng bạn cần tôn trọng con với tư cách là một con người, hoàn toàn bình đẳng và ngang bằng với bạn.
Bất luận hành vi của con có sai trái đến đâu, nếu bạn cư xử với con bằng sự tôn trọng thì khả năng phạm lỗi của con dần dần sẽ không còn. Mỗi người đều sẽ phát triển đúng đắn khi được tôn trọng.