B
ất cứ ai cũng mong muốn có được cuộc sống độc lập và thoải mái về tài chính. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà tất cả mọi người luôn hướng tới. Trong nền kinh tế và xã hội hiện nay, cơ hội để bạn thực hiện mục tiêu này không quá khó khăn như trước kia. Nhiệm vụ của bạn là lựa chọn một cơ hội thích hợp nhất và cam kết theo đuổi đến cùng.
Tương tự những lĩnh vực khác, nếu muốn thành công trong lĩnh vực tài chính, bạn phải tuân theo những quy luật nhất định. Bên cạnh đó, thái độ và quan điểm về đồng tiền cũng như niềm tin về tương lai tài chính thịnh vượng sẽ góp phần quyết định số tiền mà bạn tích lũy trong suốt quá trình làm việc của mình. Ngoài ra, hạnh phúc của bản thân và sự độc lập về tài chính có sự liên quan mật thiết với nhau. Bạn sẽ không thể tìm thấy hạnh phúc thật sự nếu luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng về tiền bạc. Để cân bằng hai yếu tố quan trọng này, bạn cần xây dựng một pháo đài tài chính vững chắc và ổn định.
Tuy nhiên, hành trình đến với sự độc lập về tài chính cũng gặp không ít trở ngại. Một trong những trở ngại phổ biến nhất là suy nghĩ tiêu cực về đồng tiền. Nhiều người cho rằng đồng tiền luôn đem đến những điều bất hạnh và họ đánh giá những ai mải mê kiếm tiền đều là người xấu. Suy nghĩ này dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người. Tôi vẫn còn nhớ vào ngày kết hôn của mình, toàn thể gia đình bên vợ đều có mặt đông đủ và sếp của tôi, một người đàn ông có khối tài sản trị giá trên 500 triệu đô la, cũng đến tham dự. Khi ấy, các thành viên trong gia đình của vợ tôi đã định hình suy nghĩ rằng nghèo là trong sạch, hay nói rộng ra, thành công về tài chính là một điều gì đó không ngay thẳng, thậm chí xấu xa. Vì thế họ rất ngạc nhiên khi thấy sếp của tôi, người giàu có nhất mà họ đã từng gặp hay nghe nói đến, là một người đàn ông lịch thiệp, nhã nhặn và cư xử đúng mực. Phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau, mọi người mới điều chỉnh được cách suy nghĩ cũng như sự áp đặt chủ quan của mình về những người giàu có.
Trên thực tế, đồng tiền đem đến nhiều điều tốt đẹp, cho phép bạn lựa chọn và sống theo cách mình muốn, mở cho bạn nhiều cánh cửa của sự thịnh vượng, hưởng thụ. Tuy nhiên, đồng tiền sẽ mang đến những điều tiêu cực nếu bạn quá bận tâm, xem trọng đồng tiền mà không nhận thấy rằng thực sự đây chỉ là một trong những công cụ để mưu cầu hạnh phúc, thành công. Đồng tiền có sức mạnh riêng và chỉ những ai biết cách kiếm tiền và sử dụng tiền một cách khéo léo mới thấy được những khía cạnh tích cực của đồng tiền.
Ngay từ bây giờ, bạn hãy thay đổi suy nghĩ, quan điểm của bạn về giá trị của đồng tiền và khởi đầu cho những điều mới mẻ bằng việc tích lũy tiền bạc. Hãy quyết tâm xây dựng để điều này trở thành thói quen không thể thiếu, rồi bạn sẽ thấy cơ hội để được độc lập về tài chính, để đạt được những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống luôn có sẵn và chờ đợi bạn.
46
QUY LUẬT GIÀU CÓ
Thế giới chúng ta đang sống luôn đảm bảo sự giàu có cho những ai thực sự mong muốn và sẵn sàng tuân theo những quy luật chi phối sự mưu cầu đồng tiền.
Thế giới chúng ta đang sống thật hào phóng, luôn ban tặng chúng ta những cơ hội để đạt được mọi khát vọng chính đáng của bản thân, trong đó có khát vọng trở nên giàu có. Hầu như bạn có thể kiếm được tiền ở khắp mọi nơi vì đồng tiền không bao giờ thiếu hụt thực sự. Tuy nhiên, thái độ của bạn đối với sự thừa thãi hay khan hiếm tiền bạc sẽ tác động lớn đến việc bạn có trở nên giàu có hay không.
Hệ quả: Mọi người đều có thể trở nên giàu có nếu quyết tâm thật sự.
Khi bạn nuôi dưỡng quyết tâm làm giàu và tin tưởng vào khả năng bản thân thì mọi hành động của bạn sẽ xoay quanh mục tiêu này. Bạn sẽ không ngừng thực hiện những công việc cần thiết để biến niềm tin thành hiện thực. Chỉ cần nhìn vào hành động của một người, bạn sẽ nhận biết được mức độ quyết tâm của người đó.
Trong cuốn The Instant Millionnaire của Mark Fisher có đoạn: một chàng trai trẻ tìm gặp người triệu phú già để hỏi xin lời khuyên làm giàu. Sau một hồi lắng nghe chàng trai nói, người triệu phú bắt đầu bằng câu hỏi: “Tại sao anh lại chưa giàu?”. Đây cũng chính là câu hỏi quan trọng mà bạn cần phải đặt ra cho bản thân trước khi bắt đầu hành trình tìm kiếm sự giàu có. Câu trả lời sẽ khơi gợi rất nhiều điều còn giới hạn về bản thân bạn, từ những mối nghi ngờ, nỗi sợ hãi, những lý do biện minh đến việc ngại đối mặt với thử thách, chần chừ trước sự đổi thay,... Tất cả những điều này sẽ giới hạn khả năng làm giàu của bạn. Vì vậy, bạn cần can đảm thừa nhận điểm yếu đồng thời tìm cách loại bỏ chúng để tự tin hơn trên con đường đến với thành công.
47
QUY LUẬT TRAO ĐỔI
Đồng tiền là phương tiện trung gian mà con người dùng để trao đổi hàng hóa và dịch vụ phù hợp với nhu cầu bản thân.
Trước khi có đồng tiền, con người đã dùng hình thức trao đổi hàng hóa và dịch vụ trực tiếp để đổi lấy những vật dụng đáp ứng nhu cầu bản thân. Khi nền văn minh phát triển và hình thức trao đổi này trở nên phức tạp, con người đã phát minh ra đồng xu. Nhờ vật trao đổi trung gian này, quá trình mua bán tổng thể đã trở nên hiệu quả hơn nhiều. Còn ngày nay, chúng ta đi làm và trao đổi sức lao động để được nhận tiền, sau đó dùng đồng tiền này để mua kết quả công việc của người khác được thể hiện ở những sản phẩm hay dịch vụ mà họ cung cấp.
Hệ quả thứ nhất: Đồng tiền là thước đo giá trị của hàng hóa và dịch vụ do con người đặt ra.
Giá trị của hàng hóa được thể hiện bằng đồng tiền. Việc một người sẵn sàng bỏ ra một số tiền để được sở hữu một món hàng đồng nghĩa với việc người đó chấp nhận giá trị của món hàng. Vì thế tất cả mọi giá trị đều mang tính chủ quan, cá nhân và dựa vào suy nghĩ, cảm xúc, thái độ cũng như ý kiến của khách hàng tiềm năng tại thời điểm quyết định mua hàng.
Hệ quả thứ hai: Sức lao động được nhìn nhận như một yếu tố sản xuất hoặc chi phí.
Tâm lý của mọi người thường xem “mồ hôi nước mắt” hay công việc của mình là một điều đặc biệt ý nghĩa và mang tính cá nhân sâu sắc vì đây chính là cơ hội để bạn thể hiện chính mình.
Tuy nhiên, cũng như những thứ khác, sức lao động của bạn chỉ là một chi phí trong mắt những người chủ doanh nghiệp hay những người thuê mướn bạn. Chính vì vậy, bạn không thể đặt một giá trị khách quan cho sức lao động của mình. Những người sẵn sàng trả cho sức lao động của bạn trong một thị trường cạnh tranh mới quyết định giá trị sức lao động của bạn và những gì bạn xứng đáng được hưởng xét ở góc độ tài chính.
Hệ quả thứ ba: Số tiền bạn kiếm được là thước đo giá trị sự đóng góp của bạn do người khác nhìn nhận.
Thị trường lao động hoạt động theo một quy luật rất đơn giản. Mức lương bạn nhận được sẽ luôn tỷ lệ thuận với ba yếu tố: tính chất công việc bạn đang làm, khả năng thực hiện công việc và mức độ khó khăn khi tìm người thay thế bạn. Ngoài ra, mức lương của bạn còn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng đóng góp của bạn so với đóng góp của những người khác, kết hợp với giá trị và kỳ vọng mà người khác dành cho bạn.
Hệ quả thứ tư: Đồng tiền không phải là nguyên nhân mà là kết quả.
Nguyên nhân chính là công việc hay sự đóng góp của bạn đối với giá trị của một sản phẩm hay dịch vu, còn kết quả là tiền thù lao hay tiền lương mà bạn được trả công. Nếu bạn muốn tăng kết quả, bạn phải tăng nguyên nhân.
Hệ quả thứ năm: Để có được nhiều tiền hơn, bạn phải đóng góp nhiều hơn.
Để kiếm được nhiều tiền hơn, bạn phải không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng hay năng lực chuyên môn để có thể làm việc chăm chỉ và sáng tạo hơn, giúp nâng cao giá trị bản thân và cải thiện kết quả từ những cố gắng của mình. Những người được trả thù lao cao nhất trong xã hội là những người biết phát huy và tăng cường thế mạnh bản thân nhằm tạo thêm giá trị đối với công việc mà họ đang đảm nhiệm.
48
QUY LUẬT ĐỒNG VỐN
Tài sản quý nhất, chính là vốn tinh thần, thể chất và khả năng kiếm tiền của bạn.
Khả năng làm việc chính là tài sản quý giá nhất mà bạn được sở hữu. Số tiền bạn đang nhận chính là thước đo trực tiếp khả năng kiếm tiền của bạn.
Hệ quả thứ nhất: Thời gian là nguồn lực quý giá nhất của con người.
Thời gian chính là món quà công bằng của cuộc sống. Dù bạn là ai, nắm giữ vị trí nào trong xã hội, nghề nghiệp của bạn là gì, thì bạn cũng đều có hai mươi bốn giờ trong ngày. Điều tạo nên sự khác biệt chính là cách thức sử dụng thời gian. Phần lớn khả năng kiếm tiền phụ thuộc vào số thời gian và mức độ tập trung tâm trí mà bạn dành cho công việc. Việc quản lý thời gian kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính của năng suất thấp và thành quả không như mong đợi trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào. Điều này đúng cho cả nhà quản lý lẫn nhân viên bán hàng.
Ví dụ, rất nhiều nghiên cứu từ năm 1928 đến nay đã chỉ ra rằng những nhân viên bán hàng chỉ làm việc khoảng 20% thời gian. Một người bán hàng trung bình dành khoảng từ một đến một tiếng rưỡi mỗi ngày cho các hoạt động bán hàng trực tiếp, tiếp xúc với khách hàng hiện tại và tiềm năng. Số thời gian còn lại được dành vào các việc giao tiếp, trò chuyện, đọc tài liệu hướng dẫn bán hàng, gọi điện thoại, di chuyển và những hoạt động sử dụng lãng phí những giờ phút quý báu trong suốt cả ngày.
Nhà quản lý cũng gặp phải những tình huống tương tự. Trong một nghiên cứu gần đây, 95% nhà quản lý thừa nhận rằng toàn bộ 50% quỹ thời gian của mỗi ngày làm việc của họ được dành để giải quyết những sự việc chẳng liên quan gì đến công việc mà họ được trả lương. Và rất nhiều lần họ phải tham gia vào những lĩnh vực kém giá trị, không thể phát huy được hết năng suất của mình.
Hệ quả thứ hai: Thời gian và tiền bạc có thể được sử dụng hoặc dành cho việc đầu tư.
Tiền bạc và thời gian luôn có tính hai mặt. Ở một khía cạnh nào đó, chúng thay thế cho nhau và sẽ mất đi khi bạn sử dụng. Khi ấy, chúng sẽ trở thành chi phí chìm - chi phí bạn không thể thu hồi lại được. Nhưng ở khía cạnh khác, bạn có thể thu được lợi nhuận từ việc đầu tư thời gian và tiền bạc của mình đồng thời tăng thêm giá trị cho bản thân.
Một trong những việc đơn giản nhất bạn có thể làm là đầu tư 3% thu nhập hàng tháng của mình cho việc phát triển nghề nghiệp và bản thân cũng như cho việc thực hiện tốt hơn những điều quan trọng nhất. Mỗi ngày, bạn hãy dành một giờ để đọc thêm sách báo về lĩnh vực chuyên môn. Mỗi tuần, hãy bỏ chút thời gian tham gia những khóa học nâng cao và cải thiện kỹ năng nghề nghiệp. Luôn tìm kiếm sự trợ giúp trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp để có thể phát huy tối đa khả năng của bạn.
Bạn hãy không ngừng xây dựng một nguồn vốn trí tuệ, giá trị cá nhân và khả năng kiếm tiền. Sự liên tục cam kết phát triển cá nhân và nghề nghiệp sẽ đem lại cho bạn mức lợi nhuận nhiều hơn mức bạn từng nghĩ. Điều này cũng giúp bạn tiết kiệm nhiều năm tháng lao động vất vả với mức thu nhập và thành tích công việc thấp hơn. Lợi ích mà việc đầu tư thời gian và tiền bạc đem lại cho bạn có thể rất lớn.
Gần đây, Motorola ước tính rằng công ty này đang thu lại 30 đô la cho mỗi đô la dành cho việc đào tạo con người. Đây được xem là mức lợi nhuận cao nhất của việc đầu tư thời gian và tiền bạc mà Motorola đã đạt được. Những công ty, tập đoàn lớn khác cũng báo cáo những thành quả tương tự nhờ đầu tư vào việc đào tạo nhân viên và đội ngũ điều hành.
Bạn cũng có thể đạt được hiệu quả tương tự. Không gì có thể mang đến cho bạn một “cú đột phá” lớn và hiệu quả cho đồng tiền của bạn hơn là việc tái đầu tư một phần thời gian và tiền bạc để nâng cao khả năng tìm kiếm lợi nhuận.
Hệ quả thứ ba: Một trong những khoản đầu tư hiệu quả nhất về thời gian và tiền bạc là đầu tư nhằm mục đích tăng khả năng kiếm tiền.
Mục đích của việc hoạch định chiến lược doanh nghiệp là tăng “lợi nhuận trên vốn đầu tư”. Điều này đòi hỏi việc tổ chức và tái tổ chức để doanh nghiệp kiếm được lợi nhuận cao hơn theo số vốn đầu tư. Trong môi trường công việc, vốn đầu tư cá nhân của bạn chính là cảm xúc và tinh thần. Như vậy, công việc của bạn là thu về mức lợi nhuận cao nhất có thể được trên nguồn vốn con người của mình, để tăng “lợi nhuận trên sức lực” của bạn.
Nếu một cỗ máy năng suất được xem như một loại vốn cố định thì bản thân bạn cũng là một hình thức vốn tinh thần và thể chất. Loại vốn này có thể sản xuất ra số lượng lớn hàng hóa và dịch vụ nếu biết tận dụng và phát huy tối đa năng lực. Bạn cần phải nhìn nhận bản thân theo cách này để hình thành thái độ đúng đắn trong quá trình làm việc của mình.
49
QUY LUẬT VIỄN CẢNH THỜI GIAN
Người thành đạt nhất trong bất kỳ môi trường xã hội nào chính là người biết dành thời gian để cân nhắc các quyết định hàng ngày của họ.
Quy luật này xuất phát từ những nghiên cứu ban đầu về phát triển tài chính do tiến sĩ Edward Banfield của Đại học Harvard tiến hành vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Sau khi nghiên cứu các yếu tố được nhiều người cho rằng có đóng góp vào sự thành công về tài chính của cá nhân trong suốt một đời người, ông đã kết luận rằng có một yếu tố chính nổi trội hơn tất cả các yếu tố khác – yếu tố viễn cảnh thời gian.
Tiến sĩ Banfield nhận thấy nấc thang sự nghiệp và vị trí xã hội của một người càng cao thì viễn cảnh thời gian của người đó càng dài. Một ví dụ điển hình về viễn cảnh thời gian lâu dài là một người dành mười hay mười hai năm học tập và thực tập để trở thành bác sĩ. Người này đã dành một quãng thời gian rất dài để đặt nền móng cho sự nghiệp của cả cuộc đời. Và mọi xã hội đều dành cho nghề này sự kính trọng cao nhất trong mọi ngành nghề. Chúng ta đánh giá cao và nể phục những hy sinh mà họ đã phải chịu đựng để theo đuổi một nghề nghiệp có tầm quan trọng và ý nghĩa cao quý đối với tất cả mọi người. Chúng ta công nhận viễn cảnh thời gian lâu dài của họ.
Những người có viễn cảnh thời gian lâu dài luôn sẵn sàng trả giá cho sự thành công bằng một quãng thời gian thật dài trước khi đạt được thành công đó. Họ nghĩ đến “trái ngọt” của năm, mười hay thậm chí mười lăm năm tới nên quyết định “gieo hạt” bằng việc chấp nhận hy sinh khoảng thời gian vô cùng dài lâu. Trong khi đó, những người có viễn cảnh thời gian ngắn thường chỉ có thể giữ những vị trí thấp trong xã hội. Họ chỉ biết hướng đến những mục tiêu ngắn hạn cũng như có được thu nhập tạm thời đủ trang trải cuộc sống. Những người này dễ rơi vào vòng xoáy tiêu cực và bế tắc của xã hội bởi họ không nhìn thấy tương lai dài lâu của mình.
Bạn có thể tiến lên những nấc thang xã hội và tài chính cao hơn khi bắt đầu suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng về những hành động của mình theo cách hướng đến những kết quả lâu dài. Khi biết sắp xếp cuộc sống cũng như các ưu tiên cho mục tiêu tương lai hay tham vọng trong tâm trí, bạn sẽ thấy chất lượng các quyết định của mình được cải thiện, gần như cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt hơn.
Hệ quả thứ nhất: Không tỏ ra quá thỏa mãn là chìa khóa mở ra thành công về tài chính.
Khả năng của bạn trong việc rèn luyện sự tự chủ, kiềm chế bản thân, hy sinh cái trước mắt để có thể tận hưởng những phần thưởng lớn hơn về lâu dài chính là khởi điểm của việc phát triển một viễn cảnh thời gian lâu dài. Điều này rất quan trọng đối với thành quả tài chính dưới bất kỳ hình thức nào.
Hệ quả thứ hai: Kỷ luật tự giác là phẩm chất cá nhân quan trọng nhất để đảm bảo thành công lâu dài.
Elbert Hubbard đã định nghĩa sự kỷ luật tự giác là “khả năng buộc bản thân bạn làm những điều cần làm vào những lúc cần làm, dù bạn có muốn hay không”. Herbert Gray, một doanh nhân, đã dành mười một năm tìm kiếm cái mà ông gọi là “đặc điểm chung của thành công”. Ông đã nghiên cứu hàng ngàn người thành đạt và cuối cùng đi đến kết luận: “Người thành đạt là người có thói quen làm những việc mà người không thành đạt không thích làm”.
Vậy những việc mà người không thành đạt không thích làm là gì? Thật ra chúng cũng là những việc mà hầu hết mọi người đều không thích làm như dậy sớm, làm việc chăm chỉ, làm thêm giờ, đảm nhận thêm trách nhiệm,... Những người thành đạt không ngại làm những công việc này vì họ biết hướng đến kết quả tương lai mà không quan trọng phương pháp hiện tại.
Khả năng của bạn trong việc nỗ lực vượt qua những thói quen thông thường của bản thân để vươn đến một mục tiêu lâu dài trong tương lai chính là biểu hiện rõ nhất của người thành đạt.
Hệ quả thứ ba: Hy sinh hiện tại là cái giá bạn phải trả cho viễn cảnh thành công lâu dài.
Khi bạn biết kiềm chế thói quen chỉ làm những việc dễ dàng hay những gì mà bạn yêu thích, khi bạn biết tự khép mình vào kỷ luật để thực hiện những việc khó khăn nhưng cần thiết, khi bạn biết đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc rèn luyện bản thân thì cũng chính là lúc bạn đang xây dựng cho bản thân mình những tính cách tích cực có thể đảm bảo cho bạn một cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn.
50
QUY LUẬT TIẾT KIÊM
Sự tự do về tài chính sẽ đến với những ai biết tiết kiệm 10% trở lên từ thu nhập của mình trong suốt cuộc đời của họ.
Bạn hãy xây dựng cho mình thói quen tiết kiệm một phần lương vào bất kỳ lần lĩnh lương nào. Những gì bạn tiết kiệm hôm nay sẽ đảm bảo cho sự an toàn và triển vọng của bạn vào ngày mai.
Hệ quả thứ nhất: Tích lũy theo tỷ lệ 1/10.
Hệ quả này xuất phát từ cuốn Người giàu có nhất thành Babylon của George Clason. Ngay hôm nay, bạn hãy bắt đầu tiết kiệm 10% thu nhập của mình. Bạn hãy xem đây là quỹ tích lũy tài chính lâu dài và không bao giờ sử dụng nó vì bất kỳ lý do gì ngoại trừ để đảm bảo tương lai tài chính của bạn.
Thế nhưng, trên thực tế, đa số mọi người thường sử dụng số tiền tiết kiệm sớm hơn dự định vì họ cho rằng không thể dự đoán được khi nào mình mới rơi vào cảnh khốn khó trong khi nhu cầu hiện tại lại đang cấp bách. Vì vậy, nếu bạn dự định mua sắm hay đi du lịch, hãy lập một quỹ riêng để tránh tối đa việc xâm phạm tài khoản tích lũy tài chính của mình.
Điều quan trọng là khi việc tiết kiệm 10% đã trở thành một thói quen thì bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi chỉ sống với 90% còn lại. Và theo thời gian, bạn hãy tăng mức tiết kiệm của mình từ 10% lên 15%, 20% và thậm chí cao hơn nữa. Khi ấy, đời sống tài chính của bạn chắc chắn có sự thay đổi rất nhiều.
Hệ quả thứ hai: Hãy tận dụng các khoản tiền tiết kiệm từ việc hoãn thuế và các kế hoạch đầu tư.
Những khoản tiền được tiết kiệm hay đầu tư mà không bị đánh thuế sẽ tích lũy với tốc độ nhanh hơn từ 30% đến 40% so với số tiền bị đánh thuế. Theo cuốn The Millionnaire Next Door của tiến sĩ Thomas Stanley, những nhà triệu phú kinh doanh thành công luôn nghĩ đến việc tích lũy ngân quỹ của họ dưới dạng tài sản như bất động sản, các công ty tư nhân và các khoản vốn từ việc bán cổ phiếu với giá trị cao để không phải chịu các khoản thuế.
Bạn hãy đầu tư vào các kế hoạch hưu trí, các tài khoản đầu tư giáo dục, các chương trình lựa chọn mua cổ phiếu và bất kỳ khoản đầu tư hợp pháp khác để tích lũy nguồn tài chính dài hạn. Luôn tận dụng từng đồng một!
51
QUY LUẬT BẢO TOÀN
Yếu tố quyết định tương lai tài chính của bạn không phải là bạn kiếm được bao nhiêu mà là bạn giữ được bao nhiêu.
Khả năng kiếm tiền vượt trội luôn là niềm ao ước của tất cả mọi người. Thế nhưng, khi lên đến đỉnh cao của sự thành công, một số người trở nên tự mãn và cho rằng tất cả chỉ là nhờ năng lực nổi bật của mình; nhưng thật ra trong nhiều trường hợp, họ là người may mắn được ở trong một nền kinh tế hay lĩnh vực kinh doanh đặc thù đang phát triển nở rộ. Những người này tiêu xài rất thoải mái với niềm tin chủ quan rằng hiện tại có thể kiếm được nhiều tiền thì tương lai chắc chắn cũng sẽ kiếm được nhiều tiền như thế. Thật ra, thước đo hiệu quả nhất cho tương lai tài chính không phải số tiền mà bạn đang kiếm được mà là số tiền mà bạn thật sự giữ lại được. Những người thành công luôn rõ ràng trong việc chi tiêu và tiết kiệm để bù đắp cho những giai đoạn nền kinh tế không ổn định hay công việc kinh doanh xuống dốc.
52
QUY LUẬT PARKINSON
Chi phí luôn tăng để bắt kịp mức thu nhập.
Quy luật Parkinson là một trong những quy luật quan trọng và nổi tiếng nhất về sự tích lũy của cải và tiền bạc. Quy luật này được Northcote Parkinson phát triển nhiều năm trước đây, giải thích về sự túng thiếu, nghèo khó của những người về hưu.
Quy luật này cho rằng dù con người kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa, họ thường có xu hướng chi tiêu hết và thậm chí chi tiêu vượt mức thu nhập. Khi thu nhập thấp, con người sẽ chi tiêu ít nhưng khi thu nhập tăng cao, nhu cầu con người tự nhiên tăng lên đòi hỏi phải chi tiêu nhiều hơn. Nói cách khác, chi phí luôn tỷ lệ thuận với thu nhập.
Hệ quả thứ nhất: Bạn sẽ độc lập về tài chính nếu biết phá vỡ quy luật Parkinson.
Quy luật Parkinson giải thích cái bẫy mà hầu hết mọi người đều mắc phải. Đây là lý do khiến con người lâm vào cảnh nợ nần, lo lắng về tiền bạc và đổ vỡ về tài chính. Chỉ đến khi xây dựng được một sức mạnh ý chí đủ để chống lại những thôi thúc mãnh liệt của việc tiêu xài mọi thứ kiếm được thì bạn mới có thể bắt đầu tích lũy tiền và tiến lên phía trước.
Hệ quả thứ hai: Bạn sẽ được độc lập về tài chính nếu biết duy trì mức chi tiêu thấp hơn mức thu nhập và dùng khoản dư ra để tiết kiệm hay đầu tư.
Điểm mấu chốt này có thể được xem như một “tấm đệm”. Nếu bạn có thể “chèn tấm đệm” giữa mức thu nhập đang tăng và chi phí cũng tăng trong cuộc sống của mình, bạn sẽ có được khoản tiền dư ra dùng để tiết kiệm hoặc đầu tư. Bằng việc phá vỡ quy luật Parkinson một cách có ý thức, bạn sẽ có được sự độc lập về tài chính.
53
QUY LUẬT KIỀNG BA CHÂN
Sự độc lập về tài chính như một chiếc kiềng ba chân vững chãi gồm có: tiết kiệm, bảo hiểm và đầu tư.
Một trong những trách nhiệm chính của bạn đối với bản thân và những người xung quanh là xây dựng một pháo đài tài chính vững chắc trong quá trình làm việc, nhằm tạo một điểm tựa giúp bạn tránh các bất ổn về tài chính sau này. Để đạt được mục tiêu này, bạn cần phân chia tài chính theo tỷ lệ phù hợp trong ba lĩnh vực: tiết kiệm, bảo hiểm và đầu tư.
Hệ quả thứ nhất: Để đề phòng những điều bất lợi có thể xảy ra, bạn cần phải có khoản tiết kiệm tiền mặt tương đương với từ hai đến sáu tháng chi tiêu trung bình.
Mục tiêu tài chính đầu tiên của bạn là tiết kiệm đủ tiền để có thể nuôi sống bản thân mình nếu chẳng may bạn bị mất nguồn thu nhập trong vòng sáu tháng. Chính việc gởi số tiền tiết kiệm này vào một tài khoản cá nhân có lãi suất hàng tháng sẽ đem lại cho bạn cảm giác tự tin và thoải mái. Bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn và không phải lo lắng nhiều về những dự định tương lai khi biết mình luôn có sẵn khoản tiền dự trữ.
Một phụ nữ trẻ sau khi tham dự buổi hội thảo của tôi với chủ đề “tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền bạc” đã viết thư cho tôi một năm sau đó và kể lại câu chuyện thú vị về bản thân cô. Cô nói rằng trước kia chưa bao giờ cô phải cân nhắc đến tình hình tài chính thực tế của mình. Cô hầu như tiêu xài tất cả những khoản thu nhập có được, thậm chí thâm hụt thêm vào tài khoản thẻ tín dụng. Kết quả là cô luôn ở trong tình trạng nợ nần. Tuy nhiên, sau buổi hội thảo của tôi, cô thực sự nhận ra vấn đề và bắt đầu tiết kiệm một phần thu nhập hàng tháng của mình, khởi đầu với mức 5% và tăng dần sau đó. Chỉ trong vòng một năm, cô đã để dành được số tiền tương đương với hai tháng thu nhập.
Trong lúc đó, công ty cô đang làm việc có một vài thay đổi về mặt nhân sự và cô phải làm việc với người sếp mới. Người sếp này luôn tỏ thái độ kẻ cả, trịch thượng, thường xuyên chỉ trích cô và luôn đặt ra yêu cầu làm việc quá mức. Sau một thời gian cố gắng chịu đựng, cô quyết định nghỉ việc vì không thể tiếp tục được nữa. Cô tâm sự với tôi rằng quyết định nghỉ việc đó là một bước đột phá lớn của cô. Thật ra, cho đến tận lúc đó, cô vẫn còn thụ động và hầu như chấp nhận những gì cấp trên yêu cầu. Thế nhưng, khi không phải chịu áp lực về tài chính, cô đã tự tin đặt bản thân mình ở vị trí cao hơn và có trách nhiệm hơn về chính cuộc đời mình. Rõ ràng, nếu không có số tiền tiết kiệm trong tài khoản, cô sẽ không nghĩ đến việc từ bỏ công việc đáng chán và dành thời gian tìm một công việc tốt hơn với mức lương cao hơn. Khi sống trong tâm trạng và môi trường như thế, dần dần cô sẽ đánh mất lòng tự trọng cũng như sự tự tin của mình.
Hệ quả thứ hai: Bạn phải mua bảo hiểm đủ để đề phòng bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra mà khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng không đủ để chi trả.
Có lẽ nhu cầu sâu xa nhất của con người chính là ước muốn được an toàn và một trong những cách thức để đảm bảo sự an toàn chính là mua bảo hiểm để đối phó với những trường hợp khẩn cấp mà bạn không đủ sức trang trải. Hãy tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ để dự phòng cho bạn và người thân trong bất kỳ trường hợp cấp cứu hay tai nạn nào. Hãy mua bảo hiểm cho xe của bạn để đề phòng trường hợp va quệt phải bồi thường theo trách nhiệm pháp lý. Hãy mua bảo hiểm nhân thọ để nếu có chuyện gì không may xảy ra với bạn, những người thân của bạn vẫn có thể ổn định được cuộc sống. Hãy tham gia các loại bảo hiểm về giáo dục để các con của bạn có được một tương lai vững chắc,... Trong tất cả các trường hợp, hãy đặt bản thân và những người thân yêu của bạn lên trên hết.
Hệ quả thứ ba: Mục tiêu tài chính bạn cần hướng đến là tích lũy vốn cho đến khi các khoản đầu tư đem lại cho bạn lợi nhuận nhiều hơn mức thu nhập từ công việc.
Cuộc đời của bạn được chia ra làm ba giai đoạn tương đối rõ ràng. Đầu tiên là những năm tháng học tập - quãng thời gian bạn lớn lên và được giáo dục học hành. Tiếp theo là khoản thời gian làm việc và kiếm tiền - khi bạn bắt đầu bước chân vào cuộc sống và sống tự lập, thời gian này kéo dài khoảng bốn mươi năm. Cuối cùng là những năm tháng nghỉ ngơi - giai đoạn bạn về hưu, không trực tiếp tham gia làm việc.
Chiến lược tài chính thành công và hiệu quả nhất khi số tiền bạn tích lũy từ các khoản tiết kiệm và đầu tư trong suốt thời gian làm việc đem lại lợi nhuận nhiều hơn mức thu nhập bạn từng kiếm được từ công việc hằng ngày. Vào thời điểm nghỉ ngơi, bạn bắt đầu rút lui khỏi công việc và dành thời gian quản lý tài sản hiện có. Điều này giống như chiến lược hoạch định rất đơn giản của cả đời người, nhưng điều ngạc nhiên là rất nhiều người kết thúc giai đoạn làm việc ở tuổi 65 với số tài sản dành dụm được vô cùng ít ỏi. Hy vọng điều này sẽ không xảy ra với bạn.
54
QUY LUẬT ĐẦU TƯ
Hãy nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bạn đầu tư.
Đây là một trong những quy luật quan trọng nhất về tiền tệ. Bạn nên dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng một thương vụ đầu tư cụ thể để tránh bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra.
Số tiền bạn dự định đầu tư là kết quả của nhiều năm tháng nỗ lực làm việc vất vả. Vì vậy trước khi quyết định đầu tư “công sức lao động” này, bạn hãy điều tra tỉ mỉ mọi khía cạnh, chi tiết. Hãy yêu cầu thông tin trung thực, chính xác và đầy đủ dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu bạn vẫn còn cảm giác nghi ngờ hay lo ngại về bất cứ điều gì, hãy khoan vội đầu tư mà kiên nhẫn chờ đợi một cơ hội đầu tư khác, thích hợp hơn và ít rủi ro hơn.
Hệ quả thứ nhất: Điều dễ thực hiện nhất đối với đồng tiền là đánh mất nó.
Quả thật, trong thị trường đầy cạnh tranh ngày nay, việc kiếm được một đồng tiền là một vấn đề không đơn giản nhưng khi kiếm được tiền rồi, thì việc tiêu tiền lại vô cùng dễ dàng, hầu như ai cũng có thể làm được. Ngạn ngữ Nhật Bản có câu: “Kiếm tiền giống như đào đất bằng ngón tay còn tiêu tiền giống như tưới nước vào cát”.
Hệ quả thứ hai: Không đánh mất tiền vào những việc vô nghĩa.
Hệ quả này xuất phát từ câu nói của tỷ phú dầu lửa Marvin Davis trong một lần phỏng vấn với tạp chí Forbes. Theo Marvin Davis, một trong những nguyên tắc thành công của ông chính là “Không đánh mất tiền vào những việc vô nghĩa”.
Theo quan điểm này, bạn phải có cái nhìn thật tỉnh táo để phân biệt đâu là những việc ý nghĩa và không ý nghĩa. Ranh giới giữa chúng không phải lúc nào cũng thật rõ ràng. Davis nói rằng nguyên tắc này vô cùng quan trọng đến nỗi bạn nên viết ra giấy và đặt ở những nơi mà bạn có thể nhìn thấy hàng ngày. Hãy xem đồng tiền bạn có như thể đó là một phần cuộc đời của bạn. Bạn đã phải đánh đổi nhiều năm tháng lao động vất vả mới có được một số tiền nhất định. Đó chính là phần thưởng cho những nỗ lực của bạn. Khoảng thời gian đó là một phần đời ý nghĩa của bạn và sẽ không quay trở lại. Chính vì vậy, bạn hãy cân nhắc khi sử dụng phần thưởng cuộc đời vì đó chính là sự đảm bảo an toàn về tài chính. Nếu mất đi, bạn phải bắt đầu dành một khoảng thời gian làm việc vất vả mới có lại được và đôi khi, cơ hội để bắt đầu không phải lúc nào cũng dễ dàng và sẵn sàng.
Hệ quả thứ ba: Bạn đừng vội chủ quan khi cho rằng số tiền bạn đánh mất không đáng kể so với số tiền bạn đang có.
Những người thành công và biết quý trọng đồng tiền hiếm khi chấp nhận việc đánh mất tiền vào những mục đích vô bổ, cho dù số tiền đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số thu nhập của họ. Ngạn ngữ cổ đã nói: “Kẻ ngốc và tiền bạc của anh ta sẽ nhanh chóng chia tay nhau” hoặc “Khi một người đầy kinh nghiệm gặp một người có tiền, người có tiền sẽ tích lũy được kinh nghiệm còn người có kinh nghiệm sẽ tích lũy được tiền”.
Hãy luôn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu bạn mất 100% tiền trong một thương vụ đầu tư có vẻ đầy triển vọng. Bạn có thể giải quyết được điều đó không? Nếu không thể, hãy khoan vội quyết định đầu tư.
Hệ quả thứ tư: Chỉ nên hợp tác đầu tư với những người có bề dày thành tích chứng minh sự thành công của họ về tiền bạc.
Tôi đã từng được trò chuyện với một triệu phú đi lên từ hai bàn tay trắng ở Portland, Oregon. Để có được giá trị tài sản lên đến vài triệu đô la như hiện nay là do ông luôn tuân thủ nguyên tắc đầu tư của mình. Nguyên tắc của ông thật ra khá đơn giản: ông chỉ hợp tác với những người nào chứng minh được rằng họ đã từng thành công với việc kiếm tiền hoặc đầu tư tiền.
Là một người giàu có nên ông thường được những người bán vốn đầu tư tiếp cận. Mỗi lần như thế, ông yêu cầu họ trao đổi các bản kê khai tài chính cá nhân. Nếu bản kê khai đưa ra những con số tin cậy về sự thành công của họ, ông chấp nhận lời đề nghị mua vốn đầu tư. Nếu không, ông thẳng thắn từ chối việc hợp tác. Vì sự rõ ràng và nguyên tắc khi làm việc nên ông đã gặt hái nhiều thành công với số lợi nhuận tăng đều. Nếu bạn học hỏi cách làm việc của người triệu phú này, chắc chắn bạn sẽ giảm được khá nhiều rủi ro. Đừng đánh mất tiền một cách vô ích. Nếu bạn cảm thấy muốn đầu tư, hãy xem lại nguyên tắc này và quyết tâm giữ lại những gì mình đã có.
55
QUY LUẬT LÃI KÉP
Đầu tư tiền bạc một cách cẩn thận và lãi kép từ thương vụ đầu tư sẽ giúp bạn trở nên giàu có.
Lãi kép được xem là một trong những điều kỳ diệu của nền kinh tế học. Albert Einstein đã mô tả lãi kép là sức mạnh lớn nhất trong xã hội con người. Đồng tiền của bạn sẽ tăng lên rất nhiều sau một thời gian bạn tích lũy theo lãi kép.
Bạn có thể sử dụng quy tắc 72 để xác định xem bạn sẽ mất thời gian bao lâu để tăng gấp đôi số tiền tích lũy với bất kỳ mức lãi suất nào. Bạn hãy lấy 72 chia cho lãi suất. Ví dụ, nếu bạn đang đầu tư với 8% lãi, lấy 72 chia cho 8 được 9. Điều này có nghĩa là bạn sẽ mất 9 năm để tăng gấp đôi số tiền của bạn với lãi suất hàng năm là 8%.
Người ta ước tính rằng một đô la được đầu tư với lãi suất 3% vào thời điểm những năm đầu công nguyên sẽ tương đương với một nửa số tiền trên thế giới ngày nay. Nếu số tiền này được làm cho sinh sôi nảy nở và tăng gấp đôi, rồi nhiều lần gấp đôi như thế nữa, thì ngày nay nó sẽ đáng giá hàng ngàn tỷ đô la.
Hai mươi bốn đô la mà người Hà Lan đã trả cho người Ấn Độ bản xứ để đổi lấy đảo Manhattan, nếu được đầu tư với lãi suất 5%, ngày nay sẽ đáng giá hơn 2,2 tỷ đô la. Lãi kép chính là một công cụ mạnh mẽ trong việc làm giàu.
Hệ quả: Chìa khóa mở ra lãi kép là cất tiền đi và đừng bao giờ đụng đến nó.
Một khi bạn đã tích lũy tiền và số tiền này bắt đầu sinh sôi nảy nở, bạn đừng bao giờ đụng đến hay tiêu xài vì bất kỳ lý do gì. Nếu vi phạm, bạn đã tự mình đánh mất sức mạnh của lãi kép. Mặc dù hôm nay bạn chỉ tiêu một số tiền nhỏ, nhưng bạn sẽ phải chia tay với một con số khổng lồ sau này.
Vào năm 1935, một thư ký ở New York đã nhận phần chia tài sản trị giá 5.000 đô la sau khi ly hôn. Cô đã mang toàn bộ số tiền này đến một nhà kinh doanh cổ phiếu dày dạn kinh nghiệm và người này đã giúp cô chọn mua những cổ phiếu khả thi nhất. Sau nhiều năm với nhiều thời điểm thăng trầm và với tỷ lệ lãi kép dao động từ 12 đến 15%, số tiền 5.000 đô la năm 1935 ngày nay đã trở thành khối tài sản khổng lồ với hơn 22 triệu đô la. Số tiền này giúp bà có một cuộc sống thoải mái và dư dả khi về hưu.
56
QUY LUẬT TÍCH LŨY
Mọi thành công lớn về tài chính đều là kết quả của rất nhiều sự hy sinh và nỗ lực thầm lặng.
Để được độc lập về tài chính, bạn cần phải nỗ lực rất nhiều. Quan trọng và khó khăn hơn cả là việc chiến thắng những nhu cầu, mong muốn nhất thời của bản thân để duy trì việc tích lũy tiền bạc được đều đặn và lâu dài. Thời gian đầu, điều này có thể sẽ làm bạn không thoải mái và bạn cũng sẽ chưa nhận ra sự thay đổi hay khác biệt nào. Nhưng những nỗ lực của bạn sẽ dần đơm hoa kết trái. Nguồn tài chính tích lũy của bạn tăng dần. Mọi khoản nợ bạn đều thanh toán xong. Cơ hội đầu tư đến với bạn nhiều hơn. Cuộc sống của bạn sẽ dần ổn định và cải thiện nhiều hơn.
Hệ quả thứ nhất: Việc bạn tích lũy tiền tiết kiệm đồng nghĩa với việc bạn đang xây dựng một động lực thúc đẩy bản thân chuyển động nhanh hơn về phía các mục tiêu tài chính.
Khởi động một chương trình tích lũy tài chính không phải là việc dễ dàng nhưng một khi đã bắt đầu, bạn sẽ quen dần và cảm thấy mọi việc thật đơn giản. Một trong những bí quyết lớn để thành công là áp dụng Nguyên tắc Động lực. Theo nguyên tắc này, bạn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể vượt qua tính trì trệ ban đầu cũng như làm quen với việc tích lũy tài chính, nhưng một khi đã thật sự bắt đầu, bạn sẽ nhanh chóng duy trì thành thói quen.
Động lực là một yếu tố quan trọng quyết định hành động nên bạn cần phải xây dựng và duy trì động lực liên tục. Nếu động lực của bạn đã mất hoặc giảm dần, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn để khôi phục và bắt đầu lại.
Hệ quả thứ hai: Tích lũy cả một gia tài lớn thì khó, nhưng dành dụm từng ít một chắc chắn sẽ được.
Không phải lúc nào cuộc sống cũng cho phép bạn tiết kiệm hoặc 20% thu nhập vì có thể bạn sẽ rơi vào cảnh nợ nần hoặc chỉ đủ sống qua ngày. Trong những trường hợp này, thay vì tiết kiệm 10%, bạn hãy bắt đầu tiết kiệm chỉ 1% thu nhập và cương quyết không đụng số tiền 1% này. Bạn hãy mua một con heo đất và khi trở về nhà sau một ngày làm việc, hãy bỏ số tiền lẻ bạn còn trong ngày vào đây. Khi con heo đất đầy, hãy mang đến ngân hàng và gửi toàn bộ số tiền vào tài khoản tiết kiệm. Bất cứ khi nào bạn nhận được khoản tiền lời từ việc bán một vật dụng gì đó, thanh toán nợ cũ hoặc một món tiền thưởng bất ngờ, thay vì tiêu xài hết, bạn hãy gửi vào tài khoản tiết kiệm.
Những khoản tiền tưởng như nhỏ nhặt này sẽ bắt đầu tăng lên ở một mức độ làm bạn kinh ngạc. Sau khi đã ổn định cuộc sống với mức tiết kiệm 1%, bạn hãy tăng dần lên 2%, sau đó 3%, rồi 4% và 5%... Trong vòng một năm, bạn sẽ thấy mình thoát ra khỏi nợ nần và tiết kiệm được 10%, 15% và thậm chí 20% thu nhập mà không thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
57
QUY LUẬT THU HÚT
Càng tiết kiệm và tích lũy nhiều tiền, bạn càng thu hút được nhiều tiền vào cuộc đời mình.
Quy luật Thu hút này giải thích rất nhiều về thành công và thất bại trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là trên đấu trường tài chính. Nơi có nhiều tiền nhất là nơi đồng tiền được tôn trọng. Bạn càng quý trọng giá trị đồng tiền, bạn càng có nhiều cơ hội để kiếm được nhiều tiền hơn.
Lý do khiến nhiều người không tích lũy hay kiếm được nhiều tiền xuất phát chủ yếu từ chính suy nghĩ của họ. Điều này giải thích tại sao có nhiều người ở các nước thuộc thế giới thứ ba đã thành công và thể hiện được chính mình trong những nền kinh tế phát triển. Ở môi trường mới, cách tư duy và suy nghĩ của họ sẽ thay đổi theo chiều hướng mới mẻ và tích cực hơn để hòa nhập với mọi người. Điều này giúp họ thu hút con người, ý tưởng, cơ hội và các nguồn lực kinh doanh mới. Đây chính là những bước đệm quan trọng đưa họ đến với thành công và giàu có.
Hệ quả thứ nhất: Ý thức làm giàu và tiền bạc hút nhau như nam châm hút mạt sắt.
Lần đầu tiên tôi biết đến cụm từ “ý thức làm giàu” vào năm tôi hai mươi tuổi. Khi đó, tôi thật sự ấn tượng với cụm từ này nhưng do chưa hiểu được trọn vẹn ý nghĩa và tầm quan trọng của nó nên tôi quyết tâm tìm hiểu. Sau nhiều năm tháng thăng trầm và trải nghiệm, tôi nhận ra rằng khi bạn nuôi dưỡng thái độ tích cực đối với tiền bạc và tin tưởng vào quy luật Giàu có, những cảm xúc và niềm hy vọng của bạn sẽ như một thanh nam châm thu hút thật nhiều tiền bạc đến với cuộc sống của bạn. Đó chính là lý do tại sao bạn nên tích lũy tiền cho dù cuộc sống hay thu nhập của bạn như thế nào đi nữa. Hãy bắt đầu bằng một khoản tiền nhỏ và khi được cộng hưởng với niềm tin, khoản tiền nhỏ đó sẽ đem lại cho bạn số tiền nhiều đến bất ngờ.
Ông vua dầu lửa John D. Rockefeller khởi nghiệp từ vị trí nhân viên văn phòng với mức lương 3,75 đô la mỗi tuần. Từ số tiền này, ông đã trao một nửa cho nhà thờ và tiết kiệm 50 xu. Số tiền đó tuy không nhiều nhưng là điểm bắt đầu cho sự nghiệp của ông. Ở độ tuổi năm mươi, Rockefeller đã hoàn toàn thống trị việc sản xuất cũng như phân phối dầu thô và nhiên liệu của Mỹ. Ông cũng là một trong những người thành đạt và giàu có nhất thế giới. Tất cả đều bắt đầu từ việc tiết kiệm 50 xu mỗi tuần.
Hệ quả thứ hai: Dùng tiền để kiếm tiền.
Khi bạn đã quen với việc khép mình vào kỷ luật tự giác, biết tự kiềm chế bản thân vào những lúc cần thiết nhằm phá vỡ thói quen tiêu xài những đồng tiền kiếm được, bạn đã chứng minh cho bản thân cũng như cho những người khác rằng bạn là người đáng tin cậy về tiền bạc.
Cách đây nhiều năm, khi tôi làm đơn xin vay vốn kinh doanh, ngân hàng yêu cầu tôi phải có tài sản thế chấp gấp năm lần số tiền tôi muốn vay. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên nhưng sau này tôi mới biết rằng đây là tỷ lệ thông thường mà các ngân hàng đòi hỏi từ những người lần đầu giao dịch vay vốn. Việc người vay tiền biết tiết kiệm và tích lũy tài sản là một bằng chứng cho thấy người đó đáng tin cậy về tiền bạc. Sau một thời gian hợp tác uy tín, ngân hàng sẽ chỉ yêu cầu tài sản thế chấp gấp đôi số tiền muốn vay.
Khi bạn bắt đầu tích lũy tiền thì cơ hội kiếm tiền sẽ đến với bạn nhiều hơn. Những nhà triệu phú đi lên từ hai bàn tay trắng thường dành từ hai mươi đến ba mươi giờ mỗi tháng để suy nghĩ và nghiên cứu vấn đề tài chính của mình. Họ cẩn thận lập kế hoạch và sắp xếp các tài khoản. Họ cân nhắc mọi khoản chi phí trước khi đầu tư. Và kết quả là họ đưa ra những quyết định tài chính tốt hơn so với những người ít khi suy nghĩ và hay quyết định nóng vội.
58
QUY LUẬT TĂNG TỐC
Bạn càng tiến nhanh đến mục tiêu trở nên độc lập về tài chính, mục tiêu đó cũng sẽ càng tiến nhanh về phía bạn.
Thông thường, phải mất một thời gian dài bạn mới nhận thấy sự thay đổi về tình hình tài chính của mình. Những thói quen cũ rất khó bỏ. Thay đổi cuộc sống tài chính của bạn cũng giống như đổi hướng một con tàu lớn vượt đại dương. Bạn chỉ có thể thay đổi từng bước. Tuy nhiên, khi mọi thay đổi được đặt vào đúng vị trí, chúng sẽ giúp bạn tăng tốc và nhanh chóng tiến tới các mục tiêu của mình.
Hệ quả thứ nhất: Thành công sẽ nối tiếp thành công.
Hầu hết những người thành công về tài chính ngày nay đều phải nỗ lực lao động vô cùng vất vả mới tìm được cơ hội thực sự của mình. Nhưng sau đó, cơ hội đến với họ ngày càng nhiều hơn. Thành công luôn nối tiếp thành công. Vấn đề quan trọng là cần phải cân nhắc và chọn lựa những cơ hội này.
Hệ quả thứ hai: 80% thành công sẽ đến từ 20% thời gian đầu tư.
Đây là một khám phá khá đặc biệt. Bạn hãy nghĩ xem! Với 80% thời gian và tiền bạc ban đầu mà bạn đầu tư vào một doanh nghiệp, một nghề nghiệp, hoặc một dự án, bạn sẽ chỉ đạt được mức thành công khoảng 20%. Mức thành công 80% còn lại bạn sẽ đạt được với 20% thời gian và tiền bạc đầu tư cuối cùng.
Peter Lynch, cựu giám đốc của Quỹ Tương hỗ Magellan – một trong những quỹ tương hỗ thành công nhất trong lịch sử, nói rằng những thương vụ đầu tư tốt nhất mà ông đã từng thực hiện là những thương vụ phải mất thời gian rất dài mới đơm hoa kết trái. Ông thường tìm mua cổ phiếu không tăng giá trong nhiều năm liền của các công ty. Sau một thời gian kinh doanh chững lại, những công ty này phát triển nhanh chóng kéo theo giá cổ phiếu tăng vọt từ 10 đến 20 lần. Chiến lược đầu tư chứng khoán lâu dài này đã giúp ông trở thành một trong những giám đốc thành công nhất và được trả lương cao nhất ở Mỹ.
Các quy luật đồng tiền trình bày trong chương đã giải thích tầm quan trọng của sự độc lập về tài chính. Dù xuất phát điểm của bạn là gì, bạn đều có thể bắt đầu lập kế hoạch tài chính cho cuộc đời của mình ngay từ hôm nay. Điều quan trọng là bạn phải trả lời được câu hỏi: “Bạn cần nguồn tài chính ở mức độ nào?”. Khi ấy, bạn mới có thể định hướng hành động của mình theo mục tiêu đã được xác định. Hãy nhớ rằng bạn luôn được tự do lựa chọn. Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tất cả đều phụ thuộc vào bạn. Nếu bạn đủ kiên trì và tin tưởng vào sức mạnh của những quy luật này, không gì có thể ngăn cản bạn có được nhiều thành công lớn về tài chính.