C
ông tác lãnh đạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của việc kinh doanh trong nền kinh tế cạnh tranh, hay thay đổi và đầy năng động. Chất lượng lãnh đạo là tài sản quý giá của một tổ chức. Khả năng đứng ra đảm nhận vị trí lãnh đạo khi cần thiết là yếu tố quan trọng đối với sự thành đạt trong mọi hoạt động của con người. Và chưa bao giờ nhu cầu đối với các vị trí lãnh đạo ở tất cả các cấp độ trở nên mạnh mẽ và quyết liệt như ngày nay.
Có lẽ điều quan trọng nhất ở đây chính là khả năng lãnh đạo được hình thành từ quá trình nỗ lực chứ không phải do thiên bẩm. Bạn hoàn toàn có thể trở thành nhà lãnh đạo trong công việc kinh doanh của mình và trong thế giới xung quanh bằng cách rèn luyện những phẩm chất và hành động x thế của những nhà lãnh đạo thành công đi trước bạn.
Cũng như với các kỹ năng khác, khả năng lãnh đạo được phát triển từ việc thực hành liên tục cho đến khi bạn thật sự thành thạo.
Vị trí lãnh đạo đòi hỏi nhiều kỹ năng quan trọng, những phẩm chất đặc biệt cũng như những trách nhiệm lớn lao. Tuy nhiên, phần thưởng cho người lãnh đạo thật tương xứng. Bạn sẽ có được sự kính trọng, ngưỡng mộ và ủng hộ của mọi người xung quanh. Bạn được tận hưởng ý thức kiểm soát và quyền lực cá nhân nhiều hơn trong mọi mặt của cuộc sống. Bạn sẽ có khả năng đạt được những mục tiêu vượt mức bình thường.
Càng cư xử như một nhà lãnh đạo, bạn càng cảm nhận bản thân một cách tích cực hơn. Cảm giác tự tin và tự hào cá nhân trong bạn sẽ mạnh mẽ hơn. Bạn cảm thấy tràn đầy sức sống và trở nên hiệu quả hơn trong việc tạo ra những thay đổi tích cực trong công việc và cuộc sống cá nhân.
Khi bắt đầu tư duy và hành động theo phong cách của người lãnh đạo, đồng thời áp dụng các quy luật lãnh đạo vào cuộc sống cũng như công việc, bạn sẽ thu hút được những cơ hội để tận dụng tài năng và năng lực của mình một cách tối ưu. Hãy thực hiện tốt trách nhiệm của mình hôm nay, ở ngay vị trí hiện tại, bạn sẽ được tin tưởng và đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng hơn trong tương lai. Đó chính là những nấc thang khởi đầu tốt đẹp để bạn bước lên vị trí lãnh đạo. Tất cả đều tùy thuộc vào bạn.
34
QUY LUẬT LIÊM CHÍNH
Sự chân thật, trung thành và thẳng thắn với tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh là đặc điểm của người có khả năng lãnh đạo xuất sắc.
Quy luật này yêu cầu bạn phải hoàn toàn trung thực với bản thân mình và với người khác. Như Emerson đã từng nói: “Hãy bảo vệ sự liêm chính của bạn như một vật thiêng. Suy cho cùng thì không có gì thiêng liêng hơn tính cách liêm chính trong tâm trí bạn”. Sự liêm chính là tính cách cốt lõi của người giữ vai trò lãnh đạo.
Theo định nghĩa, lãnh đạo là “khả năng thu hút người khác”. Để làm được điều này, bạn cần phải xây dựng sự tin tưởng để mọi người tự nguyện đến với bạn, tuân thủ những quyết định bạn đưa ra và sẵn sàng cống hiến thời gian, tiền bạc cũng như công sức của họ cho bạn. Nói cách khác, sự tin tưởng là yếu tố cốt lõi của việc lãnh đạo. Để có được niềm tin và xứng đáng với niềm tin ấy, bạn phải sống thành thật với bản thân mình. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể sống thành thực với mọi người trong cuộc sống cũng như trong công việc.
Ở cương vị người lãnh đạo, bạn cần phải trở thành một tấm gương chuẩn mực cho mọi người. Luôn giữ đúng lời hứa, tiên phong trong mọi công việc, nhất quán trong mọi hành động, đối xử công bằng không thiên vị với mọi người, dám chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình, sống hết mình với tập thể... Hãy luôn làm việc như thể mọi người đang dõi theo bạn cho dù trên thực tế không phải như vậy.
Có hai hình thức lãnh đạo cơ bản trong kinh doanh ngày nay: lãnh đạo theo hướng giải quyết và lãnh đạo theo hướng chuyển hóa.
Lãnh đạo theo hướng giải quyết là khả năng chỉ đạo con người, quản lý nguồn lực và xúc tiến thực hiện công việc. Còn lãnh đạo theo hướng chuyển hóa – hình thức lãnh đạo quan trọng nhất ngày nay, là khả năng thúc đẩy, tạo cảm hứng, tiếp cận mọi người trên phương diện tình cảm, trao quyền hạn để họ có thể đóng góp năng lực nhiều hơn và giúp mọi người đat được mức độ thực hiện công việc cao hơn. Lãnh đạo theo hướng này cho phép các nhà lãnh đạo khơi thông nguồn năng lực để nhân viên có thể thực hiện những công việc có mức độ thử thách cao. Trước khi thực hiện bất cứ hành động nào, các nhà lãnh đạo cũng đều suy nghĩ về hiện tại cũng như tương lai và hiếm nhà lãnh đạo nào hy sinh tính liêm chính hay danh tiếng về lâu dài của mình để đổi lấy những lợi ích trước mắt.
Có một mối quan hệ trực tiếp giữa một bên là cảm giác tự tôn và tự tin của bạn với bên kia là các mức độ kiên định cũng như tính trung thực. Càng duy trì các giá trị của mình lâu dài trong cuộc sống, bạn sẽ càng cảm thấy hạnh phúc hơn và cảm nhận tốt hơn về bản thân, bất kể có chuyện gì xảy ra xung quanh.
35
QUY LUẬT CAN ĐẢM
Khả năng ra quyết định và hành động táo bạo để đối phó với những thất bại và nghịch cảnh là chìa khóa cho khả năng lãnh đạo xuất sắc.
Winston Churchill đã từng nói: “Can đảm được xem là đức tính cao quý nhất tạo nền tảng cho mọi đức tính khác”. Cho dù không phải quyết định nào của các nhà lãnh đạo cũng đảm bảo chắc chắn thành công nhưng khi đối mặt với những tình huống khó khăn, những vấn đề phức tạp và rắc rối, các nhà lãnh đạo cần phải dũng cảm đưa ra quyết định và kế hoạch thực hiện. Khả năng phát động phong trào, hành động tự tin ngay cả khi có nguy cơ thua lỗ hay thất bại, là biểu hiện của năng lực lãnh đạo xuất sắc.
Phản ứng tự nhiên của hầu hết mọi người là trốn tránh hay chùn bước trước những điều làm mình lo lắng, sợ hãi. Nhưng ở cương vị người lãnh đạo, bạn cần phải biết kiểm soát và làm chủ nỗi sợ của mình. Khi bạn tự buộc mình đi ngược lại phản ứng tự nhiên này, nỗi sợ hãi sẽ dần tan biến và không còn khả năng chế ngự bạn. Hãy tạo thói quen đương đầu với những sợ hãi. Nếu có bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống gây lo lắng cho bạn, hãy xem đó như một thách thức cá nhân và quyết tâm tìm cách xử lý. Glenn Ford – diễn viên gạo cội của điện ảnh Mỹ - có lần đã nói: “Nếu bạn không làm điều mà bạn sợ thì sự sợ hãi sẽ khống chế cuộc sống của bạn”. Hoặc Emerson đã viết: “Hãy làm điều mà bạn sợ và chắc chắn nỗi sợ hãi sẽ bị đẩy lùi”.
Hai chướng ngại lớn nhất cản trở sự thành công và hiệu quả cá nhân là sợ thất bại và sợ phê bình. Nhưng mọi thành công vĩ đại đều đến sau thất bại và đồng hành cùng vô số lời phê bình chỉ trích. Chính những bài học bạn cần rút ra từ những thất bại này và khả năng vượt qua những lời chỉ trích sẽ giúp bạn thành công về lâu dài. Thomas J. Watson, nhà sáng lập IBM, đã phát biểu: “Nếu bạn muốn thành công nhanh hơn, bạn phải tăng gấp đôi tỷ lệ thất bại của mình. Thành công nằm ở mặt bên kia của sự thất bại”.
Người nắm giữ vai trò lãnh đạo trong bất kỳ nhóm hay tổ chức làm việc nào cũng là người biết đưa ra những quyết định táo bạo khi phải đối mặt với bất kỳ sự nguy hiểm hay đe dọa nào. Sự táo bạo đôi khi có thể khiến bạn gặp rắc rối, nhưng sau đó sẽ tạo lối thoát cho bạn. Người Zulu (Nam Phi) có một câu ngạn ngữ cổ như sau: “Khi bạn đối mặt với hai điều nguy hiểm, một ở sau bạn và một ở trước bạn, tốt hơn là hãy tiến về phía trước”.
Ngay từ hôm nay, hãy quyết tâm thoát ra khỏi khu vực an nhàn của bạn, bất kể đó là gì. Thành công lớn trong kinh doanh đến từ việc chấp nhận rủi ro, từ việc có những bước đi táo bạo đến nơi chưa từng có ai đặt chân đến. Hãy đặt ra cho bản thân bạn và tổ chức bạn những mục tiêu lớn, táo bạo và không bao giờ bằng lòng với hiện tại.
Bạn hãy lưu ý rằng cuộc sống không thể tránh khỏi những vấn đề nan giải, những khó khăn, thất vọng, thất bại và chướng ngại có thể làm bạn thoái chí nản lòng. Tuy nhiên, một người lãnh đạo đúng nghĩa không bao giờ cho phép mình nản chí hay tự than thân trách phận. Người lãnh đạo không phàn nàn, biện minh hay chờ đợi sự việc sẽ dễ dàng hơn hoặc khác đi. Người lãnh đạo luôn biết tự nhắc nhở bản thân câu nói của Henry Ford: “Thất bại chính là cơ hội để bắt đầu lại một cách khôn ngoan hơn”.
36
QUY LUẬT HIÊN THỰC
Người lãnh đạo luôn nhìn nhận sự việc như đúng những gì thực tế diễn ra, chứ không phải như những gì mà họ mong muốn sẽ diễn ra.
Năng lực và tính thực tế là những phẩm chất quan trọng nhất của việc lãnh đạo. Mức độ thực tế của bạn được chứng minh bởi sự sẵn lòng nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống và công việc kinh doanh, bất kể đó là gì. Peter Drucker đã đề cập đến phẩm chất này của một nhà lãnh đạo dưới tên gọi “sự chân thật trí tuệ”. Jack Welch, chủ tịch của General Electric, gọi đó là “Nguyên tắc xác thực”. Ông đã tiếp cận mọi vấn đề hay khó khăn bằng câu hỏi: “Sự thật là gì?”.
Bạn hãy tập trung vào việc thu thập và đón nhận các dữ kiện vì dữ kiện luôn mang tính khách quan và xác thực cao nhất. Càng có nhiều dữ kiện, bức tranh hiện thực của bạn càng rõ hơn, tạo cơ sở vững chắc và hiệu quả cho phần lớn những quyết định của bạn.
Khi thu thập dữ kiện, bạn cần tuân thủ chặt chẽ tính khách quan, không vội vàng đưa ra kết luận. Hãy ưu tiên cho việc tìm hiểu sự thật hơn là tìm kiếm lý do biện minh. Hãy tưởng tượng rằng tình huống này đang xảy ra với một người khác và bạn được mời đến như một người quan sát ngoài cuộc để tư vấn và góp ý. Việc tạm thời rút mình ra khỏi tình huống có thể giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn, từ đó có thể đưa ra quyết định chính xác hơn.
Theo Abraham Maslow(1), nhu cầu cao nhất của con người là “nhu cầu tự hoàn thiện bản thân” và một trong những đặc điểm của người đạt đến mức nhu cầu này là họ rất trung thực và khách quan khi đánh giá bản thân. Họ không nuôi ảo tưởng, không ngại thể hiện điểm yếu và chấp nhận bản thân mình như những gì vốn có. Họ biết rằng không ai là hoàn thiện cả và họ sẵn sàng thừa nhận điểm yếu và điều chỉnh hành vi để bù đắp cho những điểm yếu đó. Đối với họ, sai lầm chỉ là sự trải nghiệm cuộc sống.
(1) Abraham Maslow (1908 - 1970) – Nhà tâm lý học, tác giả đã xây dựng lý thuyết về nhu cầu của con người, bao gồm 5 cấp độ được xếp theo thứ tự từ thấp đến cao, bao gồm: nhu cầu sinh lý (tồn tại), nhu cầu được an toàn, nhu cầu xã hội (yêu và được yêu), nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu tự hoàn thiện bản thân.
Trong thực tế, hầu hết mọi người, kể cả những người tài năng nhất, có nhiều điểm yếu hơn điểm mạnh. Điều quan trọng là tìm cách để tối ưu những điểm mạnh và giảm thiểu các điểm yếu. Các điểm yếu cần được giải quyết và bù đắp bởi một điểm mạnh tương đương chứ không nên bị né tránh, che đậy hay bỏ qua.
Những điểm mạnh và điểm yếu trong công việc kinh doanh hiện tại của bạn là gì? Hãy liên tục đặt câu hỏi, nghiên cứu và học hỏi, cũng như tiếp nhận những quan điểm từ nhiều phía nhằm xây dựng bức tranh hiện thực của bạn rõ nét hơn. Hãy luôn sẵn sàng đối mặt với các điểm yếu và những điều chưa hoàn hảo của công ty bạn, bất kể đó là gì, và sau đó quyết tâm hành động để giải quyết. Càng chân thật với bản thân và dám sẵn sàng nhìn thẳng vào cuộc sống, bạn càng hiệu quả trong việc xử lý tình huống kinh doanh, vốn luôn không ngừng thay đổi.
Nếu bạn không hài lòng với sự việc đang xảy ra, hãy nghĩ xem bạn muốn mọi việc phải như thế nào và sau đó dồn tâm sức tạo ra thực tế mà bạn muốn. Thay vì suy nghĩ về quá khứ, hãy hướng về tương lai. Thay vì tìm kiếm nguyên nhân cho vấn đề, hãy tìm giải pháp hiệu quả. Thay vì nhìn lại nơi xuất phát, hãy tập trung vào chặng đường bạn đang đi.
Đừng cho phép bản thân phiền muộn về những điều đã xảy ra và không thể thay đổi. Điều đã xảy ra chính là thực tế khách quan. Điều duy nhất mà bạn có thể làm được là điều khiển thái độ của bạn đối với thực tế ấy. Cách bạn phản ứng với một tình huống không thể thay đổi thường là yếu tố quyết định khả năng của bạn trong giai đoạn trước mắt và thành công của bạn về lâu dài.
Đừng bao giờ tin vào vận may hay hy vọng vào một phép nhiệm màu sẽ giúp bạn cứu vãn tình huống. Đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ có ai đó thay bạn giải quyết vướng mắc. Trong vai trò người lãnh đạo, bạn phải luôn nhìn nhận sự việc đúng như những gì thực tế diễn ra, chứ không phải những gì mà bạn mong muốn sẽ diễn ra.
37
QUY LUẬT QUYỀN LỰC
Những ai biết tận dụng quyền lực một cách hiệu quả nhất sẽ đạt được kết quả như mong muốn.
Quyền lực là khả năng ảnh hưởng đến việc phân phối các nguồn lực trong tổ chức. Quyền lực tồn tại trong tất cả các tình huống, các mối quan hệ đồng thời quyết định tính hiệu quả của mọi hoạt động trong cuộc sống. Bất cứ vấn đề nào cũng có tính hai mặt, quyền lực cũng vậy. Khi vận dụng cẩn trọng và đầy thiện chí, quyền lực sẽ đem lại điều tốt đẹp. Nhưng nếu sử dụng với chủ đích xấu hoặc vô trách nhiệm, quyền lực sẽ đem đến những nguy hại, đôi khi không thể kiểm soát được.
Trong tổ chức, quyền lực có thể được sử dụng theo hai cách: nâng cao quyền lợi tổ chức hoặc nâng cao quyền lợi cá nhân. Quyền lực khi được sử dụng cẩn trọng, đầy thiện chí nhằm nâng cao lợi ích của tổ chức sẽ là một sức mạnh tích cực có thể cải thiện hoàn cảnh của tất cả mọi người trong tầm ảnh hưởng. Và nếu bị sử dụng với chủ đích xấu hoặc lạm dụng quá mức với mục đích nâng cao lợi ích của cá nhân mà làm phương hại đến tổ chức, thì quyền lực trở thành một sức mạnh tiêu cực, có thể làm hại đến tổ chức và các cá nhân trong tổ chức.
Bất kỳ một tổ chức hay hệ thống nào cũng có một phạm vi quyền lực nhất định và thường tập trung vào chỉ một vài cá nhân. Tất cả mọi cuộc đấu tranh giành quyền lực đều nhằm tìm kiếm phần quyền lực lớn hơn trong phạm vi quyền lực cố định ấy. Cách duy nhất để có thể tăng tổng thể phạm vi quyền lực là tăng quy mô công ty, số lượng hoạt động và số người trong tổ chức.
Nhà lãnh đạo chính là người có khả năng nhất trong việc nắm giữ và chế ngự dây cương quyền lực. Nhưng quyền lực thực sự và bền lâu trong một tổ chức đến từ sự đồng lòng của tất cả mọi người. Các nhà lãnh đạo nắm quyền bởi vì những người khác công nhận khả năng của họ và muốn họ có được quyền lực đó. Vì vậy, nếu bạn được mọi người tin tưởng bầu chọn vào vị trí lãnh đạo, bạn cần chứng minh rằng bạn biết cách sử dụng tối ưu quyền lực của mình. Khi ấy bạn sẽ thu hút được nhiều cơ hội hơn để mở rộng quyền lực của mình. Quyền lực và tầm ảnh hưởng của bạn sẽ tiếp tục phát triển miễn là bạn phải chứng minh được rằng bạn có thể sử dụng được quyền lực ấy hiệu quả hơn bất kỳ ai khác.
Bốn loại quyền lực mà bạn có thể thiết lập
Có bốn loại quyền lực chính mà bạn có thể thiết lập cho mình. Loại thứ nhất là quyền lực chuyên môn. Đây chính là điểm xuất phát của bạn. Khi mọi người công nhận và đánh giá cao năng lực chuyên môn, khả năng làm việc xuất sắc của bạn, bạn sẽ có được quyền lực và tầm ảnh hưởng lớn hơn so với những người làm việc chỉ ở mức trung bình hay tầm thường. Với quyền lực chuyên môn, bạn sẽ nhận được sự quan tâm của những người nắm giữ vị trí quan trọng trong tổ chức và từ đó, các cánh cửa cơ hội rộng lớn trong tương lai sẽ mở ra trước mắt bạn.
Loại quyền lực thứ hai mà bạn có thể thiết lập là quyền lực cá nhân. Loại quyền lực này thể hiện qua việc bạn được mọi người xung quanh quý mến và tôn trọng bởi những phẩm chất, tính cách, năng lực... Cho dù bạn không phải là người nắm giữ vị trí lãnh đạo hay là người quyết định trong tổ chức nhưng mọi người vẫn tham khảo ý kiến, lắng nghe quan điểm và nhờ bạn tư vấn mỗi khi họ gặp vấn đề. Loại quyền lực này thường được gọi là “trí tuệ xã hội” hay “trí tuệ xúc cảm”. Đây là kỹ năng hữu ích nhất và được trả lương cao nhất trong xã hội chúng ta.
Loại quyền lực thứ ba, quyền lực địa vị, là loại quyền lực luôn đi đôi với chức vụ. Quyền lực địa vị bao gồm cả khả năng tuyển dụng và sa thải, khen thưởng và trừng phạt. Quyền lực địa vị không nhất thiết phải đi đôi với khả năng hay tính cách. Có nhiều người nắm giữ quyền lực địa vị vì những l do khác chứ không phải vì năng lực của họ trong việc hoàn thành xuất sắc và nhanh chóng công việc hay khả năng quan hệ tốt với những người khác.
Quyền lực thứ tư và có lẽ là loại quyền lực tối cao nhất - quyền lực được phong tặng. Đây là loại quyền lực bạn có được khi mọi người sẵn lòng công nhận quyền lực và tầm ảnh hưởng của bạn đối với họ vì chính con người của bạn. Quyền lực này sẽ đến với bạn khi bạn thật xuất sắc với những gì bạn làm, đồng thời bạn được mọi người xung quanh quý mến và tôn trọng. Nói cách khác, quyền lực được phong tặng là sự kết hợp giữa quyền lực chuyên môn và quyền lực cá nhân.
Xây dựng cơ cấu quyền lực
Quyền lực trong kinh doanh cũng như trong xã hội dựa vào một hệ thống các yếu tố phụ thuộc. “Yếu tố phụ thuộc” được định nghĩa là một người sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ bạn khi cần, cho dù bạn không có quyền ra mệnh lệnh hoặc yêu cầu người đó. Quyền lực thường phụ thuộc vào khả năng tạo ảnh hưởng của bạn với những người mà bạn không có sự kiểm soát trực tiếp hay quyền lực nào.
Để xây dựng một mạng lưới các yếu tố phụ thuộc trong tầm quản lý, bạn hãy không ngừng tìm cách giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi. Càng làm nhiều việc tốt cho người khác mà không mong đợi được trả ơn, bạn càng đạt được nhiều quyền lực và tầm ảnh hưởng hơn. Những người có quyền lực nhất trong bất kỳ tổ chức hay xã hội nào cũng đều là những người đã từng và vẫn đang giúp đỡ người khác đạt được những mục tiêu của mình.
Vươn đến quyền lực và duy trì quyền lực
Điều đầu tiên để có được quyền lực và tầm ảnh hưởng là bạn phải là một cá nhân có giá trị và không thể thiếu được đối với tổ chức. Kết quả thực hiện công việc và nhiệm vụ của bạn là thước đo đánh giá khách quan và chính xác nhất. Hãy giữ cho bạn sự tập trung bằng cách đặt câu hỏi: Mọi người kỳ vọng điều gì ở tôi?
Đây chính là điểm xuất phát. Việc tập trung vào kết quả luôn là con đường nhanh nhất dẫn đến quyền lực cá nhân. Chính quyền lực cá nhân này sẽ giúp bạn được trả mức lương cao hơn và khả năng thăng tiến sẽ nhanh hơn.
Bước thứ hai trong việc đảm bảo quyền lực là bạn phải làm cho bản thân mình trở nên có giá trị và hữu ích với ngày càng nhiều người. Hãy tìm cách đi thêm một dặm đường, tự nguyện đảm nhiệm thêm những phần việc ngoài mong đợi của người khác, luôn cố gắng thêm chút nữa với bất kỳ công việc nào, hãy đi làm sớm hơn và về muộn hơn người khác,... Những nỗ lực hôm nay của bạn sẽ được bù đắp tương xứng trong tương lai.
Cách thứ ba để bạn mở rộng quyền lực của mình là không ngừng tìm cơ hội để giúp đỡ và gia tăng giá trị cho cả tổ chức và các cá nhân trong tổ chức. Hãy tham gia vào các khóa học để nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình đồng thời tìm kiếm những cách thức mới giúp tăng doanh thu hay giảm chi phí.
Để duy trì quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình, bạn sẽ cần nhiều người ủng hộ ở cả nội bộ lẫn bên ngoài tổ chức của bạn. Những người ủng hộ tốt nhất của bạn là ai và bạn có thể làm gì để củng cố các mối quan hệ với họ?
Quyền lực được chuyển giao cho các cá nhân ở những mức độ khác nhau. Mọi người đều có quyền giúp đỡ hay gây khó khăn cho người khác bằng cách này hay cách khác. Mọi người đều có quyền thực hiện hay từ chối thực hiện một việc gì đó. Mỗi người đều có một vị trí quyền lực nhất định. Bạn có những quyền lực gì trong tổ chức? Những người xung quanh bạn có những quyền lực gì? Quyền lực của mọi người tác động đến bạn ở mức độ như thế nào?
Một nguyên tắc quan trọng của quyền lực là “quyền lực luôn phát sinh để lấp chỗ trống”. Bạn có thể tự tạo quyền lực cho mình bằng cách tham gia xử lý một vấn đề mới phát sinh. Trong tình huống này, quyền lực chưa được xác định và vẫn còn tồn tại khoảng trống quyền lực cho những ai chịu trách nhiệm thực hiện để đạt được kết quả. Hoặc bạn có thể giành quyền lực theo ý nghĩa tích cực nhất bằng cách đảm đương một dự án mới và tập trung hết tâm lực của mình cho sự thành công của dự án đó.
Bạn càng chứng minh được năng lực và khả năng của bản thân trong việc đạt được những kết quả quan trọng và điển hình cho tổ chức của mình, bạn càng có nhiều quyền lực, ảnh hưởng và uy quyền, những thứ giúp bạn càng trở nên có giá trị hơn.
38
QUY LUẬT THAM VỌNG
Người lãnh đạo phải có mong muốn lãnh đạo mãnh liệt và tầm nhìn rõ ràng về một tương lai tốt đẹp hơn mà họ quyết tâm thực hiện.
Những người nắm giữ vị trí lãnh đạo thường có tầm nhìn nhạy bén. Họ hình dung rõ ràng về tương lai mà họ mong muốn tạo ra và họ có khả năng truyền đạt tầm nhìn này cho người khác theo cách hấp dẫn và đầy cảm hứng.
Nếu chỉ để lãnh lương mỗi tháng, mọi người vẫn có thể làm việc với hiệu suất tương đối ổn định. Nhưng nếu được truyền cảm hứng, động lực và tầm nhìn tương lai, mọi người sẽ thực hiện công việc ở mức độ cao hơn. Việc phát triển và truyền đạt rõ ràng tầm nhìn này là trách nhiệm quan trọng của người lãnh đạo. Họ nôn nóng nhìn thấy kết quả và không thích sự trì hoãn. Những nhà lãnh đạo thật sự luôn xem việc lãnh đạo như một công cụ mà họ có thể sử dụng nhằm mang lại kết quả lớn hơn và quan trọng hơn bất cứ cá nhân nào.
Bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo khi bạn đặt ra mục tiêu, sau đó quyết tâm lập kế hoạch thực hiện để biến mục tiêu đó thành hiện thực. Bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo khi bạn xây dựng được tầm nhìn đầy cảm hứng cho bản thân và mọi người. Bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo khi bạn biết chính xác đích đến của mình và những bước hành động để đạt được điều đó. Hầu hết mọi nhà lãnh đạo đều có tham vọng thành công và đặc điểm thể hiện quan trọng nhất của tham vọng là tính rõ ràng. Chính việc lập mục tiêu rõ ràng cho bản thân, cho phòng ban, cho nhóm bạn đang làm việc sẽ giúp bạn vươn lên đứng vào vị trí lãnh đạo. Điều này cũng sẽ thúc đẩy bạn tiến lên tuyến đầu. Là một nhà lãnh đạo, bạn phải dẫn dắt người khác đến một mục tiêu cụ thể, theo một phương hướng cụ thể để đạt được một kết quả cụ thể. Tầm nhìn, các giá trị, sứ mệnh và các mục tiêu của bạn càng rõ ràng, bạn càng có khả năng lãnh đạo, hướng dẫn, chỉ đường và truyền cảm hứng cho người khác hiệu quả hơn.
39
QUY LUẬT LẠC QUAN
Người lãnh đạo đích thực là người truyền được niềm tin rằng mọi khó khăn đều có thể vượt qua và mọi mục tiêu đều có thể đạt được.
Tinh thần lạc quan của người lãnh đạo sẽ truyền cảm hứng và tiếp sức mạnh để mọi người tin rằng mình có thể làm được nhiều hơn và hiệu quả hơn so với trước đây. Đây là một trong những tính cách quan trọng nhất của người lãnh đạo để thành công trong cuộc sống và kinh doanh. Chủ nghĩa lạc quan là nền tảng của thái độ tích cực, là khả năng nhìn nhận giá trị của sự việc. Định nghĩa chính xác nhất về “tinh thần lạc quan” là “một phản ứng tích cực và mang tính xây dựng đối với sự căng thẳng”.
Điều duy nhất bạn có thể kiểm soát trong cuộc sống chính là những phản ứng của bạn đối với các vấn đề, các khó khăn không thể tránh được. Cách bạn phản ứng, diễn giải một tình huống sẽ quyết định cách bạn cảm nhận về tình huống đó. Cảm xúc và tình cảm sẽ quyết định sự rõ ràng và tính hiệu quả của tư duy. Càng lạc quan và tích cực bao nhiêu, bạn sẽ càng bình tĩnh và sáng tạo bấy nhiêu.
Người lạc quan là người luôn tìm kiếm khía cạnh tích cực trong bất kỳ tình huống nào. Khi có rắc rối xảy ra, họ nói: “Không có gì đáng kể!” và sau đó tìm ra một điều gì đó tích cực trong phạm vi của vấn đề hay khó khăn đang gặp phải. Và họ luôn tìm thấy.
Người lạc quan biết học hỏi những kinh nghiệm quý giá trong mọi thất bại cũng như ngay trong những điều khiến họ thất vọng. Như Napoleon Hill đã viết: “Trong mỗi thất bại và chướng ngại, người lạc quan luôn tìm kiếm manh mối cho các tiện ích hay ưu thế tương đương hoặc thậm chí lớn hơn”. Người lạc quan luôn hoạt động trên nguyên tắc: “Khó khăn đến không phải để cản đường mà là để dẫn đường”.
Người lạc quan hướng đến tương lai chứ không mãi quay nhìn về quá khứ. Họ tìm kiếm cơ hội trong mọi khó khăn. Thay vì xem xét những gì đã xảy ra trong quá khứ và tìm người đổ lỗi, người lạc quan chỉ suy nghĩ về những gì có thể thực hiện được trong hiện tại và tương lai. Họ tập trung hướng đến giải pháp hơn là hướng đến vấn đề.
Bạn có thể thay đổi tâm trạng của mình từ tiêu cực sang tích cực bằng cách xây dựng thói quen xua tan mọi vướng mắc khỏi tâm trí và chỉ tập trung vào giải pháp cho dù bạn đang phải đối mặt với bất kỳ thử thách nào. Bất kể lúc nào bạn phải đối diện với vấn đề khó khăn, hãy tự trả lời những câu hỏi: “Chúng ta làm gì bây giờ? Bước tiếp theo là gì? Điểm xuất phát này sẽ dẫn chúng ta đi đâu?”. Thái độ lạc quan hoàn toàn có thể đạt được thông qua việc tập luyện các hành vi, cách ứng xử của những người tích cực, lạc quan, luôn hướng về tương lai.
Hãy tưởng tượng rằng mọi khó khăn đến với bạn đều là cơ hội để bạn học hỏi thêm một điều quý giá. Đó chính xác là những gì bạn cần để phát triển trong tương lai. Khó khăn đó chứa đựng một món quà kinh nghiệm dành riêng cho bạn. Thomas Edison đã trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới chỉ bằng cách tuân theo một triết lý đơn giản. Ông tin rằng thành công bao gồm việc xác định phát minh hay sản phẩm mong muốn và thử nghiệm cho đến khi loại trừ được tất cả những cách thức không đem lại hiệu quả.
Với Edison, thành công chỉ đơn thuần là một quá trình loại bỏ, lặp đi lặp lại thất bại và quá trình liên tục thử nghiệm cho đến khi tìm ra phương pháp thích hợp.
Khi bạn bắt đầu nhìn vào mỗi thất bại hay khó khăn tạm thời như là một nấc thang bạn cần phải bước để đến được đỉnh thành công, bạn sẽ trở thành một người lãnh đạo hoàn toàn lạc quan, tích cực, giàu sáng tạo và đầy hiệu quả.
40
QUY LUẬT THẤU CẢM
Người lãnh đạo luôn nhạy cảm và ý thức về nhu cầu, cảm xúc và động cơ của nhân viên cấp dưới.
Người lãnh đạo phải có khả năng thấu cảm cao để luôn ý thức được những tâm tư, cảm xúc và những phản ứng tiềm ẩn của người khác đối với những lời nói và hành động của mình. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, người lãnh đạo đều dành thời gian để suy nghĩ về ảnh hưởng của các quyết định đó đối với mọi người. Họ biết rõ rằng cảm xúc của mọi người sẽ tác động lớn đến chất lượng thực hiện công việc của họ.
Lãnh đạo là người luôn biết lắng nghe. Họ lắng nghe cẩn thận và tìm cách nắm bắt những ẩn ý, mong muốn đằng sau lời nói của người khác. Họ luôn cởi mở với những thông tin phản hồi và sẵn sàng thay đổi hoặc điều chỉnh quyết định nếu đó là những phản hồi hợp lý và phù hợp.
Tùy theo từng tình huống, mọi người chờ đợi người lãnh đạo thể hiện những vai trò khác nhau. Có lúc, họ muốn sự rõ ràng và thẳng thắn. Lúc khác, họ muốn được thoải mái và hòa đồng. Họ muốn phong cách của người lãnh đạo cần phải linh hoạt theo từng con người, bối cảnh sự việc. Người lãnh đạo biết thay đổi cách tiếp cận với mọi người, tùy thuộc vào những gì mà mọi người cần để thực hiện công việc hiệu quả nhất. Họ nhận ra rằng những hành vi cá nhân thể hiện mối quan tâm, sự lịch thiệp, chu đáo và tử tế của họ dành cho nhân viên cấp dưới là yếu tố quan trọng quyết định năng lực thực hiện của từng cá nhân.
Để nhân viên thực hiện công việc hiệu quả nhất, người lãnh đạo cần biết chính xác người khác mong đợi gì ở họ và nên dành thời gian để làm rõ trách nhiệm và các công việc được giao. Hãy đảm bảo mọi người biết chính xác phần việc mình được giao phó, tầm quan trọng của công việc và thời hạn hoàn tất cuối cùng. Khi nhiệm vụ được nhân viên thực hiện xuất sắc, người lãnh đạo hãy công nhận thành quả bằng những lời khen ngợi, động viên nhằm khơi gợi những điều tốt đẹp và tích cực về bản thân của nhân viên.
Người lãnh đạo không ngừng tạo các tình huống nhằm trao thêm quyền hạn cho nhân viên để họ cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn. Người lãnh đạo cần sử dụng khả năng khuyến khích và thuyết phục sự cam kết từ nhân viên hơn là gây sức ép tâm lý, đồng thời khuyến khích mọi người tự do phát biểu về những suy nghĩ cũng như mối quan tâm thực sự của mình. Chất lượng mối quan hệ có thể được đo bằng mức độ trò chuyện thẳng thắn và chân thật giữa các bên.
41
QUY LUẬT KIÊN CƯỜNG
Trong quá trình nỗ lực để đạt được bất kỳ mục tiêu có giá trị nào, người lãnh đạo luôn đứng dậy sau khi trải qua những thất bại, thất vọng không thể tránh khỏi hay những đổ vỡ tạm thời.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng là hành trình trải đầy hoa hồng. Thất bại, thử thách, khó khăn luôn là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Giá trị của thành công sẽ ý nghĩa hơn nếu trước đó bạn đã vượt qua được mọi trở ngại. Thái độ phản ứng tích cực và mang tính xây dựng của bạn trước nghịch cảnh sẽ quyết định chặng đường thành công phía trước. Hãy luôn nhắc nhở bản thân: “Việc bạn vấp ngã như thế nào không quan trọng bằng cách bạn đứng dậy sau những vấp ngã đó!”.
Khủng hoảng là một thực tế mà bạn không thể tránh khỏi trong quá trình kinh doanh. Xử lý hiệu quả khủng hoảng chính là một cuộc thử nghiệm thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn. Khi khủng hoảng xảy ra, mọi người đều chờ đợi và quan sát phản ứng của nhà lãnh đạo. Cách hành xử của nhà lãnh đạo trong những tình huống đặc biệt sẽ quyết định bầu không khí cần thiết cho tổ chức.
Khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra những quyết định chính xác trước khi hành động là yếu tố quyết định thành công của bạn, quan trọng không kém gì các yếu tố khác. Khi có khủng hoảng xảy ra, hãy bình tĩnh và ngay lập tức thu thập dữ liệu của tình huống để có hướng xử lý thích hợp.
42
QUY LUẬT ĐỘC LẬP
Người lãnh đạo luôn tự mình suy nghĩ đồng thời hiểu rõ bản thân và điều mà họ tin tưởng.
Người lãnh đạo có xu hướng độc lập về suy nghĩ. Họ luôn rõ ràng về các giá trị, mục tiêu và nhiệm vụ cá nhân. Họ cũng rất minh bạch về niềm tin và chính kiến của mình. Mọi hành động của họ đều không chệch hướng khỏi các giá trị vì bất kỳ lý do nào, đặc biệt là các giá trị cốt lõi về trách nhiệm và sự liêm chính.
Người lãnh đạo thường quan tâm đến cảm xúc và quan điểm của người khác nhưng không tỏ ra quá nhạy cảm hoặc phân vân trước những sự phản đối hay bất đồng có thể xảy ra. Họ tham khảo ý kiến và lời khuyên của người khác nhưng tự mình đưa ra quyết định. Họ chịu trách nhiệm con đường đi của chính mình.
Người lãnh đạo thường không ngại ngần trước những khuyết điểm của mình. Họ chấp nhận sự thật và hiếm khi tìm cách biện minh hay đổ lỗi cho những người khác. Họ cũng không phiền lòng vì những lời chỉ trích, sự bất đồng hay những điều trái ngược ngoài mong đợi.
Người lãnh đạo biết chấp nhận cả ưu điểm lẫn nhược điểm của bản thân. Chính vì vậy, họ không quá khắt khe khi đánh giá người khác hoặc tìm cách thay đổi tính cách con người. Trên hết, người lãnh đạo luôn đặt ra cho bản thân những tiêu chuẩn cao và không ngừng phấn đấu để đạt được những tiêu chuẩn ấy. Họ không so sánh tính cách của mình với người khác mà tự so sánh với chính bản thân mình và đánh giá bản thân theo những chuẩn mực cao nhất mà mình có thể đạt được.
Người lãnh đạo có những mục tiêu và mục đích rõ ràng và luôn làm việc theo lịch trình kế hoạch và nhịp độ của riêng mình. Họ thường xem xét lại bản thân để giải thích cho cả thành công và thất bại. Họ nhận ra rằng mình vẫn là người chưa hoàn hảo và cần phải cải thiện nhiều hơn nữa.
43
QUY LUẬT CẢM XÚC CHÍN CHẮN
Người lãnh đạo luôn bình thản, điềm tĩnh và tự chủ khi đối mặt với các vấn đề nan giải, khó khăn và nghịch cảnh.
Cảm xúc chín chắn là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo. Để đạt được điều này, bạn phải hòa thuận với chính bản thân mình đồng thời giữ được bình tĩnh khi đối mặt với nghịch cảnh hay khó khăn.
Sự chín chắn về cảm xúc sẽ giúp bạn tránh được trạng thái căng thẳng hay giận dữ khi phải ở trong những tình huống nan giải, mơ hồ và không chắc chắn. Thay vì e sợ xung đột hoặc né tránh sự thay đổi, bạn hãy chấp nhận chúng như một phần tất yếu của vai trò người lãnh đạo. Mọi sự thay đổi đều có những cơ hội dành cho bạn.
Sự chín chắn về cảm xúc đòi hỏi bạn yêu quý, tôn trọng và có cái nhìn tích cực về bản thân. Bạn sẵn sàng lắng nghe sự phê bình hay phản đối của người khác với một thái độ mang tính xây dựng.
Bạn vẫn có thể xúc tiến công việc cho dù không nhận được sự biết ơn hay đền đáp ngay lập tức. Nếu sự việc không tiến triển như mong muốn thì bạn không nên nổi giận hay đổ lỗi cho bất kỳ điều gì, chỉ cần biết rằng bạn luôn nỗ lực hết mình và luôn chuẩn bị tâm lý cho những thất bại trên lộ trình đến thành công của mình.
Những người có cảm xúc chín chắn biết đặt ra những tiêu chuẩn hay mục tiêu riêng. Họ không phụ thuộc cách nhìn nhận của người khác mà luôn tin rằng mình có thể phán xét chân thực nhất khả năng của bản thân. Họ cũng biết thời điểm thích hợp để đưa ra quyết định cũng như đo lường được sức mạnh nội tại và giới hạn của sự an toàn cá nhân. Họ vốn là những người không quá phức tạp và ổn định về mặt tâm lý.
44
QUY LUẬT THỰC HIÊN XUẤT SẮC
Người lãnh đạo luôn tận tâm và không ngừng cải thiện việc thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ hiện tại của mình.
Người lãnh đạo là người biết chọn cho nhóm của mình lĩnh vực vượt trội. Họ biết rằng bản thân sự vượt trội là một hành trình đầy nỗ lực chứ không đơn giản chỉ là đích đến. Người lãnh đạo luôn hướng đến những gì tốt nhất trong mọi việc mình làm. Họ không ngừng phấn đấu để trở nên tốt hơn trong những khía cạnh công việc trọng yếu. Họ so sánh bản thân mình với những cá nhân xuất sắc khác, tổ chức mình với những tổ chức thành công khác và sản phẩm, dịch vụ của mình với những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn của đối thủ cạnh tranh để cải thiện không ngừng.
Người lãnh đạo luôn đặt ra các chuẩn mực xuất sắc cho mọi nhân viên dưới quyền. Không ai hoặc không bộ phận nào trong tổ chức có thể đi ngược lại chuẩn mực đã đặt ra. Chính vì điều này mà bản thân các nhà lãnh đạo luôn cam kết rằng cá nhân họ phải đạt được chuẩn mực xuất sắc khi làm bất kỳ việc gì để trở thành tấm gương cho mọi người noi theo. Họ không ngần ngại xóa bỏ hiện tượng thiếu năng lực hay kết quả công việc yếu kém. Họ luôn đòi hỏi chất lượng công việc ở mức độ cao và yêu cầu nhân viên nỗ lực hết mình.
Người lãnh đạo luôn học hỏi, phấn đấu nhiều trong công việc và trong cuộc sống cá nhân. Họ thường xuyên nghiên cứu sách báo, tài liệu, tham gia các buổi hội thảo, ghi chép những điều bổ ích... với tinh thần cầu tiến để có thể phát triển thêm những lĩnh vực mà họ thấy rằng mình có thể đóng góp nhiều giá trị hơn cho công việc. Người lãnh đạo xác định được những năng lực chính của bản thân, những nhiệm vụ mang tính sống còn mà họ làm vì trách nhiệm trong kinh doanh.
Người lãnh đạo nghĩ về tương lai và nhận ra những năng lực cốt lõi cần thiết để thành công trong những năm tới. Sau đó họ xây dựng các kế hoạch để có được những năng lực cốt lõi đó trước khi tận dụng chúng nhằm cạnh tranh hiệu quả trên thương trường ngày mai.
Trên hết, nhà lãnh đạo luôn nghĩ về chiến thắng. Họ luôn hướng đến thành tích, đến việc trở thành người ưu tú nhất trong lĩnh vực mà họ đã lựa chọn. Họ không thể thản nhiên để mặc đối thủ cạnh tranh vượt qua.
Nhân viên ở mọi cấp bậc đều được truyền cảm hứng nhiều nhất khi cảm thấy mình đang làm việc cho một tổ chức có các chuẩn mực xuất sắc. Cách tốt nhất để bạn thúc đẩy và truyền cảm hứng cho người khác là tuyên bố sự cam kết trong việc trở thành công ty xuất sắc nhất trong lĩnh vực hay ngành nghề của mình. Sau đó, liên tục tạo ra các chuẩn mực cho kết quả kinh doanh của cá nhân bạn và cho cả công ty của bạn dựa trên “chuẩn mực cao nhất” trong ngành.
45
QUY LUẬT DỰ ĐOÁN TƯƠNG LAI
Người lãnh đạo có khả năng tiên đoán và dự báo tương lai.
Bạn hãy dành thời gian suy nghĩ nhiều về tương lai của mình vì điều này sẽ định hình hướng đi lâu dài cho cả cuộc đời còn lại của bạn. Khả năng dự báo tương lai chính xác sẽ quyết định phần lớn thành công và thất bại của bản thân bạn cũng như tổ chức của bạn.
Dự đoán tương lai là khả năng phân tích tình huống hiện tại và tiên đoán một cách chính xác những sự việc có thể xảy ra.
Người lãnh đạo giỏi là người biết nhìn xa trông rộng và chuẩn bị kỹ lưỡng những giải pháp để đối phó với những sự cố trước khi chúng xảy ra.
Người lãnh đạo biết rằng những thành công tiềm năng đôi khi biến thành thảm họa do không dự đoán khả năng thất bại trong một lĩnh vực nào đó. Cho dù xác suất xảy ra vấn đề nghiêm trọng hay đảo ngược hoàn toàn tình huống chiếm tỷ lệ rất thấp nhưng bạn cũng nên cân nhắc nghiêm túc và lập kế hoạch đối phó.
Người lãnh đạo cũng có khả năng đoán trước cơ hội và nhanh chóng tiến hành những hành động cần thiết nhằm chuẩn bị các nguồn lực phù hợp để tận dụng tình huống khi cơ hội xuất hiện.
Năng lực lãnh đạo không phải là một tố chất bẩm sinh mà là kết quả của những nỗ lực phấn đấu và rèn luyện không ngừng trong suốt sự nghiệp. Vị trí lãnh đạo sẽ đến với bạn khi bạn thể hiện tốt nhất khả năng của mình trong những tình huống đòi hỏi kỹ năng và phẩm chất đặc biệt. Đó là lúc bạn suy nghĩ với tầm nhìn rộng mở, tiên phong trong mọi công việc và hành động, mạnh dạn đưa ra những quyết định khi cần thiết và chấp nhận khoác lên mình tấm áo “trách nhiệm” mà không than vãn, biện minh, trông chờ vào vận may hay trốn chạy thực tế. Và điều quan trọng hơn hết là tất cả mọi người đều có thể trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc nếu biết vận dụng khéo léo những quy luật được trình bày trong chương này với một niềm tin vững bền vào sự thành công. Rồi cả thế giới sẽ rộng mở vòng tay chào đón bạn.