Đây cũng là câu chuyện của bạn. Nhưng hãy nhớ, chỉ là câu chuyện thôi.
Ngày xửa ngày xưa…
Lần đầu tiên bạn hiện hữu trên cõi đời này, bạn không biết mình là ai hay là gì, thậm chí không nhận ra bạn đang ở trong một cơ thể. Trong hình hài của một đứa trẻ, bạn không nhận ra bạn là đứa trẻ, vì bạn không có nhận thức về sự phân biệt.
Trong khi nhìn đời qua đôi mắt, bạn không nhận ra bạn có mắt. Bạn bị mê hoặc bởi một thế giới đầy sắc màu, đa dạng về hình thức biểu hiện. Niềm hân hoan và vui sướng trong vũ điệu ánh sáng này làm cho đôi mắt ngời sáng lấp lánh, một nụ cười tươi nở trên gương mặt và nhiều tiếng cười khúc khích phát ra từ đôi môi bạn, song bạn chưa nhận ra bạn đang làm điều đó.
Ngạc nhiên lớn đầu tiên xuất hiện khi người nào đó đặt một vật thể trước cái mà bạn sẽ sớm học được, biết được, đó là bàn tay của bạn. Khi chạm vào vật thể, bạn có cảm giác sờ chạm và lần đầu tiên nhận biết về điều gì đó tách biệt với bạn. Dần dà, bạn có cảm tưởng những gì đang xuất hiện trong ý thức của bạn là bạn. Do chưa học cách suy nghĩ, tư duy chín chắn, thấu đáo, bạn không nghĩ rằng đó chỉ là nhận thức ngây ngô ban đầu của mình.
Rồi gương mặt của những người lớn kia - những người mà sau này bạn biết đó là cha mẹ mình - bắt đầu xuất hiện thường xuyên với nụ cười trên môi. Càng thú vị hơn nữa là mỗi khi một trong những gương mặt này hiện lên trong nhận thức của bạn, một cảm giác ấm áp, như thể có một luồng ánh sáng đang tỏa chiếu vào bạn. Nhưng sau đó, bạn cảm nhận ánh sáng ấy không phải đến từ bên ngoài, mà chính bạn đang tự tỏa ra ánh sáng của mình.
Đôi khi một trong những gương mặt này không mỉm cười, bạn bắt đầu cảm thấy bị nhức nhối, đau đớn trong lòng; cảm nhận của con tim từ từ được hiển hiện qua gương mặt, thế là nét mặt cau có xuất hiện. Trong những khoảnh khắc ấy, bạn đang phản chiếu ánh sáng, làn sóng rung động của người khác qua tấm gương ánh sáng của mình.
Sau vài ngày hoặc vài tuần, bạn dần nhận ra sự khác biệt, riêng biệt của mình với ngoại cảnh xung quanh qua cách thức nói chuyện, cách cười và cách mà những gương mặt kia nhìn bạn. Dần dà, việc cảm thụ liên tục qua các giác quan thể chất đã giúp bạn hiểu được một thực tế mới mẻ, nghĩa là bạn có hình hài cơ thể, một phương tiện từng dưới quyền kiểm soát của bạn. Một cách bất ngờ, bạn có thể chạm và nắm giữ đồ vật mà trước kia chúng chỉ là những hình ảnh trôi vô định qua nhận thức của bạn. Sự phối hợp giữa đôi tay và đôi mắt - xúc giác và thị giác - bắt đầu phát triển, bạn nhận ra những gì từng xuất hiện trước kia thì thật sự “ở ngoài kia”, tách biệt khỏi bạn. gương mặt bạn sẽ thường xuyên phản ánh nỗi hoang mang đang tăng lên này và vầng trán đầy nếp nhăn sẽ kể câu chuyện về những khoảnh khắc bối rối khi bạn ọc cách lèo lái, tìm hướng đi cho mình trong thế giới vật chất.
Trong lúc ấy, những người lớn khác cứ đến rồi đi, bạn nhận thấy mình đang “được bồng lên” và “đặt xuống”, “nựng nịu” và “không được nựng nịu”, ai đó cười với mình và không ai thèm cười với mình. Bạn hoàn toàn nhạy cảm trước tâm trạng của họ, bạn bị ảnh hưởng theo nhịp thăng trầm trong cảm xúc của họ. Trong khi không biết chính xác bạn đang cảm thấy thế nào, thì bạn có thể cảm nhận được cảm xúc của họ ngay cả khi họ không hiện diện trong căn phòng. Tuy vậy, bạn chỉ lờ mờ nhận ra mối liên hệ giữa điều bạn đang cảm thấy và họ.
Khi ý thức về sự khác biệt, tách biệt giữa bạn với môi trường xung quanh trở nên mạnh mẽ, và khi những người lớn kia chỉ cho bạn xem nhiều vật thể và tạo ra âm thanh, tiếng động, bạn bắt đầu làm y như vậy. Bạn nhận ra bạn sẽ được tưởng thưởng bằng cơn sóng dâng tràn cảm giác nồng ấm từ họ khi bạn học cách gây nên “tiếng ồn” - sau này bạn mới biết đó là từ ngữ, câu nói, rồi ý tưởng và sau đó là quan niệm. Tuy nhiên, ngôn ngữ bạn học được cũng là ngôn ngữ của sự chia cách, phân biệt, và từ từ bạn nhận ra tình trạng cô lập, cách ly của mình, chỉ riêng một mình bạn, bạn… khác biệt. Theo cách hiểu của những người lớn ấy, bạn học hỏi được rằng bạn là một cô bé hoặc cậu bé, bạn là một đứa bé xinh xắn, bạn có gương mặt đáng yêu, hoặc bạn có một cái đầu nhỏ xinh hay có tính nghịch ngợm, bạn ngoan hay bạn hư.
Bạn ngây ngô tin tưởng những điều họ nói về bạn. hình ảnh về bản thân và ý thức về nhân dạng của bạn bắt đầu được định hình. Nhưng bạn không biết những gì bạn học được, những gì bạn được chỉ bảo về bản thân thì không hẳn là khôn ngoan, sáng suốt, nó thật vô nghĩa. Bạn đã không ngờ bạn bị “lập trình” bởi những ảo tưởng và niềm tin thuộc về thế giới xung quanh đang lan tràn phổ biến. Và “chương trình” cơ bản ấy có tên là “Những nhân dạng khác nhau của tôi”.
Trước khi nhận ra tất cả sự việc, bạn chỉ biết bạn đã là một thành viên trong gia đình; nếu họ của gia đình là Smith, bạn là Smith nhỏ. Bạn liên tục nghe thấy từ David hoặc Mary - bạn chưa biết đó là tên gọi - và vì vậy bạn trở thành David hoặc Mary. Rồi lần đầu tiên đi học, bạn đồng hóa mình với ngôi trường ấy. Khi chơi với bạn bè, bạn bắt chước theo những người hùng và “ngôi sao” trên ti-vi, bạn học cách đồng hóa mình với các nhân vật truyền hình. Khi bạn nhận được quyển hộ chiếu (passport) đầu tiên, bạn nhận dạng bản thân qua quốc tịch nơi bạn đang định cư. Khi bạn đạt được trình độ chuyên môn nhất định và một số văn bằng, nhân dạng mới về chuyên môn được thêm vào danh sách - “Những nhân dạng khác nhau của tôi”. Công việc đầu tiên của bạn tiếp tục mang đến hai nhân dạng mới được dựa trên những nhiệm vụ bạn đã hoàn thành và vị trí bạn đảm nhiệm. Rồi đến lúc bạn lập gia đình và bắt đầu có “con cái của tôi” và bạn trở về nhà với “gia đình của tôi”, theo đó bạn tạo ra “nhãn mác” gia đình.
Cuối cùng, bạn sẽ mang vác theo rất nhiều nhân dạng khác nhau. Khi bất kỳ nhân dạng nào trong số đó bị đe dọa, đôi khi đó chỉ là sự tưởng tượng, suy diễn của bạn thôi, thì bạn cũng cảm thấy lo âu và bất an. Sớm muộn gì nỗi lo âu này cũng biến thành những khoảnh khắc tức giận khi bạn học cách sử dụng “vũ khí” nóng giận để phòng vệ cho một hay nhiều nhân dạng khác nhau của mình. Thỉnh thoảng bạn tự hỏi tại sao cuộc đời ngày càng bị những khoảnh khắc đen tối xen ngang, lấn lướt, mà sau này bạn mới nhận ra đó là stress. Trong khi cuộc sống trước đây đã từng có cả quãng thời gian dài tốt đẹp, tràn đầy niềm vui, niềm hạnh phúc, nhưng giờ mọi thứ đang dần trở nên ngắn ngủi hơn và hời hợt hơn. Cuộc sống quanh ta dường như gấp rút, hối hả, tất bật hơn. Khi dòng thời gian trôi qua với tốc độ đáng “khiếp sợ”, bạn cảm thấy bạn phải làm nhanh hơn, gấp gáp hơn để còn có thể giữ chắc những nhân dạng khác nhau của mình.
Giữa nhịp sống bận rộn không ngừng gia tăng này, song song với việc mưu sinh để nuôi thân là việc quản lý những nhân dạng khác nhau kia, nó khiến bạn phí hoài phần lớn thời gian và sự để tâm chú ý. Song, thật khó nhận thấy stress, nỗi đau cảm xúc và nỗi bất hạnh của bạn luôn do bản thân bạn tạo ra. Những câu chuyện hoang đường đang lan nhanh này đây - bạn đã tiếp thu và đồng hóa với nó từ thời thơ ấu - đã thuyết phục bạn rằng “Không phải do tôi, là do họ. Họ đang khiến tôi cảm thấy như thế này”. Niềm tin được thu nhặt này sẽ nuôi dưỡng cho một trong những nhân dạng giả tạo thường xuyên gặp nhất “Tôi là nạn nhân”. Càng xem bản thân là nạn nhân, bạn càng vin vào những sự kiện và hoàn cảnh bên ngoài để khẳng định thêm cho tình cảnh nạn nhân của mình.
Khi cấp độ stress và thiếu thoải mái gia tăng, con người cảm thấy cần thoát khỏi tình trạng hiện tại này, không chỉ cứ sống theo kiểu phòng thủ hoặc tấn công, vì cuộc sống đâu phải là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Bạn bắt đầu ý thức tìm kiếm những nguyên do và giải pháp cho nỗi bất hạnh, cho sự cục cằn, gắt gỏng, cho sự căng thẳng và đau khổ của bạn. Trong suốt quá trình tìm kiếm, bạn thấy mình đã lãng phí cuộc đời để tin bạn là điều gì đó hay là ai đó vốn không phải là mình. Bạn đang “giả vờ”! Sự tích tụ những nhân dạng khác nhau và đồng hóa với chúng là nguyên nhân tiềm ẩn sinh ra nỗi thất vọng, sợ hãi, stress, và theo đó là nỗi bất hạnh. Không chỉ riêng bạn, mọi người cũng đang trong tình trạng “sống giả vờ” mà không nhận ra!
Từ từ, bạn bắt đầu xóa chương trình “Những kiểu nhân dạng khác nhau của tôi” khỏi “hệ điều hành” ý thức, trong tích cực nỗ lực để chấm dứt sự giả vờ.