Nghiêm khắc đúng cách sẽ giúp vun đắp tâm hồn con trẻ
1. Nền tảng của kỷ luật là giúp con trở thành người có ý chí mạnh mẽ
Trước khi cân nhắc về việc nên rèn luyện tính kỷ luật cho con như thế nào, đầu tiên bạn cần phải hiểu rằng, mục đích thật sự của việc áp dụng kỷ luật trong quá trình nuôi dạy trẻ chính là nuôi dạy con trở thành người có ý chí mạnh mẽ. Có ý chí mạnh mẽ không có nghĩa là ích kỷ và tự mãn. Ngược lại, một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ sẽ có thể vượt qua những ham muốn, đòi hỏi và cảm xúc cá nhân. Để phát triển nhân cách và nuôi dạy con trở thành một người có khả năng sáng tạo dồi dào, phụ huynh cần phải nghĩ đến việc dạy dỗ sao cho con có khả năng chịu đựng gian khổ và vượt qua khó khăn. Những đứa trẻ không có ý chí mạnh mẽ không thể phát triển cá tính của riêng mình.
Khi trẻ lên ba, trẻ sẽ bắt đầu hình thành khả năng chịu đựng và sức mạnh ý chí. Nếu cha mẹ đợi đến giai đoạn sau ba tuổi, nghĩa là khi con đã có khả năng nhận biết mọi việc mới rèn luyện tính kỷ luật cho con thì mọi nỗ lực của bạn đều đã muộn rồi. Đến lúc đó, cá tính của con bạn đã hình thành, rất khó thay đổi. Thế nên, trong ba năm đầu tiên ấy, phụ huynh cần phải thiết lập các nguyên tắc và giới hạn cho trẻ, về những giá trị mà trẻ không được phép phá vỡ. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ phạm tội khi lớn lên là do thiếu khả năng chịu đựng. Những trẻ này không có cơ hội để phát triển ý chí, không biết cách kiềm chế cảm xúc trong suốt quá trình trưởng thành. Do vậy, chúng không có khả năng kiểm soát bản thân, dễ rơi vào con đường phạm tội. Khuynh hướng phạm tội bắt đầu khi đứa trẻ bị làm hư từ nhỏ. Nhiều người phương Tây đến Nhật, thấy cách mọi người đối xử với trẻ em tại Nhật, họ thường bảo: “Ở Nhật, trẻ em và người già là hai đối tượng được phép ích kỷ và tự do nhất. Nhật Bản thực sự là thiên đường của trẻ em”. Người phương Tây thường nuôi dạy con rất nghiêm khắc nên họ lấy làm lạ khi thấy các bà mẹ Nhật Bản nuông chiều con mình.
Trong quyển sách “The Chrysanthemum and the Sword” (tạm dịch “Hoa cúc và Thanh gươm”), tác giả Ruth Benedict đã trình bày đường biểu diễn so sánh tính nghiêm khắc của bà mẹ Nhật và bà mẹ Mỹ. Đường biểu diễn này cho thấy hai xu hướng hoàn toàn trái ngược.
Ở Nhật, trẻ được phép sống ích kỷ và rất được nuông chiều. Khi lớn lên, trẻ dần dần được nuôi dạy nghiêm khắc hơn. Trong khi đó ở Mỹ, cha mẹ rất nghiêm khắc với con. Có điều, sự nghiêm khắc này sẽ giảm dần theo thời gian. Ở Mỹ, đường cong biểu diễn sự nghiêm khắc đạt đỉnh cao nhất lúc không tuổi, rồi giảm dần ở tuổi lên ba, giảm hơn nữa ở tuổi lên sáu và tiếp tục giảm ở tuổi lên chín. Sau độ tuổi này, cha mẹ và con cái sẽ bắt đầu ngồi lại với nhau và thảo luận về phương pháp giáo dục phù hợp.
Ở Nhật, khi một đứa trẻ khóc, người mẹ dù đang làm gì cũng sẽ ngừng lại và nhanh chóng bế con lên. Thói quen này khiến trẻ bỏ lỡ bài học quan trọng nhất: kiểm soát bản thân. Trong thực tế, nhiều người tin rằng việc trẻ con khóc rất có lợi cho hệ hô hấp. Do vậy, thay vì vội chạy đến bên con, hãy cứ để bé khóc một lúc rồi hẵng cho con thấy mặt bạn. Đừng vội bế con lên. Thay vào đó, hãy kề sát mặt bên con và hỏi: “Sao vậy con? Con đói rồi à? Hay tã ướt làm con khó chịu?”. Chỉ bế con lên sau khi con đã thôi khóc sẽ tập cho con bạn có được thói quen tốt. Con sẽ biết chờ đợi và có thói quen tự kiềm chế bản thân ngay từ khi con còn nhỏ. Mỗi khi khóc, bé sẽ nghe thấy tiếng chân bình tĩnh của mẹ, cánh cửa mở ra và bé sẽ nhìn thấy khuôn mặt mẹ mỉm cười với mình. Rồi mẹ nhìn bé, dịu dàng nói chuyện với bé. Đến khi bé ngừng khóc, mẹ sẽ ôm lấy bé. Dần dần, trẻ sẽ ghi nhớ quy trình này. Nhờ đó, sự khó chịu đối với việc chờ đợi sẽ giảm dần. Các bậc phụ huynh nên áp dụng phương pháp này ngay từ khi con còn nhỏ để giúp con học cách chờ đợi.
Khi con yêu cầu bạn mua một thứ gì, nếu đó là thứ mà bạn không muốn mua thì bạn cần dứt khoát nói: “Không!”. Hãy nghiêm khắc và kiên định, cho dù con bạn có la hét và gào khóc bao nhiêu lần. Ngay từ nhỏ, trẻ phải học cách chờ đợi và phát triển thói quen kiểm soát bản thân. Nhờ đó, các thói quen xấu mới không có cơ hội phát triển. Nếu bạn cứ chiều theo mọi yêu cầu của con thì bạn sẽ không thể nuôi dạy con thành một đứa trẻ tự chủ, bạn chỉ tạo nên một đứa trẻ ích kỷ.
Sự tức giận của trẻ không xuất phát từ việc rèn luyện khả năng tự kiềm chế, mà xuất phát từ việc trẻ không được dạy cách kiềm chế bản thân. Bạn cần hiểu rằng con cảm thấy tức giận không phải vì bị cha mẹ từ chối không cho một thứ gì đó, mà là do cha mẹ đã cho con quá nhiều.
Ở Pháp, hầu hết tội phạm vị thành niên không xuất thân từ những gia đình trung lưu. Bởi vì trẻ em thuộc những gia đình này được nuôi dạy nghiêm khắc từ nhỏ, chúng biết cách tự kiềm chế những nhu cầu của mình và không bị chi phối bởi sự tức giận.
2. Rèn luyện khả năng tự kiềm chế
Cha mẹ cần tập cho trẻ sơ sinh khả năng chờ đợi và tự kiểm soát bản thân. Bạn có thể bắt đầu quá trình “huấn luyện” này khi cho con bú. Hãy để con khóc trong một khoảng thời gian nhất định và chờ cho đến khi con ngừng khóc rồi mới cho con bú. Đây là bước khởi đầu của quá trình rèn luyện, giúp con biết cách chờ đợi và kiểm soát bản thân.
Một trong những bài tập thể chất quan trọng khi nuôi dạy trẻ sơ sinh là cho con khóc hết sức bình sinh. Margaret A. Ribble, một bác sĩ nghiên cứu về các vấn đề hô hấp ở trẻ em, đã khẳng định rằng khi khóc, trẻ sẽ học được cách hít thở sâu. Bình thường, trẻ thở rất nông. Nhưng khi trẻ khóc dữ dội, phần cơ hoành của trẻ được tập luyện; đồng thời, phúc mạc, bao tử, ruột và các cơ quan nội tạng khác cũng được tác động tương ứng. Người ta cho rằng việc khóc lớn giúp trẻ hít thở sâu và cải thiện sự phát triển của nhiều cơ quan nội tạng khác nhau.
Nếu bạn cho bú ngay khi con khóc, con sẽ không thể làm quen với việc chờ đợi và không thể đạt được khả năng tự kiểm soát bản thân. Do vậy, con bạn sẽ mất đi cơ hội được rèn luyện đầu đời.
Tập cho con bạn biết tự kiềm chế là bước giáo dục quan trọng, giúp hình thành tính kỷ luật cho trẻ. Như đã nói ở trên, nền tảng của sự giáo dục là dạy con biết sống có mục đích. Điều đó nghĩa là cha mẹ cần giúp trẻ hình thành ý chí mạnh mẽ và khả năng kiểm soát cảm xúc cũng như các nhu cầu của bản thân chứ không phải là cho phép trẻ làm mọi điều chúng muốn một cách ích kỷ. Tuy nhiên, quá trình này thường bị hiểu sai. Khi hiểu sai vấn đề, cha mẹ thường nói những câu như: “Tôi tôn trọng mong muốn của con, vì vậy tôi để con mình được làm những gì nó muốn”. Cách nghĩ này cho phép trẻ từ chối làm những điều mà chúng không muốn. Sự dung túng này là một sai lầm. Khi làm một việc trẻ không muốn, trẻ sẽ học được cách chiến thắng sự ích kỷ của bản thân. Đó mới chính là sự tự do thực sự. Bởi vì nền tảng của sự tự do là khả năng tuân thủ nguyên tắc và luật lệ một cách triệt để.
Hãy suy nghĩ một chút về chủ đề ý chí. Điểm khác biệt giữa con người và loài vật là gì? Chúng ta và động vật giống nhau ở chỗ cả hai đều có phản xạ tiếp nhận và phản hồi các yếu tố kích thích đến từ môi trường bên ngoài.
Theo quan điểm của tâm lý học, cách con người phản ứng với một yếu tố kích thích nào đó tạo nên hành vi. Cùng một quá trình nhưng cách phản ứng của con người và động vật khác nhau. Động vật tiếp nhận yếu tố kích thích từ môi trường, sau đó chúng hành động theo phản xạ tự nhiên như: bỏ chạy, tấn công, sục sạo kiếm ăn... Còn khi con người tiếp nhận yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, cảm xúc sẽ xuất hiện trước, sau đó ham muốn sẽ nổi dậy. Cho tới lúc này, con người và động vật về bản chất là giống nhau. Tuy nhiên, con người sẽ cân nhắc chuyện hành vi này đúng hay sai, xem xét hậu quả, làm vậy lợi hay hại. Việc đưa ra quyết định sau khi suy xét, cân nhắc kỹ càng chính là điều khiến cho con người khác với động vật.
Ý chí luôn song hành với lương tâm. Ý chí cân nhắc cả hai mặt của vấn đề và sau đó, lương tâm sẽ thực hiện vai trò định hướng và quyết định hành vi của con người. Ví dụ, nếu đó là điều xấu thì tôi sẽ không làm, hay cái đó thuộc về người khác nên tôi sẽ không lấy... Tuy nhiên lúc này, cảm xúc và bản năng của con người cũng đồng thời trỗi dậy. Đó là lý do khi đứng trước những vấn đề mâu thuẫn, chúng ta thường lưỡng lự, bị giằng xé và không biết phải làm sao. Lúc này, con người cần tới sự dũng cảm để có thể hành động theo lương tâm và ý chí.
Tự do về ý chí có nghĩa là mỗi người tự chịu trách nhiệm với bản thân. Đây chính là sự khác biệt giữa sự tự do và sự tự nuông chiều (ích kỷ). Những người nuông chiều bản thân không quan tâm đến những rắc rối mà họ gây ra cho người khác và cũng không có trách nhiệm với bản thân mình.
Trọng tâm của sự giáo dục nghiêm khắc là nhằm phát triển ba điều: khả năng suy xét, lương tâm và sức mạnh ý chí. Nếu con bạn có khả năng suy xét đúng đắn, sự hướng dẫn rõ ràng của lương tâm và ý chí mạnh mẽ để điều khiển cảm xúc và mong muốn của bản thân thì sứ mệnh nuôi dạy con của bạn coi như đã hoàn thành mỹ mãn. Việc phát triển sức mạnh ý chí bằng cách kiên trì vượt qua khó khăn sẽ đưa con người đến với thành công. Tính ích kỷ và thiếu khả năng kiểm soát bản thân sẽ dẫn con người đi theo hướng ngược lại.
3. Sự khắt khe lệch lạc
Nuôi dạy con nghiêm khắc từ nhỏ là bước quan trọng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý rằng sự khắt khe lệch lạc sẽ cản trở sự phát triển của con.
Nhiều bậc phụ huynh rất dễ nhầm lẫn hai khái niệm này, đặc biệt là những người muốn dạy dỗ và uốn nắn con hướng đến những mục tiêu mà họ mong muốn. Vì quá đặt nặng việc dạy dỗ con, các phụ huynh này thường lạm dụng sự nghiêm khắc để ép con đạt được những nguyện vọng của cha mẹ. Tôi mong bạn hiểu rằng áp dụng kiểu giáo dục khắt khe như vậy là một sai lầm. Khi cha mẹ làm vậy có nghĩa là họ đang cố gắng uốn nắn con mình theo hình tượng mà họ thích. Và khi trẻ con không thực hiện được ý định của người lớn thì chúng bị cấm đoán, bị khiển trách và bị phạt.
Mục đích nuôi dạy con mà bạn muốn hướng đến là gì? Có lẽ bạn hy vọng nuôi dạy nên một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ, có khả năng tư duy độc lập, có khả năng tự quyết và biết làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu? Để có thể nuôi dạy một đứa con như thế, bạn phải hiểu rõ sự khác biệt giữa việc dạy con bằng cách la mắng và dạy con bằng sự nghiêm khắc. Trên hết, bạn cần phải xác định mục đích rõ ràng để nuôi dạy con trở thành một người hữu ích.
Làm sao để nuôi dạy trẻ trở thành người có ích trong thời đại này? Theo các bậc phụ huynh, trẻ ngoan là trẻ biết vâng lời cha mẹ, thầy cô và dễ dạy bảo. Tuy nhiên, những đứa trẻ như thế lại có vấn đề cần phải đặc biệt chú ý. Mặc dù chúng được dạy dỗ cẩn thận, biết vâng lời và không gây rắc rối, nhưng chúng lại không có khả năng khẳng định bản thân và có nguy cơ không thể cống hiến được gì cho xã hội.
Có một số trường hợp, khi những đứa trẻ “biết vâng lời” này vào trung học, chúng bắt đầu trở nên bạo lực để thể hiện sự chống đối với cha mẹ. Đây đều là những đứa trẻ tốt, những đứa trẻ luôn lắng nghe và vâng lời cha mẹ khi còn nhỏ. Người ta cho rằng khi những đứa trẻ này còn nhỏ và còn yếu ớt, chúng không có nhiều cơ hội để khẳng định bản thân. Đến khi trẻ lớn lên, chúng mạnh dần về thể chất trong khi ảnh hưởng của cha mẹ yếu dần. Thế là trẻ bắt đầu khẳng định bản thân bằng cách sử dụng bạo lực chống lại các thành viên trong gia đình. Vì vậy, bạn nên thấy vui trước sự phản kháng của con khi con còn nhỏ. Quá trình phản kháng này hàm chứa một ý nghĩa to lớn và tích cực đối với sự phát triển của con, cụ thể là:
Con đã đủ trưởng thành để có cách suy nghĩ riêng, khác với cách nghĩ của cha mẹ.
Con đã học được cách thể hiện ý nghĩ của mình thông qua hành vi và lời nói.
Con đã có đủ can đảm để nói lên những điều mà con không đồng ý và những điều mà con cho là không đúng, dù có bị la mắng.
Việc có thể khẳng định quan điểm của bản thân mang đến cho con bạn cơ hội đương đầu với cuộc sống mà không dồn nén những khó chịu hoặc ấm ức trong lòng. Khi trẻ nghi ngờ những gì người lớn nghĩ, việc bộc bạch ý nghĩ cá nhân một cách chân thành sẽ giúp trẻ thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách. Trong trường hợp trẻ không phản hồi hoặc không thể hiện bất cứ sự phản kháng nào, cha mẹ cần nhớ đây là biểu hiện không hợp lý. Nếu cha mẹ cứ liên tục khống chế trẻ theo chiều hướng này thì quá trình phát triển của trẻ sẽ bị ngưng trệ. Đó là lý do tại sao chúng ta không nên đánh đòn hoặc la mắng con một cách vô tội vạ mỗi khi con cãi lại hay tỏ ra chống đối. Điều cha mẹ cần làm là thật tâm lắng nghe những gì con nói. Thông qua đó, bạn sẽ giúp con phát triển khả năng thể hiện bản thân, đồng thời cũng giúp bản thân bạn hành xử khôn ngoan hơn.
Tất nhiên cha mẹ cần nghiêm khắc để giúp con tự chủ hơn khi trưởng thành. Tôi đề nghị các bậc phụ huynh nên nghiêm khắc với con theo những cách sau:
a. Giúp con học cách tự kiểm soát bản thân. Thay vì để con bị chi phối bởi cảm xúc, hãy giúp con học cách kiềm chế bản thân.
b. Giúp con học hỏi các quy tắc xã hội. Dạy cho con biết rằng việc làm tổn thương và gây rắc rối cho người khác là sai trái.
c. Dạy con biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
d. Dạy con biết kiên trì theo đuổi mục tiêu.
4. Các bậc phụ huynh nên nghiêm khắc với chính mình
Ba nguyên tắc vàng trong việc nuôi dạy con – yêu thương, nghiêm khắc và tin tưởng – thực ra không phải là thử thách đối với trẻ mà chính là thử thách đối với các bậc cha mẹ. Sự nghiêm khắc tôi đang đề cập đến là sự nghiêm khắc mà các bậc cha mẹ nên dành cho chính mình. Bạn cần phải kiên nhẫn nói: “Không” – Không là không! – mỗi khi con bạn nhõng nhẽo hay vòi vĩnh. Bạn cần hiểu được rằng đó là sự nghiêm khắc với chính bản thân mình chứ không chỉ là nghiêm khắc với con. Thường thì cứ hễ con khóc là cha mẹ gần như bỏ cuộc. Như vậy có nghĩa là bạn chưa đủ nghiêm khắc với chính mình. Một trường hợp khác: ngay cả khi phụ huynh biết rằng họ không nên la mắng con trong trạng thái xúc động, họ vẫn sẽ làm như vậy mỗi khi không kiểm soát được mình. Đây là một ví dụ khác chứng tỏ cha mẹ chưa thật sự nghiêm khắc với bản thân. Do đó, cha mẹ cần phải hiểu đúng ý nghĩa của từ “nghiêm khắc” mà tôi đang nói tới.
Dạy con bằng cách thường xuyên la mắng và luôn luôn cấm cản không phải là cách nuôi dạy con nghiêm khắc thực sự. Đó chẳng qua chỉ là một hình thức bao bọc con quá mức bằng lời nói. Nếu cha mẹ liên tục xét nét con thái quá thì họ sẽ khiến con cái mất đi cảm giác độc lập. Nghe lời cha mẹ là việc quá dễ dàng. Có điều, nếu tình trạng này kéo dài thì trẻ sẽ không còn khả năng tư duy và tự mình suy nghĩ nữa. Phương pháp này bao gồm các mệnh lệnh và những lời lẽ mang tính cấm đoán, tiêu cực. Tôi khuyên bạn nên tự đánh giá lại, xem bản thân có đang vô tình áp dụng phương pháp này trong việc dạy con không. Vì nếu bạn cứ dùng những lời lẽ mang tính bao bọc quá mức để cản trở con thì sự tò mò và nhạy bén của con sẽ dần bị thui chột. Con sẽ mất đi óc phiêu lưu mạo hiểm và trở nên lệ thuộc thái quá, và rồi con bạn sẽ trở thành một người thiếu động lực và không quyết đoán.
Thật lòng mà nói, những bà mẹ có thói quen cằn nhằn, nuôi dạy con bằng cách thường xuyên la mắng là mối nguy hiểm lớn nhất đối với quá trình nuôi dạy con trẻ. Những bậc cha mẹ khó tính, những người hay chỉ trích và la mắng, sẽ khiến trẻ dễ nổi giận, nóng tính và hay to tiếng. Khi trẻ lớn dần lên, cơn giận cứ tích tụ dần. Khi ra khỏi nhà, trẻ sẽ dễ gây sự với những đứa trẻ khác. Các bậc phụ huynh có thói quen này thường là những người có khuynh hướng kìm hãm con cái trong nhiều nguyên tắc cứng nhắc. Vì vậy, con họ không thể phát triển nhanh và đúng hướng. Nếu tình trạng này kéo dài, sự bất mãn của trẻ sẽ bị dồn nén lại. Chúng đâm ra chống đối cha mẹ và dần trở nên bướng bỉnh. Thậm chí khi cha mẹ cố gắng dạy bảo con một cách nhẹ nhàng, con cũng sẽ cố tình làm trái ý cha mẹ.
Mười tháng tuổi sau sinh chính là khoảng thời gian con khám phá các vật dụng xung quanh. Trong khoảng thời gian này, con của bạn sẽ liên tục trải nghiệm và học hỏi. Nếu bạn khắt khe ngăn cấm con không được làm việc này việc kia thì bạn sẽ tạo ra một đứa trẻ hay chống đối. Hầu hết những đứa trẻ hay giận dữ và hay chống đối đều có khởi đầu như thế.
Khi lên hai, con bạn bắt đầu hình thành tính độc lập. Những đứa trẻ vốn luôn biết nghe lời bắt đầu tự khẳng định bản thân và nói: “Không” với tất cả những gì cha mẹ bảo. Điều này cho thấy con đã bước sang một giai đoạn phát triển khác. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần giúp con hiểu những việc con không nên làm. Tuy vậy, đừng nên cằn nhằn con một cách vô lý hoặc la mắng quá dữ dội. Nếu cha mẹ làm vậy thì con sẽ trở nên chống đối và cứng đầu.
Trẻ có những thay đổi khác nhau qua từng thời kỳ. Nếu cha mẹ hiểu được rằng mỗi giai đoạn phát triển chỉ đơn thuần là một giai đoạn phát triển thì họ có thể nuôi dạy con dễ dàng hơn, quan sát và nhìn nhận những việc con làm một cách bao dung, đồng thời sẽ không phạm phải bất cứ sai lầm nghiêm trọng nào. Ngược lại, nếu cha mẹ tỏ ra nóng nảy thì họ chỉ khiến con họ tổn thương.
Thư của mẹ
Khi tôi ngừng ra lệnh, sự chống đối giảm dần
Tháng trước, tôi đã phải cầu cứu ông vì tôi quá bối rối, không biết phải làm gì với đứa con hay chống đối của mình. Ông đã gợi ý cho tôi rằng: “Chị có đang nói với cháu những lời lẽ mang tính ra lệnh, tiêu cực hay cấm đoán không? Nếu có thì hãy ngừng lại và nhìn nhận con mình đúng với những gì cháu có. Tốt hơn là chị nên lịch sự yêu cầu, chứ không nên ra lệnh cho cháu”.
Kể từ hôm đó, tôi đã cố gắng làm theo lời ông. Sau một tuần, sự chống đối của con tôi giảm dần. Sau một tuần nữa, con tôi bắt đầu cư xử dễ chịu hơn. Thi thoảng, bé vẫn cãi lời và chọc ghẹo em trai. Có điều, khác với trước đây, giờ tôi đã có thể quan sát con một cách bình tĩnh. Nhờ ông mà tôi đã có thể tạo dựng mối quan hệ tốt hơn với con. Tôi muốn tiếp tục cố gắng giúp con tôi mở rộng lòng mình.
Xin cảm ơn ông rất nhiều.
Y. G., Thành phố Konan
Thật khó để thay đổi cách tương tác với con. Có điều, hãy nghiêm túc thay đổi bản thân vì nếu bạn thay đổi, con bạn cũng sẽ thay đổi theo.
5. Rèn luyện tinh thần cho con
Trẻ cần gì để có thể tồn tại khi trưởng thành? Không phải là kiến thức, mà là tính cách mạnh mẽ để không bao giờ nhụt chí khi đương đầu với trở ngại. Không có tính cách mạnh mẽ, trẻ có thể thất bại khi đương đầu với tình huống khó khăn. Trong một số trường hợp, trẻ có thể đầu hàng thất bại, không thể đứng dậy hay thậm chí là nghĩ đến việc tự vẫn. Thay vì đương đầu và vượt qua thử thách, trẻ thường chọn con đường dễ dàng để tránh những tình huống khó khăn. Trong trường hợp này, trẻ sẽ không đạt được thành tựu đáng kể nào. Do vậy, ngay khi con bạn còn nhỏ, bạn cần rèn cho con lòng can đảm để đối mặt với mọi trở ngại.
Các quý tộc Anh dạy con họ hai điều quan trọng: thứ nhất là lạc quan, thứ hai là can đảm. Đây là hai phẩm chất quan trọng mà giới quý tộc Anh cần phải có và là những bài học quan trọng dành cho con trẻ. Họ cho rằng hai phẩm chất này có thể giúp trẻ vượt qua trở ngại. Vậy, phải làm thế nào để giúp con thấm nhuần hai phẩm chất này?
Để có được những tính cách này, điều quan trọng là trẻ phải xem trọng chính mình và xây dựng được hình ảnh tích cực về bản thân. Đây chính là lý do bạn không thể nuôi dạy con bằng cách la mắng con vô lối và nói con là đứa xấu tính hay con là đứa chuyên gây rắc rối. Trước mặt con, đừng than vãn với người khác những điều như: “Con tôi là đứa chuyên gây chuyện. Nó chẳng bao giờ nghe lời tôi và luôn khiến tôi lo lắng”. Vì khi nghe bạn nói thế, con sẽ nghĩ con là người như vậy. Trẻ nhỏ có xu hướng tạo dựng hình ảnh về bản thân dựa trên những gì mà cha mẹ nói về chúng.
Có bốn yếu tố quan trọng giúp con bạn xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân.
Thứ nhất, cha mẹ yêu thương con và con cảm nhận được tình yêu đó một cách trọn vẹn. Nếu đứa trẻ lúc nào cũng bị la mắng và bị đóng khung trong những lời lẽ tiêu cực từ cha mẹ thì trẻ sẽ cảm thấy mình không xứng đáng với kỳ vọng của cha mẹ.
Thứ hai, hãy tin rằng con của bạn có những khả năng tuyệt vời. Trẻ sẽ đánh giá bản thân dựa trên những gì chúng có thể làm được. Vì vậy, bạn phải giúp con nâng cao khả năng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu bạn đánh giá con bằng những tiêu chuẩn quá khắt khe, con sẽ dễ nhụt chí. Trái lại, nếu bạn cho rằng: “Con không làm được một vài thứ là chuyện bình thường” thì khi con đạt được điều đó, con sẽ cảm thấy rất tuyệt vời. Dần dần, càng ngày con sẽ càng làm tốt hơn nữa. Nếu bạn luôn đánh giá con mình một cách tích cực thì năng lực của con bạn sẽ được cải thiện.
Thứ ba, cha mẹ cần giúp con thấm nhuần những chuẩn mực đạo đức. Chúng ta nên cố gắng giáo dục con theo chiều hướng giúp con nhận thức được trách nhiệm xã hội của bản thân. Con cần có nhận thức rõ ràng về đạo đức và tinh thần trách nhiệm.
Thứ tư, cha mẹ nên nuôi dạy con trở thành người có sức ảnh hưởng. Hãy nuôi dạy và giúp con cảm nhận được rằng sự tồn tại của con có ảnh hưởng tích cực lên những người xung quanh con. Vì nếu trẻ cảm thấy chúng chẳng có khả năng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người khác hoặc nhận thấy bản thân là một người tẻ nhạt thì lớn lên chúng sẽ trở thành một người thụ động và thờ ơ.
Để nuôi dạy được một đứa trẻ tự tin, cha mẹ cần thể hiện tình yêu thương dành cho con một cách rõ ràng. Nếu bạn muốn con mình nhìn nhận một cách tích cực về bản thân thì quá trình nuôi dạy con phải đáp ứng được bốn yếu tố trên.
Để đạt được điều này, cả cha lẫn mẹ cần phải kiên trì nuôi dạy con bằng cách nghiêm khắc thực thi những kỷ luật cần thiết. Họ phải giúp con sống có ý chí và can đảm phấn đấu nhằm đạt được những mục đích cao xa nhưng khả thi. Nếu cha mẹ cầu toàn, đòi hỏi sự hoàn hảo và hay trách mắng từng lỗi nhỏ của con thì cha mẹ chỉ có thể tạo nên những đứa trẻ nóng nảy và căm ghét bản thân mình. Ngược lại, nếu cha mẹ giúp con sống vô tư, cho con cơ hội trải nghiệm phong phú và chú tâm phát triển năng lực của con thì cha mẹ sẽ tạo nên những đứa trẻ mạnh mẽ và tự tin vào chính bản thân mình.
Những đứa trẻ nhìn nhận tích cực về bản thân thường quen với cảm giác: “Tôi không bao giờ bị đánh bại! Tôi nhất định sẽ thành công!”. Nói cách khác, những đứa trẻ này rất có nghị lực.
Cha mẹ nên hợp tác để giúp con trau dồi kỹ năng xây dựng các mối quan hệ. Để làm được điều này, cha mẹ phải dạy con biết sống ngăn nắp, tích lũy kinh nghiệm ngoài xã hội, ân cần, chu đáo, có phong thái đĩnh đạc, có năng lực, có kỹ năng ngôn ngữ tốt và có nhiều bạn bè. Ngay cả khi con gặp vấn đề, cha mẹ vẫn cần phải kiên nhẫn hỗ trợ con để giúp con có được nghị lực, sức mạnh tinh thần và xây dựng được hình ảnh vững chắc về bản thân.
6. Bạn có thể dạy dỗ con một cách nghiêm túc mà không cần la mắng
Khi chúng ta tiếp tục xem xét vấn đề này, có lẽ bạn bắt đầu cảm thấy kỷ luật nghiêm khắc không có nghĩa là phải la mắng. Soi mói và la mắng một cách tàn nhẫn không phải là bản chất của kỷ luật nghiêm khắc.
Chúng ta biết rằng kỷ luật quan trọng trong việc phát triển sức mạnh ý chí cũng như khả năng kiểm soát bản thân và lòng can đảm, nhưng hoàn toàn không cần đến sự soi mói. Soi mói chỉ làm trẻ nhụt chí và mất đi động lực. Bản năng tự nhiên của trẻ là thích khám phá những điều mới lạ và học hỏi về thế giới xung quanh. Nếu được định hướng đúng thì con bạn sẽ tràn đầy niềm khát khao học hỏi và việc nuôi dạy con sẽ rất dễ dàng. Khi con làm được một việc nào đó và cha mẹ vỗ tay tán thưởng thì con sẽ rất hạnh phúc vì con cảm nhận được niềm vui và sự hài lòng của cha mẹ. Thông qua những trải nghiệm này, trẻ sẽ có được cảm giác an toàn và lòng can đảm. Từ đó con sẽ có thêm động lực để học hỏi những điều mới mẻ.
Đến giai đoạn học bò, con sẽ di chuyển khắp nhà để lấy bất cứ thứ gì mà mình có thể chạm tay đến, và rồi đột nhiên người mẹ trông có vẻ tức giận và bắt đầu dùng những lời lẽ mang tính cấm đoán như: “Không!”, “Đừng làm thế!”… Điều này sẽ khiến con cảm thấy rất lo lắng, hoang mang, đồng thời dập tắt mất niềm khao khát học hỏi ở trẻ. Sự la rầy của mẹ đã lấy mất cảm giác an toàn của con. Nếu điều này tiếp diễn trong thời gian dài, con sẽ trở thành đứa trẻ kém tập trung và khả năng học tập sẽ bị ảnh hưởng.
Trẻ thực sự tin rằng những lời cha mẹ nói về chúng và hình ảnh của chúng trong mắt cha mẹ chính là hình ảnh thực sự của trẻ, cứ như thế trẻ bắt đầu hình thành nên nét cá tính riêng. Vậy là trẻ đã khám phá bản thân thông qua lời nói của cha mẹ.
Mỗi một việc mà con làm đều là để học hỏi. Chính cha mẹ sẽ là người đánh giá đúng sai và cổ vũ tinh thần cho con. Những lời mà cha mẹ thường nói hằng ngày với con sẽ ảnh hưởng đến khả năng thích ứng với môi trường xã hội. Nếu một người mẹ nuôi dạy con bằng cách liên tục nói những câu như: “Không được” hay “Con không thể”… thì mẹ chỉ đang hạn chế hành vi của con, chứ không phải đang giáo dục con. Những câu nói này làm trẻ mất đi ham muốn học hỏi và cố gắng, dần dần sẽ dẫn đến hành vi nổi loạn. Trẻ con cũng như những mầm non mới nhú cần ánh nắng mặt trời ấm áp, khi gặp những cơn gió đông khắc nghiệt, mầm non sẽ ngừng lớn lên và sẽ tàn lụi đi. Khi những nỗ lực của trẻ bị kìm hãm, chúng sẽ mất hết động lực và không muốn làm gì nữa. Vai trò của người làm cha mẹ là mang đến cho con sự tự tin. Thay vì cấm đoán, ra lệnh và phủ nhận, vai trò của cha mẹ là quan sát con, khen ngợi con một cách khéo léo và mang đến cho con cảm giác an toàn.
Kỷ luật nghiêm khắc bao gồm sự phát triển tinh thần của trẻ bằng cách giúp trẻ có hình ảnh tích cực về bản thân. Từ đó con sẽ tự tin hơn, có ý chí mạnh mẽ, cũng như nghị lực để không đầu hàng trước khó khăn. Đồng thời con cũng sẽ có khả năng kiên trì đeo đuổi mục tiêu của mình đến cùng.
Các bậc cha mẹ không nhận ra rằng con mình luôn muốn được thử sức, được khám phá, và họ thường bất cẩn nói những lời phản tác dụng như: “Đừng làm việc đó”, “Nhanh lên nào”, “Con không thể”… Những câu nói này chỉ khiến cho trẻ thêm nhụt chí. Khi cha mẹ dùng những lời lẽ như thế để la rầy con, việc dạy dỗ con sẽ trở nên hết sức khó khăn và việc kỷ luật sẽ không có tác dụng. Để nuôi dạy con theo đúng hướng, bạn cần làm điều ngược lại. Bạn hãy tin vào cá tính thật sự của con. Bạn hãy lặp lại những lời vui vẻ, những câu nói giúp tạo dựng lòng can đảm ở con. Bằng cách đó, bạn sẽ giúp con xây dựng ý chí vững vàng và nỗ lực vươn lên.
Ông bà K có một cậu con trai. Bất luận làm việc gì cậu cũng kém hơn các bạn đồng lứa, kể cả trong học tập lẫn thể thao. Nhưng cha mẹ cậu đã quyết định không nói với cậu điều này mà sẽ nói điều ngược lại: “Con có thể làm tốt mọi việc”. Khi cậu bé học tiểu học, cậu tham gia vào đội bóng chày của trường, vì chậm chạp nên cậu luôn phải ngồi ở ghế dự bị. Nhưng bố mẹ cậu vẫn tiếp tục động viên cậu. Họ luôn đến sân tập trước tiên và ở lại cho đến khi kết thúc buổi tập. Bất chấp những điều này, cậu bé vẫn không thể giành được vị trí chính thức trong đội. Cậu cảm thấy buồn và đã có những lúc cậu gần như mất hết động lực. Song bố mẹ cậu vẫn luôn động viên cậu: “Con đang nỗ lực nhiều. Con chơi rất tốt, nhưng các cầu thủ khác hơi nhỉnh hơn một chút nên con chưa được vào vị trí chính thức đấy thôi. Nếu con tiếp tục cố gắng hết sức thì sớm muộn gì con cũng được chơi ở vị trí chính thức”.
Thế là cậu bé tiếp tục cố gắng hết sức mình. Khi vào trung học, cậu đã được vào vị trí chính thức và thậm chí còn ghi được bàn thắng nữa. Cuối cùng cậu trở thành một cầu thủ có năng lực nổi bật.
Khi mới vào trung học, thành tích học tập của cậu được xếp thứ 80/500 học sinh. Nhưng nhờ có những lời khích lệ tiếp sức của cha mẹ nên đến học kỳ hai cậu đã lọt vào danh sách các học sinh đứng đầu.
7. Chúng ta nên rèn kỷ luật cho con như thế nào?
Rõ ràng là không nên dạy con trở thành đứa trẻ ích kỷ. Phần quan trọng nhất của quá trình giáo dục là dạy cho con biết cách tự kiểm soát bản thân. Con bạn nên hiểu rằng trên đời này có những việc mà chúng không được phép làm.
Dạy con biết cách kiềm chế để không làm một việc gì đó dù con rất muốn làm là bước vô cùng quan trọng. Bạn không nên cho phép con làm tất cả những việc mà chúng muốn; hoặc vô tư sống ích kỷ. Bởi vì, việc dung túng con sống ích kỷ cuối cùng sẽ chỉ tạo nên một con người thất bại. Khi một người bước vào xã hội, họ cần tuân thủ các nguyên tắc, luật lệ và biết cách cư xử phù hợp. Nếu không học được điều này thì người đó sẽ trở thành gánh nặng đối với những người xung quanh.
Để giúp con học được các quy tắc xã hội, trước tiên bạn nên đề ra những quy tắc trong gia đình. Khi con biết tuân thủ những quy tắc trong gia đình, con sẽ hiểu thế nào là tự do và tinh thần trách nhiệm. Sống trong xã hội, trẻ không thể chỉ nghĩ đến sự tự do cá nhân. Tôn trọng tự do của người khác là điều hết sức cần thiết, bởi nếu trẻ coi trọng sự tự do của bản thân mà gây ra rắc rối cho người khác thì sự tự do này rất đáng lo ngại. Do đó, khi thiết lập những quy tắc trong gia đình, bạn nên cho trẻ tham gia vào quá trình này. Bạn cần thiết lập một bản “nội quy gia đình” hợp lý và hiệu quả. Nếu bạn làm được như vậy thì việc nuôi dạy con sẽ trở nên rất thuận lợi.
Bản “nội quy” cần bao gồm đầy đủ ba điểm sau:
1. Không làm tổn thương người khác
2. Không gây rắc rối cho người khác
3. Làm việc của mình một cách có trách nhiệm
Có những bậc phụ huynh cương quyết áp dụng phương pháp giáo dục con thông qua việc khen ngợi. Họ tin rằng họ không nên la mắng con mà chỉ nên vui vẻ và mỉm cười. Nhưng như vậy là chưa đủ, bởi vì xã hội được hình thành dựa trên các quy định. Để tránh nuôi dạy nên một đứa con ích kỷ, cho rằng mình chẳng có trách nhiệm gì hoặc tin rằng chỉ có người khác mới phải chịu trách nhiệm, trước tiên bạn nên tập cho con thói quen tuân thủ các quy tắc của gia đình một cách rạch ròi. Bạn cũng nên thỏa thuận với con rằng khi con làm trái quy tắc thì con sẽ phải chịu phạt. Khi con bạn vi phạm một quy tắc nào đó, trước hết hãy nói cho con biết vì sao con không nên làm như vậy. Nếu con bạn tiếp tục vi phạm hết lần này đến lần khác thì bạn cần phải nghiêm khắc la mắng con.
Tôi sẽ gợi ý một số mẹo bạn có thể dùng khi la mắng con. Có điều, bạn cần thực sự hiểu con trước khi la mắng chúng.
a. Chỉ la mắng con trong vòng 1 phút. Sau khoảng thời gian này, bất cứ lời quở trách nào cũng sẽ phản tác dụng.
b. Chỉ nên la mắng con về sai lầm hiện tại, đừng bới móc những chuyện từ hôm qua hay từ tuần trước...
c. Đừng chỉ trích bản thân con, chỉ la mắng đúng lỗi lầm mà con mắc phải.
Khi bạn xây dựng bản “nội quy”, bạn nên trao đổi những vấn đề nêu trên với con để có được sự đồng thuận giữa các bên, giúp tạo dựng bầu không khí gia đình vui vẻ. Do đã vạch ra nguyên tắc rõ ràng, bạn sẽ không dễ rơi vào trạng thái đa cảm hay mềm lòng khi la mắng con. Vì các thành viên trong gia đình đã thống nhất rõ ràng nên xích mích giữa bạn và con sẽ biến mất.
Khi con bạn làm sai việc gì, bạn cần phải cho con cơ hội “trải nghiệm” việc bị la mắng. Những đứa trẻ chưa từng bị la mắng thường không đủ sức đề kháng đối với việc này. Khi bước vào xã hội, chúng dễ bị tổn thương nặng nề. Sau này lớn lên, chúng sẽ trở thành những người yếu đuối, dễ chán nản khi bị cấp trên quở trách.
Bạn nên cố gắng giúp con biết nhận ra sai lầm của bản thân và có khả năng suy ngẫm về những sai lầm đó. Sau khi la mắng con, bạn cần lưu ý khen ngợi con một cách chân thành khi trẻ hiểu ra lỗi lầm của mình và nói lời xin lỗi. Điều này sẽ giúp con có khả năng suy xét sâu hơn về những hành động mình đã làm, để chúng hiểu rằng kể cả khi cha mẹ la mắng chúng, đó cũng là những lời la mắng vì tình yêu thương.
Thư của mẹ
Sau khi đề ra những quy tắc gia đình, tôi và con tôi đã bình tĩnh hơn
Vài ngày trước, tôi đã tham dự buổi họp mặt tại Chugoku. Xin cảm ơn ông rất nhiều. Từ bài phát biểu của ông cũng như kinh nghiệm mà các bà mẹ khác chia sẻ, tôi đã nhận được rất nhiều thông tin bổ ích.
Trước đây, tôi thường la mắng các con mình bởi vì tôi cho rằng việc la mắng là rất cần thiết, rằng đây là cách để uốn nắn con vào khuôn phép. Nhưng giờ đây, tôi đã nhận ra đó là một sai lầm lớn.
Tôi đã kiểm soát cảm xúc của mình, không la mắng con khi mất bình tĩnh và xin lỗi chúng về những sai lầm tôi đã phạm phải cho đến thời điểm này. Chúng tôi cùng đề ra những quy tắc trong gia đình. Nhờ đó, tôi đã học cách suy xét xem lúc nào nên và lúc nào không nên la mắng con. Sau khi tôi thực hiện những điều này, gia đình tôi trở nên yên ấm hơn. Tôi đã có thể hòa hợp với các con của mình.
S. H., Quận Kochi
8. Liệu bạn có đang dùng phương pháp la mắng vô lý?
Chúng ta có thể nuôi dạy con mà không cần phải la mắng quá nhiều. Những tình huống thực sự cần phải la mắng là khi con bạn làm tổn thương hoặc gây rắc rối cho người khác. Tôi quan sát và thấy các bà mẹ thường la mắng con gay gắt vào những lúc không cần thiết. Đó là nguyên nhân khiến việc nuôi dạy con trở nên khó khăn.
Hãy dành ít phút để suy ngẫm xem liệu bản thân con có bị tổn thương vì cách mà bạn cư xử với con không. Bạn có thể sử dụng “thước đo” này để biết có cần phải la mắng con nữa không. Khi con học bò, con bắt đầu mở ngăn kéo đựng quần áo và trút hết mọi thứ ra ngoài không chút chần chừ. Chúng còn kéo khăn trải bàn, lôi đồ đạc từ trên cao xuống và làm đổ bể nhiều thứ. Dù bạn có nói “Không”, chúng vẫn sẽ cố bò lên bàn và cười. Thậm chí dù bạn có bảo chúng không được chạy nhảy trong nhà, chúng vẫn sẽ chạy giỡn ồn ào quanh phòng. Bất kể bạn có chỉ bảo bao nhiêu lần, chúng vẫn tiếp tục mang dép trái. Đây là những điều mà mọi đứa trẻ đều mắc phải, là những việc hết sức bình thường. Nó thể hiện từng giai đoạn phát triển của con và khi giai đoạn đó kết thúc, tự khắc con sẽ không làm như thế nữa. Bạn nên nhìn nhận tất cả những việc mà đứa trẻ một - hai tuổi của bạn làm là hành vi khám phá hoặc thể nghiệm cách ứng xử. Thông qua những hoạt động này, con bạn sẽ học hỏi được nhiều điều một cách tự nhiên. Bạn nên nhìn nhận đó là điều cần thiết cho quá trình học hỏi của con. Thường thì cha mẹ sẽ cấm đoán những hành vi này. Khi trẻ không vâng lời, cha mẹ sẽ cho rằng trẻ không ngoan. Tuy nhiên đây là những hành động mà mọi đứa trẻ đều làm và sẽ tự nhiên biến mất khi trẻ lớn hơn. Đây không phải là những sai lầm cần phải la mắng. Việc trẻ chạy nhảy lung tung trong nhà là đúng theo lẽ tự nhiên.
Bạn có la mắng trẻ khi chúng về nhà với quần áo lấm lem bùn đất không? Hoặc khi con bạn lỡ tay đánh rơi và làm bể bát đĩa lúc đang phụ giúp bạn? Bạn không cần rầy la con vì những việc này. Bạn chỉ nên yêu cầu trẻ hãy cẩn thận hơn và cứ để trẻ tiếp tục phát triển.
Bạn có la mắng con vì trẻ dọn dẹp nhà cửa không được sạch sẽ, hay vì trẻ không nhanh nhẹn mỗi khi bạn hối thúc? Bạn nên kiên nhẫn dạy con cách dọn dẹp phù hợp với lứa tuổi của bé. Hãy thử dạy con cất đồ đạc đúng chỗ và chỉ cho con cách dọn dẹp, ví dụ: “Các đồ vật nhỏ thì cho vào hộp. Những món đồ chơi dán nhãn vàng thì sắp lên trên kệ có dán nhãn vàng…”. Lúc đầu, chỉ cần con bạn dọn được một món đồ, bạn cũng nên khen ngay. Ngày tiếp theo con sẽ dọn được hai món đồ, bạn lại khen con và ngày hôm sau con sẽ dọn được ba món…
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chê bai thay vì khen ngợi? Bạn sẽ có một đứa trẻ ghét dọn dẹp. Khi bạn bảo con hãy nhanh lên, bạn hãy giải thích với con vì sao cần phải làm như vậy. Đưa ra lời yêu cầu luôn hiệu quả hơn mệnh lệnh. Hãy giải thích cho con hiểu rằng nếu con đến muộn thì việc đó sẽ gây khó chịu cho người khác. Khi bạn muốn con làm việc gì đó nhanh hơn, tốt nhất bạn nên giải thích tại sao bạn phải hối thúc con. Nên nhớ, việc hối thúc con phải nhanh lên chỉ khiến con trở nên chậm chạp hơn. Còn nếu bạn dùng lời lẽ thích hợp, giúp con hiểu mọi người đang chờ mình và tự nguyện tăng tốc thì từ từ bạn sẽ có được một đứa trẻ nhanh nhẹn và năng nổ.
Tóm lại, bạn không nên để mặc con muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Khi con cư xử không đúng mực, cha mẹ cần kiểm điểm hành vi của con một cách nghiêm khắc. Nếu cha mẹ để mặc con thỏa sức làm mọi chuyện theo ý mình thì con sẽ không học được cách kiểm soát bản thân và sẽ trở nên ích kỷ. Còn nếu con đã từng bị nghiêm khắc kiểm điểm, không cho làm một việc gì đó khi con còn nhỏ thì lúc lớn lên, khi đứng trước một hành vi sai trái, con sẽ có thể tự kiềm chế bản thân mình. Bạn không được đầu hàng trước những gì con đòi hỏi. Bạn cũng không nên bỏ cuộc chỉ vì bạn không tự tin với vai trò chỉ bảo, rèn giũa con. Khi con làm điều sai trái, bạn phải cứng rắn ngăn cấm ngay.