Những tín đồ của công nghệ đã chiến thắng
TOM PETERS, (TÁC GIẢ CHUYÊN VIẾT VỀ ĐỀ TÀI QUẢN LÝ)
Vị thế quyền lực mà Microsoft đang tọa hưởng ngày nay là đỉnh cao thắng lợi của chiến lược kinh doanh mà Bill Gates và người bạn Paul Allen đã hoạch định tỉ mỉ nhiều năm trước đây khi cả hai vẫn đang ở lứa tuổi 20. Chìa khóa để dẫn đến thành công đó nằm trong sự kết hợp của nhiều yếu tố. Nó bao gồm tài năng sáng chói về kỹ thuật của những lập trình viên Microsoft trong thời kỳ đầu; nguồn năng lượng to lớn và tính đua tranh khốc liệt của bản thân Bill Gates; tầm nhìn độc đáo của ông: thấy trước cuộc cách mạng máy tính cá nhân sẽ xảy ra như thế nào và vai trò mà Microsoft có thể tham gia trong cuộc cách mạng này.
Người ta dễ dàng dè bỉu thành công của Microsoft cho rằng đó chỉ là một vận may khác thường nhờ kiếm được hợp đồng cung cấp hệ điều hành cho những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của IBM. Nhưng sự kiện đó không chỉ đơn thuần là may mắn. Bill Gates đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của bản hợp đồng với IBM. Ông biết rằng một hệ thống điều hành cung cấp một “mặt bằng” chung có thể làm thay đổi lịch sử của máy tính cá nhân. Và ông đã làm việc không biết mệt mỏi trong hơn 6 tháng để chắc chắn rằng khi thời cơ xuất hiện có rơi vào tay Microsoft. Bằng cách này ông đã tiếp sức cho vận may mình.
Người ta kể lại rằng khi chuẩn bị tìm đối sách thuyết phục IBM ký hợp đồng với mình, Gates đã nói với mẹ là sẽ không về nhà trong 6 tháng. Suốt thời gian này ông hầu như ăn ngủ luôn ở văn phòng, tập trung tâm trí để nghĩ cách giành được thương vụ này với IBM.
Ông hiểu rằng vụ làm ăn này vô cùng quan trọng. Đối thủ cạnh tranh chính trong hợp đồng này là Tập đoàn Digital Research, sở hữu hệ điều hành chạy trên máy tính Apple II – loại máy tính để bàn thành công nhất. Tuy nhiên, vào giai đoạn quyết định của các cuộc thương thảo thì nhân vật đàm phán chủ chốt của Digital Research lại đi nghỉ một tháng. Coi việc đi nghỉ là một biểu hiện của sự yếu kém, Gates đoan chắc là mình có thể lợi dụng sự vắng mặt này của đối thủ cạnh tranh.
Quyền năng của “những nhà trí thức dở người”
Từ chiếc nôi của cuộc cách mạng kỹ thuật số, một kiểu mẫu lãnh đạo kinh doanh mới đã ra đời. Đó là những người say mê công nghệ mà Bill Gates là người đi đầu. Gates là một điển hình về “quyền năng của những nhà trí thức dở người”. Sự thăng tiến nhanh chóng về danh vọng và tiền tài của cá nhân ông là hiện thân của một sự biến dịch trong chòm sao kinh doanh. Đã từng bị giới doanh nhân Hoa Kỳ coi là lỗi thời thì sau cuộc cách mạng tin học nổ ra các chuyên gia kỹ thuật, hay còn gọi là những “techie”, đã vươn lên tới vinh quang.
Có lẽ lần đầu tiên sự hiểu biết kỹ thuật ở tầm cao lại giữ một vai trò thiết yếu trong việc nắm bắt các khả năng mang tính chiến lược mà một thế giới mới chứa đựng nhiều thách thức của ngành công nghệ thông tin đã mở ra. Những nhà quản lý tổng quát kiểu truyền thống không còn thích nghi với xu hướng mới này nữa. Nhiều người trong số họ thậm chí không thể sử dụng được máy tính để bàn chứ chưa nói đến việc lập trình. Lớp doanh nhân mới ở Thung Lũng Silicon đóng khung trong những bộ đồ vét.
Những nhân viên mặc đồng phục xanh của công ty IBM từng chiếm ưu thế trong ngành kinh doanh máy tính qua hàng thập kỷ nay bỗng nhiên bị hụt hẫng trước sự chuyển đổi từ hệ máy mainframe sang máy tính cá nhân. Đứng ngay trước ngưỡng cửa của sự thay đổi này là Bill Gates, người đã sẳn sàng giữ vai trò dẫn đường để đưa mọi người bước vào mô hình mới này. Nhưng Bill Gates và Paul Allen, bạn thời trung học và là đối tác trong nghiên cứu phát triển ngôn ngữ máy tính, lại hoàn toàn khác so với những nhân viên của IBM.
Chàng trai Gates, với cặp kính cận dày cộm trên mắt, mái tóc đầy gàu và mặt nổi mụn, cùng Allen, một chàng trai hippy của cuối thập niên 60 còn sót lại với mái tóc dài thậm thượt và râu ria xồm xoàm đã cung cấp cho dân Mỹ một bức tranh biếm họa về chân dung của những tín đồ máy tính mà họ đã biết tại trường phổ thông. Nhưng điều quan trọng hơn là thái độ khó chịu của giới kinh doanh Hoa Kỳ dành cho thành phần trí thức mọt sách và giới chuyên viên kỹ thuật lần đầu tiên gặp phải sự thách thức nghiêm trọng.
Dựa trên những luật lệ bất thành văn lan truyền trong giới kinh doanh Hoa Kỳ thì ai muốn bước vào con đường thương mại phải hội đủ các tiêu chuẩn: lì lợm, quyết đoán, may mắn, và làm việc không biết mệt. Chỉ thông minh không thôi thì chưa thể xem là một yếu tố nổi trội. Trên thực tế, đôi lúc những người này còn bị coi là những kẻ khuyết tật, nhất là khi họ lại vụng về trong giao tiếp và lập dị trong cách sống. Theo Randall E.Stross thì những anh tài mới về máy tính đã “lội ngược dòng” truyền thống phản trí tuệ này, “Cách dùng từ để nói về những người này có thể khác đi – như vào những năm 1950 người ta gọi họ”egghead”*, sang đến tâph niên 70 thì họ lại bị gọi là “nerd”* - nhưng thông điệp truyền đi thì chỉ có một : Trí tuệ là của nợ chứ không phải là tài sản.”
* Trong tiếng Anh nghĩa của những từ này hàm ý trêu cợt, xúc phạm. Egghead dùng để chỉ những người rất thông minh nhưng thường chỉ quan tâm đến chuyện học thuật, sách vở.(Từ này được hình tượng hóa, do những người được coi là thông minh, uyên bác thường có trán cao trông như hình quả trứng!. Nerd là từ được dùng để cố tình sỉ nhục người nào đó về hình thức bên ngoài hoặc trong cách xử ngoài xã hội. Nerd còn có nghĩa là người quá thiên về khoa học kỹ thuật và không màng chi đến chuyện khác. (Microsoft Encarta Reference Library 2002)
Cho đến những năm 1970, những thần tượng của giới kinh doanh Mỹ vẫn còn là những người như Lee Iacocca, TGĐ điều hành của Chrysler – người có phong cách giống với ngôi sao điện ảnh Hollywood John Wayne, nổi tiếng với các vai cao bồi chính diện, hơn là diễn viên hài kịch lập dị Peewee Herman. Nhưng bỗng nhiên với sự chói sáng của Microsoft và Apple, những nhà tri thức dở người trở thành người thừa kế cả thế giới kinh doanh. Kỷ nguyên “quyền năng của những trí thức dở người” đã bắt đàu.
Tất nhiên ý nghĩa mang tính miệt thị của từ “nert” là chỉ dấu của một xã hội có giá trị được gắn kết với một loạt các tính cách và thái độ - thực ra đó là tàn tích của một thời đại mà những tài năng hữu hình, cụ thể cộng với tính thực tế được coi là những phẩm chất thèm muốn. Hiện nay chúng ta đang trải qua giai đoạn thay đổi về giá trị và được biểu hiện rõ nét nhất trong thế giới kinh doanh. Ở đó chúng ta đang chứng kiến sự vươn lên không ngừng của tầng lớp gọi là “người lao động có tri thức.”
Điều này thể hiện sự chuyển dịch quan trọng trong quyền lực kinh tế. Nó được so sánh giống như những thay đổi đã diễn ra trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp, khi đó việc ứng dụng công nghệ trong các nhà máy làm thay đổi các mô hình tuyển dụng lao động và phân phối tài sản, vượt xa khả năng nhận biết đương thời. Nhiều chuyên gia cho rằng kể từ lúc cuộc cách mạng công nghệ thông tin bắt đầu cũng là lúc mở màn cho những thay đổi quan trọng bậc nhất trong đời sống chúng ta. Tác động của chúng đối với thế giới kinh doanh là điều mà ai cũng đều có thể nhận thấy rõ ràng.
Trong kỷ nguyên của lao động tri thức, kiến thức về kỹ thuật và tính sáng tạo là những tài sản mới của các công ty. Kết hợp được những yếu tố này với tính nhạy bén trong kinh doanh và bản chất thích cạnh tranh cao, bạn quả thực sẽ trở thành một “giống chim quý hiếm”. Bill Gates chính là “giống chim quý hiếm” đó. Nhưng cộng thêm một chút may mắn khác thường, Gates đã vươn tới một đỉnh cao mà ở đó tài năng đặc biệt của ông được dịp nở rộ.
Ông chủ của hệ điều hành DOS
Bill Gates là nhân vật xuất hiện đúng lúc, đúng nơi. Tại một cuộc họp định mệnh với IBM vào 1980, tương lai của toàn bộ ngành công nghiệp máy tính – cũng có thể nói là của cả thế giới kinh doanh – đã chuyển qua một bước ngoặt bất ngờ. Các nhà quản lý của Big Blue (IBM) đã ký hợp đồng với một công ty phần mềm nhỏ đặt trụ sở tại Seattle để phát triển một hệ điều hành dành cho chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của mình. Họ nghĩ đơn giản rằng mình sẽ tiết kiệm được thời gian bằng cách thuê một công ty bên ngoài thực hiện giùm một khâu không quan trọng. Dẫu sao thì họ cũng là công ty kinh doanh phần cứng máy tính và đây mới chính là lãnh vực phát sinh tiền bạc và quyền lực thực sự. Nhưng họ đã sai lầm. Thế giới sắp đổi thay. Họ đã vô tình ký quyết định bàn giao vị trí đứng đầu thị trường của mình lại cho công ty Microsoft của Bill Gates.
Nhiều yếu tố đã tạo nên sự thành công của Bill Gates trong việc qua mặt IBM. Nhưng yếu tố quyết định chính là do một loại các sai lầm mà Big Blue gây ra do tự mãn vào thời điểm đó. Kết quả là IBM đã phung phí vai trò thống trị trong ngành công nghiệp máy tính. Một cựu nhân viên của IBM đã so sánh cung cách điều hành của IBM vào thời đó cũng giống như guồng máy quan liêu của nhà nước Liên Xô, nơi mà con dường để thăng tiến là phải làm vừa lòng cấp trên chứ không phải phục vụ những lợi ích thực sự của người dân. Thế là ông IBM phục phịch và tự mãn đã va phải anh chàng Microsoft nhanh nhảu và đói khát. Việc này cũng giống như dâng một con bò tót to béo ngái ngủ cho chú cá piranha chuyên tấn công và ăn thịt các động vật sống.
Gates đã may mắn. Nhưng nếu cũng chính cơ hội đó rơi vào tay một trong những đồng nghiệp của ông tại Thung Lũng Silicon thì kết quả đã có thể rất khác. Vớ được Bill Gates, IBM những tưởng mình đã tìm thấy một kẻ khù khờ, “không biết đá banh”. Nhưng chính ở những khoảnh khắc như thế mà lịch sử đã xoay chuyển. Đứng trước cơ hội ngàn năm một thuở này, Bill Gates không thể bỏ qua và tận dụng nó triệt để. Điều mà IBM không thể nhìn thấy thì Gates lại thấy rất rõ. Thế giới máy điện toán đang ở ngay trước ngững thay đổi lớn lao – những gì mà các lý thuyết gia về quản lý thích gọi là sự thay đổi mô hình. Gates hiểu theo cách mà tinh thần cảnh giác lỗi thời của IBM không thể hiểu nổi, rằng chính phần mềm chứ không phải là phần cứng là chìa khóa dẫn đến tương lai. Ông cũng thừa hiểu rằng với tư cách của một công ty lớn mạnh, đứng đầu thị trường như IBM, yêu cầu bức thiết của họ là phải thiết lập một chuẩn mực chung, còn gọi là hệ nền (platform), cho các ứng dụng phần mềm. Hệ nền đó sẽ là Q-DOS, một hệ điều hành đã có sẵn được Gates mua lại từ một công ty khác, và tại Microsoft nó được đổi tên thành MS-DOS. Nhưng thậm chí Gates cũng không thể tưởng tượng rằng hợp đồng mua bán đó sẽ mang lợi nhuận như thế nào đối với Microsoft.
Sự lúng túng của IBM đối với thị trường máy tính cá nhân
IBM đã chậm chân trên thị trường máy tính cá nhân. Công ty đang thống trị trong ngành kinh doanh hệ thống máy tính mainframe này đã không thể nhận ra tầm quan trọng – và mối đe dọa – từ sự phát triển của máy tính cá nhân gây nên. Thời điểm IBM quyết định gia nhập thị trường máy tính cá nhân vào năm 1980 thì Apple, công ty di tiên phong trong ngành kinh doanh máy tính để bàn, đã có giá trị thị trường là 100 triệu USD.
Frank Cary, chủ tịch của IBM vào thời đó, đã ra lệnh cho nhân viên của mình phải sản xuất được máy tính cá nhân mang nhãn hiệu IBM trước tháng 8 năm 1981. Vì quá vội vã để kịp thời gian, nhân viên chịu trách nhiệm dự án này đã sai phạm hai lỗi lầm cơ bản về mặt kỹ thuật. Cả hai lỗi lầm này đều xuất phát từ một quyết định duy nhất là tìm kiếm nhà cung cấp bên ngoài công ty cho hai chi tiết cơ bản của loại máy tính mới, gồm có bộ vi xử lý vốn được coi là trái tim của máy PC mới là hệ điều hành. Intel đã đồng ý cung cấp bộ vi xử lý và một công ty gần như vô danh đặt trụ sở tại Seattle đã đồng ý cấp hệ điều hành.
Việc cho ra đời loại máy tính cá nhân PC IBM thoạt tiên đã gặt hái được thành công về mặt thương mại. Nhưng công ty IBM cuối cùng tính ra để lọt hầu hết những lợi nhuận có được từ việc kinh doanh cá nhân của mình vào tay hai thành viên đối tác. Theo thỏa thuận ban đầu giữa IBM và Microsoft, Big Blue đồng ý tài trợ hầu hết các chi phí phát triển MS-DOS nhưng chỉ một mình Microsoft là được quyền cấp giấy phép sử dụng hệ điều hành cho bên thứ ba. Đây là một điều khoản chết người.
Khi ngành công nghiệp PC bùng nổ, hàng ngàn đối thủ cạnh tranh mới nhảy vào thị trường. Hầu hết tất cả các công ty này cuối cùng đều phải sử dụng hệ điều hành MS-DOS và phải trả tiền cho Microsoft cho đặc quyền này. Nhưng sai lầm của IBM không chỉ dừng lại ở đó. Khi biết mình đã sai lầm, IBM đã không hề nghĩ đến việc thương lượng lại hợp đồng cấp phép hay tìm cách chấm dứt hợp đồng với Microsoft. Thậm chí còn bí ẩn hơn nữa khi các nhà quản lý cấp cao của IBM lại thủ tiêu một hệ điều hành được phát triển trong nội bộ mà rất có thể đã phá vỡ sự thao túng thị trường máy tính cá nhân của Bill Gates.
Hơn một thập kỷ sau, IBM vẫn sản xuất nhiều máy tính cá nhân hơn bất kỳ công ty nào khác, nhưng bộ phận chuyên về hệ thống máy tính cá nhân của công ty đã bị thua lỗ. Những công ty duy nhất thu được những khoản lợi nhuận kếch sù từ ngành kinh doanh PC có sự cạnh tranh cao độ này là các nhà cung cấp bộ vi xử lý và hệ điều hành mà đến tận ngày nay vẫn còn chịu sự thống trị của Intel và Microsoft.
Bám lấy vận may
Bill Gates thừa thông minh để hiểu ra rằng nếu ông đi những nước cờ đúng thì hệ điều hành MS-DOS của ông có thể trở thành chuẩn mực công nghiệp. Vào thời đó thì bản thân hệ điều hành này cũng chỉ là một trong nhiều hệ điều hành khác đang xuất hiện trên thị trường.
Lúc đó nhiều người làm việc trong ngành công nghiệp máy tính cho rằng xét trên quan điểm thuần túy kỹ thuật thì MS-DOS có một nhược điểm nghiêm trọng. Công ty Apple đã tự khẳng định được mình là nhà cung cấp máy tính để bàn được lựa chọn hàng đầu. Những người sáng lập ra Apple đã mang đến cho ngành kinh doanh máy tính một dáng dấp và một cung cách mới. Máy tính của Apple phổ biến vì chúng dễ vận hành và thích thú trong sử dụng. Lúc đó tuy công ty chưa phát triển hệ điều hành Apple Macintosh dựa trên các biểu tượng nhưng đã có dấu hiệu cho thấy rằng người của Apple đã đi trước trong cuộc chơi này.
Nhưng Gates lại có một đồng minh quan trọng – một công ty IBM hùng mạnh hậu thuẫn cho hệ điều hành của mình. Big Blue (IBM) đã chiếm lĩnh ngành kinh doanh hệ thống máy mainframe trong nhiều năm và, tuy có phần hơi muộn, đang chuẩn bị tham gia vào thị trường máy tính cá nhân. Họ muốn dùng uy tín thương hiệu IBM của mình như một vũ khí quan trọng trong cuộc cạnh tranh trước mặt. Gates đã phán đoán đúng khi nghĩ rằng cơ hội tốt nhất để lập nên một chuẩn mực công nghiệp khác ngoài chuẩn xoay quanh hệ thống máy tính Apple sẽ nằm ở thời điểm xuất hiện của nhà sản xuất máy tính Apple sẽ nằm ở thời điểm xuất hiện của nhà sản xuất máy tín có uy tín nhất trên thế giới này trên thị trường máy tính. Trong nhiều năm IBM đã hãnh diện khoe khoang rằng “chưa từng một ai bị đuổi việc vì mua máy tính của IBM cả.” Lúc bấy giờ, máy tính IBM nổi tiếng về độ tin cậy vượt trội so với các đối thủ khác trong giới máy tính. Công ty này có khả năng giành được một thị phần lớn trên thị trường máy tính để bàn.
Việc máy tính mang nhãn hiệu IBM sắp sửa tràn ngập thị trường đồng nghĩa với việc hệ điều hành (HĐH) được sử dụng trong những chiếc máy này sẽ nhảy vọt lên vị trí thứ nhất hay thứ hai. Mỗi chiếc PC do IBM xuất xưởng hẳn sẽ được cài đặt HĐH MS-DOS của Microsoft. Đối với Microsoft, sự kiện này chính là con ngựa thành Troa trong truyện cổ Hy Lạp. Mỗi chiếc PC gắn mác IBM được mua về đặt chễm chệ trên bàn làm việc sẽ làm công việc quảng cáo không công cho HĐH của Microsoft đang ẩn sâu bên trong. Đây là một điều may mắn kỳ lạ đối với Bill Gates. Nhưng những gì xảy ra tiếp sau đó sẽ là lời giải thích dài dòng nguyên nhân tại sao chính Bill Gates, chứ không phải là Steve Jobs hay một nhà kinh doanh nào đó tại Thung Lũng Silicon, là người đàn ông giàu nhất thế giới hiện nay.
Đến cuối những năm 1970, Microsoft đã cấp phép sử dụng phần mềm của mình cho nhiều khách hàng. Trong năm 1977, Gates cung cấp phần mềm cho công ty Tandy, đồng thời cũng đã cấp phép phần mềm BASIC 6520 cho máy tính thế hệ Apple II của công ty Apple. Microsoft còn tiếp tục làm việc với nhiều công ty máy tính hàng đầu khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với những mục đích của Bill Gates. Microsoft lúc đó đã đang bắt đầu thiết lập một chuẩn mực công nghiệp bằng phần mềm của mình, đúng theo những gí mà Gates muốn. Và ông đã tiếp tục theo đuổi chiến lược này bằng MS-DOS.
Khác với quan điểm của Microsoft, Apple cho rằng cách duy nhất để bảo đảm chắc chắn chất lượng sản phẩm của mình là phải nắm chặt quyền kiểm soát mọi việc, kể cả HĐH Macintosh độc quyền của mình.
Apple không muốn bất kỳ ai khác “làm nhái” máy tính của mình. Trong nhiều năm Apple cương quyết từ chối cấp phép hệ điều hành Apple Mac cho những nhà sản xuất khác. Điều này có nghĩa rằng ai đó muốn sử dụng hệ điều hành “thân thiện với người dùng” của Apple người đó phải mua máy tính của Apple chứ không còn cách nào khác. Chiến lược này nghe có vẻ hợp lý, nhưng chỉ thích hợp với “luật chơi” cũ. Vấn đề đối với Apple thuộc về mô hình kinh doanh và tầm nhìn chiến lược. về khía cạnh này thì sản phẩm của Apple chỉ đi trước nhà khổng lồ phần cứng IBM có một thế hệ.
Apple kinh doanh cả phần cứng lẫn phần mềm. Mặc dù những nhà quản lý của Apple vẫn thừa nhận rằng khách hàng ngày càng đánh giá phần mềm vô hình có giá trị hơn phần cứng hữu hình nhưng về mặt chiến lược họ vẫn không thể tách hai mảng này.
Apple viện lý do là mình có được một sự kết hợp nguy hiểm. Họ cho rằng với Apple Mac họ có một hệ điều hành tốt nhất và một cỗ máy tuyệt vời nhất trên thị trường, vì vậy chuyện họ thống trị ngành công nghiệp máy tính để bàn chỉ còn là vấn đề thời gian. Sai lầm của họ là họ đã tin rằng công nghệ tốt nhất cuối cùng sẽ giành được chiến thắng. Đến khi họ kịp nhận ra sai lầm của mình thì Bill Gates và công ty Microsoft đã nắm giữ 80 phần trăm thị phần. (Nếu các nhà điều hành của Apple có để mắt theo dõi sự phát triển của máy thu băng video (VCR) một vài năm trước đó thì họ đã có thể nhận ra sai lầm của mình. Dù cho có trong tay một lợi thế rõ rệt về công nghệ, hệ thống video Betamax của Sony cuối cùng đã bị VHS – hệ thống video gia đình – làm chìm nghỉm).
Nhưng liệu Bill Gates có tiến được xa? Vào giữa những năm 1980, danh tiếng của Gates như một nhà lập trình siêu hạng đã được công nhận một cách rộng rãi.
Định luật Moore
Vào năm 1965, bằng những phát biểu mà sau này nổi tiếng dưới cái tên là định luật Moore, Gordon Moore, sáng lập nên công ty Fairchild Semiconductor, tiền thân của công ty Intel, đã xác định được tốc độ tăng trưởng sức mạnh của các bộ vi xử lý. Dựa trên tính toán của mình về tốc độ phát triển công nghệ, Moore đã dự báo rằng trong vòng 10 năm tới, số lượng các thành phần có thể lắp vừa vặn vào một bộ vi xử lý sẽ tiếp tục tăng gấp đôi sau mỗi năm.
Thực ra, ý nghĩa sâu xa của định luật này phải được hiểu là năng lực của các bộ vi xử lý mỗi năm sẽ tăng gấp đôi trong khi phí tổn sản xuất chúng lại tăng không đáng kể. Dự báo này trở nên chính xác một cách kỳ lạ. Nhưng vào đầu những năm 70, rất ít người hiểu được tầm quan trọng của ý nghĩa này đối với tương lai của ngành công nghiệp máy tính. Chỉ riêng một số kẻ “cuồng si máy tính” ở Seattle nghĩa rằng họ đã bắt đầu có manh mối.
Định luật Moore đã tạo hưng phấn để Gates và Allen lập ra công ty Microsoft. Gates thừa nhận công lao của Allen khi trình bày với ông Định luật Moore và chỉ ra tiềm năng thương mại trong ngành công nghệ bán dẫn có mức tăng trưởng tính bằng cấp số nhân. Theo Gates, “Hiện tượng tăng trưởng theo cấp số nhân là rất hiếm.” Ông nhớ là đã hỏi Allen một cách ngờ vực: “cậu nói nghiêm túc đấy chứ?”
Allen đã cực kỳ nghiêm túc. Những gì mà Allen và Gates hiểu, còn IBM và DEC lại không, chính là ẩn ý của định luật này. Dựa trên Định luật Moore, cả hai lý luận rằng nếu Moore đúng thì sức mạnh xử lý sẽ biến giấc mơ về chiếc máy vi tính trở thành sự thật trong một khoảng thời gian rất ngắn. Theo họ thì “điều này sắp sửa xảy ra” và thế là cả hai đã bắt tay vào việc chuẩn bị viết phần mềm cho những cỗ máy sắp xuất hiện.
Một số ít người không tin rằng ông là một trong những chuyên gia công nghệ (techie) tài năng nhất nổi lên từ sự xáo trộn trong cuộc cách mạng ở Thung Lũng Silicon. Tinh thần cạnh tranh và nỗ lực cá nhân vươn đến thành công của ông thật thần kỳ. Điều mà những người chỉ trích nghi ngờ chính là khả năng quản lý của ông. Họ hỏi liệu ông có đủ những kỹ năng và uy tín cần thiết để lãnh đạo một công ty đang nhanh chóng trở thành môt một đấu thủ lớn trong giới kinh doanh Hoa Kỳ hay không.
Khoảng năm 1984, tạp chí Fortune chê trách Gates vì đã thất bại trong việc phát triển năng lực quản lý để biến những thắng lợi nhất thời mà ông đã giành được sự thống trị lâu dài. Điều mà báo giới trong lãnh vực thương mại vẫn cần phải học tập là tầm cỡ của Gates vượt trên cả vai trò của một techie hay một nerd máy tính gặp vận may. Con người của Bill Gates phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta trộm nghĩ. Sự đăng quang của ông đã đánh dấu một giai đoạn chuyển đổi quan trọng đối với các cân quyền lực trong giới kinh doanh.
Thiết lập chuẩn mực
Quyết định giao cho Microsoft thực hiện hệ điều hành là một sai lầm mà IBM đã phải trả một giá quá đắt. Cũng tương tự như vậy, quyết định của Apple không cấp phép sử dụng hệ điều hành của họ cuối sùng đã trở thành quyết định ngăn cản Apple giành được một thị phần lớn và gần như đã làm cho công ty này phá sản. Đây là những sai lầm mà Bill Gates không hề có ý định lặp lại.
Cho đến ngày nay, hai quyết định định mệnh đó đã ngấm sâu trong cung cách hành xử của Microsoft. Điều quan trọng nhất là sự ý thức rằng công ty nào đã thiết lập được một chuẩn mực công nghiệp công ty đó sẽ gần như luôn thống lĩnh thị trường. Quan điểm đó luôn được nhắc đi nhắc lại với những ai làm việc cho Bill Gates.
Khẩu hiệu “Chúng tôi thiết lập nên chuẩn mực” của Microsoft ra đời thậm chí trước khi công ty ký hợp đồng với IBM. Nó nhấn mạnh sự rõ ràng trong tư duy của Gates ngay từ những ngày đầu, và giải thích được nỗi ám ảnh của ông trong việc muốn trở thành người đầu tiên đưa sản phẩm mới ra thị trường. Khẩu hiệu này cũng nói lên quyết tâm tiếp thị phiên bản mới của công ty ra thị trường khi có ai đe dọa giành lấy lợi thế của Gates. Trong một số trường hợp, Gates còn mua luôn toàn bộ một công ty phần mềm nào đó nếu ông tin rằng công ty đó vừa tạo được một bước tiến về công nghệ quan trọng có giá trị ứng dụng vượt qua công ty ông. Bằng cách này, Gates mới chắc chắn rằng Microsoft sẽ chiếm lĩnh thị trường đó ngay từ đầu. Đồng thời, ông có thể có được kiến thức công nghệ đó bằng cách lôi kéo những bộ não đã nghĩ ra công nghệ đó về dưới trướng của Microsoft.
Ngày nay, khẩu hiệu “Chúng tôi thiết lập nên chuẩn mực” vẫn là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của Bill Gates. Nó đồng thời còn là một lời nhắc nhở kịp thời cho bất kỳ ai trong công ty Microsoft lỡ quên đi tầm quan trọng của bài học IBM.
Phần mềm phổ dụng
Dù yêu mến hay căm ghét Bill Gates thì không ai có thể phủ nhận được sự thật là các phần mềm của Microsoft đang thống lĩnh ngành công nghiệp máy tính toàn cầu. Khoảng 80% máy tính cá nhân đang sử dụng một phiên bản phần mềm Windows bất kỳ của Microsoft. Ngoài ra, tuyệt đại đa số máy PC xuất xưởng đều được cài đặt phần mềm của Microsoft. Điều này cho phép Bill Gates có một lợi thế to lớn ban đầu so với mọi đối thủ của mình.
Trong những năm gần đầy, Gates đã cho thấy là ông rất lão luyện trong việc nâng vị trí thống lĩnh của Microsoft lên để nắm bắt các thị trường ứng dụng công nghệ thông tin mới. Một số người cho rằng ông đã sử dụng mọi phương tiện chiếm giữ thị trường phần mềm máy tính cá nhân để lồng ghép sản phẩm của Microsoft bán cho khách hàng. Mặt khác, Gates đơn giản chỉ làm một việc mà bất kỳ nhà kinh doanh nhạy bén nào cũng làm” giành lợi thế về cho mình.
Khi nhìn lại lịch sử máy tính cá nhân có lẽ thật dễ cho rằng vị trí thống lĩnh thị trường hiện tại của Microsoft như một món quà trời cho. Nhưng nhận định như vậy là quan sát cuộc cách mạng máy PC qua một lãng kính hẹp; giả định rằng thị trường máy tính cá nhân hẳn sẽ tự động cất cánh mà không cần đến hành động của những nhân vật chủ chốt như Bill Gates. Như thế thì quá phi thực tế. Một cách diễn giải khác là coi ưu thế của Microsoft như kết quả từ những sai lầm do người khác, chủ yếu là từ IBM và Apple. Nhưng nói vậy chúng ta lại đánh giá quá thấp vai trò của Bill Gates và những đồng nghiệp của ông ở Microsoft.
Yếu tố thời cơ
Trong kỷ nguyên của lao động trí thức, kiến thức về kỹ thuật và khả năng sáng tạo là những vốn liếng mới trong kinh doanh. Kết hợp được những vốn liếng này với tính nhạy bén trong kinh doanh cùng bản chất thích cạnh tranh cao, bạn sẽ trở thành một “giống chim hiếm”. Bill Gates chính là “giống chim quý hiếm” đó. Nhưng nhờ một chút máy mắn khác thường đã đưa ông lên một đỉnh cao mà ở đó tài năng đặc biệt của ông có thể phát triển nở rộ. Những bài học đầu tiên từ trường phái lãnh đạo kinh doanh theo kiểu Bill Gates là:
• Yếu tố thời cơ. Microsoft gặp một vận may to lớn vào năm 1980 khi IBM, lúc đó đang là công ty đứng đầu thị trường của ngành công nghiệp máy tính, ký hợp đồng với Bill Gates để phát triển hệ điều hành cho máy tính cá nhân đầu tiên của mình.
• Bám lấy vận may - đừng xử trí vụng về. May mắn chỉ đưa bạn đến đó. Vấn đề là bạn phải làm gì với vận may của mình, điều đó mới thật đáng nói. Có rất nhiều triệu phú ở Thung Lũng Silicon đã có thể trở thành tỷ phú nếu họ biết khai thác vận may của mình tốt như Bill Gates. Khi vận may ngàn năm một thuở rơi vào Bill Gates, ông ta nắm lấy nó bằng cả hai tay. Ông đã không ngừng khai thác để giành chiến thắng từ lúc đó và không hề biểu lộ dấu hiệu nào cho thấy là ông từ bỏ cơ hội của mình.
• Ai lập nên chuẩn mực, người đó sẽ chiến thắng. Điều mà Bill Gates hiểu, và những người khác thì không, là trong ngành kinh doanh máy tính, thị phần tự nó kéo dài sự sống cho nó. Một khi công ty đã thiết lập được một chuẩn mực công nghiệp rồi thì công ty khác khó lòng hất đổ được vị trí của nó để tiếm quyền. “Chúng tôi thiết lập nên chuẩn mực” là khẩu hiệu của Microsoft ngay từ những ngày đầu, trước cả lúc công ty ký được hợp đồng định mệnh với IBM rất lâu. Ngày nay, nó vẫn là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của Bill Gates.
• Lấn dần từng bước. Gates đã thành công trong việc dùng ảnh hưởng từ vị thế thống lĩnh thị trường của Microsoft để thiết lập phiên bản của riêng mình trong những phần mềm ứng dụng mới. Chính chiến lược marketing táo tợn này đã khiến cho các cơ quan chống độc quyền của chính phủ Hoa Kỳ phải tiến hành điều tra đại gia phần mềm này.
• Hãy để công nghệ học định hình chiến lược. Gates là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo kinh doanh thực sự hiểu được y nghĩa của công nghệ học. Điều này giúp ông đưa ra những quyết định mang tính chiến lược dựa trên tầm nhìn của riêng ông về hướng đi sắp tới của công nghệ.