Tôi thực sự hiểu cách viết phần mềm; có cả một thế giới mới về các chuẩn mực cần phải phát triển; người của chúng tôi rất tinh thông trong lĩnh vực này và không có ai khác đang làm điều đó.
BILL GATES
Bill Gates có niềm đam mê sống chết đối với máy tính cá nhân. Ngay từ những ngày đầu, Gates và người bạn đối tác Paul Allen đã nhận ra rằng máy tính cá nhân sẽ làm thay đổi tất cả. Hai người thường bàn luận đến tận khuya về tương lai của thế giới sau khi máy tính cá nhân xuất hiện. Họ thật sự tin rằng cuộc cách mạng máy tính sẽ diễn ra. “Nó sắp sửa xảy ra” là một tín điều đối với một Microsoft mới ra ràng, và họ sẽ viết phần mềm cho cuộc cách mạng này trở thành hiện thực. Điều mà cả hai không thể hình dung vào lúc đó là vai trò mà họ sẽ nắm giữ và những biến chuyển lạ thường từ các sự kiện đã khiến công ty họ nhảy tót lên vũ đài của thế giới. Nhưng thậm chí vào lúc đó họ đã biết trước được điều mà IBM cad những công ty sản xuất máy tính mainframe khác như Digital Equipment Corporation (DEC) chưa kịp nhận ra rằng: các công ty này đang rơi vào tình cảnh rất, rất khó khăn.
“Tôi còn nhớ ngay từ đầu chúng tôi đã tự hỏi: “Một khi máy tính trở nên mạnh và giá thành rẻ thì cánh cửa DEC sẽ ra làm sao nhỉ? Và điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với IBM?” Chúng tôi thấy dường như họ đã bị kẹt cứng ngắt. Chúng tôi nghĩ có thể những ngày sắp tới họ cũng vẫn còn bị kẹt cứng như thế. Chúng tôi nói với nhau rằng “Trời ơi, tại sao bọn họ lại chẳng chút sững sờ nhỉ? Tại sao mà họ lại chẳng hề kinh ngạc hay hoảng sợ gì chứ?””
Kiến thức vê công nghệ của Bill Gates là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công liên tục của Microsoft. Ông giữ quyền kiểm soát đối với những quyết định then chốt thuộc lĩnh vực này. Nhiều lúc, ông đã nhìn thấy được hướng phát triển tương lai của công nghệ học rõ ràng hơn những đối thủ của mình.
Những chiến binh mã lệnh
Gates là một trong số ít các TGĐ điều hành sáng lập công ty xuất thân từ giới kỹ thuật của ngành công nghiệp máy PC mà vẫn sống sót và phát triển mạnh bên giới kinh doanh PC. Niềm đam mê đối với công nghệ học đã tạo cho vai trò lãnh đạo của ông một ưu thế đặc biệt. Dù trở nên giàu có và kinh nghiệm trong kinh doanh, sâu thẳm trong tâm hồn, Gates vẫn giữ lại bản sắc khởi điểm của mình: một “techie” (chuyên gia kỹ thuật).
Gates coi việc “viết mã lệnh” – hay còn gọi là lập trình máy tính – là một loại lệnh gọi cao cả. Nhân viên của Microsoft được chia thành 2 loại: nhóm phát triển sản phẩm, bao gồm những lập trình viên giỏi nhất; và nhóm thứ hai gồm những những nhân viên còn lại.
Nhóm phát triển sản phẩm được quyền mua các cổ phần ưu đãi của công ty; văn phòng riêng của các lập trình viên tại bản doanh của Microsoft ở Redmond được ưu tiên giữ lại mỗi khi xảy ra tình trạng thiếu chỗ. (Cuối cùng do tình trạng phòng ốc quá nhiều người nên vào năm 1995 những nhóm phát triển sản phẩm nhỏ hơn phải dời đến một khu nhà phụ chỉ cách đó 1 dặm.)
Những đồng nghiệp tại Microsoft công nhận rằng vốn kiến thức về kỹ thuật của Gates giúp ông có được lợi thế hơn. Brad Silverberg, một thành viên nhóm phát triển hệ điều hành Windows nói: “Ông ấy có khả năng đưa ra những câu hỏi xác đáng. Ông còn nắm được các chi tiết phức tạp của một chương trình phần mềm rõ đến mức bạn sẽ thắc mắc: “Làm sao mà ông ta biết được điều đó?””
Chính Gates đã từng tuyên bố là ông có thể nhớ lại những “khối mã lệnh khổng lồ” nhiều năm sau khi ông sửa chữa nó lần cuối cùng. Vào những ngày xa xưa, đích thân ông duyệt xem từng dòng mã lệnh. Nhưng ngày nay ông không thể thực hiện được điều đó dù ông rất quan tâm đến tất cả các sản phẩm mới của Microsoft.
Theo lời ông: “Tất nhiên tôi có thể sử dụng tất cả các sản phẩm mà chúng tôi có, nhưng tôi không thể nào duyệt hết tất cả các mã lệnh đã viết. Vai trò của tôi tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng chiến lược và định hướng phát triển cho nhân viên cũng như cách thức họ làm việc với nhau như thế nào. Có rất nhiều sáng kiến ra đời và tôi phải chọn ra cái nào là quan trọng, sau đó truyền đạt lại cho người sử dụng. Tất cả đều rất quan trọng.”
Mặt khác theo quan điểm của Bill Gates thì kinh doanh không đòi hỏi những kiến thức chuyên môn đặc biệt. Năm 1992, ông đã nói “Nếu bạn giỏi toán học thì bạn sẽ hiểu được kinh doanh. Nó không phải là một môn quá sâu xa gì.” Ông còn cho rằng nó “chỉ đòi hỏi 10% “chu kỳ trí tuệ” của riêng ông mà thôi.”
Bắt đầu từ khi còn trẻ
Sở thích nổi tiếng của Gates là tuyển dụng những sinh viên xuất sắc nhất thẳng từ các trường đại học. Thoạt tiên công ty chỉ tuyển những người tài giỏi mà Gates và Allen biết ở trường. Họ được gọi là “những người bạn thông minh”. Nhưng khi Microsoft chuyển từ Albuquerque về Seattle thì công ty cạn kiệt những người bạn thông minh và phải chuyển sang tìm kiếm “những người lạ thông minh.”
Trong nhiều năm, công ty đã mở rộng những kỹ thuật và sở thích tuyển dụng đặc biệt của riêng mình. Ngay từ những ngày đầu, Gates đã nhận thấy rằng phương pháp phát triển phần mềm của ông chỉ có thể được nuôi dưỡng tốt nhất giữa “những người còn rất trẻ và chưa có mấy kinh nghiệm.”
Vì vậy vào năm 1994 khi tuổi trung bình của nhân viên Microsoft tăng đến 31 thì Gates đã thú nhận rằng ông mong muốn được nhìn thấy tỷ lệ nhân viên được tuyển trực tiếp từ trường đại học sẽ quay lại con số 80% như những năm đầu. Ông nói: “Giới trẻ sẵn sàng học hỏi hơn và luôn đưa ra những ý tưởng mới.”
Mối giao duyên giữa Gates và máy tính bắt đầu từ những năm trung học. Vào thời đó, rất ít trường có khả năng cho phép học sinh sử dụng máy tính, nhưng trường Lakeside của Bill Gates là một ngoại lệ. Gates đã thực hiện vụ giao dịch kinh doanh đầu tiên về máy tính của mình lúc 13 tuổi khi ông đồng ý tìm kiếm những lỗi phần mềm để đổi lấy thời gian sử dụng máy tính miễn phí. “Tôi thật may mắn khi được tiếp xúc với máy tính từ khi còn ít tuổi. Máy tính lúc đó rất đắc đỏ và hạn chế về chức năng nhưng vẫn thật quyến rũ.”
Đối với cậu bé Gates thì sự khám phá ra máy tính đã mở ra một chân trời hoàn toàn mới mẻ. Những gì mà Gates và những người bạn niên thiếu của cậu – chứ không phải những người lớn đang làm việc trong ngành công nghiệp máy tính – có thể thấy được chính là tiềm năng to lớn của máy tính trong việc làm thay đổi cuộc sống của con người. Lập luận phổ biến vào thời đó là máy tính chỉ thuộc về công sở và sẽ mãi đặt ở đó. Nhưng với Gates và các bạn của mình thì tiềm năng của nó còn lớn hơn nhiều. “Tôi cùng một số người bạn đã thảo luận về điều đó rất nhiều và nhất trí rằng, nhờ phép mầu của công nghệ vi điện tử, chúng sẽ biến đổi thành một cái gì đó mà ai cũng có thể sử dụng được. Chúng tôi không thấy bất kỳ một giới hạn nào đối với tiềm năng của máy điện toán và chúng tôi thực sự cho rằng viết phần mềm là một công việc đòi hỏi sự tinh tế. Vì vậy chúng tôi tuyển dụng những người bạn viết phần mềm để xem máy điện toán thực sự là loại công cụ gì – một công cụ dành cho Thời đại Thông tin có thể phóng đại sức mạnh trí tuệ của bạn thay vì chỉ sức mạnh cơ bắp.”
Lợi thế to lớn khác mà Bill Gates và những người bạn ở Microsoft có là họ được tham dự vào sự phát triển của máy tính cá nhân ngay từ những ngày đầu. “Nhờ theo đuổi lĩnh vực này với một sự tập trung cao độ và nhờ có mặt ngay từ lúc ngành công nghiệp này còn sơ khai nên chúng tôi có khả năng xây dựng một công ty nắm giữ vai trò trọng tâm trong một cuộc cách mạng khá lớn. Bây giờ thật may mắn là cuộc cách mạng cũng vẫn chỉ đang trong giai đoạn đầu. Đã 23 năm trôi qua kể từ khi chúng tôi sáng lập công ty. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, nếu chúng theo những thói quen mà mình đã hình thành và kiên trì với chúng thì 23 năm tới sẽ đem lại cho chúng tôi nhiều tiềm năng hơn nữa và thậm chí có thể đưa chúng tôi tiến gần đến viễn cảnh ban đầu của mình là “Nhà nào trên bàn cũng có một máy tính.””
Tuy nhiên sự trẻ trung của họ cũng gây ra một số khó khăn. Khi mới lập ra Microsoft, Gates và người bạn Paul Allen đã trải qua nhiều rắc rối để dược những đối tác trong ngành thừa nhận một cách nghiêm túc. Gates đã nói: “Đầu tiên bạn sẽ gặp phải sự ngờ vực. Nếu bạn còn trẻ thì rất khó thuê văn phòng. Bạn cũng không thể thuê xe khi chưa đủ 25 tuổi, vì vậy lúc đó tôi luôn phải đi taxi để gặp khách hàng. Và khi ai đó đề nghị tôi đi bàn công chuyện ở quán bar thì, ái chà, tôi lại chưa đủ tuổi để được phép bước vào những nới đó.”
Nhưng trẻ tuổi cũng có lợi thế của nó. Chỉ ở một thời điểm duy nhất: khả năng nhạy bén trong kinh doanh của Gates thường bị đánh giá thấp trong những ngày đầu. Jack Sams, một trong những giám đốc của IBM, người đã ký hợp đồng với chàng Gates 21 tuổi để cung cấp hệ điều hành cho máy IBM PC kể lại: “Khi anh ta xuất hiện tôi cứ ngỡ anh ta là một cậu bé chạy việc ở văn phòng.”
Đó là một sai lầm mà IBM phải hối tiếc. Gates hiểu được ấn tượng mà sự trẻ trung của ông tạo nên và sử dụng nó như một lợi thế.
Nhiều năm sau ông nhận xét: “Thật buồn cười, bởi vì lúc đầu còn nghi ngờ thì người ta thường nói “Ồ, thằng nhóc này chẳng biết gì cả.” Nhưng khi bạn chứng minh cho họ thấy bạn có một sản phẩm tốt và bạn biết được điều đó thì họ thật sự dễ trở nên sốt sắng quá mức. Vì vậy, ít ra là ở đất nước này, sự trẻ trung là một tài sản vô giá cho chúng ta một khi đạt đến một ngưỡng cửa nào đó.”
Thời trang của những gã cù lần
Một mục tiêu khác mà chàng Gates “cù lần” cũng đã đạt được tại Microsoft là làm cho việc phát triển phần mềm lần đầu tiên trở thành “mốt”. Một phần, khi Gates và nhóm bạn trường Lakeside bắt đầu ăn dầm ở dề tại phòng máy tính của trường thì bị coi là những tên “cù lần”. Sau này khi những công ty như Microsoft và Apple trở nên nổi tiếng thì nhận thức của số đông bắt đầu thay đổi.
Vào giữa những năm 1980, được vào làm việc trong ngành công nghiệp máy tính thì thật là “sướng tê người”. Trên khắp nước Mỹ, những sinh viên đại học giỏi nhất đều ấp ủ sẵn trong đầu mình một sự nghiệp mới. Họ không đủ kiên nhẫn chờ đến ngày cầm lấy mảnh bằng tốt nghiệp rồi mới tìm đến Thung Lũng Silicon hay bản doanh của Microsoft, nơi mà mọi mơ ước của họ đang thực sự hối hả diễn ra. Microsoft có nếp văn hóa riêng của mình, hợp thời một cách đặc biệt, và thiên về kinh doanh. Vào thời đó, Gates và các đồng nghiệp tại Microsoft đã sáng chế ra ngôn ngữ của riêng mình, dựa trên những tiếng lóng mà họ thường sử dụng từ ngày còn là những tay hacker máy tính ở trường. Sau đây là một vài ví dụ:
• Dogfood: từ được các lập trình viên ở Microsoft dùng để chỉ những phần mềm bị lỗi; phần mềm không đủ hoàn chỉnh để bán nhưng đủ để sử dụng trong nội bộ.
• Selftoast: mâu thuẫn với chính mình.
• Vaporware: một sản phẩm không bao giờ được mang ra bán vì một lý do nào đó.
• Face-mail: cuộc chuyện trò mặt nhìn mặt nhau ở trong phòng (ngược lại với voice mail – thư thoại hay e-mail – thư điện tử)
• Braindump: chuyển giao kiến thức kỹ thuật.
Không ngừng Nghiên cứu và Phát triển
Xuất thân từ lĩnh vực kỹ thuật nên Bill Gates hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào nghiên cứu. Ông đã dùng một phần rất lớn trong doanh thu của Microsoft chi cho nghiên cứu và phát triển. Vào năm 1984, Tạp chí Forbes chuyên tổng hợp danh sách những nhân vật giàu nhất thế giới hàng năm đã nhận xét rằng tên của Gates sẽ không bao giờ xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ bởi vì ông đổ quá nhiều tiền vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D).
Gates công nhận rằng ngân sách dành cho nghiên cứu quá lớn, đến mức mất cân đối, là một trong những lý do chính tạo nên thành công cho Microsoft. Nhưng ông cũng nói đó là một chính sách mà các công ty khác có thể dễ dàng làm theo. Bằng cách đổ những khoản tiền khổng lồ trích từ doanh thu của công ty vào công tác nghiên cứu và phát triển, Gates đã bảo đảm cho Microsoft luôn tìm thấy những cơ hội trong sự kiện trọng đại sắp xảy ra. Trong khi các công ty máy tính khác ngủ quên trong chiến thắng thì phòng thí nghiệm của Microsoft vẫn đang phát triển những sản phẩm cho 5 năm tiếp theo.
Microsoft tuy không phải là công ty giàu sáng kiến nhất thế giới nhưng chưa có công ty nào sánh ngang với Microsoft về khả năng tiếp nhận ý tưởng và biến chúng thành những mục tiêu thương mại. Gates đã nhiều lần chứng minh rằng nghiên cứu phát triển không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc đưa ra sáng kiến. Trong nhiều trường hợp, nhiều công sức đã được tập trung vào việc nghiên cứu xem khách hàng muốn sử dụng các ứng dụng như thế nào và phát triển sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của họ để dễ bán. Theo Gates, không nên quá coi trọng việc phát hiện những điều mới mẻ. Ông thích sục sạo tìm những giải pháp đang có sẵn, sửa đổi cho thích hợp, hơn là lúc nào cũng mất thì giờ sáng tạo những gì đã có sẵn và đang hữu dụng.
Đừng mất thì giờ sáng tạo những gì đã có sẵn và còn hữu dụng.
Những đối thủ của Microsoft thường tuyên bố rằng công ty này không có thế mạnh trong việc giới thiệu những cái mới và có một thành tích nghèo nàn trong việc tạo ra các sản phẩm phần mềm hoàn toàn mới. Mike Zisman của công ty Lotus, một đối thủ kỳ cực của Microsoft, nhận xét: “Tôi không sợ Microsoft.
General Motors đọ với Microsoft
Nhà quản lý bậc thầy Tom Peters chỉ ra rằng thế giới bắt đầu thay đổi vào một ngày giữa năm 1992. Vào thời điểm đó, giá trị cổ phiếu của Microsoft trên thị trường chứng khoán lần đầu tiên đã vượt qua General Motors. Hôm đó Phố Wall đã đánh giá Microsoft, một công ty gần như không sở hữu một tài sản vật chất nào ngoài một vài tòa nhà ở Redmond, bang Washington, cao hơn General Motors (GM) với hàng loạt nhà máy, văn phòng và hàng hóa. Đây là điều mà chỉ trước đó vài năm không ai dám nghĩ đến.
Bằng việc đầu tư rất lớn trong doanh thu của công ty mình vào việc nghiên cứu và phát triển, Gates đã liên tục bổ sung nguồn vốn trí tuệ cho Microsoft. Theo Johan Roos, giáo sư về chiến lược kinh doanh tại trường IMD nổi tiếng thế giới của Thụy Sĩ thì GM là hiện thân của kỷ nguyên công nghiệp trong khi Microsoft là biểu tượng cho kỷ nguyên mới: kỷ nguyên thông tin.
Sự xoay chuyển này có thể được giải thích như thế nào? Giáo sư Roos nêu ý kiến: “Mấu chốt của sự kiện đó là chính những cá nhân mới là ngồn lợi thế cạnh tranh chính yếu chứ không phải tài sản vật chất mà công ty đang sở hữu và kiểm soát.
“…Nguồn vốn trí tuệ, xét như một khái niệm, nói đến khả năng kiếm tiền trong tương lai của một công ty nhiều hơn bất kỳ cách tính toán hiệu năng hoạt động truyền thống mà chúng ta hiện đang sử dụng. Nếu đột nhiên 50 lập trình viên hàng đầu của Microsoft rời bỏ công ty thì có lẽ cổ phiếu của nó sẽ theo đó sụt giảm mạnh.”
Công ty này chẳng bao giờ phát minh được gì cả.” Nhưng chính phong thái vênh váo, tự cao tự đại đó lại tô điểm thêm sức mạnh thực sự của những thầy phù thủy phần mềm tại Redmond: họ rất, rất xuất sắc trong việc tiếp thu ý tưởng và biến chúng thành những sản phẩm hữu dụng.
Trên thực tế, bản thân Gates không phải là một nhà tư duy độc đáo và ông thực sự cũng không ngưỡng mộ những ai luôn thôi thúc phải tìm ra các giải pháp mới mẻ. Ông cho rằng gần như ai cũng chỉ có một ý tưởng sáng giá nhất trong cuộc đời. Ông tin rằng các gần như giải pháp đã tồn tại ở đâu đó và ta chỉ cần tìm ra chúng. Ông tuyên bố đó là khả năng đặc biệt của mình: nhận diện các giải pháp, thủ đắc chúng và phát triển chúng thành những sản phẩm thành công về thương mại.
Thậm chí DOS, hệ điều hành đem lại tiếng tăm cho Microsoft, cũng không phải do Gates và Allen tạo ra đều tiên. Allen mua một phiên bản hệ điều hành có tên là Q-DOS từ một công ty máy tính khác, Seattle Computer, với giá 50.000 USD. Microsoft đã phát triển nó và giao nó cho IBM để dùng trong máy PC đầu tiên của họ. Kết quả là Gates và Allen đã thu được hàng tỉ đô la.
Điều mà công ty Microsoft cũng đã tự chứng tỏ mình giỏi đó là khả năng định hướng phát triển tương lai cho ngành công nghệ, đáng chú ý nhất là sự phổ biến lại hình truyền thông đa phương tiện. Ví dụ như khi CD-ROM mới xuất hiện, công nghệ này vẫn chưa được dễ dàng tiếp nhận thì Gates đã tài trợ cho một loạt các hội nghị để quảng bá loại công nghệ mới này. Những sự kiện này đã cổ vũ cho ý tưởng chính đáng của công nghệ mới này và đặt Microsoft vào tâm điểm của phong trào phát triển CD-ROM.
Khi vẫn chưa được công chúng quan tâm, Gates chợt nhận ra rằng đây là chính là do vấn đề luẩn quẩn “con gà và quả trứng”. Các nhà sản xuất phần cứng sẽ không lắp đặt ổ CD-ROM vào máy tính của mình nếu chưa có ai sản xuất các đầu tựa CD cho người sử dụng. Cùng một lập luận, sẽ không ai muốn đầu tư phát triển các đầu tựa cho đĩa CD khi chưa có sẵn phần cứng sử dụng chúng. Hậu quả của sự bế tắc này dẫn đến việc cản trở con đường phát triển của ngành công nghệ mới. Gates đã chỉ đạo cho các chuyên viên của mình nỗ lực gấp đôi để nhanh chóng tạo ra một số đầu tựa CD. Kết quả là một loạt các đầu tựa CD tham khảo xuất hiện, cuối cùng sự ra đời của Encarta, quyển từ điển bách khoa đa phương tiện đầu tiên. Và công nghệ CD-ROM đã tìm được con đường phát triển mạnh mẽ của nó như chúng ta đã thấy.
Chính nhờ vào tình yêu đối với máy tính mà Gates mới duy trì được vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp máy tính, một ngành rất dễ đánh mất ưu thế vào tay kẻ khác. “Vấn đề mấu chốt là bạn phải yêu thích công việc hàng ngày của bạn. Đối với tôi đó là được làm việc với những con người rất thông minh và bận bịu với những vấn đề mới. Mỗi khi chúng tôi nghĩ “Này, chúng ta đã có một chút thành công rồi đấy”, chúng tôi lại phải khá cẩn thận không được quá say men chiến thắng bởi vì điều này sẽ trở thành rào cản với chúng tôi ngay lập tức. Chúng tôi luôn nhận được thông tin phản hồi từ phía khách hàng than phiền rằng máy móc quá phức tạp và không được tự nhiên lắm. Cuộc cạnh tranh, những bước đột phá trong công nghệ và công tác nghiên cứu làm cho ngành công nghiệp máy tính, và đặc biệt là lĩnh vực phần mềm, trở thành một đấu trường đầy sự kích thích, và tôi cho rằng mình đang làm được việc tốt nhất trong công việc kinh doanh này.”
Niềm say mê công nghệ học
Loạt bài học thứ hai từ trường phái kinh doanh kiểu Bill Gates: Am hiểu công nghệ. Trong thời đại lao động tri thức, cần phải có một techie (chuyên gia kỹ thuật) để điều hành một công ty như Microsoft. Chỉ một ai đó sở đắc uyên thâm các kiến thức công nghệ người đó mới có thể thực sự hiểu được những gì đang diễn ra trong ngành, có thể nhận biết được những khuynh hướng và đề ra chiến lược.
Tạo nên một cung cách ứng xử trong kinh doanh qua đó nhận ra được tầm quan trọng của các chuyên gia kỹ thuật. Hầu hết các công ty điều đánh giá các nhà quản lý tổng thể cao hơn các chuyên gia. Nhưng ở Microsoft, các chuyên viên phát triển phần mềm lại giữ vai trò quan trọng hơn các nhà quản lý.
Khởi đầu khi còn trẻ. Niềm đam mê máy tính của Gates bắt đầu từ khi ông vẫn còn đang học trung học. Lúc bấy giờ, rất ít trường có khả năng cho phép học sinh sử dụng máy tính nhưng trường Lakeside mà Gates theo học là một ngoại lệ. Gates thực hiện dao dịch đầu tiên của mình trong ngành kinh doanh máy tính lúc 13 tuổi khi ông đồng ý tìm kiếm các lỗi phần mềm để đổi lấy thời gian sử dụng máy tính miễn phí
Đầu tư nhiều hơn ai hết. Bằng cách đổ một số tiền khổng lồ từ doanh thu của công ty vào việc nghiên cứu và phát triển, Gates bảo đảm được rằng Microsoft luôn tìm kiếm được cơ hội từ những điều trọng đại sắp đến. Trong khi các công ty máy tính khác ngủ quên trên chiến thắng thì phòng nghiên cứu phần mềm của Microsoft vẫn miệt mài phát triển những sản phẩm cho 5 năm kế tiếp.
Đi đầu trong công nghệ để định hình cho tương lai.Mặc dầu Microsoft không phải là một công ty phát minh siêu việt nhưng nó rất lão luyện trong việc tiếp nhận các ý tưởng hay, phát triển và biến chúng thành những sản phẩm thành công về thương mại. Trên thực tế, bản thân Gates không phải là một nhà tư duy độc đáo và ông thực sự cũng không ngững mộ những ai luôn bị thôi thúc phải tìm ra các giải pháp mới mẻ. Ông cho rằng gần như ai cũng chỉ có một ý tưởng sáng giá nhất trong suốt cuộc đời. Ông tin rằng gần như giải pháp đã tồn tại ở đâu đó và ta chỉ cần tìm ra chúng. Ông tuyên bố đó là tài năng đặc biệt của mình. Gates cũng không ngần ngại huỵt toẹt rằng ông sẵn sàng sử dụng sức mạnh của Microsoft để hỗ trợ cho những công nghệ mới như truyền thông đa phương tiện mà sau này đã định hình cho tương lai.