Tôi gặp Đỗ Nhật Nam cách đây bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng là bấy nhiêu thời gian tôi biết đến mẹ Phan Thị Hồ Điệp của bé. Chúng tôi trở thành người quen, bạn bè, rồi thành thân thiết từ khi nào chẳng biết (Tôi gặp và quen thân với anh Thảo, bố của bé Nhật Nam vài tháng sau đó, để rồi tôi thấy hình như chúng tôi là bốn thành viên của một gia đình bị thất lạc nhau từ kiếp trước mới tìm được nhau!).
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Phan Thị Hồ Điệp là cảm nhận về một cô gái nhẹ nhàng, dịu dàng, dễ thương, rất nữ tính. Từ Phan Thị Hồ Điệp toát lên một cái gì đó rất rất thật thà, thật thà đến ngây ngô và đáng yêu. Chẳng biết những cảm nhận đó đúng bao nhiêu phần trăm nhưng đến ngày hôm nay nó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
Ấn tượng tiếp theo giúp tôi hiểu rằng đây là một người mẹ tuyệt vời. Tình yêu của Phan Thị Hồ Điệp dành cho con trai Nhật Nam rất rất mẹ, khác xa và hơn tình yêu của bất cứ bà mẹ nào vốn vẫn luôn dành cho con của mình. Ngày đó Nhật Nam vẫn còn bé tí, mới sáu bảy tuổi đầu. Ngày đó Nhật Nam chưa nổi tiếng. Con đang bước những bước đầu tiên trong cuộc đời này.
Không biết tại sao mà sau khi quen biết hai mẹ con Phan Thị Hồ Điệp - Đỗ Nhật Nam trong tâm trí tôi luôn văng vẳng câu nói “Có một tình yêu duy nhất, lớn mênh mông, không bờ bến, không đòi hỏi đền đáp, không có sự mặc cả, đó là tình yêu của người mẹ dành cho con”. Có lẽ bởi tình yêu của mẹ Điệp dành cho Nhật Nam đã khắc quá sâu vào tâm tôi từ ngay những lần gặp đầu ấy. Bây giờ ngẫm lại hình như thấy đúng: Các loại tình yêu khác trên thế gian này, kể cả vợ chồng, nhiều khi vẫn bị xen vào ít nhiều tính chất đổi trao, mặc cả ngầm!
Tôi nhớ, tôi đã bị hút hồn bởi những câu chuyện về tình yêu thương Phan Thị Hồ Điệp dành cho Nhật Nam. Tôi không thể quên những bài học về cách dạy con rất nghiêm khắc nhưng đầy bao dung của chị dành cho con.
Tôi vẫn sẽ nhớ mãi những tâm sự của chị, không chỉ với chúng tôi, mà còn với hàng trăm bạn đọc và các ông bố, bà mẹ trong các buổi giao lưu: Tình cảm của chị và anh Thảo đối với Nhật Nam như là những NGƯỜI BẠN. Tôi sẽ vẫn cứ muốn kể tiếp về bé Nhật Nam như người thầy giáo nhỏ bé của chị và và cả anh nữa trong nhiều bài học đơn giản, thực tế mà rất quý giá. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh hai mẹ con Phan Thị Hồ Điệp - Đỗ Nhật Nam ríu rít bên nhau trước và sau mỗi lần chúng tôi gặp nhau, nhất là các tọa đàm, giao lưu. Hình như họ là một. Hình như họ nằm trong nhau, xen vào nhau, xuyên sâu vào nhau, interbeing.
Tôi bị hút hồn, thậm chí là bị mê hoặc bởi những câu chuyện xung quanh mẹ con Phan Thị Hồ Điệp. Nhờ có sự quen biết với gia đình chị, tôi đã phải nhiều lúc ngồi trầm tư một mình trong góc phòng thờ Phật hay nơi ban công hoặc bên bàn làm việc để nhớ về và biết ơn mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là một Phan Thị Hồ Điệp, nhưng chỉ có điều tôi bận bịu quá không có thời gian, không hề nhận ra. (Và mẹ bạn cũng vậy. Bạn sẽ nhận ra điều này, nếu như đọc kỹ cuốn sách Yêu thương mẹ kể và dành ít phút nhớ về mẹ mình).
Tôi thích những câu chuyện rất đời, rất người của chị Phan Thị Hồ Điệp dành cho con. Mà không chỉ mình tôi - phần lớn các học trò ở Thái Hà Books và những người thân quen của tôi đều “mê” Phan Thị Hồ Điệp. Ấy vậy mà mẹ Điệp không biết. Ấy vậy mà “ba ngọn nến lung linh” của ngôi nhà ấm cúng kia không hay. Họ cũng không hề biết rằng những câu chuyện rất bình thường của họ đã thành “giáo trình” dạy con của biết bao ông bố, bà mẹ. Và tôi xin cam kết rằng, rất nhiều cháu bé đã được hưởng lợi từ cách sống, cách dạy dỗ và yêu thương Nhật Nam của người mẹ hiền hậu và thông tuệ này.
Tôi rất thích cách nuôi dạy con của chị và đã đặt vấn đề với Phan Thị Hồ Điệp (và cả anh Thảo, bố của Nhật Nam nữa) rằng hãy viết ra những câu chuyện rất bình dị hàng ngày. Viết ra để chia sẻ cho các ông bố và bà mẹ của đất nước 90 triệu dân Việt Nam ta. Bởi, tôi luôn nghĩ và sẽ nói đến cả ngàn lần nữa, rằng các ông bố, bà mẹ (và cả các quý ông bà nữa) có thể nuối tiếc về tuổi thơ của mình nhưng không thể cho con, cho cháu mình có một tuổi thơ đầy nuối tiếc.
Và rằng, nếu như thật sự biết cách nuôi, dạy các con, Việt Nam ta có thể có nguồn TÀI NGUYÊN - NHÂN TÀI vô tận. Không chỉ để sử dụng và làm giàu mà có thể xuất khẩu thay cho khoáng sản hay hàng hóa vật chất thông thường.
Khi bản thảo cuốn sách này chưa hoàn thiện tôi đã đòi đọc ngay. Tôi đọc vào buổi đêm thanh vắng. Đọc một mạch không ngừng nghỉ. Đọc xong tôi đóng máy tính lại, ngồi nhớ về những câu chuyện, những tâm tình, những yêu thương do Phan Thị Hồ Điệp viết ra. Tôi nhắm mắt lại ngồi trên ghế chừng mười phút. Một nguồn năng lượng bình an đến kỳ lạ tuôn chảy trong tôi, chạy từ huyệt bách hội đi khắp cơ thể, đến tận từng ngón tay, ngón chân tôi. Tôi phát hiện ra rằng, năng lượng yêu thương có thể tràn từ người này sang người khác, trực tiếp và gián tiếp. Tôi nhận thêm ra rằng năng lượng hoàn toàn có thể được truyền tải qua những con chữ, chứ không chỉ qua các động tác, âm thanh hay suy nghĩ mà chúng ta vốn vẫn thực hành. Giấc ngủ của tôi vô cùng nhẹ nhàng, rất sâu và bình an. Buổi sáng, người thấy khỏe và tỉnh táo, tôi bỏ qua giờ thiền sớm mai, vào bàn đọc ngay thêm lần nữa. Tôi đọc không phải để hiểu thêm các câu chuyện hay những gì mẹ Phan Thị Hồ Điệp đã viết ra mà đơn giản là muốn nạp năng lượng cho ngày mới. Thật buồn cười, thật ích kỷ đúng không bạn? (Tôi cũng mong bạn thử làm như tôi xem kết quả thế nào nhé).
Yêu thương trong Yêu thương mẹ kể nhiều lắm. Tôi định làm một khảo sát nhỏ: Đếm số từ yêu, thương, mến, vui, cười, ôm, an lành... và cả ba từ khác nữa là mẹ, bố và con. Tôi thích nhất là ba từ “Con yêu mẹ” có lẽ bởi tôi đã được nghe từ này nhiều lần bằng giọng nói và ánh mắt rất đẹp và dịu hiền từ cả hai mẹ con Phan Thị Hồ Điệp và Đỗ Nhật Nam. Ngay cả khi gõ những dòng chữ này thì âm vang của ba từ này vẫn còn nguyên vẹn.
Lần thứ ba đọc cuốn sách này tôi lại đọc chương 3 Kể con nghe những câu chuyện vu vơ trước. Tôi biết rằng, phần lớn bạn đọc sẽ đọc ngay chương 2 Kể con nghe thơ ấu của con. Nhưng tôi thành tâm khuyên bạn hãy đọc chương 1 Kể con nghe cuộc sống quanh con trước. Lần đầu tiên đọc, bạn nên đọc tuần tự các chương theo đúng trình tự trong sách. Lý do tại sao, bạn sẽ hiểu sau khi đọc xong. Thật mà.
Thêm một điều kỳ diệu nữa tôi muốn chia sẻ với riêng bạn: Cả gia đình Đỗ Nhật Nam cùng ra sách lần này. Khi mẹ Điệp ra cuốn Yêu thương mẹ kể thì Nhật Nam có tác phẩm thứ tư Đường xa con hát còn bố Thảo có cuốn Tròn một vòng yêu thương. Thật tuyệt vời đúng không bạn? Và tôi sẽ chúc mừng bạn thêm thật nhiều lần nếu như bạn may mắn được sở hữu cả ba cuốn sách này như bạn đã từng có trên giá sách của mình tất cả sách của Đỗ Nhật Nam mến thương.
Cuối cùng, xin mượn câu viết của tác giả “Nhận từ mẹ một vòng ôm thật chặt nhé, con trai!” tôi xin gửi tâm tôi đến bạn và muốn nói rằng “Hãy nhận một vòng yêu thương nồng ấm nhất từ gia đình mẹ Phan Thị Hồ Điệp”. Bởi nếu bạn hỏi tôi nghề nghiệp của mẹ Phan Thị Hồ Điệp là gì tôi nhất định trả lời “LÀM MẸ”. Cả đời chị hình như chỉ làm một nghề duy nhất: LÀM MẸ. Ôi sự nghiệp làm mẹ đẹp đến nhường nào, trân quý biết bao, hạnh phúc như vô biên không bút nào tả nổi.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà