Khi Nam còn bé, mình thường rèn luyện cho con tư duy phản biện, hay nói nôm na là “biết” cãi. Thông thường, cha mẹ thích con nghe lời, nói xong là con phải làm luôn. Con càng nghe lời càng vui. Tuy nhiên, nếu lâu dần, con trẻ có thể chuyển sang thế thụ động. Rút kinh nghiệm từ mình, nhiều khi có chuyện gì đó, muốn “cãi” mà nói không nổi. Hihi. Vì thế, mình cố gắng giúp Nam có thể thể hiện chính kiến của mình trong mọi chuyện mà vẫn đảm bảo chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp.
Để làm được việc đó, mỗi lần ra một yêu cầu gì đó, mình thường cho con cơ hội để đưa ra quan điểm của mình. Ví dụ: “Mẹ muốn con dừng việc xem phim lại. Nhưng con hãy đưa ra ba ý kiến để thuyết phục mẹ rằng con có thể xem tiếp. Nếu ý kiến của con chặt chẽ, có thể làm mẹ “xiêu lòng” thì tất nhiên con có thể xem thêm.” Nam rất hứng thú với việc này. Nam thường đưa ra những lý do rất buồn cười nhưng cũng không kém phần “sắc sảo”. Mình nhớ năm Nam 3 tuổi, các lý do mà Nam đưa ra là: Con xem để không quấy rầy mẹ/ Con xem để con thấy vui/ Con xem để con bắt chước nhân vật cho giống. Nhưng đến năm Nam 5 tuổi, Nam đã biết phân tích về nội dung của bộ phim Nam đang xem để chứng tỏ cho mẹ thấy, đó là một bộ phim hay, rất đáng xem.
Điều đó chứng tỏ một bước chuyển trong tư duy phản biện mà Nam đã tích lũy được. Càng lớn, việc khuyến khích này mình càng làm nhiều hơn. Không chỉ còn là con đưa ra quan điểm của mình nữa mà mẹ cũng đưa ra quan điểm của mẹ. Sau đó sẽ cùng nhau thảo luận xem của ai đủ sức thuyết phục hơn.
Có “trò” này, mình với Nam vui lắm, nhiều khi “tranh cãi” đến tận khi đi ngủ mà vẫn không phân thắng bại. Hihi.
Mình khuyến khích Nam đọc nhiều sách để làm giàu thêm những lập luận vì “nói có sách, mách có chứng” mà. Mình cũng dạy Nam những nguyên tắc cần thiết trong quá trình đưa ra luận điểm, ví dụ: không cắt ngang người khác, không hạ thấp quan điểm của người khác mà phải dùng lý lẽ để chứng minh rằng mình đúng, biết điều chỉnh giọng nói cho phù hợp... Và tất nhiên, bên cạnh những việc được cùng mẹ tranh luận, cũng có những quy ước, những việc mà con buộc phải tuân theo, chỉ cần mẹ ra hiệu bằng mắt là con hiểu.
Không chỉ dạy trong đời sống hàng ngày, mình còn hướng dẫn Nam viết lại. Rất may là sau này, khi Nam tham gia các kì thi tiếng Anh chuẩn quốc tế, các bài luận cũng đều theo dạng này, có nghĩa là “Nêu quan điểm của bạn về...”. Nam thường đạt điểm cao trong các bài luận kiểu này có lẽ là do đã được tích lũy kĩ năng từ khi còn thơ bé. Mình nghĩ, việc một đứa trẻ được suy nghĩ và nêu chính kiến của mình sẽ thật tuyệt. Nó giúp người lớn hiểu, thông cảm và trân trọng đứa trẻ.
Bây giờ thì lập luận của Nam đã có vẻ “vượt mẹ” rồi. Bằng chứng là hôm qua, khi mình đề nghị: “Nam ơi, bố mẹ mua vé cho em về chơi với bố mẹ dịp lễ Noel nhé. Về cho mẹ ôm em một cái cũng được.”
Nam suy nghĩ một lát rồi nói: “Thôi mẹ ạ, em cũng nhớ nhà lắm, nhưng có ba lý do để em không về, đó là: Về chỉ được một thời gian ngắn, sau đó quay lại, em lại buồn, lại mất thời gian để thích nghi lại. Thứ hai, em không muốn tốn tiền của bố mẹ quá, để có được đồng tiền vất vả lắm, em sẽ cố gắng tìm gói học bổng nào mà họ cho phép được đi về. Và mẹ nữa, mẹ phải bản lĩnh lên, đừng để tình cảm chi phối, nếu không, mẹ sẽ như Mỵ Châu đó.”
Ui trời, kinh rồi đới!