Tôi gặp Susan ở MSS Amsterdam khi cả hai đang đi trên chiếc tàu Inside Passage của Alaska. Đêm trước đó, tôi đã có một bài nói chuyện về Năm ngôn ngữ tình yêu.
- Tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì ông đã nói tối qua. - Susan nói. - Nó khiến tôi nhìn nhận lại mối quan hệ giữa tôi với bố mình. Khoảng một năm trước, sau khi mẹ tôi qua đời, tôi dọn đến Chicago sống cùng với bố. Nhưng mọi thứ thật khó khăn. Bố tôi cứ nhờ tôi làm hết việc này đến việc khác, ngay cả những việc mà ông có thể tự làm được. Tôi có cảm giác như bố cố tình điều khiển cuộc sống của tôi vậy. Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu được lý do tại sao bố lại làm như vậy. Ngôn ngữ yêu thương cơ bản của bố chính là sự tận tụy và ông chỉ muốn cảm nhận được tình yêu tôi dành cho ông. Khi tôi chuẩn bị sơn nhà, bố nói: “Để bố xuống giữ thang cho con”. Tôi không muốn nhờ bố bởi bố thường chỉ làm tốn thời gian của tôi hơn mà thôi. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu đó là do bố đang cố thể hiện tình cảm đối với tôi bằng ngôn ngữ yêu thương mà ông nắm rõ nhất. Điều này đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ về bố mình.
Susan đã thấu hiểu được bí quyết rất quan trọng trong việc kết nối gia đình. Tình yêu nên được bắt đầu từ trong gia đình, bằng việc vợ chồng thương yêu nhau và bố mẹ yêu thương con cái. Trong môi trường lý tưởng đó, con cái sẽ học được cách trao và nhận tình yêu một cách tự nhiên nhất. Tuy vậy, rất nhiều người lại không có được may mắn ấy. Nhiều bậc cha mẹ không biết cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của nhau và của con cái họ. Khi con cái bước vào giai đoạn tuổi vị thành niên, mối quan hệ trong gia đình thường trở nên căng thẳng. Và kết quả là giữa các thành viên trong gia đình không có sự gắn bó chặt chẽ với nhau.
Mục đích của chương này là giúp bạn củng cố mối quan hệ với bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Dù các mối quan hệ trong gia đình bạn lúc này đang bền chặt hay gặp vấn đề thì những nguyên tắc mà bạn đã đọc trong 8 chương trước đều có thể giúp bạn củng cố và phát triển chúng.
YÊU THƯƠNG BỐ MẸ
Việc củng cố hay xây dựng lại mối quan hệ với bố mẹ luôn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý mỗi con người. Không phải ngẫu nhiên mà một trong 10 điều răn của người Israel cổ là: “Tôn kính cha mẹ để được sống trọn đời trên mảnh đất Thượng đế đã ban cho”. Lợi ích của việc nuôi dưỡng một mối quan hệ tốt đẹp với bố mẹ một lần nữa được khẳng định trong Kinh Tân Ước: “Tôn kính cha mẹ là điều răn đầu tiên có kèm theo một lời hứa hẹn: Việc đó sẽ mang lại lợi ích cho con và con sẽ được tận hưởng cuộc sống lâu dài trên mảnh đất này”.
Lý tưởng nhất trong các mối quan hệ gia đình là tình cảm nên được truyền từ bố mẹ sang con cái. Khi con cái cảm nhận được tình thương của cha mẹ, chúng sẽ tôn kính bố mẹ hơn. Ngược lại, khi một người lớn lên trong môi trường thiếu thốn tình yêu thương, bị bỏ rơi hoặc bị ngược đãi thì họ rất khó tỏ ra tôn kính cha mẹ mình. Tôi cho rằng mỗi người trưởng thành đều phải có trách nhiệm củng cố mối quan hệ với cha mẹ. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi bố mẹ không thể đáp ứng được nhu cầu tình cảm của ta. Không gì quan trọng và mạnh mẽ hơn tình yêu. Tình yêu có thể giúp ta phá bỏ rào cản, vượt qua mọi bức tường ngăn cách để mang lại điều tốt đẹp nhất cho mọi người xung quanh.
Điều tuyệt vời nhất về tình yêu là nó không phụ thuộc vào cảm xúc của ta. Có thể ta cảm thấy mình bị tổn thương, bị bỏ rơi, thất vọng và thậm chí tuyệt vọng nhưng ta vẫn có thể thể hiện tình yêu dành cho bố mẹ. Tình yêu không phải là một ốc đảo cảm xúc mà là một thái độ kèm theo những hành động tương ứng. Tình yêu là một thái độ ứng xử với người mà bạn yêu thương, rằng: “Tôi có thể làm gì để bạn cảm thấy hạnh phúc hơn?”.
Tình yêu sẽ kích thích phản hổi
Tình yêu sẽ kích thích những cảm xúc tích cực ở con người. Khi ta nói: ”Tôi cảm nhận được tình yêu mà người đó dành cho mình”, nghĩa là ta đã có cảm nhận sâu sắc rằng người đó thực sự quan tâm đến ta. Chính cảm giác được quan tâm này sẽ đem lại sự thỏa mãn sâu sắc cho tâm hồn. Khi cảm thấy được yêu thương, phản ứng tự nhiên của ta là kính trọng và đánh giá cao người đó. Khi bố mẹ và con cái yêu thương nhau, cả hai bên đều sẽ có một cuộc sống mạnh khỏe, cả về mặt cảm xúc lẫn thể chất, đồng thời sẽ hạnh phúc hơn.
Không có mối quan hệ nào giữa bố mẹ với con cái mà vô vọng cả. Chỉ cần cố gắng, bạn hoàn toàn có thể hàn gắn được vết thương trong quá khứ và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai. Dù quan hệ giữa bạn và bố mẹ không được tốt đẹp chăng nữa thì điều tuyệt vời nhất vẫn là việc bạn chủ động học ngôn ngữ yêu thương cơ bản của họ và sử dụng nó một cách thường xuyên. Tất cả mọi người đều tha thiết mong nhận được tình yêu thương. Khi bạn thể hiện tình yêu với bố mẹ bằng ngôn ngữ cơ bản của họ, họ sẽ cảm nhận được điều đó và sẽ đáp lại tình cảm của bạn.
Chuyện của jennifer
Đi tìm mẹ ruột
Jennifer - một phụ nữ 34 tuổi và chưa từng kết hôn - đã học được cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của bố mẹ nuôi, George và Martha, cũng như với mẹ ruột của mình, Christina. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra sau khi cô trải qua rất nhiều mâu thuẫn với cả ba người đó. Kết quả cô đạt được là mối quan hệ thân thiết với bố mẹ nuôi và tình cảm yêu thương với mẹ ruột của mình.
Mười ba năm đầu đời của Jennifer đã trôi qua trong êm đềm khi bố mẹ nuôi George và Martha mang đến cho cô một cuộc sống đầy tình yêu thương. Tuy nhiên, khi Jennifer bước sang tuổi 14, cô tỏ ý muốn đi tìm và nhận lại mẹ ruột của mình. Bố mẹ nuôi của Jennifer kịch liệt phản đối điều này. Họ biết khi mẹ Jennifer sinh cô, bà đang nghiện ngập và có quan hệ bất chính với nhiều người đàn ông khác nhau. Họ lo lắng việc tìm gặp lại mẹ ruột có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của Jennifer.
Lúc đó, lý do của Jennifer đưa ra là: “Con muốn gặp lại mẹ ruột của con. Nếu như con không thích bà ấy thì coi như con và bà ấy không có quan hệ gì. Nhưng vấn đề là bây giờ con muốn được gặp bà ấy”. George và Martha từ chối lời cầu khẩn này của Jennifer vì họ vẫn cho rằng việc này không tốt với cô. Hai năm sau đó, cả ba cứ liên tục tranh cãi về vấn đề này cũng như nhiều việc khác. Năm 16 tuổi, Jennifer cảm thấy bố mẹ nuôi không thương yêu cô, và cô chủ động đi tìm mẹ ruột. Với sự giúp đỡ của bạn bè trong trường, cuối cùng Jennifer cũng tìm được nơi ở của mẹ và gọi điện cho bà. Mẹ cô rất phấn khởi khi nhận được điện thoại của cô và họ đã hẹn gặp nhau.
Họ đã dùng bữa trưa vài lần với nhau và mối quan hệ của họ tiến triển khá tốt (việc này bố mẹ nuôi của Jennifer hoàn toàn không biết). Một ngày nọ, Christina mời Jennifer về nhà gặp người bạn trai hiện thời của bà. Ông ấy đối xử khá tử tế với Jennifer và cô bé cũng thấy mến ông.
Cãi vã và quở trách
Gần một năm sau, George và Martha phát hiện ra điều này; cả hai rất giận dữ.
- Thật không ngờ con lại làm như vậy. - Martha nói. - Tại sao con lại đối xử với bố mẹ như thế sau tất cả những gì bố mẹ đã làm cho con?
- Mẹ con không phải là người xấu và bà ấy cũng rất yêu con. - Jennifer nói.
- Nếu bà ấy yêu con như vậy sao con không dọn đến ở với bà ấy luôn đi? - Martha nói và ngỡ ngàng nhận ra mình đã lỡ lời. Bà vội nói ngay. - Mẹ không có ý đó. Con không được đến sống với mẹ ruột của con. Bà ấy sẽ ảnh hưởng xấu đến con.
Martha bắt đầu khóc, còn Jennifer thì bỏ đi.
Tối hôm đó, cha Jennifer đã nói chuyện với cô. Ông nói về điều gì sẽ tốt cho cô cũng như tình yêu thương mà hai vợ chồng ông dành cho cô, cả ngày trước lẫn bây giờ. Ông còn kể cho Jennifer nghe về chuyện mẹ cô nghiện ngập và lối sống trước đây của bà.
- Đó chính là lý do khiến bố mẹ không muốn con liên lạc gì với bà ấy. - Ông nói.
Jennifer lắng nghe rồi nhẹ nhàng đáp:
- Con biết bố mẹ yêu con nhưng con cũng muốn gặp mẹ ruột của con. Con không muốn làm bố mẹ đau lòng nhưng con không thể cứ bỏ mẹ ruột của con như thế.
George ra khỏi phòng và Jennifer bật khóc.
Năm cuối trung học của Jennifer trôi qua thật khó khăn. Jennifer vẫn liên lạc với mẹ ruột nhưng cố giữ kín việc này với bố mẹ nuôi. Khi cố gắng vào đại học, cuộc sống của cô dần dễ dàng hơn. Cô có thể liên lạc với cả bố mẹ nuôi lẫn mẹ ruột mình. Mỗi khi bố mẹ nuôi cô hỏi đến việc này, cô đều chối đi. Còn mẹ ruột Jennifer thì không bao giờ hỏi về cha mẹ nuôi của cô bởi bà chỉ cần có con gái mình là đủ.
Khi Jennifer vừa vào đại học thì bạn trai của mẹ cô bỏ đi. Vô cùng đau khổ, mẹ Jennifer rơi vào con đường nghiện ngập và cuối cùng phải quay lại trại cai nghiện. Năm đó, thỉnh thoảng Jennifer mới gọi điện cho mẹ và cô luôn bật khóc mỗi khi nói chuyện với bà. Tinh thần của Jennifer bắt đầu xuống dốc và cô phải đến gặp chuyên gia tư vấn. Sau nhiều lần tư vấn như thế, Jennifer mới rũ bỏ được cảm giác bị mẹ mình bỏ rơi và bị bố mẹ nuôi kiểm soát.
Học một vài ngôn ngữ mới
Jennifer nhận ra rằng việc cho cô đi làm con nuôi là quyết định sáng suốt nhất với mẹ cô khi đó. Còn về phía cha mẹ nuôi của mình, Jennifer cũng hiểu rằng họ thật lòng lo cho cô nên không muốn cô liên lạc với mẹ ruột. Dù hiểu được tất cả những điều đó nhưng cô vẫn có cảm giác bị bỏ rơi.
- Tôi không biết họ có thật sự yêu thương tôi không. - Jennifer nói với chuyên viên tư vấn. - Về lý trí, tôi biết mẹ ruột và bố mẹ nuôi đều thương yêu mình, nhưng tôi lại không cảm nhận được những tình cảm đó.
Trong lần trị liệu đó, bác sĩ tâm lý đã đưa cho cô cuốn Năm ngôn ngữ tình yêu:
- Cuốn sách này viết cho những cặp vợ chồng đã kết hôn nhằm giúp họ học cách yêu thương nhau. Nhưng tôi muốn cô đọc cuốn sách này vì tôi nghĩ nó sẽ giúp cô hiểu được sức mạnh của tình yêu.
Jennifer đã đọc và bàn về cuốn sách này với bác sĩ tâm lý trong nhiều buổi tư vấn sau đó. Cô nhận ra ngôn ngữ yêu thương cơ bản của mình là lời khen ngợi. Chính vì thế, cô đã cảm thấy thích mẹ mình ngay khi liên lạc với bà. Mẹ ruột cô luôn nói với cô những lời yêu thương. Và đó cũng là lý do khiến cô cảm thấy bố mẹ nuôi không thương yêu mình khi họ phản đối ý tưởng cô tìm gặp lại mẹ ruột năm cô 14 tuổi. Jennifer đã nghe rất nhiều lời chỉ trích và kết tội từ cha mẹ nuôi của mình. Tình trạng căng thẳng giữa hai bên chỉ giảm đi khi bố mẹ nuôi của Jennifer nghĩ cô không còn liên lạc với mẹ ruột của cô nữa.
Sau khi tốt nghiệp và tìm được việc làm, Jennifer đọc lại cuốn sách Năm ngôn ngữ tình yêu một lần nữa. Lần này, cô chú ý tìm hiểu xem ngôn ngữ yêu thương của bố mẹ nuôi và mẹ ruột cô là gì. Jennifer nhớ lại những cái ôm của mẹ mỗi khi cô đến thăm hay mỗi lúc cô chuẩn bị ra về. Cô cũng nhớ mỗi khi ngồi trò chuyện, mẹ cô thường chạm vào tay cô. Jennifer cảm thấy không thoải mái lắm với những điều đó nhưng giờ thì cô biết ngôn ngữ yêu thương cơ bản của mẹ mình chính là cử chỉ âu yếm.
Cô kết luận rằng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của bố nuôi mình chính là lời khen ngợi. Ông luôn cố tìm ra mặt tích cực của mọi việc. Dù trong hoàn cảnh tệ nhất, bố cô vẫn luôn nói với cô những lời yêu thương. Còn ngôn ngữ yêu thương của Martha, mẹ nuôi cô, thì khó phát hiện hơn. Tuy nhiên, cuối cùng thì Jennifer cũng biết được đó chính là sự tận tụy.
Sử dụng ngôn ngữ yêu thương của gia đình Jennifer
Với khám phá này, Jennifer đã bắt đầu đáp lại tình yêu của những người quan trọng nhất trong cuộc đời cô bằng cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của họ. Nếu Martha bảo nhà sắp có khách đến thăm thì Jennifer sẽ phụ bà nướng bánh quy. Mỗi khi về nhà, cô đều hỏi: ”Con giúp được gì cho mẹ?”. Nếu mẹ nuôi cô không nói cụ thể thì cô cũng sẽ tự tìm việc gì đó để giúp bà. Cô cũng bắt đầu nói những lời yêu thương với bố, trong lúc chỉ có hai người hoặc trong lúc có cả mẹ. Cô không bao giờ ra về mà vẫn chưa nói một điều gì đó tích cực với bố.
Khi đến thăm mẹ ruột của mình, Jennifer đón nhận những cái ôm của mẹ, chủ động đặt tay lên vai mẹ mỗi khi đi ngang qua chỗ ghế mẹ ngồi hoặc hôn lên má bà.
Dần dần, cả ba mối quan hệ này đều được cải thiện. Jennifer được nghe thêm nhiều lời yêu thương và thực sự cảm nhận được tình cảm của Martha. Jennifer nhận ra rằng do ngôn ngữ yêu thương cơ bản của cô là lời khen ngợi nên lời nói ngày xưa của Martha: “Nếu bà ấy yêu con như vậy sao con không dọn đến ở với bà ấy luôn đi?” mới khiến cô cảm thấy tổn thương sâu đậm như thế. Nhưng bây giờ, cô đã nghe được những lời yêu thương từ Martha và lời nói ngày xưa bắt đầu nhòa dần. Cô biết Martha luôn thương yêu mình và bây giờ thì cô đã cảm nhận được điều đó.
Sau đó, Jennifer đã chia sẻ câu chuyện của mình tại một cuộc hội thảo dành cho người độc thân trên toàn quốc. Rõ ràng, ý thức về hạnh phúc của Jennifer đã được thay đổi và cải thiện rất nhiều thông qua việc phát triển mối quan hệ đầy tình yêu thương đối với cả ba người thân của cô.
Không hẳn ai cũng phải trải qua một quá trình hàn gắn trong quan hệ với cha mẹ đầy khó khăn như Jennifer. Nhưng trên thực tế, rất nhiều người độc thân không có được mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ họ. Việc thiếu thốn tình cảm từ bố mẹ khiến lòng họ luôn trống rỗng mà mọi thành quả học vấn hay nghề nghiệp đều không thể lấp đầy.
Bài học chính rút ra từ chương này là: dù chuyện gì xảy ra trong mối quan hệ giữa bạn và bố mẹ bạn chăng nữa, chỉ cần bạn chủ động tìm hiểu ngôn ngữ yêu thương cơ bản của họ và sử dụng chúng thì bạn đều có thể hàn gắn tình cảm ấy.
Nếu quan hệ giữa bạn và bố mẹ rất tốt đẹp thì việc khám phá ngôn ngữ yêu thương cơ bản của họ cũng sẽ giúp bạn củng cố và phát triển hơn những tình cảm này.
Anh chị em: Những người bạn ruột thịt?
Quan hệ với anh chị em thường được tô điểm bằng những sự việc xảy ra trong thời thơ ấu và lúc dậy thì. Tính chất của các mối quan hệ này trong những năm đầu đời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ của các bạn về sau. Hãy dùng Năm ngôn ngữ tình yêu để cải thiện và củng cố các mối quan hệ anh chị em trong gia đình của bạn.
Những nốt tàn nhang của Brianna
Brianna là một cô gái độc thân xinh đẹp, tóc đỏ và mặt có tàn nhang. Cô đã nói với tôi rằng: ”Khi tôi còn nhỏ, người anh lớn hơn tôi 2 tuổi lúc nào cũng chọc ghẹo tôi về những vết tàn nhang này. Anh ấy đặt biệt danh cho tôi là Tàn Nhang và giới thiệu tôi với tất cả bạn bè của anh ấy bằng cái tên này. Tôi không thích nó nhưng cũng chẳng làm to chuyện. Lúc ấy, tôi chỉ nói với họ “Tên tôi là Brianna” rồi thôi. Bây giờ, dù cả hai đã thành người lớn hết rồi nhưng anh ấy vẫn giới thiệu tôi bằng cái tên đó”.
"Không có gì to tát, nhưng..."
- Không có gì to tát, nhưng tôi không thích thế. Tôi ước gì anh ấy có thể gọi tôi là Brianna.
- Vậy có bao giờ cô nói với anh ấy điều này chưa? - Tôi hỏi.
- Trước khi tốt nghiệp trung học thì tôi không nói. Nhưng sau đó thì tôi có nói một vài lần nhưng cũng chẳng ích lợi gì. Ngoài chuyện đó ra thì quan hệ của chúng tôi khá tốt đẹp.
- Cô có biết ngôn ngữ yêu thương cơ bản của anh cô là gì không?
- Tôi nghĩ là thời gian chia sẻ. - Cô nói. - Anh ấy thường xuyên ghé nhà tôi chơi, đặc biệt là khi anh ấy hẹn hò người mới. Anh ấy nhờ tôi tư vấn xem nên nói gì với người bạn gái của mình. Anh ấy biết lúc nào tới chỗ tôi thì cũng được mời uống trà và ăn bánh kẹp.
- Vậy cô có dành thời gian cho anh ấy không?
- Tôi hỏi.
- Thường xuyên. - Cô nói. – Thậm chí nhiều khi tôi có việc, tôi vẫn bảo anh ấy hãy cứ tự nhiên như ở nhà, xem ti-vi hoặc ngủ một giấc trong khi đợi tôi trở về.
- Cô có nghĩ anh cô thực sự cảm nhận được tình cảm của cô không?
- Hy vọng là có. Nếu ngôn ngữ yêu thương cơ bản của anh ấy là thời gian chia sẻ thì tôi đã dành cho anh ấy rất nhiều thời gian chất lượng rồi.
- Và cô có cảm thấy anh ấy yêu thương cô không?
- Có chứ. - Cô nói. - Ngôn ngữ yêu thương chính của tôi là lời khen ngợi và anh ấy lúc nào cũng khen tôi thông minh, anh ấy cũng rất biết ơn những lời khuyên của tôi.
- Nghe có vẻ như mối quan hệ của hai người khá tốt. - Tôi nói. - Nhưng nó còn có thể tốt hơn nếu anh ấy thôi gọi cô là Tàn Nhang phải không?
Cô cười và nói:
- Đúng vậy.
Yêu cầu lớn
- Vậy cô có sẵn sàng thử nghiệm điều này với tôi không? - Tôi hỏi.
- Nếu ông thấy nó có ích cho mối quan hệ của tôi với anh ấy thì tôi sẵn sàng. - Cô nói.
- Vậy thì vào một buổi tối nào đó, khi hai anh em cô ngồi nói chuyện, hãy nói rằng cô vừa đọc một cuốn sách dạy cách giao tiếp tình cảm giữa các thành viên trong gia đình và muốn hỏi anh ấy một câu. Câu hỏi đó là: “Theo thang điểm từ 0 đến 10 thì anh cảm thấy đứa em gái này yêu anh đến mức nào?”. Nếu anh ấy đáp 8, 9 hay 10, mà tôi đoán là thế, vậy thì hãy hỏi xem anh ấy yêu cô đến đâu theo thang điểm từ 0 tới 10. Nếu như anh ấy trả lời một con số tương đối lớn, vậy thì hãy nói rằng cô tin anh ấy nói thật và cô cũng cảm nhận được điều đó. Tuy nhiên, hãy nói với anh ấy rằng có một điều cô muốn anh thực hiện để giúp cô cảm nhận được tình cảm của anh nhiều hơn.
Hỏi xem anh ấy có chịu thực hiện theo yêu cầu của cô không. Nếu anh ấy nói có (làm sao mà anh ấy nói không được?) thì cô chỉ việc nói: “Em muốn anh đừng giới thiệu em bằng cái tên Tàn Nhang với mọi người. Nếu muốn, anh có thể gọi em là Tàn Nhang khi chỉ có hai anh em mình. Còn trước mặt mọi người, hãy giới thiệu em là em gái anh, Brianna”.
Rất có thể anh ấy sẽ cảm thấy bất ngờ khi nghe cô nói thế bởi anh ấy không ngờ chuyện này lại khiến cô bận tâm đến vậy. Tôi nghĩ khi anh ấy đã biết điều đó thì anh ấy sẽ thay đổi và cô sẽ cảm nhận được tình yêu thương của anh ấy nhiều hơn nữa.
- Cứ nói thẳng như thế à? - Brianna hỏi. Trước khi tôi kịp trả lời, cô nói tiếp. - Tôi nghĩ sẽ khó đây. Tôi không muốn làm anh ấy tổn thương và tôi cũng không muốn anh ấy nghĩ tôi ngốc nghếch.
- Việc anh ấy thôi giới thiệu cô là Tàn Nhang có quan trọng đối với cô không? - Tôi hỏi.
- Có. - Cô đáp.
- Vậy thì hãy cho anh trai cô một cơ hội đi. Anh ấy đâu có đọc được suy nghĩ của cô. Việc này chẳng có gì là ngốc cả và cô cũng chẳng hề làm tổn thương anh ấy khi đưa ra yêu cầu này. Cô chỉ cho anh ấy biết thông tin cần thiết để thể hiện tình yêu với cô một cách hiệu quả hơn thôi.
- Vậy thì tôi sẽ cố. - Cô nói và ra về.
Sáu tháng sau, tôi nhận được thư của Brianna - một bức thư ngắn gọn. Trong thư, cô vẽ một gương mặt đầy tàn nhang và phía dưới viết: “Cách làm của ông thật hiệu quả. Anh của tôi đã thay đổi và sáu tháng nay anh ấy không giới thiệu tôi là Tàn Nhang nữa. Cám ơn ông. Ký tên: Brianna”.
Brianna đã trở thành minh chứng cho một nguyên tắc rất quan trọng: Khi anh chị em cảm nhận được tình yêu ở nhau thì họ sẽ sẵn sàng đáp lại một lời yêu cầu thành khẩn nào đó. Sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người anh trai và với một lời yêu cầu đơn giản, Brianna đã giải quyết được vấn đề lớn đối với cô - nhưng lại là điều mà anh cô chưa từng nghĩ đến.
Tuy nhiên, nếu người anh trai của Brianna không cảm nhận được tình cảm của cô thì có thể anh ta sẽ có phản ứng khác hẳn. Khi đó, có thể anh ta sẽ coi yêu cầu đó như sự đòi hỏi và phản ứng lại một cách tiêu cực.
Anh em trai
Với Steve, chặng đường anh cần vượt qua để củng cố mối quan hệ với người em trai còn vất vả hơn rất nhiều.
- Tôi lớn hơn em tôi một tuổi. Từ nhỏ đến lớn, anh em tôi cứ cãi nhau như chó với mèo vậy. Bây giờ thì cả hai đều đã lớn nhưng chúng tôi lại không thân thiết cho lắm. Mỗi khi cần sự giúp đỡ, tôi thường không nhờ đến em trai mình.
- Anh có muốn quan hệ giữa hai người tốt lên không? - Tôi hỏi.
- Có chứ. - Anh nói. - Chúng tôi là anh em mà, ít nhất cũng phải thân nhau một chút chứ, đúng không? Tôi không cần hai anh em tôi thân đến mức thành ”bạn chí cốt” của nhau, nhưng tôi mong cả hai có thể thân thiết với nhau hơn. Bố mẹ tôi ngày càng già và chẳng bao lâu nữa sẽ cần chúng tôi chăm sóc. Với mối quan hệ như hiện giờ, tôi không biết liệu anh em tôi có làm tốt việc đó hay không. Tôi có cảm giác em tôi vẫn còn ghét tôi, dù tôi chưa từng bắt nạt nó bao giờ. Tôi không hiểu tại sao nữa.
Tôi nói với Steve về tầm quan trọng của cảm xúc cũng như việc tất cả mọi người đều có một khoang chứa cảm xúc riêng: - Khi tình cảm của ta được đong đầy và cảm nhận được tình yêu thương của mọi người, ta sẽ có xu hướng xây dựng những mối quan hệ tích cực với họ. Nhưng khi khoang chứa tình cảm của ta trống rỗng và ta không cảm nhận được tình yêu thì giữa các thành viên trong gia đình sẽ xuất hiện những rào cản. Khi ấy, ta chỉ nhìn thấy những điều tiêu cực về nhau và đôi khi còn thù hằn nhau nữa.
Định hướng
- Chúng tôi không ghét nhau ra mặt. - Steve nói. - Nhưng rõ ràng là quan hệ của chúng tôi không mấy tốt đẹp. Tom vừa cưới vợ hai tháng trước. Tôi không biết chuyện này có giúp chúng tôi gần gũi nhau hơn không nữa.
- Anh có biết ngôn ngữ yêu thương cơ bản của em trai mình không? - Tôi hỏi.
Steve chưa từng nghe đến khái niệm ngôn ngữ yêu thương nên hoàn toàn không hiểu tôi đang nói về điều gì.
Tôi giải thích cho anh nghe về Năm ngôn ngữ tình yêu và nói rằng yêu thương chính là cách thức hiệu quả nhất giúp ta cải thiện các mối quan hệ của mình.
- Làm sao tôi biết được ngôn ngữ yêu thương chính của nó là gì? - Steve hỏi. - Tôi đâu có gặp nó nhiều.
Tôi hỏi Steve vài câu nữa về Tom nhưng những câu trả lời đó cũng chẳng giúp làm rõ thêm được ngôn ngữ yêu thương cơ bản của em trai Steve. Cuối cùng, tôi đề nghị Steve nên tặng cho vợ chồng em trai mình cuốn Năm ngôn ngữ tình yêu, tập trung vào vấn đề nuôi dưỡng tình yêu trong hôn nhân.
- Việc làm này mang lại hai lợi ích. - Tôi nói. - Thứ nhất, nếu vợ chồng Tom chịu đọc cuốn sách đó thì quan hệ của vợ chồng họ có thể được củng cố. Thứ hai, khoảng ba tháng sau khi tặng họ cuốn sách đó, anh có thể hỏi vợ Tom xem cô ấy đã khám phá ra ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Tom chưa.
Vợ Tom chính là nguồn thông tin tốt nhất giúp Steve biết được ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Tom. Một khi Steve đã có được thông tin cần thiết, anh có thể tìm cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của em trai mình. Tôi nói với Steve rằng nếu anh sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Tom thì mối quan hệ giữa hai anh em họ chắc chắn sẽ thay đổi.
Thực hiện bước đi đầu tiên
Suốt sáu tháng sau, Steve không quay lại văn phòng tôi. Khi chúng tôi gặp lại nhau, điều đầu tiên anh nói là:
- Tôi biết ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Tom rồi, nhưng tôi không biết làm sao để sử dụng được nó.
- Vậy ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Tom là gì? - Tôi hỏi.
- Sự tận tụy. Hai vợ chồng nó nói rằng cả hai đều nhất trí là ngôn ngữ yêu thương của Tom là sự tận tụy. Nhưng tôi hiếm khi gặp Tom thì làm sao tôi có thể giúp đỡ nó được chuyện gì chứ?
- Hành trình vạn dặm luôn khởi đầu bằng bước chân đầu tiên. - Tôi nói.
- Nghe có vẻ triết lý quá. - Steve nói.
- Triết lý ấy hay đấy chứ. - Tôi nói. - Anh có chịu thử không?
- Có, nếu ông nói cho tôi biết bước đầu tiên đó là gì. - Steve gật đầu.
Sau khi trao đổi về cách sống và sở thích của Tom, hai chúng tôi thỏa thuận Steve sẽ chủ động đề nghị giữ chó giùm em trai vào mỗi cuối tuần nếu vợ chồng Tom muốn đi chơi. Đó chắc chắn là một sự giúp đỡ cần thiết đối với Tom. Dù anh em Steve không thân nhau lắm nhưng một đề nghị giúp đỡ như thế là hoàn toàn hợp lý cho vợ chồng Tom. Steve nói:
- Tôi sẽ thử xem sao.
Khoảng hai tháng sau, tôi và Steve gặp lại nhau. Lần này anh nói:
- Tôi đã giữ chó cho em trai tôi trong 3 tuần
- Thái độ của em trai anh như thế nào?
- Nó có vẻ biết ơn tôi vì chuyện này.
- Tốt, anh đang đi đúng hướng rồi đấy.
- Nhưng chuyện này liệu sẽ cải thiện quan hệ của chúng tôi thế nào? - Steve băn khoăn.
Chặng thứ hai: dắt chó đi dạo, sửa bàn ghế...
- Hãy nhớ rằng, ngôn ngữ yêu thương chính của em trai anh là sự tận tụy. - Tôi nói. - Mỗi lần anh giúp đỡ Tom việc gì đó, anh đã rót tình yêu vào lòng em trai mình. Khi “khoang tình yêu” của Tom được đong đầy, cậu ấy sẽ cảm thấy gần gũi với anh. Vì thế, nếu anh giữ chó chỉ một lần mỗi năm thì việc này cũng chỉ giống như là đổ một lon nước vào một cái bể vậy.
- Nhưng tôi có thể làm thêm điều gì nữa không? - Steve hỏi.
- Hãy nói với vợ chồng Tom là nếu cần giúp gì thì cứ gọi anh. Và việc tiếp theo là ngồi chờ điện thoại thôi. - Tôi nói.
- Ông nói nghe dễ dàng quá.
- Khi anh bắt tay vào làm những việc mà em mình nhờ vả, anh sẽ thấy chúng không dễ đâu. - Tôi nói.
Trong một tháng sau đó, Steve đã giúp Tom sửa lại cái bàn, cắt cỏ trong vườn khi cậu ấy phải nằm viện hai tuần, giữ chó 3 lần, dựng một bờ tường cho khu vườn hoa và trồng thêm vài luống hoa cúc trong vườn nhà Tom.
Steve nói với tôi:
- Thời gian anh em tôi ở bên nhau trong năm nay còn nhiều hơn cả 15 năm trước cộng lại. Tôi có cảm giác chúng tôi đã thân thiết với nhau hơn rất nhiều. Chúng tôi không nhắc lại chuyện về quá khứ. Bây giờ, cả hai đều đã lớn và đối xử với nhau như những người trưởng thành.
Duy trì hành trình của mình
- Vậy anh đã sẵn sàng cho bước tiếp theo chưa? - Tôi hỏi.
- Còn bước tiếp theo nữa à? - Steve bối rối.
- Hãy mời vợ chồng Tom đến nhà anh dùng bữa. - Tôi nói. - Có lẽ anh sẽ cần nhờ đến bạn gái mình đấy.
- Bạn gái tôi nấu ăn ngon lắm. Chúng tôi có thể làm được điều này. - Steve hớn hở nói với tôi, trông anh như một đứa trẻ vừa tìm ra món đồ chơi mới vậy. - Em tôi chưa bao giờ tới nhà tôi cả.
- Để tôi cho anh thêm một gợi ý khác. - Tôi nói. - Em trai anh có thích thể thao không?
- Nó hâm mộ cuồng nhiệt giải đua xe Nascar.
- Steve nói. - Nhưng nó không thường đi xem lắm. Nó nói vé đắt quá nên nó đành phải ngồi nhà xem trên ti-vi.
- Vậy thì hãy mua bốn vé và mời cậu ấy đi xem. - Tôi nói.
- Sao lại phải mua tới bốn vé? - Steve hỏi.
- Hai vé cho vợ chồng Tom còn hai vé cho anh và bạn gái của anh. - Tôi nói.
- Vợ Tom chẳng đi xem đua xe Nascar đâu, và bạn gái tôi chắc cũng thế.
- Vậy thì mua hai vé thôi. Hai anh em anh sẽ ở bên cạnh nhau suốt một ngày. Anh thấy thế nào?
- Đó chắc chắn sẽ là một bước tiến mới. - Steve nói.
Chuyện này đã xảy ra 4 năm về trước. Bây giờ, mối quan hệ giữa anh em Steve đã rất tốt đẹp. Steve đã chứng minh cho ta thấy sức mạnh của tình yêu thương. Tình yêu có thể xóa bỏ mọi rào cản và mang các thành viên trong gia đình lại gần nhau hơn. Gia đình được tạo ra để trở thành đơn vị căn bản nhất chăm sóc con người. Việc học cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của từng thành viên trong gia đình sẽ biến mô hình lý tưởng này thành hiện thực.
Những điều cần suy ngẫm
1. Hãy liệt kê ra các thành viên trong gia đình bạn: bố, mẹ, anh chị em. Dùng thang điểm từ 0 tới 10 (với 0 điểm là không được yêu thương, 5 điểm là được yêu thương vừa phải, 10 điểm là được yêu thương rất nhiều) để xem bạn cảm thấy mình được mọi người trong gia đình yêu thương đến mức nào?
2. Tại sao bạn lại cho điểm như thế? Điều gì khiến bạn cảm thấy như vậy?
3. Bạn có biết ngôn ngữ yêu thương cơ bản của mỗi người không?
4. Bạn đã sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người thân hiệu quả chưa? Hãy trả lời bằng cách liệt kê tên các thành viên trong gia đình mình ra và chấm điểm theo thang điểm từ 0 đến 10 (0 điểm là bạn không biết, 5 điểm là thỉnh thoảng dùng, 10 điểm là sử dụng ngôn ngữ yêu thương thường xuyên).
5. Hãy làm theo gợi ý dưới đây để lập kế hoạch thể hiện tình cảm với người thân của bạn một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
làm thế nào để hiện tình yêu thương với các thành viên trong gia đình?
Hãy liệt kê tên các thành viên trong gia đình bạn và ngôn ngữ yêu thương cơ bản của người đó. Sau đó, hãy viết ra vài cách thể hiện tình cảm của bạn đối với mỗi người. Bạn có thể tham khảo những gợi ý mà tôi đã đưa ra trong chương này.
Tên: ____________. Ngôn ngữ yêu thương:
. Cách thể hiện tình cảm của tôi:
.
Tên: ____________. Ngôn ngữ yêu thương:
. Cách thể hiện tình cảm của tôi:
.
Tên: ____________. Ngôn ngữ yêu thương:
. Cách thể hiện tình cảm của tôi: