Một trong những chiến lược nền tảng để sống một cuộc đời tốt đẹp là bạn biết mình cần thông tin gì để đạt được những mục tiêu mà mình hướng đến. Và bạn cũng cần phải biết làm thế nào để thu thập những tri thức đó.
Một trong những điều tốt đẹp nhất mà ông Shoaff đã làm cho tôi vào buổi đầu ấy là đã truyền thụ cho tôi giá trị của việc học.
Ông ấy nói: “Nếu cậu muốn thành công, hãy học thành công. Nếu cậu muốn hạnh phúc, hãy học hạnh phúc. Nếu cậu muốn làm ra tiền, hãy học cách đạt đến sự giàu có. Những người đạt được những điều này đều không tình cờ đạt được, mà trước tiên là học và thứ đến là thực hành”.
Bạn có muốn thử đoán xem có bao nhiêu người coi sự giàu có là một môn học không? Phải, rất ít. Nếu xem xét phần đông đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự giàu có và hạnh phúc, bạn có cho rằng họ học hỏi cẩn thận những điều này không? Hẳn là không nhỉ? Lý do tại sao lại cũng thuộc phạm trù đặc biệt mà tôi gọi là “những bí ẩn của cuộc sống”.
Nhiều năm trước, tôi đã biết được rằng một số lời khuyên rất hữu ích có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Câu trong Kinh Thánh mà tôi đã trích dẫn ở chương trước có vế sau là: “Hãy tìm, sẽ gặp”. Và đây chính là cách để khám phá tri thức mới, từ đó mới tạo ra những ý tưởng mới. Tìm kiếm, tìm tòi. Để thấy được thứ gì đó, trước tiên bạn phải tìm. Bạn cần tìm kiếm một ý tưởng lớn lao để thay đổi cuộc đời mình? Hiếm khi nó xuất hiện không duyên cớ. Nhưng nếu bạn kiên tâm tìm kiếm kiến thức, đúng ý tưởng mà bạn cần sẽ xuất hiện trên con đường bạn đi, thường vào lúc bạn không ngờ nhất.
NẮM BẮT KHO TÀNG TRI THỨC
Đây là một từ nền tảng khác mà bạn cần suy ngẫm: nắm bắt. Những ý tưởng tuyệt vời thường lướt qua nhanh và dễ dàng bị lãng quên… cũng giống như những khoảnh khắc mà ta chợt nhận ra cuộc sống trở nên đáng sống. Đó là lý do tại sao việc học cách để nắm bắt những điều thật sự có ý nghĩa là rất quan trọng.
Thứ nhất, học cách nắm bắt những khoảnh khắc đặc biệt. Hãy học sử dụng máy ảnh, và chụp thật nhiều bức ảnh. Khả năng thu giữ hình ảnh một sự kiện xảy ra trong chưa đến một phần mấy giây là một hiện tượng của thế kỷ 20. Và chúng ta cũng nhanh chóng xem các hiện tượng xảy ra là hiển nhiên.
Tôi sẽ kể cho bạn một chuyện gần đây. Trong ba năm qua, mỗi năm tôi đều được mời đến diễn thuyết tại Đài Loan. Trong chuyến đi gần đây nhất, tôi dẫn dắt một cuộc hội thảo vào cuối tuần với khoảng một ngàn người tham dự. Nào, bạn đoán xem, nếu có một ngàn người tham dự thì sẽ có bao nhiêu máy ảnh trong phòng hội thảo? Đúng – một ngàn cái! Mọi người mang theo máy ảnh để thu giữ hình ảnh những khoảnh khắc, những người bạn mới, những trải nghiệm mới. Kết cục là phần lớn thời gian của tôi ở đó được dành cho việc chụp ảnh cùng mọi người.
Bạn đã bao giờ xem những bức ảnh cách đây vài thế hệ chưa? Không may là chỉ còn rất ít những bức ảnh như vậy được lưu hành. Chẳng phải sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta có được đầy đủ những hình ảnh để kể lại toàn bộ câu chuyện về cuộc sống cách đây một trăm năm sao? Vì vậy, đừng đánh mất sự hăng say. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ để lại đằng sau cuộc đời mình toàn bộ câu chuyện của bạn bằng một kho báu ảnh và video.
Một cách khác để nắm bắt tri thức là tạo một thư viện cá nhân của riêng mình. Tôi không nói đến những quyển sách mà các nhà thiết kế nội thất của bạn đã mua. Tôi muốn nói đến những quyển sách đã sờn gáy và được đánh dấu nhiều chỗ – những quyển mà bạn chọn để học và gạch dưới những chỗ quan trọng, những quyển mà bạn có ghi chú bên lề sách, những quyển giúp định hình triết lý của bạn về những giá trị của cuộc sống. Đó mới chính là kho báu thật sự cần nắm giữ.
Ngày nay, với khái niệm truyền thông đã được mở rộng, kho báu mà tôi đang nói đến này cũng bao gồm tất cả các phương tiện truyền thông như băng từ, video… đang định hình cuộc sống của chúng ta để nó trở nên ngày càng tốt đẹp. Đó cũng là một di sản đặc biệt cho con cháu của chúng ta.
Cuối cùng, bạn sẽ cần nắm bắt mọi tri thức mà bạn có được trong quá trình sống cuộc đời mình. Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích bạn, một người học nghiêm túc “môn học” giàu có và hạnh phúc, sử dụng một quyển sổ tay hay nhật ký để làm nơi thu thập mọi ý tưởng bất chợt đến với bạn. Những gì dần định hình và nảy sinh là một kho báu ngoài mong đợi – những ý tưởng kinh doanh, ý tưởng xã hội, ý tưởng văn hóa, ý tưởng đầu tư, ý tưởng về phong cách sống. Bạn có thể hình dung được giá trị mà điều này mang lại không? Chắc chắn loại kho báu này là một gia sản đáng giá hơn chiếc đồng hồ cổ của bạn!
CÁCH ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC SỰ THÔNG THÁI
Có hai cách để thu thập tri thức và trở nên thông thái. Một cách là học từ chính cuộc sống của bạn. Cách thứ hai là học từ cuộc sống của những người khác.
Suy nghiệm lại bản thân
Hãy suy nghiệm lại toàn bộ những trải nghiệm đã qua trong đời mình. Hãy học kỹ năng suy nghiệm, tức là nhìn lại, suy nghĩ một cách cẩn trọng về những sự kiện trong cuộc sống với chủ ý học hỏi từ đó. Tôi gọi quá trình này là “tua lại cuộn băng”.
Những sự kiện trong cuộc sống của bạn là một trong số những nguồn thông tin hữu ích nhất. Vì vậy, đừng chỉ đơn thuần để những ngày của bạn trôi qua – hãy thu nhận từ chúng. Hãy nhận biết những gì xảy ra xung quanh bạn ngày hôm đó để tạo ra những rãnh nhớ trong cuộn băng ở tận trong tâm thức của bạn.
Hãy dành thời gian và nơi chốn cho mọi chuyện – những khoảng thời gian cho hành động và những khoảng thời gian để ngẫm lại. Nhưng hầu hết chúng ta lại không dành thời gian cho việc suy nghiệm lại một cách nghiêm túc. Với lịch trình bận rộn, chúng ta thường bỏ qua phần quan trọng này của công thức cho sự thành công.
Vào mỗi cuối ngày, bạn hãy dành vài phút để ôn lại những gì đã xảy ra trong ngày – bạn đã đi những đâu, đã làm những gì, đã nói những gì. Hãy suy nghiệm lại những việc tốt và không tốt mình đã làm, những việc bạn vẫn sẽ làm và những việc bạn sẽ không làm nếu thời gian đó quay lại. Hãy cố gắng hình dung lại các sự việc một cách sống động nhất. Hãy nhớ lại màu sắc, khung cảnh, âm thanh, lời nói, cảm nhận.
Bạn thấy đó, kinh nghiệm có thể trở thành hàng hóa hoặc tiền – nguồn giá trị mà bạn không ngờ đến. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu bạn dành thời gian để ghi lại kinh nghiệm, suy nghiệm về nó và biến nó thành những gì có giá trị. Rốt cuộc, không phải những gì xảy ra trong cuộc sống của mỗi người sẽ làm chuyển biến cuộc sống của người đó, mà cách họ ứng xử trước những sự việc xảy ra mới tạo nên sự khác biệt. Và để có thể làm điều gì đó tích cực cho cuộc sống, chúng ta phải tiếp thu những thông tin có giá trị từ chính cuộc sống.
Một thời điểm phù hợp khác để bạn suy nghiệm lại bản thân là vào cuối những khoảng thời gian như một tuần, một tháng hay một năm. Bạn hãy dành vài giờ vào cuối mỗi tuần, dành một ngày vào cuối mỗi tháng, và dành một tuần vào cuối mỗi năm... để nhìn lại, suy ngẫm và chiêm nghiệm từng sự việc đã xảy đến trong cuộc sống của bạn.
Những người khôn ngoan đã học được cách để tích lũy quá khứ và đầu tư vào tương lai. Khi cha tôi bước sang tuổi 76, tôi nói với ông: “Cha ơi, cha có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra nếu cha tập hợp lại 75 năm qua và đầu tư vào năm thứ 76 của mình không?”.
Bạn có bao giờ nghĩ về cuộc sống theo cách này? Bằng cách này, cuộc sống có thể trở nên hiệu quả và lý thú hơn bao giờ hết. Đừng chỉ đơn thuần là sống thêm một năm. Thay vào đó, tập hợp lại những năm bạn đã trải qua và đầu tư tất cả vào năm tiếp theo. Đừng chỉ đơn thuần là có thêm một cuộc đối thoại. Thay vào đó, tập hợp lại tất cả những cuộc đối thoại của bạn trong quá khứ và đầu tư tất cả vào cuộc đối thoại tiếp theo.
Vì vậy, hãy khởi động một kỷ luật mới. Hãy khám phá – bằng cách quan sát cuộc sống của bạn – điều gì và cách thức nào giúp cho mọi thứ vận hành tốt trong thế giới này. Đừng bao giờ để ai đó nhận xét rằng bạn đã sống cuộc sống này mà không hiểu biết gì về nó. Bạn có thể không làm được mọi điều mình khám phá nhưng phải đảm bảo rằng bạn khám phá tất cả những gì mình làm. Bạn không muốn sống một cuộc đời chỉ để rốt cuộc nhận ra rằng bạn đã sống chỉ 1/10 cuộc sống, rằng bạn đã để cho 9/10 còn lại trôi qua lãng phí.
Khi bạn học cách sống cuộc sống của mình, hãy chắc rằng bạn học cả những điều tiêu cực bên cạnh những điều tích cực, cả thất bại lẫn thành công. Những cái gọi là thất bại cũng giúp ích cho chúng ta không kém những bài học có giá trị. Thông thường, những thất bại dạy chúng ta nhiều hơn cả những thành công.
Một trong những cách để chúng ta học làm đúng một điều là làm sai điều này trước đó. Những việc làm sai mang lại những bài học đáng giá trong cuộc sống. Bây giờ thì tôi khuyên bạn không nên học “bài học đáng giá” này quá lâu. Nếu bạn đang thực hiện một cách thức nào đó và nó không thật ổn trong mười năm qua thì tôi khuyên bạn không nên tiếp tục thêm mười năm nữa. Nhưng nếu bạn có thể học nhanh thì không gì tốt bằng. Không có phương cách nào tốt hơn, cho cả cảm xúc của bạn, là học từ kinh nghiệm cá nhân.
Khi gặp ông Shoaff, tôi đã làm việc được sáu năm. Không lâu sau đó, ông ấy đã hỏi tôi: “Jim à, tính đến nay, cậu đã làm việc được bao lâu rồi?”. Tôi trả lời ông ấy số năm mình đã làm việc.
“Cậu thấy thế nào?”, ông ấy hỏi tiếp.
“Không hoàn toàn tốt đẹp”, tôi đáp, cảm thấy hơi buồn khi phải thú nhận điều này.
“Vậy thì tôi khuyên cậu không nên làm việc đó nữa”, ông ấy nói. “Sáu năm đã đủ dài để vận hành một kế hoạch sai.”
Rồi ông ấy hỏi: “Cậu đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong sáu năm qua?”.
“Không được đồng nào ạ”, tôi ngượng ngùng thú nhận.
Ông ấy nhướng mày, nói: “Kẻ nào đã bán cho cậu kế hoạch đó vậy?”.
Câu hỏi thật tuyệt. Tôi đã lấy ở đâu ra kế hoạch tai hại này? Chà, mọi người đều dùng kế hoạch của người khác. Câu hỏi đặt ra là kế hoạch của ai.
Bạn đã dùng kế hoạch của ai?
Tôi phải nói để bạn biết rằng những cuộc đối mặt đầu tiên với những kinh nghiệm trong quá khứ của chính bạn sẽ rất đau đớn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đã gây ra nhiều lỗi lầm như tôi. Nhưng hãy nghĩ về những lợi ích bạn nhận được! Hãy nghĩ về những tiến bộ mà bạn có thể đạt được khi quyết định đối mặt với những sai lầm của mình!
Học từ người khác
Một cách khác để bạn có được tri thức là học theo người khác, thông qua kinh nghiệm của họ. Và bạn có thể học từ thành công cũng như thất bại của họ. Một trong những lý do khiến Kinh Thánh là một vị thầy giỏi vì đó là một bộ sưu tập những câu chuyện của loài người về cả hai phương diện, thất bại và thành công.
Có thể phân loại những câu chuyện thành hai danh sách. Một danh sách được gọi là “Những gương tốt”, với thông điệp: Hãy làm những gì những người này đã làm. Danh sách còn lại được gọi là “Những cảnh báo”, với thông điệp: Đừng làm những gì những kẻ ngu ngốc này đã làm. Thật là một gia tài thông tin đáng giá!
Nhưng có lẽ vẫn còn có một thông điệp khác. Nếu như có khi nào câu chuyện của bạn được đưa vào quyển sách của một người nào đó thì phải đảm bảo rằng nó được dùng làm gương tốt chứ không phải để cảnh báo…
Có ba cách để một người có thể học từ người khác:
1. Thông qua những nội dung được in ấn, phát hành hay truyền thông như sách, băng đĩa hay video.
2. Bằng việc lắng nghe người khác chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết và việc làm dại dột của họ.
3. Từ việc quan sát những người thành công và những người thất bại.
Chúng ta hãy cùng thảo luận về từng điểm trên.
Sách, băng đĩa hay video
Tất cả những người thành công mà tôi từng tiếp xúc đều là những người đọc nhiều. Họ đọc, đọc và đọc. Chính tính hiếu kỳ của họ đã thôi thúc họ đọc. Họ chỉ đơn giản là phải hiểu biết. Họ không ngừng tìm kiếm những phương cách mới để trở nên tốt hơn. Bạn hãy ghi nhớ câu này: Tất cả những nhà lãnh đạo đều là những người đọc nhiều.
Trước đây, các ấn phẩm được xuất bản có nghĩa là những gì được in ra, như sách. Nhưng ngày nay, chúng ta còn có các ấn phẩm điện tử. Tôi đang nói đến các nội dung audio, video và các nội dung được truyền tải trên các phương tiện truyền thông khác – tất cả đều là những phương cách tuyệt vời để tích lũy tri thức.
Nhiều người bận rộn mà tôi biết tận dụng thời gian trống để tự học bằng cách nghe các bài giảng audio. Ví dụ, họ thường nghe băng đĩa trong khi đang lái xe. Nghe băng đĩa là một cách dễ dàng để tiếp thu những sáng kiến và kỹ năng mới.
Bạn có biết rằng có hàng ngàn quyển sách và băng đĩa nói về việc làm thế nào để trở thành một người mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, một diễn giả giỏi hơn, một nhà lãnh đạo hiệu quả hơn, một người yêu tốt hơn; làm thế nào để phát triển khả năng gây ảnh hưởng; làm thế nào để tìm người yêu; làm thế nào để hiểu biết và tinh tế hơn; làm thế nào để khởi sự một công việc kinh doanh – và hàng ngàn chủ đề hữu ích khác? Vậy mà nhiều người lại không dùng đến kho tàng tri thức này. Bạn nghĩ như thế nào về điều đó?
Còn nữa, bạn có biết rằng hàng ngàn người thành công đã cống hiến những câu chuyện truyền cảm hứng của họ trên giấy? Vậy mà người ta còn không muốn đọc. Bạn nghĩ như thế nào về điều đó?
Anh chàng đó của chúng ta rất bận rộn, tôi đoán vậy. Anh ta nói: “À, anh nói đúng. Nhưng anh hãy thử làm việc ở vị trí của tôi xem, lúc anh về tới nhà thì đã trễ; anh ăn cho xong bữa, xem truyền hình một chút cho thư giãn rồi vào giường ngủ. Anh không thể nào thức đến nửa đêm để đọc, đọc, đọc”. Và anh chàng đó luôn trễ hạn trả hóa đơn. Anh chàng đó là một người làm việc tốt, luôn chăm chỉ và nhiệt tình. Này, bạn có thể nhiệt tình và làm việc cật lực trong suốt cuộc đời mình nhưng kết cục của bạn vẫn là rỗng túi, hoang mang và luôn túng bấn. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người làm việc tốt. Bạn phải là người đọc nhiều. Và nếu bạn không thích đọc, ít ra bạn cũng có thể lắng nghe một đoạn audio hữu ích trên đường về nhà chứ?
Ngay bây giờ, bạn không cần phải đọc sách hay nghe một đoạn audio/video đến nửa đêm (nhưng nếu bạn đang rỗng túi thì đây không phải là một ý tưởng tồi). Tất cả những gì tôi yêu cầu là bạn bỏ ra 30 phút mỗi ngày để học. Chỉ vậy thôi.
Bạn thật sự muốn thành công? Vậy thì hãy kéo dài thời gian đến một giờ. Nhưng tối thiểu bạn phải dành ra 30 phút. À, đúng rồi, còn một điều nữa: Bạn không được bỏ lỡ thời gian cho việc này. Bạn có thể bỏ một bữa ăn nhưng không được để lỡ 30 phút học tập của mình. Tất cả chúng ta có thể không ăn một vài bữa nhưng không ai trong chúng ta nên để mất cơ hội nảy sinh những ý tưởng, học hỏi từ những gương tốt và được truyền cảm hứng cả.
Kinh Thánh dạy chúng ta rằng con người không thể chỉ sống bằng bánh mì. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng khi đã có đủ thức ăn, trí óc và tâm hồn chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng lời lẽ. Không may là hầu hết mọi người đều bị suy dinh dưỡng tâm trí.
Gần đây, tôi nói với nhân viên của mình: “Một số người đọc ít đến nỗi họ bị còi cọc tâm trí”. Bạn không chỉ cần phải nuôi dưỡng tâm trí mà còn nên đảm bảo rằng mình có một “chế độ ăn” thật sự cân đối cho tâm trí. Đừng chỉ nuôi dưỡng tâm trí bạn bằng những thứ “dễ ăn”. Bạn không thể sống bằng kẹo ngọt tinh thần.
Hãy xem thời gian đọc sách của bạn như là thời gian để “khai thác kho tàng ý tưởng”. Và nếu có ai đó tìm được một lời biện minh hay lý do chính đáng cho việc không dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để truy cập kho báu đó hay cho việc không đầu tư chút ít tiền để thu thập tri thức thì tôi rất mong được nghe lý do đó. Những lý do đó hẳn là rất khó để nghĩ ra!...
Này bạn, hãy đầu tư tiền bạc. Mua sách và những băng đĩa bạn cần để tự đào tạo. Đừng hẹp hòi với bản thân khi cần đầu tư cho một tương lai tốt đẹp hơn của chính mình.
Ông Shoaff dạy tôi bắt đầu với sách ngay từ đầu. Ông ấy nói: “Hãy trở thành người có khả năng tự học. Nền giáo dục theo tiêu chuẩn thông thường sẽ mang lại cho cậu những kết quả ở mức thông thường. Hãy kiểm tra con số thu nhập của những người có nền giáo dục theo tiêu chuẩn thông thường và xem đó có phải là mức mà cậu mong muốn không. Nếu không, nếu muốn nhiều hơn mức trung bình, cậu phải trở thành người có khả năng tự học”. Thế là tôi bắt tay vào xây dựng một thư viện. Và ngày nay tôi có một trong những thư viện tốt nhất.
Ông Shoaff gợi ý một vài quyển sách để tôi bắt đầu. Một trong số đó là Kinh Thánh mà tôi đã có sẵn. Kinh Thánh gồm 66 quyển và cha mẹ tôi chú trọng việc này nên tôi đọc Kinh Thánh nhiều đến mức thông thuộc. Tôi cho rằng mình đã có được một khởi đầu khá tốt.
Nhưng ông ấy còn khăng khăng rằng tôi phải có quyển Nghĩ Giàu & Làm Giàu (Think & Grow Rich) của Napoleon Hill. Nếu bạn chưa đọc quyển này, tôi khuyên bạn nên mua ngay cho mình một quyển. Tôi đã đọc quyển sách tuyệt vời này cả chục lần. Tôi cần phải làm vậy. Shoaff nói: “Sự lặp lại là mẹ của kỹ năng”. Và với tình trạng tài khoản ngân hàng của tôi khi ấy, tôi cần rất nhiều kỹ năng.
Khi tôi nhìn lại, những thông tin mà tôi nhận được trong quyển sách đáng giá hàng chục ngàn đô-la. Vậy mà tôi đã mua nó chỉ với giá vài xu. Điều này đã dạy tôi một bài học quan trọng: Có thể có một sự khác biệt lớn lao giữa giá cả và giá trị. Trước khi gặp ông Shoaff, tôi từng có thói quen hỏi: “Nó có giá bao nhiêu?”, nhưng ông ấy đã dạy tôi hỏi: “Nó có giá trị như thế nào?”. Khi tôi bắt đầu xây dựng cuộc đời mình dựa trên giá trị thay vì giá cả, mọi chuyện bắt đầu xảy đến.
Hãy nhớ điều này: Bạn là những gì bạn đọc.
Khi viếng thăm một người, một trong những việc đầu tiên tôi làm là nhìn qua thư viện của người đó. Tôi thấy ra được nhiều điều ở một người bằng cách xem qua bộ sưu tập sách và băng đĩa của người đó hơn là qua những câu trao đổi ngẫu nhiên với họ. Việc chọn sách và băng đĩa tiết lộ những suy nghĩ, ước muốn và giá trị chính yếu của người đó.
Thư viện của bạn nói lên điều gì về bạn? Bạn thấy đó, đọc sách không phải là một thú tiêu khiển xa xỉ; nó là điều cần thiết cho những ai muốn trưởng thành, phát triển. Vậy nên, đừng giống như một vài người bạn của tôi, những người cho rằng tấm bằng tốt nghiệp trung học hay đại học đã có thể đảm bảo cho họ để không bao giờ phải đọc thêm một quyển sách nào nữa. Hãy bắt đầu đọc sách, đặc biệt là những loại sách giúp bạn giải phóng những tiềm năng bên trong mình.
Giờ đây bạn có đang nghĩ về tất cả những quyển sách mình nên đọc không? Nếu có thì có vài tin tốt lành đây: Bạn không phải đọc ngay một lúc tất cả các quyển sách đó. Hãy thử đọc hai quyển mỗi tuần. Và nếu bạn cảm thấy như thế vẫn hơi nhiều, hãy chọn hai quyển mỏng để bắt đầu. Thực hiện điều này trong mười năm và bạn sẽ đọc được trên một ngàn quyển sách! Bạn có cho rằng việc tiếp nhận tri thức chứa đựng trong một ngàn quyển sách sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn ở nhiều khía cạnh không? Đó là điều tất yếu.
Điều này cũng có nghĩa là nếu bạn không đọc hai quyển sách mỗi tuần trong mười năm qua thì bạn tụt lại đằng sau một ngàn quyển sách so với những người đọc nhiều ở mức ấy. Có lẽ bạn đã bắt đầu hiểu ra sự kém ưu thế không ngờ của mình sau mười năm nếu bạn bước vào thị trường mà đi sau người khác hai ngàn quyển sách? Tại sao ư, vì trong một số cuộc đối đầu phức tạp hơn, bạn sẽ trở thành tấm bia đỡ đạn. Họ sẽ nhai bạn ngấu nghiến và nhổ toẹt bạn ra.
Nhưng không chỉ có thế. Bạn cũng sẽ bỏ lỡ một số cơ hội tuyệt vời vì thiếu kiến thức. Và triết lý của bạn cũng quá mờ nhạt để có thể giúp bạn vững vàng đi qua những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống.
Thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, thiếu nhận thức sâu sắc, thiếu những giá trị, thiếu phong cách sống đều là hệ quả của việc không đọc sách. Hãy nhớ rằng quyển sách chưa được đọc là quyển sách không thể giúp ích gì cho bạn. Số sách bạn đọc không bao giờ là quá nhiều nhưng rất có thể là quá ít.
Lắng nghe
Lắng nghe là một phương cách tuyệt vời cho việc học hỏi. Hãy để tôi đề xuất với bạn một ý tưởng khác thường, đó là hãy chọn một người thật sự thành công và mời anh ấy hay cô ấy đi ăn tối. Một người nghèo (tất cả chúng ta dù thành công tới đâu cũng đều nghèo so với một ai đó) nên đầu tư vào việc tiếp đãi một người giàu. Rồi ta làm gì lúc ấy? Lắng nghe – đúng vậy đó, hãy lắng nghe.
Hãy mạnh dạn thử xem sao nhé. Chi khoảng 50, 60, 80, thậm chí 100 đô-la. Hãy tiến hành chín “khóa học” như vậy. Bắt đầu với các món khai vị và đặt câu hỏi. Chẳng hạn, bạn vừa thưởng thức món rau trộn (trong khoảng 15 phút), vừa giữ cho cuộc trò chuyện tiếp diễn. Bạn thường mất 45 phút để nhâm nhi xong món bít-tết – vẫn tiếp tục đặt câu hỏi nhé. Gọi món tráng miệng. Hãy xem bạn có thể kéo dài bữa ăn trong bao lâu. Hãy cố duy trì bữa ăn trong ít nhất là hai giờ. Bạn có thể học hỏi các chiến lược và thái độ ứng xử để từ đó nhân thu nhập của mình lên và thay đổi cuộc đời mình.
Tất nhiên là bạn đúng. Những người nghèo thường không mời người giàu đi ăn tối. Đó có lẽ là lý do khiến họ nghèo.
Anh chàng đó của chúng ta nói: “Vì hắn ta giàu nên hãy để hắn ta tự mua bữa tối! Tôi chẳng mong học được cách kiếm ra tiền. Vả lại, anh thử làm việc ở vị trí của tôi xem: khi anh lê về tới nhà thì đã trễ; anh ăn cho xong bữa, xem truyền hình một chút cho thư giãn rồi vào giường ngủ. Anh không còn thời gian để cố tìm cho ra một người giàu rồi mời họ đi ăn”. Và đó chính là anh chàng luôn ở trong tình trạng nợ nần, luôn thiếu trước hụt sau! Anh ta là một người làm việc tốt, luôn chăm chỉ và nhiệt tình. Nhưng bạn có thể nhiệt tình và làm việc cật lực trong suốt cuộc đời mình nhưng kết cục của bạn vẫn là nghèo túng và không hạnh phúc. Bạn phải trở thành một người làm việc tốt hơn cả tốt. Bạn phải là một người giỏi lắng nghe.
Quan sát
Cách thứ ba để học hỏi từ người khác là quan sát. Hãy quan sát những người thành công. Tại sao ư? Vì sự thành công luôn để lại những manh mối. Hãy xem cách mà một người đàn ông thành công bắt tay người đối diện. Hãy xem cách mà một người phụ nữ thành công đặt câu hỏi. Họ đều sở hữu những thói quen để thành công. Họ tạo ra những kiểu hành vi thắng cuộc, cũng như những kẻ tụt lại phía sau tạo ra những kiểu hành vi thua cuộc. Bạn muốn thăng tiến? Hãy quan sát người quản lý của mình. Bạn muốn làm ra nhiều tiền như người chú của bạn? Hãy quan sát cách quản lý tiền nong và phong cách sống của ông ấy.
Một trong những lý do bạn nên tham dự những cuộc hội thảo do những người thành công tổ chức là vì bạn có thể quan sát họ. Không một quyển sách hay đoạn băng audio nào dù tốt đến đâu có thể chuyển tải được sức mạnh của truyền thông phi ngôn từ. Đây là lý do mà các nội dung video là những công cụ tuyệt vời cho truyền thông toàn diện.
Vì vậy, hãy trở thành một người quan sát tốt. Đừng để vuột mất bất kỳ manh mối nào có thể giúp bạn thay đổi để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.
ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI
Tìm kiếm tri thức là một trong những chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc. Đây quả thật là một ý tưởng mạnh mẽ: dành thời gian cho công cuộc tìm kiếm tri thức một cách nhất quán, có kỷ luật và có mục đích. Nhưng cũng như với mọi thứ đáng giá khác, có một cái giá phải trả. Và điều này không may lại khiến một số người bỏ cuộc. Việc tìm kiếm tri thức đòi hỏi sự đầu tư. Trong thực tế, có ba loại đầu tư mà bạn cần phải đáp ứng để có được bước đầu thành công trong hành trình xứng đáng này:
Thứ nhất, đó là sự đầu tư tiền bạc. Bạn cần phải tiêu tốn tiền để mua sách, băng đĩa và tham dự các buổi hội thảo. Đó là lý do tôi khuyên bạn lập ngân sách giáo dục cho riêng mình. Mỗi tháng, hãy dành riêng một phần thu nhập của bạn để đầu tư vào việc tìm kiếm tri thức cho mình. Hãy chi tiền để nuôi dưỡng gã khổng lồ đang ngủ yên bên trong bạn – một khoản tiền có giới hạn hứa hẹn mở ra những tiềm năng vô hạn.
Khoản đầu tư tiếp theo quan trọng hơn tiền bạc, đó là thời gian. Chi phí thời gian là khoản đầu tư lớn. Tôi hiểu điều đó. Yêu cầu một người chi tiền là một chuyện, nhưng yêu cầu người đó bỏ thời gian là chuyện hoàn toàn khác. Ôi trời, không có con đường tắt nào đâu. Cho đến khi có một cỗ máy để bạn có thể cẩu tri thức lên và đổ vào não của bạn thì ta còn phải tốn thời gian – loại thời gian quý báu. May thay, cuộc sống có một cách thức độc đáo để sự đầu tư lớn lao được tưởng thưởng bằng những kết quả lớn lao. Sự đầu tư thời gian của bạn bây giờ có thể là chất xúc tác cho những thành tựu to lớn của bạn trong tương lai.
Cuối cùng là sự đầu tư nỗ lực. Việc học hành nghiêm túc đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn rất nhiều so với việc học thông thường. Trong mọi việc bạn làm – cho dù là quan sát chính mình, đọc hay quan sát người khác – mức độ nỗ lực của bạn sẽ tác động sâu sắc đến lượng kiến thức mà bạn thu nhận được. Một tâm trí tập trung cũng giống như một phát súng bắn trúng tâm của tấm bia ý tưởng. Và sự tập trung ở mức ấy đòi hỏi bạn phải nỗ lực để chú ý. Chính sự nỗ lực này sẽ mở “cổng xả lũ” để cho những dòng ý tưởng tuyệt vời tuôn ra, phát huy được tiềm năng kỳ diệu của chúng, đưa bạn đến gần hơn với đời sống sung túc và hạnh phúc.