Cùng nhau làm việc trước khi cùng nhau chiến thắng
Toàn bộ sức mạnh của bạn nằm ở sự đoàn kết, mọi mối hiểm nguy của bạn đến từ sự chia rẽ.
- Henry Wadsworth Longfellow
Đồng tâm hiệp lực dẫn đến sự phát triển theo cấp số nhân.
- John C. Maxwell
Một kỳ công dưới lòng đất
Người ta gọi đó là Cuộc Đào thoát Vĩ đại (Great Escape). Nó không vĩ đại vì chưa từng được thực hiện trước đây. Những tù nhân chiến tranh cũng từng thực hiện các cuộc đào thoát từ doanh trại kẻ thù. Nó cũng không vĩ đại vì đến cuối cùng, hầu hết những người đào thoát đều phải chịu một kết cục bi thảm. Nó vĩ đại vì những người tham gia đã thực hiện được những nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi!
Stalag Luft III, một trại tù nằm ở phía Đông Nam Berlin, cách Berlin chừng 100 dặm, là trại tù có sức chứa khổng lồ với khoảng 10.000 tù binh phe Đồng minh. Năm 1944, một nhóm tù nhân cộm cán ở đó quyết tâm vượt ngục. Mục tiêu của họ là thực hiện một cuộc vượt ngục với không dưới 250 người nội trong một đêm, một việc đòi hỏi sự hợp tác tuyệt đối giữa các tù nhân. Một cuộc đào tẩu quy mô lớn như vậy chưa hề được thực hiện trước đó.
Đưa người trốn thoát khỏi nhà tù của Đức là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp. Dĩ nhiên thách thức lớn là việc đào những đường hầm bí mật để tạo lối thoát. Cùng nhau, những tù binh ở đây đã vạch ra những đường hầm, đào đất đá và chống tường hầm bằng các thanh gỗ từ giường nằm của tù nhân, đổ xà bần ra ngoài,… bằng những cách thức sáng tạo đáng kinh ngạc. Họ bơm không khí vào đường hầm bằng những ống bơm tự chế. Họ tạo ra những đường ray và xe đẩy để di chuyển trong các đường hầm. Họ thậm chí còn bắt bóng đèn điện trên các lối đi chật hẹp. Danh sách các nguyên vật liệu cho công việc này thật không thể tin được: 4.000 thanh gỗ vạt giường, 1.370 thanh ván cửa, 1.699 cái mền, 52 cái bàn dài, 1.219 con dao, 30 cái xẻng, gần 200 mét dây thừng, khoảng 350 mét dây điện, và nhiều thứ khác. Tốn cả một đội quân tù nhân chỉ để làm công việc tìm kiếm và lấy cắp các nguyên vật liệu để xây dựng đường hầm.
Tuy nhiên, việc gian nan khi xây dựng các đường hầm để vượt ngục chỉ là một phần của dự án. Mỗi người tù vượt ngục cần phải có đủ các vật dụng cần thiết: quần áo thường dân, giấy thông hành và thẻ căn cước dành cho công dân Đức, bản đồ, la bàn tự chế, thực phẩm thiết yếu, và nhiều thứ khác nữa. Một số tù nhân luôn tìm cách xoay bất cứ thứ gì để phục vụ cho toàn dự án. Nhiều người khác thì liên tục hối lộ các cai ngục.
Mỗi người tù có một công việc riêng. Họ lo việc may vá, rèn, móc túi, làm giả giấy tờ. Họ bí mật làm những việc ấy từ tháng này qua tháng khác. Những người tù thậm chí còn xây dựng các nhóm chỉ chuyên làm nhiệm vụ gây xao nhãng và ngụy trang, khiến các binh lính Đức lơ là canh gác.
Có lẽ công việc khó khăn nhất là “an ninh”. Từ khi người Đức thuê nhiều lính canh gác chuyên bắt những kẻ vượt ngục, mà các tù nhân thường gọi là “mật thám”, đã có một đội ngũ “an ninh” chuyên làm nhiệm vụ ghi sổ nhật ký từng hành động của từng cai ngục ra vào trại tù. Đội ngũ này còn sử dụng những bộ tín hiệu cảnh báo hết sức tinh vi và bí mật để báo tin cho những thành viên làm nhiệm vụ an ninh khác và những người đang làm việc trong đội ngũ khi mà một cai ngục nào đó trở thành mối đe dọa đối với họ.
Vào đêm 24 tháng 3 năm 1944, sau hơn một năm miệt mài thực hiện kế hoạch, 200 tù nhân đã sẵn sàng để bò xuyên qua các đường hầm và trốn vào khu rừng rậm bên ngoài nhà tù. Kế hoạch là mỗi người tù sẽ mất một phút trốn ra ngoài, cho đến khi tất cả đào thoát hết. Những người tù biết nói tiếng Đức sẽ lên các chuyến tàu và giả dạng họ là người lao động nước ngoài. Số còn lại ban ngày sẽ ẩn núp trong rừng và di chuyển vào ban đêm, nhằm tránh những người lính tuần tra.
Khi người tù đầu tiên thoát ra khỏi đường hầm, anh ta phát hiện bên ngoài chỉ là cây cối lưa thưa. Rồi thay vì theo kế hoạch mỗi người sẽ vượt ngục chỉ trong một phút, thì trong một giờ chỉ có khoảng chục người trốn ra được. Cuối cùng, chỉ có 86 tù nhân trốn thoát được trước khi các đường hầm bị phát hiện. Đã xảy ra một cuộc hỗn loạn kinh hoàng trong phe Đức quốc xã, họ ban hành lệnh báo động trên toàn quốc để truy bắt những người tù vượt ngục. 83 người tù đã bị bắt giữ trở lại, và 41 người đã bị xử tử theo lệnh của Adolf Hitler. Chỉ có 3 người cuối cùng được trả tự do.
John Sturges, đạo diễn bộ phim The Great Escape sản xuất năm 1963 dựa trên sự kiện có thật này, đã nói về nỗ lực của những tù nhân như sau: “Việc đó đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của hơn 600 tù nhân – mỗi một người, mỗi một phút, một giờ, cả ngày lẫn đêm trong hơn một năm. Chưa bao giờ khả năng của con người đạt đến độ bền bỉ đáng kinh ngạc cũng như thể hiện được lòng can đảm và quyết tâm cao độ đến vậy”.
Đi vào chi tiết
Những thử thách lớn đòi hỏi sự hợp lực lớn lao, và một phẩm chất cần thiết nhất ở các thành viên giữa bao áp lực trong những thử thách khó khăn chính là “khả năng cộng tác”. Cần lưu ý là tôi không nói về “sự hợp tác”, vì cộng tác mang ý nghĩa lớn hơn thế. Hợp tác tức là làm việc cùng nhau với sự thoải mái và thú vị; trong khi cộng tác là đồng lòng chung sức, làm việc cùng nhau bằng sự xông xáo và tháo vát. Những thành viên cùng đồng lòng chung sức thì làm được nhiều thứ hơn. Mỗi một người sẽ mang tới những giá trị tạo nên sự gắn kết và sức mạnh cho toàn đội ngũ. Tổng của sự đồng lòng chung sức thật sự sẽ tạo nên những điều lớn lao hơn là những cá nhân đơn lẻ.
Trở thành một người có khả năng cộng tác đòi hỏi phải có bốn đặc điểm sau đây:
1. Thấu hiểu:
Xem đồng đội là người cộng tác chí cốt thật sự,
không phải là đối thủ cạnh tranh.
Nhìn vào bất kỳ đội ngũ nào, bạn đều có thể nhìn thấy những cạnh tranh tiềm ẩn. Anh em ruột cãi cọ với nhau để tranh thủ sự quan tâm yêu thương từ cha mẹ. Đồng nghiệp trong công ty cạnh tranh với nhau để được tăng lương, thăng chức. Các cầu thủ cạnh tranh nhau để được ra sân mà không phải ngồi ghế dự bị. Bởi vì tất cả mọi người đều có hy vọng, mục tiêu, những ước mơ mà họ muốn đạt được. Nhưng với các thành viên của một đội ngũ đồng lòng chung sức thì hoàn thành cùng nhau quan trọng hơn nhiều so với cạnh tranh nhau. Họ nhận thức rõ rằng họ là một khối thống nhất, và họ không bao giờ cho phép tồn tại bất cứ sự cạnh tranh nào giữa các thành viên dẫn tới thiệt hại hay tổn thương cho toàn đội.
2. Thái độ:
Hết lòng hỗ trợ và không nghi ngờ nhau.
Một số người vì quá chú trọng đến quyền lợi cá nhân mà tự nhiên trở nên nghi ngờ người khác, kể cả đồng đội của họ. Hãy chấp nhận mô thức rằng việc “hoàn thành cùng nhau tốt hơn là cạnh tranh với nhau” chỉ khả thi khi bạn gạt bỏ ngờ vực của mình và trở thành người ủng hộ hết lòng của đội ngũ.
Đây là vấn đề liên quan đến thái độ. Nghĩa là bạn nên thừa nhận rằng động cơ của mọi người là tốt, trừ khi bạn có thể chứng minh điều ngược lại. Nếu bạn tin tưởng người khác, bạn sẽ đối xử với họ tốt hơn. Và một khi bạn đối xử với họ tốt hơn, bạn và họ sẽ có thể tạo nên một mối quan hệ cộng tác gắn bó lâu dài.
3. Tập trung:
Tập trung vào đội ngũ, đừng tập trung vào bản thân.
Là một thành viên trong đội, khi có vấn đề gì xảy ra, bạn thường hỏi một trong hai câu này: “Chuyện đó sẽ ảnh hưởng gì đến tôi?”, hoặc “Chuyện này ảnh hưởng thế nào đến cả đội?”. Mối quan tâm của bạn đặt vào đâu sẽ nói lên rất nhiều về việc bạn đang cạnh tranh với đồng đội hay đang muốn cùng hoàn thành công việc với họ. Tác giả Cavett Roberts * chỉ ra rằng: “Một tiến trình tiến triển thật sự, trong bất cứ lĩnh vực nào, đều là một cuộc chạy đua tiếp sức chứ không phải là một màn trình diễn đơn lẻ”. Nếu các bạn tập trung vào sự phát triển của toàn đội chứ không phải chỉ riêng bản thân, các bạn sẽ truyền được cho nhau cây gậy tiếp sức thay vì chỉ cố hoàn tất đường đua của riêng mình.
* Cavett Roberts (1907 – 1997) một tác giả, diễn thuyết gia người Mỹ.
4. Có kết quả:
Lập thành tích theo cấp số nhân.
Khi bạn kề vai sát cánh cùng đồng đội của mình, bạn có thể làm nên những điều phi thường. Nếu bạn làm mọi thứ một mình, bạn đã bỏ qua rất nhiều thắng lợi mà lẽ ra có thể đạt được. Sự cộng tác tạo ra kết quả theo cấp số nhân cho bất cứ việc gì bạn làm, bởi vì nó tận dụng được hết – không chỉ các kỹ năng của riêng bạn mà còn của tất cả thành viên trong đội ngũ.
Suy ngẫm
Bạn có phải là người có khả năng cộng tác?
Có thể bạn không phải là người đối nghịch với đồng đội, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đang dốc sức vì cả đội. Bạn có sẵn lòng hợp tác và tăng thêm giá trị cho đồng đội của mình, thậm chí cho cả những người mà bạn không thích làm việc cùng không?
Bạn có sẵn lòng giúp đỡ để nhân thêm nỗ lực của đồng đội không?
Hoặc đội ngũ của bạn có trở nên chậm hơn và kém hiệu quả hơn từ khi bạn tham gia?
Nếu bạn không chắc chắn về câu trả lời của mình, hãy chuyện trò với đồng đội về những điều này.
Ghi nhớ
Để trở thành một thành viên có khả năng cộng tác…
- Nghĩ thắng tất thắng. Vua Solomon của đất nước Israel cổ xưa từng nói: “Sắt mài sắc sắt, con người mài sắc mọi thứ”. Khi bạn đồng lòng chung sức với những người khác, bạn thắng, họ thắng, và cả đội cùng thắng. Hãy tìm ai đó trong đội có vai trò tương tự như của bạn, người mà trước đây bạn xem là đối thủ cạnh tranh, tìm ra những cách bạn có thể chia sẻ thông tin và làm việc cùng nhau để mang lại lợi ích cho cả bạn lẫn đội ngũ của bạn.
- Bổ sung cho nhau. Một cách khác để phát triển khả năng cộng tác là làm việc với những người có thế mạnh trong những lĩnh vực mà bạn yếu kém và ngược lại. Hãy tìm trong đội những người có tài năng có thể bù trừ với bạn và làm việc cùng nhau.
- Đưa mình ra khỏi bức tranh. Hãy tạo thói quen đòi hỏi những điều tốt nhất cho đội của mình. Ví dụ, lần kế tiếp bạn tham gia một cuộc họp giải quyết rắc rối và mọi người đều đóng góp ý kiến, thay vì tự đề bạt bản thân, hãy tự hỏi mình cả đội sẽ thế nào nếu bạn không tham gia tìm ra giải pháp. Nếu câu trả lời là tốt hơn thì hãy đề xuất người khác giải quyết thay vì chính bạn.
Mỗi ngày một câu chuyện
Một ngày nọ, một nhóm các cậu trai đi bộ xuyên rừng thì bắt gặp một đoạn đường ray xe lửa bị vứt bỏ nằm dọc giữa những cái cây. Một cậu bé nhảy lên đường ray và thử bước đi trên đó. Chỉ sau vài bước chân, cậu đã mất thăng bằng và ngã xuống. Một cậu bé khác cũng cố gắng thử và cũng ngã. Đám trẻ còn lại cười rộ lên.
“Tớ cá là các cậu cũng chẳng làm được đâu”, cậu bé bị té quát lên. Lần lượt, cả đám trẻ đều thử đi trên đường ray và đều té ngã. Ngay cả những đứa giỏi nhất cũng không thể bước quá chục bước mà không trượt chân.
Sau đó, có hai cậu bé thì thầm bàn bạc với nhau, và một trong hai cậu nói với cả nhóm: “Tớ có thể đi trên đường ray này từ đầu đến cuối, và cậu ấy cũng vậy”. Cậu chỉ vào người bạn thân của mình.
“Không, cậu không thể”, một trong các cậu bé đã thử và thất bại cãi lại.
“Chúng ta đánh cược bằng một thanh kẹo nhé”, cậu bé kia đáp lại, và cả nhóm đồng ý.
Hai cậu bé lần lượt nhảy lên đường ray, nắm lấy tay nhau, và thận trọng bước từng bước đi hết cả đoạn đường.
Khi là một cá nhân đơn lẻ, lũ trẻ đã không thể vượt qua được thử thách. Nhưng cùng với nhau, chúng dễ dàng chiến thắng. Sức mạnh của sự đồng tâm hiệp lực là cấp số nhân.