Hiện tượng Bill Gates
Khi mới ở tuổi 43, Bill Gates trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới. Ông đã điều hành Microsoft từ năm 20 tuổi. Được định giá khoảng 50 tỷ USD (mặc dù bản thân Bill Gates luôn cho rằng phần lớn tiền của mình gắn với cổ phần của công ty Microsoft), tài sản của ông thật ra còn lớn hơn mức mà nhiều người nghĩ đến. Vì lý do này ông đã thu hút cả sự thèm muốn lẫn tò mò của chúng ta.
Gates được xem là một hiện tượng của thế kỷ 20: một nhà tài phiệt vĩ đại nhất trong số những nhà tài phiệt của thế giới không gian điều khiển. Đã trở thành một trò tiêu khiển phổ biến của nhiều người tại quán bar và nhà hàng hiện nay là làm cho bạn bè và người quen của mình phải kinh ngạc khi nêu ra những con số tính toán cho thấy khả năng giàu “nứt đố đổ vách” của ông. Thật cám dỗ khi mọi người tin rằng chưa từng có một nhà lãnh đạo nào lại nhiều tiền như vậy. Trên thực tế thì cũng đã có những doanh nhân giàu sụ khác như Henry Ford và John D. Rockefeller, ấy là chỉ mới kể đến hai người. Nhưng sự giàu có của Bill Gates chỉ là một phần trong sức quyến rũ của ông.
Việc Gates vươn tới danh vọng và tiền tài nhanh đến chóng mặt đã khẳng định sự ra đời của một trật tự mới trong thế giới kinh doanh, được thống trị bởi tầng lớp những nhà đầu tư phiêu lưu và lãnh đạo kinh doanh mới. Chúng ta có thể khoác cho họ chiếc áo “kẻ sùng bái công nghệ thông tin”, nhưng họ lại biết được những điều mà hầu hết chúng ta không biết đến. Họ thông hiểu tiềm năng của công nghệ mới theo cái cách mà những nhà quản lý truyền thống, đa tài năng nhưng không chuyên về cái gì, và những tay kế toán “cả đời rị mọ với những con số” không bao giờ hy vọng hiểu được. Họ thông minh – rất, rất thông minh – đối với những thứ mà chúng ta không thực sự hiểu, và chính điều này đã khiến cho nhiều người cảm thấy không được dễ chịu cho lắm.
Khi tương lai đến, họ “nắm bắt được nó” còn chúng ta thì không. Với sự tinh thông về kỹ thuật và ưu tú về trí tuệ, Gates là biểu trưng của hàng ngũ lãnh đạo sắp tới. Mặc dù địa bàn hoạt động ở Redmond, Washington, nhưng Gates có lẽ là doanh nhân xuất chúng nhất theo đúng nghĩa những gì chúng ta mô tả về giới doanh nhân tại Thung lũng Silicon. Đối với một số người trong công ty Microsoft, ông là một nhân vật bí ẩn, hàm chứa đôi chút ý nghĩa thần thánh hóa, trong khi đối với một số người khác cùng ngành thì ông là một tên tội đồ. Cả hai quan điểm nghe có vẻ cực đoan nhưng tựu trung nhấn mạnh một điểm: mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ của Gates. (Trước sự rùm beng của dư luận về vụ cáo buộc lạm dụng sức mạnh độc quyền, người ta dễ dàng quên đi là trước đây, vào những năm 1970, IBM cũng đã từng là mục tiêu của các cuộc điều tra chống độc quyền. Dẫu sao ký ức thường mau phai nhạt. Ngày nay, chúng ta cũng đã phải nhìn nhận, so với Microsoft, Big Blue (IBM) cũng thuộc hàng “thánh” chứ không kém. Điều này xuất phát từ tấm lý “vị nể” bản chất của sức mạnh – chúng ta sợ nhất những gì mà chúng ta ít hiểu về chúng nhất.
Bạn không thể tìm thấy bất kỳ một dấu tích thuộc về kỹ thuật quản lý hoặc phong cách lãnh đạo nào của Bill Gates được dạy trong các trường kinh doanh. Trên thực tế, các giáo sư và những bậc thầy trong quản lý đã im hơi lặng tiếng một cách kỳ lạ về những điều tạo nên những kỳ tích thành công của người nguyên là Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành công ty Microsoft. Có lẽ họ cảm thấy mình bị coi thường. Nói cho cùng thì Gates đã tự ý chối bỏ tương lai mà ngôi trường đại học Harvard danh tiếng có thể mang lại cho ông – ông học luật tại đó. Các giáo sư đại học vốn yêu thích những nhà lãnh đạo kinh doanh theo đúng bài bản hơn – những người điều hành công ty theo kiểu truyền thống. Vậy thì chúng ta phải dựa vào đâu để hiểu thấu đáo cách hành xử của con người kiệt xuất này?
Liệu có nơi nào tốt hơn là chính cuốn từ điển bách khoa toàn thư, có tên Encarta, của Microsoft? “Phần lớn sự thành công của Gates nằm trong khả năng biến những tầm nhìn kỹ thuật thành chiến lược thị trường, và khả năng kết hợp tính sáng tạo vào sự nhạy bén kỹ thuật.” Trong đề mục về Gates, William, Henry, III, dòng chữ giới thiệu đã được viết như vậy. Cuối cùng thì điều làm cho Gates khác biệt so với bất kỳ nhà lãnh đạo kinh doanh nào khác trong lịch sử có lẽ đó là sức ảnh hưởng mà ông đã tác động lên cuộc sống của chúng ta. Trong khi sức mạnh của giới tài phiệt trước đây thường chỉ tập trung vào một lĩnh vực hoặc một ngành nghề thì thông qua sức mạnh của phần mềm, Microsoft đã vươn chiếc vòi của mình vào mọi nhóc ngách của cuộc sống.
Những nhà đại tư bản truyền thông như Rupert Murdoch khiến cho chúng ta cảm thấy bất an vì họ có khả năng kiểm soát những gì xuất hiện trên mặt báo và màn hình ti vi. Nhưng ảnh hưởng của những người viết phần mềm thì không thể hình dung được. Encarta, cuốn từ điển bách khoa toàn thư do Microsoft sản xuất chỉ là một trong nhiều ví dụ minh chứng cho khả năng thâm nhập của Gates và công ty của ông vào mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta. Không chút ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy bất an vì sự thống trị thị trường phần mềm của ông. Cũng không ngạc nhiên khi ông bị gièm pha và công kích một cách dữ dội. Nói cho cùng thì có được bao nhiêu nhà lãnh đạo kinh doanh có cơ hội viết lại lịch sử?
Nhưng đằng sau mọi sự thổi phồng và chỉ trích thì Bill Gates là hạng người nào? Có phải ông là một anh tài máy tính, cực kỳ thông minh nhưng bản tính vốn hiền lành, thành công nhờ vào hưởng được phúc phần “thiên thời-địa lợi”? Hay có
một điều gì đó xấu xa, hiểm ác ở con người mà lẽ ra có về hưu ở lứa tuổi 20 cũng đủ để cả đời an nhàn, sung sướng nhưng vẫn cứ thích ngày này sang ngày khác vất vả làm việc 16 tiếng mỗi ngày? Có đầy rẫy những câu chuyện về Bill Gates – nhà toán học kiêm lập trình viên tài năng, cũng như về một Bill Gates khác - nhà kinh doanh lạnh lùng, nhẫn tâm, không từ thủ đoạn nào để “tàn sát” đối thủ. Chỉ khi nào tách biệt được đâu là sự thật và đâu là hư cấu thì lúc đó chúng ta mới có thể bắt đầu biết được đâu là hư cấu thì lúc đố chúng ta mới có thể bắt đầu biết được đâu là một Gates thực sự. Những hình ảnh hiện ra từ sự phân tích này là một bức tranh còn phức tạp bội phần.
Đây chỉ là một câu chuyện về một thiên tài kỹ thuật với một gia sản kếch sù mà còn về một tầm nhìn khác thường trong kinh doanh và một khát vọng luôn phải chiến thắng. Đây cũng là một phong cách lãnh đạo khác biệt tận gốc rễ so với tất cả những gì mà giới kinh doanh đã từng chứng kiến. Điều mà Bill Gates mang lại cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai một khuôn mẫu mới, kết hợp những đặc điểm và kỹ năng, phù hợp hơn nhiều, trước những thách thức của thế kỷ 21. Cùng với mọi khuyết điểm của mình, Bill Gates có nhiều điều để truyền dạy cho thế hệ các ông chủ và quản lý tương lai.
Ý tưởng lớn của Bill: “Trên bàn mỗi nhà một máy tính”
Từ những ngày đầu mới thành lập Microsoft, Bill Gates đã theo đuổi viễn cảnh “Trên bàn mỗi nhà một máy tính” (Thật thú vị khi biết khẩu hiệu ban đầu là “Trên bàn mỗi nhà một máy tính sử dụng phần mềm của công ty Microsoft”, nhưng ngày nay phần sau câu khẩu hiệu thường bị cắt bớt bởi vì nó làm cho một số người không hài lòng).
Giờ đây nhìn lại, sự phổ biến của máy tính cá nhân từ công sở về đến gia đình dường như là một điều không thể tránh khỏi. Hiểu ra được vấn đề đã là một điều tuyệt vời. Thế nhưng có được tầm nhìn xa mới đem lại thật nhiều mối lợi, như Gates đã cho chúng ta thấy. Cũng phải nhớ rằng điều mà ngày nay chúng ta cho là hiển nhiên khi nhìn thấy sự phổ biến của những sản phẩm này chỉ mới xuất hiện trong các câu chuyện khoa học viễn tưởng khoảng một vài thập kỷ trước. Ngay vào những năm 1960 khi các nhà theo thuyết vị lai ở Hoa Kỳ đang cố gắng dự đoán những khuynh hướng có thể định hình xã hội trong những năm còn lại của thế kỷ, họ đã bỏ qua sự phát triển của máy tính cá nhân. Cũng không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chàng trai Bill Gates lại luôn đọc nghiến ngấu những cuốn sách khoa học viễn tưởng.
Cho rằng chỉ có một mình Bill Gates là nguyên nhân khiến cho máy tính cá nhân trở nên vật phổ biến từ gia đình đến nơi làm việc trên khắp thế giới là không đúng sự thật. Điều này chẳng khác gì ai đó bảo với bạn rằng Henry Ford là người chịu trách nhiệm trong việc phát triển ngành ô tô. Tuy vậy, hai nhân vật này giống nhau ở khả năng nhìn xa trông rộng, thấy trước được những gì có thể xuất hiện và chọn đúng vai trò quyết định trong việc biến viễn cảnh đó thành hiện thực.
Gates đề ra mục tiêu đạt được tầm nhìn của mình bằng cách chuyển đổi Microsoft thành nhân vật chính trong ngành công nghiệp máy tính, rồi tận dụng vai trò thống trị đó để tạo bệ phóng thúc đẩy sự phát triển vượt bậc cho những phần mềm ứng dụng. Gates đã nhận ra từ rất sớm rằng, để tầm nhìn xa trông rộng của mình thành hiện thực, điều tối quan trọng là phải tạo ra được một chuẩn mực cho ngành công nghiệp. Ông cũng biết rằng người nào có trước được tiêu chuẩn này người đó sẽ có cơ hội rất lớn giành được thẩm quyền trong ngành công nghiệp máy tính.
Nhiều năm trước khi IBM tiếp xúc với Gates để tìm một hệ điều hành cho loại máy tích cá nhân mới của mình, Gates vẫn cứ than phiền về việc thiếu một hệ nền chung và tiên đoán rằng nêu không có nó thì tiềm năng của máy tính cá nhân sẽ không được thừa nhận. Những bài báo mà ông viết vào thời đó cho rằng, cũng như những người khác, ông không có ý nghĩ về “vai trò định mệnh” nào trong đầu. Tuy vậy, khi cơ hội xuất hiện, Gates đã nhìn ra và nắm bắt nó bằng cả hai tay. Kể từ lúc đó, ông đã không ít lần làm những điều tương tự.
Đầu những năm 1980, Gates hoạch định chiến dịch phát triển Microsoft từ một nhà phát triển ngôn ngữ lập trình thành một công ty phần mềm đa dạng sản xuất tất cả mọi thứ từ các hệ điều hành như Windows cho đến các chương trình ứng dụng như Word và Excel cũng như công cụ lập trình khác. Trong tiến trình đó, ông đã làm biến đổi nền công nghiệp máy tính.
Những ai muốn chỉ trích và buộc tội ông về những khuynh hướng độc quyền có thể cũng nên dừng lại trong chốc lát để suy ngẫm xem cuộc cách mạng máy tính cá nhân vào lúc này sẽ đi về đâu nếu như không có sự can thiệp kịp thời, có thể mang tính tư lợi, của Bill Gates. Nói cho cùng thì thật khó có thể biện hộ cho những hành động sai trái của ông bằng cách tuyên bố rằng Bill Gates đã đóng một vai trò chủ đạo trong việc dẫn đường chỉ lối trong kỷ nguyên công nghệ mới. Tuy vậy, cũng đáng phải ghi nhớ rằng không giống như nhiều người giàu có khủng khiếp khác trên thế giới, Gates vẫn phải lao động để mưu sinh.
Những tín đồ của công nghệ thông tin sẽ thừa hưởng cả thế giới
Gates là một trong số rất ít những giám đốc điều hành sáng lập công ty thuộc lĩnh vực kỹ thuật của ngành công nghiệp máy tính cá nhân vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh. Ông là một kẻ cuồng si máy tính đích thực.
William Henry Gates III chào đời ở Seattle, bang Washington vào ngày 28 tháng 10 năm 1955. Ở nhà, mọi người chỉ gọi ông bằng cái tên thân mật là “Trey” (Ba Nút), theo chữ số III sau tên, chứ không gọi bằng cái tên nào khác.(“Trey: điểm số 3 khi chơi bài tây, đổ xí ngầu hoặc chơi cờ domino.ND”). Gates có một trí tuệ sớm phát triển – lúc mới 8, 9 tuổi, ông đã đọc hết cuốn từ điển bách khoa có trong nhà (Công ty Microsoft của ông sau này đã xuất bản cuốn từ điển bách khoa bằng CD-ROM đầu tiên gọi là Encarta). Nhưng năng khiếu của Gates thực sự bộc lộ trong toán học và ông vô cùng xuất sắc với nó.
Cậu bé Bill trở nên mê mẩn với máy điện toán ngay từ năm 12 tuổi. Cùng Paul Allen, bạn thân và đối tác kinh doanh trong nhiều năm của mình, Gates đã tham gia nhiều dự án lập trình trong suốt thời gian học trung học. Sau này Gates đã cùng Paul Allen sáng lập nên công ty Microsoft.
Là một học sinh sáng dạ, không giống như hầu hết những đứa trẻ tài năng khác, Gates dường như xuất sắc trong mọi việc mà cậu làm. Khát vọng chiến thắng của cậu dường như đã được thể hiện rõ nét ngay từ tấm bé. Tại Lakeside, ở trường tư thục ở Seattle, nơi thu hút những học sinh giỏi nhất của vùng Duyên hải phía Tây Hoa Kỳ, tình yêu toán học của Bill Gates đã biến thành niềm si mê máy điện toán. Thậm chí ở Lakeside này, Bill Gates cũng trở thành trung tâm của sự chú ý. Cậu hay bị những học sinh khác trêu ghẹo vì rõ ràng cậu thông minh hơn chúng rất nhiều.
James Wallace và Jim Erickson đã ghi lại trong quyển “Hard Drive” như sau: “Thậm chí trong một môi trường như Lakeside, nơi những đứa trẻ thông minh có khuynh hướng tôn trọng nhau, thì bất kỳ đứa trẻ nào thông minh như Bill Gates cũng đều bị một số đứa trẻ khác trêu chọc.”
Theo một người bạn học cùng lớp mà bây giờ là một kiến trúc sư danh tiếng ở Seattle thì: “Gates đa phần chỉ giao thiệp với bạn bè trong máy tính. Cậu ta rất lạc lõng trong giao tiếp và không cảm thấy thoải mái bên cạnh những người khác. Cậu ta hoàn toàn bị niềm đam mê máy tính ám ảnh…Thỉnh thoảng cũng thấy cậu chơi tennis, nhưng không nhiều lắm. Lúc đầu tôi thấy nể Gates và những học sinh khác trong phòng máy tính. Thậm chí tôi còn thần tượng hóa bọn họ. Nhưng tôi dần nhận ra rằng chúng thật vô tích sự đến nỗi tôi chẳng muốn kết thân. Bọn họ phần nào là lý dô khiến tôi bỏ không thực tập về máy tính…Họ sống khép kín về mặt xã hội, lại còn kiêu căng phách lối; và tôi thì không muốn mình giống như vậy.”
Không bằng được người nên nói lời cay độc vậy chăng? Có thể lắm. Nhưng rõ ràng Gates và nhóm bạn thân của ông là những ngoại lệ thậm chí theo tiêu chuẩn của trường Lakeside. Vào nảm học cuối ở trung học, đối với những tay hacker trẻ tuôit của trường Lakeside thì Gates đã là một “sư phụ” về máy tính. Cậu thường tán gẫu với nhóm bạn trong phòng máy hàng giờ liền, huyên thuyên kể chuyện về những hacker khét tiếng.
Gates và một số bạn bè say mê máy tính lập ra Nhóm Những Nhà Lập Trình Lakeside với mục đích tìm kiếm những cơ hội làm ra tiền để áp dụng những kỹ năng lập trình máy tính mới được chúng tìm ra. Một mô hình mới đang xuất hiện. Sau này Gates đã nhận xét như sau: “Tôi luôn là người tác động. Tôi là kẻ lên tiếng rằng “Chúng ta hãy mời gọi thế giới và tìm cách bán một cái gì đó cho nó””. Lúc đó ông chỉ mới 13 tuổi.
Tình bạn xuất phát từ niềm đam mê kỹ thuật giữa Bill Gates và Paul Allen, người lớn hơn Gates 2 tuổi, có lẽ đã phát triển trong giai đoạn này. Vai trò của Allen trong câu chuyện về Microsoft, và vai trò của nhóm nhỏ những cựu học sinh Lakeside về làm việc cho công ty này thường không được nhắc đến nhiều. Gates, Allen, Kent Evans và Richard Weiland – hai thành viên khác của Nhóm Những Nhà Lập Trình Lakeside – thường bỏ ra cả đêm cặm cụi, trước tiên là chiếc minicomputer của công ty Generol Electric, rồi sau đó là một cái khác của Conputer Centre Corporation, có khi đến tờ mờ sáng hôm sau họ mới về nhà.
Sự say mê của chàng trai Gates thái quá đến nỗi cha mẹ cậu bắt đầu lo lắng về sở thích mới của con trai mình. Có một thời gian, họ đã cấm cản các hoạt động của cậu vì sợ rằng nó sẽ ảnh hưởng đến việc học. Gates đã phải rời xa máy tính trong gần một năm. Điển hình cho lòng khát khao kiến thức bất tận của mình, cậu hướng niềm đam mê của mình sang các chủ đề khác. Trong thời gian này, Gates đã học một số sách về tiểu sử, trong đó có quyển về Napoleon và Franklin Rooservelt. Theo lời Gates thì cậu muốn tìm hiểu cách suy nghĩ của những nhân vật vĩ đại. Cậu cũng đọc sách thương mại, khoa học và tiểu thuyết. Một trong những cuốn sách yêu thích của cậu là cuốn “Bắt Trẻ Đồng Xanh” (“Catcher in the Rye”) của J.D.Salinger, và sau này cậu thường trích dẫn, kể lại những đoạn dài trong cuốn sách đó cho các bạn gái của mình nghe. Nhân vật chính Holden Caulfield trở thành một trong những người hùng của cậu.
Tuy vậy, lúc bấy giờ mọi kế hoạch mà Gates toan tính cùng người bạn học cùng trường, cũng là một tay hacker, lập ra một công ty phần mềm đều phải hoãn lại. Cha mẹ cậu kiên quyết bắt cậu phải vào đại học; họ thấy cậu cần phải hòa đồng với những sinh viên khác.
Chỉ số thông minh cao và động lực cá nhân mạnh mẽ của Gates đã bảo đảm cho cậu một chỗ tại Đại Học Harvard. Cậu đã đến học tại một đại học được kính trọng nhất Hoa Kỳ tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts vào mùa thu năm 1973 mà trong đầu không có một định hướng thực sự nào.
Sau đó, Gates thường nói rằng cậu đến Harvard để học những thông minh hơn mình nhưng cậu đã…thất vọng. Lời nhận xét đã cho thấy nhiều điều về sự đánh giá của Bill Gates dành cho chính bản thân mình cũng như cho trường Harvard.
Khi đăng ký theo học chuyên ngành luật có lẽ Gates đã từng hy vọng nối bước cha mình trở thành một luật sư. Thế nhưng trong thực tế, cậu ta rất ít quan tâm đến việc tiến thân trong ngành luật, còn cha mẹ cậu lại không mấy nghi ngờ rằng cậu con trai bướng bỉnh của mình lại lèo lái đi theo hướng riêng của cậu. Tuy vậy, cho dù có hoang tưởng đến mấy cũng không ai trong hai người lại có thể hình dung được rằng cuộc phiêu lưu của con trai mình lại thành công tột bậc đến vậy. Như đã biết, mảng bằng tốt nghiệp Đại Học Harvard cuối cùng đã không thành hiện thực.
Vào năm 1975, trong khi vẫn đang học đại học, Gates một lần nữa cùng với Allen phát triển một phiên bản BASIC, một ngôn ngữ máy tính thuở ban đầu. Đến năm 1977, cháy bỏng ước mơ một thế giới mới trên đầu ngón tay mình, Gates quyết định nghĩ học Harvard để tập trung toàn bộ thời gian làm việc cho một công ty phần mềm nhỏ mà cậu vừa mới thành lập cùng với người bạn của mình. Công ty đó có tên gọi là Microsoft.
Từ sinh viên bỏ học Harvard đến thần tượng trong giới tin học
Microsoft phát triển thật nhanh chóng và liên tục. Gates đã sớm chứng minh rằng ông kết hợp được sự hiểu biết kỹ thuật sâu sắc với bản năng kinh doanh siêu hạng của mình. Khi Paul Allen buộc phải rời khỏi Microsoft vì lý do sức khỏe vào đầu những năm 80 thì vị trí lãnh đạo của Gates càng được khẳng địng. Đến nữa năm sau thập niên 80, Microsoft trở thành tên tuổi yêu thích ở phố Wall. Mức giá cổ phiếu của Microsoft từ 2 USD vào năm 1986 đã tăng vọt lên 105 USD vào nửa đầu năm 1996, biến Bill Gates thành tỷ phú và nhiều đồng nghiệp của ông thành triệu phú.
Nhưng sự gia tăng giá cổ phiếu của Microsoft cũng báo hiệu một trật tự mới trong thế giới thương mại. Bậc thầy về quản lý Tom Peters nói rằng thế giới sẽ đổi thay khi giá trị thị trường của Microsoft vượt qua General Motors. Trong thời gian cuốn sách này được viết, vào ngày 16 tháng 9 năm 1998, giá trị thị trường của công ty Microsoft đã vượt qua tập đoàn GE hùng mạnh để trở thành công ty lớn nhất nước Mỹ với giá thị trường là 262 tỷ USD. Giờ đây, Gates và Microsoft hầu như không thể tách rời nhau.
Triết lý kinh doanh
Lịch sử của Microsoft là một quá trình phát triển nhanh chóng hầu như không bị gián đoạn ở một trong những ngành công nghiệp có mức độ cạnh tranh cao nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Bill Gates, người đã cùng với Paul Allen sáng lập nên công ty vào năm 1974, Microsoft đã phát triển từ bộ máy hoạt động chỉ có hai người thành một công ty có hơn 20.500 nhân viên với doanh thu trên 8,8 tỷ USD một năm.
Thành công của Microsoft có được nhờ vào năm yếu tố:
• Một chính sách dựa trên nền tảng lâu dài;
• Hướng đến các thành quả;
• Tinh thần tập thể và động lực cá nhân;
• Thái độ trân trọng đối với sản phẩm và khách hàng;
• Thông tin phản hồi thường xuyên của khách hàng.
Công ty luôn tuyển dụng những người thông minh, có óc sáng tạo và giữ chân họ bằng cách kết hợp 3 yếu tố: hứng thú, thách thức liên tục và điều kiện làm việc tuyệt hảo. (Phương án mua cổ phiếu dưới mức giao dịch bình thường cũng có tác dụng tốt). Với tỷ lệ thay thế nhân viên ở công ty chưa đến 8% so ra là rất thấp đối với ngành công nghệ thông tin.
Công ty kết hợp hài hòa giữa tác phong sinh viên, sự thoải mái và tẩy chay lề thói công thần địa vị bằng thái độ đòi hỏi khắt khe đối với hiệu quả và hoàn thành công việc kịp thời hạn. Theo nghiên cứu của Microsoft, lý do để nhân viên rời bỏ công ty là vì ở đây họ không còn thách thức nào nữa. Nhưng có lẽ bài kiểm tra minh chứng hùng hồn nhất cho nét đặc thù của Microsoft là rất nhiều nhân viên gắn bó với công ty ngay từ những ngày đầu hiện nay vẫn còn làm việc cho công ty. Nhiều người mới ở độ tuổi trên dưới 30 đã trở thành triệu phú bằng cách tận dụng quyền lựa chọn mua cổ phiếu của công ty. Họ đã có thể an tâm về hưu nhưng lại không làm vậy.
Như lời một giám đốc của Microsoft đã nói: “Họ có thể làm gì khác với cuộc đời của mình? Liệu còn nơi nào khác mà họ có thể tìm thấy nhiều niềm vui như tại đây?”
Những bí quyết thành công
Qua phân tích kỹ lưỡng, chúng tôi đã tìm ra được mười bí quyết tạo nên sự thành công cho Microsoft và cho người đứng đầu nổi tiếng của công ty này. Những bí quyết kinh doanh theo phong cách Bill Gates là:
1. Chớp đúng thời cơ. Khi nói đến hợp đồng cung cấp hệ điều hành cho những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của IBM, người ta dễ dàng dè bỉu thành công của Microsoft cho rằng đó chỉ là một vận may khác thường. Nhưng trong con mắt của Gates, điều đó không chỉ là sự may mắn. Ông đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của hợp đồng với IBM và biết rằng nó sẽ làm thay đổi lịch sử máy tính cá nhân. Vì thế ông đã làm việc không biết mệt mỏi trong hơn 6 tháng để phát huy tối đa cơ hội “may mắn” này.
2. Đam mê công nghệ. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất đưa đến sự thành công liên tục của Microsoft là kiến thức về công nghệ của Gates. Ông giữ quyền kiểm soát đối với những quyết định hệ trọng trong lĩnh vực của mình. Đã nhiều lần ông nhìn thấy rõ hướng đi tương lai của nền công nghệ hơn bất kỳ đối thủ nào khác. Và ông cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để trở thành người dẫn đường.
3. Không chấp nhận “tủ hàng binh”. Gates là người có tinh thần cạnh tranh quyết liệt. Trong bất kỳ điều gì ông làm, ông đều có động lực phải gianh chiến thắng. Trong vai trò người đàm phán các thỏa thuận kinh doanh, Gates đã biến mình thành một nhà thương thuyết vô cùng cứng rắn. Ông không giấu diếm gì về điều này và thường công khai nói về quyết tâm đánh gục các đối thủ cạnh tranh.
4. Tuyển dụng những người thông minh. “Những người có chỉ số IQ cao” là một thuật ngữ thường được dùng trong Microsoft để chỉ những người thông minh nhất. Ngay từ đầu, Gates luôn quả quyết rằng công ty cần những bộ óc minh mẫn nhất. Ông không chịu được những người khờ khạo về kỹ thuật. Ở phương diện nào đó, thái độ của ông bị coi là mang tính phân biệt khả năng trí tuệ và đã khơi dậy làn sóng chỉ trích. Nhưng điều này cũng có một số tác động tích cực. Công ty có thể trực tiếp tuyển dụng nhiều sinh viên giỏi từ trường đại học – những người bị cuốn hút bởi triển vọng được làm việc với những người thông minh nhất.
5. Học cách sinh tồn. Gates luôn thừa nhận rằng trong hầu hết mọi cuộc cạnh tranh thương mại, các đối thủ đều thất bại vì những sai lầm họ tự gây ra. Gates đặc biệt xuất sắc trong việc tránh khỏi những chiếc bẫy cổ phiếu mà kẻ khác thường bị rơi vào trong khi vẫn khai thác được những cơ hội đến từ sai lầm của đối thủ.
6. Đừng trông đợi sự cảm kích. Bill Gates ý thức được tầm quan trọng của việc có được bạn bè ở địa vị cao. Bất chấp cuộc chiến với những người bảo vệ luật chống độc quyền ở Hoa Kỳ còn tiếp diễn, Gates vẫn không quên lấy lòng các vị Tổng Giám đốc điều hành của 500 công ty giàu nhất do tạp chí Fortune bình chọn để tổ chức những diễn đàn dành cho TGĐ tại Seattle và nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ.
7. Chiếm lĩnh vị trí có tầm nhìn xa. Bill Gates là một nhà lãnh đạo kinh doanh kiểu mới. Trong nhiều năm, Bill Gates không ngừng chứng minh mình hội đủ mọi yếu tố của một người có tầm nhìn xa mà ngành công nghiệp máy tính cần có. Sự hiểu biết sâu xa của ông về công nghệ được xem như một phương thức tổng hợp dữ liệu độc đáo đã giúp ông có được khả năng đặc biệt để xác định những khuynh hướng tương lai và lèo lái chiến lược của Microsoft. Điều này cũng gợi nên sự kính phục từ những người hâm mộ Microsoft và làm nhục chí những đối thủ cạnh tranh.
8. Bao quát mọi cơ sở. Khả năng quản lý nhiều dự án trong cùng một thời gian của Microsoft giữ một yếu tố chủ đạo trong thành công của công ty. Bản thân Bill Gates cũng là con người đảm đương nhiều việc và người ta nói rằng ông có thể cùng một lúc tổ chức nhiều cuộc đàm thoại xoay quanh các đề tài kỹ thuật khác nhau. Khả năng đặc biệt này được thể hiện trong phương pháp làm việc của công ty. Tức là, công ty luôn khám phá những thị trường mới vùng những ứng dụng phần mềm mới. Khả năng này giúp tránh phải bỏ lỡ “cơ hội lớn” sắp đến.
9. Xây dựng doanh nghiệp dựa trên các nhóm nhỏ. So với giá trị trên thị trường chứng khoán của mình, Microsoft vẫn là một công ty tương đối nhỏ. Về nội bô, công ty cũng thường xuyên được chia thành những đơn vị nhỏ để duy trì tối đa môi trường đội ngũ kinh doanh tối ưu. Đôi khi sự thay đổi diễn ra nhanh chóng đến nỗi ta có cảm giác hầu như mỗi tuần Microsoft đang tạo ra những phòng ban mới. Gates cũng dựa vào việc duy trì một cơ cấu đơn giản để kiểm soát được công ty. Bất cứ lúc nào ông có cảm thấy các kêng giao tiếp đang trở nên dàn trải hay lỏng lẻo, ông sẽ không ngần ngại giản lược hóa cơ cấu.
10. Không bao giờ rời mắt khỏi mục tiêu. Vào lúc này, Gates đã ở trên đỉnh cao nghề nghiệp của mình trong hơn 20 năm. Trong thời gian đó ông trở thành người giàu nhất thế giới – quả là không tệ đối với một người trong độ tuổi 40 như ông. Mặc dù giàu có và thành đạt, Gates không bao giờ cho thấy dấu hiệu chùng xuống. Ông nói rằng ông luôn canh cánh trong lòng “một nỗi lo âm ỉ” rằng mình có thể bỏ lỡ điều trọng đại tiếp theo. Ông không muốn phải lặp lại những sai lầm của công ty máy tính hàng đầu khác như IBM và Apple.