Một buổi sáng thứ Bảy, đang sắp xếp giấy tờ thì tôi nhận được điện thoại của Mark.
Chúng tôi là bạn với nhau đã được hơn 30 năm. Tôi từng dự đám cưới con Mark. Tôi cũng có mặt trong đám tang vợ anh ấy 5 năm trước. Tôi đã từng ở bên Mark trong những lúc anh đau khổ nhất. Nhưng lần này, tôi nghe giọng nói anh có đôi chút khác biệt. Sau một vài câu xã giao thông thường, Mark nói:
- Tôi muốn báo cho anh biết rằng tôi chuẩn bị kết hôn.
- Kết hôn? - Tôi thốt lên. - Chừng nào?
- Giáng sinh tới. - Mark đáp. - Hôm đó con cháu tôi sẽ về nhà đông đủ nên chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới luôn.
- Chúc mừng anh! - Tôi nói. - Tôi rất mừng cho anh.
- Tôi muốn anh tham dự vào hôn lễ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tổ chức lễ ở nhà thờ của cô ấy và cha xứ ở đó sẽ chủ trì buổi lễ. Nhưng hai chúng tôi đều muốn anh tham gia.
- Tôi rất lấy làm vinh dự. - Tôi nói.
Sau khi nói chuyện với Mark xong, tôi lên lầu báo tin vui này cho vợ mình biết.
- Không ngờ anh ấy chờ đến tận bây giờ. - Vợ tôi vui mừng nói.
Vợ chồng tôi đều biết Mark đã hẹn hò với Sylvia được 3 năm nay. Chồng Sylvia đã qua đời hai tháng trước khi vợ Mark mất. Sylvia là một con chiên ngoan đạo và rất tích cực trong các hoạt động cộng đồng. Sylvia và Mark có rất nhiều điểm chung.
Cả hai vợ chồng tôi đều cảm thấy quan hệ của họ rất tốt. Nhờ vào tuổi tác và kinh nghiệm trong quá khứ nên cả Mark lẫn Sylvia đều thấy không cần phải đến tư vấn tiền hôn nhân. Hai người đều khá hạnh phúc với cuộc hôn nhân trước của mình và cho rằng mình cũng sẽ hạnh phúc như thế với cuộc hôn nhân này.
Hai năm sau, Mark lại gọi cho tôi. Giọng anh nghe có vẻ ảm đạm.
- Tôi nghĩ chúng tôi cần nhờ đến anh. - Anh nói. - Vợ chồng tôi đang có vài bất đồng không biết giải quyết ra sao. Có lẽ tôi đã sai khi quyết định tái hôn. Cả hai chúng tôi đều có vẻ không được hạnh phúc cho lắm.
Trong 3 tháng sau đó, tôi thường xuyên gặp Mark và Sylvia. Chúng tôi đã cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn xoay quanh chuyện con cái, nhà cửa, tiền bạc, nghỉ hưu, xe cộ và nhà thờ. Tuy nhiên, mọi mâu thuẫn này đều bắt nguồn từ việc cả hai không cảm thấy mình được yêu thương. Họ đã hẹn hò 3 năm, cái cảm giác đam mê khi đang yêu đã kết thúc trước khi họ kết hôn. Nhưng vì cả hai có rất nhiều điểm chung và thích ở cạnh nhau nên họ không thấy đó là vấn đề. Dựa vào kinh nghiệm của mình, họ biết cảm giác đam mê khi “đang yêu” chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, hai năm sau khi cưới, những khác biệt (ít xuất hiện trước khi họ kết hôn) đã khiến họ bất hòa với nhau. Và việc thiếu thốn tình cảm càng khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn. Họ không than khóc hay nguyền rủa nhau - họ đã trưởng thành đủ để không có những hành động này - nhưng cả hai đều thừa nhận họ đã quá mệt mỏi.
Một người đàn ông chăm chỉ nhưng “không hiểu vấn đề"
Ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Sylvia là thời gian chia sẻ. Trước khi kết hôn, Mark sử dụng ngôn ngữ yêu thương này của chị hết sức hiệu quả. Trong những buổi hẹn, Mark luôn dành cho chị sự quan tâm tuyệt đối. Chị cảm nhận được tình yêu chân thành của anh cho dù giai đoạn “đang yêu” của hai người đã qua. Tuy nhiên, sau khi cưới, chị phát hiện ra rằng việc chung sống với Mark hoàn toàn khác với việc hẹn hò cùng anh. Anh là người rất chăm chỉ và lúc nào cũng có “việc cần làm”. Nhổ cỏ, đốn cây, quét lá, rửa xe, sơn tường, thay thảm… Lúc nào anh cũng có việc.
- Mark là người chăm chỉ. - Sylvia nói. - Vấn đề là anh ấy không bao giờ dành thời gian cho tôi. Không phải là tôi không trân trọng những gì anh ấy đã làm, nhưng điều đó thì có ích gì nếu chúng tôi không còn thời gian dành cho nhau?
Điều đáng nói là Mark không hiểu được vấn đề. Anh nói:
- Tôi thật sự không hiểu nổi Sylvia. Hầu như phụ nữ nào cũng muốn có được một ông chồng như tôi. Sao Sylvia lại nói là tôi không yêu cô ấy cơ chứ?
Thay vì trả lời câu hỏi của Mark, tôi đổi đề tài bằng cách hỏi:
- Theo thang điểm từ 0 đến 10 thì anh thấy Sylvia yêu anh được mấy điểm?
Anh im lặng chốc lát rồi nói:
- Bây giờ là 0 điểm. Suốt ngày cô ấy chỉ biết chỉ trích tôi. Tôi chưa từng nghĩ mọi chuyện sẽ tồi tệ đến mức này. Trước khi cưới, cô ấy rất lạc quan. Khi tôi sơn lại phòng khách hay thay cửa sổ phòng ngủ cho cô ấy, cô ấy không ngừng khen tôi rằng tôi là một người tuyệt vời. Bây giờ tôi cũng làm như thế nhưng cô ấy chẳng biết tôn trọng gì hết.
Vậy là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Mark là lời khen ngợi.
Thay vì giải thích, tôi đưa cho họ cuốn Năm ngôn ngữ tình yêu và nói:
- Câu trả lời cho những vấn đề hôn nhân của anh chị nằm trong cuốn sách này. Tôi muốn hai người đọc nó thật cẩn thận. Hai tuần sau, anh chị hãy nói cho tôi biết vì sao cả hai lại cảm thấy mình không được yêu thương.
Dù có vẻ không thích cách giải quyết của tôi cho lắm nhưng cả hai cũng đồng ý đọc.
Hai tuần sau, họ bước vào văn phòng của tôi với gương mặt khác hẳn.
- Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao anh muốn chúng tôi đọc cuốn sách này trước khi chúng tôi kết hôn. - Sylvia nói. - Ước gì chúng tôi nghe lời anh lúc đấy.
Dù rất muốn nói ra câu “Tôi cũng ước như thế”
nhưng tôi chỉ đáp:
- Hai người không thể lấy lại thời gian hai năm qua, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi tương lai.
Đong đầy tình cảm của Sylvia
- Vậy ngôn ngữ yêu thương của Sylvia là gì? - Tôi hỏi Mark.
- Chắc chắn là thời gian chia sẻ. - Anh nói. - Suốt hai năm qua, tôi cứ làm hết việc này đến việc khác trong khi lẽ ra tôi phải ngồi xuống, nói chuyện với cô ấy, chở cô ấy về các vùng ngoại ô ngắm cảnh hoặc cùng nhau đi dạo. Lúc nào tôi cũng bận rộn đến mức không còn thời gian cho những việc ấy. Bây giờ thì tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Vì tôi không sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Sylvia nên cô ấy chỉ còn biết làm một việc duy nhất, đó là cằn nhằn.
- Vậy ngôn ngữ yêu thương cơ bản của anh? - Tôi hỏi.
- Ngôn ngữ yêu thương chính của tôi là lời khen ngợi. Chính vì thế, khi Sylvia phàn nàn về những việc tôi đã làm, tôi cảm thấy tổn thương rất nhiều. Nó giống như lưỡi dao cứa vào tim tôi vậy.
- Bây giờ tôi ý thức được những gì mình đã làm. - Sylvia nói. - Khoang chứa tình cảm của tôi trống rỗng. Vậy mà trước đây, tôi thậm chí còn không biết là mình có một khoang chứa tình cảm cơ đấy. Tôi cố gắng thể hiện nhu cầu của mình theo cách thức tự nhiên nhất. Bây giờ, tôi mới biết những việc đó như một lời kết tội đối với Mark. Thay vì khẳng định những việc tốt mà Mark đã làm, tôi chỉ biết trách cứ anh ấy vì đã không đáp ứng được nhu cầu tình cảm của tôi. Chúng tôi đều đã xin lỗi nhau và tin tưởng rằng cuộc hôn nhân của mình sẽ thay đổi.
- Tôi hứa với cô ấy từ nay về sau, mỗi tuần chúng tôi sẽ hẹn với nhau một lần. - Mark nói. - Chúng tôi sẽ đi dạo cùng nhau sau bữa tối. Và cứ ba tháng, chúng tôi sẽ đi du lịch cuối tuần cùng nhau.
- Cứ như thể chúng tôi đang bắt đầu lại cuộc sống hôn nhân vậy. - Sylvia nói. - Chỉ có điều là lần này chúng tôi đã biết làm thế nào để yêu thương nhau hơn. Mark là người đàn ông chăm chỉ nhất mà tôi từng gặp. Về phần mình, từ bây giờ, tôi sẽ luôn thể hiện lòng biết ơn của mình đối với những gì anh ấy đã làm.
Một năm sau lần nói chuyện đó, Mark và Sylvia đến thăm tôi. Sylvia nói:
- Tôi rất cảm ơn anh đã dành thời gian cho chúng tôi. Chính nhờ đó mà cuộc hôn nhân của chúng tôi được cải thiện rất nhiều.
Mark thì nói:
- Tôi muốn anh biết rằng bây giờ tôi đang rất hạnh phúc.
Trong lúc khó khăn, Mark và Sylvia mới khám phá ra được vấn đề căn bản của việc hẹn hò. Trước đó, giống như bao người khác, họ cho rằng tình yêu sẽ tiếp tục kéo dài khi hai người đã kết hôn mà không cần bất kỳ sự nỗ lực nào. Trước đám cưới, họ đã sử dụng ngôn ngữ yêu thương của nhau mà không hề ý thức được điều mình đang làm. Việc hẹn hò giúp Mark có cơ hội dành cho Sylvia sự chú ý tuyệt đối. Khi cảm nhận được yêu thương của Mark, Sylvia dễ dàng nói ra những lời yêu thương, khen ngợi với anh.
Nếu tình yêu của bạn dẫn đến hôn nhân, bạn hãy học cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người bạn đời của mình. Hãy nhớ rằng, việc này đòi hỏi bạn phải đầu tư thực sự - nhưng lợi ích mà nó mang lại hoàn toàn xứng đáng với sự đầu tư ấy của bạn. Hôn nhân không giống như lúc hẹn hò. Sau khi kết hôn, Mark đã dành hết thời gian để làm những việc anh nghĩ là có ích, nhưng anh lại quên mất điều quan trọng nhất đối với vợ mình - thời gian chia sẻ. Khi Sylvia không nói những lời yêu thương với anh nữa, khoang chứa tình cảm của anh cũng dần cạn kiệt. Không còn cảm giác được yêu thương, cuộc sống hôn nhân của họ trở thành bãi chiến trường. Và nếu vợ chồng Mark không nỗ lực tìm hiểu bản chất của tình yêu thì trước sau gì cuộc hôn nhân của họ cũng kết thúc.
Tại sao lại phải kết hôn?
Điều chúng ta tìm kiếm…
Nếu hôn nhân rắc rối và khó khăn như vậy, thì câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Tại sao phải bận tâm đến việc kết hôn?”. Rất nhiều cuộc hôn nhân kết thúc trong cảnh ly hôn, vậy thì tại sao ta lại liều lĩnh đón nhận nguy cơ lớn như thế? Câu trả lời là: Tất cả chúng ta đều mong muốn yêu và được yêu thương một cách trọn vẹn nhất. Chính vì thế, mặc cho tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng, phần lớn chúng ta vẫn mong muốn kết hôn. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 93% người Mỹ đều cho rằng “có một gia đình hạnh phúc” là một trong những điều quan trọng nhất đối với họ.
Tuy nhiên, mong muốn này luôn song hành cùng nhiều nỗi lo sợ. Một nghiên cứu về thái độ của sinh viên ngày nay đối với các vấn đề hôn nhân đã kết luận rằng: ”Họ mong có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng họ không biết liệu điều này còn có thể thành sự thực hay không”.
Nếu sinh viên - cũng như nhiều người độc thân khác - hiểu được bản chất của tình yêu và học cách thể hiện nó một cách hiệu quả, họ sẽ có được một “cuộc hôn nhân hạnh phúc” như mong muốn. Và tôi mong những ai đang đọc cuốn sách này sẽ: (1) áp dụng những nguyên tắc này trong khi hẹn hò; (2) nhìn nhận đúng bản chất của cảm giác đam mê khi đang yêu - nó rất thú vị nhưng chỉ là tạm thời; và (3) chủ động thể hiện tình yêu của mình bằng cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người khác.
Khi làm được điều này, những người đang trong giai đoạn hẹn hò sẽ có cơ hội tìm hiểu các khía cạnh khác của cuộc sống. Khi ấy, họ sẽ có được quyết định sáng suốt về việc kết hôn.
7 mục đích thường thấy nhất
Trước khi khám phá “các khía cạnh khác” mà tôi đã nhắc đến, ta nên dừng lại một chút để tự hỏi mình: “Mục đích của hôn nhân là gì?”. Nếu bạn hỏi 10 người thì bạn sẽ nhận được 10 câu trả lời khác nhau. Sau đây là một số câu trả lời mà tôi thường được nghe trong khi tiếp xúc với những người độc thân suốt nhiều năm qua:
1. Tình bạn
2. Tình dục
3. Tình yêu
4. Sự ổn định cho con cái
5. Được xã hội thừa nhận
6. Lợi ích về kinh tế
7. An toàn
Nhiều người nghĩ rằng có thể đạt được những mục đích trên thông qua việc kết hôn. Đúng là các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người kết hôn thường hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và tình hình tài chính của họ cũng sáng sủa hơn những người độc thân, nhưng mục đích thật sự của hôn nhân còn sâu xa hơn cả 7 mục đích trên rất nhiều.
Mục đích sâu xa hơn
Trong Kinh thánh cổ về Đấng sáng tạo, Thượng đế có nói về Adam rằng: “Con người không nên ở một mình” và Người đã giải quyết vấn đề này bằng cách tự nhủ: “Mình sẽ tạo ra một người hỗ trợ thích hợp cho anh ta”. Theo tiếng Do Thái cổ, từ “thích hợp” có nghĩa đen là "mặt đối mặt". Điều này có nghĩa là Thượng đế đã tạo ra cho Adam một người để cả hai có thể tạo dựng mối quan hệ “mặt đối mặt”. Mối quan hệ trọn vẹn và riêng tư sẽ biến hai người trở thành một thể thống nhất và thỏa mãn những mong muốn sâu kín nhất trong trái tim họ.
Hôn nhân chính là câu trả lời của Thượng đế dành cho nhu cầu sâu thẳm nhất của con người. Câu chuyện cổ này cũng đã kể về Adam và Eva như “hai người nhập thành một thể”.
Tâm lý con người luôn chứa đựng khao khát được kết nối. Tôi tin rằng hôn nhân chính là mối quan hệ gần gũi nhất trong tất cả các mối quan hệ của con người. Vợ chồng sẽ chia sẻ cuộc sống của họ với nhau, cả về mặt tri thức, tình cảm, xã hội, thể chất lẫn tôn giáo. Họ chia sẻ cuộc sống với nhau đến mức nhập thành “một thể”. Điều này không có nghĩa những cặp đã kết hôn đánh mất hết cá tính của họ; nó chỉ có nghĩa là ý thức thống nhất của họ sẽ được nâng cao hơn mà thôi.
Sự thống nhất này sẽ không thể diễn ra nếu không có sự ràng buộc sâu sắc và lâu dài. Hôn nhân không phải là hợp đồng để hợp thức hóa quan hệ tình dục hay để chăm lo cho trẻ em. Nó không có nghĩa là viện tâm lý để ta tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần khi cần thiết, cũng không phải là phương tiện để ta đạt được một địa vị xã hội hay bảo đảm về kinh tế. Nó là phương tiện truyền tải tình yêu và kết nối để cả hai đồng hành cùng nhau trong đời.
Mục đích cao nhất của hôn nhân chính là sự gắn kết ở mức độ sâu sắc nhất giữa người đàn ông và người phụ nữ trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Điều này sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc tuyệt đối cho các cặp vợ chồng.
Bản chất của sự thống nhất trong hôn nhân
Kết hôn không chỉ mang lại cho đôi lứa yêu nhau một sự kết hợp nào đó. Giữa “được kết hợp với nhau” và “thống nhất” luôn có sự khác biệt.
Câu hỏi đặt ra cho những người có ý định kết hôn và mong muốn tìm được sự hòa hợp với nhau trong cuộc sống là: “Làm sao để ta có thể tin rằng cả hai sẽ hòa hợp làm một?”. Khi bạn xem xét những khía cạnh của cuộc sống như tri thức, xã hội, tình cảm, tín ngưỡng và thể chất, bạn nhận ra được điều gì? Hai bạn có cùng quan điểm trong các khía cạnh đó không? Bạn không nên xây nhà khi chưa có một nền móng vững chắc. Tương tự, đừng kết hôn nếu không biết được nền tảng của mình là gì.
Nhìn nhận vấn đề kết hôn một cách thực tế nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là trước khi kết hôn, các cặp đôi hãy dành thời gian để bàn về những khía cạnh cơ bản trong cuộc sống của cả hai. Tôi đã từng gặp nhiều cặp đôi hiểu rất ít về sở thích và nền tảng tri thức của nhau. Nhiều người kết hôn nhưng lại coi nhẹ các vấn đề về tín ngưỡng và đạo đức. Nếu bạn muốn có một cuộc hôn nhân mỹ mãn thì việc xây dựng một nền tảng vững chãi là điều rất cần thiết. Phần còn lại trong chương này dành cho những cặp đôi đang hẹn hò muốn tiến đến hôn nhân. Phần này sẽ giúp các bạn đánh giá được nền tảng trong mối quan hệ của mình (trong khi vẫn sử dụng ngôn ngữ yêu thương của nhau).
Thống nhất tri thức
Để khám phá cội nguồn của sự thống nhất về mặt tri thức, bạn cần phải tiến hành một vài thử nghiệm. Chẳng hạn, hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định để cùng thảo luận về loại sách mà hai người thường đọc. Việc này sẽ giúp các bạn biết được những sở thích tri thức của nhau cũng như việc cả hai có thói quen đọc sách hay không. Hãy khám phá thói quen đọc báo của cả hai. Các bạn thường đọc loại tạp chí gì? Các bạn thường thích xem chương trình truyền hình nào? Các bạn thường lên trang web nào? Việc trả lời những câu hỏi trên sẽ giúp cả hai biết được những sở thích tri thức của nhau.
Điểm số tại trường và trình độ học vấn của hai người cũng là điều đáng để xem xét. Cả hai không cần phải có cùng sở thích về tri thức nhưng ít nhất phải có khả năng trao đổi với nhau về những vấn đề đó. Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng nhanh chóng tỉnh giấc mộng đẹp và đối mặt với thực tế phũ phàng vì không thể hiểu được nhau.
Tôi không đòi hỏi các bạn phải là những người hoàn hảo, nhưng hãy nhớ là ta đang xây dựng nền tảng để có được một cuộc hôn nhân mỹ mãn. Hai bạn có cùng tần số tri thức để làm nền tảng cho sự phát triển không? Bạn sẽ có được trả lời tốt nhất khi cả hai thử một vài bài tập. Hãy cùng đọc sách và dành ra một ít thời gian chia sẻ để cùng bàn luận về nó. Mỗi tuần một lần, cả hai hãy đọc những tin tức quan trọng trên mạng và để cùng trao đổi với nhau. Việc này sẽ giúp các bạn biết rất nhiều về tình trạng tri thức của đối phương trong hiện tại cũng như khả năng phát triển trong tương lai.
Thống nhất xã hội
Tuy đều là những sinh vật xã hội nhưng mỗi chúng ta đều có những sở thích xã hội khác nhau. Chính vì thế, bạn cần phải tự khám phá nền tảng này của đối phương. Bạn trai bạn có phải là một người hâm mộ thể thao không? Anh ấy dành bao nhiêu giờ mỗi tuần để xem kênh truyền hình thể thao? (Bạn nghĩ điều này có thay đổi sau khi hai bạn kết hôn không?). Bạn thích thể loại nhạc gì? (Còn người yêu của bạn thì sao?). Có một người vợ trẻ từng nói với tôi rằng: “Anh ấy bật cái thứ nhạc đồng quê cũ rích đó suốt cả ngày làm tôi không chịu nổi!”. Trước khi cưới thì việc này chẳng có gì quan trọng. Có lẽ đó là do trạng thái đam mê khi “đang yêu” chi phối nên ta không nhận ra điều đó chăng?
Bạn thích hoạt động giải trí nào? Bạn có thích tham dự tiệc tùng không, nếu có thì đó là kiểu tiệc gì? Đây là những câu hỏi mà hai bạn cần phải trả lời cho nhau biết.
Đến đây, có thể bạn sẽ đặt ra câu hỏi là: “Có nhất thiết chúng tôi phải có chung sở thích xã hội không?”. Câu trả lời là “Không!”. Tuy nhiên, hai người nên có một nền tảng nào đó để thống nhất với nhau về mặt xã hội. Hai người có đủ điểm chung để song hành cùng nhau suốt quãng đời còn lại không? Các bạn cần tính toán đến những điều này trước khi kết hôn. Nếu không, khả năng chia sẻ về sở thích xã hội của các bạn sau khi kết hôn sẽ rất ít. Hãy thử làm những việc mà trước đây bạn không thích để xem bạn có thay đổi quan điểm của mình về chúng không. Nếu hai bạn ngày càng đi về hai hướng sở thích xã hội khác nhau, thì hãy nhớ rằng mục đích của hôn nhân là thống nhất. Hãy tự hỏi mình rằng: “Nếu anh ấy không thay đổi sở thích xã hội như hiện nay thì mình có vui vẻ sống với anh ấy trọn đời không?”.
Còn tính cách của bạn thì sao? Bạn có thể viết một dòng miêu tả về con người bạn không? Nếu được, hãy cùng người bạn đời tương lai của bạn làm điều này rồi đưa nhau xem. Hãy xem điều bạn nghĩ về bản thân có gì khác biệt so với hình ảnh của bạn trong mắt người kia.
Hai bạn có hiểu nhau đủ để tự tin sóng bước cùng nhau không? Chắc chắn tính cách của hai bạn có thể bổ sung cho nhau. Nhưng điều đáng nói là người ấy của bạn có muốn như thế hay không.
Hai bạn có thường tranh cãi điều gì khi hẹn hò không? Bạn nghĩ điều gì có nguy cơ sẽ trở thành vấn đề lớn khi hai người chung sống? Hãy thảo luận một cách cởi mở về các vấn đề này. Hai bạn có thể khắc phục được những điều đó trước khi kết hôn không? Nếu những vấn đề trước hôn nhân không được giải quyết thì sau khi kết hôn, nó sẽ càng trở thành vấn đề khổng lồ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tính cách hai bạn phải hoàn toàn giống nhau - vì như vậy thì hôn nhân của các bạn sẽ cực kỳ nhàm chán. Vấn đề là bạn cần hiểu được những nét tính cách cơ bản của người kia và cách thức giao tiếp với người ấy. Những mâu thuẫn tính cách sẽ không thể giải quyết bằng cách kết hôn.
Thống nhất cảm xúc
Cảm giác “đang yêu” khiến nhiều cặp đôi nghĩ rằng tình cảm của họ đã rất thắm thiết. Một người từng nói với tôi: “Đây chính là điểm tuyệt với nhất trong mối quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi thực sự rất gắn kết với nhau”. Tuy nhiên, khi cảm giác “đang yêu” qua đi, họ phát hiện ra nền tảng cảm xúc của mình rất yếu kém. Họ cảm thấy xa lạ và cách biệt với nhau. Một người đã kết hôn chia sẻ: “Tôi không hiểu tại sao 6 tháng trước, tôi cảm thấy rất gần gũi với anh ấy trong khi bây giờ tôi lại có cảm giác anh ấy như một người hoàn toàn xa lạ”.
Vậy “thống nhất về mặt cảm xúc” là gì? Đó là cảm giác gắn kết sâu sắc với một người nào đó; được yêu thương, được tôn trọng và bạn tìm cách đáp lại những cảm giác này.
Cảm giác “được yêu thương” sẽ xuất hiện khi bạn cảm thấy người kia thực sự quan tâm đến lợi ích của bạn. Còn cảm giác “tôn trọng” sẽ đến khi bạn cảm thấy người bạn đời tương lai đánh giá cao con người, trí tuệ, năng lực và tính cách của bạn. Trong khi đó, cảm giác “biết ơn” sẽ nảy sinh khi đối phương coi trọng những đóng góp của bạn cho mối quan hệ giữa hai người. Hãy khám phá từng yếu tố này để có được sự thống nhất về mặt cảm xúc với người bạn đời tương lai của bạn.
Bằng chứng của tình yêu chân thành là cả hai không ngừng sử dụng ngôn ngữ yêu thương của nhau. Sau khi cùng bàn bạc về những quan điểm trong cuốn sách này đồng thời khám phá ra ngôn ngữ yêu thương của nhau, bạn hãy tự hỏi: “Mình đã sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người ấy hiệu quả chưa? Cả hai đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ yêu thương của nhau ra sao?”.
Sự tôn trọng thường bắt đầu bằng thái độ: “Tôi thừa nhận bạn là một cá thể riêng biệt và có giá trị.
Thượng đế đã ban cho bạn những năng lực và cảm xúc nhất định. Vì thế, tôi luôn cố gắng hiểu, tôn trọng và để bạn tự do suy nghĩ, cảm nhận sự việc khác với tôi”. “Tôn trọng” nghĩa là bạn cho người khác quyền tự do cá nhân. Hãy đặt cho mình câu hỏi này: “Người yêu của bạn có tôn trọng bạn không?”. Bạn có thể có được câu trả lời qua thái độ của họ đối với những ý kiến, cảm xúc và ước mơ của bạn.
Yếu tố thứ ba của thống nhất cảm xúc là cảm giác “biết ơn”. Khi ta thể hiện lòng biết ơn với người khác, nghĩa là ta đã công nhận giá trị cùng những đóng góp của người ấy cho mối quan hệ đôi bên. Mỗi người đều đầu tư thời gian, công sức cho mối quan hệ chung theo cách riêng của họ. Cảm giác biết ơn sẽ giúp cả hai cảm thấy gần gũi nhau hơn.
Biết ơn cũng có thể được biểu hiện thông qua việc khen ngợi nhau, chẳng hạn như: “Cám ơn vì anh đã gọi cho em khi anh đến trễ. Việc anh nghĩ đến em như thế có ý nghĩa rất lớn đối với em” hay: “Cám ơn em đã mời anh đến dùng bữa. Anh biết em đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị được một bữa ăn như thế này. Bữc ăn thật tuyệt vời. Anh thật sự rất cảm động trước những nỗ lực của em”. Những câu nói này thường là biểu hiện của lòng biết ơn. Ngược lại, nếu những nỗ lực của bạn không được người kia thừa nhận, bạn sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Khi ấy, giữa hai người sẽ bắt đầu xuất hiện khoảng cách.
Để thể hiện được lòng biết ơn của mình, trước hết bạn phải tập trung vào những việc người yêu bạn đã làm cũng như thái độ, lời nói, tính cách của người ấy. Chỉ khi đó, bạn mới có thể chủ động bày tỏ sự trân trọng của mình.
Khi mối quan hệ của hai bạn có đầy đủ các yếu tố “tình yêu”, “sự tôn trọng” và “lòng biết ơn chân thành” thì cả hai sẽ có được sự thống nhất về mặt cảm xúc. Hãy thảo luận về ba yếu tố này trước khi kết hôn. Hãy chia sẻ với nhau những điều khiến bạn cảm thấy được yêu, được tôn trọng và được biết ơn. Việc thống nhất về mặt cảm xúc sẽ tạo tiền đề để các bạn có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc về sau.
Thống nhất tín ngưỡng
Nền tảng tín ngưỡng thường là yếu tố ít được các cặp đôi đề cập đến nhất, ngay cả với những cặp thường xuyên đi nhà thờ. Rất nhiều cặp vợ chồng phát hiện ra rằng thất vọng lớn nhất trong hôn nhân của họ là họ có quá ít điểm chung trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi không bao giờ cầu nguyện cùng nhau.” - Một người vợ chia sẻ. - “Chúng tôi thường đi nhà thờ riêng lẻ; hoặc nếu có ngồi chung thì chúng tôi cũng không bao giờ chia sẻ với nhau những trải nghiệm về mặt tâm linh của mình”. Vậy là khoảng cách giữa họ ngày một lớn dần và nguy cơ rạn nứt của hôn nhân ngày càng tăng lên.
Những cuộc thảo luận về tín ngưỡng trước hôn nhân thường chỉ đề cập đến việc cả hai đi nhà thờ hay một số vấn đề phụ khác. Họ lại không nhắc đến vấn đề cơ bản và quan trọng nhất: “Chồng/vợ sắp cưới của bạn có lòng tin vào tín ngưỡng giống như lòng tin của bạn không?”.
Vấn đề mà tôi đang nói đến là nền tảng tín ngưỡng cho hôn nhân của các bạn. Bạn có đồng ý với tôi rằng mỗi người đều mang trong mình hình ảnh một Thượng đế riêng không? Bạn có biết vị Thượng đế mà người bạn yêu sùng kính không?
Việc cùng chung trong một tổ chức tôn giáo vẫn chưa đủ bởi đây là vấn đề niềm tin cá nhân. Chẳng hạn, nếu một người đàn ông có niềm tin sâu sắc vào Chúa Jesus và cảm nhận được sứ mệnh mà Thượng đế dành cho mình trong khi người phụ nữ mà anh ta yêu chỉ toàn nghĩ đến nhà nghỉ mùa hè, xe hơi BMW thì liệu mối quan hệ của họ có đủ nền tảng vững chắc để có được một cuộc hôn nhân viên mãn?
Những câu hỏi mà bạn cần suy nghĩ ở đây là: “Hai người có cùng hòa chung nhịp đập khi nói về tín ngưỡng không?”, “Hai người có khích lệ nhau phát triển chung niềm tin tín ngưỡng hay đi về hướng ngược nhau khi đề cập đến vấn đề này?”… Nền tảng tín ngưỡng đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất trong cuộc sống hôn nhân. Nó ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh khác trong cuộc sống con người.
Thống nhất thể chất
Nếu hai người hấp dẫn nhau về mặt giới tính thì đó sẽ là nền tảng để cả hai đạt được sự thống nhất thể chất. Một điều thú vị về thống nhất thể chất là chuyện chăn gối không thể tách rời với thống nhất cảm xúc, xã hội và tín ngưỡng. Trên thực tế, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống chăn gối của các cặp vợ chồng thường xuất phát từ các khía cạnh khác. Khái niệm “không hòa hợp chuyện chăn gối” gần như không tồn tại. Sự bất đồng thường nằm ở những khía cạnh khác – và nó chỉ biểu hiện ra ở mặt tình dục mà thôi.
Để có được sự thống nhất về mặt thể chất, bạn cần thực hiện một số việc trước khi quyết định kết hôn. Trước hết, cả hai cần đi khám sức khỏe toàn diện. Ở Mỹ, với 19 triệu ca bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục mỗi năm - và gần một nửa số đó là những người từ 15 đến 24 tuổi - thì việc kết hôn mà không khám sức khỏe kỹ lưỡng cũng giống như chơi trò xổ số vậy. Sau này, bạn sẽ phải đối diện với thực tế phũ phàng của những căn bệnh này. Có một số bệnh lây truyền qua đường tình dục không thể chữa trị mà chỉ có thể dùng thuốc để khống chế tạm thời. Vậy bạn có sẵn sàng chấp nhận sống chung với thực tế này ở người bạn đời tương lai của mình không?
Cuộc cách mạng tình dục vào những năm 1960 đã dẫn đến sự phân biệt rạch ròi giữa quan hệ tình dục và kết hôn. Cuộc cách mạng này đã diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ và một số nhà nghiên cứu đã kết luận rằng: “Cuộc cách mạng tình dục đã chấm dứt, và ai cũng thua”. Thay vì giải phóng sự kìm hãm về tình dục như lời hứa hẹn của các nhà cải cách, cuộc cách mạng này lại tạo ra kiểu chiếm hữu nô lệ riêng của nó.
Hậu quả của lối sống được một số người tán tụng này là nó đã khiến nhiều thế hệ sau đánh mất một cuộc sống tình dục trọn vẹn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy: “Những người sống theo chế độ một vợ một chồng trọn đời mới chính là người được thỏa mãn về mặt cảm xúc và quan hệ chăn gối nhất”.
Tôi tin rằng hầu hết những người có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân đều không có mong ước tìm được sự chung thủy tuyệt đối. Tình dục ngoài hôn nhân thường không tạo nên sự thủy chung tuyệt đối và nó sẽ là nguyên nhân dẫn đến những đau khổ cả về tinh thần lẫn thể chất. Nhiều người độc thân đã phải trải qua nỗi đau này. Đừng để những sai lầm trong quá khứ khiến bạn đầu hàng. Thua một trận đánh chưa phải là đã thua cả cuộc chiến. Chúng ta không thể quay ngược thời gian và thay đổi quá khứ, nhưng ta có thể định rõ hướng đi cho tương lai của mình. Đừng đổ lỗi cho quá khứ vì những sai lầm hiện tại của bạn. Hãy thừa nhận sai lầm và nỗ lực thay đổi.
Đối mặt với những vết sẹo
Ngay cả khi bạn đã làm như thế thì điều đó cũng không có nghĩa quá khứ của bạn sẽ biến mất hoàn toàn. Một người đàn ông say rượu lái xe tông vào buồng điện thoại công cộng dẫn đến gãy tay và nát xe. Dù có hối tiếc thì tay ông ta cũng đã gãy và xe thì vẫn nát. Tương tự, dù bạn có xưng tội cho những hành vi sai trái của mình thì vết sẹo từ quá khứ cũng không bao giờ được xóa nhòa. Vậy ta phải làm gì để đối mặt với chúng?
Một thử thách rất lớn ở đây là bạn phải thành thực trong mọi vấn đề. Nếu trước đây bạn đã từng có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và bây giờ thực sự nghiêm túc nghĩ đến chuyện kết hôn thì bạn cần phải thành thật với người bạn đời tương lai của bạn. Hãy chia sẻ với người ấy quá khứ của bạn. Hôn nhân không phải là nơi để bạn chôn giấu những điều bí mật. Quá khứ là quá khứ và bạn không thể thay đổi được nó. Hãy tin rằng người bạn đời sẽ chấp nhận con người thật của bạn như hiện nay, chứ không phải là người lý tưởng như họ mong muốn. Nếu người ấy không thể chấp nhận chuyện này thì hai người không nên tiến đến hôn nhân. Bạn chỉ nên kết hôn khi tất cả đều đã rõ ràng.
Ngoài việc được người yêu chấp nhận, chính bản thân bạn cũng phải chấp nhận và vượt qua những chuyện không hay đã xảy ra trong quá khứ. Đừng lảng tránh điều đó như thể chúng không hề xảy ra.
Để làm được điều này, có thể bạn sẽ cần đến sự tư vấn tâm lý. Định mệnh không bắt bạn phải thất bại trong hôn nhân vì những sai lầm thuộc về quá khứ. Bạn sẽ phải vượt qua những chướng ngại vật lẽ ra không có trên con đường bạn đi nếu bạn sống đúng theo chuẩn mực.
Trong chương này, tôi đã bàn đến những nền tảng thống nhất của hôn nhân. Nếu tình dục là mục đích duy nhất của bạn thì những điều tôi đã nói ở trên chẳng có gì quan trọng cả. Nếu bạn chỉ muốn có người nấu cơm hoặc trả tiền thuê nhà cho mình thì bạn chỉ cần tìm một người tình nguyện là xong. Ngược lại, nếu mục đích của bạn là sự hòa hợp trong cuộc sống thì bạn phải xem xét những nền tảng trên một cách kỹ lưỡng. Nếu bạn thấy nền tảng của mình chưa đủ vững chắc thì bạn đừng vội kết hôn.
Một cuộc nghiên cứu ở Mỹ đã cho thấy 87% những người độc thân chưa từng kết hôn mong muốn có được một cuộc hôn nhân viên mãn. Họ đã nhìn thấy cảnh bố mẹ mình ly hôn và họ không muốn như thế. Quyết định sáng suốt xem mình sẽ lấy ai chính là bước đầu tiên để có một cuộc hôn nhân lâu dài và viên mãn.
Những điều cần suy ngẫm
Nếu bạn đang hẹn hò và có khả năng sẽ kết hôn thì những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn có được một khởi đầu tốt:
1. Bạn và người yêu có cùng nền tảng tri thức không? (Hãy làm những bài tập nêu ra trong chương này: Đọc báo hay tin tức trên mạng rồi cùng bàn luận về những giá trị và bài học trong đó; đọc sách và chia sẻ ý kiến với nhau).
2. Cả hai đã tìm hiểu nền tảng thống nhất xã hội của nhau ra sao? (Hãy tìm hiểu những khía cạnh sau: thể thao, âm nhạc, khiêu vũ, tiệc tùng và mục tiêu nghề nghiệp).
3. Cả hai có hiểu rõ tính cách, những điểm mạnh và yếu của nhau không? (Hãy làm một hồ sơ tính cách dưới sự hướng dẫn của một chuyên viên tư vấn tâm lý. Chuyên viên này sẽ diễn đạt lại thông tin và giúp bạn nhận ra những mâu thuẫn tiềm ẩn trong tính cách của hai người).
4. Cả hai đã tìm hiểu nền tảng tín ngưỡng của nhau ra sao? (Niềm tin của các bạn vào các tổ chức tôn giáo, giá trị đạo đức là gì?).
5. Cả hai đã thành thật với nhau về những trải nghiệm tình dục của mình chưa? (Hai người đã tiến triển tới giai đoạn có thể thoải mái nói với nhau những chuyện như thế chưa?). Hai người bàn với nhau về quan điểm tình dục ở mức độ nào?
6. Cả hai đã khám phá ra và sử dụng ngôn ngữ yêu thương chính của nhau chưa? (Chỉ khi đã đong đầy khoang chứa tình cảm của nhau thì bạn mới có thể khám phá được những nền tảng trong mối quan hệ của mình).