Lúc Nam còn nhỏ, tất cả những gì liên quan đến việc học, mình hầu như đều chuyển thể dưới dạng trò chơi. Con bị cuốn vào các trò chơi của mẹ mà không biết là mình đang học. Sau đây là một số trò chơi liên quan đến ngôn ngữ mình thường dạy cho Nam.
- Thi vẽ tranh và miêu tả về bức tranh mình vừa vẽ: Nói thật là mình vẽ thì rất rất xấu, cả Nam cũng vụng về trong việc vẽ nhưng quan trọng là mình muốn con biết chuyển tải những hình ảnh trong đầu thành các trò chơi với màu nước. Mình thường xuyên mua cho Nam thật nhiều màu nước, loại không độc hại. Hai mẹ con có những giờ chuyên dành cho việc vẽ. Mình may cho Nam mấy cái áo bằng vải cotton dễ giặt. Cứ đến giờ học vẽ, mặc áo ấy vào là Nam có thể làm “bôi sĩ” thoải mái. Bây giờ áo đó mình vẫn còn giữ làm kỉ niệm. Nhìn lại là thấy lại những ngày Nam ở nhà một mình, mặt mũi chân tay người ngợm lem nhem và hả hê trước sản phẩm của mình. Chủ đề để vẽ thì rất phong phú. Cứ mỗi khi nhìn thấy hình ảnh gì ấn tượng là lại cố gắng để vẽ lại, ví như xem xong một bộ phim, đọc xong một cuốn sách, nhìn thấy một hình ảnh cảm động ngoài đường... đều vẽ lại. Tranh vẽ thì không đẹp nhưng quan trọng là phần miêu tả. Nam phải nói được những nội dung chính như: Tranh vẽ gì? Những người trong bức tranh đang làm gì? Nét mặt họ thế nào? Những màu em chọn có ý nghĩa gì? Em còn định nói gì thêm ngoài bức tranh nữa? Câu hỏi cuối cùng mới quan trọng vì nó cho phép con được bày tỏ thêm các ý tưởng mà không cần phải giỏi vẽ. Vì thế, việc phân tích tranh rất sôi nổi và mình thường gọi là “tư tưởng cao hơn tác phẩm”, hihi.
- Thi gieo vần: Trò này Nam thích nhất. Nó giống như kiểu những bài thơ vui mà trẻ con hay đọc: Chát chình chình/ Bố thằng Bình... Mình hay cùng Nam thi kiểu đó. Mình sẽ chọn vần bất kì từ câu nói nào đó của Nam. Ví dụ, nghe Nam nói: “Đi chơi công viên.” Mình sẽ nói tiếp luôn, chẳng hạn: “Chơi công viên/ Sướng như tiên/ Cười liên miên/ Chẳng cần tiền.”
Đó là phần “thị phạm” của mình. Sau đó đến lượt Nam. Phần của Nam sẽ “nhố nhăng” kiểu: “Chơi công viên/ Ăn thịt xiên/ Gặp bà điên/ Nói luyên thuyên.”
Xong thì hai mẹ con cùng cười như nắc nẻ. Cách làm này kích thích vốn từ của trẻ phát triển mà lại rất vui.
- Nối từ: Kiểu chơi này tưởng tượng như kiểu chơi xếp các hình gỗ cạnh nhau, khối này đổ thì khối kia cũng đổ theo. Vui lắm. Mình sẽ ra câu chủ đề, Nam phải tìm từ nói nối tiếp. Ví dụ mình nói: “Nam chơi ô tô.” Nam sẽ nói: “Ô tô có bốn bánh.” Tiếp tục sẽ là: “Bánh rất ngọt. Ngọt như đường. Đường để đi. Đi về quê. Quê bà nội...” Cứ thế, đến khi ai bị “bí” là thua.
- Tìm từ không cùng loại: Nếu chọn một trò chơi “gây ảnh hưởng” nhất với tuổi thơ của Nam, mình sẽ không ngần ngại chọn trò Tìm từ không cùng loại. Trò này thì dễ chơi, cứ trong bốn từ, chọn ra một từ không nằm trong nhóm. Mình đã áp dụng trò chơi này cho cả môn Toán nữa. Hai mẹ con chơi từ khi Nam còn nhỏ xíu đến khi vào tiểu học. Mức độ khó cứ tăng dần. Quan trọng là phải giải thích được vì sao từ đó không cùng loại. Ví dụ, lúc Nam nhỏ, chỉ là những câu đố kiểu như: ô tô, xe máy, tàu thủy, xe đạp, từ nào không cùng loại. Từ không cùng loại là tàu thủy vì các phương tiện còn lại đi trên bộ còn tàu thủy đi dưới nước. Lớn lên một chút, có thể là: long lanh, lấp lánh, ánh sáng, lấp lóe. Từ không cùng loại là ánh sáng vì không phải từ láy (mặc dù lúc này Nam chưa hiểu khái niệm từ láy nhưng do cảm nhận bản năng về ngôn ngữ nên vẫn nhận ra). Khó hơn một chút có thể là: ăn cơm, ăn bánh, ăn ảnh, ăn quà. Từ không cùng loại là ăn ảnh vì không phải là hành động nhai, nuốt (lúc này Nam chưa học về nghĩa đen và nghĩa bóng)... Cứ thế, về sau mình khuyến khích Nam tự ra đề. Hai mẹ con chơi trò này bất cứ khi nào có thể, lúc đi chợ, trên ô tô... Nhưng nhớ là có thể chấp nhận những đáp án khác nhau, miễn là cách giải thích hợp lý thôi.
- Trò chơi đố chữ: Có trò chơi này thành ra mình cũng thích tìm hiểu về ngôn ngữ. Mình thích nghĩ về một chữ xem có thể tách nó ra thế nào cho thành một câu đố. Ví dụ, mình sẽ đố Nam: “Chữ gì mà khi bỏ đuôi “m” đi thì thành sẽ một loại quả có nhiều mắt, ăn có vị ngọt thơm.” “Là chữ “Nam” chứ gì. Con biết thừa!” Nam thường reo lên như thế. Hoặc mình sẽ đố. “Chữ gì khi bỏ “t” ở đầu thì thành từ chỉ mùi thơm hoặc chỉ một loại mình thường dùng để thắp trên ban thờ.” “Là chữ “thương”.” Chữ gì mà nếu để nguyên thì Nam sẽ rất thích nhận được mỗi khi đạt được thành tích gì đó và nếu bỏ dấu hỏi là chỉ tình cảm của mẹ với Nam. Nam đoán một hồi thì cũng ra là “thưởng” và luôn nói: “Câu hỏi tù mù quá.” Nam cũng cố gắng nghĩ ra những câu đố kiểu như vậy.
- Thi xem ai ghi chép được nhiều: Ngày nghỉ, mình hay dẫn Nam ra công viên chơi. Mỗi lần như vậy, mình khuyến khích con quan sát về cảnh vật: Bầu trời thế nào? Cây cối có gì đặc biệt? Nhìn thấy những cảnh gì? Những miêu tả đó là “phần chung”, muốn chiến thắng Nam phải tìm ra được những “phần riêng”, là những thứ mà rất khó quan sát hoặc chỉ có Nam phát hiện ra mà mẹ không thấy hoặc không để ý. Mình nhớ năm 7 tuổi, Nam đã ghi lại được: “Hôm nay đám mây có hình như con khủng long. Và trong góc công viên, em nhìn thấy một con mèo. Không biết có phải mèo đi lạc không nhưng nó chạy vụt qua mặt em. Lúc ấy mẹ đang ngồi ngắm cảnh nên chắc chắn mẹ không biết. Con mèo có màu trắng và đen, nét mặt nó có vẻ rất hoảng hốt”. Mình thường khen ngợi Nam mỗi khi có những chi tiết “đắt” như vậy. Tuy nhiên phải biến việc này thành trò chơi, ví dụ ai phát hiện ra điều gì mới lạ hơn, ai ghi chép lại được dài hơn... thì Nam mới “hợp tác” chứ nếu không Nam cũng ngại ghi chép lại lắm.
- Thi tìm từ theo dãy: Cách này thực chất là tìm từ theo trường nghĩa. Nhưng mình chỉ hướng dẫn Nam ở mức độ đơn giản. Ví dụ, khi Nam còn nhỏ, các từ theo dãy rất đơn giản: Là các từ chỉ các loài hoa: Hoa đào, hoa mai, hoa hồng, hoa cúc... cứ thế xem “dãy” của ai dài hơn. Khó hơn một chút là dãy các động từ: Hái hoa, hái quả, hái lá... Khi Nam lớn hơn, sẽ là những dãy kiểu như: Cùng chỉ về độ dài: dài ngoẵng, dài thòng, dài miên man, dài dằng dặc... Cùng chỉ về màu xanh: xanh um, xanh tươi, xanh mát, xanh non, xanh thắm... Cứ thế, mình chỉ cho tên của “dãy”, khuyến khích Nam nghĩ ra. Mình cũng dùng từ điển để cùng Nam kiểm tra. Mình nhận thấy việc này rất có ích cho Nam khi làm văn miêu tả, Nam không bị bí từ và thường nghĩ ra những từ rất đẹp, rất hợp với văn cảnh.
Aizza, hôm nay lại dừng ở đây đã. Mình sẽ tiếp tục trở lại chủ đề này. Cũng nói thêm là những trò chơi này mình thường cùng Nam chơi nhiều lần. Mình cũng không biết tính hiệu quả của nó đến đâu vì chỉ áp dụng với mỗi một “case study” là Nam thôi. Mình chỉ đưa ra gợi ý còn các mẹ có thể tự sáng tạo ra các trò chơi khác. Nhưng dù gì thì kiên nhẫn vẫn là quan trọng nhất. Có thể những gì con đạt được không nhìn thấy ngay mà phải qua quá trình thẩm thấu. Và quan trọng nữa, hãy để trò chơi chính là trò chơi, có niềm vui, có nụ cười, có phần thưởng, có động viên chứ đừng để nói đến “chơi” mà con sợ.
Bởi suy cho cùng, chính các bà mẹ cũng phải được hưởng niềm vui hạnh phúc làm mẹ của mình chứ. Đâu phải lúc nào cũng đau khổ, chỉ chăm chăm nghĩ xem mình làm thế đã tốt chưa, đã hiệu quả chưa. Tự nhiên nhi nhiên, các mẹ nhé!