SỨC MẠNH CỦA NHẬN THỨC
Mỗi người đều suy nghĩ theo cách riêng của mình
Ý TƯỞNG chỉ có sức mạnh khi chúng được gắn với mục đích rõ ràng, bền bỉ và mong muốn cháy bỏng biến chúng thành hiện thực, tiền bạc hay những mục tiêu cụ thể khác.
Edwin C. Barnes đã khám phá ra sự đúng đắn về cách con người tư duy để thành công. Khám phá của anh không đến cùng một lúc, mà đến rất từ từ, bắt đầu với mong muốn cháy bỏng trở thành cộng sự kinh doanh cho nhà phát minh vĩ đại Thomas Alva Edison.
Một trong những đặc điểm nổi bật của Barnes chính là tính rõ ràng. Anh muốn làm việc với Edison chứ không phải làm việc cho Edison. Quan sát kỹ cách Barnes biến mơ ước của mình thành hiện thực, bạn sẽ hiểu rõ hơn 13 bước để trở nên giàu có.
Khi mong muốn này lần đầu tiên lóe lên trong tâm trí Barnes, anh không hề có khả năng thực hiện nó. Có hai vấn đề trở ngại mà anh phải đối mặt: anh chưa từng biết về Edison và anh cũng không có đủ tiền để chi trả vé tàu đi đến thành phố Orange, bang New Jersey, nơi có phòng thí nghiệm của Edison. Những khó khăn này đủ để khiến hầu hết mọi người từ bỏ việc thực hiện mong muốn của mình. Tuy nhiên, mong muốn của Barnes không phải là một mong muốn bình thường. Anh đã quyết tâm tìm ra cách biến ước mơ thành hiện thực đến mức anh quyết định ra đi với hai bàn tay trắng còn hơn là bị thất bại. (Anh đã đến East Orange trên một chuyến tàu chở hàng.)
Anh đến phòng thí nghiệm của Edison và thông báo rằng anh đến đây để cùng cộng tác làm ăn với nhà phát minh. Vài năm sau đó, khi nói về buổi gặp gỡ đầu tiên giữa mình và Barnes, ngài Edison kể lại: “Anh ta đứng đó trước mặt tôi, trông giống như bao kẻ lang thang bình thường khác, nhưng có gì đó trên khuôn mặt của anh cho thấy chàng trai trẻ này đang quyết tâm để có được điều mà anh ta theo đuổi. Tôi đã rút kinh nghiệm từ rất nhiều người đàn ông rằng khi anh ta thực sự mong muốn điều gì sâu sắc, anh ta sẽ sẵn sàng đánh cược cả tương lai của mình. Tôi đã cho Barnes cơ hội mà anh ta muốn bởi tôi thấy anh ta đã quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình bằng được. Cuối cùng thì mọi thứ chứng minh rằng tôi đã lựa chọn đúng.”
Những điều mà một thanh niên trẻ như Barnes nói với Edison vào thời điểm đó không quan trọng bằng những gì anh nghĩ. Edison cũng đã từng nói như vậy. Barnes được làm việc tại văn phòng của Edison không phải vì anh là một người trẻ trung mà cách anh suy nghĩ mới là thứ đáng giá.
Nếu ý nghĩa quan trọng của câu nói trên được người đọc thấu hiểu sâu sắc thì có lẽ phần còn lại của cuốn sách này là không cần thiết nữa.
Barnes đã không được cộng tác ngay với Edison trong buổi phỏng vấn đầu tiên. Anh chỉ có cơ hội làm việc trong văn phòng của Edison với mức lương rất thấp, làm những công việc không quan trọng với Edison nhưng lại quan trọng với Barnes bởi đó chính là cơ hội để anh chứng tỏ khả năng kinh doanh của mình.
Nhiều tháng trôi qua, rõ ràng là Barnes vẫn chưa đạt được mục đích chính của mình. Nhưng có một điều quan trọng đã diễn ra trong tâm trí Barnes. Anh đã kiên trì và cố gắng thúc đẩy niềm khao khát trở thành người cộng tác kinh doanh của Edison.
Các nhà tâm lý học đã đúng khi khẳng định “Nếu bạn đã thực sự sẵn sàng cho một điều gì đó, hãy thực hiện nó.” Barnes đã sẵn sàng cho công việc trở thành người cộng tác kinh doanh với Edison. Hơn nữa, anh ta đã quyết định kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi nhận được điều anh đang tìm kiếm.”
Barnes chưa bao giờ tự nhủ rằng: “Công việc hiện nay đem lại cho tôi lợi ích gì? Có lẽ tôi sẽ thay đổi suy nghĩ của mình và thử một công việc bán hàng nào đó”. Thay vào đó, anh nói: “Tôi đến đây để hợp tác kinh doanh với Edison, thậm chí nếu phải dành cả phần đời còn lại để đạt được mục tiêu đó, tôi cũng chấp nhận.” Mọi người sẽ cho rằng đây là một câu chuyện kì lạ nếu họ không có mục đích rõ ràng và sẵn sàng theo đuổi mục đích đó đến cùng.
Có lẽ thời điểm đó, Barnes còn trẻ tuổi và không hiểu hết điều này nhưng chính sự quả quyết và lòng kiên định của anh cùng với một mong muốn duy nhất đã giúp anh vượt qua tất cả những cản trở để có được cơ hội mà anh tìm kiếm.
Khi cơ hội đến, nó xuất hiện dưới một hình thức khác và từ một hướng khác chứ không phải như Barnes mong đợi. Đó là một trong những cơ hội “bẫy”. Nó có thói quen lẩn trốn đằng sau cánh cửa, nó thường đến và ẩn dưới những tên gọi như “vận rủi” hay những “thất bại tạm thời”. Có lẽ đó là lý do tại sao có rất nhiều người trong chúng ta không nhận ra nó.
Ngài Edison đã hoàn thành việc phát minh ra một thiết bị mới dùng trong văn phòng, thời điểm đó thiết bị này được gọi là máy đọc Edison (sau này là máy Ediphone1). Nhân viên kinh doanh của ông không hề hứng thú với chiếc máy đó. Họ không tin rằng có thể bán được nó. Barnes đã nhận thấy cơ hội của mình. Nó đến âm thầm và được giấu kín trong chiếc máy kỳ cục không có ai yêu thích trừ Barnes và nhà sáng chế.
Barnes biết rằng anh có thể bán được chiếc máy này, anh đề nghị điều đó với Edison và ngay lập tức được ông đồng ý. Kết quả là việc bán hàng thành công đến mức Edison trao cho anh hợp đồng để phân phối và tiếp thị sản phẩm đó trên khắp cả nước. Việc cộng tác làm ăn đó đã dẫn đến khẩu hiệu nổi tiếng: “Edison sản xuất và Barnes lắp đặt2.”
1 Một thiết bị ghi âm.
2 “Made by Edison and Installed by Barnes.”
Việc hợp tác kinh doanh đã mang đến thành công lớn cho Barnes trong suốt hơn ba thập kỷ. Ngoài việc kiếm được nhiều tiền, anh còn làm được một điều vĩ đại hơn thế: Anh đã chứng minh được rằng một người có thể “Tư duy” và có được “Thành công.”
Mong muốn của Barnes đáng giá bao nhiêu tiền mặt? Ta không thể tính được. Có lẽ mong muốn đó đem về cho anh từ hai đến ba triệu đô la. Nhưng cho dù số tiền đó lớn đến thế nào đi nữa thì nó cũng không quan trọng bằng tài sản tuyệt vời mà anh có được trong quá trình hình thành nhận thức rõ ràng về những ý nghĩ mạnh mẽ vô hình có thể được “biến” thành hiện thực bằng việc áp dụng những công thức đã được biết đến này.
Về lý thuyết, Barnes nghĩ rằng anh sẽ trở thành người cộng tác cùng với ngài Edison vĩ đại. Anh nghĩ anh sẽ có được một tương lai giàu có. Để bắt đầu mọi thứ, anh chẳng có gì ngoài khả năng biết điều mình muốn và quyết tâm theo đuổi mong ước đó đến cùng.
Khi bắt đầu thực hiện những gì mình muốn, thời điểm đó anh không có tiền, học vấn thấp, không có ảnh hưởng. Nhưng anh có nghị lực để bắt đầu, có lòng tin vào bản thân và sẵn sàng để chiến thắng. Với sức mạnh vô hình này, anh đã biến mình thành “Người đàn ông số một thế giới cộng tác cùng nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới - Edison”.
CÁCH MỎ VÀNG CHƯA ĐẦY MỘT MÉT
Một trong những lý do phổ biến của thất bại chính là thói quen chạy trốn khi phải đối mặt với những thất bại tạm thời. Trong cuộc đời mình, tất cả chúng ta ai cũng đã từng mắc phải sai lầm này ít nhất một lần.
Một người chú của Darby1 đã bị cơn sốt vàng hấp dẫn và quyết định đi xuống phía Tây để đào vàng với mong muốn trở thành người giàu có. Ông chưa bao giờ biết rằng bộ não con người còn có thể sản sinh ra nhiều vàng hơn so với bất cứ mỏ vàng nào trên trái đất. Ông bỏ qua lời can ngăn của mọi người và quyết định ra đi với cuốc, xẻng để đào vàng. Công việc khá vất vả nhưng ham muốn sở hữu nhiều tiền đã giúp ông quyết tâm. Sau nhiều tuần lao động, phần thưởng của ông là một quặng sáng. Ông cần máy móc để mang quặng đó lên mặt đất. Ông bí mật phủ quặng đó lại, đánh dấu những bước đi của mình tới căn nhà ở Willamsburg, Maryland, kể cho họ hàng và làng xóm rằng họ đã dò trúng mạch vàng và yêu cầu sự giúp đỡ của mọi người. Họ tập trung tiền vào để có được một chiếc máy và vận chuyển đến mỏ vàng. Người chú và Darby tiếp tục quay trở lại mỏ để làm việc.
1 Đây là nhân vật duy nhất được nhắc tên trong Think and Grow Rich mà người biên tập (Ross Cornwell) không thể tìm thấy bất cứ nguồn thông tin đáng tin cậy nào.
Chiếc xe đầu tiên chở quặng được chuyển tới một lò nấu kim loại. Việc quay trở lại lần này đã chứng tỏ họ đang có một trong những mỏ có trữ lượng vàng cao nhất ở Colorado1. Chỉ cần vài chiếc xe như vậy sẽ giúp họ trang trải hết nợ nần và rồi họ sẽ trở nên vô cùng giàu có.
1 Một tiểu bang phía Tây ở miền trung Hoa Kỳ, tiểu bang nổi tiếng về địa hình nhiều núi.
Máy khoan càng khoan sâu xuống, hi vọng của Darby và người chú lại càng tăng. Thế nhưng mạch của quặng vàng đột nhiên biến mất. Họ đã đi gần hết con đường nhưng lại không thấy mỏ vàng đâu. Họ tiếp tục đào, cố gắng trong tuyệt vọng để tìm lại được mạch vàng nhưng tất cả đều trở nên vô ích.
Cuối cùng, họ quyết định từ bỏ.
Họ bán chiếc máy cho một người đàn ông mua đồ cũ với giá vài trăm đô la và bắt tàu trở về nhà. Những người mua bán đồ cũ thường ngốc nghếch nhưng người đàn ông này thì không. Ông ta cho mời một kỹ sư mỏ về để xem xét và tính toán một chút. Người kỹ sư cho biết dự án đó thất bại vì những người tìm ra mạch vàng này không hiểu biết về “lỗi mạch”. Tính toán của anh kỹ sư cho thấy chỉ cần đào thêm 90 cm nữa là có thể tìm thấy mạch vàng. Anh ta đã đúng.
Người đàn ông mua bán đồ cũ đã kiếm được hàng triệu đô la từ mạch vàng đó vì ông ta tỉnh táo để biết tìm một chuyên gia tư vấn trước khi quyết định từ bỏ. Phần lớn số tiền dồn vào đầu tư cho chiếc máy là do những nỗ lực của R. U. Darby, khi đó anh còn rất trẻ. Số tiền đó là do những người thân và hàng xóm của anh tích góp lại bởi họ đã tin tưởng anh. Anh phải trả lại cho họ từng đô la một, cho dù việc đó phải tốn rất nhiều năm.
Một thời gian dài sau đó, Darby đã bù đắp được những mất mát của mình khi anh nhận thấy rằng mong muốn mạnh mẽ có thể biến thành vàng, anh đã hiểu được điều này sau khi tham gia vào ngành kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Luôn nhớ rằng mình đã để tuột mất tài sản khổng lồ chỉ vì dừng chân chưa đầy một mét trước mỏ vàng, Darby đã rút kinh nghiệm trong công việc của mình bằng cách tự nói với bản thân rằng: “Tôi đã dừng chân chưa đầy một mét trước mỏ vàng, nhưng tôi sẽ không bao giờ dừng bước chỉ vì khách hàng nói “không” khi tôi mời họ mua bảo hiểm.”
Vào thời điểm đó, Darby là một trong số 50 người bán được một triệu đô la tiền bảo hiểm nhân thọ mỗi năm. Anh đã có được “lòng kiên định” nhờ bài học từ việc “bỏ việc giữa chừng” trước đó.
Trước khi thành công đến với bất kì ai thì cá nhân đó chắc hẳn đã gặp phải những lần thua cuộc tạm thời và cũng có thể là thất bại. Khi những khó khăn và thất bại bất ngờ xảy ra, cách dễ dàng và hợp lý nhất chính là chạy trốn - cách mà hầu hết mọi người vẫn thường làm.
Có hơn 500 nhân vật thành công và nổi tiếng ở Mỹ đã nói với tôi rằng thành công lớn nhất đến với họ chỉ cách thời điểm thất bại trong gang tấc. Thất bại là kẻ lừa đảo luôn châm biếm chúng ta. Nó cản trở khi ta đã gần đạt được thành công.
BÀI HỌC 50 XU VỀ LÒNG KIÊN ĐỊNH
Chẳng bao lâu sau khi Darby nhận được bằng tốt nghiệp tại trường “Đại học Thất bại” và quyết định rút kinh nghiệm từ việc kinh doanh ở mỏ vàng, anh đã có may mắn chứng kiến một câu chuyện giúp anh nhận ra rằng “không” không nhất thiết phải là Không.
Vào một buổi chiều, anh đang giúp bác mình xay bột mì trong một xưởng nghiền bột cũ, bác anh đang điều hành một trang trại lớn có rất nhiều người da đen lĩnh canh1 sống. Rất nhẹ nhàng, chiếc cửa bỗng được mở ra và một bé gái xuất hiện, cô bé là con của một trong những gia đình da đen lĩnh canh, cô bước vào và dừng chân gần trước cửa.
1 Người nông dân thuê đất phải chia một phần mùa màng của mình trả cho chủ đất.
Người bác ngước nhìn thấy đứa bé và quát: “Mày muốn gì?”
Bé gái trả lời lễ phép: “Mẹ cháu nói rằng ông hãy trả bà 50 xu!”
Người bác đáp lại: “Tao không trả. Giờ thì về đi.”
Đứa bé trả lời “Vâng”, nhưng cô bé không bỏ về. Người bác quay trở lại với công việc của mình, ông cũng bận nên không để ý rằng đứa trẻ không hề bỏ đi. Khi ông ngước nhìn lên, đứa trẻ vẫn đứng đó, ông hét lên giận dữ: “Tao bảo mày về nhà ngay. Nếu không tao sẽ đánh mày!”.
Cô bé trả lời “Vâng,” nhưng không hề di chuyển dù chỉ 1cm.
Ông bỏ bao tải lúa mì đang định đổ vào máy xay xuống, nhặt mảnh ván của thùng rượu lên và đi đến chỗ bé gái với khuôn mặt giận dữ.
Darby nín thở. Anh nghĩ mình sắp phải chứng kiến cảnh đánh đập tàn nhẫn. Anh biết bác mình là một người hung dữ. Vào thời điểm đó, những đứa trẻ nhà nghèo, đặc biệt là con của những gia đình lĩnh canh không được phép tỏ ra vô lễ. Khi người bác tiến đến chỗ đứa trẻ đang đứng, cô bé nhanh chóng tiến lên phía trước một bước nữa, nhìn thẳng vào mắt của ông và gào lên với một âm thanh chói tai: “Trả lại 50 xu cho mẹ tôi!”
Người bác đứng khựng lại, mắt không rời cô bé, ông từ từ bỏ mảnh ván xuống và rút trong túi ra 50 xu trả cho cô.
Đứa bé nhận tiền, từ từ bước lại phía sau, mắt vẫn không rời khỏi người đàn ông mà cô bé vừa chế ngự. Sau khi cô bé đi khỏi, người bác ngồi xuống cái thùng gần đó và nhìn ra ngoài cửa sổ hơn 10 phút liền. Ông ngồi đó trầm tư, sợ hãi như thể ông vừa bị một trận đòn.
Darby cũng bất ngờ và không khỏi suy nghĩ. Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh chứng kiến một đứa trẻ da đen kiểm soát được một người lớn da trắng. Làm thế nào mà cô bé đó có thể làm được điều đó. Điều gì đã khiến cho người bác mất đi vẻ hung dữ và trở thành một chú cừu non ngoan ngoãn. Sức mạnh kỳ lạ nào đã khiến đứa trẻ chế ngự được người đàn ông này. Những câu hỏi tương tự như vậy cứ hiện lên trong suy nghĩ của Darby, nhưng anh không thể tìm ra được câu trả lời cho đến vài năm sau khi anh kể lại cho tôi câu chuyện này. Thật trùng hợp, tôi đã được nghe câu chuyện đặc biệt này ngay tại xưởng nghiền bột đó, ngay chỗ mà người bác cảm thấy mình như bị quật ngã. Và cũng thật kỳ lạ, tôi đã cống hiến gần một phần tư thế kỷ chỉ để nghiên cứu một sức mạnh như vậy, và điều này lại xảy ra với một bé gái yếu đuối, thất học, con của những người nông dân da đen.
Khi chúng tôi đứng ở đó, xưởng xay lúa đã trở nên cũ kỹ và mốc meo, Darby kể lại câu chuyện rồi hỏi tôi rằng: “Anh nghĩ gì về câu chuyện này? Đứa trẻ đã dùng sức mạnh kỳ lạ nào để chế ngự bác tôi?”
Câu trả lời cho câu hỏi của Darby sẽ được tìm thấy trong những nguyên tắc được mô tả ở cuốn sách này. Câu trả lời sẽ được giải đáp đầy đủ hoàn toàn. Nó mô tả chi tiết và hướng dẫn mọi người có thể hiểu và áp dụng được sức mạnh đó - sức mạnh mà một đứa trẻ đã vô tình có được.
Hãy giữ cho đầu óc tỉnh táo và bạn sẽ quan sát chính xác được sức mạnh kỳ lạ mà cô bé có được. Trong chương tới, bạn sẽ nắm được khái niệm về sức mạnh này. Đâu đó trong cuốn sách, bạn sẽ tìm thấy ý tưởng giúp bạn nhanh chóng lĩnh hội sức mạnh đó và làm chủ được nó, bắt nó phục vụ cho những lợi ích của bạn. Có thể bạn sẽ nhận ra được sức mạnh này ở ngay chương đầu tiên, hoặc nó cũng có thể bất chợt lóe lên trong tâm trí bạn ở bất kì một chương nào sau đó. Nó có thể xuất hiện dưới dạng một ý tưởng đơn độc, một kế hoạch hoặc một mục đích tự nhiên. Một lần nữa, nó có thể khiến bạn quay trở lại với những trải nghiệm về thất bại hay khó khăn, rút ra bài học từ những gì mình đã mất.
Sau khi tôi mô tả cho Darby về sức mạnh vô tình mà đứa trẻ đã có được, anh kể lại 30 năm kinh nghiệm bán bảo hiểm nhân thọ của mình, bày tỏ chân thành rằng thành công của anh chính là nhờ vào bài học anh đã học được từ đứa trẻ.
Anh chỉ ra rằng: “Mỗi lần khách hàng cố gắng chỉ cho tôi thấy họ sẽ không mua hàng, tôi lại thấy hình ảnh đứa trẻ đứng ở xưởng xay lúa cũ kỹ với đôi mắt to, sáng ngời và đầy thách thức, tôi lại tự nhủ: “Tôi phải thành công trong vụ này”. Và phần lớn doanh số bán hàng của tôi đến từ những người mà trước đó họ đã trả lời “không”.” Anh cũng nhắc lại, sai lầm của anh là đã dừng chân cách mỏ vàng chưa đầy 1m. Nhưng kinh nghiệm đó đã mang lại sự may mắn cho anh. Nó đã dạy anh phải biết kiên nhẫn, dù có khó khăn đến đâu. Đó là bài học anh cần học trước khi có thể thành công trong bất cứ lĩnh vực gì.
Câu chuyện về Darby, người bác, đứa trẻ và mỏ vàng chắc chắn sẽ thu hút hàng triệu con người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Và một minh chứng sống là chính Darby đã rút ra được bài học từ hai kinh nghiệm này để có thể bán hơn một triệu đô la bảo hiểm nhân thọ mỗi năm - một con số đáng nể vào thời điểm đó.
Cuộc sống thật lạ kỳ và không thể đoán trước được điều gì. Cả thành công và thất bại đều bắt nguồn từ những trải nghiệm đơn giản. Những trải nghiệm của Darby đã thay đổi vận mệnh cuộc đời anh, vì vậy chúng cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống của anh. Anh đã rút ra được bài học từ hai kinh nghiệm lớn trên bởi anh đã phân tích chúng và rút ra bài học. Sẽ ra sao nếu bạn không có dịp trải nghiệm qua những câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc như thế, sẽ ra sao nếu những người trẻ tuổi chưa từng gặp thất bại trong cuộc đời để phân tích? Bằng cách nào và từ đâu mà một người bình thường có thể học được nghệ thuật biến thất bại thành bước đệm cho cơ hội thành công.
Cuốn sách này được viết để trả lời những câu hỏi đó. Câu trả lời sẽ được đề cập đến trong phần mô tả 13 bước hay còn gọi là 13 nguyên tắc, nhưng khi đọc chúng, hãy nhớ rằng câu trả lời có thể được tìm thấy ngay trong những câu hỏi khiến bạn phải suy ngẫm về những điều kỳ lạ của cuộc sống, câu trả lời có thể ở ngay trong nhận thức của bạn khi một ý tưởng, một kế hoạch hay một mục đích nào đó bất chợt nảy ra trong đầu khi đọc cuốn sách này.
Nếu muốn thành công, một ý tưởng tốt là tất cả những gì bạn cần. Những nguyên tắc được mô tả trong cuốn sách này bao gồm những nguyên tắc tốt nhất và cần thiết nhất, chúng xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau và giúp chúng ta thực hiện ý tưởng của mình.
Trước khi chúng ta đi thêm vào phần mô tả những nguyên tắc này, tôi tin rằng bạn đã sẵn sàng nhận được thông điệp quan trọng sau: khi giàu có đến, chúng đến thật nhanh, chúng ta sẽ dư dật tiền bạc, chúng ta sẽ ngạc nhiên và tự hỏi chúng đã ở đâu trong suốt những năm tháng khó khăn trước đây. Câu nói trên có thể làm bạn ngạc nhiên, đặc biệt nếu bạn luôn suy nghĩ theo quan niệm thông thường rằng sự giàu có chỉ đến với những người làm việc chăm chỉ trong một thời gian dài.
Khi bạn bắt đầu tư duy để thành công, bạn sẽ thấy rằng sự giàu có bắt đầu từ một trạng thái nhận thức - với mục đích rõ ràng và không tốn nhiều công sức. Bạn và cả những người khác nữa cần quan tâm đến phương pháp để có được trạng thái nhận thức sẽ giúp bạn trở nên giàu có. Tôi đã dành 25 năm nghiên cứu, phân tích hàng nghìn người, bởi bản thân tôi cũng muốn biết “những người giàu có đã làm thế nào để được như vậy.”
Tác phẩm này sẽ không thể hoàn thành nếu tôi không bỏ công nghiên cứu chừng ấy năm.
Một sự kiện trọng đại đã diễn ra: Thời kỳ Đại Suy thoái bắt đầu từ năm 1929 và tiếp tục diễn ra vào thời điểm lịch sử khi nền kinh tế sụp đổ cho đến khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt1 trúng cử. Sau đó, thời kỳ Đại Suy thoái dần suy yếu. Điều đó chỉ giống như người dẫn chỗ trong rạp hát bật đèn sáng và chỉ cho khách chỗ ngồi, họ đã mang ánh sáng đến rạp hát thường xuyên đến mức bóng tối dần chuyển thành ánh sáng trước khi chúng ta nhận ra nó, chính vì vậy từ sợ hãi trong nhận thức của con người dần mờ nhạt đi và thay vào đó là hai chữ niềm tin.
1 Tổng thống thứ 32 của Mỹ, một trong ba vị Tổng thống vĩ đại nhất, bên cạnh George Washington và Abraham Lincoln.
Chắc rằng chẳng bao lâu sau khi bạn áp dụng những nguyên tắc của triết lý này và làm theo những hướng dẫn để áp dụng những nguyên tắc đó thì tình trạng tài chính của bạn sẽ được cải thiện đáng kể, bạn sẽ nhận được thành quả từ những việc mình làm. Nếu bạn vẫn còn nghi ngờ, hãy tiếp tục đọc cuốn sách nhé.
Một trong những điểm yếu lớn của nhân loại là sự thân thuộc với hai chữ “Không thể”. Mọi người đều biết những gì không thể. Họ biết tất cả những thứ không thể thực hiện.
Cuốn sách này được viết cho những người tìm kiếm những điều quý báu làm nên thành công và những người sẵn sàng đánh cược mọi thứ vì những nguyên tắc trong cuốn sách.
Mấy năm trước, tôi đã mua một cuốn từ điển rất thú vị. Từ đầu tiên mà tôi gạch bỏ khỏi cuốn từ điển đó là từ “Không thể”. Bạn cũng nên làm điều này.
Thành công sẽ đến với những người có suy nghĩ thành công.
Thất bại sẽ đến với những người cho phép họ suy nghĩ thất bại.
Mục tiêu của cuốn sách này là để giúp những người đang tìm kiếm bí quyết thành công có được nghệ thuật thay đổi tư duy từ suy nghĩ thất bại sang suy nghĩ thành công.
Một điểm yếu khác mà rất nhiều người mắc phải là thói quen đo lường mọi thứ và đánh giá con người bằng ấn tượng và niềm tin của riêng mình. Sẽ có một vài người đọc cuốn sách này và cho rằng không ai có thể tư duy để thành công. Họ không thể nhận thức về thành công bởi họ chỉ quen suy nghĩ về nghèo đói, khổ cực và thất bại.
Kiểu suy nghĩ thiếu tích cực đã gợi cho tôi nhớ đến một người châu Á điển hình đến Mỹ du học tại trường Đại học Chicago. Một ngày, hiệu trưởng William Rainey Harper gặp chàng trai trẻ này trong trường, dừng lại nói chuyện với anh vài phút và hỏi nét tính cách nào của người Mỹ khiến anh ấn tượng nhất.
Chàng sinh viên này ngay lập tức đã hét lên: “Tại sao ông lại hỏi tôi như vậy? Chính là đôi mắt lệch của ông đó!”
Người đàn ông da trắng này đã nói điều gì xúc phạm anh chàng châu Á kia chăng?
Chúng ta thường không tin tưởng hoặc nghĩ sai hoàn toàn về những gì chúng ta không hiểu. Chúng ta thật ngốc khi tin tưởng rằng những giới hạn sở hữu của chính bản thân mình là thước đo chuẩn xác của giới hạn. Chắc chắn rằng cách nhìn của người khác có điều gì đó “khác thường” bởi họ không hề giống chúng ta.
Hàng triệu người quan tâm tới những thành công của những doanh nhân thành đạt (như Henry Ford) và ganh tị bởi sự giàu có, sự may mắn, khả năng trời phú hay bất cứ thứ gì mà họ cho rằng các doanh nhân đó có được do may mắn. Có lẽ chỉ có một người trong hàng trăm nghìn người biết về bí mật của những doanh nhân thành công này và họ e ngại hay do dự khi phải nói ra bí mật đó bởi bí mật này quá ư đơn giản. Minh họa hoàn hảo dưới đây sẽ chứng minh cho bạn thấy.
Một ngày, Ford quyết định sản xuất ra động cơ xe hơi tám kỳ mà ngày nay chúng ta vẫn sử dụng, một trong những bước phát triển thành công nhất trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi. Ông quyết định nghiên cứu để sản xuất một động cơ tám xylanh trong một khối và hướng dẫn cho các kỹ sư của mình thiết kế ra động cơ như vậy. Bản thiết kế được vẽ ra trên một tờ giấy, trừ Ford ra, còn lại tất cả các viên kỹ sư đều cho rằng ý tưởng đó không thể thực hiện được.
Ford yêu cầu: “Bằng mọi cách phải sản xuất bằng được động cơ đó.” Các kỹ sư trả lời ngay: “Nhưng điều đó là không thể!”
Ford ra lệnh: “Các anh hãy cứ làm đi và phải làm cho đến khi thành công dù có mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa.”
Các kỹ sư vẫn tiếp tục nghiên cứu. Họ không thể làm khác chừng nào vẫn còn là nhân viên của Ford. Sáu tháng trôi qua, không có kết quả. Sáu tháng nữa lại trôi qua, mọi thứ vẫn như vậy. Các kỹ sư cố gắng vận dụng hết khả năng tưởng tượng của mình để thực hiện ý tưởng đó của Ford, nhưng dường như tất cả đều “không thể”.
Cuối năm đó, Ford đến kiểm tra lại tình hình làm việc của các kỹ sư lần nữa, họ báo rằng họ không có cách nào để thực hiện yêu cầu của ông.
“Hãy tiếp tục đi. Tôi muốn có nó và chắc chắn phải có nó.” Ford nói.
Họ lại tiếp tục nghiên cứu, sau đó, cứ như thể là phép màu đã xảy ra, họ đã khám phá ra phương pháp sản xuất động cơ đó. Quyết tâm của Ford một lần nữa lại chiến thắng.
Câu chuyện này không được mô tả chính xác từng chi tiết nhưng về tổng thể và tính xác thực thì hoàn toàn đúng như vậy. Nếu bạn mong muốn có được sức mạnh tư duy để thành công, thì không cần phải tìm đâu xa, hãy học hỏi từ câu chuyện này của triệu phú Ford.
Henry Ford đã thành công bởi ông đã hiểu và áp dụng các nguyên tắc thành công. Một trong số đó chính là mong muốn - biết rõ điều mình muốn. Khi bạn đọc câu chuyện này, hãy gạch dưới những từ thể hiện sự quyết tâm của Ford. Nếu bạn làm được điều đó tức là bạn đang đặt những ngón tay của mình vào nhóm những nguyên tắc đặc biệt làm nên thành công của Henry Ford, bạn cũng có thể chiến thắng như ông vua xe hơi này ở tất cả những lĩnh vực phù hợp với bạn.
BẠN CHÍNH LÀ “NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH VẬN MỆNH CỦA MÌNH VÀ THUYỀN TRƯỞNG CỦA CON TÀU TÂM TRÍ”
Khi William Earnest Henley1 viết những dòng thơ mang đầy tính tiên tri: “Tôi là người Quyết định vận mệnh của tôi và Thuyền trưởng của con tàu tâm trí”, ông muốn nhắn nhủ chúng ta rằng chính chúng ta chứ không phải ai khác là người quyết định số phận và tâm hồn của chúng ta, bởi chúng ta có sức mạnh để kiểm soát suy nghĩ của mình.
1 Nhà thơ, biên tập viên, nhà phê bình người Anh.
Ông cũng cho chúng ta biết rằng trái đất nhỏ bé mà chúng ta đang sống trong vũ trụ này, nơi chúng ta đang tồn tại và phát triển, tự thân nó cũng sản sinh ra một dạng năng lượng. Đó chính là sức mạnh của vũ trụ phù hợp với bản chất của tư duy mà chúng ta đang nắm giữ và nó ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách để biến tư duy thành hành động.
Khi nhà thơ nói với chúng ta về sự thật tuyệt vời này, chúng ta sẽ hiểu được vì sao chúng ta lại là người quyết định vận mệnh của chính mình và cũng là thuyền trưởng của con tàu tâm trí. Ông cũng nhấn mạnh với chúng ta rằng sức mạnh này không giúp chúng ta phân biệt giữa tư duy tích cực và tư duy tiêu cực, nó chỉ giúp ta có nhận thức về sự nghèo túng cũng nhanh như những nhận thức về sự giàu có.
Bộ não của chúng ta trở thành nơi thu hút những suy nghĩ thống trị trong nhận thức. Và bằng những phép màu không ai có thể hiểu được, những suy nghĩ đó như những thỏi nam châm thu hút mọi thứ (quyền lực, con người, vật chất...) đến với chúng ta.
Ông cũng nói rằng trước khi chúng ta dư dật về vật chất, chúng ta cần phải hướng suy nghĩ đến việc mong muốn được giàu có, rằng chúng ta phải là người có được “nhận thức về tiền” cho đến khi mong muốn đó dẫn dắt chúng ta có kế hoạch rõ ràng và cần thiết để đạt được mục tiêu.
Từng bước một, sự thật dần được phô bày và đến bây giờ, các nguyên tắc được mô tả trong cuốn sách đang nắm giữ những bí mật làm chủ vận mệnh tài chính của chúng ta.
Giờ thì tất cả chúng ta đều sẵn sàng kiểm chứng bước đầu tiên trong 13 bước trên nấc thang Giàu có được đề cập trong triết lý làm giàu. Hãy giữ cho nhận thức của mình luôn mở rộng, và mỗi khi đọc, bạn hãy nhớ những nguyên tắc này không phải là phát minh của riêng ai. Chúng được đúc kết từ hơn 500 người vô cùng thành công trên đất Mỹ, những con người bắt đầu từ nghèo khó, ít học và chẳng có mấy ảnh hưởng. Những nguyên tắc đó đều được họ áp dụng thành công và bạn cũng có thể làm điều đó.
Bạn sẽ thấy rằng thực hiện triết lý này rất đơn giản chứ không hề khó khăn.
Trước khi bạn đọc Bước đầu tiên trên nấc thang Giàu có ở chương tới, tôi muốn bạn biết rằng chương đó truyền đạt những thông tin có thật và có thể thay đổi toàn bộ vận mệnh và tình hình tài chính của bạn, điển hình chính là việc nó đã thay đổi cuộc đời hai nhân vật được mô tả ở phần trên.
Tôi cũng muốn bạn biết rằng mối quan hệ của họ với tôi là vô cùng thân thiết. Một người là bạn thân nhất của tôi trong hơn một phần tư thập kỷ qua. Người kia là con trai tôi. Thành công đáng nể của họ có được nhờ áp dụng nguyên tắc sẽ được mô tả trong chương tới, tôi giới thiệu hai người này nhằm nhấn mạnh sức mạnh của nguyên tắc đó.
+
THẮP SÁNG ƯỚC MƠ VÀ HÀNH ĐỘNG
là điều đầu tiên mà bạn cần phải làm.
Và hãy nhớ ước mơ không thể được sinh ra trong sự thờ ơ,
lười biếng hoặc thiếu hoài bão.