Không có nhà vô địch “nửa vời”
Vào thời điểm ta nguyện ý cam kết với chính mình, Thượng Đế cũng đi theo cùng ta. Mọi chuyện sẽ diễn ra một cách tự nhiên để giúp ta đạt được nó. Một chuỗi các sự kiện sẽ phát sinh, mọi sự thuận lợi sẽ đến tình cờ, và sẽ có những cuộc gặp gỡ, những sự hỗ trợ hữu hình xuất hiện theo những cách mà không ai có thể ngờ tới.
- William H. Murray
Với sự tận tâm, người bình thường cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng to lớn trong thế giới của họ.
- John C. Maxwell
Một người vì mọi người
Năm 1939, Jonas Salk, một chàng trai 25 tuổi đến từ thành phố New York, đã hoàn tất chương trình học tại trường Đại học Y New York. Khi còn là một cậu bé, anh từng ước mơ trở thành một luật sư, nhưng đâu đó trong giai đoạn từ lúc tốt nghiệp trung học và bước vào đại học, niềm yêu thích của anh chuyển từ pháp luật sang các quy luật tự nhiên. Anh quyết định rằng mình muốn trở thành một bác sĩ. Có thể sự thay đổi này của anh đến từ việc mẹ anh không khuyến khích anh theo đuổi ngành luật. “Mẹ tôi không nghĩ rằng tôi có thể trở thành một luật sư giỏi”, anh nhớ lại, “hẳn vì tôi chưa bao giờ thắng trong các cuộc tranh luận với mẹ”. Cha mẹ anh, những người thuộc tầng lớp lao động nhập cư, đã rất tự hào khi anh tốt nghiệp trường y, bởi anh là người đầu tiên trong gia đình nhận được bằng cấp danh giá này.
Mặc dù Salk đã lựa chọn trở thành một bác sĩ, nhưng niềm đam mê thật sự của anh là nghiên cứu. Anh bị lôi cuốn bởi hai tuyên bố khoa học trái ngược nhau của hai giáo sư, thúc đẩy anh bắt đầu nghiên cứu về hệ miễn dịch, bao gồm những nghiên cứu về bệnh cúm. Và trong thời gian học năm thứ hai ở trường y, anh có một cơ hội vừa nghiên cứu và giảng dạy trong một năm, và anh nắm ngay cơ hội đó. “Cuối năm đó”, anh nhớ lại, “tôi được bảo rằng nếu tôi muốn, tôi có thể chuyển ngành và nhận bằng Tiến sĩ hóa sinh, nhưng ưu tiên của tôi vẫn là y khoa. Tôi tin rằng toàn bộ điều này có liên quan đến tham vọng ban sơ của tôi, hay gọi là khát khao cũng được – là trở thành người có ích cho nhân loại, có thể nói như thế”.
Năm 1947, Salk trở thành trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu vi-rút tại trường Đại học Pittsburgh, nơi anh bắt đầu việc nghiên cứu vi-rút bại liệt. Thời điểm ấy, bại liệt là một căn bệnh khủng khiếp, mỗi năm nó khiến hàng ngàn người trở thành tàn tật, nhất là trẻ em. Dịch bại liệt vào mùa hè năm 1916 ở New York đã khiến 27.000 người tàn tật và 9.000 người chết. Sau năm đó, bệnh dịch hoành hành thường xuyên hơn, và cứ mỗi mùa hè từng đoàn người lại dắt díu nhau trốn khỏi các thành phố lớn để bảo vệ con cái của mình.
Trong nửa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, nghiên cứu về vi-rút vẫn còn ở trong giai đoạn trứng nước. Nhưng vào năm 1948, một nhóm các nhà khoa học ở trường Đại học Harvard đã khám phá ra cách tạo nên một số lượng lớn vi-rút trong phòng thí nghiệm, và từ đó việc nghiên cứu trên diện rộng trở thành khả thi. Salk đã tận dụng phát hiện khoa học này để bắt đầu bào chế vắc-xin chống bại liệt.
Sau hơn bốn năm miệt mài nghiên cứu, năm 1952 Salk và các cộng sự của anh tại trường Đại học Pittsburgh đã bào chế thành công vắc-xin chống bại liệt. Họ đã tiến hành vài thử nghiệm sơ bộ an toàn trên những người bị nhiễm vi-rút bại liệt và vẫn còn sống. Nhưng cuộc thử nghiệm chính thức sẽ là tiêm vắc-xin chứa các tế bào bại liệt không hoạt động vào những người chưa bao giờ bị bại liệt.
Salk đã thể hiện tâm huyết của anh trong công cuộc cứu người thông qua những năm tháng học tập, chuẩn bị và nghiên cứu. Tuy nhiên, để người ta tin vào những điều mà bạn đang làm, bạn phải hoàn toàn tận tâm với nó. Mùa hè năm 1952, Jonas Salk đã tiêm vắc-xin mà anh bào chế được cho những người tình nguyện khỏe mạnh, bao gồm chính anh, vợ và ba con trai của mình. Anh thực sự đã cam kết!
Sự tận tâm của anh được đền đáp xứng đáng. Thử nghiệm vắc-xin đã thành công. Trong năm 1955, anh và người cố vấn tiền nhiệm, Tiến sĩ Thomas Francis, đã thu xếp tiêm vắc-xin cho 4 triệu trẻ em. Trong năm 1955, theo báo cáo có 28.985 trường hợp bị bại liệt trên toàn nước Mỹ. Năm 1956, con số này giảm xuống một nửa. Năm 1957, chỉ còn 5.894 trường hợp bị bại liệt. Đến ngày nay, nhờ vào công trình của Jonas Salk và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều nhà khoa học khác như Albert Sabin, căn bệnh bại liệt hầu như không còn tồn tại ở nước Mỹ.
Jonas Salk đã cống hiến tám năm cuộc đời mình để đánh bại căn bệnh bại liệt. Nhưng bởi mong muốn thực sự của anh là cứu giúp người, nên anh chưa bao giờ lấy bằng sáng chế cho loại vắc-xin mình tạo ra. Nhờ đó, vắc-xin này đã được sử dụng rộng rãi cho mọi người trên toàn cầu. Có thể nói rằng đội ngũ mà anh dành sự tận tâm nhất chính là cả loài người.
Đi vào chi tiết
Nhiều người thường có khuynh hướng gắn sự tận tâm vào cảm xúc của mình. Khi họ cảm thấy đúng, họ sẽ sẵn lòng làm với sự cam kết. Nhưng sự tận tâm thực sự không vận động theo cách đó. Tận tâm không phải là một cảm xúc; nó là một phẩm chất giúp chúng ta đi tới các mục tiêu đã đặt ra. Cảm xúc của con người có thể lên xuống tùy thời điểm, nhưng sự tận tâm thì phải vững vàng như đá tảng. Nếu bạn muốn có một đội ngũ vững mạnh – dù là trong công việc, trong đời sống hôn nhân, hay trong một tổ chức thiện nguyện – bạn phải có các thành viên hết lòng cam kết.
Có một số điều mà mọi thành viên đều nên biết về sự tận tâm:
1. Sự tận tâm thường đến giữa nghịch cảnh
Con người ta thường không thật sự biết liệu mình có cam kết với điều gì không cho đến khi họ đối diện nghịch cảnh. Đấu tranh với nghịch cảnh làm tăng thêm quyết tâm của con người. Nghịch cảnh nuôi dưỡng quyết tâm, và quyết tâm sẽ lo liệu những việc khó. Và khi bạn bỏ công sức ra làm việc nhiều bao nhiêu, bạn càng ít có khả năng đầu hàng bấy nhiêu. Như huấn luyện viên Vince Lombardi *, người đã được vinh danh tại National Football League Hall of Fame (Ngôi nhà Danh vọng của giải bóng bầu dục quốc gia), có nói: “Bạn càng làm những việc khó khăn, bạn càng khó có khả năng đầu hàng”. Những người làm việc tận tâm sẽ không đầu hàng một cách dễ dàng.
* Vincent Thomas Lombardi (1913 – 1970), người Mỹ, là một cầu thủ, một huấn luyện viên tài ba trong bộ môn bóng bầu dục.
2. Sự tận tâm không phụ thuộc vào năng khiếu hay năng lực
Với những người đạt được thành công to lớn, ta thường có xu hướng cho rằng việc cam kết tận tâm thì dễ dàng hơn với họ bởi họ có sẵn tài năng. Dường như mọi quá trình tập luyện đều dễ dàng đối với các vận động viên hạng nhất, các nghệ nhân tay nghề cao đều tinh tế hơn trong những món đồ thủ công của họ, hay những người có tố chất kinh doanh thì dễ thành công hơn trong việc làm ăn của họ. Nhưng điều đó không đúng. Tài năng và làm việc với sự tận tâm thì không liên quan gì với nhau – trừ phi bạn kết nối chúng lại với nhau.
Bạn có biết có nhiều nhân tài xuất chúng đã lãng phí tài năng của mình vì họ không làm gì cả không? Và bạn có biết nhiều người tưởng như chẳng có tài cán gì mà lại rất thành công không? Chuyện đó một phần là vì họ có cam kết. Nhà văn Basil Walsh ** từng nói: “Chúng ta không cần nhiều sức mạnh, năng lực hay cơ hội to lớn. Điều ta cần là sử dụng chính cái mình có”. Nếu ta cam kết sử dụng hết khả năng mình có, ta sẽ thấy mình còn có nhiều khả năng hơn và có nhiều thứ để cống hiến hơn cho đội ngũ. Đó chính là kết quả của sự tận tâm.
** Basil Walsh (1934) là một tác giả người Ireland.
3. Sự tận tâm đến từ sự lựa chọn, không phải từ hoàn cảnh
Tận tâm là vấn đề thuộc về lựa chọn. Trong cuốn sách mang tựa đề Choices của mình, Frederic F. Flach có viết:
Hầu hết mọi người nhìn lại những năm tháng đã qua và thấy rằng có những khoảng thời gian mà cuộc sống của họ đã thay đổi một cách đáng kể. Dù là tình cờ hay được lên kế hoạch trước, đó đều là những khoảnh khắc thôi thúc ta nhìn nhận lại chính mình và hoàn cảnh mà ta đang sống, rồi đưa ra những lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến quãng đời còn lại của ta.
Nhiều người nghĩ rằng hoàn cảnh quyết định sự lựa chọn. Nhưng thật ra lựa chọn thường quyết định hoàn cảnh. Khi bạn lựa chọn sự tận tâm, bạn đã cho bản thân một cơ hội thành công.
4. Sự tận tâm sẽ tồn tại lâu bền khi nó dựa trên các giá trị
Cam kết là một chuyện, có theo đuổi nó không thì lại là chuyện khác. Bạn làm thế nào để duy trì sự cam kết? Câu trả lời nằm ở chỗ sự cam kết của bạn dựa trên nền tảng gì. Bất cứ khi nào bạn lựa chọn dựa trên các giá trị sống bền vững, bạn sẽ dễ duy trì mức độ cam kết của mình hơn, bởi vì bạn không phải đánh giá lại tầm quan trọng của nó. Cam kết đối với điều gì đó bạn tin tưởng là loại cam kết mà bạn dễ dàng duy trì hơn.
Suy ngẫm
Sự tận tâm quan trọng như thế nào với bạn?
Bạn có phải là người coi trọng lòng trung thành và luôn theo đuổi đến cùng?
Khi mọi chuyện trở nên khó khăn, bạn có thói quen không chùn bước chứ?
Hay bạn có xu hướng thỏa hiệp, thậm chí là đầu hàng?
Cụ thể hơn, bạn cam kết tới mức nào với đội ngũ của mình?
Sự ủng hộ của bạn có mãnh liệt không?
Bạn có hỗ trợ hoàn toàn hay không?
Sự cống hiến của bạn cho đội ngũ có thuộc dạng không thể phủ nhận được hay không?
Hay bạn còn ngập ngừng về mức độ cam kết của mình?
Nếu bạn nhận thấy mình vẫn đang đánh giá lại ý định gắn bó với đội ngũ khi bạn hoặc cả đội gặp khó khăn, vậy thì bạn cần cam kết tận tâm hơn nữa.
Ghi nhớ
Để tăng mức độ tận tâm của bạn…
- Hãy gắn chặt cam kết vào những giá trị của mình. Bởi vì giá trị và khả năng hoàn thành cam kết có mối liên hệ mật thiết với nhau, nên hãy dành thời gian kết nối chúng. Trước hết, liệt kê ra các cam kết cá nhân và cam kết nghề nghiệp của bạn, sau đó hãy thử nối với các giá trị cốt lõi của mình (Điều này sẽ mất thời gian, đặc biệt nếu bạn chưa bao giờ làm vậy trước đây, song đừng quá vội vã). Một khi bạn lập xong cả hai danh sách này, hãy so sánh chúng. Bạn sẽ nhận thấy có những cam kết không liên quan gì đến các giá trị của mình. Hãy đánh giá lại chúng. Bạn cũng có thể nhận thấy có những giá trị mà bạn chưa hết lòng theo đuổi. Hãy cam kết thực hiện chúng.
- Chấp nhận rủi ro. Tận tâm đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro. Bạn có thể thất bại. Đồng đội của bạn có thể làm bạn thất vọng. Bạn có thể khám phá ra rằng việc hoàn thành các mục tiêu sẽ không đem lại cho mình những kết quả mong muốn. Nhưng dù thế nào, hãy chấp nhận những rủi ro của việc tận tâm. George Halas, ông chủ trước đây của câu lạc bộ Chicago Bears của giải bóng bầu dục nhà nghề NFL, khẳng định: “Chẳng ai cho đi điều tốt nhất của mình mà phải hối tiếc cả”.
- Đánh giá mức độ tận tâm của đồng đội. Nếu bạn thấy khó khăn với việc cam kết trong một vài mối quan hệ cụ thể nào đó và bạn không thể tìm thấy ở chính mình lý do của việc đó, hãy cân nhắc đến điều này: Bạn không thể cam kết với những người thiếu sự cam kết và mong nhận lại sự cam kết từ họ. Hãy đánh giá lại mối quan hệ xem liệu việc bạn không sẵn lòng cam kết có phải bởi tiềm năng từ người nhận sự cam kết của bạn là không xứng đáng hay không.
Mỗi ngày một câu chuyện
Bạn định nghĩa thế nào là tận tâm thật sự? Để tôi kể cho bạn nghe cách mà Hernán Cortés *** định nghĩa về nó. Năm 1519, dưới sự hỗ trợ của Velásquez – Thống đốc Cuba, Cortés đã chỉ huy một đoàn tàu thám hiểm thực hiện chuyến hành trình từ Cuba sang lục địa Mexico, với mục tiêu làm giàu cho đất nước Tây Ban Nha và tìm kiếm danh tiếng cho chính mình. Mặc dù chỉ mới 34 tuổi, vị chỉ huy trẻ tuổi người Tây Ban Nha ấy đã chuẩn bị cả cuộc đời chỉ cho cơ hội này.
*** Hernán Cortés (1485 – 1547) là một Chinh tướng của Tây Ban Nha, một trong những người đi đầu của thế hệ thực dân Tây Ban Nha chinh phạt các vùng đất của châu Mỹ.
Nhưng những người lính dưới quyền của ông thì chẳng tận tâm như ông. Sau khi vào đến đất liền, theo lời kể lại rằng họ đã nổi loạn và quay trở về Cuba bằng chính những con tàu của ông. Giải pháp của ông khi đó là gì? Hernán Cortés đã đốt cả đoàn tàu. Còn bạn, bạn hiến dâng như thế nào cho đội ngũ của mình? Bạn có hoàn toàn cam kết không, hay bạn sẽ tìm cách thoát thân khi mọi việc không suôn sẻ? Nếu vậy, có thể bạn cần phải đốt một, hoặc hai chiếc tàu. Hãy nhớ, không có cái gọi là nhà vô địch “nửa mùa”!