"Tôi là hình hài cơ thể này.”
May thay, không đúng như vậy!
Nếu từng đọc qua bất kỳ cổ thư nào, từng nghiên cứu triết lý sống của hầu hết những vị thầy tâm linh (guru) trên thế giới và nếu đã nghe bài giảng của những bậc thầy đã giác ngộ của thế giới hiện đại, bạn sẽ thấy tất cả họ đều đồng tình với nhau một điều: Bạn không phải là cái hình dáng bạn đang trú ngụ trong đó. Bạn không phải là hình thể được phản chiếu lại từ chiếc gương soi. Nhưng khi xem lại câu chuyện của chúng ta, đó là điều đầu tiên bạn được dạy để tin. Nên đây là sự giả vờ đầu tiên trong danh sách dài những điều giả vờ mà chúng ta sẽ cùng nhau mổ xẻ! Khi bạn tin mình là cái vật thể đang nhìn chằm chằm từ trong gương, tiếp nối sau đó là hàng trăm niềm tin khác ùn ùn kéo đến bóp nghẹt nội tâm bạn và khiến cho cuộc sống của bạn rơi vào bất hạnh, khốn khổ.
Một loại niềm tin yên vị trong ý thức bạn, nó đã theo bạn suốt cuộc đời là niềm tin về sự tồn tại hữu hạn của bạn, rằng bạn sẽ chết, vì đó là điều cơ thể sẽ phải trải qua. Những gì giả tạm thì vòng đời của nó chóng kết thúc. giả vờ mình là cơ thể, bạn dễ dàng nhìn thấy ngay viễn cảnh chấm dứt của cuộc đời. Từ niềm tin này, nỗi sợ hãi được sinh ra, chủ yếu là sợ mất mát cái gì đó hay ai đó, nhưng thật ra đó là sự kết thúc sở hữu những điều ấy. Sợ hãi là stress, là khổ đau. Nhưng chúng ta học cách che đậy, biện minh thể hiện qua việc vờ chấp nhận nó là tự nhiên và cần thiết. Rồi chúng ta sớm biết được sợ hãi không thể đi đôi với tình yêu thương.
Dĩ nhiên hoàn toàn không có cách nào để chứng minh bằng khoa học rằng nhân vật “Tôi” thường nói “Tôi là” là một thực thể sống khác biệt so với thân thể mà bạn trú ngụ, bạn trao sức sống và sử dụng nó. Nhưng ít nhất cũng hãy xem xét những trải nghiệm được dày công thu thập, ghi chép về Trải nghiệm ra khỏi cơ thể/Chết lâm sàng (OBE - Out of Body Experiences) và Trải nghiệm cận tử (NDE - Near Death Experiences). Lưu ý rằng dù cơ thể của cụ ông/cụ bà đang có nhiều thêm những nếp nhăn vì tuổi tác, nhưng có vẻ như họ đang bước vào thời thơ ấu thứ hai khi tinh thần họ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn và giống với trẻ con hơn, trong khi cơ thể lại ngày một già đi. Vậy cái gì già cũ đi và cái gì thì không? hãy ghi chú lại trải nghiệm có thể xác minh về cơ thể của chính bạn đang “được đặt” trong căn phòng vào lúc này. giờ nó không thể ở nơi khác, nhưng “bạn” có thể rời khỏi phòng ngay lúc này và đi vào một chiều không gian khác, hoàn toàn mất đi nhận thức về cơ thể của bạn và về căn phòng. Ai đã làm điều đó? Cái gì đã làm điều đó? Cái gì đã rời bỏ không gian của căn phòng để đi vào chiều không gian khác. Chính bạn, nhân vật “Tôi” nói “Tôi là” đã làm việc này! Thực thể sống không có tên gọi - nhưng lại giả vờ là có tên - làm điều đó!
Vậy cái gì thật hơn, ngón tay của bạn hay suy nghĩ về ngón tay của bạn? Cái gì gần với bạn hơn, ngón tay hay suy nghĩ về ngón tay? Bạn không thể đưa suy nghĩ vào ống nghiệm để kiểm tra. Ai tạo ra suy nghĩ của bạn? Chính bạn! Vậy, bạn là người sáng tạo ra cái không thể bị cắt, đốt, nhấn chìm, chạm hay nếm! Cái gì đó không phải là vật chất. Nó hàm ý điều gì về bạn, người sáng tạo? Bạn là một thực thể sống phi vật chất.
Những suy nghĩ và hiểu biết về bản thể thật sự, về con người nội tâm thì không mới, nhưng chúng ta chưa bao giờ được nghe đầy đủ về chúng. Thế giới quanh ta khuyến khích và giúp ta giả vờ mình là cơ thể! Thú vui của “họ” là giữ bạn liên tục “sống giả” vì “họ” đang dựa cậy vào bạn để chi trả cho việc họ giúp bạn nuôi dưỡng sự giả vờ này!
Giờ đây, về lý thuyết, có thể bạn biết mình thật sự là ai và là gì, nhưng ngay khi đặt quyển sách này xuống, bạn lại bắt đầu lo toan cho công việc, trang điểm, than phiền chuyện thời tiết, chỉ trích người khác, nuôi hy vọng ngày mai cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, nghĩa là chưa có tác dụng gì. Bạn vẫn đang nhìn và đang sống trong thế giới với sự nhận dạng sai lầm về bản thân. Do vậy, lo lắng - hình thái biểu hiện thông thường nhất của nỗi sợ - gần như chắc chắn sẽ xuất hiện thường trực trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
Cần một chút thời gian và lòng kiên nhẫn để chuyển dịch lý thuyết về “bản thể thật sự” thành nhận thức đúng về bản thân. Quá trình này phụ thuộc nhiều vào việc bạn tự xem xét, kiểm tra nội tâm mình thường xuyên như thế nào, bạn trân trọng khoảnh khắc tĩnh tại, bình yên nội tâm nhiều bao nhiêu, bạn chuẩn bị cho cuộc thực nghiệm đi vào trong “tĩnh lặng”, thời gian dành để thực hành thiền định và bạn đánh giá giá trị của việc suy niệm trong thinh lặng được đến đâu. Tất cả những hình thức vận động nội tâm trong ý thức như thế này góp phần làm thức tỉnh trở lại nhận thức thật về bản thân và hòa hợp nhận thức ấy với những hoạt động thường nhật của bạn. Đồng thời, chúng góp phần chấm dứt sự giả vờ đầu tiên và sâu sắc nhất này.
Trở nên không mang hình hài
Việc giải thoát bản thân khỏi thói quen nhận dạng mình với hình hài vật chất là đầy thử thách, nhưng đang dần được tháo gỡ. Rất nhiều thói quen suy nghĩ thường ngày của chúng ta được định hình dựa trên “mối âu lo ý thức cơ thể/ý thức về những điều kiện bên ngoài”. Hãy dành ra vài phút để thực hiện bài tập mường tượng sau và nghiệm xem trong chốc lát, nó có thể giúp bạn tự do thoát khỏi sự gắn kết, sự bám víu, ràng buộc từ trong ý thức với cái hình hài bạn đang trú ngụ không. Tìm cho mình một góc yên tĩnh và hình dung bạn đang cầm một cục tẩy. Bạn sẽ tẩy xóa từng phần trên thân thể bạn ra khỏi tâm trí, mỗi lần xóa đi một phần. Vẽ ra hình ảnh thân thể bạn trên màn hình tâm trí. Bắt đầu từ đôi bàn chân của bạn. Dùng cục tẩy để xóa đi đôi bàn chân, xóa lên đến phần cẳng chân và từ từ “bôi” hết cả đôi chân. Rồi đẩy nhẹ cục tẩy lên đến thân mình và xóa dần cho dến khi mất hẳn. Tiếp tục xóa lên đến ngực cho đến hết. Xóa luôn vai và cổ. Cuối cùng, lướt cục tẩy để xóa hẳn gương mặt. Toàn thân bạn đã được tẩy xóa, tuy nhiên bạn vẫn nhận thức được về bản thân, bạn vẫn “ở đây”, có ý thức và nhận thức. Bạn tự do thoát khỏi ám ảnh về hình dáng bề ngoài của mình trong một lúc. Bạn có để ý thấy rằng mối lo âu đã biến mất và cảm giác điềm tĩnh đang dần tăng lên?