Nuôi dạy con chính là yêu thương hết mực, đừng quên nghiêm khắc và hãy luôn tin tưởng
1. Ba nguyên tắc kỳ diệu trong việc nuôi dạy con
Trong thời gian làm tình nguyện viên giám sát phạm nhân trẻ bị quản thúc, từ những trải nghiệm quý báu và thực tế tôi đã nghiên cứu và xây dựng nên: “Ba nguyên tắc vàng trong việc nuôi dạy con”. Đây là những nguyên tắc khoa học và hiệu quả mà các bậc cha mẹ nên sử dụng để nuôi dạy con hiện nay. Những “nguyên tắc vàng” này sẽ giúp các bậc cha mẹ suy xét lại phương pháp nuôi dạy con của mình trong thời gian qua. Chắc chắn rằng, chính những phương pháp mà bạn áp dụng để nuôi dạy trước khi con lên sáu tuổi sẽ tạo nên nền tảng rất quan trọng cho tương lai: Liệu con bạn sẽ phát triển toàn diện hay có nguy cơ trở thành tội phạm vị thành niên?
Tôi tin chắc rằng, nếu các bậc cha mẹ thực sự áp dụng tốt những nguyên tắc này trong quá trình nuôi dạy con, chắc chắn con bạn sẽ có một tương lai tươi sáng.
Nguyên tắc vàng đầu tiên: “Tình yêu thương”.
Bạn có chắc chắn là con bạn đã cảm nhận đầy đủ tình yêu thương từ bạn? Bạn có tin rằng mình đã truyền tải đầy đủ tình thương yêu của mình đến con không? Khó khăn ở đây là mặc dù các bậc cha mẹ cảm thấy mình đã yêu thương con hết lòng, nhưng con họ dường như vẫn không cảm nhận được tình yêu thương ấy trọn vẹn.
Chúng ta không chỉ ấp ủ tình yêu thương con âm thầm trong lòng, mà cần thể hiện điều đó một cách đúng đắn bằng ngôn ngữ và cử chỉ để con cảm nhận được. Thay vì nói những lời sáo rỗng hay để chúng tự hiểu, cha mẹ có thể thể hiện bằng cách ôm siết con vào lòng một cách trìu mến. Điều quan trọng là khi khen ngợi con, hãy khen ngợi một cách chân thành. Rất khó để một đứa trẻ có thể hiểu được tình cảm giấu kín trong lòng cha mẹ, do đó, nếu muốn con biết chúng ta yêu con đến thế nào, chúng ta hãy tìm cách thể hiện tình yêu ấy bằng ngôn ngữ và hành động.
Nguyên tắc vàng thứ hai: “Sự nghiêm khắc”.
Đây là nguyên tắc luôn song hành với tình thương vô hạn mà cha mẹ dành cho con. Vì nếu chỉ tỏ ra nghiêm khắc mà không thể hiện rõ tình yêu của mình đối với con, việc nuôi dạy con không thể có kết quả trọn vẹn.
Ngược lại, nếu chỉ yêu thương mà không nghiêm khắc thì không hiệu quả. Đây là điều mà tôi thực sự muốn các bạn hiểu rõ. Thương yêu mà thiếu mất sự nghiêm khắc thì chỉ đơn thuần là tình yêu thương mù quáng. Nhiều người mẹ nói rằng họ tuyệt đối không bao giờ phê bình hay la mắng con cái. Liệu cách nuôi dạy con như vậy có hiệu quả không? Không! Bởi vì họ sẽ khiến cho con mình trở nên ích kỷ.
Một khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thiếu đi sự nghiêm khắc, chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng đứa trẻ nhiễm tính ích kỷ. Nếu bạn hiểu được rằng tình yêu thương phải song hành cùng sự nghiêm khắc và truyền đạt những điều này đến con bạn, chắc chắn con bạn sẽ tự biết điều chỉnh cách ứng xử của chúng, và việc dạy dỗ con sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Những đứa trẻ không quen với sự nghiêm khắc của cha mẹ ngay từ nhỏ, khi lớn lên sẽ không có thói quen nề nếp và không có khả năng rèn luyện tính tự chủ. Chúng thường tỏ ra cáu kỉnh và không muốn nghe lời cha mẹ.
Những bậc cha mẹ chưa từng la mắng con cái nên nhớ: chỉ khiển trách con nghiêm khắc khi thật sự cần thiết. Các bậc cha mẹ thuộc thế hệ trước đây thường dùng cách nghiêm khắc quá mức để nuôi dạy con. Thật không khôn ngoan khi lúc nào cũng nghiêm khắc với con bạn. Nói cho cùng, yêu thương vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Nguyên tắc vàng thứ ba: “Sự tin tưởng”.
Bất kể dù có xảy ra việc gì, bạn phải luôn tỏ ra tin tưởng ở con mình khi dạy dỗ chúng. Đây là nền tảng quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con cái. Nhiều bậc cha mẹ không hiểu nguyên tắc này. Họ đã bất cẩn bỏ qua nền tảng quan trọng này – và việc nuôi dạy con trở nên hết sức khó khăn đối với họ.
Bản tính sẵn có ở mỗi đứa trẻ luôn là trong sáng, thông minh. Chính cha mẹ sẽ là người góp phần giúp cho tố chất này tỏa sáng hơn hay lu mờ đi. Thay vì tập trung vào việc phát triển những khả năng cụ thể hoặc tìm cách đưa con vào khuôn phép kỷ luật, trước tiên cha mẹ hãy tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ tin tưởng hai chiều với con mình.
Chỉ cần làm được điều này, những việc khác tự nhiên sẽ trở nên suôn sẻ. Nền tảng của sự tin tưởng lẫn nhau có liên quan đến cách cha mẹ nói chuyện với con mình, chẳng hạn: “Cha mẹ hết sức hạnh phúc khi có con ở bên cạnh”. Đừng để những lời nói này trở thành sáo rỗng. Cha mẹ cần thực sự cảm nhận được niềm vui từ tận đáy lòng mình. Nếu làm được điều này, bạn sẽ không phải lo lắng rằng con mình sẽ gặp khó khăn trong quá trình phát triển hay có vấn đề về học hành. Nếu áp dụng thành công ba nguyên tắc vàng này, cha mẹ có thể tin tưởng rằng con mình sẽ không bị phát triển lệch lạc.
2. Cuộc khảo sát về việc “khen ngợi” và “la mắng”
Trong khi thực hiện một cuộc khảo sát để tìm hiểu xem các bà mẹ đang nuôi dạy con bằng phương pháp khen ngợi hay la mắng, chúng tôi đã yêu cầu họ thoải mái nói lên suy nghĩ của mình về điều này. Và đây là những câu trả lời chúng tôi nhận được:
1. Tuy biết rằng nên nuôi dạy con bằng cách khen ngợi, nhưng khi đối mặt với những vấn đề xảy ra hằng ngày, dù đã rất cố gắng kiềm chế, cuối cùng tôi cũng phải la mắng con.
2. Nhất định phải la rầy con mình về những việc gây phiền toái cho người khác hoặc những việc nguy hiểm.
3. Tôi muốn dung hòa giữa khen ngợi và la mắng sao cho hiệu quả nhưng lại không biết phải làm thế nào.
4. Tôi ủng hộ phương pháp dạy con nghiêm khắc vì tôi muốn các con mình nắm vững những nguyên tắc cơ bản khi sinh hoạt trong cộng đồng, xã hội.
5. Có quá nhiều bậc cha mẹ không la mắng con cái. Trẻ con phải được dạy bảo nghiêm khắc về các quy tắc ứng xử và những hành vi sai trái.
6. Do không bao giờ bị la mắng vì bất kỳ điều gì, nhiều đứa trẻ đã lớn lên mà không hiểu được các phép tắc và không biết phân biệt đúng sai.
7. Chỉ nên la mắng con trẻ khi hành vi của chúng gây rắc rối cho người khác.
8. Khi tôi chuyển sang nuôi dạy con bằng cách khen ngợi, việc dạy dỗ con cái trở nên vô cùng dễ dàng.
9. Khi các con tôi đổ lỗi cho người khác, tôi cẩn thận chỉ cho chúng thấy như vậy là không đúng. Tôi không la mắng con mà chỉ giúp chúng sửa sai bằng cách nói rằng: “Con không được đổ lỗi cho người khác. Liệu con đã cố gắng hết sức chưa?”.
10. Khi các con tôi không chịu làm bài tập và xem tivi quá nhiều, tôi không la mắng mà cố tìm cách kéo lũ trẻ xa khỏi chiếc tivi bằng cách hướng sự chú ý của con vào những thứ con thích. Rồi sau đó tôi sẽ gợi ý: “Sao các con không đi làm bài tập đi?” và thế là chúng bắt tay làm bài ngay, không chút chần chừ.
Nuôi dạy con bằng cách la mắng hay khen ngợi sẽ hiệu quả hơn? Tại sao các bậc cha mẹ lại la mắng hay khen ngợi con mình? Chắc chắn mục đích lớn nhất chính là: rèn luyện con cái vào nề nếp.
Tuy nhiên, trên thực tế, cha mẹ thường có khuynh hướng muốn con cái hành xử theo một vài chuẩn mực mà họ cho là hợp lý và họ tin rằng việc la mắng sẽ làm giảm những hành động không phù hợp của con. Và có thể vì họ tin rằng: “khen ngợi là dung túng; la mắng là dập tắt”.
Quan điểm nuôi dạy con bằng sự la mắng chắc chắn sẽ hiệu quả về mặt nào đó, nhưng vẫn còn có nguyên tắc khác hiệu quả hơn, mang lại kết quả tốt hơn và bạn không cần phải quá khắt khe với con mình nữa: sự nhìn nhận, lời khen ngợi và tình yêu thương sẽ hoàn toàn thay đổi con trẻ.
Khi được cha mẹ khen ngợi, nhìn nhận và yêu thương, trẻ thường muốn làm cho cha mẹ vui lòng hơn nữa. Những động thái khuyến khích từ cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm động, tiếp thêm động lực và sự quyết tâm thay đổi. Đồng thời trái tim trẻ sẽ hoàn toàn rộng mở. Trẻ sẽ không cãi lời cha mẹ và ngoan ngoãn vâng lời. Ngược lại, nếu trẻ cảm thấy cha mẹ không nhìn nhận, không khen ngợi và không yêu thương, trẻ sẽ đóng chặt lòng mình và sẽ lớn lên với lòng nghi kỵ cùng sự phản kháng.
Chúng ta biết rằng, la mắng không phải là phương pháp nuôi dạy con tốt. Bởi vì khi sử dụng phương pháp này, phần quan trọng nhất trong quá trình nuôi dạy con là tình yêu thương lại không được truyền tải đến con một cách hiệu quả.
3. Con đường phạm tội của trẻ
Khi còn là tình nguyện viên giám sát phạm nhân trẻ bị quản thúc, mỗi khi có trẻ phạm tội, chúng tôi cho trẻ vào chương trình quản chế trong một khoảng thời gian nhất định thay vì ngay lập tức đưa chúng vào khu nhà giam. Công việc của một quản chế viên như tôi là giúp trẻ phạm tội tái hòa nhập cộng đồng và ngăn không để chúng quay lại con đường phạm tội. Khi tiếp xúc với những trẻ này, tôi luôn cảm nhận được ở chúng có ba điểm tương đồng.
Điểm đầu tiên là những đứa trẻ này không cảm nhận được tình yêu thương và trái tim chúng rất lạnh lùng, vô cảm. Khi trò chuyện với chúng, tôi nhận thấy tâm hồn chúng chỉ chứa đầy sự cay đắng, chua xót. Cha mẹ chúng đã bỏ rơi chính đứa con của mình. Khi tôi nói chuyện với họ, họ hờ hững thốt ra những câu như: “Tôi không nhớ mình có đứa con này. Tôi không còn cảm thấy nó là con tôi nữa. Nó muốn làm gì thì làm”. Tôi nhận thấy trái tim họ trống rỗng, không còn chút tình yêu thương nào; chính vì vậy mà bọn trẻ cũng không thể cảm nhận được điều đó. Bởi vì cha mẹ không yêu thương con mình nên đứa trẻ cũng không nuôi dưỡng được một trái tim biết yêu thương cha mẹ và những người xung quanh. Trong ba nguyên tắc vàng của việc nuôi dạy con thì tình yêu thương đã bị bỏ qua.
Điểm thứ hai dẫn đến con đường phạm tội của trẻ vị thành niên đó là trẻ không có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình; hay nói cách khác, trẻ trở nên ích kỷ và thiếu khả năng chịu đựng.
Trong trường hợp này, cha mẹ đã bỏ qua nguyên tắc vàng thứ hai - sự nghiêm khắc. Trong quá trình nuôi dạy con trẻ, nếu cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách mù quáng và nuông chiều chúng vô lối thì kết quả là đứa trẻ sẽ mất khả năng kiểm soát nhu cầu và cảm xúc của mình.
Chiều theo mọi nhu cầu của con sẽ khiến đứa trẻ không kiểm soát được ham muốn của mình. Bởi vì khi một nhu cầu được thỏa mãn, trẻ sẽ mong chờ nhiều hơn, và những đòi hỏi sẽ ngày càng lớn dần. Đứa trẻ sẽ lớn lên mà không học được cách tự kiềm chế và không có khả năng chịu đựng. Ngược lại, những trẻ học được cách tự kiềm chế ngay từ tấm bé sẽ không dễ thất vọng bởi vì chúng có thể kiềm chế ham muốn của bản thân.
Điểm thứ ba là trẻ không được cha mẹ tin tưởng và lớn lên trong môi trường đầy sự cự tuyệt. Khi cha mẹ có khuynh hướng thỏa mãn mọi mong muốn của con một cách vô lối thì dần dần những đòi hỏi của đứa trẻ sẽ trở nên không thể nào đáp ứng được nữa, và rồi họ bắt đầu chuyển sang kiểm soát con mình bằng sự cự tuyệt, với những câu nói đại loại như: “Không!”, “Con không được làm thế!”… Việc này đi ngược lại với phương pháp nuôi dạy con bằng sự yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận.
Khi phương pháp nuôi dạy con theo hướng tiêu cực này cứ tiếp diễn một cách thái quá, trái tim đứa trẻ sẽ trở nên méo mó. Kết cục bất hạnh là trẻ có thể trở thành tội phạm vị thành niên. Trẻ sẽ dễ sa vào con đường phạm tội hơn nếu chúng không cảm nhận được tình yêu thương, không hiểu được sự nghiêm khắc và không có được niềm tin của cha mẹ.