Gates là một kẻ ngoan cố. Đó mới chính là điều đáng sợ…Ông ta luôn quay lại, như một nỗi ám ảnh ghê rợn của kiểu tra tấn bằng nước của người Trung Hoa (cho nước nhỏ đều từng giọt lên đầu nạn nhân). Loại hình giải trí của ông ta là xé người ta ra thành từng mảnh nhỏ.
STEWART ALSOP, TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ PC LETTER.
Bill Gates là một người có tinh thần cạnh tranh quyết liệt và là kẻ mê say chiến thắng. Điều này khiến ông trở thành một đối thủ cực kỳ khó chịu. Ông không hề giấu diếm điều này và luôn công khai nói lên quyết tâm làm lụn bại các đối thủ của mình.
Việc tiếp thị sản phẩm của Microsoft, gồm cả việc nâng cấp thường xuyên làm cho các phiên bản phần mềm ra trước đó trở nên lỗi thời, đã làm xáo động nội tình chính phủ Mỹ. Những sự việc có liên quan, gồm một loạt các khiếu nại từ các đối thủ trong ngành công nghiệp máy tính, đã khiến cơ quan chồng độc quyền liên bang phải quan tâm. Cơ quan này đã tiến hành kiểm tra Microsoft vì những cáo buộc về những thủ đoạn phản cạnh tranh của công ty này. Tuy nhiên vẫn chưa có vụ việc nào được chứng minh. Gates quyết liệt bênh vực cho chiến lược tiếp thị của công ty. Ông tuyên bố rằng Microsoft đã có ảnh hưởng tích cực lên sự lựa chọn của khách hàng. Bất chấp kết quả của cuộc điều tra ra sao chăng nữa, không ai có thể phủ nhận rằng Gates là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm và một nhà chiến lược về tiếp thị siêu hạng. Theo tạp chí Fortune, doanh nghiệp nào muốn thành công phải kết hợp trong mình cả 3 loại người: một người mơ mộng, một nhà kinh doanh và một kẻ đáng ghét. “Bill Gates hội đủ ba yếu tố này. Chúng giúp ông nổi lên như một nhà kinh doanh lập nghiệp với hai bàn tay trắng thành công nhất thế giới chưa từng biết đến.” Người ta nói rằng khi nhắc đến cạnh tranh, Gates đều coi mọi đối thủ như nhau, còn các đối thủ cạnh tranh của Gates lại đề cập đến ông như một nhân vật đặc biệt.
Từng bước lấn sân
Mọi người đều thừa nhận rằng Gates rất giỏi trong việc dùng ảng hưởng từ vị thế thống lĩnh thị trường của Microsoft để dọn đường thâm nhập vào các thị trường mới và đang xuất hiện. Sự thật là nếu bạn sở hữu một hệ điều hành đang chạy trên 80% máy tính trên toàn thế giới thì bạn sẽ có rất nhiều lợi thế trong việc đàm phán và tiếp thị. Nó không chỉ sinh ra lượng tiền mặt khổng lồ phục vụ cho tái đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới mà còn mang đến những cơ hội độc nhất vô nhị cho việc cung cấp trọn gói các sản phẩm phần mềm.
Trong một số trường hợp, Gates đã sử dụng ưu thế thị trường của mình một cách hiệu quả để làm “tắt đài” các đối thủ cạnh tranh. Ông không bao giờ e ngại phải gây chiến với các đối thủ lớn. Điều đó đã được chứng minh khi Apple lớn tiếng cho rằng việc độc chiếm giao diện đồ họa Windows đã đem lại cho Gates quá nhiều quyền lực, hay sau đó khi Apple và IBM bắt tay nhau để lật đổ ông, hoặc khi ông tiến hành cuộc chiến về cơ sỏ dữ liệu với công ty Borland. Thành công mà Bill Gates giành được trong những cuộc chiến tranh này nọ như vậy đã khiến những kẻ đầu tư khôn ngoan ở Thung Lũng Silicon không bao giờ đặt cược cho phía đối thủ của Microsoft.
Nếu không thể đánh bại họ, hãy mua đứt họ
Tính thực dụng của Gates còn lan rộng đến cách ông tung tiền ra để mua vé vào cửa của những thị trường then chốt. Gần như lúc nào ông cũng sẵn sàng cất công để thu mua chất xám của các công ty khác rồi gắn kết nó vào hệ thống của Microsoft. Ví dụ như khi đối mặt với nhu cầu phải tạo ra những sản phẩm cơ sở dữ liệu để cạnh tranh vơi Borland, Gates đã chi 170 triệu USD để mua chương trình Foxpro, một phần mềm đã được một ty khác phát triển.
Thực ra thì đó là một chiến lược mà Gates đã nhiều lần sử dụng. Ví dụ như năm 1982, ông đã mua phần cơ bản của HĐH DOS từ một công ty máy tính nhỏ có tên là Seattle Computer và tiếp tục phát triển nó thành một chuẩn mực công nghiệp. Và Gates không chỉ sẵn sàng thâu tóm phần mềm. Đôi khi, Gates còn mua cả những công ty chỉ với mục đích sỡ hữu chất xám của những lập trình viên xuất chúng, những người thường có một vai trò quan trọng ở những công ty nhỏ. Trong những trường hợp đó, Gates có thể đề nghị cái giá hấp dẫn vài triệu đô la để thuyết phục công ty đó cho phép những lập trình viên chủ chốt gia nhập Microsoft. Bằng cách này, ông có thể nhanh chóng mang về cho Microsoft rất nhiều chất xám thuộc lĩnh vực kỹ thuật.
“Chúng tôi đã mua nhiều công ty nhỏ, và tôi thường nói rằng điều đó mang ý nghĩa sống còn đối với chúng tôi. Những công ty này tự thân chúng không thể thành công, nhưng một khi khả năng của chúng được kết hợp với khả năng của chúng tôi thì cả hai có thể tạo nên những sản phẩm tốt hơn nhiều so với lúc chúng tôi chưa kết hợp lại.”
Chung sống với kẻ thù
Dù lời lẽ có cực kỳ hiếu chiến, Gates có điểm đặc biệt là không bao giờ để lòng thù hận, ác cảm tác động đến những quyết định làm ăn của mình. Là một người rất thực dụng, nhiều lần Gates đã khai chiến toàn diện với đối thủ trong nhiều năm để rồi cuối cùng đảo ngược thái độ, bắt tay với đối phương để hợp tác khi việc này có lợi cho ông ta. Trong hầu hết trường hợp, chiến trường được giải quyết theo điều kiện của Gates.
Trong những năm gần đây, ông đã vui vẻ đổ tiền vào Apple để cứu vãn công ty này dù nó đã từng công kích vị thế trên thương trường của Windows.
Trong khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thường kiên định với thái độ hung hãn của mình, cho phép ác cảm cá nhân xen vào những quyết định kinh doanh thì Gates luôn tỏ ra là người hành động theo lý trí. Các nhà phê bình cho rằng, trong một số trường hợp, Gates cũng đã cho phép cảm xúc được quyền lấn lướt hơn, nhất là khi lòng căm ghét đặc biệt đối với một vài đối thủ nào đó làm lu mờ óc phán đoán của ông. Tuy nhiên không có bằng chứng nào về lời nhận định này. Ngược lại, như một đứa trẻ được nuông chiều luôn làm mình làm mẩy để đạt được ý muốn, Gates có lẽ đã cá nhân hóa cuộc chiến trong một lúc nào đó, nhưng ông chỉ nhằm mục đích tập trung sức mạnh cho Microsoft.
Trong một ngành công nghiệp đòi hỏi phải đặt hết tâm huyết vào, Gates có khả năng đặc biệt tránh không để chuyện riêng tư xen vào những quyết định kinh doanh. Bất kỳ điều gì ông làm, cho dù có nguy cơ gây tổn hại cho công ty khác, cũng chỉ thuần túy nhắm đến mục đích thương mại. Điều quan trọng đối với Gates là phải chiến thắng, mà để làm được điều đó thì ông phải đánh bại kẻ thù, nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ không hợp tác với họ vào một ngày đẹp trời nào đó sau này. Sách lược này khiến ông trở thành một kẻ đối đầu nguy hiểm, đáng sợ hơn so với những đối thủ có tính khí nóng nảy hay ruột để ngoài da.
Cạnh tranh với Bill Gates cũng giống như đang đấu cờ với ông. Ông luôn nghĩ ra trước nhiều nước đi và sẽ trừng phạt sai lầm của đối thủ với một thái độ dửng dưng không thương xót. Đó là lý do tại sao rất nhiều trong ngành công nghiệp máy tính sợ ông.
Quản lý sự rủi ro
Ngoài phương pháp kinh doanh vô cảm và thiên về phân tích khoa học của mình, Gates còn là một người biết đánh giá rủi ro một cách rất khôn ngoan. Đây là điều mà ông đã rút ra được trong lúc kinh doanh. Nhưng trong khi những người không chấp nhận rủi ro thường có khuynh hướng trì hoãn các quyết định thì Gates là người duy nhất biết quá rõ rằng trong ngành công nghiệp máy tính, tốc độ thay đổi diển ra nhanh đến nỗi nếu không hành động thì sẽ còn gặp rủi ro khôn lường. Ông biết rằng rủi ro cần phải được mang ra làm đối trọng với lợi lộc.
“Nếu bạn tính chuyện mở một công ty thì tốt nhất là bạn hãy gác bỏ chuyện rủi ro qua một bên, vì riêng điều này thôi bạn cũng đã phải nỗ lực rất nhiều rồi. Theo tôi, bạn cũng không nhất thiết phải mở công ty để khởi đầu sự nghiệp của mình. Có rất nhiều lý do được nêu ra cho rằng nên làm việc cho một công ty và học cách người ta xử trí công việc ra sao trước đã. Trong trường hợp của chúng tôi, cả Paul Allen lẫn tôi lại rất lo rằng sẽ có ai đó đến mức trước mình. Nhưng hóa ra thực tế cho thấy lẽ ra chúng tôi có thể chờ đợi thêm một năm nữa bởi vì sự việc khởi động diễn ra khá chậm, nhưng dường như việc được tham dự ngay từ những ngày đầu của ngành công nghệ thông tin đối với chúng tôi lại rất quan trọng.
“Tôi phấn khích đến nỗi tôi không hề nghĩ đây chỉ toàn là chuyện rủi ro. Thực sự là tôi có thể bị phá sản, nhưng tôi đã có sẵn một số kỹ năng có thể mang ra ứng dụng. Và cha mẹ vẫn sẵn sàng cho tôi quay lại Harvard để hoàn thành việc học nếu tôi muốn.
“Điều khiến tôi thấy lo sợ là khi bắt đầu tuyển dụng những người bạn của mình và nghĩ đến việc phải đến việc phải trả lương cho họ. Và theo thời gian, một số khách hàng của chúng tôi bị phá sản, những người mà tôi hy vọng là họ sẽ ăn nên làm ra. Vì thế tôi sớm nảy ra một quan điểm dè dặt thật khó tin là tôi cần phải có sẵn một khoản tiền trong ngân hàng đủ để trả lương cho nhân viên trong vòng một năm, ngay cả khi công ty không thu vào được đồng nào. Và tôi gần như theo đúng quan điểm này. Hiện tại chúng tôi có khoảng 10 tỷ USD trong ngân hàng, cũng khá nhiều đủ để trả lương cho cả năm tới”.
“Người hùng” trong ngành công nghiệp máy tính
Gates còn là một người không biết nhường bước. Ông vẫn đang tìm cách trên chân các đối thủ khác trong ngành công nghiệp máy tính – có lẽ là ngành có tính cạnh tranh quyết định nhất thế giới – trong hơn 20 năm qua. Là một tỷ phú và tuổi đời vẫn còn tương đối trẻ, Gates có thể nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào ông muốn. Nhưng ông vẫn chưa có dấu hiệu chựng lại. Nhiều đồng nghiệp đã từng xuất phát cùng lúc với ông bây giờ đã “rửa tay gác kiếm” hoặc thoái bộ, trong đó có cả người cộng sự cũ Paul Allen (ông đã rời khỏi Microsoft khi biết mình mắc bệnh Hodgkin*). Mặc dù một vài anh tài máy tính đã cố gắng trở lại “đường đua” – như Steve Jobs về lại Apple – nhưng Gates là một trong số rất ít người bám trụ được trên thương trường khốc liệt này.
* Bệnh Hodgkin (Hodgkin’s disease): một căn bệnh rối loạn ác tính do sự nở lớn của các hạch bạch huyết và lá lách, và đôi lúc cả gan. Bệnh này được đặc tên theo bác sĩ điều trị người Anh, thomas Hodgkin (1798 – 1866)
Những người đơn giản rút lui là để viết sách hay mở công ty mới hoặc để “vui thú điền viên”. Gates thì không như vậy – ông viết sách trong khi đang chống trả vụ kiện chống độc quyền và phát triển đối sách của mình trước khái niệm Xa lộ Thông tin. Gần đây, khi được hỏi về kế hoạch mà ông dự liệu để trở thành công ty trụ cột trong ngành công nghệ Internet, ông nhận xét: “Thật ra hầu hết các đối thủ cạnh tranh về hệ điều hành của chúng tôi dường như đã mỏi mệt. Giờ thì tốt rồi, chúng tôi lại có những đối thủ cạnh tranh mới. Nghĩ đến việc mình là kẻ lép vế thật là thú vị.” nhưng có một điều chắc chắn cần phải biết đó là kẻ lép vế này tính khí hung hăng.
Gates nói về luật cạnh tranh
Những người chỉ trích than phiền rằng Gates quá xuất sắc trong việc bài binh bố trận, mai phục sẵn ở những thị trường sản phẩm mới bằng cách tuyên bố trước một cách rùm beng các sản phẩm đã được lên kế hoạch của công ty ông. Kết quả là, theo nhiều người trong ngành, bằng cách tuyên bố ý định tiếp thị một sản phẩm mới, Microsoft đã răn đe các đối thủ cạnh tranh rằng hãy tránh cho xa nếu không muốn xảy ra một cuộc đối đầu trực diện, cho dù phải mất nhiều tháng sau Microsoft mới tung ra sản phẩm của mình. Đây là một trong nhiều tháng sau Microsoft mới tung ra sản phẩm của mình. Đây là một trong nhiều lý do khiếu kiện mà các công ty cạnh tranh đã đệ trình chống lại Microsoft khiến cho công ty này bị Ủy Ban Thương mại Liên Bang cũng như cơ quan Chống Độc Quyền của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ điều tra trong nhiều năm.
Tuy nhiên, Gates luôn phủ nhận lời cáo buộc cho rằng Microsoft đã lạm dụng ưu thế thị trường của mình. Gần đây, ông đã đưa ra lập luận bào chữa mạnh mẽ cho ảnh hưởng của công ty trên thị trường máy tính cá nhân.
“Vai trò chủ yếu của luật cạnh tranh là bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm cho việc sáng tạo ra những sản phẩm mang mới mang tính cách tân cao. Bạn có thể xem xét các khu vực khác nhau của nền kinh tế và đặt câu hỏi: “nơi nào đang thể hiện yếu tố này rõ nhất?”. Bất kể cách bạn chấm điểm như thế nào, chắc chắn trong nền kinh tế vẫn có một khu vực xuất sắc nhất nổi bật hơn hẳn. Và đó chính là ngành công nghiệp máy tính. Tôi không nói về công nghiệp máy tính một cách chung chung, bởi vì bạn nên nhớ rằng trước khi máy tính cá nhân xuất hiện, cấu trúc của ngành này hoàn toàn khác. Lúc đó mọi người đều bị bó buộc. Một khi bạn mua một máy tính của hãng Digital, IBM, Hewleett-Packard hay bất kỳ công ty nào khác thì phần mềm bạn tạo ra chỉ chạy trên máy tính đó.
“Viễn cảnh của Microsoft là tất cả các loại máy tính đó sẽ hoạt động như nhau. Lý do là nếu bạn muốn có nhiều phần mềm tốt thì bạn phải mua rất nhiều loại máy tính khác nhau và con số đó có thể lên đến hàng triệu. Vì vậy các công ty phải làm cho máy tính rẻ hơn và sao cho bạn chỉ cần một máy tính để chạy thử mọi phần mềm. Mục tiêu của ngành công nghiệp máy tính cá nhân là mọi công ty cạnh tranh với nhau để làm ra chiếc máy tính gọn nhẹ nhất, nhanh nhất hoặc rẻ nhất. Điều này thật tuyệt đối với người tiêu dùng, và nó sẽ khai phóng một thị trường phần mềm lớn.
“Một phần động lực của máy tính cá nhân là thay vì yêu cầu các chuyên gia phát triển phần mềm sao chép công việc của nhau thì chúng tôi chọn những gì tiêu biểu của những ứng dụng đó và đưa những tính năng này vào Windows. Như vậy đối với những công việc như kết nối với mạng Internet, thay vì mọi người phải tự kết nối lấy thì chúng tôi đã làm hộ họ. Và đó là lúc những tính năng khác xuất hiện: giao diện đồ họa cho người sử dụng, công việc hỗ trợ ổ cứng, hỗ trợ mạng, và bây giờ là hỗ trợ Internet, bao gồm cả trình duyệt web.
“Tôi cho rằng các văn bản của luật chống độc quyền đã thể hiện rất rõ. Có một số người sẽ tranh cãi rằng liệu luật này có nên hạn chế bớt hay không, nhưng đây chỉ là vấn đề lý thuyết. Khi bắt đầu tham gia kinh doanh, tôi đã kiểm tra rất kỹ với luật sư của mình để chắc chắn là chúng tôi đang cách xa hàng trăm dặm những vấn đề có thể dây dưa đến luật này. Vì vậy chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên khi nhận ra mình đang vướng vào một cuộc luận chiến về chống độc quyền. Cảm ơn bộ máy tư pháp, đó là một môi trường mà trong đó các dữ kiện đều được chứng nghiệm và người ta có thể thấy rõ tinh thần cạnh tranh có được thực hiện một cách đúng đắn và có lợi cho khách hàng hay không. Chúng tôi cũng chẳng mảy may nghi ngờ về kết quả diễn biến của sự việc này.
“Cùng lúc đó, chúng tôi sẽ trở thành tâm điểm của sự tranh cãi bởi vì theo đuổi một việc rất nghiêm trọng. Bạn phải nhờ chính phủ đồng ý nhận trách nhiệm về sự thách thức này và yêu cầu chính phủ phân xử đúng sai, và đó chỉ là một vài điều mà chúng tôi sẽ phải chắc chắn là không buộc chúng tôi xa rời những gì mà mình đang theo đuổi.”
Không chấp nhận tù hàng binh
Bill Gates là người có máu ăn thua vô cùng quyết liệy. Trong tất cả những gì ông làm, ông đều muốn mình phải chiến thắng. Điều này khiến ông trở thành một đối thủ cực kỳ khó chịu. Ông không hề giấu diếm điều này và luôn công khai nói lên quyết tâm đánh bại các đối thủ.
• Lợi dụng ưu thế trên thị trường. Không còn gì phải nghi ngờ khi cho rằng Bill Gates rất giỏi trong việc lợi dụng ưu thế của Microsoft trên thị trường để mở đường tiến vào những thị trường mới và đang xuất hiện. Thật ra thì nếu bạn đang sở hữu một hệ điều hành mà 80% máy tính trên toàn thế giới phải dùng nó chắc chắn bạn sẽ nắm trong tay rất nhiều lợi thế trong các cuộc đàm phán. Điều này đã khiến cơ quan chống độc quyền cấp Liên bang của Mỹ phải quan tâm và họ đã thực sự tiến hành điều tra công ty Microsoft về những hành vi bị cáo buộc phản cạnh tranh của công ty này.
• Mua chất xám. Tính thực dụng của Gates còn lan rộng đến các ông tung tiền ra để mua vé vào cửa những thị trường then chốt. Gần như lúc nào ông cũng sẳn sàng cất công thu mua chất xám của các công ty khác rồi gắn kết nó vào hệ thống của Microsoft.
• Không để tình cảm cá nhân xen vào những quyết định kinh doanh. Dù lời lẽ có cực kỳ hiếu chiến, Gates có điểm đặc biệt là không bao giờ để lòng thù hằn, ác cảm tác động đến những quyết định làm ăn của mình, mặc. Là một người rất thực dụng, nhiều lầm Gates đã khai chiến toàn diện với đối thủ trong nhiều năm để rồi cuối cùng quay phắt lại, bắt tay với đối phương để hợp tác khi thấy thích hợp.
• Đối sánh giữa rủi ro và lợi lộc. Ngoài phương pháp kinh doanh vô cảm và thiên về phân tích khoa học của mình, Gates còn là một người biết đánh giá rủi ro rất khôn ngoan. Đây là điều mà ông rút ra được trong lúc kinh doanh. Nhưng trong khi những người không chấp nhận rủi ro thường có khuynh hướng trì hoãn các quyết định thì Gates là người duy nhất biết quá rõ rằng trong ngành công nghiệp máy tính, tốc độ thay đổi diễn ra nhanh đến nỗi nếu không hành động thì sẽ còn gặp rủi ro khôn lường.
• Không nhường bước. Lúc nào ông cũng tìm cách trên chân các đối thủ khác trong ngành công nghiệp máy tính – có lẽ là ngành có tính cạnh tranh quyết liệt nhất thế giới – trong hơn 20 năm qua. Là một tỷ phú và tuổi đời vẫn còn tương đối trẻ, Gates có thể nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào ông muốn. Nhưng ông vẫn chưa có dấu hiệu chựng lại.