Tưởng tượng và tin tưởng vào những gì bạn mong muốn
Bước thứ hai trên nấc thang Giàu có
+
Niềm tin là chất xúc tác hàng đầu của mọi khả năng trí tuệ. Nếu niềm tin được kết hợp với “rung cảm của ý nghĩ”, ngay lập tức tiềm thức sẽ cảm nhận được và biến nó thành sức mạnh tinh thần tương đương và truyền sức mạnh đó tới Trí tuệ Vô hạn.
Niềm tin, tình yêu và tình dục luôn là những cảm xúc mãnh liệt nhất trong tất cả những cảm xúc tích cực thiết yếu của con người. Khi chúng kết hợp với nhau, tư tưởng con người sẽ trở nên sống động hơn bao giờ hết. Những cảm xúc đó sẽ tác động vào tiềm thức, đồng thời biến đổi thành sức mạnh tinh thần, và chính sức mạnh này sẽ giúp Trí tuệ Vô hạn đưa ra giải pháp cho vấn đề được đặt ra.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN NIỀM TIN?
Câu nói dưới đây cho phép ta hiểu rõ hơn ý nghĩa quan trọng của nguyên tắc Tự kỷ Ám thị trong việc biến mong muốn thành thực tế, tiền bạc hay những giá trị tương đương: Niềm tin là một trạng thái của nhận thức, nó được hình thành hoặc được tạo ra bằng việc khẳng định những gợi ý lặp đi lặp lại trong tiềm thức thông qua nguyên tắc Tự kỷ Ám thị.
Để minh họa, ta hãy thử xem xét mục đích chính của bạn khi đọc cuốn sách này. Hoàn toàn tự nhiên, mục tiêu của chúng ta là có khả năng biến đổi những suy nghĩ và khát vọng vô hình của mong muốn thành những giá trị tương đương hữu hình có thể thấy được, như tiền chẳng hạn. Theo các chỉ dẫn nằm trong chương về Tự kỷ Ám thị (Chương 3) và Tiềm thức (Chương 11), bạn có thể thuyết phục tiềm thức rằng nếu bạn tin, bạn sẽ nhận được điều mình mong muốn. Tiềm thức của bạn sẽ hành động dựa trên sự tin tưởng đó, sau đó nó trở thành một dạng của niềm tin, và đề ra những kế hoạch cụ thể để đạt được điều bạn mong muốn.
Niềm tin không tồn tại sẵn có trong chúng ta, vì vậy rất khó có thể miêu tả về phương pháp phát triển niềm tin, giống như khi ta muốn miêu tả màu đỏ cho một người mù, một người chưa bao giờ biết màu sắc là gì và không có gì để đem ra so sánh với những gì bạn miêu tả. Niềm tin là trạng thái của nhận thức mà bạn có thể phát triển thành ý chí sau khi bạn thấu hiểu, tự nguyện áp dụng và sử dụng triệt để 13 nguyên tắc trong cuốn sách này.
Việc lặp lại và quả quyết các mệnh lệnh đối với tiềm thức của bạn chính là phương pháp duy nhất để phát triển niềm tin một cách chủ động.
Có lẽ, ý nghĩa này sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu ta đọc những lời giải thích dưới đây về cách một con người bình thường trở thành kẻ tội phạm. Các nhà hình sự học nổi tiếng trên thế giới đã kết luận rằng: “Khi con người lần đầu tiên tiếp xúc với tội ác, họ cảm thấy ghê sợ. Nhưng sau một thời gian, họ trở nên quen thuộc và dần chấp nhận nó. Nếu tiếp xúc nhiều với thế giới tội phạm sẽ làm cho họ tiêm nhiễm tội ác và bị tội ác chi phối.”
Tương tự như vậy, có thể nói rằng những ý nghĩ mạnh mẽ sẽ được lặp đi lặp lại trong tiềm thức của chúng ta và cuối cùng, chúng sẽ được chấp nhận và buộc chúng ta hành động. Tiềm thức sẽ chuyển hóa những tư duy tiêu cực đó thành những giá trị vật chất tương đương theo cách thực tế nhất có thể.
Nhân đây, tôi nghĩ bạn nên suy ngẫm lại câu: Tất cả những suy nghĩ được tình cảm hóa và kết hợp với niềm tin ngay lập tức sẽ biến thành hành động hay giá trị tương đương.
Những cảm xúc, hay những cảm nhận đơn lẻ của suy nghĩ - đó là những yếu tố mang lại cho ý nghĩ sức sống, tồn tại và hành động. Khi niềm tin, tình yêu và tình dục cùng kết hợp với những suy nghĩ mạnh mẽ sẽ làm cho những cảm xúc này mãnh liệt hơn gấp nhiều lần so với từng cảm xúc riêng lẻ.
Đến đây, chúng ta đã hiểu rằng tiềm thức sẽ chuyển hóa những ý tưởng mang tính tiêu cực, thậm chí phá hoại các ý tưởng mang tính tích cực và xây dựng thành những giá trị vật chất tương đương. Điều này giải thích hiện tượng hàng triệu con người thất bại cho rằng trong cuộc đời có “vận rủi” hay “không may mắn”.
Hàng triệu con người cho rằng họ không thoát khỏi nghèo đói và thất bại bởi họ đổ lỗi cho vận mệnh và họ không thể thay đổi nó được. Chính họ đã tạo ra những điều không may cho bản thân vì niềm tin tiêu cực xuất phát từ tiềm thức của họ đã dần trở thành sự thật.
Chúng tôi cũng xin nhắc lại rằng bạn hoàn toàn có thể đạt được điều mình muốn bằng cách truyền tải những mong muốn của mình vào tiềm thức, biến ước muốn đó thành sự thật, luôn tâm niệm và tin tưởng rằng việc chuyển hóa đó sẽ được thực hiện. Sự tin tưởng hay niềm tin của bạn là những nhân tố quyết định hành động trong tiềm thức của bạn. Và tôi cũng không hề cản trở việc bạn “đánh lừa” tiềm thức của mình bằng cách dùng phương pháp Tự kỷ Ám thị và đưa ra chỉ dẫn cho tiềm thức của mình giống như cách tôi đã đánh lừa tiềm thức của con trai tôi trước đây.
Để tự đánh lừa mình như vậy, bạn chỉ cần thuyết phục bản thân bằng cách kêu gọi tiềm thức của mình rằng bạn đang sở hữu những thứ bạn mong đợi.
Tiềm thức sẽ biến những mong muốn thành hiện thực bằng tất cả các phương tiện có được, bất kì yêu cầu nào được đưa vào tiềm thức với sự tin tưởng hay niềm tin thì yêu cầu đó sẽ được thực hiện.
Căn cứ vào những điều đã đề cập ở trên, thông qua thử nghiệm và thực tế, chắc chắn là bạn có thể đạt được khả năng kết hợp niềm tin với bất kì yêu cầu nào được đưa vào tiềm thức. Bạn sẽ có được một kết quả tuyệt vời thông qua việc áp dụng vào thực tế, chứ không chỉ đơn thuần lắng nghe những chỉ dẫn của tiềm thức.
Nếu nhận thức bị những cảm xúc tích cực, hay “quan điểm tinh thần tích cực” chi phối, nhận thức sẽ trở thành nơi trú ngụ tuyệt vời cho niềm tin. Nhận thức sẽ cung cấp những chỉ dẫn cho tiềm thức và tiềm thức sẽ chấp nhận và thực hiện ngay lúc đó.
NIỀM TIN LÀ MỘT TRẠNG THÁI CỦA NHẬN THỨC CÓ THỂ ĐƯỢC TẠO RA TỪ TỰ KỶ ÁM THỊ
Trải qua rất nhiều thế kỷ, các nhà tôn giáo đều răn loài người cần phải tin vào những giáo điều này khác, tuy nhiên họ đã thất bại khi chỉ cho mọi người cách để có được niềm tin đó. Họ chưa hiểu rằng: “Niềm tin là một trạng thái của nhận thức có thể được tạo ra nhờ Tự kỷ Ám thị.”
Bằng ngôn ngữ dễ hiểu, cuốn sách này mô tả những nguyên tắc mà nhờ đó niềm tin có thể phát triển ở ngay cả những nơi mà trước đó niềm tin chưa bao giờ tồn tại.
Trước khi bắt đầu, bạn cần khẳng định lại rằng: Niềm tin là thứ “tiên dược” mang đến cho chúng ta cuộc sống, sức mạnh, hành động và những suy nghĩ mạnh mẽ!
Câu phát biểu trên sẽ vẫn còn giá trị khi bạn đọc lại lần thứ hai, thứ ba hay thứ tư. Nó xứng đáng được đọc lớn lên!
• Niềm tin là điểm khởi đầu để tích lũy của cải!
• Niềm tin là cơ sở của những “phép màu” và những bí mật không thể phân tích bằng khoa học!
• Niềm tin là liều thuốc giải độc duy nhất cho mọi thất bại!
• Niềm tin là “chất hóa học” khi kết hợp với lời cầu nguyện sẽ tạo ra mối liên hệ trực tiếp tới Trí tuệ Vô hạn!
• Niềm tin là nhân tố biến những rung động bình thường của ý nghĩ tạo ra bởi nhận thức hữu hạn của con người thành sức mạnh tinh thần tương đương.
• Niềm tin - đó là nơi duy nhất có thể làm cho sức mạnh vô tận của Trí tuệ Vô hạn được khai thác và sử dụng.
Việc chứng minh rất đơn giản, chúng được quy về nguyên tắc Tự kỷ Ám thị. Ta sẽ làm rõ Tự kỷ Ám thị là gì và cách sử dụng nó như thế nào.
Ai cũng biết rằng nếu cứ nhắc đi nhắc lại một điều gì đó, ta sẽ tin vào nó mà không cần biết rằng điều đó đúng hay sai. Khi lời nói dối được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì cuối cùng nó sẽ trở thành sự thật. Hơn nữa, cuối cùng ta sẽ TIN rằng điều đó là sự thật. Mỗi chúng ta sẽ là chính con người mà chúng ta đang hiện hữu vì những tư duy thống trị ta cho phép chúng tồn tại trong nhận thức. Những suy nghĩ mà chúng ta đưa vào nhận thức một cách có cân nhắc, khuyến khích nó, cho nó hòa trộn với những cảm xúc của mình sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, điều khiển và kiểm soát mọi hành vi của chúng ta!
Nhận định sau có thể được coi như một chân lý: Những suy nghĩ khi được kết hợp với một cảm giác của cảm xúc sẽ như thanh nam châm, có khả năng hút tất cả các suy nghĩ cùng loại, hoặc những suy nghĩ có liên quan.
Suy nghĩ được “hấp dẫn” bằng cảm xúc cũng giống như hạt giống rơi trên một mảnh đất màu mỡ: nó sẽ nảy mầm, đâm chồi và tái tạo nhiều lần cho đến khi hạt giống nhỏ bé ban đầu trở thành vô số hạt cùng loại!
Tất cả những trải nghiệm của con người, những gì con người nghĩ, đều diễn ra trong một môi trường, trong một vũ trụ bão hòa với năng lượng bức xạ và “những dấu hiệu”. Từ lực hấp dẫn đến hiện tượng từ tính, từ tia vũ trụ đến tia X, những tia sáng hồng ngoại, sóng âm thanh, rađa, sóng ngắn, radio và những tín hiệu truyền hình - chúng ta đang sống trong một thế giới liên tục bị tấn công bởi “những rung động” của năng lượng mặc dù chúng ta chỉ có thể tiếp nhận trực tiếp một phần rất nhỏ của chúng.
Tương tự như vậy, những suy nghĩ mạnh mẽ là “những rung động” của năng lượng được truyền tải một cách khó hiểu, cho đến nay vẫn chưa ai thực sự hiểu nổi, chúng được truyền dẫn theo cách giống như những dòng hóa chất và dòng điện diễn ra giữa những tế bào não. Trong khi chúng ta còn chưa hiểu và không thể mô tả một cách khoa học về cách nó diễn ra, rõ ràng là những suy nghĩ mạnh mẽ, giống như bức xạ điện từ cũng chưa được xác định, giống như những trải nghiệm với khả năng ngoại cảm, hay ESP1.
1 Tri giác ngoại cảm (extra-sensory perception).
Trải nghiệm của con người giống như bản thân của vũ trụ vậy, tràn ngập những rung động của tư duy hay “những ảnh hưởng” mang cả tính chất phá hủy lẫn xây dựng. Chúng luôn luôn được miêu tả bằng những rung cảm của sợ hãi, nghèo đói, bệnh tật, sự thất bại hay cực khổ, và những rung cảm của thịnh vượng, sức khỏe, thành công, và hạnh phúc - giống như khí quyển truyền đi âm thanh của hàng trăm nốt nhạc, hàng trăm giọng nói của con người, của những đặc điểm nhận biết thông qua các phương tiện truyền hình hay radio.
Từ những trải nghiệm phong phú này, nhận thức của con người tiếp tục thu hút sự rung cảm hài hòa với những thứ thống trị nhận thức. Bất kì suy nghĩ hay ý tưởng, kế hoạch hay mục đích nào tồn tại trong nhận thức của con người đều được hấp dẫn bởi “những rung cảm suy nghĩ đang tồn tại”, bổ sung chúng vào nhận thức, và phát triển cho đến khi nó thống trị, kiểm soát được sự vận động do nhận thức làm chủ.
Giờ ta sẽ quay lại điểm xuất phát để có thể hiểu được phương cách mà hạt giống ý tưởng, kế hoạch hay mục đích được gieo trồng trên mảnh đất nhận thức. Chúng được gieo vào nhận thức của chúng ta theo cách vô cùng đơn giản do suy nghĩ của chúng ta luôn được nhắc đi nhắc lại. Đó là lý do tại sao bạn nên vạch ra kế hoạch cho cuộc đời mình, thật chi tiết và rõ ràng, hãy học thuộc và hàng ngày nhắc đi nhắc lại với sự tôn trọng, nâng niu hi vọng cho đến khi giọng nói của bạn chạm đến tiềm thức.
Bạn cần loại bỏ ảnh hưởng từ môi trường không lành mạnh mà bạn đã lớn lên hoặc đang sống và xây dựng cuộc sống theo trật tự của riêng bạn. Kiểm điểm lại khả năng và tài sản tinh thần của mình, bạn sẽ phát hiện ra điểm yếu nhất của bản thân chính là thiếu tự tin. Bạn hãy dùng nguyên tắc Tự kỷ Ám thị để khắc phục điểm yếu này, sự nhút nhát có thể biến thành lòng can đảm. Hãy viết ngắn gọn tất cả những ý nghĩ tích cực, những cảm xúc trào dâng của tâm hồn. Sau đó chỉ cần ghi lại, học thuộc và nhắc đi nhắc lại cho đến khi chúng trở thành một phần của tiềm thức.
BÍ QUYẾT ĐỂ TỰ TIN
• Thứ nhất: Tôi biết mình có đủ khả năng để đạt được mục đích rõ ràng trong cuộc đời mình. Vì thế tôi tự đòi hỏi mình tính kiên trì, không ngừng nỗ lực để hướng đến mục tiêu và tôi sẽ làm tất cả để thực hiện kế hoạch của mình.
• Thứ hai: Tôi biết rằng những suy nghĩ thống trị trong nhận thức của tôi sẽ được tái tạo và biến thành hành động cụ thể. Vì vậy, mỗi ngày tôi sẽ tập trung 30 phút để nghĩ về con người tôi mong muốn trở thành bằng cách vẽ ra trong tâm trí hình tượng rõ ràng, cụ thể về con người đó.
• Thứ ba: Nhờ nguyên tắc Tự kỷ Ám thị, tôi biết rằng bất cứ mong muốn nào tôi xây dựng trong nhận thức với sự kiên trì cũng sẽ tạo ra những phương cách thực tế để đạt được điều mình muốn; vì vậy, mỗi ngày tôi sẽ dành 10 phút để phát triển lòng tự tin của mình.
• Thứ tư: Tôi viết rõ ràng mục đích chính được xác định rõ trong đời mình và không bao giờ ngừng cố gắng cho đến khi nào đạt được nó.
• Thứ năm: Tôi hiểu rằng của cải và địa vị trong xã hội không thể lâu bền nếu không dựa trên lẽ phải và công bằng. Vì vậy, lương tâm không cho phép tôi có những việc làm đi ngược lại lợi ích của mọi người xung quanh. Tôi sẽ có được những gì mình muốn nhờ sức mạnh khi liên kết với mọi người. Tôi thuyết phục họ giúp mình và cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ lại họ. Tôi loại bỏ sự ghen tị, ngờ vực, căm thù, độc ác và hoàn thiện tình yêu của tôi đối với những người xung quanh bởi tôi hiểu rằng cư xử tệ với mọi người sẽ chỉ đem lại thất bại. Tôi sẽ khiến mọi người tin tưởng tôi bởi tôi tin vào bản thân và cũng tin tưởng mọi người.
• Thứ sáu: Tôi ký tên dưới nguyên tắc này, học thuộc và sẽ nhắc đi nhắc lại nó hàng ngày. Tôi tin chúng sẽ tác động đến hành vi và nhận thức của tôi và từ đó, tôi sẽ trở thành con người thành công và độc lập.
Nguyên tắc này dựa trên quy luật của tự nhiên chưa ai giải thích được, thậm chí là các nhà khoa học ở mọi thời đại. Các nhà tâm lý học đặt tên cho nguyên tắc này là “Nguyên tắc Tự kỷ Ám thị” và cho rằng điều này là hoàn toàn bình thường.
Tên gọi của nguyên tắc không phải là điều quan trọng. Quan trọng là công thức này hiệu quả và mang đến vinh quang cho nhân loại nếu nó được áp dụng một cách hợp lý. Ngược lại, nếu áp dụng theo cách tiêu cực, nó sẽ làm hại chúng ta. Vì vậy, chúng ta đưa ra kết luận rằng những con người giờ đang phải chịu thất bại, đói khổ và bất hạnh hay những tình cảnh bất lợi đều do bản thân họ đã áp dụng sai nguyên tắc Tự kỷ Ám thị. Nguyên nhân chính là tất cả những suy nghĩ mạnh mẽ đều có xu hướng được hiện thực hóa cho dù những suy nghĩ đó là tích cực hay tiêu cực.
Tiềm thức (hay còn gọi là “phòng thí nghiệm hóa học”, là nơi tất cả những suy nghĩ được kết hợp và sẵn sàng biến chuyển thành thực tế) không phân biệt được suy nghĩ tích cực và suy nghĩ tiêu cực. Tiềm thức làm việc với những gì chúng ta suy nghĩ. Tiềm thức sẽ biến suy nghĩ thành hành động. Hành động này dù được dẫn đường bởi nỗi sợ hãi hay lòng can đảm và niềm tin cũng sẽ đều mạnh mẽ như nhau.
Trong lịch sử y học đã có vô số trường hợp “tự sát do suy nghĩ”. Một người tự vẫn do những suy nghĩ tiêu cực cũng nguy hiểm như do các nguyên nhân khác. Tại thành phố Midwestern ở Mỹ, Joseph Grant, một nhân viên ngân hàng đã “mượn” một khoản tiền lớn của ngân hàng mà không có sự chấp thuận của Ban giám đốc để đánh bạc. Sau khi bị phát hiện, anh ta trốn trong một khách sạn địa phương. Sau ba ngày, mọi người tìm thấy anh đang nằm trên giường trong tình trạng tâm thần không ổn định, anh than vãn và rên rỉ, lặp đi lặp lại những từ sau: “Chúa ơi, họ sẽ giết con. Con không thể chịu đựng được sự ô nhục này”. Sau một thời gian ngắn thì anh ta chết. Bác sĩ cho biết trường hợp như vậy được gọi là “Tự sát tinh thần”.
Giống như dòng điện tác động đến ngành công nghiệp và mang lại những lợi ích nếu chúng ta sử dụng đúng cách. Ngược lại, nếu sử dụng không đảm bảo an toàn, có thể nó sẽ giết chết chúng ta. Nguyên tắc Tự kỷ Ám thị cũng có thể mang lại cho bạn sự giàu sang thịnh vượng và an bình, nhưng cũng dễ dàng xô bạn vào thung lũng của đau khổ, bất hạnh và cái chết, tất cả đều tùy thuộc vào mức độ hiểu biết và cách bạn sử dụng nó.
Nếu trong đầu bạn chỉ toàn sợ hãi, hoài nghi và không tin tưởng vào khả năng bạn có thể tiếp xúc và sử dụng năng lượng của Trí tuệ Vô hạn, nguyên tắc Tự kỷ Ám thị sẽ khiến bạn thêm thiếu tự tin và từ đó tiềm thức sẽ biến chúng thành hiện thực.
Giống như ngọn gió đưa con tàu này sang hướng Tây và sẽ đẩy con tàu khác về hướng Đông, nguyên tắc Tự kỷ Ám thị có thể nâng bạn lên thật cao, vượt qua những ngọn sóng hoặc cũng có thể nhấn chìm bạn xuống sâu dưới đáy đại dương, tất cả phụ thuộc vào cách bạn giương cánh buồm suy nghĩ của mình ra sao.
“Nếu bạn nghĩ: mình bị đánh bại,
Tức bạn đã bị đánh bại.
Nếu bạn nghĩ: mình không đủ can đảm,
Chính là bạn đã không đủ can đảm.
Nếu bạn mong chiến thắng nhưng lại nghĩ mình không thể,
Thì phần thua chắc sẽ về tay bạn.
Nếu bạn nghĩ mình đang thất bại,
Tức là bạn thất bại.
Thành công bắt đầu từ ý chí của một con người.
Tất cả chỉ nằm trong suy nghĩ.
Nếu bạn nghĩ mình vượt trội,
Bạn sẽ vượt trội.
Bạn luôn tư duy vươn tới tầm cao.
Bạn cần chắc chắn về bản thân trước khi có thể chiến thắng.
Trận chiến của cuộc đời không phải bao giờ cũng thuộc về
những người nhanh hơn hay mạnh hơn.
Sớm hay muộn, người chiến thắng chính là
người nghĩ mình có thể.”
Trong nơi sâu thẳm của tất cả chúng ta, có lẽ là trong từng tế bào não, có một hạt giống hành động đang ngủ yên. Nếu ta đánh thức và vun trồng để nó nảy mầm, nó sẽ đưa ta lên tầm cao mới mà có lẽ chưa bao giờ ta nghĩ mình sẽ đạt tới.
Abraham Lincoln là người luôn thất bại trong mọi việc cho đến khi ông ngoài 40 tuổi. Ông đã từng là ngài Không Ai Cả và Không Từ Đâu Đến, cho tới khi một trải nghiệm lớn đến với ông và đánh thức con người thiên tài đang ngủ trong trái tim và bộ não của ông dậy. Ông đã trở thành một con người vĩ đại của thế giới.
Chúng ta đều biết rằng tình yêu rất gần với trạng thái tâm hồn mà ta thường gọi là niềm tin vì tình yêu ảnh hưởng đến quá trình chuyển ý nghĩ của con người thành hành động. Trong nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu cách hàng trăm người đạt được những thành công đáng kinh ngạc, tôi khám phá rằng gần như tất cả họ đều chịu tác động của tình yêu đôi lứa.
Cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi1 là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho khả năng vô tận của niềm tin. Ông đã hô hào những người đi theo mình: “Hãy thay đổi những gì bạn muốn thế giới này thay đổi”. Gandhi có sức mạnh lớn hơn hẳn tất cả những người thời đó cho dù ông không hề có thiết bị, phương tiện hay sức mạnh để tiến hành chiến tranh - như tiền, tàu chiến, lính, khí tài quân sự. Ông không có tiền, không có nhà, thậm chí không có cả một bộ quần áo lành lặn nhưng ông có sức mạnh. Vậy làm thế nào mà ông có được sức mạnh đó?
1 Còn gọi là ông thánh Cam Địa, anh hùng dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân.
Ông đã có được sức mạnh nhờ hiểu biết về nguyên tắc của niềm tin, ông đã dùng tài năng của mình để truyền niềm tin đó vào nhận thức của hơn 200 triệu con người.
Nếu không phải là do niềm tin thì sức mạnh nào đã giúp Gandhi có được chiến công lỗi lạc đó?
Rồi sẽ có một ngày, các chủ doanh nghiệp cũng như nhân viên sẽ nhận ra sức mạnh to lớn của niềm tin. Ngày đó đang tới gần. Nền kinh tế toàn cầu từng rơi vào tình trạng suy thoái, đó là bằng chứng cho việc thiếu niềm tin sẽ ảnh hưởng như thế nào đến từng doanh nghiệp.
Chắc chắn nền văn minh này đã sản sinh ra rất nhiều con người thông minh để ứng dụng bài học tuyệt vời về sức mạnh của Niềm tin. Trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế, thế giới đã chứng minh rằng sự sợ hãi đang lan tràn và làm tê liệt vòng quay của nền công nghiệp cũng như các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau sự kiện này đã xuất hiện những nhà lãnh đạo trong công nghiệp và ngành kinh doanh, những người sẽ tìm kiếm được lợi ích từ ví dụ mà Gandhi đã chứng minh cho cả thế giới thấy. Họ đã áp dụng vào doanh nghiệp của mình những chiến thuật tương tự mà Gandhi đã sử dụng để xây dựng nên những chiến công vĩ đại nhất được ghi danh trong lịch sử thế giới. Họ xuất thân từ những con người bình thường chưa từng được biết đến, những người đang nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ trong những cơ sở sản xuất thép, những mỏ than, những nhà máy, những thành phố hay thị trấn nhỏ ở nước Mỹ.
Trong thời đại này, rất nhiều các nhà lãnh đạo đã dẫn dắt đội ngũ nhân viên như thể họ là một phần của những thứ máy móc vô tri vô giác. Họ bị bắt buộc phải làm như vậy bởi chính những người làm thuê đã cò kè mức chi phí hoàn toàn không có lợi cho các ông chủ, những người làm thuê đó chỉ muốn nhận chứ không muốn cho đi. Khẩu hiệu của tương lai sẽ là con người, hạnh phúc và hài lòng, khi con người đạt được trạng thái này trong nhận thức thì sản xuất sẽ tự nó hiệu quả hơn bất cứ sự quản lý khắt khe nào và đó chính là sự kết hợp của niềm tin, lòng yêu thích của mỗi cá nhân cùng với những nỗ lực hết mình của họ.
Chính vì cần phải có niềm tin và tinh thần hợp tác trong một tổ chức hay một doanh nghiệp, những doanh nhân thành đạt chia sẻ bí quyết rất đơn giản để tạo nên thành công, đó là: muốn nhận, trước hết hãy cho.
Một minh họa điển hình cho nguyên tắc này là sự ra đời của Tập đoàn Thép Mỹ năm 1900. Khi bạn đọc cuốn sách này, hãy nhớ trong đầu các sự kiện để có thể hiểu - những ý tưởng đã được biến thành tài sản lớn đến thế nào.
Ban đầu, Tập đoàn Thép Mỹ được ví như tên khổng lồ bắt đầu từ ý tưởng trong trí tưởng tượng của Charles M. Shwab.
• Thứ nhất, ông đã kết hợp niềm tin và ý tưởng.
• Thứ hai, ông đã lập kế hoạch để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
• Thứ ba, ông bắt đầu hành động để thực hiện kế hoạch của mình bằng một bài phát biểu nổi tiếng ở các Câu lạc bộ Đại học.
• Thứ tư, ông đã thực hiện và theo sát kế hoạch của mình với sự kiên trì và đưa ra những quyết định vững vàng cho đến khi ý tưởng biến thành hiện thực.
• Thứ năm, ông có ước mơ cháy bỏng vươn tới thành công.
Nếu bạn là người thường không hay tin vào những vận may lớn thì câu chuyện về sự hình thành của Tập đoàn Thép Mỹ sẽ giúp bạn khai sáng. Nếu bạn vẫn còn hoài nghi về việc con người có thể tư duy để thành công thì câu chuyện này sẽ xua tan những hoài nghi đó. Bạn sẽ thấy phần lớn những nguyên tắc trong cuốn sách đã được tập đoàn này áp dụng thành công.
Những miêu tả hùng hồn về sức mạnh của ý tưởng đã được John Loem viết trên tờ New York World Telegram như sau:
Bài diễn thuyết sau bữa tối trị giá một tỉ đô la
Vào tối ngày 12.12.1900, gần 80 ông trùm tài phiệt trên nước Mỹ tập trung tại Câu lạc bộ Đại học trên Đại lộ số 5 để dự buổi dạ hội tôn vinh một chuyên gia trẻ tuổi đến từ miền Tây. Chẳng mấy ai trong số đó đoán được rằng họ sẽ là người chứng kiến một trong những sự kiện nổi tiếng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp nước Mỹ.
J. Edward Simmons và Charles Stewart Smith - với lòng biết ơn chân thành vì sự hiếu khách của Charles M. Shwab đã dành cho mình trong suốt thời gian đến thăm Pittsburgh - tổ chức bữa tiệc chiêu đãi nhằm mục đích giới thiệu một chuyên gia về thép mới 38 tuổi với hội các ngân hàng thuộc miền Đông. Họ không ngờ rằng anh sẽ làm náo động cả bữa tiệc hôm đó. Họ cũng đã cảnh báo với anh trước rằng những người khoe khoang tự phụ ở New York vốn không ưa những người có tài hùng biện, và nếu như anh không muốn gây buồn chán cho các ngài Stillman, Harriman và Vanderbilt thì anh nên hạn chế bài nói trong khoảng 15 hoặc 20 phút, rồi rút lui.
Thậm chí ngài John Pierpont Morgan, người ngồi bên phải Schwab là một người quyền quý, cũng chỉ làm cho bữa tiệc thêm phần trang trọng với sự có mặt của mình trong một thời gian ngắn. Báo chí và dư luận xã hội không chú ý và cho rằng sự kiện này không đáng để đưa tin lên báo vào ngày hôm sau.
Chủ nhân bữa tiệc và các khách khứa danh tiếng, như thường lệ, thưởng thức bữa tiệc. Họ trao đổi một số chuyện nhưng chỉ trong phạm vi nghi thức xã giao. Trước đó, hầu hết các ông chủ ngân hàng và các nhà môi giới chứng khoán đều chưa gặp và biết về Shwab, người bắt đầu sự nghiệp với những dải đất dọc bờ sông Monongahela. Và rồi thật bất ngờ, dù buổi tiệc chưa kết thúc nhưng tất cả mọi người đã bị thuyết phục bởi bài diễn thuyết của Shwab về ý tưởng thành lập Tập đoàn Thép Mỹ trị giá một tỉ đô la.
Tất nhiên, lịch sử đã thất thiệt rất nhiều vì không có bản thu âm nào của bài diễn thuyết ấy. Sau đó, Shwab cũng đề cập lại một số phần trong bài diễn văn tại buổi họp tương tự với các nhà ngân hàng ở Chicago. Về sau, khi chính phủ yêu cầu giải tán công ty độc quyền thép1, ông đã đưa ra lời giải thích của chính mình, từ những minh chứng thực tế, về những nhận xét đã khiến Morgan say mê tham gia vào các hoạt động tài chính đến vậy.
1 Steel Trust.
Bài diễn thuyết tuy mộc mạc nhưng lại vô cùng dí dỏm, hài hước và sắc sảo. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất ở đây là chính bài diễn văn của Schwab đã tạo nên hiệu quả bất ngờ, tác động và gây ảnh hưởng đến những người tham dự buổi tiệc đó, những người ước tính có số vốn lên tới năm tỉ đô la. Sau khi Shwab kết thúc bài diễn văn kéo dài đến 90 phút, mọi người vẫn còn bị cuốn hút bởi những gì anh vừa nói. Ngài J. P. Morgan đã kéo diễn giả ra hành lang và họ nói chuyện với nhau thêm một giờ đồng hồ nữa.
Sức hút của cá nhân Shwab đã được thể hiện rất rõ, nhưng điều quan trọng nhất chính là ông đã triển khai được một chương trình rõ ràng và đầy đủ các bước về việc mở rộng hoạt động của ngành thép. Nhiều nhân vật cũng đã cố khêu gợi ngài Morgan ý tưởng thành lập Liên hợp Thép độc quyền kiểu tơ-rớt1 giống các liên hiệp xí nghiệp sản xuất bánh bích quy, dây thép gai, đường, cao su, rượu, bơ và kẹo cao su… John W. Gates, một tay đầu cơ nổi tiếng cũng bám riết ngài Morgan nhưng không được ông tin tưởng. Anh em nhà Moore, Bill và Jim, những nhà đầu cơ chứng khoán Chicago, những người xây dựng tơ-rớt diêm và các loại kẹo giòn, cũng rất muốn bám và lấy lòng ngài Morgan, nhưng cuối cùng họ đều thất bại. Elbert H. Gary, viên luật sư tỉnh lẻ luôn tỏ ra cao ngạo, cũng cố tiến hành một dự án làm ăn, nhưng dự án không đủ lớn để gây ấn tượng với ngài Morgan. Và nếu Shwab không có tài hùng biện để nâng ngài J. P. Morgan lên tầm quan trọng để ông ta thấy được lợi ích từ việc đảm bảo tài chính cho dự án thì ông ta cũng không coi trọng bài diễn văn đó và coi Schwab giống như bao kẻ khác.
1 Hợp doanh của nhiều xí nghiệp độc lập thành một xí nghiệp lớn, đặt dưới quyền quản trị của những nhà tư bản có xí nghiệp lớn nhất gia nhập hợp doanh đó.
Một thế hệ trước đó, sức hút tài chính đã thu hút hàng ngàn xí nghiệp nhỏ và kém hiệu quả lập thành liên hợp những công ty lớn và có khả năng cạnh tranh. Những sự kết hợp làm triệt tiêu cạnh tranh đó đã trở nên phổ biến trong lĩnh vực sản xuất thép nhờ kế hoạch của John W. Gates. Ông đã thành lập Công ty Thép và Dây cáp điện Mỹ1 từ một chuỗi các công ty nhỏ và cùng ngài Morgan lập nên công ty Thép Liên bang2.
1 American Steel and Wire Company
2 Federal Steel Company.
Nếu so sánh với tập đoàn khổng lồ của Andrew Carnegie, một tập đoàn được điều hành bởi 53 đối tác, thì tất cả những sự kết hợp đó lại trở nên thật nhỏ bé! Họ có thể kết hợp lại với nhau nhưng tất cả đều không thể làm sứt mẻ tổ chức của Carnegie, và ngài Morgan hiểu rõ điều đó.
Carnegie cũng hiểu điều đó, từ tầm cao của tòa lâu đài Skibo tráng lệ của mình, lúc đầu ông còn thích thú nhìn mọi thứ nhưng về sau ông trở nên tức giận khi thấy các công ty nhỏ của Morgan đang mưu toan chen chân vào lĩnh vực kinh doanh của ông. Khi những kế hoạch đó ngày càng trở nên lộ liễu, Carnegie bắt đầu muốn trả đũa. Ông dự kiến thành lập mạng lưới công nghiệp tương tự như mạng lưới của Morgan. Trước đó, ông không hề quan tâm đến dây thép gai, đai, thép lá hay ống. Ông chỉ bán thép chưa xử lý cho những công ty này và để họ chế tạo chúng theo hình dáng họ muốn. Giờ đây, khi Ch. Shwab trở thành trợ lý chủ chốt của ông, ông lên kế hoạch dồn đối thủ vào chân tường. Trong bài diễn văn của Charles M. Shwab, ngài Morgan nhận ra câu trả lời cho vấn đề sáp nhập của mình. Tơ-rớt khi không có Carnegie (người khổng lồ), thì tơ-rớt đó là vô nghĩa, chẳng khác nào chiếc bánh pudding nhân mật nhưng bên trong lại thiếu mật thì không còn gọi là bánh pudding nữa.
Trong bài diễn thuyết tối ngày 12 tháng 12 năm 1900, dù chưa có cam kết rõ ràng, Charles M. Shwab vẫn đưa ra kết luận rằng tập đoàn hùng mạnh của Carnegie có thể được bảo trợ dưới quyền của Morgan. Shwab nói về tương lai của ngành sản xuất thép trên thế giới, về khả năng tái cải tổ để ngành này hoạt động hiệu quả, bao gồm cả chuyên môn hóa, loại bỏ những nhà máy làm việc kém hiệu quả, tập trung sức lực cho những nhà máy đang phát triển tốt, tiết kiệm chi phí vận chuyển quặng, tiết kiệm chi phí quản trị và tinh giải bộ máy hành chính và về kế hoạch tấn công thị trường tiêu thụ quốc tế.
Nhưng quan trọng hơn cả, Charles M. Shwab đã phân tích cho những “kẻ cướp biển” trong giới chính trị và kinh doanh hiểu rõ về sai lầm chính trong hoạt động ăn cướp của họ. Ông rút ra kết luận rằng mục đích chính của những kẻ cướp đó là thiết lập chế độ độc quyền, nâng giá bán và kiếm lợi nhuận tối đa. Những chính sách thiển cận như vậy sẽ chỉ hạn chế thị trường trong kỷ nguyên mà mọi thứ đều đang đòi hỏi được mở rộng. Ông khẳng định thép với giá thành rẻ sẽ tạo ra chỗ đứng trên thị trường nhưng thực tế, Ch. M. Shwab đã trở thành người tạo ra phương thức sản xuất hàng loạt hiện đại dù lúc đó ông chưa ý thức được điều đó.
Bữa tiệc chiêu đãi ở Câu lạc bộ đại học kết thúc. Ngài J. P. Morgan về nhà và suy nghĩ về những kế hoạch lạc quan của Ch. M. Shwab. Shwab trở về Pittsburg điều hành doanh nghiệp thép của Andrew Carnegie, trong khi Gary và những người khác quay về nơi làm việc của họ, tiến hành những hoạt động cầm chừng và chờ đợi những bước đi tiếp theo.
Họ không phải đợi lâu. Ngài J. P. Morgan dành một tuần để suy ngẫm và tính toán những đề nghị thuyết phục của Shwab. Khi đã tin chắc rằng tài chính không bị ảnh hưởng trong dự án này, ông liền cho người đi tìm chàng trai trẻ tuổi và phát hiện ra anh cũng khá rụt rè. Ch. M. Shwab báo trước rằng ngài Carnegie, ông vua tơ-rớt, có thể sẽ rất không thích việc Ch. M. Shwab lại đi “tán tỉnh” ông vua của Phố Wall, nơi Carnegie quyết định không bao giờ đặt chân tới. Lúc đó, John W. Gates - người đóng vai trò môi giới - đề nghị Ch. M. Shwab “tình cờ” có mặt tại khách sạn Belview ở Philadelphia để ngài Morgan cũng “tình cờ” xuất hiện ở đó. Nhưng khi Shwab đến Philadelphia, Morgan đột nhiên ốm và buộc phải ở nhà tại New York. Vì vậy, sau lời mời vô cùng nhiệt tình của Morgan, Ch. M. Shwab đã tới New York rồi xuất hiện trước phòng của ông trùm tài chính.
Các nhà lịch sử kinh tế khẳng định toàn bộ vở kịch này từ đầu tới cuối do chính Carnegie đạo diễn: bữa tiệc chào mừng Ch. M. Shwab, bài diễn thuyết tuyệt vời, câu chuyện với J. P. Morgan - tất cả đều do ông già Scotland khôn ngoan dựng cảnh. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Khi Ch. M. Shwab đến gặp J. P. Morgan để bàn việc, anh vẫn còn chưa biết ngài Andrew Carnegie có nghe lời đề nghị bán công ty hay không, đặc biệt là bán công ty cho một nhóm nhà doanh nghiệp ông không hề mong muốn. Trong một buổi thảo luận, ngài Shwab đã trình bày bản viết tay sáu trang giấy cùng những con số chứng minh giá trị thực tế và khoản thu nhập khổng lồ trước mắt của công ty thép mà ông xem là có tương lai phát triển rực rỡ trong ngành công nghiệp nặng của Mỹ.
Bốn người đàn ông đã suy nghĩ cả đêm về những con số đó. Chủ tọa cuộc họp tất nhiên chính là ngài Morgan, có niềm tin mạnh mẽ và đầy quyết tâm cho thương vụ này. Tiếp đó là Robert Bacon, một cộng sự quý tộc, một học giả, một quý ông thực sự. Vị thứ ba là John W. Gates - tay sai của Morgan. Cuối cùng là Ch. M. Shwab, người hiểu rất rõ về quy trình làm ra và bán các sản phẩm thép. Trong suốt buổi họp, những con số mà Shwab đưa ra được mọi người tin tưởng. Nếu Shwab dự tính một công ty nào đó trị giá bao nhiêu thì công ty đó trị giá đúng chừng ấy, không hơn không kém. Ông còn yêu cầu rằng việc sáp nhập sẽ chỉ bao gồm những xí nghiệp mà ông chỉ định. Ông nghĩ đến một Liên hiệp phát triển, không có sự trùng lặp, thậm chí cũng không làm thỏa mãn những người bạn tham lam đang muốn đẩy toàn bộ gánh nặng tài chính lên vai ngài J. P. Morgan. Do đó, ông đã loại bỏ một số lượng lớn các doanh nghiệp mà những nhà tài phiệt ở phố Wall cũng đang thèm muốn.
Trời rạng sáng, ngài Morgan đứng dậy vươn vai, chỉ còn lại một vấn đề chưa thảo luận.
“Anh nghĩ rằng mình có khả năng thuyết phục Andrew Carnegie bán công ty không?” - Morgan hỏi.
“Tôi sẽ cố gắng.” Ch. M. Shwab trả lời.
“Chỉ cần ông thuyết phục được, tôi sẽ chịu trách nhiệm tất cả những phần còn lại.” - J. P. Morgan tỏ rõ quyết tâm.
Vậy liệu ngài Andrew Carnegie có chấp nhận thương vụ này không? Và ông già Scotland đó sẽ đòi bao nhiêu? (Shwab dự đoán khoảng 320.000.000 đô la). Và liệu ông ta sẽ đòi trả bằng gì? Cổ phiếu? Trái phiếu? Tiền mặt? Chắc chắn là chẳng ai có thể có được 1/3 tỉ đô la bằng tiền mặt.
Một ngày giá lạnh tháng Giêng, trên sân golf ở thị trấn St. Andrews vùng West-Chester, Carnegie ăn mặc ấm áp để tránh cái lạnh, còn Shwab, như thường lệ, nói khá nhiều để giữ vững tinh thần nhưng không có từ nào liên quan đến công việc cho đến khi hai người đã yên vị trong căn chòi ấm áp gần đó của Carnegie. Sau khi ngài Andrew Carnegie tỏ ra khá thư giãn, chàng trai Ch. Shwab chậm rãi trình bày cẩn thận về triển vọng hứa hẹn của việc nghỉ ngơi, từ bỏ doanh nghiệp lớn để về hưu, về số tiền và của cải lớn và anh có thể đáp ứng mọi yêu cầu kỳ quặc nhất của một ông già. Và rồi ngài Andrew Carnegie đã bị thuyết phục! Ông viết con số ông muốn lên một tờ giấy, đưa cho Shwab và nói: Thôi được! Ta sẽ bán với cái giá này!
Con số đó xấp xỉ khoảng 400.000.000 đô la, rất gần với con số mà Shwab đã tính toán trước đó bởi số tiền chênh lệch 80.000.000 đô la là tính đến biến động tăng giá bất động sản trong hai năm trước. Sau đó một thời gian, đứng trên boong của con tàu xuyên đại dương, ông già Scotland tỏ vẻ tiếc rẻ và phàn nàn với J. P. Morgan rằng lẽ ra ông nên đòi thêm 100.000.000 đô la nữa mới phải.
J. P. Morgan vui vẻ trả lời: “Nếu lúc ấy ông yêu cầu, chắc chắn ông đã có rồi.”
Tất nhiên là bước ngoặt này đã tạo ra tiếng vang lớn. Một tờ báo Anh đã bình luận rằng sự ra đời của Liên hiệp khổng lồ này đã khiến cho cả thế giới kinh doanh thép khiếp sợ. Hiệu trưởng trường Đại học Yale, ngài Hadley tuyên bố rằng cho dù có chính sách chống tơ-rớt thì chỉ trong 25 năm nữa sẽ lại xuất hiện một vị vua mới. Nhà môi giới chứng khoán tài năng, Keene, đã tung toàn bộ số cổ phiếu của tập đoàn mới này ra thị trường và chỉ trong nháy mắt cổ phiếu đã được bán hết, trị giá gần 600.000.000 đô la. Andrew Carnegie đã kiếm được phần của mình, tổ chức của Morgan cũng kiếm được 62.000.000 đô la để giải quyết tất cả những gì còn “trục trặc”, tất cả những “vị” còn lại, từ ngài Gates đến ngài Hary, ai cũng có tiền triệu trong tay.
Charles Shwab, 38 tuổi, đã nhận được phần thưởng của mình. Ông trở thành chủ tịch Tập đoàn mới và điều hành cho đến năm 1930.
Câu chuyện “Kinh doanh Lớn” ở trên chính là minh họa tốt nhất cho phương pháp biến mong muốn thành hiện thực.
Có thể vài độc giả sẽ nghi ngờ rằng: “Liệu chỉ có một mong muốn mơ hồ mà cũng có thể được biến thành hiện thực sao?” Những người không nghi ngờ thì nói: “Bạn không thể biến đổi từ một thứ không có gì thành một thứ gì đó được!” Câu trả lời nằm trong câu chuyện về Tập đoàn Thép Mỹ.
Tập đoàn hùng mạnh này ban đầu ra đời chỉ với một ý tưởng trong trí tưởng tượng của một người đàn ông. Tất cả kế hoạch thu hút các nhà máy sản xuất thép cũng bắt đầu từ suy nghĩ của con người đó. Niềm tin của anh, mong muốn của anh, trí tưởng tượng của anh, sự kiên trì của anh đã tạo nên thành công cho sự ra đời của Tập đoàn Thép Mỹ. Nhà máy, thiết bị,... những thứ mà chúng ta vẫn gọi là tài sản cố định, công cụ sản xuất được cho là vô cùng quan trọng sau khi mọi việc đã hoàn thành, thật ra không đóng vai trò quan trọng trong quá trình thương lượng và thực hiện thương vụ này. Chính những phân tích chi tiết cụ thể kế hoạch thu về sáu triệu đô la và sự hợp nhất dưới một sự quản lý mới là yếu tố then chốt tạo nên tập đoàn này.
Nói theo cách khác, chính ý tưởng của Charles M. Shwab và niềm tin của anh cùng với sự góp sức của J.P. Morgan và những người khác đã tạo nên một tài sản khổng lồ xấp xỉ gần 600.000.000 đô la. Đây không phải là mức giá thấp cho một ý tưởng.
Điều gì xảy ra sau đó trong thương vụ này thì chúng ta không cần quan tâm nữa. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn đưa ra bằng chứng sống cho những triết lý được mô tả trong cuốn sách - bởi triết lý này đã được ấp ủ và thực hiện trong toàn bộ câu chuyện trên. Tập đoàn Thép Mỹ đã trở thành một trong những tập đoàn giàu có và quyền lực nhất thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, hoàn thiện các phương pháp sản xuất và sử dụng thép, mở ra nhiều thị trường tiêu thụ mới. Điều đó cho thấy công ty đã phát triển vượt bậc và số tiền 600.000.000 đô la cho ý tưởng của Shwab là hoàn toàn xứng đáng.
Thành công bắt đầu từ tư duy!
Tư duy ảnh hưởng lớn đến thành công của một người. niềm tin xóa bỏ mọi giới hạn! Hãy nhớ đến điều đó khi bạn sẵn sàng ký với cuộc đời bản hợp đồng với trị giá mình mong muốn.
Cũng xin nhớ rằng, người đàn ông đã tạo ra Tập đoàn Thép Mỹ hoàn toàn không phải là một người nổi tiếng vào thời điểm đó. Anh ta chỉ là một người được gọi là “Người đàn ông Thứ Sáu” của Andrew Carnegie cho đến khi đưa ra ý tưởng nổi tiếng của mình. Sau đó, anh ta đã nhanh chóng trở thành một người có quyền lực, danh tiếng và cả sự giàu có.
Cũng giống như bao người thành đạt khác, anh đã thành công trên đôi cánh niềm tin của mình, đôi cánh được tạo nên bởi sức mạnh vô cùng lớn, đó chính là Tự kỷ Ám thị!!