Khi ai nấy đều đã yên vị, Kathryn thông báo chuyển hướng thảo luận. “Chúng ta sẽ đi thẳng đến điểm chết cuối cùng trong tinh thần làm việc nhóm, nhưng chúng ta sẽ nhắc lại chủ đề nỗi sợ bị tổn thương và sự cần thiết của niềm tin nhiều lần trong tháng tới. Nếu ai đó không trông đợi điều này thì tốt hơn hết nên chuẩn bị tinh thần làm quen với việc này.”
Ai cũng cho rằng Kathryn đang ám chỉ Mikey. Không ai ngờ rằng cũng có một người khác trong nhóm đang phải đương đầu với việc này một cách chật vật không kém gì Mikey.
Kathryn miêu tả điểm chết cuối cùng bằng cách đi về phía tấm bảng và viết dòng chữ “Không quan tâm đến kết quả” lên tầng trên cùng của mô hình tam giác.
“Chúng ta đi đến phần trên cùng của sơ đồ để thảo luận về điểm chết cuối cùng: xu hướng tìm kiếm sự công nhận và chú ý cho cá nhân mình thay vì kết quả chung – mục tiêu chung của toàn đội.”
Nick hỏi, “Đây là về cái tôi sao?”.
“À, cũng đúng một phần.” Kathryn đồng ý. “Nhưng ý tôi không phải là không có chỗ cho cái tôi trong một đội nhóm. Điều quan trọng là phải làm cho cái tôi của tập thể lớn hơn cái tôi của từng cá nhân riêng lẻ.”
“Tôi không hiểu điều này liên quan gì tới kết quả”, Jeff lên tiếng.
“Khi ai cũng tập trung vào kết quả chung và dùng điều này để xác định thành công, thì cái tôi của mỗi cá nhân rất khó bị mất kiểm soát. Cho dù một cá nhân trong đội cảm thấy hài lòng với tình trạng của bản thân đến mức nào đi nữa, nếu đội nhóm thất bại thì tất cả đều thất bại”, Kathryn giải thích.
Kathryn có thể thấy một vài nhân viên của bà vẫn chưa hiểu vấn đề, nên bà chuyển qua một hướng tiếp cận khác. “Hôm qua tôi có nói chồng tôi là một huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học St. Jude ở San Mateo.”
“Anh ấy đúng là một huấn luyện viên cừ khôi”, Nick thêm vào. “Anh ấy đã nhận được nhiều lời mời làm việc của nhiều trường đại học từ lúc tôi còn học trung học, và năm nào anh ấy cũng phải từ chối các lời mời. Anh ấy là một huấn luyện viên huyền thoại.”
Kathryn tự hào về chồng mình và thích lời khen của Nick. “Đúng vậy, tôi cho rằng anh ấy rất ưu tú và chắc chắn rất giỏi trong công việc của mình. Mặc dù vậy, tất cả những gì anh ấy làm là hướng đến đội nhóm. Và dù các đội bóng mà anh ấy huấn luyện đều rất giỏi, nhưng có rất ít học viên của anh chơi cho đội ở các trường đại học lớn, bởi vì nói thẳng ra là các em ấy không phải quá tài năng. Các em thắng vì các em chơi bóng rổ đồng đội, và điều đó thường giúp các em thắng các đội bóng lớn hơn, nhanh hơn và tài năng hơn mình.”
Nick gật đầu xác thực với tư cách là thành viên của đội đã từng thua đội bóng trường trung học St. Jude nhiều lần.
“Đôi lúc Ken, tên của chồng tôi, cũng đưa vào đội một cầu thủ không mấy quan tâm đến kết quả, hay nói đúng hơn là kết quả chung của cả đội. Tôi còn nhớ có một cậu bé vài năm trước chỉ quan tâm đến thành tích và sự công nhận cá nhân, ví dụ như danh hiệu cầu thủ vàng toàn giải hoặc được chụp hình đăng báo chẳng hạn. Nếu cả đội có thua thì cậu bé vẫn vui, miễn là cậu có ghi bàn. Và ngay khi cả đội chiến thắng, cậu ta vẫn buồn bực vì chưa ghi đủ điểm.”
Jan tò mò. “Vậy chồng chị đã làm gì trong trường hợp đó?”
Kathryn mỉm cười, hào hứng kể thêm về Ken. “Điều này khá thú vị. Cậu bé đó chắc chắn là một trong những cầu thủ xuất sắc của đội, nhưng Ken đã cho cậu đá dự bị. Đội bóng chơi tốt hơn khi không có cậu, và cuối cùng cậu đã bỏ đội.”
“Nghiêm khắc quá”, JR bình luận.
“Đúng, nhưng năm sau đó, cậu bé đó trở lại với một thái độ hoàn toàn khác, rồi tiếp tục chơi cho đội bóng rổ trường Đại học Saint Mary sau khi tốt nghiệp. Giờ đây cậu bé đó có thể cho bạn biết năm đó là một năm quan trọng nhất trong cuộc đời mình.”
Jan tò mò, “Chị có nghĩ những người như vậy có thể thay đổi không?”.
Kathryn không ngần ngại trả lời. “Không. Cứ mười đứa trẻ như vậy thì chỉ có một đứa có thể thay đổi.” Cả nhóm như được cảnh tỉnh bởi câu trả lời chắc nịch này, và không chỉ có một người trong số họ đang nghĩ đến Mikey vào lúc này. “Và cho dù có vẻ nghiêm khắc nhưng Ken luôn khẳng định vai trò của anh là tạo ra đội bóng rổ giỏi nhất có thể, chứ không phải để dẫn dắt riêng một cầu thủ nào. Và tôi cũng nhìn nhận công việc của mình như thế.”
Jeff quyết định đặt một câu hỏi cho cả nhóm. “Có ai trong chúng ta chơi các môn thể thao đồng đội trong trường trung học hay đại học không?”
Kathryn đã muốn ngắt ngang câu hỏi trưng cầu ý kiến của Jeff để giữ cuộc thảo luận đi theo hướng đã định. Nhưng rồi bà nghĩ một cuộc thảo luận ngắn và ngẫu hứng như thế này có thể mang đến giá trị cho cả nhóm hơn bất kỳ điều nào khác, miễn là nó vẫn liên quan đến chủ đề làm việc nhóm.
Jeff đi vòng quanh phòng, cho mọi người cơ hội trả lời câu hỏi mà anh đặt ra.
Nick đáp rằng anh từng chơi bóng chày ở trường đại học. Carlos từng là hậu vệ trong đội bóng bầu dục ở trường trung học.
Martin tự hào thông báo, “Tôi từng chơi bóng đá, loại truyền thống và nguyên bản ấy.” Mọi người đều cười khúc khích trước câu trả lời của anh chàng đồng nghiệp gốc châu Âu của mình.
Mikey nói cô từng chạy điền kinh thời trung học.
Khi Nick đặt câu hỏi, “Nhưng đó là môn thể thao cá nhân...”, Mikey lập tức cắt ngang một cách khéo léo, “Tôi tham gia đội điền kinh tiếp sức”.
Kathryn nhắc lại rằng bà từng là vận động viên bóng chuyền.
Jan chia sẻ cô từng là thành viên trong đội cổ động và đội khiêu vũ của trường. “Và nếu ai nói rằng những môn này không phải là môn thể thao đồng đội, tôi sẽ cắt ngân sách của phòng đó một nửa.”
Mọi người cười phá lên.
Jeff thừa nhận anh thiếu năng khiếu thể thao. “Tôi không hiểu sao mọi người cứ nghĩ rằng phải chơi thể thao thì mới học được tinh thần làm việc đội nhóm. Tôi không chơi thể thao nhiều, ngay cả khi còn bé. Nhưng tôi tham gia ban nhạc của trường trung học và đại học, và tôi nghĩ mình đã hiểu về hoạt động đội nhóm từ đó.”
Kathryn thấy đây là cơ hội để giành lại quyền dẫn dắt cuộc thảo luận. “À, đó là một ý rất hay. Trước hết, chúng ta có thể học cách làm việc nhóm từ nhiều hoạt động khác nhau, miễn sao đó là hoạt động mà một nhóm người cùng làm với nhau. Nhưng có lý do khiến hoạt động thể thao lại là tiêu biểu khi nói về đội nhóm.” Tinh thần của “cô giáo dạy lớp 7” đột nhiên trỗi dậy trong Kathryn – bà muốn cho các “học trò” của mình cơ hội tự trả lời câu hỏi kế tiếp. “Có ai biết lý do đó là gì không?”
Cũng như nhiều lần khác trong lớp học của mình, cả nhóm có vẻ không có manh mối gì về câu trả lời. Nhưng Kathryn biết nếu bà chịu khó chờ đợi một chút, thì chẳng mấy chốc sẽ có người phát biểu. Lần này, người đó là Martin.
“Bàn thắng.” Như thường lệ, Martin rất kiệm lời.
“Hãy giải thích thêm nào.” Kathryn đề xuất, hệt như cách bà sẽ làm với học sinh của mình.
“À, hầu hết các môn thể thao đều có điểm số rõ ràng cuối trận đấu để xác định đội thắng, đội thua. Không có sự mập mờ, hay nói cách khác là sẽ không có chỗ cho...” Anh ngưng lại trong giây lát để tìm đúng từ. “… không có chỗ cho sự thành công mang tính chủ quan, suy diễn hay vị kỷ. Hy vọng mọi người hiểu ý tôi.”
Những cái gật gù chứng tỏ mọi người đều hiểu.
“Khoan đã”, JR lên tiếng. “Ý anh là các vận động viên không có cái tôi hả?”
Martin có vẻ bối rối, vì thế Kathryn liền đỡ lời. “Các vận động viên thường có cái tôi rất lớn. Nhưng cái tôi của các vận động viên xuất sắc thường gắn liền với một kết quả rõ ràng là chiến thắng. Họ chỉ muốn chiến thắng. Họ muốn điều này hơn cả việc được tham gia đội tuyển quốc gia, hơn cả việc hình ảnh bản thân được xuất hiện trên các chiến dịch truyền thông lớn, và đúng vậy, hơn cả việc kiếm tiền nữa.”
“Tôi không nghĩ là còn có nhiều đội nhóm như vậy tồn tại, ít nhất là trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp”, Nick phát biểu.
Kathryn mỉm cười. “Và đó chính là điểm đáng giá. Những đội hiểu được điều này sẽ có lợi thế lớn hơn bao giờ hết, vì đa số đối thủ của họ chỉ là một tập hợp các cá nhân riêng lẻ chăm chăm hướng đến lợi ích bản thân.”
Mikey tỏ ra hơi chán. “Điều này thì liên quan gì đến một công ty phần mềm?”
Lại một lần nữa, Mikey lại khiến cuộc thảo luận bị khựng lại. Nhưng Kathryn vẫn muốn động viên Mikey bằng cách này hay cách khác, mặc dù đến lúc này bà cũng bắt đầu nghi ngờ khả năng Mikey có thể thay đổi. “Lại một câu hỏi hay. Điều này vô cùng liên quan đến chúng ta. Các anh chị thấy đấy, chúng ta sẽ làm cho những kết quả chung của cả đội quan trọng hệt như bàn thắng trong một trận bóng rổ vậy. Chúng ta sẽ không để cho sự suy đoán mơ hồ xuất hiện khi nói về thành công, vì điều đó chỉ tạo cơ hội cho cái tôi của cá nhân chen chân vào mà thôi.”
“Không phải chúng ta đã có bảng thành tích đó sao?”, Mikey quả quyết.
“Cô đang nói về lợi nhuận à?”, Kathryn hỏi.
Mikey gật đầu và thể hiện vẻ mặt như muốn nói, “Còn gì khác vào đây nữa?”.
Kathryn kiên nhẫn giải thích tiếp. “Chắc chắn lợi nhuận là một phần quan trọng trong thành công của chúng ta. Nhưng tôi đang nói về các kết quả ngắn hạn hơn. Nếu chúng ta lấy lợi nhuận làm kim chỉ nam duy nhất để hướng ta đến kết quả, chúng ta sẽ không biết được tình hình hoạt động của cả nhóm cho đến khi cuộc chơi sắp kết thúc.”
“Giờ thì tôi hơi rối rồi”, Carlos thú nhận. “Chẳng phải lợi nhuận là điểm số quan trọng nhất sao?”
Kathryn mỉm cười. “Đúng vậy, tôi hơi nghiêng về lý thuyết ở điểm này rồi. Để tôi nói đơn giản hơn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho những kết quả mà ta cần đạt được trở nên thật rõ ràng đối với mọi người trong căn phòng này, để không có bất kỳ thành viên nào nghĩ đến chuyện làm điều gì đó chỉ với mục đích đánh bóng vị thế cá nhân hay nâng cao cái tôi của bản thân. Bởi vì điều đó sẽ khiến ta mất khả năng đạt được mục tiêu tập thể. Và thế thì tất cả chúng ta đều thua cuộc.”
Có vẻ mọi người bắt đầu nắm bắt được điều gì đó, nên Kathryn nói tiếp. “Dĩ nhiên, điều cốt yếu là chúng ta cần xác định rõ các mục tiêu, kết quả mà mình mong muốn theo cách vừa đơn giản để dễ hiễu, vừa cụ thể để có thể bắt tay vào thực hiện. Mục tiêu lợi nhuận không có đủ các yếu tố để chúng ta có thể hành động. Mục tiêu cần phải có mối liên hệ mật thiết hơn với những việc chúng ta làm hàng ngày. Và theo tinh thần đó, hãy xem chúng ta có thể đưa ra các mục tiêu như thế ngay bây giờ hay không nhé.”